Quan hệ kinh tế quốc tế: Câu hỏi lý thuyết ôn tập (có đáp án)

CÂU HỎI LÝ THUYẾT ÔN TẬP MÔN QUAN HỆ KINH TẾ QUỐC TẾ 

CHƯƠNG 1: NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ QUAN HỆ KINH TẾ QUỐC TẾ 

Câu 1: Nêu khái niệm quan hệ kinh tế quốc tế và nền kinh tế thế giới

1.Khái niệm quan hệ kinh tế quốc tế

Để phản ánh sự phụ thuộc giữa các nền kinh tế của các quốc gia trên thế giới với nhau trong quá trình tồn tại và phát triển, thuật ngữ quan hệ kinh tế quốc tế đã được sử dụng.

Quan hệ kinh tế quốc tế: mối quan hệ về kinh tế giữa từ hai quốc gia trên thế giới với nhau. Không một quốc gia nào trên thế giới tồn tại, phát triển có hiệu quả mà không có mối quan hệ nào với các quốc gia khác trên thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế.

Quan hệ kinh tế quốc tế là yếu tố cơ bản giúp hình thành và phát triển nền kinh tế thế giới. Quan hệ kinh tế quốc tế phản ánh yêu cầu khách quan của sự phát triển lực lượng sản xuất trong nền kinh tế thế giới. Quan hệ kinh tế quốc tế là những mối quan hệ tất yếu phát sinh trong quá trình tác động qua lại lẫn nhau giữa các chủ thể của quan hệ kinh tế quốc tế.

Dấu hiệu để nhận biết và phân biệt quan hệ kinh tế quốc tế với nhiều loại quan hệ khác giữa các quốc gia: Quan hệ kinh tế quốc tế là quan hệ chứa đựng đồng thời cả quan hệ kinh tế và quan hệ quốc tế. Theo đó:

– Quan hệ kinh tế được hiểu là quan hệ phát sinh trong quá trình sản xuất kinh doanh, tổ chức – quản lý sản xuất kinh doanh, sử dụng lao động, phân phối sản phẩm, dịch vụ trong xã hội và các quan hệ khác phát sinh trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Các quan hệ kinh tế chịu sự chi phối và tác động của các quy luật kinh tế khách quan như: quy luật cung cầu, quy luật giá trị, quy luật cạnh tranh, quy luật lợi ích cận biên giảm dần, quy luật lưu thông tiền tệ…

Mỗi quốc gia trên thế giới, để tồn tại và phát triển đều cần có các mối quan hệ với các quốc gia khác, như quan hệ liên quan đến an ninh quốc gia, biên giới lãnh thổ, văn hóa – xã hội, kinh tế, chính trị, quân sự, môi trường… Trong khuôn khổ môn học này, chúng ta không nghiên cứu các mối quan hệ giữa các quốc gia, mà chỉ tập trung nghiên cứu về quan hệ kinh tế giữa các quốc gia.

– Quan hệ quốc tế được hiểu là quan hệ có yếu tố nước ngoài, hoặc chúng có phạm vi vượt biên giới một quốc gia.

Trong thực tiễn hoạt động kinh tế có các quan hệ kinh tế chỉ diễn ra trong phạm vi một quốc gia, tuy nhiên cũng có rất nhiều hoạt động kinh tế diễn ra trên phạm vi vượt biên giới một quốc gia hoặc có liên quan đến yếu tố nước ngoài. 

Các ví dụ điển hình thể hiện mối quan hệ về kinh tế giữa các quốc gia trên thế giới có thể kể tới: quan hệ xuất, nhập khẩu hàng hóa;đầu tư nước ngoài, chuyển giao khoa học – công nghệ; xuất, nhập khẩu sức lao động; thanh toán quốc tế…

về nguồn luật điều chỉnh các quan hệ kinh tế quốc tế: với sự đan xen và thể hiện rất phong phú của các quan hệ kinh tế quốc tế, trên thực tế, quan hệ kinh tế quốc tế là đối tượng điều chỉnh của cả pháp luật quốc gia và pháp luật quốc tế.

  1. Khái niệm nền kinh tế thế giới

Nền kinh tế thế giới là tổng thể các nền kinh tế của các quốc gia trên thế giới, có mối quan hệ phụ thuộc và tác động qua lại lẫn nhau thông qua các quan hệ kinh tế quốc tế. Nhờ có các quan hệ kinh tế quốc tế mà nền kinh tế các quốc gia có thể liên kết với nhau, hình thành một chỉnh thể có tính thống nhất.

Quan hệ kinh tế quốc tế và nền kinh tế thế giới là hai khái niệm có mối quan hệ biện chứng với nhau. Nền kinh tế thế giới hình thành và phát triển do một số nguyên nhân chủ yếu sau:

–    Nền kinh tế thế giới chỉ xuất hiện khi sự phân công lao động xã hội vượt khỏi biên giới quốc gia, tức mang tính quốc tế.

–    Các nước công nghiệp phát triển, việc tổ chức sản xuất các sản phẩm thường có quy mô rất lớn, vượt xa khả năng tiêu dùng trong nội bộ một quốc gia. Do đó có nhu cầu đầu tư vốn, khoa học – công nghệ sang các nước đang và kém phát triển với mong muốn thu được lợi nhuận cao hơn và giảm chi phí sản xuất (khi tận dụng được nguồn nhân công, tài nguyên rẻ tại các nước này).

–     Các nước đang và kém phát triển ngày càng có nhu cầu mở rộng quan hệ kinh tế quốc tế để tiếp nhận kĩ thuật, công nghệ, vốn, kinh nghiệm quản lý từ các nước công nghiệp phát triển trên thế giới nhằm bù đắp vào những thiếu hụt tại quốc gia mình.

–     Các điều kiện về giao thông, liên lạc, tài chính…, đặc biệt là giao dịch trực tuyến thông qua internet ngày càng phát triển.

–     Pháp luật và thông lệ quốc tế trong hoạt động kinh tế ngày càng được các quốc gia trên thế giới chấp nhận và sử dụng rộng rãi.

Câu 2: Các hình thức thể hiện của quan hệ kinh tế quốc tế ?

Các hình thức thể hiện cụ thể của quan hệ kinh tế quốc tế có thể kể tới:

Quan hệ thương mại quốc tế (bao gồm thương mại hàng hóa và thương mại dịch vụ quốc tế);

Quan hệ đầu tư quốc tế;

Quan hệ quốc tế về dịch chuyển sức lao động;

Quan hệ quốc tế về trao đổi khoa học – công nghệ (hay còn gọi là quan hệ quốc tế về sở hữu trí tuệ liên quan đến thương mại);

Quan hệ tài chính – tiền tệ quốc tế;

Các quan hệ quốc tế khác phát sinh trong quá trình hội nhập kinh tế khu vực và thế giới.

Như vậy, nội dung thể hiện các quan hệ kinh tế quốc tế rất phong phú và đa dạng. Các nội dung này có thể thay đổi, phát triển cùng với sự phát triển của nền kinh tế thế giới.

Câu 3: Phân biệt thuật ngữ “quan hệ kinh tế quốc tế” và “quan hệ kinh tế đối ngoại”?

“Quan hệ kinh tế đối ngoại”: là những mối quan hệ về kinh tế, thương mại, khoa học và công nghệ của của một quốc gia với phần còn lại của thế giới

“Quan hệ kinh tế quốc tế”: là tổng thể các mối quan hệ kinh tế đối ngoại của các nền kinh tế xét trên phạm vi toàn thế giới.

Quan hệ kinh tế đối ngoại nhìn nhận từ góc độ một nền kinh tế, một quốc gia còn quan hệ kinh tế quốc tế nhìn nhận trên phạm vi toàn thế giới. Nói cách khác, quan hệ kinh tế đối ngoại là một bộ phận của quan hệ kinh tế quốc tế.

* Phân biệt “quan hệ kinh tế quốc tế” với “quan hệ thương mại quốc tế”:

Theo nghĩa rộng, có thể hiểu thương mại quốc tế là một hình thức của quan hệ kinh tế quốc tế. Theo ủy ban của Liên họp quốc về Luật thương mại quốc tế (UNCITRAL), thương mại quốc tế được hiểu theo nghĩa rất rộng, bao gồm các hoạt động kinh doanh trên thị trường quốc tể, theo đó bao gồm các hoạt động thương mại và đàu tư quốc tế, từ mua bán hàng hóa hữu hình đến các dịch vụ như bảo hiểm, tài chính, tín dụng, chuyển giao công nghệ, thông tin, vận tải, du lịch…

Theo nghĩa hẹp, thương mại quốc tế được hiểu là hoạt động buôn bán, trao đổi hàng hóa hữu hình giữa các nước nhằm mục đích mang lại lợi ích mà hoạt động buôn bán, trao đổi trong nước không có hoặc không bằng.

Hoạt động thương mại quốc tế ra đời sớm nhất trong Các quan hệ kinh tế quốc tế và nó được ví là “cây cầu” lớn nhất nối liền nền kinh tế của các quốc gia với nhau. Tuy nhiên, việc mở rộng phạm vi “quan hệ thương mại quốc tế” và “quan hệ kinh tế quốc tế” đến đâu còn phụ thuộc vào sự phát triển của nền kinh tế thế giới, chúng không phải là những khái niệm bất biến.

Câu 4: Vai trò của các chủ thể của quan hệ kinh tế quốc tế?

Các chủ thể của quan hệ kinh tế quốc tế bao gồm:

  • Quốc gia
  • Các tổ chức và liên kết kinh tế quốc tế
  • Công ty xuyên quốc gia (TNCs)
  • Cá nhân
  • Các chủ thể khác (Các tổ chức phi chính phủ – NGOs; các lãnh thổ hải quan)

1, Quốc gia

Quốc gia có thể phân chia thành nước kém phát triển, nước đang phát triển, nước phát triển hoặc nước có thu nhập trung bình thấp, trung bình cao, nước vó thu nhập cao…Dù nước có phạm vi nhỏ, dân cư ít nếu tham gia vào quan hệ kinh tế quốc tế sẽ đều giúp nền kinh tế thế giới phát triển nhờ gia tăng sự trao đổi hàng hóa xuất nhập khẩu, giao dịch tài chính, thu ngoại tệ, đầu tư nước ngoài…

  1. Các tổ chức và liên kết kinh tế quốc tế

Chủ thể này được hình thành và phát triển do quá trình quốc tế hóa đời sống kinh tế, đặc biệt trong quá trình toàn cầu hóa kinh tế đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay. Các chủ thể này có thể là tổ chức mang tính khu vực như: Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), NAFTA, EU…; liên kết kinh tế liên khu vực như: Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), ASEM… hoặc tổ chức, liên kết kinh tế toàn cầu như WB, IMF, WTO, FAO…

Các chủ thể này ngày càng có vai trò quan trọng trong quan hệ kinh tế quốc tế, như: Tổ chức và phối hợp hoạt động của các quốc gia trong việc điều chỉnh các quan hệ kinh tế quốc tế; Tạo cơ sở cho các cuộc đối thoại về kinh tế giữa những nước giàu và nước nghèo; Quan tâm giải quyết các vấn đề kinh tế toàn cầu như năng lượng, lương thực, môi trường sinh thái; Góp phần tạo thuận lợi cho sự xích lại gần nhau giữa các dân tộc, góp phần xây dựng thế giới hòa bình và an ninh; Các tổ chức kinh tế quốc tế có vai trò lớn trong việc xây dựng một hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ kinh tế quốc tế.

3.Công ty xuyên quốc gia

Công ti xuyên quốc gia là khái niệm dùng để chỉ các công ti sản xuất hay cung cấp dịch vụ ở ít nhất hai quốc gia, hoạt động theo một hệ thống, có định hướng chiến lược phát triển chung. Có thể hiểu, TNCs là một tập đoàn tư bản bao gồm hai bộ phận chính:

+ Công ti mẹ (đóng tại một nước)

+ Các công ti con (các chi nhánh ở nước ngoài).

TNCs thúc đẩy thương mại thế giới phát triển, đặc biệt là các nước có nền kinh tế hướng về xuất khẩu vì các TNCs giúp khai thác một cách có hiệu quả nguồn lực sản xuất của các quốc gia này. Các TNCs giúp phát triển nguồn nhân lực, tạo điều kiện chuyển giao khoa học – công nghệ cho nước nhận đầu tư. Các công ti xuyên quốc gia đóng vai trò quan trọng trong chuyển giao công nghệ, dây chuyền sản xuất tiên tiến, đào tạo lực lượng lao động tay nghề cao. Đôi khi, một TNCs có sức mạnh kinh tế lớn hơn cả các quốc gia tiếp nhận đầu tư. Ví dụ, năm 2018, Tập đoàn tài chính City Group của Mỹ, có tổng giá trị tài sản lên tới 1.917 tỉ USD vời 219 chi nhánh, trong đó có 80 chi nhánh tại nước ngoài và hoạt động đầu tư tại 27 quốc gia.

  1. Cá nhân

Cá nhân là chủ thể có thể tham gia một cách linh hoạt vào nhiều loại quan hệ kinh tế quốc tế, như:

+ Tham gia vào quan hệ xuất khẩu lao động. Ví dụ: người Việt Nam đi xuất khẩu lao động ở Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Trung Đông;

+ Tham gia vào hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa quốc tế với vai trò là thương nhân;

+ Tham gia cung ứng dịch vụ giáo dục, đào tạo cho nước ngoài. Ví dụ: các giáo sư của các trường đại học đi giảng dạy ở nước ngoài;

+ Tham gia đầu tư trên thị trường chứng khoán nước ngoài;

+ Tham gia vào hoạt động chuyển giao công nghệ hay chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ cho cá nhân, tổ chức nước ngoài.


  1. Chủ thể khác

 5.1 Các tổ chức phi Chính phủ (NGOs)

Tên gọi NGOs được đưa vào sử dụng khi thành lập UN năm 1945, đây là loại hình tổ chức được thành lập một cách tự nguyện và hợp pháp, không thuộc bộ máy hành chính nhà nước và không nhằm mục đích lợi nhuận. Các NGOs ra đời với nhiều mục đích khác nhau, thông thường nhằm đẩy mạnh các mục tiêu chính trị, xã hội như bảo vệ môi trường thiên nhiên (ví dụ: tổ chức Greenpeace), khuyến khích việc tôn trọng quyền con người (ví dụ: tổ chức Amnesty International), cải thiện mức phúc lợi cho những người bị thiệt thòi, hoặc đại diện cho một nghị trình đoàn thể.

Xu thế hiện nay khối lượng viện trợ của NGOs cho các nước đang phát triển ngày càng tăng và lĩnh vực hoạt động của NGOs chuyển theo hướng giảm viện trợ nhân đạo và tăng viện trợ phát triển. Các NGOs ngày càng đóng vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế xã hội, nhân đạo, giáo dục, tôn giáo, môi trường,… trên thế giới.

Trong quan hệ kinh tế quốc tế, mặc dù không lớn như các nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hay hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), viện trợ từ các NGOs là viện trợ không hoàn lại, mang tính nhân đạo và phát triển, không chỉ là vật chất mà cả chuyển giao kinh nghiệm, công nghệ, bí quyết cần cho xây dựng kinh tế, nâng cao dân trí…

 5.2 Các lãnh thổ hải quan

Các lãnh thổ hải quan có quyền độc lập trong quan hệ thương mại và đối ngoại có thể trở thành thành viên của WTO (Điều XII Hiệp định thành lập WTO). Trong quan hệ kinh tế quốc tế, các lãnh thổ hải quan có quyền độc lập này có khả năng và đã tham gia vào các quan hệ thương mại, đầu tư, thanh toán… tương tự như các quốc gia.

Ví dụ: Hiện tại, EU, Ma Cao (Trung Quốc), Hồng Kông (Trung Quốc) là thành viên của WTO. Đây chính là các lãnh thổ hải quan – chủ thể của quan hệ kinh tế quốc tế.

Câu 5: Trình bày về xu hướng toàn cầu hóa kinh tế và khu vực hóa kinh tế, nêu mối quan hệ của hai xu hướng này.

Xu hướng toàn cầu hóa kinh tế

Toàn cầu hóa là quá trình liên kết các quốc gia trên thế giới về nhiều mặt (Kinh tế, Văn hóa, Khoa học… ).

  1. Biểu hiện của toàn cầu hóa kinh tế
  2. a) Thương mại thế giới phát triển mạnh

– Tốc độ gia tăng trao đổi hàng hóa trên thế giới nhanh hơn nhiều so với gia tăng GDP.

– Hình thành tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

  1. b) Đầu tư nước ngoài tăng trưởng nhanh

– Từ năm 1990 → 2000 tổng đầu tư nước ngoài tăng từ 1.774 tỷ USD lên 8.895 tỷ USD (tăng hơn 5 lần)

– Trong đó, dịch vụ chiếm tỷ trọng ngày càng lớn, nhất là tài chính – ngân hàng – bảo hiểm…

  1. c) Thị trường tài chính quốc tế mở rộng

– Hình thành mạng lưới liên kết tài chính.

– Các tổ chức tài chính toàn cầu IMF, WB… đóng vai trò to lớn trong nền kinh tế – xã hội thế giới.

  1. d) Các công ty xuyên quốc gia có vai trò ngày càng lớn

– Số lượng ngày càng nhiều.

– Vai trò:

+ Hoạt động trên nhiều quốc gia.

+ Nắm nguồn của cải vật chất lớn.

+ Chi phối nhiều ngành kinh tế quan trọng.

  1. Hệ quả của toàn cầu hóa kinh tế
  2. a) Tích cực

– Thúc đẩy sản xuất phát triển và tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

– Đẩy nhanh đầu tư và khai thác triệt để khoa học công nghệ, tăng cường sự hợp tác quốc tế.

  1. b) Tiêu cực

– Gia tăng nhanh chóng khoảng cách giàu nghèo, trong từng quốc gia và giữa các nước trên thế giới.

Xu hướng khu vực hóa kinh tế

  1. Các tổ chức liên kết kinh tế khu vực được hình thành

– Nguyên nhân: Do sự phát triển không đều và sức ép cạnh tranh trong các khu vực trên thế giới, nên các quốc gia có những nét tương đồng về văn hóa, xã hội, địa lí hoặc có chung mục tiêu, lợi ích… đã liên kết lại với nhau.

– Ví dụ: EU, APEC, ASEAN, NAFTA …

  1. Hệ quả của khu vực hóa kinh tế
  2. a) Tạo ra cơ hội

– Thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển kinh tế.

– Tăng cường tự do hóa thương mại, đầu tư dịch vụ.

– Mở rộng thị trường, đẩy nhanh quá trình toàn cầu hóa kinh tế thế giới.

  1. b) Tạo ra thách thức

– Đặt ra nhiều vấn đề như đảm bảo quyền độc lập, tự chủ về kinh tế và chính trị…

Câu 6: Giá cả quốc tế là gì? Nêu khái niệm, đặc điểm và ý nghĩa của việc nghiên cứu giá quốc tế.

1.Định nghĩa

Giá quốc tế là biểu hiện bằng tiền giá trị quốc tế của hàng hóa, dịch vụ trên thị trường thế giới.

2.Đặc điểm

  1. a) Giá cả quốc tế của hàng hóa có xu hướng biến động rất phức tạp vì giá quốc tế phải chịu tác động của rất nhiều những nhóm yếu tố:
  2. i) Những yếu tố ảnh hưởng tới giá trị của hàng hóa. Như sự tăng lên của năng suất lao động, do áp dụng những tiến bộ khoa học công nghệ (vd: màn hình AUCIDI trước đây 1 năm có giá 1000$ nhưng hiện nay giá chỉ 300$, trong khi đó tính năng lại tiến bộ hơn nhiều).
  3. ii) Những yếu tố ảnh hưởng tới quan hệ cung cầu. Như thu nhập của người dân (tăng lên ảnh hưởng tới cầu – sức mua tăng hoặc giảm xuống), sự thay đổi điều kiện tự nhiên ảnh hưởng tới cung hàng hóa (sản xuất cà phê gặp hạn hán – dẫn tới cung giảm), các yếu tố chính trị xã hội (dầu mỏ lên xuống rất phức tạp, không theo một quy luật nào, chính sách pháp luật của mỗi nước thay đổi) v.v…

iii) Những yếu tố ảnh hưởng tới giá trị quốc tế của đồng tiền. Như lạm phát, thay đổi tỷ giá hối đoái, khủng hoảng tài chính tiền tệ.

  1. b) Có hiện tượng nhiều giá đối với một mặt hàng. Khi điều tra, tìm hiểu thì ta thấy cùng một loại hàng hóa trên thị trường sẽ có rất nhiều mức giá khác nhau. Nguyên nhân bắt nguồn là từ:
  2. i) Phương thức mua bán khác nhau. Nếu mua bán trực tiếp thì giá quốc tế của hàng hóa sẽ khác khi mua qua trung gian, qua đại lý, môi giới, hoặc mua bán trao đổi hàng – tiền bình thường sẽ khác hơn là mua bán hàng – hàng, hoặc các giao dịch tạm nhập tái xuất, mua bán theo hình thức hội chợ, triễn lãm, đấu thầu v.v…
  3. ii) Phương thức thanh toán khác nhau. Nếu trả tiền ngay thì giá sẽ khác hơn là trả tiền sau, trong buôn bán quốc tế thì người bán và người mua ở hai nước khác nhau do vậy việc việc thanh toán rất phức tạp – nếu thanh toán qua ngân hàng có thể chọn nhiều hình thức như chuyển tiền, thư tín dụng, trả tiền thông qua LC, nhờ thu v.v… – khi sử dụng ngân hàng để thực hiện các dịch vụ chuyển tiền theo các hình thức khác nhau thì ngân hàng phải tính phí do vậy giá cả hàng hóa có sự thay đổi.

iii) Phương thức vận chuyển khác nhau. Khi lựa chọn phương thức vận chuyển khác nhau thì giá quốc tế sẽ phải khác nhau. Các phương thức vận chuyển như đường bộ, đường thủy (đường biển mặc dù chi phí rẻ nhất nhưng mức độ rủi ro lại cao nhất), đường hàng không (có chi phí cao nhưng bù lại rất nhanh), đường sắt, đường ống (xăng, dầu).

  1. iv) Điều kiện cơ sở giao hàng khác nhau. Giá FOB (mức giá chưa tính phí bảo hiểm). Mức giá giao tại chân công trình sẽ rất khác so với giao hàng tại xưởng. Quyền lợi và nghĩa vụ của người bán và người mua trong các trường hợp khác nhau thì trách nhiệm, rủi ro sẽ ảnh hưởng tới giá của hàng hóa.
  2. c) Có hiện tượng “giá cánh kéo” đối với giá cả hàng hóa trên thị trường.

 

Câu 7: Điều kiện xác định giá quốc tế và các hình thức biểu hiện của giá quốc tế

1.Điều kiện xác định giá quốc tế

Một là, giá quốc tế phải là giá có tính chất đại diện cho đối tượng trao đổi trên thị trường thế giới và phải là giá của các giao dịch thông thường.

Để thỏa mãn điều này, người ta thường lấy giá của nước xuất khẩu với khối lượng lớn nhất sản phẩm đó trên thị trường thế giới hoặc giá của nước nhập khẩu lớn nhất sản phẩm đó trên thị trường thế giới là giá quốc tế.

Ví dụ: Lấy giá xuất khẩu gạo tại Thái Lan là giá gạo quốc tế; lấy giá xuất khẩu cà phê tại Brazin là giá cà phê quốc tế…

Hai là, giá đó phải được tính bằng đồng tiền mạnh có khả năng tự do chuyển đổi.

Đồng tiền được coi là mạnh là tiền có khả năng chuyển đổi và phải giữ vị trí quan trọng trong hệ thống tiến tệ quốc tế.

Một số đồng tiền mạnh hiện nay như: Đô la Mĩ (USD); Euro (EUR); Yên Nhật Bản (JPY); Bảng Anh (GBP)…

2.Các hình thức biểu hiện giá quốc tế

– Theo mức độ tin cậy của giá cả, có các loại giá sau đây: giá tham khảo, giá chào hàng, giá yết bảng ở các sở giao dịch, giá thực tế trong các hợp đồng đã kí kết, giá bán đấu giá và đấu thầu…

– Theo điều kiện mua bán hàng hóa, có hai hệ thống giá là giá FOB và giá CIF.

– Theo điều kiện thanh toán quốc tế, có giá thanh toán ngay và giá thanh toán sau.

Câu 8: Tỉ lệ trao đổi trong thương mại quốc tế là gì? Các yếu tố ảnh hưởng đến tỉ lệ trao đổi trong thương mại quốc tế?

1.Khái niệm

Tỉ lệ trao đổi trong tiếng Anh là Terms of trade, viết tắt là TOT.

Tỉ lệ trao đổi (TOT) thể hiện tỉ lệ giữa giá xuất khẩu của một quốc gia và giá nhập khẩu của quốc gia đó. Có bao nhiêu đơn vị xuất khẩu được yêu cầu để mua một đơn vị nhập khẩu? Tỉ lệ này được tính bằng cách chia giá xuất khẩu cho giá nhập khẩu và nhân kết quả với 100.

Khi nguồn vốn chảy ra khỏi đất nước do nhập khẩu nhiều hơn thì TOT của quốc gia đó sẽ nhỏ hơn 100%. Khi TOT lớn hơn 100%, quốc gia này đang tích lũy nhiều vốn từ xuất khẩu hơn là chi cho nhập khẩu.

2. Các yếu tố ảnh hưởng đến tỉ lệ trao đổi

TOT phụ thuộc ở một mức nào đó vào tỉ giá hối đoái và tỉ giá lạm phát hoặc giá cả. Một loạt các yếu tố khác cũng ảnh hưởng đến TOT, và một số có ảnh hưởng riêng tới từng ngành và khu vực cụ thể.

Sự khan hiếm: Số lượng hàng hóa có sẵn để giao dịch là một trong những yếu tố như vậy. Càng nhiều hàng hóa mà một nhà cung cấp có sẵn để bán, thì càng có nhiều hàng hóa được bán và nhà cung cấp có thể mua được càng nhiều hàng hóa bằng cách sử dụng vốn thu được từ việc bán hàng.

Quy mô và chất lượng hàng hóa cũng ảnh hưởng đến TOT. Hàng hóa lớn hơn và chất lượng cao hơn có thể sẽ có giá cao hơn. Nếu hàng hóa bán với giá cao hơn, một người bán sẽ có thêm vốn để mua thêm hàng hóa.

Tỉ lệ trao đổi biến động

Một quốc gia có thể mua thêm hàng hóa nhập khẩu cho mỗi đơn vị xuất khẩu mà họ đã bán khi TOT của họ tốt lên. Do đó, việc tăng TOT có thể có lợi vì quốc gia cần xuất khẩu ít hơn để mua vào một số lượng nhập khẩu nhất định.

Khi TOT tăng có thể có tác động tích cực đến lạm phát do chi phí đẩy ở trong nước, vì mức tăng này cho thấy giá nhập khẩu giảm so với giá xuất khẩu. Tuy nhiên, khối lượng xuất khẩu của quốc gia có thể giảm xuống mức bất lợi cho cán cân thanh toán (BOP).

Quốc gia phải xuất khẩu một số lượng lớn hơn đơn vị mà họ đã mua cùng một số lượng nhập khẩu khi TOT có dấu hiệu đi xuống. Giả thuyết Prebisch-Singer nói rằng một số thị trường mới nổi và các nước đang phát triển đã phải trải qua tình trạng TOT giảm vì giá hàng hóa giảm so với giá của hàng hóa sản xuất.

Câu 9: Nêu một số nét về thương mại quốc tế hiện đại 

1.Khái niệm

Cho đến nay chưa có một định nghĩa hay một cách hiểu thống nhất về hoạt động thương mại quốc tế. Người ta mới chỉ thống nhất ở điểm: thương mại quốc tế là tổng hợp các hoạt động, giao dịch hàng hóa và dịch vụ trong quan hệ thương mại quốc tế. Điểm chưa thống nhất là ở chỗ tham gia vào các quan hệ thương mại quốc tế thì đối tượng tham gia gồm nhiều chủ thể khác nhau. Có quan hệ thương mại quốc tế phát sinh giữa các quốc gia (kể cả các nước, vũng lãnh thổ) nhưng cũng có quan hệ thương mại quốc tế phát sinh giữa các doanh nghiệp, các công ty thương mại của các nước khác nhau với nhau. Quan hệ thương mại quốc tế cũng có thể có sự tham gia của các tổ chức quốc tế như Tổ chức Thương mại thể giới (WTO) hoặc của cơ quan chuyên môn của Liên Hợp Quốc như Uỷ ban pháp luật thương mại quốc tế của Liên Hợp Quốc (UNCITRAL)…

  1. Sự phát triển của thương mại quốc tế hiện đại

Sự phát triển của thương mại quốc tế tùy thuộc vào sự phát triển của các mối quan hệ thương mại phát sinh ở phạm vi quốc tế. Thương mại quốc tế, về quy mô, phát triển từ cấp độ song phương rồi đến cấp độ khu vực và sau cùng là ở quy mô toàn cầu. Về nội dung, thương mại quốc tế lúc mới hình thành chỉ bao gồm các giao dịch về thương mại hàng hóa. Cùng với sự phát triển của quan hệ thương mại quốc tế, nội dung của hoạt động thương mại quốc tế đã mở rộng sang cả lĩnh vực thương mại dịch vụ, đầu tư, tài chính, sở hữu trí tuệ,… Về mặt tính chất, hoạt động thương mại quốc tế, khi mới hình thành, mang tính ‘đóng’ do vì dựa chủ yếu trên nguyên tắc bảo hộ mậu dịch, và ở một số nhóm nước hay một số khu vực, hoạt động thương mại quốc tế bảo vệ các quan hệ dựa trên nguyên tắc độc quyền của Nhà nước về thương mại quốc tế nói chung và về ngoại thương nói riêng.

Câu 10: Bình luận về sự trỗi dậy của xu hướng bảo hộ mậu dịch tại nhiều nước trên thế giới sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008.

 

Chủ nghĩa bảo hộ (protectionism) là thuật ngữ nói đến những chính sách kinh tế được dùng để kiềm chế thương mại giữa các nước bằng nhiều biện pháp, như đánh thuế hàng nhập khẩu, thu hẹp hạn ngạch hay nâng cao tiêu chuẩn về chất lượng, xuất xứ và vệ sinh dịch tễ. Mấu chốt của bất kì loại hình bảo hộ nào nằm ở chỗ chính phủ mong muốn “bảo vệ” những sản phẩm nội địa khỏi đối thủ cạnh tranh từ nước ngoài, vốn có thể bán cùng một sản phẩm nhưng ở mức giá thấp hơn.

Coface (tập đoàn chuyên về bảo hiểm tín dụng của Pháp) công bố số lượng các biện pháp bảo hộ thương mại thực hiện trên toàn cầu hiện nay đã tăng gấp 2,5 lần so với năm 2010. Trong số các biện pháp bảo hộ thương mại, thì công cụ thuế quan (nhập khẩu) được sử dụng với tỉ trọng ngày càng tăng, tỉ trọng này đã tăng gấp 2 lần sau 9 năm (8% năm 2009, 16% năm 2018). Đơn cử, từ năm 2016 đến 2018, thuế nhập khẩu của Mỹ đã tăng mạnh, từ 5,4% đến 12,5%. 

Báo cáo thường niên của Hội nghị Thương mại và phát triển Liên hợp quốc (UNCTAD) công bố cuối tháng 9/2018 nhận định, 10 năm sau cuộc khủng hoảng tài chính (2008 – 2018), nền kinh tế toàn cầu vẫn còn bất ổn, đặc biệt sự leo thang không ngừng của hàng rào thuế quan thương mại thời gian gần đây là một mối quan ngại lớn hơn, bởi vì nó sẽ làm nhiễu loạn hệ thống thương mại quốc tế, làm gia tăng tính bất ổn của thị trường và thu hẹp đầu tư, từ đó tác động không tốt đến sự phát triển kinh tế trung hạn trên toàn cầu. Báo cáo cảnh báo rằng sau khi bùng phát cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, các nước trên thế giới không những không xây dựng chính sách tốt để ngăn chặn cuộc khủng hoảng tái diễn, ngược lại còn cho phép các cơ quan tài chính lớn tăng trưởng thiếu kiểm soát, nợ chính phủ cũng tiếp tục phình ra trong thời gian gần đây, hình thành nên những rủi ro mới. Báo cáo chỉ rõ quy mô của các ngân hàng trên toàn cầu và các ngân hàng ngầm đã tăng lên 160.000 tỉ USD, gấp đôi so với quy mô của nền kinh tế toàn cầu hiện nay; khối lượng nợ toàn cầu đã tăng lên gần 250.000 tỉ USD, hơn một nửa so với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Những hạn chế về mặt thương mại gây ra bởi chủ nghĩa bảo hộ là con đường 2 chiều. Mọi hành động mang tính bảo hộ đều có thể hứng chịu “sự trả đũa” bởi các hình thức tương tự, qua đó dễ dẫn đến chiến tranh thương mại. Đơn cử, cuộc chiến thương mại do chính quyền Mỹ khơi mào năm 2018 nếu tiếp tục leo thang có thể sẽ khiến kinh tế toàn cầu, vốn vừa có dấu hiệu phục hồi sẽ mất đà tăng trưởng và có thể suy giảm trở lại. Đây là lời dự đoán được đưa ra trong báo cáo thường niên về Thương mại và Phát triển năm 2018 do UNCTAD công bố. Cụ thể, nếu các biện pháp trừng phạt về thuế lẫn nhau giữa Mỹ với các nước Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Canada, Mexico, Hàn Quốc dẫn tới cuộc chiến thương mại thì ước tính trong khoảng thời gian 5 năm (từ 2019 – 2023), nhịp độ tăng trưởng sẽ giảm đi đáng kể so với trường hợp không xảy ra cuộc chiến thương mại. Báo cáo trên cho rằng tình trạng này sẽ khiến các nước có xuất siêu thương mại bị thu hẹp lại, như Trung Quốc, Nhật Bản, sẽ hạ tỉ giá hối đoái tiền tệ nhằm duy trì sức cạnh tranh. Ngoài ra, việc các doanh nghiệp cắt giảm mức lương công nhân sẽ dẫn đến sự suy giảm nhu cầu và đầu tư trong nước.

Theo báo cáo của ủy ban Kinh tế và xã hội của Liên hợp quốc tại châu Á – Thái Bình Dương (UNESCAP), thương mại toàn cầu đã thúc đẩy nhiều lĩnh vực trong thời gian qua và chủ nghĩa bảo hộ gia tăng sẽ khiến cho tốc độ tăng trưởng kinh tế, đặc biệt ở các nước đang phát triển bị chậm lại, cụ thể là mức 1,2%. Khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề của chủ nghĩa bảo hộ. Khu vực này trung bình xuất khẩu xấp xỉ 15% sản phẩm của mình sang thị trường Hoa Kỳ – nơi mà làn sóng bảo hộ đang dấy lên mạnh mẽ. Đối với một so quốc gia khác thì con số này còn nhiều hơn, như lượng xuất khẩu của Trung Quốc sang Hoa Kỳ chiếm khoảng 20% tổng xuất khẩu của Trung Quốc tính theo giá frị gia tăng, tương đương 3,7% GDP. Bên cạnh đó, Mỹ với dân số 323 triệu người, là thị trường lớn đối với nhiều nền kinh tế châu Á. Cho nên, nếu chủ nghĩa bảo hộ được thực hiện tại quốc gia này, nhiều nhà sản xuất châu Á có nguy cơ rơi vào tình trạng khó khăn khi thực hiện hoạt động xuất khẩu hàng hóa.

 

Câu 11: Phân tích tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ bốn tới sự phát triển của nền kinh tế thế giới.

Về mặt kinh tế, Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư có tác động đến tiêu dùng, sản xuất và giá cả. Từ góc độ tiêu dùng và giá cả, mọi người dân đều được hưởng lợi nhờ tiếp cận được với nhiều sản phẩm và dịch vụ mới có chất lượng với chi phí thấp hơn.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng tác động tích cực đến lạm phát toàn cầu. Nhờ những đột phá về công nghệ trong các lĩnh vực năng lượng (cả sản xuất cũng như sử dụng), vật liệu, Internet vạn vật, người máy, ứng dụng công nghệ in 3D (hay còn được gọi là công nghệ chế tạo đắp dần, có ưu việt là giúp tiết kiệm nguyên vật liệu và chi phí lưu kho hơn nhiều so với công nghệ chế tạo cắt gọt truyền thống v.v… đã giúp giảm mạnh áp lực chi phí đẩy đến lạm phát toàn cầu nhờ chuyển đổi sang một thế giới hiệu quả, thông minh và sử dụng nguồn lực tiết kiệm hơn.

Từ góc độ sản xuất, trong dài hạn, cuộc cách mạng công nghiệp lần này sẽ tác động hết sức tích cực. Kinh tế thế giới đang bước vào giai đoạn tăng trưởng chủ yếu dựa vào động lực không có trần giới hạn là công nghệ và đổi mới sáng tạo, thay cho tăng trưởng chủ yếu dựa vào các yếu tố đầu vào luôn có trần giới hạn.

Tuy nhiên cuộc cách mạng công nghệ này đang tạo ra những thách thức liên quan đến những chi phí điều chỉnh trong ngắn đến trung hạn do tác động không đồng đều đến các ngành khác nhau: có những ngành sẽ tăng trưởng mạnh mẽ và có những ngành sẽ phải thu hẹp đáng kể. Trong từng ngành, kể cả các ngành tăng trưởng, tác động cũng có sự khác biệt giữa các doanh nghiệp, với sự xuất hiện và tăng trưởng nhanh của nhiều doanh nghiệp tạo ra những công nghệ mới và sự thu hẹp, kể cả đào thải của các doanh nghiệp lạc nhịp về công nghệ.

Chính vì vậy mà Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang vẽ lại bản đồ kinh tế trên thế giới, với sự suy giảm quyền lực của các quốc gia dựa chủ yếu vào khai thác tài nguyên và sự gia tăng sức mạnh của các quốc gia dựa chủ yếu vào công nghệ và đổi mới sáng tạo:

* Nhiều quốc gia phát triển song chủ yếu dựa vào tài nguyên như Úc, Canada, Na Uy v.v… đang phải trải qua một quá trình tái cơ cấu nền kinh tế nhiều thách thức. A rập Xê út gần đây đã chính thức tuyên bố về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng để giảm mạnh sự phụ thuộc vào dầu mỏ. Trừ Ấn Độ, các nước còn lại trong nhóm BRICS đang gặp nhiều thách thức do có nền kinh tế dựa nhiều vào tài nguyên khoáng sản.

* Nước Mỹ – đầu tàu thế giới về công nghệ và dẫn dắt cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang khôi phục vị thế hàng đầu của mình trên bản đồ kinh tế thế giới.Các nước Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan) cũng tham gia mạnh mẽ vào quá trình này, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo. Trung Quốc cũng là nước có thể sẽ được hưởng lợi nhiều do sau nhiều năm xây dựng và củng cố khả năng áp dụng và hấp thụ công nghệ thông qua tăng trưởng xuất khẩu (kể cả bắt chước và sao chép) đã bắt đầu bước vào giai đoạn tạo ra công nghệ với sự xuất hiện mạnh mẽ của một số tập đoàn phát triển công nghệ hàng đầu thế giới. Điều này giúp Trung Quốc giảm nhẹ được tác động của quá trình điều chỉnh đang diễn ra sau giai đoạn tăng trưởng nóng của thập niên trước.

* Tại châu Âu, một số nước như Đức, Na Uy có thể tham gia và tận dụng được nhiều cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp mới. Tuy nhiên, nhiều nền kinh tế châu Âu khác tỏ ra hụt hơi trong cuộc đua này cho dù có hệ thống nguồn nhân lực tốt, được lý giải một phần là do tinh thần và môi trường khởi nghiệp để thúc đẩy phát triển công nghệ mới không bằng so với Mỹ và các nước Đông Bắc Á.

Bản đồ sức mạnh của các doanh nghiệp cũng đang được vẽ lại: các tập đoàn lớn vang bóng một thời và thống lĩnh thị trường trong một giai đoạn dài đang bị các doanh nghiệp trẻ khởi nghiệp trong giai đoạn gần đây trong lĩnh vực công nghệ vượt mặt.Một số ví dụ điển hình là:

  • (i)     Trong lĩnh vực công nghệ thông tin, các công ty như Google, Facebook v.v… đang tăng trưởng nhanh, trong khi các công ty tiếng tăm khác như IBM, Microsoft, Cisco, Intel, hay một loạt các tập đoàn điện tử lớn của Nhật Bản đang phải trải qua một quá trình tái cơ cấu đầy khó khăn. Sự sụp đổ của các “ông lớn” như Nokia, hay trước đó là Kodak cho thấy nguy cơ “sai một ly đi một dặm” mà các công ty phải đối mặt trong cuộc cạnh tranh đã khốc liệt lại càng khốc liệt hơn trong thời đại của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra với tốc độ của “lũ quét”.
  • (ii)    Trong lĩnh vực chế tạo, các công ty ô tô truyền thống đang chịu sức ép cạnh tranh quyết liệt từ các công ty mới nổi lên nhờ cách tiếp cận mới như Tesla đang đẩy mạnh sản xuất ô tô điện và tự lái, cũng như Google và Uber.
  • (iii) Trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, quá trình tái cơ cấu đang diễn ra trên diện rộng ảnh hưởng đến việc làm của hàng triệu nhân viên trong 10 năm tới do ứng dụng ngân hàng trực tuyến di động, và sự cạnh tranh quyết liệt từ các doanh nghiệp khởi nghiệp từ Silicon Valley cung cấp các dịch vụ tài chính rẻ hơn nhiều cho khách hàng nhờ ứng dụng điện toán đám mây. Ngành bảo hiểm cũng đang chịu sức ép tái cơ cấu dưới tác động của việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo, và tương lai sụt giảm nhu cầu bảo hiểm xe cộ khi xe tự lái trở nên phổ biến trên thị trường
  • (iv) Cuộc cạnh tranh toàn cầu lại càng thêm khốc liệt với sự nhập cuộc của nhiều công ty đa quốc gia siêu nhỏ, đang trở thành một xu hướng rõ nét nhờ hạ tầng thông tin Internet cho hiện thực và thương mại hóa một ý tưởng mới trên toàn cầu một cách nhanh chóng do chi phí giao dịch giảm mạnh, giúp giảm đáng kể chi phí và quy mô nhập cuộc.

Câu 12: Phân tích xu thế phát triển thương mại theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường?

Môi trường và bảo vệ môi trường là vấn đề ngày càng được các quốc gia trên thế giới quan tâm và chú trọng đầu tư nhất là trong bối cảnh hội nhập và tự do hóa thương mại đang ngày càng diễn ra sâu rộng. Do vậy, phát triển sản phẩm gắn với bảo vệ môi trường theo hướng sản xuất và tiêu dùng sản phẩm thân thiện môi trường là một trong những ưu tiên trong thương mại toàn cầu thời gian tới, nhất là tại các quốc gia phát triển. Theo đó, nguồn cung hàng hóa nhập khẩu để phục vụ cho thương mại cũng sẽ có những đòi hỏi khắt khe hơn về tiêu chuẩn, chất lượng, đáp ứng các tiêu chí đối với sản phẩm thân thiện môi trường.

Ví dụ, để có thể xuất khẩu mặt hàng rau quả vào thị trường EU, ngoài vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm dịch, các sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam phải đạt chuẩn HACCP hay Global GAP. Các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần chú ý tới xu hướng tăng tiêu thụ các sản phẩm hữu cơ, vì ngày càng nhiều người tiêu dùng EU thích các sản phẩm được sản xuất và chế biến bằng phương pháp tự nhiên. Hay tại thị trường Mỹ, thị trường nhập khẩu lớn thứ hai trên thế giới, tiêu thụ khoảng 12 triệu tấn trái cây tươi mỗi năm, chủ yếu là cam, nho, táo, dứa, nhưng khả năng sản xuất là 70%, còn lại 30% phải nhập khẩu. Để vào thị trường này, trái cây Việt Nam phải vượt qua nhiều rào cản về tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, trong đó, vấn đề truy xuất nguồn gốc được khách hàng quan tâm và Global GAP là tiêu chuẩn tối thiểu. Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp Mỹ quy định rõ, nông sản phải đáp ứng các tiêu chuẩn về vệ sinh – an toàn thực phẩm như phải được trồng ở vùng đăng ký và được cục Bảo vệ thực vật VN theo dõi, đảm bảo không có mầm bệnh, trước khi xuất khẩu phải được chiếu xạ chống kí sinh trùng, mỗi lô hàng phải có chứng chỉ về ATTP của cơ quan VN và chứng chỉ nguồn gốc xuất xứ… mới được phép xuất khẩu vào Mỹ. Đặc biệt các loại nông sản cũng phải chịu các quy định ngặt nghèo liên quan đến dư thuốc bảo vệ thực vật trước khi đặt chân vào thị trường này.

 

Câu 13: Các kiểu chiến lược kinh tế đối ngoại của các quốc gia hiện nay bao gồm những loại nào?

  1. Chiến lược đóng cửa kinh tế

Đây là chiến lược kìm hãm sự phát triển của quan hệ kinh tế quốc tế, tuy nhiên lại là chiến lược đã từng tồn tại khá dài trong lịch sử quan hệ kinh tế quốc tế.

Chiến lược “đóng cửa kinh tế” là chiến lược kinh tế đối ngoại, theo đó, nền kinh tế phát triển chủ yếu theo hướng tự đáp ứng nhu cầu trong nước, chỉ xuất khẩu sau khi đã thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng trong nước, đầu tư nước ngoài bị hạn chế và nếu cho phép thì chỉ giới hạn ở những lĩnh vực công nghiệp mà trong nước chưa có khả năng sản xuất ra.

Khi áp dụng chiến lược đóng cửa kinh tế, các quốc gia hạn chế mở rộng các mối quan hệ kinh tế đối ngoại với bên ngoài, phát triển kinh tế bằng nội lực là chính, thực hiện tự cung tự cấp bằng những nguồn lực trong nước.

Trong lịch sử đã có nhiều nước áp dụng chiến lược kinh tế này, như: Trung Quốc thời kì 1950 – 1978, trước khi tiến hành Hội nghị Trung ương 3 Khóa XI Đảng Cộng sản Trung Quốc – Hội nghị được đánh giá là vạch ra con đường đổi mới ở Trung Quốc; Hoa Kỳ thời Tổng thống Jefferson thực hiện chính sách đóng cửa thị trường Hoa Kỳ, cấm vận tàu thuyền nước ngoài trong thời gian từ 12/1807 đến 03/1809; Nhật Bản cũng thực hiện chính sách “tự cung tự cấp” tương đối trước khi mở cửa với phương Tây những năm 50 của thế kỉ XIX; Nhiều nước thuộc khối Liên Xô (cũ) cũng thực hiện chiến lược đóng cửa kinh tế trong nhiều năm trước khi sụp đổ khối vào năm 1991; Tại Việt Nam thời kì nhà Nguyễn đã thực hiện chính sách này ở dạng cực đoan với khẩu hiệu “bế quan toả cảng” và về cơ bản chúng ta đã thực hiện chế độ “tự cung tự cấp” trong một thời gian dài, cho tới trước Đại hội Đảng VI năm 1986. Những năm 50 và những năm đầu thập niên 60 của thế kỉ XX, hầu hết các nước chậm phát triển ở châu Á và châu Mỹ Latinh đều áp dụng chiến lược đóng cửa kinh tế, do các nước này mới giành được độc lập về chính trị từ tay các nước đế quốc xâm lược nên muốn độc lập về kinh tế bằng cách xây dựng nền kinh tế tự lực cánh sinh, hạn chế tối đa sự phụ thuộc vào kinh tế với bên ngoài.

Chiến lược đóng cửa kinh tế có một số ưu và nhược điểm sau: ưu điểm: Giúp đất nước áp dụng theo chiến lược này xây dựng một nền kinh tế tự chủ – nền tảng bảo đảm cho sự độc lập về chính trị; Nền kinh tế quốc gia ít chịu sự ảnh hưởng bởi những biến động của nền kinh tế thế giới; Các nguồn lực trong nước được khai thác tối đa để thoả mãn nhu cầu trong nước; Tốc độ phát triển kinh tế ổn định; Các ngành sản xuất trong nước ít bị cạnh tranh.

Nhược điểm: Suy giảm khả năng cạnh tranh của nền kinh tế; Tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định nhưng chậm; Nền kinh tế bị tụt hậu so với bên ngoài, không phát huy được lợi thế so sánh của quốc gia trong phân công lao động quốc tế; Thị trường nội địa nghèo nàn, “chật hẹp”, giả cả đắt đỏ, hàng hóa kém đa dạng, và người tiêu dùng không có điều kiện để thoả mãn nhu cầu của mình một cách tốt nhất.

Hiện nay, các quốc gia ít áp dụng chiến lược “đóng cửa kinh tế” theo đúng nghĩa. Mà các nước có thể áp dụng chính sách được đánh giá có tính linh hoạt và mềm dẻo hơn như: chính sách bảo hộ mậu dịch (như đã đề cập ở mục 1.2.2) để bảo hộ nền sản xuất trong nước, hay sản xuất thay thế nhập khấu để giảm sự phụ thuộc vào nước ngoài. Điều này có nghĩa chiến lược đóng cửa kinh tế vẫn được áp dụng trong những trường hợp, với những lý do nhất định trong chính sách kinh tế đối ngoại của mỗi quốc gia.

 

2.Chiến lược mở cửa kinh tế

Chiến lược mở cửa kinh tế là chiến lược kinh tế đối ngoại trong đó sản xuất hướng vào xuất khẩu, không cản trở hoặc hạn chế nhập khẩu hàng hóa nước ngoài, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài nhằm khai thác các tiềm năng trong nước, đồng thời khuyển khích đầu tư ra nước ngoài.

Chiến lược mở cửa kinh tế có nhiều tương đồng với xu hướng tự do hóa thương mại. Ở một số nước đang phát triển, chiến lược mở cửa kinh tế còn được gọi là chiến lược sản xuất hướng về xuất khẩu. Các nước đi theo chiến lược này hướng tới mục tiêu: thực hiện việc mở rộng các quan hệ kinh tế với bên ngoài, trọng tâm là hoạt động ngoại thương trong đó chú trọng hàng đầu là đẩy mạnh xuất khẩu, tăng cường thu hút và sử dụng vốn, công nghệ nước ngoài để khai thác có hiệu quả các nguồn lực trong nước.

Chiến lược này ban đầu được áp dụng ở các nước có nền công nghiệp phát triển như: Châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản sau đó áp dụng rộng rãi ở nhiều nước khác. Những năm 70 của thế kỉ XX, hầu hết các nước Đông Nam Á (ASEAN) đều chuyển sang nền kinh tế hướng ngoại. Vào thời kì này phong trào khuyến khích xuất khẩu trở lên sôi động, các khẩu hiệu “xuất khẩu hay là chết”, “tất cả cho xuất khẩu” được đề cập đến trong nhiều chủ trương, đường lối phát triển ngoại thương của các nước ASEAN. Cuối những năm 80 của thế kỉ XX, các nước Mỹ Latinh vốn trước đó theo đuổi chiến lược đóng cửa kinh tế cũng chuyển sang chiến lược mở cửa.

Chiến lược mở cửa kinh tế có một số ưu và nhược điểm sau:

Ưu điểm: Mở rộng thị trường xuất khẩu giúp đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, khai thác lợi thế quốc gia trong phân công lao động quốc tế, hàng hóa đa dạng, phong phú có chất lượng và người tiêu dùng có thể thoả mãn nhu cầu của mình một cách tốt nhất; Tận dụng được vốn, công nghệ, kinh nghiệm quản lý từ các nước tiên tiến; Tạo ra môi trường cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, kích thích sản xuất phát triển.

Nhờ áp dụng chiến lược này, nền kinh tế nhiều nước đang phát triển trong những thập kỉ vừa qua đã đạt tốc độ tăng trưởng cao, một số ngành công nghiệp (chủ yếu là các ngành chế biến xuất khẩu) đạt trình độ kĩ thuật tiên tiến, có khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới. Điển hình cho sự thành công đó là 4 con rồng châu Á: Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Hồng Kông (Trung Quốc).

Nhược điểm: Mức độ mở cửa và hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới khiến nền kinh tế trong nước có thể bị phụ thuộc và ảnh hưởng nặng nền bởi những biến động bất lợi của kinh tế thế giới; Một số ngành sản xuất trong nước phải đối mặt với sự cạnh tranh của hàng hóa nước ngoài; Do tập trung các nguồn lực để phát triển xuất khẩu, chạy theo nhu cầu thị trường thế giới nên nền kinh tế dễ gặp tình trạng phát triển mất cân đối.

Trên thực tế, chiến lược “đóng cửa kinh tế” và chiến lược “mở cửa kinh tế” là hai kiểu chiến lược có nội dung đối nghịch, nhưng không bài trừ nhau. Để khắc phục nhược điểm của việc áp dụng riêng lẻ từng kiểu chiến lược, khi hoạch định chiến lược kinh tế đối ngoại, các quốc gia có thể kết hợp cả hai kiểu chiến lược trên.

 

Câu 14: Phân tích Chiến lược kinh tế đối ngoại của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng năm 1986 (Đại hội VI) – Đại hội được ví là “Đại hội của sự đổi mới”, cột mốc quan trọng đánh dấu sự thay đổi trong quá trình phát triển kinh tế đối ngoại của Việt Nam. Mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế là chủ trương lớn được Đảng ta đề cập xuyên suốt trong các kì Đại hội, từ Đại hội VI đến Đại hội XII nhằm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, đưa Việt Nam từng bước, chủ động hội nhập vào nền kinh tế khu vực và thế giới. Cụ thể:

Đại hội VI, mở đầu cho thời kì đổi mới đất nước đã đưa ra chủ trương tranh thủ những điều kiện thuận lợi về hợp tác kinh tế và khoa học kĩ thuật, tham gia ngày càng rộng rãi vào việc phân công và hợp tác quốc tế trong “Hội đồng tương trợ kinh tế và mở rộng với các nước khác”.

Đại hội VII, định hướng “đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ với các quốc gia, các tổ chức kinh tế quốc tế”.

Đại hội VIII, mở ra chủ trương “Xây dựng một nền kinh tế mở, hội nhập với khu vực và thế giới”.

Đại hội IX, nhấn mạnh “chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực theo tinh thần phát huy tối đa nội lực, nâng cao hiệu quả họp tác quốc tế, bảo đảm độc lập tự chủ và định hướng xã hội chủ nghĩa”. Ngày 27/11/2001, Bộ Chính trị khóa IX đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TW “về hội nhập kinh tế quốc tế”.

Đại hội X, nhấn mạnh chủ trương “chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực khác”. Ngày 05/02/2007, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã ban hành Nghị quyết so 08-NQ/TW “về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới”.

Đại hội XI, đã đề ra đường lối đối ngoại của Việt Nam trong thời kì phát triển mới, trong đó có chủ trương rất quan trọng là “chủ động và tích cực hội nhập quốc tế”. Từ “hội nhập kinh tế quốc tế” của các kì đại hội trước, chuyển sang “hội nhập quốc tế” một cách toàn diện là một phát triển quan trọng về tư duy đối ngoại của Đảng ta. Ngày 10/4/2013, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TW “về hội nhập quốc tế”. Đây là văn kiện quan trọng, có ý nghĩa chiến lược, làm rõ và thống nhất nhận thức trong toàn Đảng, toàn dân về hội nhập quốc tế trong tình hình mới. Nghị quyết đã xác định rõ hội nhập quốc tế sẽ được triển khai sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt, hội nhập kinh tế phải gắn với yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế.

Đại hội XII, với chủ trương “Chủ động hội nhập, nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế”, Việt Nam đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại đa phương với phương châm chuyển mạnh từ “tham gia tích cực” lên “chủ động đóng góp xây dựng”, qua đó góp phần quan trọng vào việc nâng cao vị thế quốc tế của đất nước.

Thực hiện chủ trương mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế của Đảng, Việt Nam đã hội nhập ngày càng sâu rộng, tham gia hầu hết các tổ chức, định chế quốc tế và khu vực chủ yếu trên thế giới.

– Một số mốc son trong quả trình mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam có thể kể đến như:

Gia nhập ASEAN vào tháng 7/1995. Sự kiện này được coi là một bước đột phá về hành động trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Ngày 22/11/2015, các nhà lãnh đạo ASEAN đã kí Tuyên bố Kuala Lumpur chính thức thành lập Cộng đồng ASEAN, trong đó có Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào ngày 31/12/2015. Việc tham gia ASEAN và thực hiện các cam kết nhằm xây dựng Cộng đồng ASEAN sẽ đóng góp thiết thực cho việc góp phần tạo môi trường hòa bình, ổn định cải thiện môi trường luật pháp trong nước, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, cũng như làm cơ sở, tiền đề giúp Việt Nam tham gia các khuôn khổ hợp tác song phương và đa phương khác.

Trở thành thành viên sáng lập và là một thành viên tích cực của Diễn đàn Họp tác Á-Âu (ASEM) năm 1996.

Được kết nạp vào Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) vào năm 1998. Việt Nam đã được đánh giá là một trong những thành viên năng động, đã có nhiều sáng kiến hợp tác và đóng góp tích cực cho các diễn đàn hợp tác quốc tế quan trọng này.

Gia nhập Tổ chức thương mại lớn nhất hành tinh – WTO vào tháng 01/2007, đánh dấu sự hội nhập toàn diện của Việt Nam vào kinh tế thế giới. Với việc gia nhập WTO, Việt Nam đã tiến hành nhiều cải cách chính sách kinh tế, thương mại, đầu tư đồng bộ, theo hướng minh bạch và tự do hóa hơn.

Hòa cùng với xu hướng thiết lập các khu vực thương mại tự do trên thế giới, tính đến tháng 7/2019, Việt Nam đã tham gia đàm phán, kí kết 16 FTA (trong đó 13 FTA đã kí kết – Các FTA đã kí kết gồm: ASEAN – Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC); ASEAN – Ắn Độ; ASEAN – Hàn Quốc; ASEAN – Hồng Kông (Trung Quốc); ASEAN – Nhật Bản; ASEAN – Trung Quốc; ASEAN – Australia, New Zealand; CPTPP (TPP 11); Việt Nam – Chi Lê; Việt Nam – Hàn Quốc; Việt Nam – Liên minh kinh tế Á – Âu; Việt Nam – Nhật Bản; Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và 3 FTA chưa kí kết – Các FTA chưa kí kết gồm: Hiệp định Đối tác kinh tê toàn diện khu vực (RCEP) bắt đầu đàm phán từ ngày 09/5/2013; Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Khối EFTA bắt đầu khởi động đàm phán từ tháng 5/2012; Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Israel bắt đầu khởi động đàm phán từ tháng 12/2015) với 56 quốc gia và nền kinh tế trên thế giới, trong đó 6 FTA do ta chủ động tham gia ngoài khuôn khổ nội khối ASEAN hoặc với nước đối tác của ASEAN. Điều này giúp Việt Nam nắm bắt và tận dụng tốt hơn các cơ hội do quá trình hội nhập kinh tế khu vực đem lại, đồng thời Việt Nam có thêm điều kiện, tranh thủ họp tác quốc tế để phục vụ chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, triển khai chiến lược hội nhập quốc tế nói chung và chiến lược đối ngoại ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương nói riêng.

– Một số thành tựu đạt được của nền kinh tế Việt Nam sau hơn 30 năm đối mới, mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế:

Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế hơn 30 năm qua đã mở ra không gian phát triển mới cho nền kinh tế Việt Nam, mở rộng quan hệ hợp tác sâu, rộng với các quốc gia trong khu vực và thế giới, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Điều này, tác động mạnh đến sự tăng trưởng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao năng lực sản xuất, mở rộng thị trường trong một số lĩnh vực cụ thể như: công nghiệp, thương mại, các ngành dịch vụ…; thúc đẩy tái cấu trúc nền kinh tế, đặc biệt là chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng tích cực, phù hợp với chủ trương công nghiệp hóa theo hướng hiện đại, theo đó tập trung nhiều hơn vào các mặt hàng chế biến, chế tạo có giá trị và hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao hơn; thúc đẩy thương mại, tăng thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) và mở rộng quan hệ hợp tác phát triển (ODA).

Góp phần tạo thêm việc làm, các ngành có tốc độ tăng việc làm cao nhất cũng là những ngành mở cửa nhanh hơn hoặc những ngành áp dụng công nghệ mới để cạnh tranh, tạo tài sản sản xuất và hạ tầng như công nghệ chế tạo, xây dựng, tài chính ngân hàng, khoa học công nghệ; tác động tích cực tới tiền lương và thu nhập của mọi tầng lớp cư dân, tăng năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh (quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm).

Tiếp thu được khoa học – công nghệ mới và kĩ năng quản lý tiên tiến trên nhiều lĩnh vực: Công nghiệp, nông nghiệp, kĩ thuật, văn hóa – xã hội… góp phần đào tạo cho Việt Nam có được đội ngũ nguồn nhân lực có trình độ và năng lực cả về chuyên môn lẫn quản lý.

Góp phần hoàn thiện thể chế trong nước trên góc độ: pháp luật và tổ chức bộ máy, cùng với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tạo hiệu ứng tích cực thúc đẩy cải cách và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đầy đủ, hoàn thiện môi trường kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế nước ta trong dài hạn, tạo ra môi trường kinh doanh ngày càng bình đẳng, minh bạch, dễ dự đoán hơn và ngày càng phù hợp với chuẩn mực và thông lệ quốc tế…

Các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tham gia chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất khu vực, chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng tích cực, tập trung nhiều hơn vào các mặt hàng chế biến, chế tạo có giá trị và hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao hơn.

Năm 2019 được coi là năm đạt nhiều kết quả ấn tượng. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế 7,02% (năm thứ hai liên tiếp tăng trưởng trên 7% kể từ năm 2017), quy mô nền kinh tế (GDP) đạt 262 tỉ USD, tổng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu cán mốc 516,96 tỉ USD trong đó xuất siêu 9,9 tỉ USD, tổng số vốn FDI đăng kí cấp mới và vốn tăng thêm đạt 38 tỉ USD (với 3.883 dự án cấp mới), số lượng khách du lịch quốc tế đạt mức 18 triệu lượt (cao nhất từ trước tới nay).

– Quan điểm của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong thời gian tới:

Trong thời gian tới, tình hình thế giới và khu vực còn nhiều diễn biến phức tạp, quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tiếp tục được đẩy mạnh. Các quốc gia tham gia ngày càng sâu vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Xuất hiện nhiều hình thức liên kết kinh tế mới, các định chế tài chính quốc tế, khu vực, các hiệp định song phương, đa phương thế hệ mới. Trong khi đó, Việt Nam sẽ phải thực hiện đầy đủ các cam kết trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN và WTO, tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, hội nhập quốc tế với tầm mức sâu rộng hơn rất nhiều so với giai đoạn trước.

Nhằm phát huy những thành tựu đã đạt được trong hơn 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới và vươn tới mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, Đảng và Nhà nước Việt Nam tiếp tục kiên trì thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế, chủ động hội nhập quốc tế với phương châm “Việt Nam sẵn sàng là bạn và là đối tác tin cậy của tất cả các nước trong cộng đồng thế giới phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển”?.

Trong cuộc đối thoại giữa Việt Nam và WEF 2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chia sẻ thẳng thắn quan điểm về sự phối hợp, hợp tác giữa Chính phủ, các tỉnh thành của Việt Nam với các nhà đầu tư và kinh doanh khu vực và toàn cầu. Thủ tướng nhắc lại những thông điệp Thủ tướng đã từng chia sẻ với các doanh nghiệp, đó là tinh thần “Đồng cam cộng khổ”, “Lợi ích hài hòa, Rủi ro chia sẻ”, “Hợp tác cùng thắng” (Win-win) giữa Chính phủ và doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay. Đặc biệt, Thủ tướng đã đưa ra thông điệp chính sách hết sức quan trọng, bao gồm các biện pháp ngắn hạn và dài hạn, thể hiện cam kết và quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc cải cách, chuyển đổi nền kinh tế và kiến tạo các cơ hội mới cho nền kinh tế Việt Nam, cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước phát triển theo hướng bền vững, bao trùm và sáng tạo.

 

Câu 15: Hãy chỉ ra các lợi thế phát triển quan hệ kinh tế quốc tế của Việt Nam và những giải pháp khai thác.

 

(ĐCSVN)- Tại Hội thảo khoa học “Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế” tổ chức chiều 13/12, đại diện cho Viện, các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp… đã có nhiều ý kiến đóng góp, đề xuất nhiều giải pháp thiết thực nhằm khai thác tối đa các nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững…

Dữ liệu – yếu tố quan trọng nâng cao hiệu quả các nguồn lực kinh tế

Tham luận tại hội thảo, đồng chí Trần Minh Tân, chuyên gia cao cấp, Ban Công nghệ Thông tin, Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh: Trong mọi giai đoạn phát triển của mỗi quốc gia, việc quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế đều cần phải có dữ liệu. Phạm vi dữ liệu phục vụ cho phát triển kinh tế không chỉ đơn thuần là những số liệu thống kê, mà quan trọng hơn, còn là các dữ liệu phục vụ cho việc phân tích, dự báo, xây dựng các kế hoạch phát triển đất nước. Thời điểm hiện tại, thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0), chuyển đổi số đang dần được áp dụng trên tất cả các lĩnh vực của cuộc sống và tác động sâu sắc tới hệ thống chính trị, xã hội và kinh tế của các nước. Ở trọng tâm của quá trình chuyển đổi số, dữ liệu tiếp tục là đòn bẩy quan trọng, tạo động lực cho tăng trưởng và quản lý kinh tế của mỗi quốc gia.

Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi số, hướng tới Chính phủ số, Kinh tế số, Xã hội số. Trong bối cảnh Việt Nam đang chuyển mình từ kinh tế truyền thống sang kinh tế số thì dữ liệu cho chuyển đổi số đóng vai trò then chốt để nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế. Căn cứ các mục tiêu cụ thể về nguồn nhân lực, nguồn vật lực và nguồn tài lực đã được đề ra trong Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 15/01/2019 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế; để chuẩn bị tốt dữ liệu phục vụ phát triển kinh tế, cần hệ thống các giải pháp đồng bộ, trong đó trước mắt cần tập trung vào những giải pháp cơ bản như:

Thứ nhất: Kiến tạo thể chế, chính sách về dữ liệu. Theo đó, hoàn thiện thể chế, xây dựng cơ chế chính sách và quy định liên quan đến quản trị dữ liệu; chính sách thúc đẩy, khuyến khích các tổ chức, cá nhân xây dựng và tạo lập dữ liệu và đóng góp vào hạ tầng dữ liệu quốc gia; quản lý dữ liệu xuyên quốc gia; bổ sung các quy định về bảo mật dữ liệu, an ninh mạng, giao dịch điện tử và pháp luật về thương mại điện tử và thuế. Bên cạnh việc triển khai Chiến lược dữ liệu quốc gia, cần đồng thời rà soát, sửa đổi, ban hành mới quy định, chính sách về tài sản dữ liệu, mua, bán, chuyển nhượng dữ liệu, cung cấp dịch vụ dữ liệu,…. để tạo thị trường dữ liệu phát triển lành mạnh, an toàn, tuân thủ pháp luật. Rà  soát, sửa đổi quy định, chính sách về tài chính, phí, lệ phí để cơ quan nhà nước cung cấp dữ liệu cho doanh nghiệp, tạo nguồn thu hợp pháp để duy trì, phát triển dữ liệu và có cơ chế thu mua dữ liệu từ doanh nghiệp.

Thứ hai, khai thác, sử dụng và tận dụng dữ liệu để kiến tạo phát triển kinh tế. Cụ thể, sử dụng dữ liệu để đơn giản hóa thủ tục hành chính. Khai thác dữ liệu để nâng cao năng lực, hiệu suất làm việc; cắt giảm các hoạt động thủ công, giấy tờ thay bằng các hệ thống thông tin, xử lý trên dữ liệu số. Thực hiện chỉ đạo điều hành trên dữ liệu, quyết định chỉ đạo phải có thuyết minh lấy dữ liệu làm cơ sở lựa chọn phương án. Tăng cường sử dụng các công nghệ trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn trong hoạt động quản trị nhà nước, hỗ trợ ra quyết định….

Thứ ba, thúc đẩy phát triển kinh tế dữ liệu và các doanh nghiệp dữ liệu. Trong đó hình thành những doanh nghiệp chuyên về dữ liệu thuộc các nhóm, lĩnh vực: tư vấn chiến lược quản trị dữ liệu; cung cấp nội dung số; cung cấp nền tảng, dịch vụ quản trị dữ liệu. Ưu tiên thúc đẩy các ngành nghề mới về dữ liệu mới theo nhu cầu phát triển. Xây dựng dữ liệu vườn ươm doanh nghiệp….

Thứ tư, hợp tác quốc tế, trao đổi kinh nghiệm và đào tạo nguồn nhân lực. Tăng cường hợp tác quốc tế về dữ liệu. Trước mắt là hợp tác với các nước ASEAN triển khai sáng kiến quản trị dữ liệu xuyên biên giới để thúc đẩy dòng chảy dữ liệu giữa các nước an toàn và phù hợp với quy định pháp luật của từng nước. Bên cạnh đó cũng cần chú trọng việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực số, phát triển nhân lực về dữ liệu, phát triển đội ngũ khoa học về dữ liệu trong các lĩnh vực.

Ứng dụng cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong ngành ngân hàng

Theo Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Ngân hàng Công Thương Việt Nam Trần Kiên Cường, cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đang làm thay đổi một cách toàn diện các hoạt động kinh tế – xã hội của con người. CMCN 4.0 được phát triển trên cơ sở nhiều công nghệ khác nhau và các công nghệ này được tích hợp lại để tạo ra sự thay đổi đột biến trong mọi lĩnh vực, đời sống. Trong xu thế đó, nhiều quốc gia trên thế giới bao gồm cả nước phát triển và đang phát triển đều đã và đang chủ động tìm kiếm, xây dựng chính sách tham gia, tận dụng cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp này. Đối với ngành ngân hàng, với tác động của CMCN 4.0, quá trình số hóa các dịch vụ ngân hàng đang là xu hướng tất yếu, nó không chỉ giúp nâng cao trải nghiệm khách hàng mà còn cải tiến các quy trình nội bộ của ngân hàng.

Những năm gần đây, thế giới đang chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ bước vào cuộc CMCN 4.0. Trong xu thế đó, nhiều quốc gia trên thế giới bao gồm cả nước phát triển và đang phát triển đều đã và đang chủ động tìm kiếm, xây dựng chính sách tham gia, tận dụng cơ hội từ việc khai thác lợi ích của các công nghệ đặc trưng của CMCN 4.0 như: Trí tuệ nhân tạo (AI); Chế tạo đắp lớp (3D Printing); Thực tế ảo/Thực tế tăng cường (VR/AR); Internet vạn vật (IoT), Công nghệ Chuỗi khối (Blockchain); Điện toán đám mây (Cloud Computing); Dữ liệu lớn (Big Data)…một cách tối ưu nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, duy trì khả năng cạnh tranh và giải quyết các vấn đề tạo ra do áp lực của sự phát triển ảnh hưởng tới môi trường và xã hội.

Không nằm ngoài xu thế phát triển của toàn cầu và khu vực, CMCN 4.0 và những đột phá công nghệ trong CMCN 4.0 được Đảng, Nhà nước xác định là động lực quan trọng thúc đẩy đất nước phát triển nhanh và bền vững… Đối với Ngành ngân hàng, tương lai sẽ số hóa hoàn toàn, các dịch vụ ngân hàng sẽ được tích hợp vào các hoạt động hàng ngày của khách hàng mà không cần tới một giao diện riêng. Chúng ta có thể nhận rõ điều đó trong toàn bộ hành trình trải nghiệm của khách hàng, từ khi khách hàng bắt đầu tìm kiếm sản phẩm cho đến khi họ trở thành khách hàng thân thiết của ngân hàng. Ngay từ khâu tìm kiếm sản phẩm, các dịch vụ ngân hàng sẽ được tích hợp trong những gói sản phẩm lớn, nằm trong hệ sinh thái phục vụ khách hàng thay vì khách hàng tìm kiếm riêng sản phẩm dịch vụ ngân hàng. Quan hệ với khách hàng được tăng cường nhờ việc sử dụng phân tích nâng cao, AI để nhận diện, dự đoán nhu cầu, từ đó gợi ý sản phẩm phù hợp hay xây dựng sản phẩm mới. Bên cạnh đó, tận dụng những thành quả của cách mạng công nghiệp 4.0, các công ty Fintech và các ngân hàng kiểu mới đã sử dụng công nghệ một cách hiệu quả. Thông qua việc sử dụng rộng rãi API (Application Programming Interface) – Giao diện lập trình ứng dụng, các kỹ thuật phân tích nâng cao, trí tuệ nhân tạo và các thiết bị IoT, họ có thể cung cấp sản phẩm dịch vụ tối ưu tới khách hàng với thời gian và chi phí nhỏ hơn nhiều so với các ngân hàng truyền thống.

Chúng ta đang hướng tới một xã hội kết nối hoàn toàn, thiết bị cá nhân sẽ được kết nối với các thiết bị khác trong xã hội. Internet vạn vật (IoT) sẽ thay đổi toàn bộ xã hội và nền kinh tế: thiết bị đeo thông minh, căn hộ thông minh, thành phố thông minh, chế tạo thông minh (tối ưu hóa quy trình, cung ứng hàng theo nhu cầu, theo dõi tài sản, bảo trì đúng lúc, …), chăm sóc sức khỏe thông minh, xe thông minh. Và do vậy, khách hàng sẽ không tiếp tục chấp nhận sử dụng những dịch vụ ngân hàng “kém thông minh”. Do đó, đối với ngành ngân hàng, Chuyển đổi số để có thể tồn tại và phát triển mạnh mẽ hơn trong thời đại công nghiệp 4.0 chính là nhiệm vụ chiến lược của ngành ngân hàng trong giai đoạn hiện nay và cả những năm sắp tới.

Đồng chí Trần Kiên Cường cho biết, Đảng ủy NHCTVN đã thống nhất mục tiêu và quan điểm chỉ đạo:

Thực hiện chuyển đổi số là đổi mới toàn diện hoạt động, nâng cao hiệu quả hoạt động của NHCTVN theo hướng hiện đại, trên cơ sở ứng dụng và khai thác hiệu quả các thành tựu của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, chỉ số về chuyển đổi số của Chính phủ, Đảng ủy Khối DNTW, NHNN, góp phần thực hiện thành công chuyển đổi số quốc gia, xây dựng kinh tế số, xã hội số, Chính phủ số, góp phần bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái.

Phát triển, gia tăng tiện ích, nâng cao trải nghiệm khách hàng và thực hiện mục tiêu tài chính toàn diện. Tạo môi trường thuận lợi cho cán bộ, đảng viên, người lao động được học hỏi, đào tạo, cập nhật kiến thức và phát triển bản thân dựa trên công nghệ số. Phát triển bền vững trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến trong quản trị điều hành và cung ứng sản phẩm, dịch vụ theo hướng tự động hóa quy trình, tối ưu hóa hoạt động nghiệp vụ.

Thực hiện chuyển đổi số với mục tiêu đến năm 2025, Ngân hàng Công thương Việt Nam, nằm trong nhóm dẫn đầu khu vực ASEAN về mức độ trưởng thành chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng.

Trên cơ sở các mục tiêu và định hướng đó, Đảng ủy Ngân hàng Công thương Việt Nam đã ban hành Nghị quyết về thực hiện “Chuyển đổi số trong Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” nhằm xác định cụ thể tầm nhìn, mục tiêu và những định hướng nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để các tập thể, cá nhân trong NHCTVN xác định và triển khai kế hoạch chuyển đổi số cụ thể của mình. Đây là những giải pháp cần thiết, có tính đột phá, phù hợp với tình hình mới để thực hiện chủ trương của Trung ương, Đảng ủy Khối DNTW, NHNN, Đảng ủy và Ban Lãnh đạo NHCTVN về chuyển đổi số; đóng góp tích cực hơn cho công cuộc hiện đại hóa và phát triển đất nước.

Khai thác hiệu quả tối đa nguồn nhân lực lao động

Đồng chí Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt May Việt Nam cho rằng, với lĩnh vực Dệt May, quan niệm cho đây là một ngành giá trị gia tăng thấp, sử dụng nhiều lao động nhưng thu nhập cũng thấp là chưa chính xác. Nó mới chỉ xuất phát từ cách làm của chúng ta, chứ không phải là bức tranh chung của dệt may thế giới. Vì trên thực tế hiện nay ngành dệt may vẫn tồn tại tại các nước phát triển thu nhập gấp 10-15 lần Việt Nam như Pháp, Ý, Đức…cho các phân khúc cao cấp, hàng hiệu. Nhưng tương đồng với Việt Nam là các quốc gia sản xuất quy mô lớn như Trung Quốc, Ấn Độ thì dệt may vẫn được xác định là ngành kinh tế trọng điểm…

Với thực tế của Việt Nam hiện nay, chúng ta khó hình thành những sản phẩm đột phá về công nghệ so với thế giới nhưng chúng ta lại đang ở thời kỳ dân số vàng. Vì vậy, không thể coi nhẹ ngành công nghiệp dệt may mà phải coi đây là ngành quan trọng trong vòng vài chục năm tới vì sử dụng được số lượng lớn lực lượng lao động tay nghề đào tạo ngắn hạn (dưới 3 tháng) nhưng lại có thu nhập cao hơn 2-3 lần lao động nông nghiệp. Vấn đề là phải tập trung đầu tư xây dựng công nghiệp dệt may đáp ứng được yêu cầu cao của các hiệp định thương mại tự do mới là đi từ sợi để từng bước tham gia được cả vào 4 công đoạn: thiết kế – sản xuất nguyên liệu – gia công – phân phối của ngành công nghiệp dệt – may trong vòng 20-30 năm tới, giúp giải quyết được việc làm cho một số lượng lớn lao động nông nghiệp chuyển đổi nghề. Do vậy, phải gắn phát triển công nghiệp dệt – may với quá trình công nghiệp hóa nông nghiệp nông thôn, gắn với quá trình đô thị hóa nông thôn Việt Nam.

Hiện tại dệt may Việt nam đang sử dụng khoảng 2,5 triệu lao động trên cả nước, tạo ra kim ngạch xuất khẩu 40 tỷ USD, thặng dư thương mại (kim ngạch xuất khẩu trừ đi kim ngạch nhập khẩu nguyên phụ liệu cho dệt may) đạt gần 20 tỷ USD là ngành có thặng dư cao nhất trong các ngành xuất khẩu do có tỷ lệ nội địa hoá khả quan nhất. Đồng thời đang chi trả thu nhập cho người lao động khoảng 3800 USD/người/năm. Với mục tiêu khả thi có thể đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 70 tỷ USD đến năm 2030, ngành dệt may hoàn toàn có thể sử dụng khoảng 4 triệu lao động trực tiếp (tăng 1,5 triệu so với hiện nay) và tạo việc làm cho 1,5 triệu lao động dịch vụ phục vụ ngành. Cùng với tỷ lệ hưu trí tự nhiên 5%/năm. Mỗi năm ngành có thể tạo việc làm cho 250.000-300.000 việc làm mới.

Để đạt được mục tiêu này trước hết cần thay đổi tư duy về ngành dệt may của đất nước lớn thứ 2 về xuất khẩu dệt may trên thế giới. Do đó không thể sản xuất phân tán, vụn vặt, quy mô nhỏ, không có ngành sản xuất nguyên liệu và ngành nghiên cứu phát triển về vật liệu, thiết kế. Kinh nghiệm từ quy hoạch dệt may của 2 quốc gia lớn nhất thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ thì nhà nước đều có đầu tư các khu tập trung lớn quy mô hàng ngàn hecta cho sản xuất nguyên liệu và khoảng 20% nguyên liệu được làm đến khâu may tại khu công nghiệp. Xác thực vai trò của 1 điểm đến cung ứng trọn gói giải pháp cho người mua hàng hoá dệt may toàn cầu…

 Với cách tiếp cận đó, ít nhất Việt Nam cần 8-10 khu công nghiệp quy mô trên 1000 ha cho dệt may với 1 ở trung du bắc bộ, 2 đồng bằng Nam sông Hồng, 1 Bắc Trung bộ, 2 ở Trung bộ và Nam Trung bộ, 2 ở Nam bộ. Các khu công nghiệp cần có điều kiện tiếp cận giao thông thuận tiện với cảng biển, có quy hoạch để xây dựng ký túc xá cho công nhân. Mỗi khu công nghiệp sẽ có module đầu tư từ 1 triệu – 1,5 triệu cọc sợi, khả năng sản xuất 150 triệu mét vải dệt thoi, 60.000 tấn dệt kim, và khoảng 250 triệu sản phẩm may. Toàn khu đạt kim ngạch xuất khẩu từ 2,3-2,5 tỷ USD, thu hút 25.000-30.000 lao động. Các khu tập trung chủ yếu sản xuất nguyên liệu nên sử dụng ít lao động, kim ngạch xuất khẩu trên đầu người cao gấp 3-4 lần hiện nay (hiện nay 40.000-50.000 lao động mới tạo ra 1 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu nếu chỉ dựa vào khâu may).

Dệt may cùng các ngành thâm dụng lao động đảm bảo hài hòa phát triển kinh tế xã hội theo mô hình tam giác phát triển: kinh tế – môi trường sống – an sinh phúc lợi xã hội. Trong đó chú trọng việc quy hoạch hạ tầng cho lao động sống ổn định cả về văn hoá – tinh thần – giáo dục.

Trong quá trình phát triển kinh tế, tất yếu là chúng ta phải có tác động vào hệ cân bằng sinh thái – môi trường sống của con người. Vấn đề là sau đó chúng ta ứng xử thế nào. Với dệt may, hiện nay vấn đề các địa phương lo ngại là nước thải khi sản xuất vải, tuy nhiên không thể tiếp cận theo hướng có rủi ro thì không cho làm, mà nên quản trị rủi ro theo pháp luật. Có quy định, có đánh giá cấp phép hoạt động và sẵn sàng đóng cửa nếu vi phạm về mô trường. Đảm bảo công bằng trong cạnh tranh giữa doanh nghiệp tuân thủ và doanh nghiệp vi phạm.

Phát huy vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW

Theo KS Lê Minh Chuẩn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV), với đặc thù là doanh nghiệp Nhà nước có nhiệm vụ khai thác nguồn lực tài nguyên, khoáng sản của đất nước và vai trò là một trong các trụ cột đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, là công cụ để điều hành kinh tế vĩ mô của Nhà nước càng có ý nghĩa quan trọng hơn. Với tinh thần đó, Đảng uỷ TKV đã bám sát các mục tiêu và các giải pháp Nghị quyết 39 đã đề ra, xây dựng kế hoạch, chương trình hành động và từng bước triển khai hiệu quả, vừa khắc phục những tồn tại mà Nghị quyết đưa ra, vừa phát triển sản xuất kinh doanh, bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Trong những năm qua, Đảng uỷ TKV đã chủ động xây dựng nhiều Nghị quyết, Chương trình hành động tập trung lãnh chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy nguồn lực về tài nguyên khoáng sản, trong đó nổi bật là các chương trình trọng tâm như: Chương trình tái cơ cấu lại các doanh nghiệp; Chương trình cơ giới hóa, tự động hoá, tin học hoá; Chương trình nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; Chương trình tái cơ cấu lực lượng lao động, xây dựng đội ngũ cán bộ… và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tính trong các năm gần đây, tốc độ tăng trưởng tổng doanh thu bình quân 7,9%/năm; Năng suất lao động tăng 12%/năm; Thu nhập bình quân của người lao động tăng 9,2%/năm…

Từ thực tế những khó khăn và các kết quả đã đạt được, Đảng ủy TKV đã rút ra một số bài học kinh nghiệm trong lãnh, chỉ đạo, cụ thể như: Kịp thời đề xuất, tham mưu Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương ban hành chính sách nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp Nhà nước nói chung và TKV nói riêng phát triển, đóng vai trò nòng cốt trong nền kinh tế; Thường xuyên rà soát điều chỉnh, thay thế các quy chế, quy định quản lý trong TKV đảm bảo phù hợp với sự điều chỉnh, thay đổi của Nhà nước và sự phát triển của TKV; Ngoài việc đẩy mạnh xây dựng quy chế ưu đãi, chăm lo, thu hút  lực công nhân kỹ thuật, đặc biệt là thợ lò, cần có cơ chế truyền thông, khuyến khích, huy động mọi nguồn lực xã hội cùng tham gia công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ công nhân kỹ thuật lành nghề.

Cùng với đó xã hội hóa huy động các nguồn lực chung của xã hội để triển khai thực hiện các dự án đầu tư trọng điểm của TKV về thăm dò, huy động tài nguyên; các dự án đầu tư đổi mới công nghệ, giảm tổn thất tài nguyên, góp phần nâng cao năng suất lao động và cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động, đảm bảo an toàn; các dự án bảo vệ môi trường; Đẩy mạnh kiểm tra, giám sát việc triển khai các Nghị quyết chuyên đề của Đảng uỷ TKV (về an toàn, quản lý tài nguyên, quản lý đất đai, bảo vệ môi trường… đã ban hành). Đặc biệt tăng cường công tác quản trị tài nguyên, bảo vệ an toàn, an ninh trật tự ranh giới mỏ, chống thất thoát tài nguyên, xử lý nghiêm túc các vi phạm về quản lý khai thác tài nguyên (nếu có)…

Từ thực tiễn tại Tập đoàn, KS Lê Minh Chuẩn đề nghị Chính phủ và các cấp có thẩm quyền kịp thời điều chỉnh cơ chế, chính sách trong quản lý tài nguyên khoáng sản, đặc biệt là điều tiết giá bán than theo thị trường để đảm bảo các đơn vị khai thác, chế biến, tiêu thụ than, khoáng sản cân đối được tài chính, cân bằng giá đầu vào nguyên, nhiên vật liệu với giá bán sản phẩm đầu ra.

Đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền và chính quyền các địa phương tạo điều kiện về cơ chế để TKV có thể xây dựng nhà ở cho các hộ gia đình công nhân (hiện mới chỉ xây dựng nhà ở cho công nhân tập thể), nhằm đẩy mạnh hơn nữa chăm lo nguồn nhân lực, thu hút được công nhân khai thác mỏ hầm lò làm việc lâu dài, cũng như nâng cao trình độ tay nghề cho công nhân kỹ thuật.

Đồng thời cần tiếp tục đồng bộ trong công tác quản lý nhà nước về khai thác tài nguyên nhằm thống nhất giữa Quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương với Quy hoạch phát triển các ngành và Quy hoạch Quốc gia. Cho phép TKV sớm tái khởi động triển khai Dự án khai thác và tuyển quặng mỏ Sắt Thạch Khê – Hà Tĩnh; Cấp giấy phép khai thác khoáng sản Cromit mỏ Cổ Định – Thanh Hoá; Bộ Chính trị sớm tổng kết 02 dự án thí điểm đầu tư khai thác và chế biến quặng bauxite tại Tây Nguyên…./.

CHƯƠNG 2: CÁC HỌC THUYẾT VÀ NGUYÊN TẮC CƠ BẢN TRONG QUAN HỆ KINH TẾ QUỐC TẾ 

Câu 16: Hãy nêu và đánh giá ưu, nhược điểm của các học thuyết cổ điển về thương mại quốc tế.

 

  • Học thuyết trọng thương

 

Ưu điểm

tư tưởng chủ đạo của chủ nghĩa trọng thương cho rằng cần phải duy trì trạng thái thặng dư thương mại, tức là xuất khẩu nhiều hơn nhập khẩu để mang lại lợi ích tốt nhất cho một nước. 

Nhược điểm

Nhược điểm của chủ nghĩa trọng thương là đã nhìn nhận thương mại như một trò chơi có tổng bằng  không (zero-sum game – nghĩa là lợi ích mà một nước thu được chính bằng thiệt hại mà nước khác mất đi.)  Hạn chế này đã được các lý thuyết của Adam Smith và David Ricardo ra đời sau đó chỉ rõ và khẳng định thương mại là một trò chơi có tổng lợi ích là số dương (positive-sum game –tất cả các nước đều thu được lợi ích.) 

 

  • Học thuyết về lợi thế tuyệt đối của Adam Smith

 

Ưu điểm

  • Khắc phục hạn chế của lý thuyết trọng thương đó là khẳng định cơ sở tạo ra giá trị là sản xuất chứ không phải là lưu thông.
  • Chứng minh thương mại đem lại lợi ích cho cả hai quốc gia.

        Nhược điểm

  • Không giải thích được hiện tượng chỗ đứng trong phân công lao động quốc tế và thương mại Quốc tế sẽ xảy ra như thế nào đối với những nước không có lợi thế tuyệt đối nào.
  • Coi lao động  là yếu tố sản xuất duy nhất tạo ra giá trị, là đồng nhất và được sử dụng với tỉ lệ như nhau trong tất cả các loại hàng hoá.
  • Dùng lợi thế tuyệt đối chỉ có thể giải thích được một phần rất nhỏ trong mậu dịch quốc tế ngày nay ví như giữa những nước phát triển và những nước đang phát triển. Lý thuyết này không thể giải thích được trong trường hợp một nước được coi là “tốt nhất” tức là quốc gia đó có lợi thế tuyệt đối để sản xuất tất cả các sản phẩm hoặc một nước được coi là “kém nhất” tức là quốc gia đó không có một sản phẩm nào có lợi thế tuyệt đối để sản xuất trong nước. Trong những trường hợp đó, liệu các quốc gia có còn giao thương được với nhau nữa không và lợi ích mậu dịch sẽ nằm ở chỗ nào? hay lại áp dụng chính sách bế quan tỏa cảng?

 

  • Học thuyết lợi thế so sánh của Ricardo

 

Ưu điểm 

  • Gia tăng lượng hàng sản phẩm và hai nước xuất nhập khẩu cũng thu lợi nhiều từ thương mại 
  • sản lượng tiềm năng của thế giới sẽ lớn hơn nhiều trong điều kiện thương mại tự do không bị hạn chế (so với trong điều kiện hạn chế về thương mại). Lý thuyết của Ricardo gợi ý rằng người tiêu dùng ở tất cả các quốc gia sẽ được tiêu dùng nhiều hơn nếu như không có  hạn chế trong thương mại giữa các nước. 
  • So với lý thuyết về lợi thế tuyệt đối lý thuyết về lợi thế so sánh khẳng định một cách chắc chắn hơn nhiều rằng thương mại là một trò chơi có tổng lợi ích là một số dương trong đó tất cả các nước tham gia đều thu được lợi ích kinh tế. Như vậy, lý thuyết này đã cung cấp một cơ sở hợp lý cho việc khuyến khích tự do hóa thương mại và cho đến nay, lý thuyết của Ricardo vẫn chứng tỏ sức thuyết phục khi thường được xem là vũ khí lập luận chủ yếu cho những ai ủng hộ cho thương mại tự do.

      Nhược điểm

Kết luận về thương mại tự do mang lại lợi ích cho tất cả là một khẳng định còn nặng tính chủ quan khi được rút ra từ một mô hình đơn giản như ở phần trên. Mô hình đơn giản đó đi kèm với nhiều giả thiết phi thực tế:

  1. Giả thiết về một thế giới giản đơn trong đó chỉ có 2 quốc gia và 2 loại hàng hóa trong khi đó trên thực tế, có rất nhiều quốc gia và vô số hàng hóa khác nhau.
  2. Giả thiết về chi phí vận tải bằng không giữa các quốc gia là sự bất hợp lý rõ ràng.
  3. Giả thiết về giá cả các nguồn lực sản xuất là ngang bằng nhau tại các quốc gia khác nhau cũng không có tính thực tiễn. Đồng thời mô hình cũng chưa đề cập tới tỷ giá hối đoái, chỉ đơn giản giả định rằng cacao và gạo có thể trao đổi với nhau theo tỷ lệ 1:1.
  4. Giả thiết về các nguồn lực sản xuất có thể dễ dàng di chuyển giữa các ngành sản xuất trong phạm vi một  quốc gia là không phù hợp vì trên thực tế, trường hợp đó không phải lúc nào cũng diễn ra.
  5. Giả thiết về hiệu suất không đổi theo quy mô, có nghĩa là việc chuyên môn hóa tại Ghana và Hàn Quốc không ảnh hưởng tới số lượng nguồn lực cần thiết để sản xuất ra 1 tấn cacao hay 1 tấn gạo. Tuy nhiên, trên thực tế tồn tại cả hai trường hợp hiệu suất tăng dần và hiệu suất giảm dần theo mức độ chuyên môn hóa. Khối lượng nguồn lực đòi hỏi để sản xuất một mặt hàng có thể tăng hoặc giảm khi một nước chuyên môn hóa vào sản xuất mặt hàng đó.
  6. Giả thiết rằng mỗi nước có một lượng nguồn lực sản xuất không đổi và thương mại tự do không thay đổi hiệu quả sử dụng các nguồn lực của từng nước cũng là một hạn chế. Bởi vì giả thiết mang tính tĩnh này  không cho phép những thay đổi về số lượng nguồn lực sản xuất của một nước cũng như những thay đổi về tính hiệu quả một nước sử dụng các nguồn lực của mình khi thương mại tự do diễn ra.
  7. Mô hình cũng đã đưa ra giả thiết cho rằng không có tác động của thương mại lên sự phân phối thu nhập trong phạm vi một nước.

 

Câu 17: Hãy nêu và đánh giá ưu, nhược điểm của học thuyết tân cổ điển về thương mại quốc tế.

 

  • Bối cảnh ra đời của học thuyết Heckscher – Ohlin (H – O)

 

Eli Heckscher (vào năm 1919) và Bertil Ohlin (vào năm 1933) đã đưa ra cách giải thích khác về lợi thế so sánh, chứng tỏ lợi thế so sánh xuất phát từ những sự khác biệt trong mức độ sẵn có các yếu tố sản xuất. Học thuyết của hai ông xây dựng được gọi là học thuyết Heckscher – Ohlin (H – O).

 

  • Đánh giá ưu nhược điểm

 

Ưu điểm thuyết H – O

Thuyết H – O đã góp phần lý giải thêm nhiều hiện tượng của quan hệ thương mại quốc tế và được đánh giá là một trong các học thuyết có mức độ ảnh hưởng lớn trong kinh tế học quốc tế, góp phần quan trọng trong việc giải thích cơ chế vận hành của nền kinh tế thị trường.

So với thuyết lợi thế so sánh của David Ricardo, thuyết H – o đã chứng tỏ rằng lợi thế so sánh của một quốc gia không chỉ dựa trên sự khác biệt về năng suất lao động, mà rộng hơn, nó dựa trên sự khác biệt trong mức độ sẵn có các yếu tố sản xuất (lưu ý rằng, mức độ sẵn có ở đây là tương đối, một nước không thể dồi dào ở tất cả các yếu tố sản xuất, mà có thể chỉ là một, hai yếu tố, còn lại lại thuộc về nước khác).

Chỉ với những giả thiết đơn giản và dựa trên khái niệm về mức độ dồi dào của các yếu tố sản xuất, thuyết này không chỉ cho phép đưa ra dự đoán về cơ cấu sản xuất và thương mại của các quốc gia, mà còn giúp cho việc nghiên cứu một loạt các vấn đề liên quan đến giá cả các yếu tố sản xuất, tác động của sự tăng trưởng các yếu tố sản xuất đến quy mô sản xuất và thương mại.

Học thuyết tạo tiền đề cho các học thuyết mới sau này ra đời tiếp tục giải thích về một nền thương mại quốc tế hiện đại.

 

      Nhược điểm thuyết H – O

– Cho đến những năm 50 của thế kỉ XX, địa vị của thuyết H – o đã gặp phải những thách thức nghiêm trọng, khi kết quả của các công trình kiểm chứng thực tế của thuyết này thường bị bóp méo bởi các yếu tố không hoàn hảo trên thị trường, mà điển hình là công trình của nhà kinh tế Mỹ Wassily Leontief (người đạt giải Nobel kinh tế năm 1973) – thường được biết đến với tên gọi ngịch lý Leontief.

Nội dung chính của nghịch ỈỈLeontief:ỵ

Trong những năm 50 của thế kỉ XX, Mỹ là nước giàu và dồi dào về vốn nhất thế giới. Nhưng nghiên cứu của Leontief đã chỉ ra rằng, các mặt hàng xuất khẩu của Mỹ ít sử dụng về vốn horn là các mặt hàng nhập khẩu. Điều này trái ngược với dự báo của thuyết H – o. Kết quả nghiên cứu trên được gọi là nghịch lý Leontief.

Đã có nhiều nỗ lực để giải thích nghịch lý Leontief, nhưng cho đến nay chưa có cách giải thích hoàn toàn nào được chấp nhận, do đó nghịch lý Leontief vẫn tiếp tục tồn tại và thách đố các nhà kinh tế. Một số cách lý giải cho nghịch lý Leontief:

+ Sai lầm đo lường. Leontief chỉ xem xét đến vốn vật chất, nhưng có thể Mỹ dồi dào nhất về vốn con người.

+ Chính sách bảo hộ thương mại. Có thể Mỹ đã áp đặt rào cản thương mại lên các mặt hàng nhập khẩu sử dụng nhiều lao động, còn các mặt hàng sử dụng nhiều vốn thì không, nên các mặt hàng thâm dụng vốn này được nhập khẩu dễ dàng hơn.

+ Năng suất lao động của công nhân Mỹ. Có thể công nhân Mỹ có năng suất lao động cao hơn nhiều so với công nhân các nước khác, nên về thực chất Mỹ là nước dồi dào về lao động, không phải dồi dào về vốn.

Nghịch lý có thể xảy ra nếu có sự đảo ngược mức độ sử dụng các yếu tố giữa các nước, ví dụ như sản xuất gạo ở Mỹ sử dụng nhiều về vốn, trong khi đó lại sử dụng nhiều lao động tại Việt Nam.

+ Thương mại giữa các nước công nghiệp phát triển. Ngày nay, già nửa thương mại quốc tế diễn ra giữa các quốc gia công nghiệp phát triển – những nước được coi là có mức độ trang bị các yếu tố sản xuất tương đối giống nhau. Do đó, mâu thuẫn với giả định của lý thuyết H – o, theo đó mức độ trang bị các yếu tố sản xuất giữa các quốc gia là khác nhau.

– Ngoài ra, một giả định quan trọng của thuyết H – o là công nghệ sản xuất tại các quốc gia là giống nhau. Điều này không sát với thực tế hiện nay. Bởi các nước công nghiệp phát triển thường có công nghệ phát triển hơn các nước đang và kém phát triển. Những khác biệt về công nghệ có thể dẫn tới sự khác biệt về năng suất lao động – yếu tố quan trọng trong trao đổi thương mại quốc tế.

 

Câu 18: Hãy nêu nội dung và đánh giá các học thuyết mới về thương mại quốc tế.

 

Hạn chế của học thuyết H – o đã dẫn tới sự ra đời của nhiều học thuyết mới từ những năm 50 của thế kỉ XX, nhằm giải thích thực tiễn thương mại quốc tế một cách đầy đủ và thoả đáng hơn, phù hợp hơn với nền thương mại quốc tế hiện đại.

Tuỳ theo cách tiếp cận mà các học thuyết mới về thương mại quốc tế có thể chia thành các nhóm chính: học thuyết gắn với kinh tế quy mô, học thuyết liên quan đến sự biến đổi công nghệ, học thuyết liên quan đến cầu, học thuyết liên quan đến chi phí vận chuyển, học thuyết lợi thế cạnh tranh quốc gia.

 

1. Học thuyết gắn với kinh tế quy mô

Học thuyết H – o được xây dựng dựa trên giả định các nước có quy mô tương đối giống nhau, không có nước nào được coi là nước nhỏ so với nước kia. Như vậy, học thuyết H – o giả định hoạt động sản xuất các mặt hàng được đặc trưng bởi hiệu suất không đổi theo quy mô. Tuy nhiên, trong điều kiện có sự giống nhau giữa các quốc gia về mức độ dồi dào các yếu tố và công nghệ sản xuất thì thương mại quốc tế vẫn có thể diễn ra khi hiệu suất tăng dần theo quy mô, nếu quốc gia này chuyên môn hóa một sản phẩm được lựa chọn và đổi lấy sản phẩm còn lại mà mình không chuyên môn hóa sản xuất của quốc gia kia. Trong đó, quá trình chuyên môn hóa có thể được hình thành một cách ngẫu nhiên, do lịch sử để lại hoặc do các công ti sản xuất lựa chọn địa điểm sản xuất phù hợp – để tận hưởng những chính sách ưu đãi của chính phủ nước sở tại… Khi thương mại quốc tế diễn ra giúp mở rộng thị trường, từ đó giúp các công ti cũng như người tiêu dùng trở thành một phần của thị trường rộng lớn hơn. Mỗi nước có thể tập trung vào sản xuất nhiều hơn một số sản phẩm khác biệt, rồi đem trao đổi lấy những sản phẩm khác biệt khác từ các nước bạn hàng. Kết quả là các nước tham gia buôn bán đều có lợi.

Người được ví là “cha đẻ” của trường phái “Học thuyết thương mại mới” – Paul Krugman (sinh năm 1953, người Mỹ), năm 1979 (khi mới 26 tuổi) đã đưa ra học thuyết mới về thương mại so với các học thuyết trước đó. Thuyết này giải thích quan hệ thương mại nội bộ ngành dựa trên lợi thế nhờ quy mô, theo đó việc sản xuất hên quy mô lớn làm giảm chi phí sản xuất, do quá trình chuyên môn hóa đưa lại. Trong học thuyết của mình, Paul Krugman dựa trên giả định người tiêu dùng quan tâm tới tính đa dạng sản phẩm.

Học thuyết của Paul Krugman giải thích tại sao trao đổi hai chiều vẫn có thể diễn ra giữa những nước mà hàng hóa của họ không phải mang tính bổ trợ nhau, mà lại là những hàng hóa tương tự nhau (thương mại nội ngành) với sự tương đồng nhau về công nghệ và nhân tố sản xuất. Ví dụ, trong ngành công nghiệp sản xuất xe ô tô, cả Nhật Bản và Mỹ đều có lợi thế về vốn và công nghệ, tuy nhiên, hãng Toyota của Nhật Bản tập trung vào thị trường xe dã ngoại (như Land Cruiser), trong khi hãng Ford của Mỹ lại chuyên sản xuất xe gia đình đi đường trường (như Escape). Cả hai sẽ có lợi hơn nếu từng bên tập trung vào chỉ một ngách hẹp mà nó đạt được hiệu quả cao nhất về quy mô. Và cùng bán ra những sản phẩm tương tự nhau, nhưng đáp ứng thị hiếu của những lớp người tiêu dùng khác nhau (thể hiện việc người tiêu dùng quan tâm tới tính đa dạng của sản phẩm trong cùng một ngành).

Việc giảm chi phí sản xuất nhờ quy mô, do quá trình chuyên môn hóa đưa lại có thể được thể hiện cụ thể hơn thông qua ví dụ về tổ chức sản xuất theo mạng lưới toàn cầu của các tập đoàn lớn. Ví dụ, trong tổ chức sản xuất theo mạng lưới toàn cầu của tập đoàn Toyota (Nhật Bản), các công ty con của Toyota được tổ chức theo chuyên môn hóa sản xuất. Mỗi đơn vị tập trung vào sản xuất chỉ một vài linh kiện, mà nó làm hiệu quả nhất. Như vỏ xe ô tô có thể được sản xuất bởi Toyota Motor Malaysia; lốp xe được cung cấp bởi Toyota Motor Thái Lan…, tuân theo cùng một tiêu chuẩn quốc tế của tập đoàn Toyota. Và những thiết bị này được xuất khẩu tới các công ti con khác, để rồi được ghép gộp lại thành sản phẩm của những dòng xe Toyota bán đi trên khắp các thị trường thế giới. Sự phối hợp như vậy hiệu quả hơn rất nhiều so với việc mỗi đơn vị của Toyota tự sản xuất ra mọi thiết bị mà nó cần.

Học thuyết của Paul Krugman được đánh giá là điểm sáng của kinh tế học hiện đại, khi có cách tiếp cận hoàn toàn mới so với các học thuyết cổ điển và tân cổ điển. Cùng với thời gian, sự khác biệt về trình độ công nghệ, vốn, kĩ thuật… của các nước công nghiệp phát triển đang dần được thu hẹp. Lợi thế so sánh trong nội bộ ngành công nghiệp thường không rõ rệt, do vậy, lợi thế kinh tế nhờ quy mô đã thúc đẩy quá trình thương mại quốc tế được tiến hành dưới dạng trao đổi hai chiều trong nội bộ các ngành, quá trình trao đổi thương mại hai chiều không chỉ mang tính bổ trợ nhau mà đó là những hàng hóa tương tự nhau, nhưng lại đáp ứng được thị hiếu của những người tiêu dùng khác nhau. Ngoài ra, thuyết này cũng đã chỉ ra, lợi thế quy mô của các công ty tổ chức sản xuất ở phạm vi toàn cầu cũng là một trong những nhân tố thúc đẩy mạnh mẽ các dòng đầu tư trực tiếp nước ngoài trong thương mại quốc tế.

Kinh tế quy mô có thể gắn liền với tình trạng độc quyền và độc quyền nhóm khi một hoặc nhóm các công ty có thị trường tiêu thụ rộng, có khả năng mở rộng quy mô sản xuất ở nhiều nước, họ lớn mạnh lên và có khả năng thống trị một phần thị trường. Các công ty này, với quy mô đủ lớn của mình, có thể tác động đến mức giá trên thị trường (thường áp đặt ở mức giá cao) và thu lại lợi nhuận kinh tế cao. Quốc gia, nơi có công ti độc quyền tổ chức sản xuất, thường cũng thu được phúc lợi xã hội cao, khi giúp giải quyết việc làm cho người dân và thu được tiền thuế từ các công ti này. Do đó, chính phủ các nước thường đưa ra những chính sách có lợi nhằm thu hút và tác động đến quyết định lựa chọn địa điểm tổ chức sản xuất của công ti độc quyền tại chính quốc gia mình.

 

2. Học thuyết liên quan đến sự biến đổi công nghệ

Trong học thuyết của David Ricardo (nhà kinh tế học người Anh), thương mại hình thành do có sự khác biệt về năng suất lao động giữa các quốc gia. Sự khác biệt về năng suất lao động đó có thể là kết quả của sự khác biệt về công nghệ sản xuất. Còn mô hình thương mại của H – o, công nghệ được giả định là giống nhau giữa các quốc gia, tức công nghệ được xem xét ở trạng thái tĩnh.

về thực chất, các học thuyết thương mại liên quan đến công nghệ cũng theo đuổi cách tiếp cận của David Ricardo, nhưng điểm khác là trong các học thuyết đó sự khác biệt về công nghệ không phải là tĩnh, tồn tại mãi mãi, mà đó chỉ là hiện tượng tạm thời, gắn liền với một quá trình động và liên tục phát triển của thương mại quốc tế.

  1. a) Thuyết khoảng cách công nghệ

Thuyết về khoảng cách công nghệ được Posner – nhà kinh tế học nổi tiếng người Mỹ đưa ra vào năm 1961.

Thuyết này cho rằng, công nghệ luôn luôn thay đổi dưới hình thức ra đời các phát minh và sáng chế mới, và điều này tác động đến xuất khẩu của quốc gia. Sau khi một phát minh ra đời, một sản phẩm mới xuất hiện và trở thành mặt hàng có lợi thế tuyệt đối tạm thời đối với quốc gia phát minh. Ban đầu hãng phát minh có sản phẩm mới giữ vị trí độc quyền, và sản phẩm đó được tiêu thụ trên thị trường nội địa. Sau một thời gian, nhu cầu từ phía nước ngoài xuất hiện và sản phẩm bắt đầu được xuất khẩu. Dần dần, các nhà sản xuất nước ngoài sẽ bắt chước công nghệ và sản phẩm được sản xuất ngay tại nước ngoài. Khi đó, lợi thế so sánh về sản xuất sản phẩm này lại thuộc về các quốc gia khác. Nhưng ở quốc gia phát minh một sản phẩm mới khác có thể ra đời và quá trình mô tả ở trôn được lặp lại. Lưu ý, trong mô hình này, sản phẩm chỉ được xuất khẩu nếu như thời gian cần thiết để sản phẩm được bắt chước ở nước ngoài dài hơn thời gian để xuất hiện nhu cầu về sản phẩm từ thị trường nước ngoài.

Ví dụ, Mỹ là quốc gia phát triển, xuất khẩu một lượng lớn các sản phẩm kỹ thuật cao và công nghệ chế tạo. Tuy nhiên, các nhà sản xuất nước ngoài cũng cần nhập khẩu công nghệ mới để có thể cạnh tranh chiếm lĩnh thị trường trong nước và nước ngoài (kể cả Mỹ), do họ có chi phí về nhân công thấp. Trong lúc đó, các nhà sản xuất của Mỹ lại tung ra thị trường những sản phẩm và phương thức sản xuất mới hơn dựa trên sự cách biệt về trình độ công nghệ vừa mới hình thành.

Lý thuyết trên lý giải cho hai dạng thương mại:

Thứ nhất, nếu như cả hai đều có tiềm năng công nghệ như nhau, thì vẫn có thể hình thành quan hệ thương mại, bởi vì phát minh sáng chế trong chừng mực nào đó là một quá trình ngẫu nhiên. Vai trò tiên phong của một nước trong một lĩnh vực nào đó sẽ được đổi lại bởi vai trò tiên phong của nước kia trong lĩnh vực khác. Dạng thương mại này thường diễn ra giữa các nước công nghiệp phát triển.

Thứ hai, thương mại diễn ra ở các nước có trình độ phát triển khác nhau, khi một nước vượt trội hơn về công nghệ so với nước kia. Khi đó nước thứ nhất thường xuất khẩu những mặt hàng mới và phức tạp để đổi lấy những mặt hàng đã chuẩn hóa từ nước thứ hai. Dần dần, các mặt hàng mới này trở nên chuẩn hóa, nhưng nhờ sự ưu việt công nghệ nên nước thứ nhất lại cho ra đời các sản phẩm mới khác.

Đã có một số lý do được đưa ra lý giải cho hiện tượng một nước có thể tiến hành hoạt động nghiên cứu và triển khai tốt hơn các nước khác:

–    Sự khác biệt về thể chế, chẳng hạn công tác nghiên cứu và phát triển của một số nước có thể được khuyến khích bởi những bộ luật thích hợp về phát minh sáng chế, bản quyền, thuế…

–    Một số nước có thể may mắn có được những nguồn lực thích hợp cho công tác nghiên cứu và phát triển, như lực lượng hùng hậu các nhà khoa học và kĩ sư, nguồn tài chính dồi dào…

–    Tồn tại thị trường thích hợp với sản phẩm mới ngay trong nước. Thị trường đó thường có quy mô lớn và sức mua cao vì các sản phẩm mới thường được sản xuất với chi phí rất cao trong giai đoạn đầu.

Những lý do trên cho thấy, dường như các phát minh sáng chế thường ra đời ở các nước phát triển giàu có, các nước đang phát triển nếu có thì thường với số lượng ít.

  1. b) Thuyết chu kỳ sống của sản phẩm

Thuyết do Raymond Vemon đưa ra năm 1966, sau đó được nhiều học giả phát triển và ứng dụng trong nhiều lĩnh vực của khoa học kinh tế.

về thực chất, thuyết chu kì sống của sản phẩm chính là sự mở rộng thuyết khoảng cách công nghệ. Các phát minh có thể ra đời ở các nước giàu có, nhưng điều đó không có nghĩa là quá trình sản xuất sẽ chỉ được thực hiện ở các nước đó mà thôi. Thuyết khoảng cách công nghệ chưa trả lời được câu hỏi: phải chăng các hãng phát minh sẽ tiến hành sản xuất các mặt hàng mới tại những nước có điều kiện thích hợp nhất (tài nguyên, các yếu tố sản xuất). Raymond Vemon đã đưa ra thuyết mới, theo đó các nhân tố cần thiết cho việc sản xuất một sản phẩm mới sẽ thay đổi tuỳ theo chu kì sống của sản phẩm đó.

Thuyết này cho rằng rất nhiều các sản phẩm trải qua một chu kì sống, bao gồm bốn giai đoạn: giới thiệu, phát triển, chín muồi và suy thoái. Với mỗi giai đoạn trên của sản phẩm người ta sẽ xác định nó được sản xuất ở đâu:

–    Giai đoạn giới thiệu: Đây là thời kì sản phẩm mới được phát sinh, chi phí triển khai và phát triển sản phẩm cao, còn sản xuất độc quyền nên giá cao, sản lượng tiêu thụ ít, thương mại diễn ra chủ yếu ở nước công nghiệp phát minh ra sản phẩm;

–    Giai đoạn phát triển: Sản phẩm được hoàn thiện tại nước công nghiệp phát triển. Sản lượng sản xuất và tiêu thụ tăng mạnh, nhiều nhà sản xuất cùng sản xuất sản phẩm tương tự, cạnh tranh tăng; nhà sản xuất lúc đầu xuất khẩu sản phẩm, sau tìm cách di chuyển địa điểm sản xuất sang quốc gia có cùng mức sống và gần gũi về văn hóa;

–    Giai đoạn chín muồi: Sản phẩm bị cạnh tranh mạnh, giá thành giảm, thị phần giảm, lãi giảm. Sau khi cải tiến, thay đổi về mẫu mã, kiểu dáng, nhà sản xuất tìm mọi cách giới thiệu, phát triển thị trường, sau đó di chuyển địa điểm sản xuất sang nước kém phát triển hơn, nơi có chi phí đầu vào thấp hơn (như giá nhân công thấp…). Sản xuất ở nước phát minh ra sản phẩm giai đoạn này bắt đầu sụt giảm. Cạnh tranh về nhãn hiệu (thương hiệu) được thay thế bằng cạnh tranh về giá;

– Giai đoạn suy thoái: Sản phẩm chủ yếu chỉ còn tại thị trường các nước đang phát triển. Nhu cầu về sản phẩm trong nước phát minh được đáp ứng bởi nhập khẩu từ các nước đang phát triển và công nghiệp phát triển khác, do đó trong giai đoạn này, có thể xảy ra hiện tượng “xuất khẩu ngược” từ chính các nước bắt chước công nghệ sang nước phát minh. Đây cũng chính là giai đoạn các nước công nghiệp chấm dứt sản xuất sản phẩm cũ trong nước và tập trung phát triển công nghệ mới cùng với việc phát minh ra sản phẩm mới.

Raymond Vemon – nhà kinh tế học người Mỹ (1913 – 1999) xây dựng thuyết của mình trong bối cảnh phần lớn các sản phẩm mới trên thế giới được phát minh ra và bán tại Mỹ. Một nguyên nhân cơ bản dẫn đến vị thế thống trị của các công ti Mỹ trên phạm vi toàn cầu vào những năm 60 của thế kỉ XX là việc các ngành công nghiệp của Mỹ không bị tàn phá trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Như vậy, thuyết này giải thích tương đối rõ cơ cấu thương mại quốc tế khi Mỹ còn đóng vai trò thống trị thương mại thế giới. Nhưng hiện nay thì khả năng thống trị về kinh tế của Mỹ đã yếu đi nhiều, Mỹ không còn là quốc gia duy nhất phát minh ra các sản phẩm mới trên thế giới. Các sản phẩm mới dường như có thể xuất hiện bất kì nơi nào, khi các công ti tiếp tục toàn cầu hóa các hoạt động nghiên cứu và triển khai.

Bên cạnh đó, ngày nay các công ti thiết kế sản phẩm mới và thực hiện việc cải tiến sản phẩm rất nhanh chóng. Kết quả là sản phẩm nhanh chóng bị lạc hậu và các công ti tự làm lạc hậu các sản phẩm hiện tại của mình bằng các sản phẩm mới. Điều này buộc các công ti phải đồng thời đưa sản phẩm của mình tới nhiều thị trường khác nhau để có thể nhanh chóng bù đắp chi phí nghiên cứu và triển khai trước khi lượng bán bắt đầu giảm xuống. Thuyết chu kì sống của sản phẩm không thể giải thích được quan hệ thương mại trong trường hợp này.

Ngoài ra, thuyết chu kì sống của sản phẩm còn bị thách thức bởi một thực tế, đó là ngày càng có nhiều công ti khởi đầu hoạt động kinh doanh của mình bằng các giao dịch trên thị trường thế giới. Nhiều công ti nhỏ cùng liên kết với các công ti trên các thị trường khác nhau để phát triển các sản phẩm mới hoặc công nghệ sản xuất mới. Chiến lược này tỏ ra đặc biệt có hiệu quả đối với các công ti nhỏ, và đây là cách để các công ti này có thể tham gia được vào quá trình sản xuất và tiêu thụ quốc tế.

 

3. Thuyết thương mại liên quan đến cầu

Các thuyết được đề cập đến ở trên đều nhấn mạnh tới yếu tố cung. Tuy nhiên, sự khác biệt về cầu cũng là cơ sở quan trọng dẫn tới thương mại quốc tế, đặc biệt là nền thương mại quốc tế hiện đại.

Có hai hướng tiếp cận được đưa ra khi giải thích thương mại quốc tế liên quan đến cầu:

Thứ nhất, quan hệ thương mại giữa các nước được giải thích khi có sự đa dạng về nhu cầu của các loại sản phẩm. Một nước không nên và cũng không thể tự sản xuất tất cả các sản phẩm đáp ứng nhu cầu của cuộc sống. Mà cách thức hiệu quả nhất, đó là các nước sẽ chuyên môn hóa sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm mình có lợi thế, và nhập về những sản phẩm bất lợi hoặc ít có lợi hơn trong sản xuất. Cách tiếp cận này có thể được giải thích bởi thuyết của David Ricardo hay thuyết H – o.

Thứ hai, quan hệ thương mại quốc tế còn diễn ra bởi thương mại nội ngành. Đây là hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu đồng thời các sản phẩm về cơ bản là giống nhau (tương tự). Chẳng hạn, Nhật Bản xuất khẩu ô tô sang Mỹ, đồng thời cũng nhập khẩu ô tô từ Mỹ. Đe giải thích cho thương mại quốc tế nội ngành, vào năm 1961, nhà kinh tế học Linder người Thụy Điển đã đưa ra lý thuyết Linder.

Lý thuyết Linder

Thuyết cho rằng yếu tố quan trọng dẫn đến thương mại quốc tế nội ngành là sự tương đồng về sở thích và mức thu nhập của các quốc gia. Thông thường thì những nhà sản xuất trong nước có khả năng cạnh hanh cao trên thị trường nội địa, vì đây là thị trường quen thuộc, hơn nữa khi tổ chức sản xuất trong nước họ không phải trả cước phí vận chuyển và thuế quan. Để tối đa hóa lợi nhuận, các nhà sản xuất nội địa sẽ chọn những sản phẩm có thị phần lớn nhất, đáp ứng sở thích của người tiêu dùng trong nước. Ban đầu sản phẩm được làm ra chỉ nhằm thỏa mãn nhu cầu của thị trường trong nước, đến một thời điểm nhất định, nhu cầu đối với sản phẩm đó từ thị trường bên ngoài sẽ xuất hiện và sản phẩm bắt đầu được xuất khẩu. Thị trường xuất khẩu sẽ là những quốc gia, nơi có sở thích và mức thu nhập tương tự như ở quốc gia xuất khẩu.

Mức thu nhập giữa các quốc gia càng giống nhau thì càng có nhiều cơ hội để mở rộng thương mại nội ngành giữa các quốc gia đó với nhau.

Thuyết của Linder chỉ được áp dụng đối với thương mại hàng chế tạo. Còn thương mại hàng nguyên liệu thô, sơ chế vẫn chủ yếu được giải thích bởi thuyết H – o. Thuyết Linder có thể lý giải phần lớn thương mại quốc tế mang tính nội ngành và được tiến hành giữa các nước công nghiệp phát triển với nhau. Tuy nhiên, trên thực tế có thể kể ra nhiều trường hợp ngoại lệ đối với thuyết này, chẳng hạn những nước không theo đạo Thiên chúa như Nhật Bản, Hàn Quốc lại là những nước xuất khẩu sản phẩm cây thông Noel nhân tạo (đây là mặt hàng không được tiêu dùng ở thị trường trong nước).

 

4. Thuyết thương mại liên quan đến chi phí vận chuyển

Các thuyết thương mại quốc tế được đề cập trước đây đều đưa ra giả định chi phí vận chuyển bằng 0. Tuy nhiên, phần này sẽ tính đến chi phí vận chuyển tác động tới thương mại quốc tế giữa các quốc gia thông qua: tác động trực tiếp đến giá của sản phẩm, và tác động gián tiếp vào phân bổ sản xuất trên quy mô quốc tế.

Chi phí vận chuyển ở đây được hiểu là tất cả các chi phí bỏ ra để chuyển hàng hóa từ nước này sang nước khác. Như vậy, chi phí vận chuyển sẽ bao gồm: cước phí vận tải, cước bốc, xếp, dỡ hàng hóa.

Khi tính đến chi phí vận chuyển, sẽ khiến cho giá bán giữa nước xuất khẩu và nước nhập khẩu chênh nhau (cụ thể là giá bán tại nước nhập khẩu sẽ tăng lên so với giá bán mặt hàng đó tại nước xuất khẩu); mức chênh lệch giá này phải lớn hơn chi phí vận chuyển thì mới có thể diễn ra hoạt động trao đổi hàng hóa quốc tế. Chi phí vận chuyển khiến người tiêu dùng nước ngoài phải mua hàng hóa với giá cao hơn mức giá ban đầu của hàng hóa khi bán tại thị trường nội địa, và làm giảm lợi ích từ thương mại quốc tế.

Chi phí vận chuyển cũng tác động gián tiếp tới thương mại quốc tế thông qua việc phân bổ lại vị trí sản xuất của các ngành, theo hai hướng: nguồn lực đầu vào cho quá trình sản xuất và thị trường đầu ra cho sản phẩm.

Một số ngành cần đặt gần với nguồn nguyên liệu đầu vào đế giảm chi phí vận chuyển, ví dụ ngành khai khoáng phải có các nhà máy đặt gần các khu mỏ. Những ngành định hướng theo nguồn lực đầu vào thường là những ngành mà chi phí vận chuyển nguyên liệu thô cho sản xuất cao hơn nhiều so với chi phí vận chuyển sản phẩm cuối cùng của ngành tới thị trường tiêu thụ.

Tuy nhiên, đối với một số ngành khác, các doanh nghiệp trong ngành thường đặt gần thị trường tiêu thụ sản phẩm cuối cùng của doanh nghiệp; hoặc đặt gần các sân bay, bến cảng để thuận tiện cho quá trình vận chuyển hay xuất khẩu sản phẩm. Những ngành có sản phẩm cuối cùng tải trọng nặng hoặc khó khăn trong vận chuyển càng cần đặt địa điểm gần nơi tiêu thụ. Ví dụ, trong những năm vừa qua, hàng nghìn công ti của Mỹ đã đầu tư hàng triệu USD vào Mexico tại các khu công nghiệp Maquiladoras (Maquiladoras khởi sinh từ thập niên 1960 của thế kỉ XX và phát triển mạnh dần. Đến năm 1985, Maquiladoras đã là nguồn thu nhập lớn thứ nhi sau dầu hỏa tại Mexico. Tính đến cuối thế kỉ XX thì các xưởng Maquiladoras đã đóng góp 25% vào tổng sàn phẩm quốc nội và đáp ứng 17% việc làm cho nhân công Mexico. Tuy vậy phần lớn số tiền lời của Maquiladoras cũng “hồi hương” về Mỹ. Sang thời kì toàn cầu hóa, các công xưởng bên Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) xuất hiện ngày một nhiều, các Maquiladoras bị cạnh tranh gay gắt, nên số lượng đã giảm khá nhiều. Dù vậy dọc biên giới 3.600 km Mỹ – Mexico vẫn còn hơn 3.000 Maquiladoras với hơn một triệu nhân công) dọc theo biên giới của Mỹ. Các khu Maquiladoras đã thu hút hơn 500 nghìn công nhân Mexico đến làm việc tại các nhà máy lắp ráp mà Mỹ đầu tư, các sản phẩm sau khi được lắp ráp sẽ quay lại thị trường Mỹ. Các công ty Mỹ đặt nhà máy tại đây nhằm khai thác chi phí nhân công rẻ (giá nhân công chỉ bằng khoảng 1/6 giá nhân công tại Mỹ), và đặc biệt là giảm thiểu tối đa chi phí vận chuyển ngược lại thị trường Mỹ.

 

5. Thuyết lợi thế cạnh tranh quốc gia của Michael Porter

Thuyết lợi thế cạnh tranh quốc gia do Michael Porter (Michael Porter, sinh ngày 23/5/1947, là giáo sư của Đại học Harvard, Mỹ; Ông là nhà tư tưởng chiến lược và là một trong những “bộ óc” quản trị có ảnh hưởng nhất thế giới; là chuyên gia hàng đầu về chiến lược và chính sách cạnh tranh của thế giới; là cố vấn trong lĩnh vực cạnh tranh cho lãnh đạo nhiều nước như Mỹ, Ireland, Nga, Singapore, Anh), giáo sư của Đại học Harvard (Mỹ) đưa ra vào năm 1990, đây là công trình nghiên cứu của một tập thể các nhà khoa học ở 12 nước bắt đầu từ năm 1986, với tổng cộng các ngành được nghiên cứu lên tới con số hàng trăm. Mục đích của thuyết là giải thích tại sao một số quốc gia lại có được vị trí dẫn đầu trong việc sản xuất một số sản phẩm, hay nói cách khác, tại sao lại có những quốc gia có khả năng cạnh tranh cao về một số sản phẩm. Ví dụ, tại sao Nhật Bản rất nổi tiếng trong ngành sản xuất ô tô? Tại sao Thụy Sỹ nổi tiếng trong sản xuất và xuất khẩu các thiết bị chính xác và các loại dược phẩm? Tại sao Đức và Mỹ làm rất tốt trong ngành công nghiệp hóa chất?

  1. Nội dung của học thuyết

Thuyết này được xây dựng trên cơ sở lập luận rằng khả năng cạnh tranh của một ngành công nghiệp được thể hiện tập trung ở khả năng sáng tạo và đổi mới của ngành đó. Và điều này được khái quát hóa cho một thực thể lớn hơn – một quốc gia. Học thuyết của M. Porter đã kết hợp được các cách giải thích khác nhau trong các học thuyết của thương mại quốc tế trước đó và đồng thời đã đưa ra một cách tiếp cận rất quan trọng – khả năng cạnh tranh quốc gia.

Theo thuyết này, khả năng cạnh tranh quốc gia được thể hiện ở sự liên kết của bốn nhóm yếu tố. Mối liên kết của bốn nhóm tạo thành mô hình có tên là mô hình kim cương (mô hình mô phỏng cấu trúc tinh thể kim cương có độ bền cao để chỉ khả năng chịu đựng của một quốc gia trước môi trường cạnh tranh gay gắt). Bốn nhóm yếu tố bao gồm: điều kiện về các yếu tố sản xuất; điều kiện về cầu; các ngành công nghiệp hỗ trợ và có liên quan; chiến lược, cơ cấu và mức độ cạnh tranh nội bộ ngành. Cả bốn nhóm yếu tố này tác động qua lại lẫn nhau và hình thành nên khả năng cạnh tranh của một quốc gia. Ngoài bốn yếu tố trên, còn có hai yếu tố rất quan trọng, đó là yếu tố tác động của chính phủ và cơ hội kinh doanh. Đây là yếu tố có thể chi phối cả bốn nhóm yếu tố cơ bản kể trên.

 

Điều kiện về các yếu tố sản xuất:

Điều kiện về các yếu tố sản xuất được quan niệm ở đây là những yếu tố cần thiết (không phải là “đầu ra”) để cạnh tranh trong một ngành công nghiệp như: nguồn lao động, nguồn đất có thể sử dụng, nguồn tài nguyên tự nhiên, nguồn vốn và cơ sở hạ tầng… Các yếu tố sản xuất được phân loại thành hai nhóm: nhóm các yếu tố cơ bản và nhóm các yếu tố tiên tiến.

Nhóm các yếu tố cơ bản bao gồm: Nguồn tài nguyên thiên nhiên, khí hậu, vị trí địa lý, nguồn lao động chưa qua đào tạo hoặc đào tạo đơn giản và nguồn vốn. Đây là nhóm yếu tố được coi là nền tảng của những học thuyết thương mại trước đây (điển hình là thuyết H – O). Nhưng chính vì quá dựa vào nhóm yếu tố này, mà các thuyết thương mại trước đây đã bộc lộ những hạn chế trong điều kiện mới.

Nhóm các yếu tố tiên tiến (các yếu tố chuyên sâu) bao gồm: Cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc viễn thông kĩ thuật số hiện đại; nguồn nhân lực chất lượng cao như các kĩ thuật viên được đào tạo đầy đủ, những lập trình viên máy tính hoặc những nhà nghiên cứu trong các lĩnh vực chuyên môn; các thiết bị nghiên cứu hay bí quyết công nghệ.

Trong hai nhóm yếu tố trên, M. Porter chú trọng và đề cao nhóm yếu tố thứ hai và coi đây là nhóm yếu tố cốt lõi, quyết định đến khả năng cạnh tranh quốc gia. Ông cho rằng, không giống như các yếu tố cơ bản được ưu đãi một cách tự nhiên, các yếu tố tiên tiến lại là sản phẩm của sự đầu tư của các cá nhân, các công ti và của chính phủ. Do vậy, các khoản đầu tư của chính phủ vào đào tạo cơ bản và nâng cao, bằng cách cải thiện trình độ kiến thức và kĩ năng chung của dân chúng cũng như kích thích nghiên cứu tiên tiến tại các cơ sở giáo dục cấp cao, có thể giúp nâng cấp các yếu tố tiên tiến của một nước.

Mối quan hệ giữa các yếu tố tiên tiến và cơ bản là mối quan hệ phức hợp. Các nhân tố cơ bản có thể cung cấp lợi thế ban đầu mà sau đó sẽ được củng cố và mở rộng thông qua đầu tư vào các yếu tố tiên tiến. Ngược lại, bất lợi về các yếu tố cơ bản cố thể tạo ra những áp lực phải đầu tư vào các yếu tố tiên tiến. Một ví dụ rõ ràng nhất về hiện tượng này là về Nhật Bản, một nước không có nhiều đất trồng trọt và các nguồn khoáng sản, tuy nhiên thông qua đầu tư đã tạo lập được rất lớn các yếu tố tiên tiến. Porter lưu ý rằng, đội ngũ kĩ sư lành nghề đông đảo ở Nhật Bản (phản ánh thông qua tỉ lệ số lượng người tốt nghiệp có bằng kĩ sư trên bình quân đầu người hon hẳn bất kì nước nào) là nhân tố chủ chốt dẫn tới sự thành công của Nhật Bản trong nhiều ngành công nghiệp chế tạo.

Các điều kiện về cầu:

Điều kiện về cầu được thể hiện trực tiếp ở tiềm năng của thị trường đối với sản phẩm của ngành. Thị trường là nơi quyết định cao nhất tới sự cạnh tranh của một quốc gia.

Mô hình kim cương của Porter nhấn mạnh tới vai trò của cầu trong nước trong việc giúp nâng cao lợi thế cạnh tranh của quốc gia. Thông thường, các công ti thường tỏ ra nhạy cảm nhất với những nhu cầu của những khách hàng ở gần với họ nhất. Do đó, những đặc điểm của nhu cầu thị trường trong nước đặc biệt quan trọng trong việc định hình các thuộc tính của các sản phẩm được chế tạo trong nước và trong việc tạo ra sức ép cho sự sáng tạo đổi mới và nâng cao chất lượng sản phẩm. Porter lập luận rằng các công ti của một nước giành được lợi thế cạnh tranh nếu những người tiêu dùng trong nước của họ có được sự sành sỏi và đòi hỏi cao. Những người tiêu dùng như vậy sẽ tạo ra một sức ép lên các công ti trong nước phải đáp ứng những tiêu chuẩn cao về chất lượng sản phẩm cũng như phải sản xuất ra những mẫu mã sản phẩm mới. Một ví dụ về khía cạnh này đó là sự phát triển trong ngành thiết bị liên lạc không dây. Theo nghiên cứu của Porter, chính sự sành sỏi và yêu cầu cao của những người tiêu dùng tại khu vực bán đảo Scandinavia đã giúp thúc đẩy hãng Nokia của Phần Lan và Erricson của Thụy Điển phải đầu tư vào công nghệ điện thoại di động từ rất lâu trước khi nhu cầu về điện thoại này xuất hiện tại các nước phát triển khác.

Tuy nhiên, thực tế thương mại cho thấy, không phải trong tất cả các trường hợp cầu trong nước quyết định đến khả năng cạnh tranh của một ngành hay công ti trên thị trường cả trong và ngoài nước, mà yếu tố quyết định là khả năng đổi mới và đáp ứng của công ti đối với các yếu tố của thị trường nước ngoài sẽ giúp cho công ti đứng vững trên thị trường quốc tế. Nguyên nhân của sự sai lệch này trong cách nhìn của Porter là do ông tập trung nghiên cứu và lấy ví dụ tại các nước phát triển, nơi có mức độ cạnh tranh rất cao, và các nước này có xu hướng quốc tế hóa nền kinh tế trong nước nên không có sự khác biệt nhiều giữa thị trường nội địa và thị trường nước ngoài.

Các ngành công nghiệp hỗ trợ và liên quan:

Khả năng cạnh tranh của một công ti, một ngành hay cả một nước phụ thuộc vào các ngành công nghiệp hỗ trợ và ngành công nghiệp liên quan vì các công ti không thể tồn tại tách biệt đối với các công ti khác trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Các ngành công nghiệp hỗ trợ và liên quan chủ yếu là các ngành cung cấp các yếu tố đầu vào cho một hoặc nhiều ngành khác. Khi một ngành phát triển sẽ dẫn tới sự liên kết với các ngành khác theo cả chiều dọc và chiều ngang. Ví dụ, sức mạnh của Thụy Điển trong các sản phẩm thép chế biến (như vòng bi và dụng cụ cắt gọt) đã dựa trên sức mạnh của nước này trong ngành công nghiệp thép đặc biệt. Năng lực dẫn đầu về công nghệ ưong ngành công nghiệp bán dẫn của Mỹ đã cung cấp nền tảng cho sự thành công của Mỹ trong chế tạo máy vi tính cá nhân và một số sản phẩm điện tử công nghệ cao khác.

Một kết quả của quá trình liên kết này là các ngành trong phạm vi một quốc gia có xu hướng tập hợp với nhau thành các cụm gồm các ngành có liên quan và hỗ trợ. Đây là một trong những kết quả có tính lan tỏa đáng chú ý nhất trong nghiên cứu của M. Porter. Khi hình thành cụm như vậy, quá trình trao đổi thông tin sẽ diễn ra mạnh hơn giữa các công ti trong cụm, các hoạt động phối hợp nghiên cứu triển khai, phối hợp giải quyết vấn đề sẽ giúp các công ti tăng khả năng thích ứng vói cơ hội và các vấn đề – thực chất đây là quá trình giúp tăng khả năng cạnh tranh về lâu dài cho các công ti. Một trong những cụm mà Porter đã xác định được đó là ngành dệt may của Đức. Ngành này bao gồm các ngành chế biến bông, len, sợi tổng họp chất lượng cao, máy khâu, và một loạt các máy móc liên quan tới ngành dệt.

Chiến lược, cơ cẩu và mức độ cạnh tranh nội bộ ngành:

Chiến lược của công ti có ảnh hưởng lâu dài đến khả năng cạnh tranh của công ti trong tương lai; nó chi phối đến hoạt động đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực, đổi mới công nghệ, phát triển sản phẩm và thị trường của từng công ti và thậm chí là cả ngành. Khả năng cạnh tranh quốc gia là kết quả của sự kết hợp hợp lý giữa các nguồn lực có sức cạnh tranh đối với mỗi ngành công nghiệp cụ thể.

Ngoài chiến lược phát triển, cơ cấu của một ngành công nghiệp cũng quyết định rất lớn đến khả năng cạnh tranh của toàn ngành. Cơ cấu của các ngành công nghiệp sẽ liên quan đến các ngành mũi nhọn, các ngành được ưu tiên, mức độ liên hệ và hỗ trợ lẫn nhau giữa các ngành để phục vụ cho một mục tiêu nhất định. Cơ cấu của ngành công nghiệp ảnh hưởng đến hiệu quả của toàn ngành.

Bên cạnh đó, cạnh tranh trong nội bộ ngành và giữa các công ti trong một nước càng gay gắt, thì khả năng cạnh tranh quốc tế của các công ti đó càng cao. Đối thủ cạnh tranh trong nội bộ ngành tạo ra sức ép lẫn nhau đối với việc cải tiến, sáng tạo, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá câ, giảm chi phí và đầu tư vào việc nâng cấp các yếu tố tiên tiến. Điều này kích thích hoạt động đổi mới để vượt qua mối lo ngại bị tụt hậu, tạo ra sức mạnh cạnh tranh ở tầm quốc tế cho các công ti. Porter trích dẫn trường hợp của Nhật Bản, không ở đâu vai trò của các đối thủ cạnh tranh trong nước lại rõ rệt như tại Nhật Bản. Các công ti của Nhật Bản không ngừng nỗ lực để cạnh tranh chiếm thị phần trong nước. Việc cạnh tranh trong nước, với thị hiếu rất khắt khe của chính người Nhật Bản, đã giúp các công ti tích luỹ được nhiều kinh nghiệm, có chiến lược cạnh tranh hữu hiệu, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường nước ngoài.

Ngoài bốn nhóm yếu tố kể trên, như đã đề cập, cơ hội và vai trò của chính phủ cũng là những yếu tố tác động rất quan trọng đến khả năng cạnh tranh. Các cơ hội thường tạo ra những thay đổi đột ngột và làm thay đổi vị thế cạnh tranh. Các cơ hội có thể làm vô hiệu hóa các lợi thế của các đối thủ cạnh tranh được hình thành trước đó và tạo ra tiềm năng cho các công ti của một quốc gia mới, khi có các điều kiện mới và khác trước. Chẳng hạn, việc phát minh ra các chùm vi điện tử đã tạo điều kiện cho Nhật Bản đạt được lợi thế cạnh tranh cân bằng với Đức và Mỹ. Việc gia tăng nhu cầu về tàu thuỷ đã tạo điều kiện cho Hàn Quốc gia nhập vào ngành công nghiệp tàu thuỷ, có khả năng cạnh tranh với Nhật Bản. Bên cạnh yểu tố cơ hội, chính phủ còn có thể thông qua các chính sách của mình (tỉ giá hối đoái, lãi suất, ừợ cấp, thuế và các công cụ khác) để tác động đến các ngành công nghiệp. Các ngành này có thể được khuyến khích hoặc hạn chế phát triển trong một giai đoạn, tuỳ theo mục tiêu đề ra của chính phủ trong giai đoạn đó, từ đó ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của ngành này trên thị trường trong nước và quốc tế. Chẳng hạn, Chính phủ Trung Quốc (những năm 2000) có chính sách khuyến khích xuất khẩu thông qua các biện pháp như phá giá đồng nội tệ, thành lập các trung tâm xúc tiến thương mại, thành lập các khu công nghiệp chế biến hàng xuất khẩu, tham gia vào Tổ chức Thương mại thế giới (WTO – năm 2001), kí kết FTA với ASEAN (CAFTA – năm 2004)… đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp Trung Quốc trên thị trường thế giới. Hiện tại, Trung Quốc được mệnh danh là “công xưởng của thế giới”, là nước xuất khẩu lớn nhất thế giới (Theo Therichest.com, website nổi tiếng của Mỹ, chuyên tổng hợp những nội dung độc đáo, kì lạ trên thế giới). Theo số liệu từ Hội nghị của Liên hợp quốc về Thương mại và việc làm, tỉ trọng của Trung Quốc bong tổng hàng xuất khẩu toàn cầu đã tăng lên gần 14% trong năm 2015, từ hơn 12% trong năm 2014, và là mức cao nhất một quốc gia từng ghi nhận kể từ khi Mỹ chiếm vị trí dẫn đầu vào năm 1968.

  1. Đánh giá học thuyết

Thuyết cạnh tranh quốc gia của M. Porter đứng trên quan điểm quản trị ngành, tức ông coi khả năng cạnh tranh của một quốc gia phụ thuộc vào khả năng cạnh tranh của ngành và cụ thể hơn nữa là cạnh tranh của các doanh nghiệp trong ngành. Không có một nước nào lại có khả năng hơn một nước khác, chỉ có doanh nghiệp nước này có khả năng cạnh tranh cao hơn doanh nghiệp nước khác. Đây là quan điểm được đánh giá phù hợp thực tế. Như vậy, thuyết của M. Porter có sự gắn kết các cấp độ doanh nghiệp, ngành công nghiệp và các quốc gia, trong khi các học thuyết khác chỉ đề cập đến một hoặc hai cấp độ. Học thuyết có giá trị cao đối với các chính phủ trong việc xây dựng chiến lược phát triển ngành, phát triển cụm công nghiệp.

Thuyết này đã đưa ra một cách giải thích mới về các yếu tố quyết định đến khả năng cạnh tranh quốc gia. Nếu như ở thuyết H – o, mặc dù cũng đề cập đến sự khác biệt về nguồn lực giữa các quốc gia, nhưng mới chỉ giới hạn ở nhóm các yếu tố cơ bản được đề cập trong thuyết của M. Porter, về khía cạnh này, M. Porter đi xa hơn khi khẳng định rằng chính các yếu tố tiên tiến mới đóng vai trò quyết định đối với sự hình thành lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp, và cao hơn là lợi thế cạnh tranh quốc gia.

Thuyết đưa ra mô hình xem xét khả năng cạnh tranh quốc gia dưới trạng thái động, nghĩa là khả năng này có thể thay đổi theo thời gian. Thuyết có giá trị trong việc định hướng xây dựng chính sách cạnh tranh của các chính phủ và việc hoạch định chiến lược kinh doanh của các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp nhìn vào mô hình để đánh giá vị trí của doanh nghiệp trong một ngành, xem xét tiềm năng thị trường, các mối liên hệ bên trong một nhóm ngành, cơ cấu ngành, các yếu tố sản xuất, chính sách của chính phủ và cơ hội kinh doanh để xây dựng chiến lược kinh doanh trong từng giai đoạn, xác định đúng đắn các khâu trọng yếu để tập trung đầu tư, hay điều chỉnh hợp lý. Các chính phủ nên có các chính sách hỗ trợ để cải thiện khả năng cạnh tranh của các ngành không có hoặc khả năng cạnh tranh thấp, và khuyến khích phát triển các ngành có lợi thế cạnh tranh cao.

Tuy nhiên, thuyết còn hạn chế, đó là nhấn mạnh vai trò của cầu trong nước đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường quốc tế, nhấn mạnh vai trò của ngành hỗ trợ. Trong khi trên thực tế, nhiều trường hợp cho thấy yếu tố bên ngoài lại đóng vai trò quan trọng, thậm chí là quyết định đối với sự phát triển của những ngành công nghiệp ở nhiều nước. Ví dụ, ngay tại Nhật Bản – trường họp được cho là điển hình để kiểm chứng thuyết của M. Porter, thì ngành sản xuất thép vẫn rất phát triển cho dù nguyên liệu đầu vào từ thiên nhiên hầu như phải nhập khẩu, hay Mazda không nổi tiếng tại thị trường Nhật Bản nhưng lại rất thành công trên thị trường nước ngoài thậm chí cả thị trường Mỹ. Hoặc ngành công nghiệp phần mềm của Ấn Độ, với nhu cầu thị trường trong nước không lớn, sự trồi dậy của ngành này được coi là bắt nguồn từ nhu cầu lớn từ thị trường nước ngoài.

Bên cạnh đó, thuyết này cũng bị phê phán: chưa đề cập được các yếu tố chi phối đén khả năng cạnh tranh quốc gia một cách toàn diện, do không đưa ra được các yếu tố quốc tế vào mô hình, chẳng hạn như không đề cập đến hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trên thực tế, đây là yếu tố có ảnh hưởng rất lớn đến khả năng cạnh tranh quốc gia.

Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 1999, các yếu tố chi phối và đánh giá khả năng cạnh tranh quốc gia đã được làm rõ hơn thông qua một hệ thống 8 chỉ tiêu: Độ mở của nền kinh tế, vai trò và hiệu lực của chính phủ, sự phát triển của hệ thống tài chính – tiền tệ, trình độ phát triển của công nghệ, trình độ phát triển của cơ sở hạ tầng, trình độ quản lý của doanh nghiệp, số lượng và chất lượng của lao động, trình độ phát triển của thể chế bao gồm hiệu lực của các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Ngoài ra, một số nước tuỳ điều kiện của mình mà sử dụng các chỉ tiêu khác nhau để đánh giá khả năng cạnh tranh. Chẳng hạn, có nước lại sử dụng một hệ thống các chỉ tiêu như lợi thế so sánh hiện hữu (đây là tỉ số giữa tỉ trọng kim ngạch xuất khẩu của một mặt hàng trong tổng kim ngạch xuất khẩu của một quốc gia và tỉ trọng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng đó của toàn thế giới trong tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn thế giới. Nếu tỉ số này lớn hơn 1, thì mặt hàng đó có lợi thế so sánh; và nếu tỉ số nhỏ hơn 1, thì mặt hàng đó không có lợi thế so sánh), chi phí nguồn lực dong nước…

Mặt khác, cũng có quan điểm cho rằng thể hiện tập trung và trực tiếp nhất về khả năng cạnh tranh là khả năng cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp. Các chính sách của chính phủ, cơ hội kinh doanh hoặc các yếu tố khác, suy cho cùng sẽ tác động đến doanh nghiệp mà trực tiếp là sản phẩm và dịch vụ của nó.

Câu 19:  Nhận xét chung về các học thuyết mới về thương mại quốc tế

Khoảng từ giữa thế kỉ XX trở đi, sự ra đời của một loạt các học thuyết mới về thương mại quốc tế, cùng các học thuyết truyền thống đã giúp cho việc giải thích nguyên nhân, cơ cấu, lợi ích của thương mại quốc tế trở nên đầy đủ và sát thực tế hơn. Khác với học thuyết tân cổ điển (thuyết H – O), theo đó sự khác biệt tương đối về các nguồn lực ở các nước là nguyên nhân cơ bản dẫn đến thương mại quốc tế, các học thuyết mới lại nhấn mạnh kinh tế quy mô, nhu cầu của thị trường, quá trình biến đổi liên tục của công nghệ, hay chi phí vận chuyển… như là những yếu tố quan trọng giải thích thực tiễn thương mại quốc tế hiện đại.

Các học thuyết mới đặc biệt giải thích được quan hệ thương mại giữa các nước công nghiệp phát triển – những nước được coi là tương đối giống nhau về tổ hợp các nguồn lực và bộ phận chủ yếu trong thương mại quốc tế là thương mại nội bộ ngành. Sự ra đời của các học thuyết mới còn dẫn đến cách nhìn nhận mới về lợi thế so sánh. Cụ thể, thuyết chu kì sống của sản phẩm cho thấy lợi thế so sánh không chỉ mang tính chất tĩnh, cố định, bất biến như trong các học thuyết truyền thống, mà nó có thể thường xuyên thay đổi. Thực tiễn phát triển kinh tế của nhiều nước trên thế giới đã minh chứng cho tầm quan trọng của việc tạo lập và khai thác lợi thế so sánh động, gắn kết kinh tế quốc gia vào hệ thống phân công lao động quốc tế.

Một đóng góp quan trọng nữa của các học thuyết mới về thương mại quốc tế, đó là các học thuyết này đề cập, giải thích nguồn gốc dẫn đến thương mại quốc tế từ góc độ vi mô (các doanh nghiệp và các ngành công nghiệp) hơn là từ sự khác biệt giữa các quốc gia. Đây là cách tiếp cận thực tế, vì suy cho cùng, không phải là quốc gia, mà là các doanh nghiệp mới là những chủ thể trực tiếp tiến hành các giao dịch xuất nhập khẩu.

Trong số các học thuyết mới về thương mại quốc tế, thuyết lợi thế cạnh tranh của M. Porter dành được sự chú ý đặc biệt. Có thể nói đây là thuyết đầu tiên cố gắng kết nối nhiều yếu tố, nhiều cấp độ trong việc giải thích sự hình thành lợi thế cạnh tranh quốc gia, từ đó góp phần làm rõ nguồn gốc, cơ cấu của thương mại quốc tế. Tuy nhiên, thuyết cần có thời gian để kiểm chứng giá trị thực tế. Và với những hạn chế còn tồn tại, đòi hỏi cần có các học thuyết tiếp theo ra đời để giải thích đầy đủ hơn nữa các yếu tố của thương mại quốc tế hiện đại.

Câu 20: Phân tích khái niệm thương mại quốc tế và cho ví dụ.

Ban đầu, thương mại quốc tế được hiểu theo nghĩa hẹp, là hoạt động buôn bán, trao đổi hàng hóa hữu hình giữa các nước nhằm mục đích mang lại lợi ích mà hoạt động buôn bán, trao đổi trong nước không có hoặc không bằng. Cùng với sự phát triển của quan hệ kinh tế quốc tế, đặc biệt là trong những thập kỉ gần đây, thương mại quốc tế ngày càng được coi trọng và được hiểu theo nghĩa rộng hơn, không chỉ là buôn bán hàng hóa hữu hình mà còn bao gồm cả các hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa vô hình, dịch vụ hay đầu tư vì mục đích sinh lợi…

Theo ủy ban của Liên hợp quốc về Luật thương mại quốc tế (UNCITRAL), thương mại quốc tế được hiểu theo nghĩa rất rộng, bao gồm các hoạt động kinh doanh trên thị trường quốc tế, theo đó bao gồm các hoạt động thương mại và đầu tư quốc tế, từ mua bán hàng hóa hữu hình đến các dịch vụ như bảo hiểm, tài chính, tín dụng, chuyển giao công nghệ, thông tin, vận tải, du lịch…

Theo khoản 1 Điều 3 Luật Thương mại Việt Nam năm 2005, hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác. Như vậy, nếu tiếp cận theo khái niệm này, thương mại quốc tế cũng sẽ được hiểu với nghĩa rất rộng. Theo nghĩa đó, thương mại quốc tế là hoạt động thương mại có yếu tố nước ngoài (hay là hoạt động thương mại vượt ra khỏi biên giới quốc gia hoặc lãnh thổ hải quan) sẽ bao gồm cả mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ giữa các nước, hoạt động đầu tư quốc tế, xúc tiến thương mại quốc tế và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác.

Mặc dù có nhiều khái niệm khác nhau về thương mại quốc tế, tuy nhiên, có thể hiểu: Thương mại quốc tế là hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại, chuyển giao công nghệ và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác diễn ra giữa các quốc gia hoặc vùng lãnh thổ.

Ví dụ: Một giáo viên người Anh sang Việt Nam để cung cấp dịch vụ giảng dạy cho người Việt tại Trung tâm tiếng Anh ở Hà Nội.

Câu 21: Có bao nhiêu loại hình thương mại quốc tế? Mỗi loại cho một ví dụ.

Có nhiều cách tiếp cận về các loại hình thương mại quốc tế. Trước đây, khi nói về thương mại quốc tế, dưới góc độ quốc gia, người ta thường phân thành hai luồng hàng hóa: xuất khẩu và nhập khẩu. Tuy nhiên, trong điều kiện thương mại hiện đại, xuất hiện những hình thức thương mại quốc tế mới như: xuất khẩu tại chỗ, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập…; đặc biệt còn xuất hiện thương mại về dịch vụ. Nên cách phân loại về hình thức thương mại quốc tế này trở nên kém phù họp. Thương mại quốc tế hiện nay được tiếp cận với hai loại hình: Thương mại quốc tế về hàng hóa và thương mại quốc tế về dịch vụ.

2.1 Thương mại quốc tế về hàng hóa

Theo nghĩa chung nhất, hàng hóa là sản phẩm của lao động, có thể thoả mãn nhu cầu nào đó của con người. Hàng hóa được chia thành hàng hóa hữu hình và hàng hóa vô hình.

Thương mại quốc tế về hàng hóa bao gồm: Thương mại quốc tế về hàng hóa hữu hình và thương mại quốc tế về hàng hóa vô hình. Trong đó, thương mại quốc tế về hàng hóa hữu hình bao gồm tất cả các hoạt động thương mại quốc tế liên quan đến hàng hóa nhìn thấy được, đo đếm được, từ máy móc thiết bị, đến nông sản, thực phẩm, nguyên, nhiên, vật liệu… Thương mại quốc tế về hàng hóa vô hình bao gồm thương mại quốc tế liên quan đến các hàng hóa không nhìn thấy được như phát minh, sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, quyền tác giả, độc quyền nhãn hiệu…

Hàng hóa có thế được cung ứng ra thị trường quốc tế thông qua các phương thức sau:

– Xuất, nhập khẩu hàng hóa:

Xuất khẩu là hoạt động đưa hàng hóá được sản xuất ở trong nước ra nước ngoài tiêu thụ. Nhập khẩu là quá trình đưa hàng hóa được sản xuất ở nước ngoài vào trong nước tiêu thụ.

Trong hoạt động xuất khẩu, có thể bao gồm cả hoạt động xuất khẩu tại chỗ. Ở trường họp xuất khẩu tại chỗ, hàng hóa có thể chưa vượt ra ngoài biên giới quốc gia nhưng ý nghĩa kinh tế của nó tương tự như hoạt động xuất khẩu. Ví dụ, việc cung cấp hàng hóa cho các khu ngoại giao đoàn, khách du lịch quốc tế…

–  Gia công quốc tế:

Hoạt động này bao gồm cả hoạt động gia công thuê cho nước ngoài (Việt Nam hiện hay thực hiện hình thức này đối với mặt hàng dệt may và da giầy) và thuê nước ngoài gia công (trên thế giới hiện nay, các nước công nghiệp phát triển thường thuê các nước đang phát triển gia công thuê các hàng hóa cho minh và trả cho họ một khoản phí gia công, phí gia công chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ trong quá trình sinh lời của sản phẩm).

– Tái xuất khẩu và chuyển khẩu:

Trong hoạt động tái xuất khẩu: hàng hóa được nhập khẩu tạm thời từ thị trường nước ngoài vào, sau đó lại tiến hành xuất khẩu sang một nước thứ ba với điều kiện hàng hóa đó không qua gia công, chế biến.

Trong hoạt động chuyển khẩu: không có hành vi mua bán hàng hóa, mà ở đây thực hiện các dịch vụ như vận tải quá cảnh, lưu kho, lưu bãi hàng hóa…

2.2 Thương mại quốc tế về dịch vụ

Dịch vụ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Tuy nhiên, do dịch vụ có nhiều tính chất phức tạp nên cho đến nay, chưa có một định nghĩa nào hoàn chỉnh về dịch vụ. Ngay cả Hiệp định chung về Thương mại và dịch vụ trong khuôn khổ WTO (GATS) cũng không có khái niệm về dịch vụ.

“Theo nghĩa rộng: dịch vụ được xem là một ngành kinh tế thứ ba. Với cách hiểu này, tất cả các hoạt động kinh tế nằm ngoài hai ngành nông nghiệp và công nghiệp đều được xem là thuộc ngành dịch vụ.

Một định nghĩa khác về dịch vụ là: dịch vụ là một hoạt động hay lợi ích cung ứng nhằm trao đổi, chủ yếu là vô hình và không dẫn đến việc chuyển quyền sở hữu. Việc thực hiện dịch vụ có thể gắn liền hay không gắn liền với sản phẩm vật chất” – Cao Minh Nghĩa – Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng quan li thuyết về ngành kinh tế dịch vụ – Phần I, http://www.hids.hochiminhcity.gov.vn.

Có thể định nghĩa một cách chung nhất: Dịch vụ là những hoạt động tạo ra các sản phẩm không tồn tại dưới hình thái vật thế, không dân đến việc chuyển quyền sở hữu, nhằm thoả mãn kịp thời các nhu cầu sản xuất và đời sống sinh hoạt của con người.

Câu 22: Vai trò của thương mại quốc tế

1.Vai trò đối với các quốc gia

Thương mại quốc tế giúp cho các nguồn lực quốc gia được sử dụng có hiệu quả hơn nhờ tham gia vào quá trình chuyên môn hóa và phân công lao động quốc tế.

Thương mại quốc tế làm tăng năng lực sản xuất, tăng mức sống của các quốc gia nói riêng cũng như của toàn thế giới nói chung.

Thương mại quốc tế kích thích tiêu dùng, mở rộng sản xuất, chuyển giao công nghệ và đầu tư giữa các quốc gia, nhờ đó tạo tiền đề cho tăng trưởng và phát triển kinh tế của các quốc gia.

Ngày nay, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều coi thương mại quốc tế là yếu tố quan trọng bậc nhất trong chính sách và chiến lược phát triển kinh tế của mình. Tuy nhiên, thương mại quốc tế không phải lúc nào cũng là giải pháp màu nhiệm mang lại sự thịnh vượng cho một quốc gia. Thương mại quốc tế càng phát triển, đồng nghĩa với quá trình tự do hóa thương mại phát triển theo (lúc này rào cản thuế quan và rào cản phi thuế trong thương mại giữa các nước giảm). Do vậy, trong điều kiện còn có sự chênh lệch về trình độ phát triển kinh tế và năng suất lao động, thương mại quốc tế có xu hướng khiến cho nhập khẩu của các nước đang và kém phát triển tăng lên, nhiều hàng hóa nước ngoài trở nên cạnh tranh với hàng hóa nội địa, làm giảm quy mô sản xuất nội địa, kéo theo đó là hiện hượng thất nghiệp của các nước có thể gia tăng.

Nhìn chung, có thể thấy rằng thương mại quốc tế mang lại lợi ích rõ rệt cho các nước phát triển có trình độ công nghệ và tổ chức sản xuất cao, có khả năng cạnh tranh cao ở cả bốn bình diện: doanh nghiệp, sản phẩm, ngành và quốc gia. Đối với các nước đang và kém phát triển, thương mại quốc tế chỉ mang lại lợi ích thực sự khi các nước đó có chiến lược hội nhập kinh tế đúng đắn, phù hợp; biết chủ động và tận dụng lợi ích, biết hạn chế tác động bất lợi từ thương mại quốc tế đưa lại.

2.Vai trò đối với doanh nghiệp 

Nhờ tham gia vào hoạt động thương mại quốc tế, các doanh nghiệp có thể tăng hiệu quả sản xuất – kinh doanh, mở rộng quy mô và đa dạng hóa các hoạt động kinh doanh nhằm tạo lợi nhuận tốt hơn cho doanh nghiệp.

Thương mại quốc tế có thể giúp doanh nghiệp nâng cao vị thế, tạo thế và lực cho doanh nghiệp không chỉ ở thị trường trong nước mà còn tại thị trường quốc tế; giúp doanh nghiệp phát triển và mở rộng quan hệ bạn hàng, đối tác; học hỏi kinh nghiệm quản lý, tiếp thu công nghệ hiện đại; giúp doanh nghiệp mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất và nhập khẩu hàng hóa, hạn chế rủi ro khi kinh doanh trên một thị trường duy nhất.

Câu 23: Phân tích tình hình kinh tế – thương mại toàn cầu

Trong báo cáo cập nhật về triển vọng kinh tế toàn cầu do Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) công bố vào ngày 03/10/2018, các chuyên gia đánh giá khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2007 – 2008 đã gây thiệt hại lâu dài đển tăng trưởng kinh tế – thương mại toàn cầu. Sau 10 năm, dư âm khủng hoảng đã dẫn đến hậu quả: tỉ lệ nợ công trung bình trôn toàn cầu đứng ở mức 52% GDP, tăng từ tỉ lệ 36% vào thời điểm trước khủng hoảng; bảng cân đối tài sản của các ngân hàng trung ương tăng gấp nhiều lần so với quy mô trước khủng hoảng; nếu tính theo sức mua thực tế, các nước đang phát triển và mới nổi đã chiếm 60% GDP toàn cầu, tăng từ 44% trước khủng hoảng, phản ánh phần nào kết quả phục hồi kinh tế yếu ớt tại các nước phát triển. Tại báo cáo này, các chuyên gia đã tiến hành điều tra, nghiên cứu tại 180 nước, bao gồm các nước phát triển, các nước mới nổi, và các nước thu nhập thấp. Ket quả phân tích cho thấy, thiệt hại kinh tế kéo dài và không giới hạn tại những nước vấp phải khủng hoảng. Trong đó, nguyên nhân cơ bản dẫn đến những thiệt hại này là do hoạt động đầu tư trầm lắng, thiếu vắng yếu tố năng suất tổng thể và thâm hụt nguồn vốn trong thời gian dài. Những yếu tố cản trở tăng trưởng kinh tế đã hình thành từ trước khủng hoảng tài chính, trong đó các lựa chọn chính sách trước và ngay sau khi khủng hoảng xảy ra đã dẫn đến sự khác biệt về tăng trưởng kinh tế thế giới.

Do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, làn sóng bảo hộ thương mại đang trỗi dậy khá mạnh trong thời gian gần đây trong bối cảnh kinh tế thế giới bắt đầu tăng trưởng chậm lại kể từ năm 2013. Ngày càng nhiều nước quay trở lại chính sách thúc đẩy sản xuất công nghiệp để thế chân hàng nhập khẩu, thắt chặt quy định về tỉ lệ nội địa hóa và trợ giá hàng xuất khẩu, dựng nên các rào cản thương mại để bảo vệ nền sản xuất trong nước. Trong khi đó, thành quả của toàn cầu hóa không được phân chia đồng đều giữa các khu vực, các nền kinh tế cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới xu hướng phản đối tự do hóa thương mại gia tăng mạnh ở nhiều khu vực trên thế giới, nhất là tại các nền kinh tế lớn, trong đó có Mỹ và châu Âu.

Trong thời gian qua, số lượng biện pháp bảo hộ thương mại mà các nền kinh tế lớn thực hiện ngày càng tăng lên. Đặc biệt, tại Mỹ, Tổng thống Donald Trump, với chính sách “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại”, đã áp dụng nhiều biện pháp, từ rút khỏi các thỏa thuận thương mại mà ông coi là “gây thiệt hại” cho nền kinh tế đất nước, tới kêu gọi các doanh nghiệp lớn quay trở lại kinh doanh ở Mỹ để mang lại việc làm cho người dân Mỹ.

Theo kết quả nghiên cứu công bố của Viện Bertelsmann, có trụ sở tại Đức, các biện pháp bảo hộ mậu dịch do Tổng thống Mỹ Donald Trump đề xuất có thể gây thiệt hại nặng nề cho chính nền kinh tế Mỹ. Theo kịch bản xấu nhất, chính sách “Nước Mỹ trên hết” có thể làm giảm 2,3% (tương đương 415 tỉ USD) Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hàng năm của Mỹ trong dài hạn. Quyết định mới đây của Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế nhập khẩu cao đối với các sản phẩm thép và nhôm đã dẫn tới phản ứng gay gắt của nhiều nước trên thế giới. Thậm chí các đối tác thương mại quan trọng của Mỹ, như Liên minh châu Âu (EU), từng đe dọa trả đũa nếu Mỹ tiếp tục áp đặt thuế nhập khẩu nhôm và thép. Việc Mỹ đưa ra những rào cản thuế đói với nhập khẩu, cũng như khuyến khích các doanh nghiệp chuyển địa điểm sản xuất về trong nước, trong khi Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, cũng tìm mọi cách tăng kim ngạch xuất khẩu song dựng lên những rào cản đối với hàng nhập khẩu, giữ thị phần trong nước cho các doanh nghiệp nội địa, là những minh chứng rõ nét về xu hướng theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ. Và chính những căng thẳng kinh tế và địa chính trị là mối đe dọa lớn đối với tăng trưởng toàn cầu. Tổng Giám đốc IMF – Christine Lagarde đã khẳng định không có ai là người chiến thắng nếu chủ nghĩa bảo hộ “lên ngôi”.

Theo chuyên gia kinh tế Guillermo Valles Games, cựu Giám đốc Cơ quan Thương mại và phát triển Liên hợp quốc (UNCTAD), các nước có trách nhiệm cần phải tìm biện pháp cân bằng để tránh chủ nghĩa bảo hộ đơn phương lên ngôi và có nguy cơ gây bùng nổ một cuộc chiến thương mại toàn cầu. Đồng thời nhấn mạnh, thương mại và đầu tư quốc tế là những động lực quan trọng đối với tăng trưởng toàn cầu, năng suất, tạo việc làm và sự phát triển chung. Ngoài ra, các nước cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc các thỏa thuận song phương, nội khối, đa phương phải là những cam kết mở, minh bạch và phù hợp với những quy tắc của WTO, qua đó ngăn chặn các nguy cơ chiến tranh thương mại.

Câu 24: Phân tích tình hình thương mại quốc tế của Việt Nam

Trong bối cảnh bùng nổ các cuộc chiến thưong mại giữa các nước lớn trên thế giới, thì năm 2019 lại là năm với nhiều kết quả ấn tượng của thương mại Việt Nam. Theo đó, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa thiết lập mức kỉ lục mới với 516,96 tỉ USD. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 9,9 tỉ USD, là năm có giá trị xuất siêu lớn nhất từ trước đến nay, cao hơn rất nhiều mức xuất siêu 2,1 tỉ USD của năm 2017.

Hàng hóa xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam đã có mặt ở 5 châu lục và ở chiều ngược lại, doanh nghiệp Việt Nam cũng nhập khẩu hàng hóa có xuất xứ từ cả 5 châu lục. Trong năm 2019, châu Á vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của các doanh nghiệp Việt Nam (xuất khẩu chiếm 51,3%, nhập khẩu chiếm 80,2%); tiếp theo là châu Mỹ (xuất khẩu chiếm 28%, nhập khẩu chiếm 8,9%); châu Âu (xuất khẩu chiếm 17,9%, trong đó EU28 chiếm 15,7%; nhập khẩu chiếm 7,4%, trong đó EU28 chiếm 5,9%); châu Đại Dương (xuất khẩu chiếm 1,7%, nhập khẩu chiếm 2%); châu Phi (xuất khẩu chiếm 1,2%, nhập khẩu chiếm 1,6%).

Nhóm 7 đối tác thương mại “chục tỉ USD” của Việt Nam chiếm hơn 66,9% tổng trị giá xuất nhập khẩu trong năm 2019. Trong đó, đến hết tháng 11/2019, xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với Trung Quốc đạt 105,75 tỉ USD và chiếm 22,4% tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước; với Hoa Kỳ đạt 68,673 tỉ USD (chiếm 14,5%), với Hàn Quốc đạt 61,44 tỉ USD (chiếm 13%), với Nhật Bản đạt 36,324 tỉ USD (chiếm 7,7%), với Thái Lan đạt 15,65 tỉ USD (chiếm 3,3%), với Đài Loan (Trung Quốc) đạt 17,861 tỉ USD (chiếm 3,8%), với Ấn Độ đạt 10,303 tỉ USD (chiếm 2,2%). Với kết quả này, hết năm 2019, trong nội khối ASEAN Việt Nam có vị trí thứ 3 về xuất, nhập khẩu, chỉ sau Singapore và Thái Lan.

Tính chung trong năm 2019, tổng vốn đăng kí cấp mởi, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của NĐTNN là 38,02 tỉ USD, tăng 7,2% so với cùng kì năm 2018. về lĩnh vực đầu tư, trong năm 2019 nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành/lĩnh vực tại Việt Nam, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực được đầu tư nhiều nhất. Cụ thể, tổng số vốn đầu tư vào lĩnh vực này đạt 24,56 tỉ USD, chiếm 64,6% tổng vốn đầu tư đăng kí. Kinh doanh bất động sản là lĩnh vực thu hút đầu tư lớn thứ hai, với tổng vốn đầu tư 3,88 tỉ USD, chiếm 10,2% tổng vốn đầu tư đăng kí. Đứng thứ 3 là lĩnh vực bán buôn, bán lẻ…

Trong năm 2019 đã có 125 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, Hàn Quốc đứng thứ nhất với tổng vốn đầu tư đăng kí là 7,92 tỉ USD, chiếm 20,8% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Hồng Kông (Trung Quốc) đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư là 7,87 tỉ USD, Singapore đứng vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng kí là 4,5 tỉ USD, chiếm 11,8% tổng vốn đầu tư… Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 62 tỉnh thành phố, trong đó Hà Nội là địa phương thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất với tổng số vốn đăng kí là 8,45 tỉ USD, chiếm 22,2% tổng vốn đầu tư. Thành phố Hồ Chí Minh và Hải Phòng đứng thứ hai, với tổng vốn đăng kí là 8,3 tỉ USD, chiếm 21,8%. Tiếp theo là Bình Dương, Đồng Nai…

Tỉ trọng xuất nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong tổng trị giá xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2019 là 63,22%, trong đó tỉ trọng xuất khẩu của khu vực FDI là 68,84% và nhập khẩu của khu vực FDI gần 57,4%.

Câu 25: Khái niệm chính sách thương mại quốc tế ? Ý nghĩa của việc nghiên cứu chính sách thương mại quốc tế là gì?

1.Khái niệm 

Chính sách thương mại quốc tế được tiếp cận với nhiều cách định nghĩa khác nhau:

“Chính sách thương mại quốc tế là hệ thống các nguyên tắc, biện pháp kinh tế, hành chính và pháp luật dùng để thực hiện các mục tiêu đã xác định trong lĩnh vực thương mại quốc tế của một nước trong thời kì nhất định”.

“Chính sách thương mại quốc tế (còn gọi là chính sách ngoại thương) bao gồm hệ thống các quan điểm, nguyên tắc, công cụ và biện pháp của Nhà nước áp dụng trong quản lý kinh tế nhằm tác động, điều chỉnh, kiểm soát các hoạt động thương mại quốc tế góp phần thực hiện mục tiêu kinh tế vĩ mô chung của quốc gia”.

Mặc dù có nhiều cách định nghĩa khác nhau về chính sách thương mại quốc tế, tuy nhiên, nhìn chung trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, thì chính sách thương mại quốc tế của một quốc gia được xây dựng không những dựa vào điều kiện kinh tế của quốc gia mình, mà còn phải dựa vào những thông lệ, những chuẩn mực của các hiệp định thương mại song phương và đa phương mà nước đó tham gia.

Do đó, có thể hiểu chính sách thương mại quốc tế theo khái niệm sau:

Chính sách thương mại quốc tể là một hệ thống các quan điếm, mục tiêu, nguyên tắc, công cụ, biện pháp thích hợp mà Nhà nước sử dụng để điều chỉnh các hoạt động thương mại quốc tế của một quốc gia trong một thời lá nhất định, nhằm đật được mục tiêu đã định trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của quổc gia và thích ứng với thông lệ, luật pháp và cam kết quốc tế.

2.Ý nghĩa

2.1.Đối với doanh nghiệp 

Nắm vững chính sách thương mại quốc tế của nước chủ nhà:

+ Để có chiến lược phát triển doanh nghiệp và các giải pháp kinh doanh phù họp với pháp luật nước chủ nhà, khai thác các yếu tố thuận lợi của môi trường chính sách.

+ Nhằm tìm cách thâm nhập, mở rộng thị trường, xác định chiến lược kinh doanh phù hợp đạt hiệu quả kinh tế.

+ Điều chỉnh sản xuất, kinh doanh và hoạt động thương mại tuỳ theo sự thay đổi về chính sách của các nước.

+ Phát triển các quan hệ đối tác, bạn hàng trong quan hệ thương mại và đầu tư.

2.2.Đối với các quốc gia

Việc nghiên cứu chính sách thương mại quốc tế giúp:

+ Rút kinh nghiệm, đánh giá thực tiễn chính sách để xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách thương mại quốc tế của quốc gia sao cho có hiệu quả kinh tế cao nhất.

+ Hướng dẫn, tư vấn, giúp đỡ các doanh nghiệp phát triển quan hệ kinh tế đối ngoại.

+ Tham gia hoạch định chính sách kinh tế khác phù hợp với điều kiện thương mại trong và ngoài nước.

Câu 26: Đặc điểm của các chính sách thương mại quốc tế của một quốc gia? Cấu trúc bao gồm những gì?

1.Đặc điểm

Chính sách thương mại quốc tế mang tính lịch sử rõ rệt, nó được thay đổi khá thường xuyên và có tác dụng trong thời kì nhất định. Tuỳ theo hoàn cảnh lịch sử cụ thể, mỗi quốc gia thường có chính sách thương mại quốc tế độc lập thể hiện ý chí, nguyên tắc và mục tiêu phát triển của mình.

Chính sách thương mại quốc tế không tồn tại độc lập mà luôn là một bộ phận trong hệ thống chính sách kinh tế của quốc gia. Chính sách thương mại quốc tế có quan hệ chặt chẽ với các chính sách có liên quan như: chính sách đầu tư, chính sách tài chính – tiền tệ, chính sách khoa học – công nghệ,… và trong nhiều trường họp có sự đan xen giữa các chính sách.

Chính sách thương mại quốc tế chịu sự tác động bởi rất nhiều yếu tố: chính trị, kinh tế, xã hội trong nước và quốc tế. Những biến động về các yếu tố trên sẽ làm ảnh hưởng rõ rệt tới chính sách thương mại quốc tế.

– Các công cụ và biện pháp dùng để điều chỉnh chính sách thương mại quốc tế rất đa dạng như: thuế quan, hạn ngạch, hạn ngạch thuế quan, các hàng rào kĩ thuật, tín dụng xuất khẩu, trợ cấp xuất khẩu, bán phá giá và chống bán phá giá,… Các công cụ này có thể được sử dụng riêng hoặc kết hợp với nhau tùy theo từng mục.

2.Cấu trúc

Chính sách thương mại quốc tế của một quốc gia gồm các bộ phận khác nhau và có liên quan, tác động qua lại với nhau. Có thể khái quát ở 3 bộ phận chính sau:

Thứ nhẩt, chính sách mặt hàng: Bao gồm danh mục các mặt hàng được chú trọng trong việc xuất nhập khẩu, sao cho phù hợp với trình độ phát triển và đặc điểm của nền kinh tế đất nước; các mặt hàng cần hạn chế hoặc phải cấm xuất nhập khẩu trong một thời gian nhất định, do những đòi hỏi khách quan của chiến lược phát triển kinh tế – xã hội và yêu cầu của việc đảm bảo an ninh, an toàn xã hội. Trong chính sách mặt hàng cũng cần đặc biệt lưu ý việc xác định rõ mặt hàng truyền thống, mặt hàng trọng điểm, mũi nhọn, chủ lực và mặt hàng mới.

Ví dụ: Từ Điều 5 đến Điều 9 Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài có quy định về: các mặt hàng bị cấm xuất khẩu (vũ khí, đạn dược, di vật, cổ vật, gỗ tròn, gỗ xẻ, động thực vật hoang dã quý hiếm…); các mặt hàng cấm nhập khẩu (vũ khí, đạn dược, pháo các loại, một số hàng tiêu dùng qua sử dụng…); các mặt hàng xuất, nhập khẩu theo giấy phép và thuộc diện quản lý chuyên ngành của các bộ.

Thứ hai, chính sách thị trường: Bao gồm định hướng và các biện pháp duy trì và mở rộng thị trường, xâm nhập thị trường mới, xây dựng thị trường trọng điểm, các biện pháp có đi có lại giữa các quốc gia mang tính chất song phương hoặc đa phương, việc tham gia vào các hiệp định thương mại và thuế quan trong phạm vi khu vực hay toàn cầu nhằm tạo điều kiện cho hoạt động thương mại quốc tế phát triển, phục vụ cho các mục tiêu của chiến lược phát triển kinh tế – xã hội.

Ví dụ: Theo nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá, các thị trường được coi là thị trường chiến lược của Việt Nam như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc, ASEAN,… các thị trường được coi là tiềm năng của Việt Nam như: Ấn Độ, châu Phi, Canada, Australia…

Thứ ba, chỉnh sách hỗ trợ: Bao gồm việc dùng các công cụ khác nhau nhằm gây tác động thúc đẩy hay điều chỉnh sự phát triển của hoạt động thương mại quốc tế. Trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, các chính sách này phải phù hợp với nguyên tắc, luật pháp quốc tế, đặc biệt là của WTO với lộ trình cam kết của từng nước.

Ví dụ: Các công cụ điều chỉnh (theo hướng kìm hãm) thương mại quốc tế được sử dụng như thuế quan nhập khẩu, hạn ngạch nhập khẩu…, các công cụ thúc đẩy thương mại quốc tế được sử dụng như phả giá tiền tệ…

Câu 27: Các hình thức của chính sách thương mại quốc tế: chính sách bảo hộ mậu dịch, chính sách mậu dịch tự do.

1.Chính sách bảo hộ mậu dịch

a,Khái niệm

Chính sách bảo hộ mậu dịch hay chính sách bảo hộ thương mại tạm dịch sang tiếng Anh là Trade protectionism policy.

Chính sách bảo hộ mậu dịch là chính sách thương mại quốc tế, trong đó Chính phủ của một quốc gia áp dụng các biện pháp để cản trở và điều chỉnh dòng vận động của hàng hoá nước ngoài xâm nhập vào thị trường trong nước.

Nhiệm vụ của chính sách bảo hộ mậu dịch là bảo vệ thị trường trong nước trước sự xâm nhập ngày càng mạnh mẽ của các hàng hoá và dịch vụ nước ngoài.

b,Đặc điểm

Chính sách bảo hộ mậu dịch có đặc điểm:

– Hạn chế nhập khẩu hàng hoá nước ngoài thông qua các hàng rào thuế quan và phi thuế quan tương đối dày đặc.

– Chính sách bảo hộ mậu dịch thường được thực hiện trước chính sách mậu dịch tự do nhằm bảo vệ cho các ngành kinh tế, các doanh nghiệp có đủ thời gian để chuẩn bị cho sự cạnh tranh với hàng hoá nước ngoài.

Trong khoảng thời gian 2012, một số nước có xu hướng đòi các nước khác thực hiện chính sách mậu dịch tự do đối với hàng hoá của họ, song thực tế, hầu hết các quốc gia vẫn bằng cách này hay cách khác thực hiện việc bảo hộ hàng hoá do nước mình sản xuất ra.

c,Thuật ngữ liên quan

– Chính sách thương mại quốc tế là một hệ thống những quan điểm, mục tiêu, nguyên tắc, công cụ và biện pháp thích hợp mà Nhà nước sử dụng để điều chỉnh các hoạt động thương mại quốc tế của mỗi quốc gia trong một thời kì nhất định, nhằm đạt được các mục tiêu trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của quốc gia đó.

– Bảo hộ thương mại hay còn gọi là bảo hộ mậu dịch là việc áp dụng nâng cao một số tiêu chuẩn thuộc các lĩnh vực như chất lượng, vệ sinh, an toàn, lao động, môi trường, xuất xứ hay việc áp đặt thuế xuất nhập khẩu cao đối với một số mặt hàng nhập khẩu nào đó để bảo vệ ngành sản xuất hàng hóa và dịch vụ trong nước.

  1. Chính sách mậu dịch tự do

a, Khái niệm

Chính sách mậu dịch tự do là một hình thức của chính sách thương mại quốc tế. Trong đó các nước tham gia vào hiệp định thương mại tự do song phương hoặc đa phương. Chính phủ nước đó không phân biệt hàng hoá nước ngoài với hàng hoá nội địa trên thị trường nước mình. Do đó không thực hiện các biện pháp cản trở hàng hoá nước ngoài xâm nhập thị trường nước mình.

Chính sách này được thực hiện trong hoạt động thương mại giữa các quốc gia hoặc tổ chức quốc tế. Do đó nó còn được tiếp cận là một hình thức của chính sách thương mại quốc tế. Các quốc gia có nhu cầu giống nhau, mong muốn các giá trị tương đương thực hiện các các hiệp định thương mại tự do song phương hoặc đa phương. Với chính sách mậu dịch tự do, thị trường các nước tiến hành hoạt động thương mại một cách đa dạng.

b, Ưu điểm chính sách mậu dịch tự do

Với ưu điểm là các quốc gia được trao đổi hàng hóa tự do mà không gặp các cản trở khác thị trường. Bao gồm loại bỏ dần các hàng rào thuế quan và hàng rào phi thuế quan. Việc nhập khẩu và xuất khẩu giữa các nước như việc trao đổi hàng hóa cơ bản trên thị trường. Khi các doanh nghiệp có thể tiếp cận với nhiều thị trường hơn. Họ có cơ hội trong phát triển thị trường tiềm năng. Đa dạng hóa các hoạt động tìm kiếm lợi nhuận.

Với việc tham gia vào các hiệp định thương mại tự do. Các quốc gia thực hiện cam kết trong xây dựng các điều kiện thuận lợi thúc đẩy hoạt động nhập khẩu và xuất khẩu. Hiệp định tạo ra các liên kết kinh tế khu vực và quốc tế. Trong đó các nước thành viên thỏa thuận với nhau về việc giảm hoặc xóa bỏ hàng rào thuế quan và các biện pháp hạn chế về số lượng. Tiến tới hình thành một thị trường thống nhất về hàng hóa và dịch vụ. Đây là thị trường chung cho hoạt động trao đổi hàng hóa, dịch vụ giữa các quốc gia hoặc tổ chức quốc tế mà không có rào cản.

Ví dụ: 

Việt Nam tham gia vào các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương như: Khu vực mậu dịch tự do Asean, các hiệp định FTA Việt Nam – EU, Việt Nam – Hàn Quốc, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương,…

Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN (AFTA) là một hiệp định thương mại tự do đa phương giữa các nước trong khối ASEAN. Theo đó, sẽ thực hiện tiến trình giảm dần thuế quan xuống 0-5%. Loại bỏ dần các hàng rào thuế quan đối với đa phần các nhóm hàng và hài hòa hóa thủ tục hải quan giữa các nước. Thúc đẩy hội nhập kinh tế với các quốc gia khác trong khu vực.

c, Đặc điểm chính sách mậu dịch tự do:

– Thúc đẩy việc mở rộng xuất khẩu

Với hoạt động kinh tế của một quốc gia, hoạt động xuất khẩu đem lại nhiều giá trị. Khi các nước có tiềm lực sản xuất nhưng thị trường trong nước không tiêu thụ hết, thị trường nước ngoài sẽ mang đến lợi ích lớn. Hay với các nước kinh tế kém phát triển hơn, việc nhập khẩu giúp họ tìm kiếm giá trị trên các sản phẩm chất lượng. Trong khi các thị trường khác đang thiếu.

Các chính sách đem đến lợi ích khi hoạt động xuất khẩu được thực hiện dễ dàng. Các hàng rào thuế quan và phi thuế quan dần loại bỏ. Tạo điều kiện để hàng hóa lưu thông trên các thị trường dễ dàng. Bãi bỏ thuế xuất khẩu hoặc thực hiện các biện pháp khuyến khích khác giúp chính sách thúc đẩy hoạt động xuất khẩu hàng hóa.

– Mở rộng thị trường nội địa

Thứ nhất, thị trường trong nước bước đầu có sự gia nhập của các hàng hóa mới. Với cùng một loại hàng thì các doanh nghiệp khác nhau cũng có các cách thức sản xuất khác. Chính phủ mở rộng thị trường cho hàng hoá nước ngoài tự do xâm nhập thông qua việc xoá bỏ hàng rào thuế quan và phi thuế quan. Hoạt động này càng diễn ra mạnh mẽ khi quốc gia tham gia vào càng nhiều các hiệp định thương mại tự do. Hoạt động nhập khẩu diễn ra mạnh mẽ giúp đa dạng hàng hóa trong thị trường. Phục vụ nhu cầu ngày càng đa dạng của người dân,. Cũng như giúp người dân có khả năng tiếp cận hàng hóa, dịch vụ nước ngoài dễ dàng hơn.

Thứ hai, trước khi tiến hành chính sách mậu dịch tự do, các quốc gia thường thực hiện chính sách bảo hộ mậu dịch. Giúp bảo vệ doanh nghiệp trong nước và hàng hóa trong nước không bị cạnh tranh. Thể hiện sự ưu tiên của nhà nước. Trong khoảng thời gian này, giúp các doanh nghiệp nắm giữ thị trường và lớn mạnh, có tiềm lực cạnh tranh. Sau đó, là sự áp dụng với chính sách mậu dịch tự do. Khi các hàng hoá của quốc gia đó có đủ sức cạnh tranh bình đẳng với hàng ngoại nhập. Và doanh nghiệp có đủ tiềm lực kinh tế, chiến lược để tham gia các thị trường khu vực và quốc tế.

– Loại bỏ phân biệt đối xử với hàng hóa xuất, nhập khẩu

Với các lợi ích mà chính sách mậu dịch tự do mang lại. Các quốc gia đều nhận được lợi ích chung đối với việc nhập khẩu và xuất khẩu hàng hóa. Do đó để chính sách được thực hiện lâu dài và tạo quan hệ tốt trong quan hệ song phương và đa phương. Các lợi ích chung trong nhập, xuất khẩu hàng hóa cần được cân đối như nhau. Thương mại tự do là một trong những nguyên tắc cơ bản trong hệ thống thương mại đa phương. Nhằm loại bỏ sự phân biệt đối xử với hàng hóa xuất nhập khẩu. Từ đó góp phần trong thúc đẩy các hoạt động này phát triển.

Nhập khẩu hàng hóa giúp thị trường trong nước có thêm nhiều mặt hàng. Tạo sự đa dạng về mọi mặt và đáp ứng các nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng. Giúp người dân tiếp cận và có nhiều lựa chọn với những sản phẩm chất lượng

Xuất khẩu hàng hóa giúp quốc gia quảng bá, giới thiệu sản phẩm ra khu vực và trên thế giới. Tìm kiếm các lợi ích trong sản xuất, tạo việc làm, đáp ứng đòi hỏi của lực lượng lao động.

Câu 28: Thuế quan là gì? Phân loại thuế quan theo quy định của luật quốc tế?

 

  • Khái niệm về thuế quan

 

Thuế quan được hiểu là khoản thu của Nhà nước đánh vào hàng hóa khi hàng hóa di chuyển từ lãnh thổ hải quan này sang lãnh thổ hải quan khác, nhằm tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước và bảo hộ thị trường nội địa.

Cần phân biệt thuế quan với các loại thuế nội địa khác (như: thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế môn bài, thuế tiêu thụ đặc biệt…) khi thuế quan liên quan đến sự di chuyển của hàng hóa qua lãnh thổ hải quan.

Khái niệm “lãnh thổ hải quan” theo WTO: là bất kì vùng lãnh thổ nào có chế độ thuế quan và các điều lệ khác về thương mại mang tính chất độc lập để kiểm soát việc buôn bán giữa nó với các vùng lãnh thổ khác (Điều XXIV Hiệp định GATT). Lãnh thổ hải quan và lãnh thổ quốc gia có thể trùng khớp hoặc khác nhau: Lãnh thổ hải quan có thể rộng hơn lãnh thổ quốc gia (ví dụ: EU tham gia vào WTO với tư cách lãnh thổ hải quan); Lãnh thổ hải quan có thể hẹp hơn lãnh thổ quốc gia (ví dụ: Hồng Kông, Macao của Trung Quốc); Lãnh thổ hải quan có thể trùng với lãnh thổ quốc gia (đây là cách hiểu phổ biến).

Thuế quan là một công cụ kinh tế được sử dụng phổ biến và rộng rãi nhất trong chính sách thương mại quốc tế của các quốc gia.

 

  • Phân loại thuế quan

 

 

Có nhiều tiêu chí khác nhau để phân loại thuế quan trong thương mại quốc tế:

+ Theo mục đích đánh thuế: thuế quan bảo hộ (nhằm bảo hộ một ngành sản xuất nào đó), thuế quan tài chính (nhằm tăng thu ngân sách) và thuế hạn chế tiêu dùng (nhằm hạn chế tiêu dùng trong nước).

+ Theo đối tượng đánh thuế: thuế xuất khẩu (đánh vào hàng hóa xuất khẩu), thuế nhập khẩu (đánh vào hàng hóa nhập khẩu) và thuế quá cảnh (đánh vào hàng hóa được chuyên chở quá cảnh để đi sang một nước khác, không tiêu dùng ở thị trường nội địa, áp dụng với các quốc gia có điều kiện, vị trí địa lý đặc biệt để thực hiện các nghiệp vụ trung chuyển hàng hóa như tái xuất khẩu, chuyển khẩu). Tuy nhiên, thuế xuất khẩu ít được áp dụng vì làm hạn chế quy mô xuất khẩu hàng hóa trong khi thuế nhập khẩu được sử dụng rộng rãi và phổ biến ở tất cả các quốc gia trên thế giới.

+ Theo phương pháp tính thuế: Thuế tính theo giá trị hàng hóa (là thuế tính tỉ lệ phần trăm so với giá trị hàng hóa xuất, nhập khẩu); Thuế tính theo số lượng (là loại thuế được tính ổn định dựa trên khối lượng hoặc trọng lượng hàng hóa xuất nhập khẩu); Thuế tính theo kiểu hỗn hợp vừa giá trị vừa số lượng (là thuế tính theo cả hai cách trên).

+ Theo mức thuế áp dụng: mức thuế này được xây dựng trên cơ sở chính sách thương mại và cơ chế quản lý xuất nhập khẩu của mỗi quốc gia. Gồm 04 loại:

Mức thuế suất tối đa: áp dụng đối với các nước thù địch (loại thuế này hiện chủ yếu mang tính lịch sử, hiện tại hiếm khi các nước sử dụng);

Mức thuế suất thông thường: áp dụng cho các nước có quan hệ thông thường;

Mức thuế suất ưu đãi: áp dụng đối với các nước được hưởng quy chế đối xử tối huệ quốc (MFN);

Mức thuế suất ưu đãi đặc biệt: áp dụng với các nước cùng liên kết kinh tế, biên mậu hoặc có chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập (Generalized System of Preferences – GSP).

Trong đó, MFN được hiểu là: Dựa trên cam kết thương mại, một nước dành cho nước đối tác ưu đãi có lợi nhất mà nước đó đang và sẽ dành cho nước thứ ba khác trong tương lai. 

Ví dụ: Canada áp dụng MFN đối với Việt Nam, thì giả sử Canada có chính sách giảm thuế đối với gỗ nhập khẩu từ Australia, thì Canada cũng phải áp dụng chính sách giảm thuế đó đối với Việt Nam. Quy chế này đòi hỏi một quốc gia phải bảo đảm dành cho tất cả các quốc gia đối tác một chế độ ưu đãi thương mại thuận lợi như nhau (không phân biệt đối xử).

GSP là: Chế độ ưu đãi thuế quan đối với hàng hóa mà các nước công nghiệp phát triển dành cho các nước đang phát triển khi đưa hàng hóa vào các nước này. Chế độ này lần đầu được đề xuất và thông qua tại Hội nghị của Liên hợp quốc về Thương mại và phát triển năm 1968 tại New Delhi, Ấn Độ. Mục đích của chế độ này là nhằm tăng tính cạnh tranh của hàng hóa các nước đang phát triển, giúp các nước này đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng thị trường, thúc đẩy tốc độ phát triển kinh tế. GSP là chế độ thuế quan không mang tính cam kết (các nước được quyền thay đổi chính sách trong từng thời kỳ), được đánh giá là chế độ ưu đãi nhiều hơn so với MFN; tuy nhiên, GSP chỉ được áp dụng mang tính chất một chiều từ các nước phát triển dành cho các nước đang phát triển và áp dụng có hạn chế với một số nhóm hàng hóa (thường áp dụng phân biệt thành nhiều nhóm hàng với mức ưu đãi khác nhau, trong đó ưu đãi nhất là miễn thuế hoàn toàn).

Câu 29: Hạn ngạch là gì? Đặc điểm của hạn ngạch và có mấy loại hạn ngạch trong chính sách thương mại quốc tế?

1.Khái  niệm 

Hạn ngạch được hiểu là quy định của Nhà nước về số lượng hay giá trị cao nhất của một hay một nhóm mặt hàng được phép xuất hoặc nhập khẩu từ một thị trường, trong một khoảng thời gian nhất định (thường là một năm). Hạn ngạch là công cụ điển hình của nhóm các công cụ hạn chế số lượng.

Ví dụ: Quốc gia X áp dụng mức hạn ngạch nhập khẩu năm 2006 là 85.000 tấn đối với mặt hàng đường (gồm cả đường tinh luyện và đường thô). Điều này có nghĩa mặt hàng đường sẽ không được tiếp tục nhập khẩu vào quốc gia X nếu vượt quá số lượng 85.000 tấn.

2.Phân loại

Có hai loại hạn ngạch là hạn ngạch nhập khẩu và hạn ngạch xuất khẩu:

Hạn ngạch nhập khẩu: Được sử dụng chủ yếu nhằm mục đích bảo hộ thị trường, không cho hàng hóa nước ngoài có giá bán thấp tràn vào thị trường nội địa. Hạn ngạch nhập khẩu thường bao gồm những loại sau: Hạn ngạch áp dụng chung, không phân biệt nhập từ thị trường nào; Hạn ngạch nhập từ một thị trường cụ thể nào đó; Hạn ngạch cho cả nhóm hàng; Hạn ngạch riêng cho một mặt hàng cụ thể; Hạn ngạch tính theo số lượng; Hạn ngạch tính theo giá trị.

Hạn ngạch xuất khẩu: Được sử dụng khi cần bảo vệ người tiêu dùng trong nước khỏi sự thiếu hụt tạm thời mặt hàng nào đó (đặc biệt là lương thực). 

Ví dụ: Trung Quốc áp dụng hạn ngạch xuất khẩu lương thực tạm thời với bột mì, bột ngũ cốc, gạo từ ngày 01/01/2008 vì mục đích ổn định giá lương thực và bảo đảm an toàn lương thực trong nước.

Ngoài ra, hạn ngạch xuất khẩu có thể được sử dụng khi muốn nâng giá ữên thị trường thế giới. Ví dụ: hạn ngạch xuất khẩu dầu mỏ của các nước thuộc OPEC. Hoặc được sử dụng khi muốn hạn chế xuất khẩu những hàng hóa là tài nguyên thiên nhiên khan hiếm, khó tái tạo. Ví dụ: Trung Quốc áp dụng hạn ngạch xuất khẩu than đá năm 2011 ở mức 38 triệu tấn.

3.Đặc điểm của hạn ngạch

*    Tác động của hạn ngạch:

Hạn chế lượng hàng nhập khẩu (người xuất khẩu mặt hàng bị áp hạn ngạch chịu thiệt);

Làm tăng giá tiêu dùng trên thị trường nội địa so với giá quốc tế và do đó hạn chế tiêu dùng trong nước (người tiêu dùng phải chịu thiệt);

Bảo hộ sản xuất trong nước: giúp các nhà sản xuất trong nước tăng sản lượng, giữ việc làm (nhà sản xuất nội địa hưởng lợi);

Tạo lợi ích cho những doanh nghiệp nhận được hạn ngạch;

Tác động phụ: Kích thích buôn lậu và gian lận thương mại.

*    Xu hướng áp dụng hạn ngạch:

Theo quy định của WT0: Chỉ được phép bảo hộ sản xuất nội địa bằng công cụ thuế quan, cấm áp dụng các biện pháp hạn chế so lượng (trong đó có hạn ngạch). Đây là quy định có tính chất bắt buộc với các nước thành viên của WTO (Theo khoản 1 Điều XI/GATT). Như vậy, Việt Nam hiện tại là thành viên của WTO nên cũng không được phép sử dụng các công cụ hạn chế so lượng, trong đó có hạn ngạch. Tuy nhiên, WTO vẫn cho phép thực hiện hạn ngạch trong các trường hợp ngoại lệ, như: Áp dụng hạn ngạch trong trường hợp tự vệ thương mại (Theo Điều XIX GATT); Nhằm hạn chế tạm thời, ngăn ngừa, khắc phục sự khan hiếm trầm trọng về lương thực, thực phẩm, sản phẩm thiết yếu khác (Theo điểm a khoản 2 Điều XI GATT); Nhằm bảo vệ sức khoẻ con người hay tài nguyện thiên nhiên (Theo điểm b Điều XX GATT); Các nước đang phát triển có thể áp dụng hạn ngạch trong chương trình trợ giúp của Chính phủ về đẩy mạnh phát triển kinh tế hoặc hạn chế để bảo vệ một số ngành công nghiệp (Theo khoản 2 Điều XVIIIGATT)…

Tại Việt Nam, trước khi là thành viên của WTO: Đối với hạn ngạch nhập khẩu, Việt Nam cũng từng áp dụng với nhiều mặt hàng như xe tải, xe khách, ô tô chở khách dưới 12 chỗ, xe 2 bánh gắn máy nguyên chiếc và linh kiện lắp ráp xe 2 bánh gắn máy, thép xây dựng, phôi thép, xi măng, đường… vào năm 1997. Tuy nhiên, từ năm 1999, hầu hết các mặt hàng trên không còn áp dụng hạn ngạch mà chuyển sang các hình thức quản lý khác như giấy phép nhập khẩu. Từ khi trở thành thành viên của WTO, Việt Nam tuân thủ các quy định của WTO, không còn sử dụng công cụ hạn ngạch, mà thay vào đó là hạn ngạch thuế quan (công cụ mà WTO cho phép sử dụng).

Câu 30: Biện pháp “tiêu chuẩn sản phẩm” và “giấy phép” được hiểu như thế nào trong chính sách thương mại quốc tế?

1.Tiêu chuẩn sản phẩm

Tiêu chuẩn sản phẩm là một công cụ quy định về tiêu chuẩn đối với những sản phẩm khi xuất khẩu hay nhập khẩu vào một nước/vùng lãnh thổ, nhưng khi áp dụng cố ý vào kiểm định hàng nhập khẩu, có thể trở thành công cụ bảo hộ mậu dịch thông qua việc nước nhập khẩu đưa ra các tiêu chuẩn sản phẩm đối với hàng nhập khẩu và khi sử dụng các tiêu chuẩn đó sẽ có tác dụng cản trở luồng hàng nhập khẩu.

Tiêu chuẩn sản phẩm rất phong phú và đa dạng, có thể bao gồm: Tiêu chuẩn về kỹ thuật; Tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm; Tiêu chuẩn về môi trường; Tiêu chuẩn về trách nhiệm xã hội…

Trong cuộc sống, các tiêu chuẩn sản phẩm là cần thiết để bảo vệ những lợi ích quan trọng như sức khỏe con người, môi trường, an ninh… Tuy nhiên, trên thực tế, công cụ này có thể trở thành rào cản thương mại hết sức tinh vi, gây khó khăn cho việc thâm nhập của hàng hóa nước ngoài. Hiện nay, theo ước tính gần 1/3 lượng hàng hóa trên thế giới bị cản trở bởi các rào cản kĩ thuật.

WTO chỉ có hiệp định chi phối về tiêu chuẩn kĩ thuật của sản phẩm. Hiệp định về Hàng rào kĩ thuật đối với thương mại của WTO (Hiệp định TBT) phân biệt ba loại biện pháp lã thuật sau đây: Quy chuẩn kĩ thuật là những yêu cầu kĩ thuật bắt buộc áp dụng; Tiêu chuẩn kĩ thuật là các yêu cầu kĩ thuật được chấp nhận bởi một tổ chức đã được công nhận nhưng không có giá trị áp dụng bắt buộc; Quy trình đánh giá sự phù hợp của một loại hàng hóa với các quy định/tiêu chuẩn kĩ thuật.

Quan điểm của WTO: các nước có thể đưa ra các tiêu chuẩn, quy định lã thuật nhưng không được tạo ra các trở ngại không cần thiết đối với thương mại quốc tế và phải đảm bảo nguyên tắc không phân biệt đối xử, phải minh bạch và tiến tới hài hòa hóa.

Các nội dung thường xuất hiện trong quy chuẩn kĩ thuật và tiêu chuẩn kĩ thuật là: các đặc tính của sản phẩm, các quy trình và phương pháp sản xuất có ảnh hưởng/tác động đến đặc tính của sản phẩm, các thuật ngữ, kí hiệu hoặc các yêu cầu về đóng gói, ghi nhãn mác áp dụng cho sản phẩm…

Ví dụ: Tiêu chuẩn về đóng gói sản phẩm: Cộng hòa liên bang Đức từ chối nhập khẩu các sản phẩm của Indonesia được đóng gói bằng bao bì gai là loại không có dụng cụ phân hủy ở Đức. Tiêu chuẩn về phương pháp sản xuất/khai thác và chế biến sản phẩm: Hoa Kỳ từng cấm nhập khẩu cá ngừ của Mexico và tôm của Thái Lan vì cho rằng các nước này sử dụng phương tiện đánh bắt làm ảnh hưởng đến loài rùa biển. Cộng hòa liên bang Đức cấm nhập khẩu các sản phẩm văn hóa của Phần Lan vì chúng được sản xuất từ bột giấy được lấy từ rừng nguyên sinh ở Indonesia. Tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm: Nhật Bản từng yêu cầu quả anh đào xuất khẩu từ khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương của Hoa Kỳ phải được khử trùng bằng chất methyl bromide để đảm bảo không mang theo ấu trùng của các loài sâu bệnh. EU đã từng cấm nhập khẩu thịt bò của Hoa Kỳ vì lý do ngành chăn nuôi bò, của nước này sử dụng quá mức chất kích thích tăng trọng cho bò gây hại cho sức khỏe của người tiêu dùng. Các tiêu chuẩn của Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (International Organization for Standardization – ISO) được nhiều quốc gia áp dụng và cả WTO khuyến khích các quốc gia thành viên sử dụng để “hài hòa hóa” các tiêu chuẩn kĩ thuật, như: ISO 9001: tiêu chuẩn về quản lý, ISO 14000: tiêu chuẩn về môi trường…

  1. Giấy phép

Giấy phép là hình thức cơ quan có thẩm quyền cho phép các nhà kinh doanh được phép xuất khẩu hoặc nhập khẩu. Đây là công cụ có hiệu lực mạnh hơn so với công cụ thuế quan nhưng thuộc nhóm hạn chế thương mại, nên xu hướng chung là các nước dần ít sử dụng.

– Căn cứ vào đối tượng tác động ở diện chung hay riêng của giấy phép, có thể chia thành:

+ Giấy phép chung: Là loại giấy phép chỉ quy định tên hàng và thị trường, không hạn chế định lượng và không ghi rõ đích danh doanh nghiệp được cấp. Thực chất đây là hình thức thông qua cấp giấy phép để quy định quyền kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu cho các doanh nghiệp. Chỉ các doanh nghiệp có giấy phép này mới được quyền kí kết các họp đồng xuất nhập khẩu trực tiếp với các đối tác nước ngoài; nó thường được sử dụng ở những nước có nền kinh tế phi thị trường khi nhà nước muốn thực hiện quản lý độc quyền ngoại thương.

Ngày nay, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế diễn ra và xu hướng tự do hóa thương mại, tự do cạnh tranh phát triển dẫn đến hình thức giấy phép chung ngày càng ít được sử dụng, ở Việt Nam, khi chuyển sang hoạt động theo cơ chế thị trường, hình thức giấy phép chung đã được bãi bỏ. Mọi doanh nghiệp, tập thể, cá nhân (có đăng kí kinh doanh hợp pháp) đều có quyền trực tiếp kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu với nước ngoài.

+ Giấy phép riêng: Là loại giấy phép được cấp riêng cho từng nhà kinh doanh, có ghi rõ số lượng, giá trị, thị trường và mặt hàng cụ thể, thời hạn hiệu lực. Giấy phép này do các cơ quan quản lý nhà nước ban hành (Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Y tế,…) nhằm quản lý chặt chẽ những mặt hàng xuất khẩu, nhập khẩu có điều kiện.

– Căn cứ vào mức độ dễ dàng của việc cấp, giấy phép thương mại có thể chia làm hai loại:

+ Giấy phép tự động: Là hình thức cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép nhập khẩu, xuất khẩu cho doanh nghiệp khi các doanh nghiệp nộp hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, mà không kèm theo điều kiện nào. Giấy phép này được ban hành phục vụ mục đích thống kê hoạt động xuất nhập khẩu.

về bản chất, đây có thể coi như việc doanh nghiệp có nghĩa vụ thông báo với cơ quan quản lý nhà nước về hợp đồng xuất nhập khẩu của mình, nên giấy phép tự động về cơ bản không hạn chế thương mại.

Ví dụ: Việt Nam áp dụng cấp giấy phép xuất khẩu tự động đối với một số mặt hàng phân bón thuộc danh mục quy định (Theo Thông tư số 35/2014/TT-BCT ngày 15/10/2014 của Bộ Công Thương). Nhưng đến ngày 29/5/2017, Bộ Công Thương lại ban hành Thông tư số 07/2017/TT-BCT trong đó bãi bỏ Thông tư số 35/2014/TT-BCT, tức bỏ chế độ cấp phép nhập khẩu tự động đối với một số mặt hàng phân bón.

+ Giấy phép không tự động: Là hình thức cơ quan nhà nước chỉ cấp ra giấy phép trong trường họp nhà xuất khẩu, nhập khẩu hội tụ đủ những điều kiện quy định.

Loại giấy phép này thường để quản lý các mặt hàng xuất khẩu, nhập khẩu đặc biệt có tác động đến nền kinh tế hoặc xã hội, văn hóa, môi trường. Thủ tục cấp phép của loại giấy phép này thường phức tạp và tốn nhiều thời gian, nên nó thường được xếp vào loại công cụ hạn chế thương mại.

Ví dụ: Muốn nhập khẩu mặt hàng phế liệu vào Việt Nam, phế liệu phải thuộc danh mục phế liệu được phép nhập khẩu do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành, đồng thời phải đáp ứng Quy chuẩn kĩ thuật quốc gia về môi trường đối với phế liệu nhập khẩu; Phải có Quyết định phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc Phiếu xác nhận Bản đăng kí đạt tiêu chuẩn môi trường… Sau đó mới lập được Hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu.

Trong khuôn khổ WTO, các nước thành viên sẽ phải tuân thủ Hiệp định về Thủ tục cấp phép nhập khẩu (ILP) để giảm tối đa những thủ tục hành chính gây cản trở tự do hóa thương mại. Khi gia nhập WTO, Việt Nam cũng cam kết thực hiện cấp phép theo quy định của tổ chức này. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn bảo lưu quyền cấp phép nhập khẩu văn hóa phẩm, chủ yếu để kiểm duyệt nội dung nhưng đảm bảo cơ chế cấp phép nhằm mục đích kiểm duyệt này sẽ tuân thủ các quy định về minh bạch hóa và không phân biệt đối xử của WTO.

Câu 31: Các biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu trong chính sách thương mại quốc tế

1.Trợ cấp xuất khẩu 

Trợ cấp xuất khẩu là biện pháp khuyến khích xuất khẩu, theo đó nhà nước chi một khoản tài chính cho các nhà sản xuất hoặc xuất khẩu trong nước để họ xuất khẩu nhiều hơn hàng hóa, dịch vụ ra nước ngoài.

Hiệp định về Trợ cấp và các biện pháp đối kháng (SCM) trong khuôn khổ WTO tại Điều 1 đưa ra định nghĩa về trợ cấp như sau: Việc chứng minh một hành vi là “trợ cấp” phải đáp ứng đồng thời 3 yếu tố sau đây: Chi một khoản đóng góp tài ị chính (người chi tiền: Chính phủ hoặc bất kì cơ quan công quyền nào trên lãnh thổ của một thành viên kể cả doanh nghiệp Nhà nước) và đem lại lợi ích; Sự đóng góp tài chính có thể là: Hỗ trợ trực tiếp bằng tiền từ ngân sách nhà nước hoặc miễn hoặc bỏ qua một khoản thu lẽ ra phải nộp cho Nhà nước (ví dụ: miễn, giảm thuế, phí…); hoặc Nhà nước mua hàng, cung cấp các dịch vụ hoặc hàng hóa (trừ cơ sở hạ tầng chung) với giá có lợi cho doanh nghiệp hơn bình thường…

Tương tự như biện pháp bán phá giá, trợ cấp xuất khẩu cũng bị coi là công cụ cạnh tranh không lành mạnh, bóp méo cạnh tranh, cần được khắc phục và được pháp luật của WTO chi phối. Các nước thành viên WTO có thể sử dụng biện pháp đối kháng nếu trợ cấp của nước đối tác dẫn đến việc xâm hại lợi ích quốc gia.

Trong khuôn khổ WTO, trợ cấp xuất khẩu thuộc loại trợ cấp bị cấm áp dụng.

Khi gia nhập WTO, Việt Nam cam kết bãi bỏ hoàn toàn các loại trợ cấp bị cấm theo quy định của WTO bao gồm trợ cấp xuất khẩu và trợ cấp khuyến khích thay thế hàng nhập khẩu vào thời điểm gia nhập (kể cả đối với hàng dệt may) và tuân thủ các quy định liên quan đến các hình thức trợ cấp khác cũng như biện pháp xử lý tương ứng. Việt Nam được bảo lưu quyền áp dụng trợ cấp xuất khẩu nông nghiệp đối với 2 loại trợ cấp theo điều khoản về đối xử đặc biệt và khác biệt dành cho các nước đang phát triển, cụ thể: (i) Trợ cấp để giảm chi phí tiếp thị, kể cả chi phí xử lý, nâng cấp, tái chế sản phẩm, chi phí vận tải quốc tế, cước phí vận chuyển; và (ii) Trợ cấp cước phí vận tải trong nước và quốc tế đối với hàng xuất khẩu.

2.Bán phá giá hàng hóa

Theo quy định của WTO: “Một sản phẩm sẽ bị coi là bán phá giá nếu giá xuất khẩu của sản phẩm được xuất khẩu từ nước này sang nước khác thấp hơn giá có thể so sánh được của sản phẩm tương tự được tiêu dùng tại nước xuất khẩu theo các điều kiện thương mại thông thường” – Theo khoản 1 Điều 2 Hiệp định chống bán phá giá (ADA).

Vi dụ: Nếu một sản phẩm của nước A bán tại thị trường nước A với giá X, khi xuất khẩu sang nước B với giá Y. Neu Y<x thì sản phẩm đó được xem là bán phá giá từ nước A sang nước B.

Mặc dù, bán phá giá là một trong các biện pháp khuyến khích xuất khẩu do giá rẻ. nhưng nó bị coi là biện pháp cạnh tranh không lành mạnh, cần được lên án và khắc phục, do đó WTO đã đưa vấn đề bán phá giá vào hệ thống pháp luật chi phối của mình và cho phép các nước thành viên áp dụng các biện pháp chống lại hành vi bán phá giá.

Thực tế thương mại quốc tế cho thấy, hành vi bán phá giá vẫn được các nhà xuất khẩu của các nước lạm dụng, mặc dù họ biết hậu quả có thể không tốt. Theo báo cáo của WTO, mỗi năm có hàng trăm vụ kiện chống bán phá giá trong khuôn khổ WTO. Nếu tính từ khi WTO ra đời (1995) đến nay thì có tới hơn 5 ngàn vụ kiện chống bán phá giá được khởi kiện từ các nước thành viên trong WTO.

Câu hỏi: Phân tích các công cụ phi thuế quan như “cấm nhập khẩu, cấm xuất khẩu” và “hạn chế xuất khẩu tự nguyện”

1.Cấm nhập khẩu, cấm xuất khẩu

Cấm nhập khẩu là công cụ bảo hộ một cách tuyệt đối, giúp ngăn chặn hoàn toàn sự xâm nhập của hàng hóa nước ngoài vào thị trường trong nước. Đối với xuất khẩu, công cụ này chủ yếu được sử dụng để bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ các giá trị văn hóa. 

Cấm xuất khẩu, nhập khẩu là công cụ bảo hộ cao nhất, gây hạn chế lớn nhất đối với TMQT. Do đó, trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, công cụ cấm xuất, nhập khẩu được hạn chế sử dụng. 

Trong khuôn khổ WTO, biện pháp này thuộc loại công cụ hạn chế số lượng, nên bị cấm áp dụng. Tuy nhiên, nó có thể được sử dụng trong các trường hợp ngoại lệ; ví dụ, có thể sử dụng trong các trường hợp: cần thiết để đảm bảo an ninh quốc gia; cần thiết để bảo vệ đạo đức xã hội; cần thiết để bảo vệ sức khỏe con người, động vật và thực vật; cần thiết để bảo vệ các TNTN khan hiếm; cần thiết để ngăn chặn hay giảm bớt sự khan hiếm của lương thực thực phẩm hay các sản phẩm thiết yếu khác…

Tại VN, theo cam kết gia nhập WTO, VN đã cam kết bỏ quy định cấm nhập khẩu thuốc lá, điếu, xì gà; ô tô đã qua sử dụng, xe máy trên 175CC. Tại phụ lục I, ban hành kèm theo nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính Phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương có quy định về danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu và cấm nhập khẩu của VN. Theo đó các mặt hàng bị cấm xuất khẩu gồm: vũ khí, đạn dược, pháo các loại, một số nhóm hàng tiêu dùng đã qua sử dụng, xuất bản phẩm bị cấm, văn hóa phẩm bị cấm, phương tiện vận tải tay lái bên phải, một số loại phương tiện, vật tư đã qua sử dụng, thuốc bảo vệ thực vật bị cấm sử dụng ở VN, phế liệu, sản phẩm vật liệu chứa amiăng…

2.Hạn chế xuất khẩu tự nguyện

Là thỏa thuận song phương giữa nước xuất khẩu và nước nhập khẩu, theo đó nước xuất khẩu tự nguyện hạn chế xuất khẩu sản phẩm nào đó ở mức độ nhất định vào nước nhập khẩu nhằm ngăn ngừa những biện pháp hạn chế thương mại mà nước nhập khẩu có thể đặt ra.

Hạn chế xuất khẩu tự nguyện thường đưa ra trên yêu cầu của nước nhập khẩu và được nước xuất khẩu chấp nhận nếu không muốn bị đe dọa trả đũa thương mại. “Tự nguyện” ở đây được hiểu một cách tương đối vì trên thực tế không có bên xuất khẩu nào lại tự nguyện hạn chế lượng hàng xuất của mình. Giữa hai nước phải có sự thương lượng thì mới dẫn đến hành vi tự nguyện hạn chế lượng hàng xuất khẩu. 

Hạn chế xuất khẩu tự nguyện thường được các cường quốc kinh tế sử dụng, họ là những nước có tiềm lực kinh tế đủ mạnh để gây sức ép lên nước xuất khẩu. Các nước đang phát triển, khả năng cạnh tranh thấp, tiềm lực kinh tế yếu không có cơ hội áp dụng biện pháp này.

Ví dụ: Những năm 80 của TK XX, Hoa Kì đã nhiều lần thương lượng với Nhật Bản và EU để yêu cầu các nước này tự nguyện giảm khối lượng hàng ô tô, thép, các sản phẩm điện tử cao cấp xuất khẩu sang Hoa Kì. 

Theo quan điểm của WTO, đây là hình thức hạn chế thương mại tinh vi, thiếu minh bạch. Ngoài ra, biện pháp này cũng không chịu sự kiểm soát, kiểm tra của các tổ chức quốc tế để đánh giá mức độ tự do hóa thương mại và mở cửa của quốc gia nhập khẩu. Biện pháp này bị cấm sử dụng vì thuộc dạng công cụ hạn chế số lượng và vi phạm nguyên tắc MFN khi chỉ áp dụng với một số nước. 

Câu 32: So sánh công cụ thuế quan nhập khẩu và hạn ngạch nhập khẩu trong chính sách thương mại quốc tế.

 

Cơ sở để so sánh Thuế quan nhập khẩu Hạn ngạch nhập khẩu
Ý nghĩa Thuế quan đề cập đến thuế đánh vào hàng hóa nhập khẩu. Hạn ngạch đề cập đến các hạn chế áp đặt đối với số lượng hàng hóa nhập khẩu.
Ảnh hưởng đến Tổng sản phẩm quốc nội Tăng GDP. Không ảnh hưởng đến GDP.
Kết quả trong Giảm thặng dư của người tiêu dùng và tăng thặng dư của nhà sản xuất. Giảm thặng dư tiêu dùng.
Thu nhập ngân sách nhà nước Để nhập khẩu

 

 Câu 33: Phân tích các biện pháp khắc phục thương mại 

*Khái niệm

Các biện pháp khắc phục thương mại là các biện pháp không bị cấm theo quy định của WTO. Phòng vệ thương mại là biện pháp mà một nước sử dụng để tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa hàng hoá nhập khẩu với hàng hoá sản xuất trong nước thông qua hạn chế nhập khẩu đối với một hoặc một số loại hàng hoá nhập khẩu bị bán phá giá, được trợ cấp tăng nhanh đột biến, gây ra hoặc đe doạ gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước.

Điều cần lưu ý là biện pháp tự vệ chỉ được áp dụng đối với hàng hoá, không áp dụng đối với dịch vụ, đầu tư hay sở hữu trí tuệ.

Phòng vệ thương mại có 4 biện pháp: Chống bán phá giá, Chống trợ cấp, Biện pháp tự vệ

1.Biện pháp chống bán phá giá

Đây là biện pháp mà nước nhập khẩu có quyền áp dụng để đối phó với hành vi bán sản phẩm với giá thấp nhằm chiếm lĩnh thị trường và tiến tới loại bỏ dần các đối thủ cạnh tranh ở trong nước.

Khi hàng hoá nhập khẩu được chứng minh là bán phá giá thì chúng có thể bị áp đặt các biện pháp: thuế chống phá giá, đặt cọc hoặc thế chấp, hạn chế định lượng hoặc điều chỉnh mức giá của nhà xuất khẩu nhằm triệt tiêu nguy cơ gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước nhập khẩu, trong đó thuế chống bán pháp giá và biện pháp phổ biến nhất hiện nay.

2.Biện pháp chống trợ cấp

Là biện pháp được áp dụng để loại bỏ tác động tiêu cực gây ra cho ngành sản xuất hàng hóa trong nước xuất phát từ các chính sách trợ cấp của Chính phủ nước xuất khẩu.

Trợ cấp Chính phủ có thể tồn tại dưới hình thức trực tiếp như chuyển trực tiếp các khoản vốn (cho vay ưu đãi, góp cổ phần…), chuyển hoặc nhận nợ trực tiếp (bảo lãnh tiền vay, bảo đảm tín dụng…).

Hoặc trợ cấp gián tiếp như bỏ qua hoặc không thu các khoản thu phải nộp (miễn thuế, giảm thuế); cung cấp hàng hóa hay dịch vụ không phải là hạ tầng cơ sở cho doanh nghiệp.

3.Biện pháp tự vệ

Là một công cụ bảo vệ ngành sản xuất hàng hóa tương tự hoặc cạnh tranh trực tiếp trong nước trong trường hợp khẩn cấp khi hàng nhập khẩu gia tăng bất thường.

Nếu như để áp dụng biện pháp chống phá giá và chống trợ cấp, cơ quan điều tra phải chứng minh có tình trạng bán phá giá hay trợ cấp, tức là việc điều tra liên quan nhiều đến doanh nghiệp nước ngoài thì trong các cuộc điều tra để áp dụng biện pháp tự vệ, cơ quan điều tra phải chứng minh được tình trạng thiệt hại “nghiêm trọng” mà ngành sản xuất hàng hóa “tương tự hoặc cạnh tranh trực tiếp” trong nước phải hứng chịu do việc gia tăng “bất thường” của luồng hàng hóa nhập khẩu, tức là việc điều tra liên quan nhiều đến doanh nghiệp và thị trường trong nước.

Mỗi nước thành viên WTO đều có quyền áp dụng phòng vệ thương mại, nhưng khi áp dụng thì họ phải bảo đảm tuân theo các quy định của WTO (về điều kiện, thủ tục, cách thức áp dụng biện pháp tự vệ.

Câu 34: Phân tích nguyên tắc MFN trong chính sách thương mại quốc tế

Nguyên tắc MFN được hiểu là nếu một nước dành cho một nước thành viên một sự đối xử ưu đãi nào đó thì nước này cũng sẽ phải dành sự ưu đãi đó cho tất cả các nước thành viên khác. Thông thường nguyên tắc MFN được quy định trong các hiệp định thương mại song phương. Khi nguyên tắc MFN được áp dụng đa phương đối với tất cả các nước thành viên WTO thì cũng đồng nghĩa với nguyên tắc bình đẳng và không phân biệt đối xử vì tất cả các nước sẽ dành cho nhau sự “đối xử ưu đãi nhất“. Nguyên tắc MFN trong WTO không có tính chất áp dụng tuyệt đối. Hiệp định GATT 1947 quy định mỗi nước có quyền tuyên bố không áp dụng tất cả các điều khoản trong Hiệp định đối với một nước thành viên khác (Trường hợp Mỹ không áp dụng MFN đối với Cuba mặc dù Cuba là thành viên sáng lập GATT và WTO).

 

Điều I. 1 Hiệp định GATT quy định nghĩa vụ của mọi bên ký kết dành “ngay lập tức và không điều kiện” bất kỳ ưu đãi, ưu tiên, đặc quyền hoặc đặc miễn nào liên quan đến thuế quan và bất kỳ loại lệ phí nào mà bên ký kết đó áp dụng cho hoặc liên quan đến việc nhập khẩu, xuất khẩu hoặc cho việc chuyển tiền thanh toán quốc tế, hoặc liên quan đến phương pháp tính thuế quân và lệ phí hoặc liên quan đến tất cả các quy định và thủ tục đối với việc xuất và nhập khẩu một sản phẩm xuất xứ hoặc nhập khẩu sang một Bên ký kết cho một sản phẩm cùng loại xuất xứ hoặc nhập khẩu sang các Bên ký kết khác.

Nếu như ngày nay quy chế MFN đồng nghĩa với nguyên tắc bình đẳng thì trong lịch sử đã chỉ có một nhóm nhỏ các cường quốc phương Tây được hưởng quy chế “Tối huệ quốc”, thực sự có tính ưu đãi hơn các nước khác được đưa ra trong các hiệp định thương mại và hàng hải ký với các nước A’-Phi-Mỹ Latinh.

Nếu như nguyên tắc MFN trong GATT 1947 chỉ áp dụng đối với “hàng hoá” thì trong WTO, nguyên tắc này đã được mở rộng sang thương mại dịch vụ (Điều 2 Hiệp định GATS), và sỏ hữu trí tuệ (Điều 4 Hiệp định TRIPS).

Mặc dù được coi là “hòn đá tảng” trong hệ thống thương mại đa phương, Hiệp định GATT 1947 và WTO vẫn quy định một số ngoại lệ (exception) và miễn trừ (waiver) quan trọng đối với nguyên tắc MFN1. Ví dụ như Điều XXIV của GATT quy định các nước thành viên trong các hiệp định thương mại khu vực có thể dành cho nhau sự đối xử ưu đãi hơn mang tính chất phân biệt đối xử với các nước thứ ba, trái với nguyên tắc MFN. GATT 1947 cũng có hai miễn trừ về đối xử đặc biệt và ưu đãi hơn với các nước đang phát triển.

Miễn trừ thứ nhất là Quyết định ngày 25-06-1971 của Đại hội đồng GATT về việc thiết lập “Hệ thống ưu đãi phổ cập” (GSP) chỉ áp dụng cho hàng hoá xuất xứ từ những nước đang phát triển và chậm phát triển. Trong khuôn khổ GSP, các nước phát triển có thể thiết lập số mức thuế ưu đãi hoặc miễn thuế quan cho một số nhóm mặt hàng có xuất xứ từ các nước đang phát triển và chậm phát triển và không có nghĩa vụ phải áp dụng những mức thuế quan ưu đãi đó cho các nước phát triển theo nguyên tắc MFN.

Miễn trừ thứ hai là Quyết định ngày 26-11-1971 của Đại hội đồng GATT về “Đàm phán thương mại giữa các nước đang phát triển”, cho phép các nước này có quyền đàm phán, ký kết những hiệp định thương mại dành cho nhau những ưu đãi hơn về thuế quan và không có nghĩa vụ phải áp dụng cho hàng hoá đến từ các nước phát triển. Trên cơ sở Quyết định này, Hiệp định về “Hệ thống ưu đãi thương mại toàn cầu giữa các nước đang phát triển” (Global System of Trade Preferences among Developing Countries – GSPT) đã được ký năm 1989.

Mặc dù, được tất cả các nước trong GATT/WTO công nhận là nguyên tắc nền tảng, nhưng thực tế cho thấy các nước phát triển cũng như đang phát triển không phải lúc nào cũng tuân thủ nghiêm túc nguyên tắc MFN và đã có rất nhiều tranh chấp trong lịch sử của GATT liên quan đến việc áp dụng nguyên tắc này. Thông thường thì vi phạm của các nước đang phát triển dễ bị phát hiện và bị kiện nhiều hơn vi phạm của các nước phát triển.

Năm 1981, Braxin đã kiện Tây Ban Nga ra trước GATT về thuế suất đăc biệt đối với cà phê chưa rang. Braxin cho rằng Nghị định 1764/79 của Tây Ban Nha quy định các mức thuế quan khác nhau đối với năm loại cà phê chưa rang khác nhau (cà phê Arập chưa rang, cà phê Robusta, cà phê Côlômbia, cà phê nhẹ và cà phê khác). Hai loại cà phê đều được nhập khẩu miễn thuế, ba loại cà phê còn lại chịu mức thuế giá trị gia tăng là 7%. Sau khi xem xét Nghị định nói trên, Nhóm chuyên gia của GATT đã đi đến kết luận như sau: 

“Hiệp định GATT không quy định nghĩa vụ cho các bên ký kết phải tuân thủ một hệ thống phân loại hàng hoá đặc biệt nào. Tuy nhiên, Điều I,1 của GATT quy định nghĩa vụ của các Bên ký kết phải dành một sự đối xử như nhau cho những sản phẩm tương tự, …. Lập luận của Tây Ban Nha biện minh cho sự cần thiết phải có sự đối xử khác nhau đối với từng loại cà phê khác nhau chủ yếu dựa trên những yếu tố như địa lý, phương pháp trồng trọt, quá trình thu hoạch hạt và giống. Những yếu tố này tuy có khác nhau nhưng không đủ để Tây Ban Nha có thể áp dụng những thuế suất khác nhau đối với từng loại cà phê khác nhau. Đối với tất cả những người tiêu thụ cà phê trên thế giới thì cà phê chưa rang được bán dưới dạng hạt cho dù thuộc nhiều loại khác nhau cũng chỉ là một lại sản phẩm cùng loại, có tính năng sử dụng duy nhất là để uống mà không phân biệt độ caphêin mạnh hay nhẹ. Năm loại cà phê chưa rang nhập khẩu có tên trong danh mục thuế của Tây Ban Nha đều là những sản phẩm cùng loại. Việc Tây Ban Nha áp dụng mức thuế quan cao hơn đối với hai loại càc phê là A rập và Robusta, được nhập khẩu từ Braxin mang tính chất phân biệt đối xử đối với những sản phẩm cùng loại và như vậy trái với quy định của Điều I, khoản 1 Hiệp định GATT.”

Câu 35: Phân tích nguyên tắc NT trong chính sách thương mại quốc tế

 

1.Khái niệm: 

Quốc gia thành viên phải đảm bảo dành cho hàng hóa nhập khẩu của các thành viên khác chế độ đãi ngộ thương mại (ưu đãi, miễn trừ) như chế độ mà họ áp dụng cho hàng hóa trong nước mình.

2.Cơ sở pháp lý:

– Điều III Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT)

– Điều XVIII Hiệp định chung về Thương mại và dịch vụ (GATS)

– Điều III Hiệp định về các khía cạnh thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS)

3.Mục đích

– Đảm bảo cơ hội cạnh tranh bình đẳng giữa hàng nội địa và hàng nhập khẩu.

– Chỉ áp dụng khi hàng xuất khẩu vào nội địa, qua cửa khẩu hải quan (các khoản thuế nội địa, quy định nội địa.)

4.Điều kiện áp dụng

– Phạm vi áp dụng:

– Đối với lĩnh vực thương mại hàng hoá (GATT) và thương mại liên quan tới SHTT (TRIPS) ® Nghĩa vụ chung mang tính bắt buộc cho mọi thành viên WTO.

– Đối với lĩnh vực thương mại dịch vụ (GATS): Nghĩa vụ riêng cho từng lĩnh vực ngành nghề trên cơ sở biểu cam kết WTO của từng nước thành viên.

– Áp dụng với hàng hóa, sản phẩm tương tự (như MFN) tuy nhiên khác một chỗ là còn xét tới tiêu chí: sản phẩm cạnh tranh trực tiếp hoặc có thể thay thế.

– Đảm bảo không có sự phân biệt trên văn bản (de jure) và trên thực tiễn áp dụng (de facto): giống quy chế MFN, chỉ khác ở đối tượng áp dụng: hàng hóa nội địa và hàng nhập khẩu.

5.Ngoại lệ đối với NT:

– Mua sắm chính phủ: ưu tiên các loại hàng hóa và các nhà đầu tư trong nước.

– Trợ cấp: mỗi quốc gia được phép hỗ trợ, trợ cấp cho các doanh nghiệp trong nước mình.

– Phân bổ thời gian chiếu phim: các quốc gia được quyền tự chủ đối với việc phân bổ thời gian chiếu phim vì đây là dịch vụ đặc biệt, các quốc gia có quyền bảo vệ phim nội…

Câu 36: Phân tích nguyên tắc minh bạch trong (FT) trong chính sách thương mại quốc tế.

Minh bạch là nguyên tắc quan trọng của WTO nhằm đảm bảo điều kiện thuận lợi cho tự do hóa thương mại quốc tế. Minh bạch cho phép các nhà nhập khẩu, cung cấp sản phẩm, dịch vụ,…có khả năng dự đoán trước về hệ thống pháp lý và chính sách về thương mại của các nước thành viên, cũng như phát hiện sớm các vi phạm quy định của WTO.

Minh bạch bao gồm minh bạch về chính sách và minh bạch về tiếp cận thị trường. Minh bạch về chính sách yêu cầu mọi quy định có liên quan đến thương mại của một thành viên phải được công bố công khai, dễ tiếp cận, phù hợp với luật lệ của WTO và áp dụng thống nhất trên toàn lãnh thổ. Đồng thời, phải dành cơ hội thoả đáng cho các bên có liên quan được góp ý trong quá trình lập quy. Minh bạch về tiếp cận thị trường yêu cầu các thành viên nỗ lực ràng buộc mức trần cho thuế nhập khẩu và đưa ra các cam kết rõ ràng về mở cửa thị trường dịch vụ, giúp cho các doanh nghiệp có thể dự báo và hoạch định chiến lược kinh doanh.

Câu 37: Phân tích nguyên tắc mở cửa thị trường trong quan hệ kinh tế quốc tế

 

Nguyên tắc “mở cửa thị trường” hay còn gọi một cách hoa mỹ là “tiếp cận” thị trường (market access) thực chất là mở cửa thị trường cho hàng hoá, dịch vụ và đầu tư nước ngoài. Trong một hệ thống thương mại đa phương, khi tất cả các bên tham gia đều chấp nhận mở cửa thị trường của mình thì điều đó đồng nghĩa với việc tạo ra một hệ thống thương mại toàn cầu mở cửa.

Về mặt chính trị, “tiếp cận thị trường” thể hiện nguyên tắc tự do hoá thương mại của WTO. Về mặt pháp lý, “tiếp cận thị trường” thể hiện nghĩa vụ có tính chất ràng buộc thực hiện những cam kết về mở cửa thị trường mà nước này đã chấp thuận khi đàm phán ra nhập WTO.

Câu 38: Phân tích nguyên tắc cạnh tranh công bằng trong quan hệ kinh tế quốc tế

Cạnh tranh công bằng (fair competition) thể hiện nguyên tắc “tự do cạnh tranh trong những điều kiện bình đẳng như nhau” và được công nhận trong án lệ của vụ Uruguay kiện 15 nước phát triển (1962) về việc áp dụng các mức thuế nhập khẩu khác nhau đối với cùng một mặt hàng nhập khẩu. Do tính chất nghiêm trọng của vụ kiện, Đại hội đồng GATT đã phải thành lập một nhóm công tác (Working group) để xem xét vụ này. Nhóm công tác đã cho kết luận rằng, về mặt pháp lý việc áp dụng các mức thuế nhập khẩu khác nhau đối với cùng một mặt hàng không với các quy định của GATT, nhưng việc áp đặt các mức thuế khác nhau này đã làm đảo lộn những “điều kiện cạnh tranh công bằng” mà Uruguay có quyền “mong đợi” từ phía những nước phát triển và đã gây thiệt hại cho lợi ích thương mại của Uruguay. Trên cơ sở kết luận của Nhóm công tác, Đại hội đồng GATT đã thông qua khuyến nghị các nước phát triển có liên quan “đàm phán” với Uruguay để thay đổi các cam kết và nhân nhượng thuế quan trước đó. Vụ kiện của Uruguay đã tạo ra một tiền lệ mới, nhìn chung có lợi cho các nước đang phát triển. Từ nay các nước phát triển có thể bị kiện ngay cả khi về mặt pháp lý không vi phạm bất kỳ điều khoản nào trong hiệp định GATT nếu những nước này có những hành vi trái với nguyên tắc “cạnh tranh công bằng”.

CHƯƠNG 3: QUAN HỆ ĐẦU TƯ QUỐC TỀ

Câu 39: Thế nào là đầu tư quốc tế, hãy cho biết các hình thức đầu tư quốc tế.

 

  1. Khái niệm đầu tư quốc tế

Đầu tư quốc tế là quá trình kinh tế trong đó các nhà đầu tư nước ngoài (tổ chức hoặc cá nhân) đưa vốn hoặc bất kỳ hình thức giá trị nào vào nước tiếp nhận đầu tư để thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá và dịch vụ nhằm thu lợi nhuận hoặc để đạt được mục tiêu kinh tế – xã hội nhất định. Bản chất của đầu tư nước ngoài là xuất khẩu tư bản, hình thức cao hơn của xuất khẩu hàng hoá. Xuất khẩu tư bản là quá trình thực hiện giá trị thặng dư ở nước ngoài, còn xuất khẩu hàng hoá là quá trình thực hiện giá trị thặng dư ở trong nước.

Xuất khẩu hàng hoá và xuất khẩu tư bản luôn luôn bổ sung và hỗ trợ cho nhau. Các nhà tư bản thực hiện việc xuất khẩu hàng hoá để thâm nhập tìm hiểu thị trường, luật lệ, quyết định đầu tư tư bản (xuất khẩu tư bản). Đồng thời với xuất khẩu tư bản là việc thành lập các doanh nghiệp đầu tư, liên doanh để nhằm xuất khẩu máy móc thiết bị, vật tư sang nước tiếp nhận đầu tư và khai thác nhân lực, lao động ở nước chủ nhà. Cùng với thương mại quốc tế, hoạt động đầu tư quốc tế là dòng chính trong trào lưu có tính quy luật trong liên kết kinh tế toàn cầu. Phân loại đầu tư quốc tế (theo hình thức đầu tư) gồm có:

  1. Phân loại đầu tư quốc tế

– Đầu tư trực tiếp (FDI)

Trong hình thức đầu tư trực tiếp, chủ đầu tư nước ngoài đầu tư toàn bộ hay một phần vốn đầu tư đủ lớn của dự án nhằm giành quyền điều hành hoặc tham gia điều hành các doanh nghiệp sản xuất hoặc kinh doanh dịch vụ thương mại.

Do đầu tư bằng vốn sở hữu của tư nhân nên họ tự quyết định sản xuất kinh doanh, chịu trách nhiệm về lỗ lãi. Hình thức này mang tính khả thi và hiệu quả kinh tế cao, không có ràng buộc về mặt chính trị, không để lại gánh nặng nợ nần cho nền kinh tế. Chủ đầu tư tham gia điều hành nếu góp nhỏ hơn 100% vốn và trực tiếp tham gia điều hành mọi hoạt động nếu góp 100% vốn (công ty 100 % vốn đầu tư nước ngoài). Thông qua FDI, nước chủ nhà tiếp thu được công nghệ tiên tiến, học hỏi kinh nghiệm quản lý, mục tiêu mà các hình thức đầu tư khác không giải quyết được. Về nguồn vốn: ngoài vốn pháp định, còn bao gồm cả vốn vay trong quá trình triển khai hoạt động, hoặc tái đầu tư từ lợi nhuận thu được.

– Đầu tư gián tiếp

Là hình thức đầu tư vốn quốc tế quan trọng, trong đó chủ đầu tư nước ngoài đầu tư bằng hình thức mua cổ phần của các công ty nước sở tại (ở mức khống chế nhất định) để thu lợi nhuận mà không tham gia điều hành trực tiếp đối tượng mà họ bỏ vốn đầu tư. Đặc điểm của loại đầu tư này là phạm vi đầu tư có giới hạn (Chủ đầu tư chỉ quyết định mua cổ phần của các doanh nghiệp có lãi và có triển vọng trong tương lai. Số lượng cổ phần bị khống chế ở mức độ nhất định để không có cổ phần nào chi phối doanh nghiệp (từ 10 – 25% vốn pháp định.) Đồng thời, chủ đầu tư không tham gia điều hành, nước nhận đầu tư có quyền chủ động hoàn toàn trong sản xuất và kinh doanh. Chủ đầu tư thu lợi nhuận qua lãi suất cổ phiếu không cố định phụ thuộc kết quả kinh doanh. Mặc dù đầu tư gián tiếp không có cơ hội như FDI nhưng có cơ hội phân tích rủi ro kinh doanh trong những người mua cổ phiếu.

– Tín dụng thương mại

Là hình thức đầu tư dưới dạng cho vay vốn và thu lợi nhuận qua lãi suất tiền vay. Hình thức này có đặc điểm là ngân hàng cung cấp vốn tuy không tham gia vào hoạt động của doanh nghiệp nhưng trước khi cho vay phải nghiên cứu tính khả thi của dự án đầu tư, có yêu cầu về bảo lãnh hoặc thế chấp các khoản vay để giảm rủi ro. Chủ đầu tư thu lợi nhuận cố định (lãi suất tiền vay) theo khế ước độc lập với kết quả kinh doanh của nước nhận đầu tư. Ngân hàng có quyền sử dụng tài sản thế chấp và yêu cầu cơ quan bảo lãnh thanh toán, khi bên vay không có khả năng thanh toán. Tuy nhiên, hình thức này có độ rủi ro lớn và đối tượng vay vốn chủ yếu là các doanh nghiệp.

Câu 40: Phân loại FDI ? 

Các hoạt động FDI có thể được phân loại dựa theo nhiều hình thức khác nhau, cụ thể: (i) theo cách thức xâm nhập; (ii) theo quan hệ ngành nghề, lĩnh vực giữa chủ đầu tư và đối tượng tiếp nhận đầu tư; (iii) theo định hướng của nước nhận đầu tư; (iv) theo định hướng của chủ đầu tư; và (v) theo hình thức pháp lý.

1.Theo cách thức xâm nhập

–    Đầu tư mới (new investment) là việc một công ti đầu tư để xây dựng một cơ sở sản xuất, cơ sở marketing hay cơ sở hành chính mới, trái ngược với việc mua lại những cơ sở sản xuất kinh doanh đang hoạt động. Như tên gọi đã thể hiện, hãng đầu tư thường mua một mảnh đất trống và xây dựng nhà máy sản xuất, chi nhánh marketing, hoặc các cơ sở khác để phục vụ cho mục đích sử dụng của mình. Đây chính là những gì mà hãng Ford đã làm, ví dụ như thành lập một nhà máy rất lớn ở bên ngoài Valencia, Tây Ban Nha.

–    Mua lại (acquisitions) là việc đầu tư hay mua trực tiếp một công ti đang hoạt động hay cơ sở sản xuất kinh doanh. Ví dụ, khi hãng Home Deport thâm nhập vào thị trường Mexico, mua lại các cửa hàng và tài sản của một nhà bán lẻ các sản phẩm công trình kiến trúc, Home Mart. Nhà sản xuất máy tính cá nhân Lenovo của Trung Quốc đã quốc tế hóa nhanh chóng nhờ một phưong thức mua lại đầy tham vọng. Năm 2004, Lenovo mua lại việc kinh doanh PC của IBM, với giá trị vào khoảng hai phần ba doanh thu của hãng năm 2005. Cuộc mua bán này đã mang đến cho Lenovo những tài sản phưong thức giá trị, như là thương hiệu và mạng lưới phân phối. Việc mua lại đã giúp Lenovo nhanh chóng mở rộng việc vươn tới các thị trường và trở thành công ti toàn cầu.

– Sáp nhập (merge) là một dạng đặc biệt của mua lại mà trong đó hai công ti sẽ cùng góp vốn chung để thành lập một công ti mới và lớn hơn. Sáp nhập là hình thức phổ biến hơn giữa các công ti có cùng quy mô bởi vì họ có khả năng hợp nhất các hoạt động của mình trên cơ sở cân bằng tương đối. Một ví dụ gần đây là về việc sáp nhập giữa Lucent Technologies của Hoa Kỳ với Alcatel của Pháp. Sự sáp nhập này đã tạo ra công ti chuyên về kinh doanh các thiết bị viễn thông toàn cầu lớn nhất thế giới (Alcatel – Lucent). Giống như liên doanh, sáp nhập có thể tạo ra rất nhiều kết quả tích cực, bao gồm sự học hỏi và chia sẻ nguồn lực giữa các đối tác với nhau, tăng tính lại ích kinh tế của quy mô, giảm chi phí bằng cách loại bỏ những hoạt động thừa, các chủng loại sản phẩm, dịch vụ bán hàng rộng hơn và sức mạnh thị trường lớn hơn. Sự sáp nhập qua biên giới cũng đối mặt với nhiều thách thức do những khác biệt về văn hóa, chính sách cạnh tranh, giá trị doanh nghiệp và phương thức hoạt động giữa các quốc gia. Đổ thành công đòi hỏi phải có sự nghiên cứu, lập kế hoạch và những cam kết trước chắc chắn.

  1. Theo định hướng của nước nhận đầu tư

–   FDI thay thế nhập khẩu-. Hoạt động FDI được tiến hành nhằm sản xuất và cung ứng cho thị trường nước nhận đầu tư các sản phẩm mà trước đây nước này phải nhập khẩu. Các yếu tố ảnh hưởng nhiều đến hình thức FDI này là dung lượng thị trường, các rào cản thương mại của nước nhận đầu tư và chi phí vận tải.

–   FDI tăng cường xuất khẩu: Thị trường mà hoạt động đầu tư này “nhắm” tới không phải hoặc không chỉ dừng lại ở nước nhận đầu tư mà là các thị trường rộng lớn hơn trên toàn thế giới và có thể có cả thị trường ở nước chủ đầu tư. Các yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến dòng von FDI theo hình thức này là khả năng cung ứng các yếu tố đầu vào với giá rẻ của các nước nhận đầu tư như nguyên vật liệu, bán thành phẩm.

–   FDI theo các định hướng khác của chỉnh phủ: Chính phủ nước nhận đầu tư có thể được áp dụng các biện pháp khuyến khích đầu tư để điều chỉnh dòng vốn FDI chảy vào nước mình theo đúng ý đồ của mình, ví dụ như tăng cường thu hút FDI giải quyết tình trạng thâm hụt cán cân thanh toán.

3.Theo hình thức pháp lý

–   Hợp đồng hợp tác kình doanh: là văn bản kí kết giữa hai bên hoặc nhiều bên để tiến hành đầu tư kinh doanh mà trong đó quy định rõ trách nhiệm chia kết quả kinh doanh cho mỗi bên mà không thành lập pháp nhân mới.

–   Doanh nghiệp liên doanh’, là doanh nghiệp được thành lập tại nước sở tại trên cơ sở hợp đồng liên doanh kí kết giữa hai bên hoặc nhiều bên, trường hợp đặc biệt có thể được thành lập trên cơ sở Hiệp định kí kết giữa các quốc gia, để tiến hành đầu tư và kinh doanh tại nước sở tại.

–   Doanh nghiệp 100% von nước ngoài: là doanh nghiệp thuộc sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, do nhà đầu tư nước ngoài thành lập tại quốc gia sở tại, tự quản lý và chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh.

–    BOT, BTO, BT.

BOT (Build-Operate-Transfer) có nghía Xây dựng – Vận hành – Chuyển giao: là hình thức đầu tư dưới hạng hợp đồng do nhà nước kêu gọi các nhà đầu tư tư nhân bỏ vốn xây dựng trước (Build), sau đó vận hành và khai thác (Operate) một thời gian và cuối cùng là chuyển giao (Transfer) cho nhà nước sở tại.

Tương tự BOT còn có hai loại hình khác là BTO và BT. BTO (Build – Transfer – Operate) có nghĩa xây dựng – chuyển giao – kinh doanh, là hình thức đầu tư được kí giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư để xây dựng công trình, sau khi xây dựng xong, nhà đầu tư chuyển giao công trình đó cho nước sở tại; Chính phủ dành cho nhà đầu tư quyền kinh doanh công trình đó trong thời hạn nhất định để thu hồi vốn đầu tư và lợi nhuận. Còn BT (Build – Transfer) có nghĩa xây dựng – chuyển giao là hình thức đầu tư được kí giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư để xây dựng công trình kết cấu hạ tầng; sau khi xây dựng xong, nhà đầu tư chuyển giao công trình đó cho nước sở tại; Chính phủ tạo điều kiện cho nhà đầu tư thực hiện dự án khác để thu hồi vốn đầu tư và lợi nhuận hoặc thanh toán cho nhà đầu tư theo thoả thuận trong hợp đồng BT. Tùy theo từng công trình và mục đích của nhà nước mà họ thực hiện các loại hình BOT, BTO hay BT.

Câu 41: Các hình thức đầu tư gián tiếp nước ngoài FPI?

  • Đầu tư gián tiếp nước ngoài vào cổ phiếu

Đây là hình thức đầu tư trong đó chủ đầú tư nước ngoài đầu tư bằng cách mua cổ phiếu của các công ti, các tổ chức phát hành của một nước khác ở mức khống chế nhất định để thu lợi nhuận mà các chủ đầu tư không nắm quyền kiểm soát trực tiếp đối với tổ chức phát hành cổ phiếu.

Hình thức FPI qua cổ phiếu mang những đặc điểm sau:

+ Người bỏ vốn và người quản lý vốn không phải là một chủ thể, quyền sở hữu và quyền sử dụng vốn tách rời nhau.

+ Bên tiếp nhận đầu tư có quyền chủ động hoàn toàn trong kinh doanh.

+ Tùy theo từng nước, số lượng cổ phiếu mà nhà đầu tư nước ngoài được mua bị khống chế ở mức độ nhất định.

+ Phạm vi đầu tư có giới hạn vì chủ đầu tư nước ngoài thường chỉ đầu tư vào những doanh nghiệp làm ăn có triển vọng.

+ Chủ đầu tư nước ngoài thu lợi nhuận qua thu nhập của cổ phiếu là khoản thu không cố định, tùy thuộc vào kết quả hoạt động của doanh nghiệp. Họ sẽ được chia lời dưới hình thức cổ tức, được lợi khi mệnh giá cổ phiếu gia tăng bởi tích lũy nội bộ của công ti, được lợi khi giá cổ phiếu trên thị trường tăng cao hon mệnh giá.

+ Cổ tức là lợi nhuận mà công ti cổ phần chia cho cổ đông theo cổ phần nắm giữ.

+ Hình thức này có ưu điểm là khi doanh nghiệp gặp rủi ro thì các chủ đầu tư nước ngoài ít bị thiệt hại vì vốn đầu tư được phân tán trong số đông những người mua cổ phiếu. Tuy vậy, hình thức này lại hạn chế khả năng thu hút vốn, kĩ thuật, công nghệ của chủ đầu tư nước ngoài vì có sự khống chế mức độ góp vốn tối đa, hiệu quả sử dụng vốn thường thấp.

– Đầu tư gián tiếp nước ngoài qua trái phiếu

FPI qua trái phiếu là việc nhà đầu tư nước ngoài bỏ vốn tiền tệ ra mua trái phiếu để kiếm lời.

Khác với cổ phiếu thể hiện sự rủi ro và may mắn của việc góp phần sở hữu một công ti, trái phiếu đơn giản là một chứng chỉ vay nợ nói rằng: người vay đồng ý trả cho người giữ trái phiếu một khoản tiền nhất định tại một thời điểm nhất định trong tương lai.

Các tổ chức lớn như các Chính phủ và các tập đoàn là những người vay lớn nhất trong các thị trường ữái phiếu quốc tế. Thay vì dựa vào một ngân hàng nào đó để vay tiền, họ sẽ phát hành các trái phiếu nhằm tăng quỹ tiền qua các đợt phát hành chứng khoán lớn để bán cho ngân hàng và các nhà đầu tư khác ữên toàn thế giới.

Một trái phiếu là một giấy cam kết nợ, tạo cho người giữ nó quyền nhận một số tiền tại một thời điểm, người vay hay người phát hành trái phiếu phải trả lại số tiền ban đầu đã vay, số tiền này được gọi là vốn gốc, phải trả lãi suất định kì để thưởng cho người mua trái phiếu để đầu tư.

Đầu tư qua trái phiếu an toàn hơn qua cổ phiếu, vì những lý do sau:

+ Dù làm ăn thua lỗ công ti vẫn phải trả đủ tiền lãi, không cắt giảm như cổ phiếu.

+ Giả sử một công ti bị phá sản, phải trả tiền cho các trái chủ và cổ đông thì trái chủ sẽ được trả đầu tiên (nhưng nếu công ti có lợi nhuận cao, công ti có thể chia thêm cổ tức cho người có cổ phần, thì trái chủ vẫn chỉ được hưởng như mức đã định mà thôi).

+ Nhìn chung, đầu tư vào trái phiếu, đặc biệt là trái phiếu của chính phủ được xem như khoản đầu tư tương đối an toàn. Một chính phủ, trong trường hợp tồi tệ nhất, cũng có thể trả hết số trái phiếu đã phát hành thông qua đồng tiền quốc gia bằng một cách đơn giản là in thêm tiền.

+ Trái phiếu có loại được miễn thuế thu nhập (trái phiếu chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương). Đối với những người có thu nhập cao sẽ có lợi khi mua loại trái phiếu này.

+ Nhưng đầu tư qua trái phiếu cũng có những điểm bất lợi hơn đầu tư qua cổ phiếu, rất ít công ti có chương trình tái đầu tư tiền lãi trái phiếu, trong khi nhiều công ti có chương trình tái đầu tư cổ tức.

–     Đầu tư qua hoạt động của các quỹ đầu tư

Đây cũng là một trong những hình thức đầu tư gián tiếp mà nhiều nhà đàu tư quốc tế lựa chọn khi đầu tư gián tiếp bên cạnh đầu tư qua cổ phiếu và trái phiếu.

 

Câu 42: Các nguyên nhân thúc đẩy đầu tư quốc tế là gì? Phân tích.

 

Các nguyên nhân và các nhân tố thúc đẩy đầu tư quốc tế.

Đầu tư quốc tế là một tất yếu khách quan do sự khác nhau về nhu cầu và khả năng tích lũy vốn của các quốc gia, do việc tìm địa điểm kinh doanh có lợi của các doanh nghiệp, do việc gặp gỡ lợi ích giữa các bên, do việc tránh các hàng rào thuế quan và phi thuế quan cũng như nguyên nhân chính trị và kinh tế, xã hội khác. Các nguyên nhân của đầu tư quốc tế có thể nhóm thành những vấn đề sau:

 

–    Trình độ phát triển không đồng đều của lực lượng sản xuất và phân bổ không đều giữa các yếu tố sản xuất. Các yếu tố cơ bản của sản xuất như vốn, công nghệ, lao động và đất đai không được phân bố đều giữa các quốc gia, các nước phát triển có thế mạnh về vốn, công nghệ còn các nước đang phát triển thì có lợi thế về lao động, tài nguyên thiên nhiên được khai thác không hiệu quả, chính vì vậy đầu tư quốc tế là đường hướng hữu hiệu để kết hợp tối ưu giữa các nguồn lực của các quốc gia và có thể giảm thiểu được chi phí sản xuất. Các quốc gia mạnh như Mỹ, Nhật Bản, Nga cũng không thể tự coi là có đầy đủ các yếu tố sản xuất phục vụ cho nhu cầu sản xuất của họ nên họ cũng phải trao đổi với các quốc gia khác. Đầu tư quốc tế có thể làm giảm chi phí sản xuất và tăng hiệu quả sử dụng vốn.

 

– Quá trình toàn cầu hóa ngày càng phát triển mạnh mẽ tạo nên môi trường thuận lợi cho sự di chuyển các nguồn lực, trong đó có sự đầu tư giữa các nước. Quá trình toàn cầu hóa đã tác động mạnh mẽ tới hoạt động đầu tư quốc tế như trên phương diện kĩ thuật mạng lưới viễn thông, thông tin liên lạc rất phát triển làm cho thế giới thu nhỏ lại, các nhà đầu tư tiếp cận tới những thông tin về vốn được nhiều hơn, nhanh hơn trước, do vậy, họ có thể đưa ra quyết định đầu tư hiệu quả hơn. Ví dụ: việc thay đổi lãi suất của Cục dự trữ liên bang Mỹ thì có thể tác động tới thị trường chứng khoán ở Nhật Bản, châu Âu và tác động lan tỏa ra xung quanh. Trên phương diện kinh tế, xu hướng tự do hóa đầu tư, quá trình toàn cầu hóa trong lữih vực đầu tư thể hiện rất rõ, trước kia các nhà đầu tư quốc tế khi đầu tư ra nước ngoài lo ngại nhất là chính sách quốc hữu hóa, tịch thu tài sản nhưng giờ đây các quốc gia đều cam kết không quốc hữu hóa, không trưng thu tài sản và đưa ra những ưu đãi nhằm khuyến khích đầu tư (giảm thuế, kí kết các hiệp định để phát triển hoạt động đầu tư). Trên bình diện khu vực có những hiệp định đầu tư ở các khu vực như ở các nước Đông Nam Á thì có khu vực đầu tư ASEAN (ASEAN Investment Area – Hiệp định khung về Khu vực đầu tư ASEAN (AIA)). Trên cấp độ toàn cầu, quá trình đầu tư ngày càng thuận lợi bởi những quy định quốc tế như Hiệp định Đầu tư liên quan đến thương mại – TRIMs (Trade Related Investment Measures) của WTO.

 

–    Do sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng khoa học kĩ thuật. Tác động của cách mạng khoa học kĩ thuật được thể hiện trên hai phương diện: (i) Yêu cầu đầu tư cho khoa học kĩ thuật ngày càng lớn như trong lĩnh vực viễn thông, hàng không luôn có sự hợp tác quốc tế; (ii) Vòng đời công nghệ ngày càng ngắn. Ở các nước phát triển có những công nghệ cũ vẫn sử dụng được nhưng họ vẫn liên tục phát minh ra các công nghệ mới, do vậy, họ mang những công nghệ cũ ra các nước đang phát triển để tiến hành đầu tư, góp vốn bằng những công nghệ đó, cả hai bên cùng có lợi – kéo dài tuổi thọ của công nghệ cũ, có điều kiện cơ cấu lại nền kinh tế của mình, các nước đang phát triển khắc phục được khó khăn về việc thiếu công nghệ trước mắt – Mô hình phát triển “Đàn sếu bay” ở các nước châu Á cũng thể hiện cơ cấu đó.

 

–    Đầu tư quốc tế để tránh hàng rào bảo hộ mậu dịch xâm nhập và chiếm lĩnh thị trường, bành trướng sức mạnh của các công ti xuyên quốc gia (TNCs). Đổ xuất khẩu được hàng hóa ra thị trường nước ngoài là một vấn đề khó khăn, các doanh nghiệp phải đối mặt với một loạt các hàng rào, rào cản bảo hộ (rào cản thuế quan, phi thuế quan), vậy, để tránh các khó khăn đó, các doanh nghiệp có thể xây dựng các trung tâm, căn cứ, cơ sở kinh doanh ngay trong lòng thị trường nội địa.

 

–    Đầu tư quốc tế là một hình thức quan trọng nhằm nâng cao uy tín quốc tế và thực hiện các mục đích chính trị – xã hội. Mỗi nước tùy theo ưu tiên của mình có thể có những chiến lược để đầu tư vào các địa bàn, quốc gia khác nhau, như trong khu vực châu Á có Nhật Bản là nước đầu tư lớn trực tiếp ra các nước trong khu vực và đây cũng là nhà cung cấp viện trợ ODA cho các nước trong khu vực châu Á lớn nhất – Nhật Bản muốn tận dụng các nguồn nguyên liệu đầu vào ổn định ở khu vực, muốn mở rộng ảnh hưởng chính trị của Nhật Bản (nhằm khắc phục hình ảnh xấu sau Chiến tranh thế giới thứ II), muốn tăng cường tiếng nói của mình trên chính trường quốc tế. Ở khu vực châu Mỹ Latinh thì Mỹ là nước có ảnh hưởng lớn, ở khu vực châu Phi thì có Pháp (bởi trước kia Pháp có nhiều nước thuộc địa ở châu lục này).

 

–   Đầu tư ra nước ngoài nhằm hạn chế rủi ro. Tuân theo nguyên tắc cơ bản trong kinh doanh là “không bỏ tất cả trứng vào một giỏ” – đa dạng hóa các địa bàn đầu tư thi rủi ro sẽ giảm đi, khi có biến động xảy ra ở một khu vực thì chỉ những chi nhánh ở khu vực đó bị ảnh hưởng mà thôi, còn ở các khu vực khác thì không bị ảnh hưởng. Ví dụ: khi giá dầu mỏ tăng thì sẽ gây thiệt hại cho các nước công nghiệp vì đây là các nước sử dụng nhiều dầu, nhiên liệu – nhưng lại có lợi cho các nước xuất khẩu dầu mỏ.

 

– Tận dụng chính sách thuế. Nhà đầu tư sẽ chọn địa bàn mà có mức thuế ưu đãi với họ, đồng thời họ sẽ tiến hành tối thiểu hóa toàn bộ số thuế trên toàn bộ tập đoàn. Ví dụ: một công ti xuyên quốc gia có rất nhiều công ti con, để giảm tối thiểu mức thuế của toàn bộ những công ti con này trên thế giới thì họ thực hiện phương thức “chuyển giá” giữa những công ti con trong công ti xuyên quốc gia – Một công ti ở một nước có thuế thu nhập doanh nghiệp là rất cao, công ti đó nhập hàng từ một công ti cũng trong cùng tập đoàn mà mức thuế thu nhập doanh nghiệp rất thấp; vậy, khi nhập lô hàng đó họ sẽ có xu hướng tăng giá hàng nhập dẫn đến lợi nhuận của công ti ở nước có thuế thu nhập cao sẽ bị giảm, còn công ti xuất khẩu hàng ở nước có thuế thu nhập thấp, khi thổi phồng giá bán của lô hàng thì lợi nhuận của công ti sẽ tăng lên. Phần lợi nhuận tăng lên của phía công ti xuất hàng so với phần lợi nhuận giảm đi ở phía công ti nhập hàng sẽ vẫn còn lãi, cộng lại mức thuế phải đóng của toàn bộ tập đoàn đó trên phạm vi thế giới sẽ thấp nhất.

 

Câu 43: So sánh đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp nước ngoài.

 

Theo quy định tại Điều 4 Luật doanh nghiệp 2014

 “Nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức, cá nhân được hiểu là nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật đầu tư.”

Luật đầu tư 2014 ghi nhận tại Điều 3 như sau:

“ Nhà đầu tư là tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh, gồm nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.

Nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.”

Đầu tư là việc nhà đầu tư bỏ vốn bằng các loại tài sản hữu hình hoặc vô hình để hình thành tài sản tiến hành các hoạt động đầu tư.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (ĐTTT FDI): là hình thức đầu tư do nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư và tham gia quản lý hoạt động đầu tư, là hình thức mà chủ đầu tư nước ngoài đầu tư một phần hoặc toàn bộ vốn vào các dự án ở một quốc gia khác và giành quyền điều hành trực tiếp với dự án mà họ đầu tư hoặc cũng có thể hiểu là hình thức đầu tư sang một nước khác mà chủ đầu tư nước ngoài đầu tư một phần hoặc toàn bộ vốn vào các dự án nhằm giành được quyền điều hành trực tiếp đối với các dự án mà họ bỏ vốn. Ví dụ: Cho vay tiền.

Đầu tư gián tiếp nước ngoài (ĐTGT PFI) là hình thức đầu tư thông qua việc mua cổ phần, cổ phiếu, trái phiếu, các giấy tờ có giá khác, quỹ đầu tư chứng khoán và thông qua các định chế tài chính trung gian khác mà nhà đầu tư không trực tiếp tham gia quản lý hoạt động đầu tư; Đầu tư gián tiếp nước ngoài trong tiếng Anh là Foreign Portfolio Investment, viết tắt: FPI, là hoạt động mua tài sản tài chính nước ngoài nằm mục đích kiếm lời, chủ sở hữu vốn không trực tiếp điều hành và quản lí quá trình sử dụng vốn. Ví dụ: Gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng.

Các hình thức đầu tư gián tiếp bao gồm: mua cổ phần, cổ phiếu, trái phiếu và giấy tờ có giá khác tại một quốc gia theo qui định pháp luật về chứng khoán và các pháp luật khác có liên quan.

 

Tác động của đầu tư gián tiếp nước ngoài đến bên chủ đầu tư: Lợi nhuận tương đối ổn định, có thể hạn chế rủi ro khi phân tán vốn đầu tư tại nhiều dự án khác nhau. Về khó khăn thì chủ đầu tư không phải điều hành hoạt động sử dụng vốn nên lợi ích thu được thường thấp.

Tác động của đầu tư gián tiếp nước ngoài đến bên nhận đầu tư:

+Về thuận lợi thì bên nhận đầu tư chủ động trong quá trình sử dụng vốn đầu tư. Nếu bên nhận đầu tư là chính phủ huy động qua trái phiếu quốc tế, thường sử dụng vốn đầu tư cho dự án đầu tư lớn. Nếu bên nhận đầu tư là doanh nghiệp sẽ giúp đáp ứng vốn cho phát triển sản xuất kinh doanh, đồng thời phân tán rủi ro của hoạt động đầu tư qua các cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ đầu tư.

+Về khó khăn thì nếu là nguồn vốn tư nhân thì hạn chế khả năng hút vốn vì chủ đầu tư nước ngoài bị khống chế ở mức góp vốn tối đa. Hạn chế khả năng tiếp thu công nghệ hiện đại và kinh nghiệm quản lí tiên tiến, có thể bị lệ thuộc vào vốn của chủ đầu tư nước ngoài khi họ thay đổi đột ngột trong hành động đầu tư làm ảnh hưởng xấu đến thị trường vốn trong nước. Hiệu quả đầu tư hoàn toàn phụ thuộc trình độ quản lí, tổ chức kinh doanh của bên nhận đầu tư, nếu trình độ quản lí của bên nhận đầu tư kém, cỏ thể làm tăng gánh nặng nợ cho tương lai.

I.Giống nhau 

Cả hai hình thức đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài đều đơn thuần là hợp đồng đầu tư vốn ra nước ngoài, FDI và FPI xuất hiện do nhu cầu hội nhập kinh tế quốc tế; Đều nhằm mục đích tạo lợi nhuận cho nhà đầu tư. Lợi nhuận của nhà đầu tư phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp và tỷ lệ thuận với số vốn đầu tư. Do đó, tình hình hoạt động của doanh nghiệp là mối quan tâm chung của cả hai hình thức đầu tư này; Đều chịu sự điều chỉnh của nhiều luật lệ khác nhau. Mặc dù các hoạt động này chịu ảnh hưởng lớn từ luật pháp nước tiếp nhận đầu tư, nhưng trên thực tế vẫn bị điều chỉnh bởi các điều ước, thông lệ quốc tế và luật của bên tham gia đầu tư.

  1. Sự khác nhau

Bên cạnh một số điểm giống nhau như trên, hai hình thức đầu tư trực tiếp nước ngoài và đầu tư gián tiếp nước ngoài còn có những điểm khác biệt sau:

1, Về hình thức đầu tư.

-FDI: Đầu tư nước ngoài trực tiếp.

-FPI: Đầu tư nước ngoài gián tiếp.

2, Về quyền kiểm soát.

-FDI: Nắm quyền quản lý, kiểm soát trực tiếp. Chủ đầu tư tự quyết định đầu tư, quyết định sản xuất kinh doanh và tự chịu trách nhiệm về lỗ, lãi.

-FPI: Mua chứng khoán và không nắm quyền kiểm soát trực tiếp. Bên tiếp nhận đầu tư (vốn) có toàn quyền chủ động trong kinh doanh.

3, Về phương tiện đầu tư.

-FDI: Các chủ đầu tư nước ngoài phải đóng góp một tỷ lệ vốn tối thiểu trong vốn pháp định hoặc vốn điều lệ tùy theo quy định của pháp luật từng nước.

-FPI: Số lượng chứng khoán mà các công ty nước ngoài được mua có thể bị khống chế ở mức độ nhất định tùy theo từng nước; thường là < 10%.

4, Về rủi ro và lợi nhuận.

-FDI: Rủi ro theo tỉ lệ vốn đầu tư, nhà đầu tư sẽ phải chịu phần rủi ro mà mình đã đầu tư vào doanh nghiệp. Lợi nhuận thu được theo lợi nhuận của công ty và được phân chia theo tỷ lệ góp vốn,  nhà đầu tư sẽ được hưởng và chia theo tỉ lệ phần góp của mình

-FPI: Rủi ro ít, bên nhận đầu tư sẽ phải gánh chịu rủi ro. Lợi nhuận thu được chia theo cổ tức hoặc việc bán Chứng khoán thu chênh lệch. 

5, Về mục đích đầu tư.

-FDI: Đầu tư nhằm mục đích lợi nhuận và quyền quản lý hoặc kiểm soát. Hình thức biều hiện của hình thức đầu tư này là vốn đi kèm với hoạt động thương mại, chuyển giao công nghệ và di chuyển sức lao động quốc tế. Mục đích trực tiếp thực hiện hợp đồng kinh doanh nhằm tìm kiếm lợi nhuận.

-FPI: Đầu tư nhằm mục đích lợi nhuận, chỉ kỳ vọng về một khoảng lợi nhuận tương lai dưới dạng cổ tức, trái tức hoặc phần chênh lệch giá, hướng tới lợi nhuận hoặc có nhiều khi mang yếu tố màu sắc chính trị(khi đầu tư còn có các điều kiện ràng buộc hoặc có các chỉ tiêu tăng trưởng). Hình thức biều hiện của hình thức đầu tư này chỉ đơn thuần là luân chuyển vốn từ trực tiếp sang nước tiếp nhận đầu tư. Mục đích hưởng lợi tức sinh ra từ cổ phần, phần vốn góp của mình trong chức kinh tế.

6, Tổ chức quản lý

– FDI: nhà đầu tư trực tiếp bỏ vốn sẽ quản lý và tham gia vào các hoạt động của doanh nghiệp.

– FPI: bên nhận đầu tư sẽ quản lý và sử dụng nguồn vốn để hiểu hành và hoạt động

7, Xu hướng đầu tư

– FDI: Hướng đầu tư từ nước phát triển sang nước đang phát triển.

– FPI:  Hướng đầu tưừ các nước phát triển với nhau hoặc đang phát triển hơn là luân chuyển các nước kém phát triển

  1. Chủ thể đầu tư

– FDI:là tổ chức, cá nhân có nhu cầu đầu tư và muốn thu lợi nhuận từ hoạt động đầu tư.

– FPI: là các tổ chức cá nhân hoặc có thể là chính phủ và các tổ chức quốc tế khác.

9, Về Đăng ký góp vốn

– FDI: Không có quy định.

– FPI: Nhà đầu tư thuộc Khoản 1 Điều 26 Luật đầu tư 2014,  phải thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn.

“1. Nhà đầu tư thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế trong các trường hợp sau đây:

  1. a) Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế hoạt động trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài;
  2. b) Việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp dẫn đến nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế quy định tại khoản 1 Điều 23 của Luật này nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên của tổ chức kinh tế.”

Khoản 1 Điều 23 Luật đầu tư 2014:

“1. Tổ chức kinh tế phải đáp ứng điều kiện và thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư thành lập tổ chức kinh tế; đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế; đầu tư theo hợp đồng BCC thuộc một trong các trường hợp sau đây:

  1. a) Có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên hoặc có đa số thành viên hợp danh là cá nhân nước ngoài đối với tổ chức kinh tế là công ty hợp danh;
  2. b) Có tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản này nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên;
  3. c) Có nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản này nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên.”

Tóm lại, nguồn vốn FDI có vai trò trực tiếp thúc đẩy sản xuất và nguồn vốn FPI  có tác động kích thích thị trường tài chính phát triển theo hướng nâng cao hiệu quả hoạt động, mở rộng quy mô và tăng tính minh bạch, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn mới. Việt Nam là một nước có được một sự ưu đãi đặc biệt từ phía các nhà đầu tư nước ngoài, Việt Nam đã và đang từng bước cải thiện vị trí của mình trên bản đồ kinh tế khu vực và quốc tế. Vì vậy, Việt Nam cần một lượng vốn lớn dành cho phát triển, vừa để phục hồi kinh tế, vừa để dành cho những mục tiêu sắp tới. Do đó, nguồn vốn FPI đóng vai trò rất quan trọng trong tiến trình phát triển của Việt Nam mặc dù cũng tiềm ẩn những rủi ro khôn lường.

 

Câu 44: Đánh giá những tác động của FPI?

1.Tích cực

  • Quốc gia sở tại được chủ động trong bố trí cơ cấu, đầu tư và chủ động trong việc sử dụng vốn. 
  • Vốn đầu tư được phân tán trong vô số những người mua cổ phiếu, trái phiếu và đưa đến các địa chỉ khác nhau. Và do vậy, chủ đầu tư có thể phân tán rủi ro trong kinh doanh.
  • Phần lớn là các khoản vốn ưu đãi và viện trợ, nên thời gian sử dụng dài, lãi suất rất thấp, khối lượng vốn lớn nên thường được sử dụng đầu tư vào các công trình cần nhiều vốn, thời gian hoàn vốn dài, lãi suất thấp như xây dựng và  hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, các công trình công cộng… để tại điều kiện và môi trường nhằm thu hút và sử dụng có hiệu quả vốn đầu tư trực tiếp. 

2.Tiêu cực

  • Hạn chế khả năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài vì tỉ lệ góp vốn bị hạn chế. Nhược điểm này được khắc phục cùng với xu hướng tự do hóa đầu tư.
  • Hiệu quả sử dụng vốn thường không cao, do các nước tiếp cận thường là các nước kém phát triển, kinh nghiệm và trình độ sử dụng vốn đầu tư còn hạn chế
  • Dù là vốn ưu đãi nhưng vẫn phải trả, nên dễ dẫn đến tình  trạng nợ nước ngoài quá lớn, thậm chí có nước không có khả năng trả nợ. Hiện nay, nợ nước ngoài của các nước đang phát triển rất lơn. Món nợ khổng lồ này đang dần phát triển do “lãi mẹ đẻ lãi con”, hơn nữa các nước này còn phải tiếp tục vay thêm để giải quyết các vấn đề kinh tế, xã hội trong nước.
  • Làm hạn chế khả năng tiếp thu kĩ thuật công nghệ và kinh nghiệm quản lý, kĩ năng kinh doanh tiên tiến từ các chủ đầu tư nước ngoài. Các quốc gia sở tại dễ bị các chủ nợ trói buộc vào vòng ảnh hưởng chính trị của họ, bởi lẽ đầu tư gián tiếp thường đi kèm với các điều kiện ràng buộc khá chặt chẽ. 

Câu 45: Vai trò của FPI ?

Thông thường, FPI là hình thức đầu tư quốc tế mà nhà đầu tư nước ngoài góp một số vốn tối đa nào đó dưới hình thức mua chứng khoán để thu lợi nhuận nhung không tham gia điều hành trực tiếp đối tượng mà họ bỏ vốn đầu tư. FPI là hoạt động đầu tư chủ yếu thông qua thị trường tài chính. Mặc dù vậy, ranh giới hiện nay của vốn FPI cũng đã có nhiều thay đổi do quá trình toàn cầu hóa và hội nhập, các nhà đầu tư vốn gián tiếp nước ngoài có thể tham gia vào quản trị, điều hành công ti, hỗ trợ tiếp cận công nghệ, tiếp cận thị trường… trong hoạt động của các công ti, qua đó đã góp phần mang lại các giá trị gia tăng cho doanh nghiệp.

Trong thời gian qua, FPI được đánh giá là một nguồn lực quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế, đóng vai trò quan trọng đối với việc huy động vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Vai trò đó được thể hiện qua nhiều góc độ:

– Với doanh nghiệp nhận đầu tư:

Chủ doanh nghiệp sẽ coi đây là một nguồn lực tài chính hữu ích, chi phí huy động cạnh tranh nhưng vẫn giữ được quyền điều hành trong sản xuất kinh doanh. Tuy không có sự chuyển giao về công nghệ, kĩ năng quản trị, các doanh nghiệp vẫn có được cơ hội tiếp cận với các chuẩn mực về quản trị công ti, tăng cường công khai minh bạch, nâng cao hiệu quả kinh doanh và cạnh tranh… để tiếp tục thu hút nguồn vốn này.

– Với quốc gia nhận đầu tư:

+ Cùng với vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, FPI là nguồn vốn góp phần quan trọng tác động đến sự phát triển kinh tế. Đây là nguồn tài chính cho các nền kinh tế đang thiếu vốn, bù đắp khoản thiếu hụt giữa nhu cầu đầu tư và tiết kiệm; góp phần cải thiện cán cân thanh toán quốc tế. Ngoài ra, nguồn vốn này còn kích thích tiêu dùng, tăng thu nhập, qua đó nâng cao mức sống của xã hội thông qua các hoạt động đầu tư theo mức giá và lãi suất thị trường quốc tế.

+ Thị trường tài chính của quốc gia nhận đầu tư FPI sẽ nhận được lợi ích từ việc các thành phần tham gia nền kinh tế chuyển biến tích cực nhằm đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư nước ngoài. Các chuẩn mực quốc tế được áp dụng rộng rãi với các dịch vụ như dịch vụ tư vấn, bổ trợ tư pháp và hỗ trợ kinh doanh, xác định hệ số tín nhiệm, bảo hiểm, kế toán, kiểm toán và thông tin thị trường, từ đó dần hình thành nền văn hóa đầu tư hiện đại và hấp dẫn nguồn vốn nước ngoài. Năng lực quản lý nhà nước cũng được nâng cao do nhu cầu bắt kịp với xu thế hội nhập quốc tế, đòi hỏi cơ quan quản lý nhà nước phải có các công cụ giám sát thị trường theo hướng công khai, minh bạch, cũng như đặt ra yêu cầu về báo cáo tài chính đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế nhằm thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước.

+ Doanh nghiệp nhà nước nhờ có động lực từ dòng vốn FPI sẽ là một phần thúc đẩy chương trình cổ phần hóa doanh nghiệp, đẩy mạnh hoạt động phát hành trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp.

+ Đặc tính lưu chuyển nhanh của vốn FPI tạo ra cơ hội gia tăng dòng vốn một cách nhanh chóng, tạo thành nguồn vốn quan trọng cho sự phát triển của tư nhân, bù đắp cho sự thiếu hụt vốn dài hạn mà hệ thống ngân hàng chưa thể đáp ứng.

Tại Việt Nam, cùng với dòng chảy thành công về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong khoảng 5 năm trở lại đây đã tiếp tục trở thành điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài, từ đó góp sức chung với nguồn lực nội tại, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của nền kinh tế đất nước… Thống kê của ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho thấy, trong giai đoạn từ năm 2015 đến tháng 7/2018, tổng vốn gián tiếp vào ròng đạt 6 tỉ USD, cao gấp 4 lần tổng vốn gián tiếp vào ròng giai đoạn 2010 – 2014 (đạt 1,6 tỉ USD). Cũng tính đến tháng 7/2018, giá trị danh mục đầu tư của nhà đầu tư từ Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc nằm trong top 10 quốc gia có giá trị danh mục đầu tư lớn nhất trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam. Số lượng nhà đầu tư đến từ các nước Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc tăng mạnh với mức khoảng 22% so với trước thời điểm xúc tiến đầu tư. Giá trị danh mục của nhà đầu tư Nhật Bản và Hàn Quốc tăng gần gấp 2 lần và giá trị danh mục của nhà đầu tư Mỹ tăng khoảng 3 lần so với trước khi xúc tiến đầu tư. Tổng số quỹ đầu tư nước ngoài đã được Trung tâm Lưu kí Chứng khoán cấp mã số giao dịch chứng khoán cũng có sự tăng trưởng đột phá. Tính đến tháng 6/2018 đã có 1.829 quỹ đầu tư, với tổng giá trị danh mục đạt hơn 11 tỉ USD (chiếm hơn 30% tổng giá trị danh mục của nhà đầu tư nước ngoài). Sự hiện diện của các quỹ đầu tư nước ngoài góp phần đa dạng hóa cơ cấu nhà đầu tư trên TTCK, theo hướng phát triển hệ thống nhà đầu tư tổ chức, từ đó giảm thiểu những bất ổn của thị trường do ảnh hưởng tâm lý đầu tư của nhà đầu tư cá nhân. Chỉ tính riêng năm 2017 đã cho thấy, Việt>Nam ghi nhận lượng vốn đầu tư nước ngoài vào ròng ở mức lớn chưa từng thấy trong lịch sử TTCK Việt Nam với mức mua ròng 47.864 tỉ đồng (gấp 8 lần so với giá trị mua ròng trong năm 2016). Giá trị vốn đàu tư gián tiếp vào ròng năm 2017 đạt hơn 2,9 tỉ USD, tăng hơn gấp đôi so với năm 2016 và mặc dù có nhiều biến động nhưng kết thúc năm 2018, nguồn vốn này vẫn thặng dư ở con số khoảng 2,8 tỉ USD.

Tính đến hết tháng 10/2019, có 7.509 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 10,8 tỉ USD, tăng 70,5% so với cùng kì năm 2018 và vượt giá trị của cả năm 2018.

 

Câu 46: Đánh giá những tác động tích cực và tiêu cực của FDI đến nước nhận đầu tư và nước đi đầu tư.

Những mặt tích cực

So với những hình thức đầu tư nước ngoài khác, đầu tư trực tiếp nước ngoài có những ưu điểm:

FDI không để lại gánh nặng nợ cho Chính phủ nước tiếp nhận đầu tư như ODA hoặc các hình thức đầu tư nước ngoài khác như vay thương mại, phát hành trái phiếu ra nước ngoài…

Các nhà đầu tư nước ngoài tự bỏ vốn ra kinh doanh, trực tiếp điều hành sản xuất kinh doanh, hoàn toàn chịu trách nhiệm về kết quả đầu tư. Nước tiếp nhận FDI ít phải chịu những điều kiện ràng buộc kèm theo của người cung ứng vốn như của ODA.

Thực hiện liên doanh với nước ngoài, việc bỏ vốn đầu tư của các doanh nghiệp trong nước có thể giảm được rủi ro về tài chính, trong tình huống xấu nhất khi gặp rủi ro thì các đối tác nước ngoài sẽ là người cùng chia sẻ rủi ro với các công ty của nước sở tại.

Do vậy, FDI là hình thức thu hút và sử dụng vốn đầu tư nước ngoài tương đối ít rủi ro cho nước tiếp nhận đầu tư

FDI không đơn thuần chỉ là vốn, mà kèm theo đó là công nghệ, kỹ thuật, phương thức quản lý tiên tiến, cho phép tạo ra những sản phẩm mới, mở ra thị trường mới… cho nước tiếp nhận đầu tư .

Đây là điểm hấp dẫn quan trọng của FDI, bởi vì hầu hết các nước đang phát triển có trình độ khoa học và công nghệ thấp, trong khi phần lớn những kỹ thuật mới xuất phát chủ yếu từ các nước công nghiệp phát triển, do đó để rút ngắn khoảng cách và đuổi kịp các nước công nghiệp phát triển, các nước này rất cần nhanh chóng tiếp cận với các kỹ thuật mới. Tùy theo hoàn cảnh cụ thể của mình, mỗi nước có cách đi riêng để nâng cao trình độ công nghệ, nhưng thông qua FDI là cách tiếp cận nhanh, trực tiếp và thuận lợi. Thực tế đã cho thâý FDI là 1 kênh quan trọng đối với việc chuyển giao công nghệ cho các nước đang phát triển. Đầu tư trực tiếp nước ngoài có tác động mạnh đến quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của nước tiếp nhận, thúc đẩy quá trình này trên nhiều phương diện: chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế, cơ cấu vùng lãnh thổ, cơ cấu các thành phần kinh tế, cơ cấu vốn đầu tư, cơ cấu công nghệ, cơ cấu lao động….

Thông qua tiếp nhận FDI, nước tiếp nhận đầu tư có điều kiện thuận lợi để gắn kết nền kinh tế trong nước với hệ thống sản xuất, phân phối, trao đổi quốc tế, thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của nước này.

Thông qua tiếp nhận đầu tư , các nước sở tại có điều kiện thuận lợi để tiếp cận và thâm nhập thị trường quốc tế, mở rộng thị trường xuất khẩu, thích nghi nhanh hơn với các thay đổi trên thị trường thế giới… FDI có vai trò làm cầu nối và thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, một nhân tố đẩy nhanh quá trình toàn cầu hóa kinh tế thế giới.

FDI có lợi thế là có thể được duy trì sử dụng lâu dài, từ khi một nền kinh tế còn ở mức phát triển thấp cho đến khi đạt được trình độ phát triển rất cao. Vốn ODA thường được dành chủ yếu cho những nước kém phát triển, sẽ giảm đi và chấm dứt khi nước đó trở thành nước công nghiệp, tức là bị giới hạn trong một thời kỳ nhất định. FDI không phải chịu giới hạn này, nó có thể được sử dụng rất lâu dài trong suốt quá trình phát triển của mỗi nền kinh tế.

Với những ưu thế quan trọng như trên ngày càng có nhiều nước coi trọng FDI hoặc ưu tiên, khuyến khích tiếp nhận FDI hơn các hình thức đầu tư nước ngoài khác.

Những mặt hạn chế

Bên cạnh những mặt tích cực, FDI có thể gây ra những bất lợi cho nước tiếp nhận:

Việc sử dụng nhiều vốn đầu tư FDI có thể dẫn đến việc thiếu chú trọng huy động tối đa vốn trong nước, gây ra sự mất cân đối trong cơ cấu đầu tư , có thể gây nên sự phụ thuộc của nền kinh tế vào vốn đầu tư nước ngoài .Do đó, nếu tỷ trọng FDI chiếm quá lớn trong tổng vốn đầu tư phát triển thì tính độc lập tự chủ có thể bị ảnh hưởng, nền kinh tế phát triển có tính lệ thuộc bên ngoài, thiếu vững chắc.

Đôi khi công ty 100% vốn nước ngoài thực hiện chính sách cạnh tranh bằng con đường bán phá giá, loại trừ đối thủ cạnh tranh khác, độc chiếm hoặc khống chế thị trường, lấn áp các doanh nghiệp trong nước.

Thực tế đã cho thấy khi thực hiện các dự án liên doanh, các đối tác nước ngoài đã tranh thủ góp vốn bằng các thiết bị và vật tư đã lạc hậu, đã qua sử dụng, hoặc nhiều khi đã đến thời hạn thanh lý, gây ra thiệt hại to lớn cho nền kinh tế của nước tiếp nhận đầu tư.

Thông qua sức mạnh hơn hẳn về tiềm lực tài chính, sự có mặt của các doanh nghiệp có vốn nước ngoài gây ra một số ảnh hưởng bất lợi về kinh tế- xã hội như làm tăng chênh lệch về thu nhập, làm gia tăng sự phân hóa trong các tầng lớp nhân dân, tăng mức độ chênh lệch phát triển giữa các vùng.

Với những mặt bất lợi của FDI, nếu có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đầy đủ và có các biện pháp phù hợp, nước tiếp nhận FDI có thể hạn chế, giảm thiểu những tác động tiêu cực này và sử lý hài hòa mối quan hệ của nhà đầu tư nước ngoài với lợi ích quốc gia để tạo nên lợi ích tổng thể tích cực.

Câu 47: Phân tích chính sách và xu hướng hoạt động đầu tư quốc tế.

Quá trình thiết lập và điều chỉnh chính sách đầu tư cũng sẽ ảnh hưởng tới những quyết định đầu tư. Những yếu tố cần quan tâm hàng đầu trong việc thiết lập chính sách đầu tư là tính minh bạch, có thể dự đoán được và sự đáng tin cậy. Chính sách đàu tư của một nước có thể gộp chung cả đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài vào cùng một bộ luật hoặc đứng riêng trong hai bộ luật khác nhau. Những chính sách đầu tư có thể thể hiện mức độ mở cửa của nền kinh tế, sự bảo hộ đối với các nhà đầu tư và bao gồm những hạn chế khi đầu tư tại một quốc gia đều sẽ được quy định rõ trong luật hay các quy định thực hiện. Những danh sách hạn chế bao gồm các phân ngành và lĩnh vực cấm vốn đầu tư tư nhân, lĩnh vực chỉ dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) hoặc những lĩnh vực hạn chế đối với đầu tư nước ngoài. Với việc tăng cường tính minh bạch và khả năng dự đoán, bộ luật đầu tư có thể đóng vai trò như một công cụ dự báo, định hướng, do đó tạo nên sức hấp dẫn của nước tiếp nhận đầu tư. Tuy nhiên, cũng có một số quốc gia, gồm cả những nước thành viên của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) không có luật đầu tư cụ thể. Tuy nhiên, việc có một bộ luật đầu tư chính thức không phải là điều kiện tiên quyết để có được một khung chính sách đàu tư hợp lý. Chính sách đầu tư có thể được đưa vào các văn bản pháp luật khác như Hiến pháp, hay bộ luật quy định liên quan đến các công ti hoặc luật cho từng ngành, lĩnh vực cụ thể.

Một khung chính sách đàu tư quốc tế rõ ràng, minh bạch và có thể dự đoán được là một trong những yếu tố quyết định thu hút đầu tư. Nguyên nhân là do các nhà đầu tư nước ngoài là những người trực tiếp tham gia hoạt động trong các hệ thống quản lý, khung pháp lý và văn hóa khác hoàn toàn với quốc gia mình. Sự không chắc chắn trong các quy định và pháp luật đầu tư quốc tế của một quốc gia có thể dẫn tới việc khiến cho chi phí đầu vào tăng khiến các công ti nước ngoài e ngại, hạn chế đầu tư. Hơn nữa, sự mơ hồ trong hệ thống pháp luật cũng có thể gây ra thực ưạng tham nhũng, bởi lẽ khi đó các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tìm cách để bảo vệ hoặc gia tăng lợi ích của mình. Chính vì vậy, xu hướng chính sách đầu tư quốc tế được rất nhiều quốc gia tham gia hưởng ứng và hưởng lợi khá nhiều từ chính những quyết sách đầu tư hiệu quả.

Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và phát triển (United Nations Conference on Trade and Development – UNCTAD) đã chỉ ra xu hướng chính sách đầu tư quốc tế mới, hiệu quả, mang lại nhiều lợi ích cho cả quốc gia đầu tư và quốc gia nhận đầu tư. Cụ thể:

+ Giám sát các hoạt động tiếp quản có yếu tố nước ngoài đang được tăng cường.

Các chính sách đầu tư quốc gia mới đo lường chủ yếu là hoạt động tự do hóa và xúc tiến đầu tư. UNCTAD đã chỉ ra trong năm 2017, có 65 quốc gia và nền kinh tế đã áp dụng ít nhất 126 chính sách đầu tư mà có tác động đến đầu tư nước ngoài – đây là số lượng quốc gia và các thay đổi chính sách cao nhất trong thập kỉ qua. Trong số các biện pháp này có 93 biện pháp liên quan đến tự do hóa và thúc đẩy đầu tư, trong khi đó chỉ có 18 biện pháp hạn chế hoặc quy định (15 biện pháp còn lại là trung lập). Có thể thấy, tự do hóa và xúc tiến đầu tư chiếm tới 84% trong những thay đổi chính sách đầu tư. Nguồn: UNCTAD (2018)

Hạn chể đầu vào nguồn đầu tư nước ngoài đã được nới lỏng tại một số ngành công nghiệp như vận tải, năng lượng, sản xuất với các nền kinh tế mới nổi tại châu Á hoạt động tích cực nhất. Nhiều quốc gia khuyến khích đầu tư bằng cách đom giản hóa các thủ tục hành chính, đưa ra các ưu đãi và thành lập các đặc khu kinh tế mới. Những hạn chế đầu tư và quy định mới này chủ yếu là do lo ngại về an ninh quốc gia và quyền sở hữu nước ngoài đối với đất đai và tài nguyên thiên nhiên.

Mặc dù xu hướng chung là hướng tới tự do hóa hoặc các biện pháp xúc tiến đầu tư trong năm 2017, tỉ lệ các chính sách hạn chế và quy định mới đã gia tăng đáng kể trong thời gian gần đây. Từ tháng 10/2017 đến tháng 4/2018, có khoảng 30% các chính sách đầu tư mới được đưa ra mang tính hạn chế cao hơn. Một số quốc gia có lập trường cứng rắn hơn trong việc giám sát các hoạt động tiếp quản có yếu tố nước ngoài, đặc biệt liên quan đến an ninh quốc gia hoặc bán tài sản chiến lược trong nước và công nghệ được giám sát cẩn thận hơn. Ngoài ra, các lựa chọn để gia tăng hơn nữa cơ chế sàng lọc đầu tư nước ngoài cũng đã được thảo luận tại một số quốc gia.

+ Gia tăng các Hiệp ước đầu tư mới

Số lượng các Hiệp ước đầu tư quốc tế mới (IIA) được kí kết trong năm 2017 là thấp nhất kể từ năm 1983. Các quốc gia đã kí kết 18 HA mới – 9 Hiệp ước đầu tư song phương (BIT) và 9 Hiệp ước với các điều khoản đầu tư (TIP). Nền kinh tế tích cực nhất là Thổ Nhĩ Kỳ với 4 Hiệp ước, tiếp theo là Hồng Kông (Trung Quốc) và Trung Quốc với 02 Hiệp ước. Từ giữa tháng 1 đến tháng 3/2018 có 3 IIA bổ sung đã được kí kết. Hơn nữa, trong thời gian đầu tiên, số lượng chấm dứt các Hiệp ước là 22 so với số lượng kí kết mới là 18. Điểm đặc biệt tích cực trong Hiệp ước chấm dứt phải kể đến giữa Ấn Độ và Ecuador. Chính điều này đã giúp nâng quy mô của HA đạt 3.322 thỏa thuận (2.946 BIT và 376 TIP), trong đó có 2.638 có hiệu lực vào cuối năm 2017 (Hình 3.3).

Các cuộc đàm phán cho các thỏa thuận khu vực lớn luôn được cố gắng duy trì, đặc biệt ở châu Phi và châu Á. Cộng đồng châu Âu (EU) tiếp tục một số cuộc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (FTA), bao gồm cả Nhật Bản. Các cuộc tái đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), bao gồm các chương về đầu tư đã bắt đầu khởi động. Ngoài ra, một số nhóm quốc gia đang phát triển nguyên tắc hướng dẫn không ràng buộc để hoạch định chính sách đầu tư

Trong năm 2017, có ít nhất 65 trường hợp ISDS dựa trên Hiệp ước mới được khởi động, nâng tổng số trường hợp được biết đến lên 855. Cho đến nay đã có 113 quốc gia phản hồi cho một hoặc nhiều khiếu nại của các trường hợp ISDS. Năm 2017, các tòa án giải quyết ISDS đã đưa ra ít nhất 62 phán quyết về các vụ việc ISDS. Trong tổng số các trường hợp được biết đã quyết định về giá trị và các nhà đầu tư đã giảm được khoảng 60%.

+ Cải cách IIA đang được tiến hành trên tất cả các khu vực

Kể từ năm 2012, hon 150 quốc gia đã thực hiện từng bước để hình thành một thế hệ HA định hướng phát triển bền vững (giai đoạn 1 của cải cách IIA). Ví dụ, các quốc gia này đã xem xét các mạng lưới Hiệp ước và các mô hình Hiệp ước sửa đổi phù họp với Gói cải cách của UNCTAD cho Chế độ đầu tư quốc tế. Trái ngược hoàn toàn với các hiệp ước đã được kí kết vào đầu thiên niên kỉ, tất cả các hiệp ước được kí kết trong năm 2017 đều có ít nhất 6 “tính năng cải cách” và một số điều khoản được coi là đổi mới trong HA trước năm 2010. Điểm nổi bật của việc thực hiện Hiệp ước hiện đại bao gồm định hướng phát triển bền vững, duy trì được không gian pháp lý và cải thiện các ISDS.

Các quốc gia đang từng bước hiện đại hóa các Hiệp ước thế hệ cũ (giai đoạn 2 của cải cách IIA). Một số quốc gia, ví dụ, đưa ra các cách giải thích hoặc thay thế các thỏa thuận thế hệ cũ. Các quốc gia này cũng tham gia vào các cuộc thảo luận cải cách đa phưong, liên quan đến ISDS. Đã có hon 3.000 Hiệp ước thế hệ đầu tiên ngày nay (chiếm khoảng 90% các IIA) mang đến nhiều cơ hội hơn nữa cho quá trình cải cách.

Sau khi cải cách các Hiệp ước cũ và mới, bước tiếp theo của tiến trình cải cách (giai đoạn 3) là đảm bảo sự gắn kết với các chính sách đầu tư quốc gia và các cơ quan khác của luật pháp quốc tế. Bởi vì khung pháp lý quốc gia cho hoạt động đầu tư tại nhiều nước đã bao gồm các vấn đề về cơ sở, biện pháp và phòng vệ giống như IIA, quá trình cải cách hiệu quả có thể đòi hỏi các bước song hành trong luật pháp quốc gia. Đổi lại, khung chính sách quốc gia có thể tạo cảm hứng cho cải cách IIA (ví dụ, liên quan đến các thuận lợi trong đầu tư, nghĩa vụ của nhà đầu tư và giải quyết tranh chấp). Các quốc gia có thể cải thiện chức năng hiệp đồng của hai quốc gia bằng cách tăng cường hợp tác giữa các nhà hoạch định chính sách đầu tư quốc gia và quốc tế và làm rõ sự tương tác giữa hai chế độ (ví dụ, thiết lập ưu tiên chế độ này so với chế độ kia).

Cũng có nhiều hướng cải thiện tích cực giữa HA và các cơ quan khác về luật pháp và chính sách quốc tế. Các bước cải cách cụ thể có thể giảm thiểu rủi ro liên quan đến việc hạn chế không gian pháp lý và giải quyết tranh chấp và có thể giảm sự phức tạp về các thủ tục hành chính (đối với các khu vực và nhà đầu tư). Ví dụ, các nhà đàm phán IIA có thể đưa ra các trường hợp ngoại lệ cho các lĩnh vực hoạch định chính sách khác, sử dụng tham chiếu chéo và hướng dẫn giải thích các điều khoản của Hiệp ước được các tòa án công nhận.

Tạo sự liên kết không nhất thiết phải mang hàm ý thống nhất pháp lý – sự không nhất quán và phân kì đều có thể xảy ra. Do vậy, việc định hình sự tựơng tác đòi hỏi sự hiểu biết sâu, rộng về sự khác biệt trong cấu trúc và bối cảnh giữa các chế độ khác nhau. Trong trường họp thiếu khuôn khổ pháp lý đa phương cho đầu tư, cải cách chế độ toàn diện sẽ giúp giảm thiểu rủi ro. Là đầu mối của Liên Hợp quốc về đầu tư quốc tế, UNCTAD, thông qua ba trụ cột chính then chốt là: (i) nghiên cứu và phân tích chính sách, (ii) hỗ ừợ kĩ thuật và (iii) xây dựng sự đồng thuận liên chính phủ. Tháng 10/2018, Diễn đàn Cấp cao IIA do UNCTAD tổ chức đã đánh dấu cột mốc quan trọng liên quan đến vấn đề này.

+ Thị trường tài chính ngày càng thúc đẩy đầu tư trong phát triển bền vững

Các chính sách và công cụ thị trường vốn được thiết kế nhằm thúc đẩy đầu tư trong phát triển bền vững và hỗ trợ thành tựu của các Mục tiêu phát triển bền vững (Sustainable Development Goals – SDG) là tính năng ngày càng quan trọng trong bối cảnh đầu tư. Thị trường vốn đóng vai trò quan trọng trong chuỗi đầu tư cuối cùng thúc đẩy hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (Multinational Enterprises – MNE) và các hoạt động quốc tế của họ. Những đổi mới trên thị trường liên quan đến phát triển bền vững tiếp tục thu hút sự quan tâm từ các nhà đầu tư theo danh mục, hồ sơ theo dõi tích cực về các sản phẩm mang tính bền vững là quan điểm của các nhà quản lý tài sản vì họ cho rằng quản trị môi trường và xã hội là nguyên do cho các hoạt động đầu tư dài hạn hiệu quả. Khi các xu hướng đầu tư bền vững ngày càng được thể hiện rõ nét, mở rộng tạo nên sức ảnh hưởng mạnh mẽ trong mối quan hệ giữa các MNE niêm yết với các cổ đông của chúng và lúc này các chính sách cũng như thực tiễn hoạt động của MNE sẽ có liên kết chặt chẽ với phát triển bền vững.

Trong một cuộc đánh giá công cụ liên quan đến trao đổi chứng khoán trên khắp thế giới chủ yếu tập trung vào các yếu tố ESG1 đã chỉ ra có tới 54 trao đổi với ít nhất một cơ chế thúc đẩy hợp tác thực tiễn ESG. Có khoảng 40 sàn giao dịch chứng khoán cung cấp các chỉ số bền vững và 39 sàn giao dịch cung cấp các khóa đào tạo Hên quan đến ESG. Vào quý 1/2018, có 38 sàn giao dịch chứng khoán trên thế giới cung cấp các bản hướng dẫn tự nguyện về công bố thông tin ESG (tăng 6 sàn so với cuối quý 1/2017) và 14 sàn giao dịch đã tiết lộ ESG là quy tắc bắt buộc (tăng 2 sàn so với cùng kì năm ngoái). Theo sáng kiến của sàn chứng khoán bền vững Liên hợp quốc (SSE) thì đến nay đã có 72 sàn (quý 1/2017 có 63 sàn); các sàn với hơn 45.000 công ti niêm yết với vốn hóa thị trường lên đến 80 nghìn tỉ USD.

+ Chính sách đầu tư gắn với chính sách công nghiệp

Khi chính sách công nghiệp dần phát triển và trở thành xu hướng chính trong chiến lược phát triển thì một thách thức cũng xuất hiện cho các nhà hoạch định chính sách trong giai đoạn hiện nay: các chính sách công nghiệp mới cần được gia tăng tính hiệu quả sử dụng trong các công cụ chính sách đầu tư và các chính sách đầu tư cần phải hiện đại hóa theo chiến lược phát triển công nghiệp.

Các chính sách công nghiệp hiện đại, có thể là sự đa dạng, bắt kịp xu hướng hoặc hướng đến cách mạng công nghiệp mới (New Industrial Revolution – NIR), tuân thủ một số tiêu chí thiết kế, bao gồm: mở cửa, bền vững, độ sẵn sàng NIR và toàn diện. Các lựa chọn chính sách đầu tư cần được hướng dẫn bởi các tiêu chí đã định và sự gắn kết trong từng chính sách, có đầy đủ tính linh hoạt và hiệu quả.

Thực tiễn chính sách cho thấy các chính sách công nghiệp hình thành và bắt kịp dựa trên NIR để nhấn mạnh các công cụ chính sách đầu tư và tập trung vào các lĩnh vực khác nhau, các hoạt động kinh tế, các cơ chế để tối đa hóa những đóng góp của đầu tư vào sự phát triển tổng thể của ngành công nghiệp. Các công cụ chính sách đầu tư liên quan đến mô hình chính sách công nghiệp và các giai đoạn phát triển.

Mỗi quốc gia cần đảm bảo rằng các công cụ chính sách đầu tư của mình luôn được cập nhật bao gồm định hướng lại các ưu đãi trong đầu tư, hiện đại hóa đặc khu kinh tế (SEZs), khuyến khích thúc đẩy đầu tư và xây dựng các cơ chế giám sát đầu tư và giám sát đầu tư nước ngoài thông minh. NIR, đặc biệt, cần phải xem lại các chiến lược về chính sách đầu tư cho phát triển công nghiệp.

Các chính sách công nghiệp hiện đại đóng góp vào chiến lược phát triển bền vững. Các nhà hoạch định chiến lược cần tăng cường sự gắn kết với các chính sách đầu tư quốc gia và các lĩnh vực chính sách khác, bao gồm chính sách xã hội và môi trường. Các chính sách này cần tuân thủ toàn bộ cách thức tiếp cận của chính phủ để có thể tạo ra sức mạnh tổng họp. Các chính sách cần đạt được sự cân bằng giữa vai trò của thị trường và Nhà nước để tránh sự tập trung quá mức không cần thiết. Cuối cùng, các chính sách cần tiếp cận hiệu quả để mở ra quan hệ họp tác sản xuất quốc tế và tránh bị phụ thuộc vào các quốc gia láng giềng.

Bảng 3.1: Khuôn khổ chính sách đầu tư cho phát triển bền vững (IPFSD) của UNCTAD và sự tương tác của các chính sách đầu tư và công nghiệp.

Câu 48: Xu hướng mới trong đầu tư quốc tế? 

Đối với các quốc gia trên toàn thế giới, trong thời gian qua, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã phát triển nhanh chóng, trở thành một bộ phận cấu thành năng động và có những đóng góp quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là một thành tố quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu và được xem là nguồn lực thiết yếu cho phát triển kinh tế – xã hội. Thu hút FDI từ các tập đoàn đang là xu thế của các quốc gia hiện nay. Xu hướng hiện nay trên thế giới cho thấy, đầu tư trên thế giới chủ yếu là vốn từ các công ti đa quốc gia. Các công ti đa quốc gia thường được xem như là tổ chức phù hợp tạo điều kiện phát triển hoạt động vay và cho vay quốc tế. Những công ti mẹ thường cung cấp vốn cho các công ti con ở nước ngoài, với kì vọng là sẽ thu lại được những khoản lợi nhuận chấp nhận được. Các công ti này có công nghệ tiên tiến và tiềm lực tài chính mạnh, ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế thế giới và chi phối các quan hệ kinh tế quốc tế, làm lợi rất nhiều cho nền kinh tế và các doanh nghiệp của nước sở tại. Do đó, định hướng thu hút FDI từ các công ti này là xu thế tất yếu, đặc biệt là đối với các nước đang phát triển để nâng cao vị thế của mình trong nền kinh tế thế giới.

1.Xu hướng toàn cầu

Năm 2016, dòng vốn FDI toàn cầu lên tới 1,75 nghìn tỉ USD, trong đó khu vực châu Á – Thái Bình Dương duy trì vị trí dẫn đầu về tiếp nhận FDI. Ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, các quốc gia ASEAN chiếm 44% tổng số dự án FDI được ghi nhận năm 2016 (so với 28% của năm 2003), trong đó riêng các “con hổ châu Á” đã chiếm 28% tổng số dự án được ghi nhận của khu vực (so với 22% của năm 2003). Tính theo tỉ lệ dự án FDI trong phạm vi ASEAN, các “con hổ châu Á” có tỉ trọng giảm từ 78% năm 2003 xuống còn 63% năm 2016 (“Con rồng châu Á” bao gồm Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), trong khi “con hổ châu Á” gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam).

Bảng 3.2 dưới đây trình bày khái quát về 25 nhóm ngành hàng đầu, qua đó cho thấy sự chuyển dịch quốc gia ASEAN tiếp nhận. Các quốc gia ASEAN chiếm bình quân 10% tổng số dự án, trong đó các “con hổ châu Á” chiếm khoảng 6,4% tổng số dự án trên toàn cầu trong 25 lĩnh vực hàng đầu.

Cần lưu ý rằng, trong số 10 ngành có sự di biến động FDI lớn nhất thế giới, có tới một nửa là các ngành công nghiệp dựa trên dịch vụ. Trong số các dự án đầu tư mới tại khu vực ASEAN, các “con hổ châu Á” có thể nói có tỉ lệ thu hút đầu tư phi dịch vụ khá cao như dệt may, máy móc/thiết bị công nghiệp, ô tô, xe máy, điện tử, sản phẩm tiêu dùng và chế biến thực phẩm cũng như đầu tư vào các ngành công nghiệp phụ trợ như vật liệu kim loại, nhựa, hóa chất, bao bì. Đối với những ngành có mức độ di biến động FDI cao nhất, tốc độ tăng trưởng gộp hàng năm (Compounded Annual Growth Rate – CAGR) cho hai giai đoạn thể hiện trên trục X và Y cho thấy mức tăng trưởng cao khá nhất quán ở hầu hết các ngành.

Lĩnh vực năng lượng thay thế và tái tạo cũng đang có sự tăng trưởng nhanh trong vòng 10 năm qua. Điện tử tiêu dùng, dược phẩm, thực phẩm và thuốc lá là những ngành tăng trưởng chậm nhất trong nhóm khu vực, nhưng vẫn đang có CAGR ấn tượng.

Bảng 3.2: 25 ngành lớn nhất tính theo số lượng dự án FDI trên thế giới, theo ghi nhận của các thị trường FDI từ 2011 đến 2016

Lĩnh vực  
Thế giới  Châu Á ASEAN
Phần mềm & dịch vụ CNTT 12,8% 7,9% 403%
Dịch vụ doanh nghiệp 103% 10,0% 49,6%
Công nghiệp dệt 8,6% 6,0% 65,2%
Dịch vụ tài chính 7,7% 12,4% 54,9%
Thiết bị dụng cụ, máy móc công nghiệp 53% 8,6% 69,4%
Truyền thông 5,3% 7,8% 45,2%
Sản phẩm tiêu dùng 4,9% 7,8% 65,4%
Thực phẩm  4,7% 9,2% 75,4%
Vận tải 4,2% 10,4% 66,0%
Linh kiện, phụ tùng ô tô 3,5% 6,8% 913%
Hóa chất 3,2% 11,7% 643%
Linh kiện điện tử 2,7% 10,0% 733%
Bất động sản 2,6% 15,4% 70,8%
Kim loại 2,6% 10,9% 79,0%
Nhựa 1,9% 8,4% 75,3%
Năng lượng thay thế/tái tạo 1,8% 6,8% 75,9%
OEM công nghiệp ô tô 1,6% 11,2% 82,0%
Than đá, dầu và khí tự nhiên 1,5% 12,1% 58,8%
Dược phẩm 1,5% 6,8% 55,3%
Khách sạn & Du lịch 1,4% 9,2% 653%
Điện tử   1,1% 11,8% 722%
Dịch vụ y tế 1,0% 6,9% 56,7%
Máy móc, thiết bi doanh nghiệp 1,0% 9,9% 66,7%
Hàng không 1,0% 9,9% 44,3%
Giấy, in và bao bì 0,7% 10,5% 76,1%

2.Đầu tư từ Hoa Kì và Tây Âu

Việt Nam dù đang thu hút hiệu quả đầu tư từ Nhật Bản và Hàn Quốc, nhưng điều quan trọng đối với Việt Nam là phải thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư từ châu Âu và Hoa Kỳ để đa dạng hóa nguồn vốn FDI và tận dụng được đầu tư từ bán cầu Bắc cho các hoạt động mang lại giá trị gia tăng cao hơn và tăng cường giao công nghệ cho khối kinh tế tư nhân trong nước. Mặc dù các bên liên quan đều cho rằng Việt Nam chưa đạt hiệu quả tốt trong thu hút FDI từ châu Âu và Hoa Kỳ, nhưng cơ sở dữ liệu của FDI markets không cho thấy như vậy. Trái lại, khi so sánh với các đối thủ cạnh tranh trong khu vực, ngoại trừ Trung Quốc, Việt Nam thu hút hiệu quả FDI từ châu Âu (khi chỉ có Malaysia có kết quả tốt hơn, còn Thái Lan, Philippines, Indonesia đều đứng sau Việt Nam về số lượng dự án đăng kí trong 14 năm qua). Tương tự, đối với FDI từ Hoa Kỳ, trong nhóm các quốc gia tương đương, Philippines thu hút tỉ trọng lớn hơn, sau đó đến Malaysia, nhưng Việt Nam vẫn có kết quả tốt hơn Thái Lan và Indonesia. Trung Quốc là điểm đến quan trọng thứ hai trên toàn cầu của cả các nhà đầu tư châu Âu và Hoa Kỳ, là nước thu hút tỉ lệ lớn nhất các dự án FDI trong khu vực.

Theo dữ liệu của Bộ Thương mại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, 26 FDI của Hoa Kỳ trong nửa đầu năm 2017 đạt mức 1,78 tỉ USD, chỉ tương đương với một nửa lượng vốn đầu tư cùng kì năm 2016, trong khi Hồng Kông (Trung Quốc) chiếm 52,57 tỉ USD (72,8% dòng vốn FDI của Q1/Q2 năm 2017); Đài Loan (Trung Quốc) chiếm 3,36 tỉ USD (4,5%); Singapore 2,8 tỉ USD; Nhật Bản 1,84 tỉ USD; Hàn Quốc 1,75 tỉ USD; Hà Lan 1,36 tỉ USD; Đức 1,24 tỉ USD; Anh 890 triệu USD.

3.Chiến lược đầu tư ra nước ngoài của các công ty xuyên quốc gia

Hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài hiện nay chủ yếu được thực hiện bởi các TNC. Trong bối cảnh quốc tế có nhiều thay đổi, cộng với ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu bắt đầu từ năm 2008, chiến lược của TNC cũng hứa hẹn những thay đổi nhất định.

Thứ nhẩt, về sự lựa chọn địa điểm đầu tư: những nơi ổn định, an toàn đồng vốn và phát triển năng động sẽ được ưu tiên. Dòng vốn đầu tư ra nước ngoài của thế giới nói chung và của INC nói riêng hiện nay đang là dòng vốn có lựa chọn kĩ càng về địa điểm đầu tư. Các TNC ở những nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới cũng đang phải đối mặt với khó khăn chồng chất của nền kinh tế ở những nước này. Vì vậy, những TNC ở đây rất thận trọng chọn lựa địa điểm đầu tư. Nhiều TNC còn đang trong quá trình tái cơ cấu, sắp xếp lại hoạt động kinh doanh.

Vào nửa đầu năm 2009, khi cuộc khủng hoảng kinh tế đang nghiêm trọng nhất, nghiên cứu của KPMG – một công ti tư vấn hàng đầu thế giới – về các yếu tố quan trọng nhất trong việc chọn địa điểm đầu tư trong thời kì khủng hoảng cho thấy nhân tố “khách hàng mới” là yếu tố quan trọng nhất trong 12 nhân tố được đưa ra để chọn địa điểm đầu tư, tiếp đến là sự “ổn định chính trị”, “luật pháp công bình”, “cơ sở hạ tầng”… Đáng chú ý, nhân tố “chi phí lao động thấp” đứng ở vị trí cuối cùng trong các nhân tố ưu tiên lựa chọn đầu tư.

Thứ hai, TNC đang tích cực tận dụng những ưu đãi trong việc thu hút đầu tư nước ngoài ở các nước đang phát triển. Châu Á – Thái Bình Dương là khu vực có nhiều ưu đãi đó. Đặc biệt, những nước có ưu đãi thuế, đánh thuế vào lợi nhuận thấp và tự do chuyển lợi nhuận càng thu hút được nhiều TNC.

Khu vực Nam, Đông và Đông Nam Á sẽ là nói được chú ý bởi sự hồi phục nhanh sau khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008. Đây cũng là khu vực hấp dẫn với các thị trường mới nổi và những cơ hội đầu tư mới được tạo nên do làn sóng tự do hóa kinh tế đang diễn ra mạnh mẽ ở đây. Xét về tổng thể, đây là các nước có thu nhập trung bình thấp nên đầu tư sang các nước này TNC sẽ có cơ hội tiếp cận với thị trường rộng lớn, sức mua hàng hóa rất tiềm năng, nguồn lao động rẻ. Tuy nhiên, hiện nay những lợi thế đó không phải được TNC ưu tiên nhất nên đàu tư của TNC vào Nam và Đông Nam Á không sôi động lắm.

Thứ ba, xu hướng chuyển dịch sang các nước đang phát triển có tăng trưởng kinh tế cao. TNC nào cũng chú trọng vào những thị trường có nền tảng hạ tầng và trình độ lao động tốt. Các TNC ngày càng quan tâm đến sức mua của thị trường ở nước nhận đầu tư. Nếu tính cả 3 yếu tố trên, rõ ràng các nước phát triển có lợi thế về thu hút đầu tư của TNC lớn. Trên thực tế, TNCs đầu tư nhiều vào các nền kinh tế đã phát triển. Đây là những nơi có cơ sở hạ tầng tốt, trình độ lao động cao và sức mua hàng hóa cũng khá cao do thu nhập của người dân cao mặc dù quy mô dân số vừa phải. Tuy nhiên, hiện nay xu hướng TNCs đầu tư vào các nền kinh tế đang phát triển tăng lên. Nhiều nền kinh tế đang phát triển có sự cải thiện mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng, về trình độ người lao động và có quy mô dân số lớn, đã gây được sự chú ý của các TNC. Trung Quốc và Ấn Độ là hai trường hợp điển hình cho nhận định này, Việt Nam cũng có lợi thế thu hút các TNC lớn do quy mô dân số và sức mua của nền kinh tế có tiềm năng cao nhưng hiện vẫn còn nút thắt về hạ tầng và trình độ người lao động, tình trạng vi phạm luật sở hữu trí tuệ… Vì thế, chưa có nhiều TNC lớn đầu tư vào Việt Nam thời gian qua.

Thứ tư, trong điều kiện vừa rủi ro cao vừa cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, TNC cũng muốn đa dạng hóa đầu tư để tránh mạo hiểm và vượt qua các hàng rào bảo hộ kĩ thuật đang ngày càng chặt chẽ hơn. Đã có những thay đổi trong quan hệ giữa công ti mẹ và các chi nhánh của chúng. TNC thực hiện chính sách phi tập trung hóa, tức là các vấn đề chiến lược không chỉ do các công ti mẹ quyết định mà được giao cho các chi nhánh nhiều hơn. Do đó, các chi nhánh chủ động hơn ừong việc tìm kiếm thị trường và đầu tư. Đặc biệt, các quyết định được đưa ra nhanh hơn. Điều này cũng phần nào lý giải tại sao các chi nhánh đầu tư vào Việt Nam nhiều hơn các công ti mẹ của chúng thời gian qua.

Ngay trong thị trường châu Á, các TNC cũng có điều chỉnh nhất định. TNC đã đầu tư nhiều vào các thị trường lớn như Trung Quốc, Singapore, Thái Lan… hiện nay cũng muốn phân tán các đầu tư của mình, không muốn tập trung quá mức vào các thị trường này. Như vậy, nơi mà họ tìm đến rất có thể sẽ là Việt Nam và một vài nước đang nổi khác. Ngoài việc phân tán rủi ro đầu tư ở những nước TNC đã đầu tư nhiều, TNC còn muốn khám phá “miền đất mới” để tìm kiếm lợi nhuận cho mình.

Sự cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường toàn cầu và sự cải thiện năng lực sản xuất từ các nước đang phát triển với chi phí sản xuất rẻ đã khiến các TNC điều chỉnh quá trình sản xuất của họ. Thay vì nhất thể hóa theo chiều dọc (bao gồm nhiều giai đoạn trong chuỗi cung ứng), các TNC đã chia quá trình sản xuất của họ thành nhiều công đoạn và chỉ tập trung vào những công đoạn mang lại lợi thế cạnh tranh cốt lõi cho TNC như marketing, truyền thông, xây dựng thương hiệu. Những công đoạn kém quan trọng hơn được thuê ngoài trên toàn cầu. Các TNC đã thúc đẩy quá trình phân công lao động quốc tế và khu vực và ngày càng trở thành người dẫn dắt chủ chốt trong quá trình toàn cầu hóa sản xuất.

Thứ năm, quốc tế hóa xây dựng trung tâm nghiên cứu triển khai (R&D): thành lập R&D ở nước ngoài để khuyến khích địa phương hóa. Các TNC đóng vai trò rất quan trọng đối với nghiên cứu triển khai toàn cầu, không chỉ ở các nước chủ của công ti mẹ mà còn ở các nước đặt chi nhánh của các TNC. Trong chiến lược phát triển, TNCs luôn đặt vấn đề công nghệ lên hàng đầu chính vì công nghệ là yếu tố sống còn, quyết định khả năng cạnh tranh và chiếm lĩnh thị trường, hoạt động R&D luôn là hướng ưu tiên trong chính sách của TNC. Trước đây, TNC thường đầu tư lớn cho các phòng thí nghiệm, các viện nghiên cứu để cho ra đời các phát minh, sáng chế và nhiệm vụ của công ti chính là thương mại hóa các phát minh, sáng chế đó. Thực chất là chuyển giao công nghệ trong nội bộ TNC, chủ yếu từ công ti mẹ sang các chi nhánh. Ngày nay, hoạt động R&D đang được quốc tế hóa và nó đang phát triển nhanh chóng. Công nghệ mới ra đời không chỉ từ phòng thí nghiệm, các viện nghiên cứu mà còn từ các trường đại học và tại các xí nghiệp, cơ sở sản xuất của TNC ở mọi nơi. Chẳng hạn, vào những năm giữa của thập kỉ đầu thế kỉ XXI, riêng tập đoàn Motorola đã thiết lập 15 trung tâm R&D, còn Microsoft cũng đã thiết lập 5 trung tâm R&D tại Trung Quốc.

Như vậy, đã có sự chuyển hướng trong chính sách R&D của TNC. Trước kia, các TNC đều đưa ra các quyết định chiến lược tại trụ sở công ti mẹ, thì hiện nay cách tiến hành mang tính tập trung hóa cao như vậy không còn nữa. Lý do: 1) Tiềm năng tri thức không chỉ bó hẹp trong một công ti hay một khu vực nào đó, vì vậy để tiếp cận với nguồn tiềm năng này, các TNC ngày càng phải thiết lập thêm nhiều cơ sở R&D ở bên ngoài; 2) Cuộc cạnh tranh toàn cầu hiện nay đòi hỏi phải rút ngắn thời gian triển khai công nghệ từ phòng thí nghiệm tới cơ sở sản xuất. Vì vậy, TNC phải xây dựng các hệ thống R&D có khả năng khai thác các nguồn tri thức mới ngay tại thị trường nước ngoài. Vì những lý do này, các cơ sở R&D phát triển mạnh hơn ở khắp thế giới, đặc biệt các nước đang phát triển trở thành những nơi xây dựng các trung tâm R&D của các tập đoàn lớn trên thế giới.

Công việc R&D của TNC có sự khác biệt với các nhà đầu tư bình thường, nó là một dự án mà không đơn thuần là một bộ phận hay phòng ban thường thấy ở các công ti nhỏ, và hình thành một mạng lưới R&D riêng của TNC. Các TNC chiếm tỉ lệ cao trong chi tiêu cho R&D toàn cầu. Quả thực, chi tiêu cho R&D của nhiều công ti còn lớn hơn của một quốc gia. Hon 80% trong 700 hãng chi tiêu cho R&D lớn nhất thế giới đến từ 5 nước, đứng đầu là Mỹ, sau đó là Nhật Bản, Đức, Anh, Pháp. Như vậy, chi tiêu mạnh cho R&D chỉ tập trung vào TNC của một số nước có nền khoa học – công nghệ tiên tiến.

Đầu tư cho R&D cũng tập trung chủ yếu vào các ngành tương đối mới như công nghệ thông tin phần cứng, ô tô, dược phẩm và công nghệ sinh học. về mặt địa lý, các TNC đang mở rộng R&D sang những nơi đang phát triển.

Thứ sáu, về hình thức đầu tư, kinh doanh: xu hướng M&A phát triển mạnh và đầu tư vào các lĩnh vực dịch vụ sẽ ngày càng nhiều hơn. Hiện có 2 phương thức đầu tư trực tiếp nước ngoài, đó là: đầu tư xây dựng mới (GF) và đầu tư thông qua mua lại và sáp nhập (M&A). Nếu như trước đây M&A chỉ thấy ở các quốc gia phát triển thì hiện nay hình thức này đã có mặt ở nhiều quốc gia đang phát triển, đặc biệt ở khu vực châu Á. Loại hình đầu tư này ngày càng có xu hướng phát triển mạnh. Ngay cả Trung Quốc cũng tích cực tham gia vào xu hướng này nhằm tạo đột phá trong phát triển và chiếm giữ vị trí thống trị về công nghệ, vốn trên thế giới. Nhiều doanh nghiệp của Trung Quốc đã mua lại các doanh nghiệp lớn của nước phát triển để thâu tóm công nghệ và chiếm lĩnh một số lĩnh vực. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang trì trệ hiện nay, mặc dù dòng FDI toàn cầu có xu hướng tăng nhưng chủ yếu rơi vào các vụ M&A, hình thức GF còn hạn chế. Như vậy, năng lực sản xuất mới do FDI tạo ra trên phạm vi toàn cầu không nhiều.

Những thay đổi trong cơ cấu ngành cũng rõ nét. Nếu như trong thập kỉ 60 của thế kỉ XX, TNC chủ yếu đầu tư vào ngành nguyên liệu, đặc biệt là khai thác dầu, thì thập kỉ 70 là vào ngành công nghiệp chế tạo, thập kỉ 90 đến nay lại tập trung vào ngành dịch vụ (thông tin, thương mại, ngân hàng, tài chính, bảo hiểm…). Trong thời gian tới, những vấn đề phát triển bền vững, môi trường, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu… chắc chắn sẽ thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư.

Câu 49: Tác động của FPI ?

Tích cực

  • Góp phần làm tăng nguồn vốn trên thị trường vốn nội địa và làm giảm chi phí vốn thông qua việc đa dạng hóa rủi ro.
  • Thúc đẩy sự phát triển của hệ thống tài chính nội địa.
  • Thúc đẩy cải cách thể chế và nâng cao kỷ luật đối với các chính sách của chính phủ.

Tiêu cực

  • Nếu dòng FPI vào tăng mạnh, thì nền kinh tế tiếp nhận dễ rơi vào tình trạng phát triển quá nóng (bong bóng), nhất là các thị trường tài sản tài chính của nó.
  • Vốn FPI có đặc điểm là di chuyển (vào và ra) rất nhanh, nên nó sẽ khiến cho hệ thống tài chính trong nước dễ bị tổn thương và rơi vào khủng hoảng tài chính một khi gặp phải các cú sốc từ bên trong cũng như bên ngoài nền kinh tế.
  • FPI làm giảm tính độc lập của chính sách tiền tệ và tỷ giá hối đoái.

Câu 50: Đánh giá những tác động của FDI đến phát triển kinh tế – xã hội ở Việt Nam trong thời gian qua. Đề xuất giải pháp tăng cường thu hút FDI vào Việt Nam.

Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) gắn với phát triển bền vững đã trở thành mục tiêu quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam những năm gần đây. Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp tích cực, nhiều dự án FDI đã có những ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường tự nhiên, tác động lan toả tích cực của FDI cũng còn hạn chế. Bằng phương pháp thống kê mô tả dựa trên các dữ liệu thứ cấp, nghiên cứu này sẽ làm rõ một vài tác động tích cực, cũng như những hạn chế trong thu hút FDI ở Việt Nam thời gian qua, từ đó đề xuất các giải pháp để tận dụng những tác động tích cực và hạn chế những rủi ro tiềm ẩn cho nền kinh tế trong việc thu hút FDI.

 

Biến động thu hút FDI ở Việt Nam

 

Kể từ khi đổi mới từ nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung sang mô hình nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, có sự quản lý và điều tiết của Nhà nước, Việt Nam đã trở thành điểm đến tiềm năng của các nhà đầu tư nước ngoài do ổn định về chính trị, nguồn nhân lực dồi dào với giá lao động rẻ. Năm 1991, số vốn FDI đăng ký vào Việt Nam là 2,07 tỷ USD, trong đó số vốn FDI thực hiện là 428,5 triệu USD, đạt trên 20% vốn đăng ký.

 

Lượng vốn FDI vào Việt Nam tăng dần sau đó. Đáng chú ý là sự kiện Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới năm 2007 đã làm gia tăng mạnh mẽ vốn FDI đăng ký vào Việt Nam từ 21,35 tỷ USD năm 2007 lên đến 71,73 tỷ USD chỉ riêng năm 2008, điều này cho thấy, sự kỳ vọng là rất lớn.

 

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ vào năm 2008, sau đó lan ra toàn cầu đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới dòng vốn FDI vào Việt Nam. Xu hướng sụt giảm này vẫn tiếp tục kéo dài cho đến năm 2012. Từ năm 2013 đến năm 2019, vốn FDI vào Việt Nam duy trì được tốc độ tăng đều đặn cả về số dự án đăng ký mới, số vốn đăng ký và số vốn thực hiện hàng năm.

 

Tác động của FDI đến phát triển kinh tế – xã hội ở Việt Nam

 

Tác động đến tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế

 

Các số liệu thống kê cho thấy, tăng trưởng kinh tế có mối tương quan thuận chiều với tốc độ tăng thu hút FDI thực hiện hàng năm ở Việt Nam. Vốn FDI chiếm một tỷ trọng đáng kể trong tổng vốn đầu tư của toàn xã hội. Việc gia tăng vốn FDI được giải ngân sẽ làm mở rộng quy mô sản xuất của các ngành kinh tế, từ đó tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế (Vốn FDI thực hiện đạt 20,38 tỷ USD, chiếm khoảng 1/4 tổng vốn đầu tư toàn xã hội và đóng góp 20,35% trong giá trị GDP năm 2019).

 

Có thể thấy, cơ cấu khu vực FDI trong GDP có xu hướng tăng dần từ năm 2005 đến nay. Năm 2005, khu vực FDI đóng góp 15,16% trong tăng trưởng GDP. Con số này có xu hướng tăng đều đến năm 2008, mặc dù có giảm nhẹ vào năm 2009 và năm 2010, nhưng sau đó tiếp tục tăng trở lại và tăng dần đến 20,35% vào năm 2019. Kết quả này cho thấy, khu vực FDI ngày càng có những đóng góp trực tiếp rất quan trọng cho tăng trưởng kinh tế.

 

Bên cạnh đó, FDI cũng giúp đẩy mạnh xuất khẩu, đóng góp vào thặng dư cán cân thương mại của Việt Nam, từ đó thúc đẩy tăng trưởng GDP. Những đóng góp này ngày càng được nâng cao. Giá trị xuất khẩu hàng hoá của khu vực doanh nghiệp FDI chiếm 27% vào năm 1995 và tăng gấp gần 3 lần lên tới 71,7% kim ngạch xuất khẩu cả nước vào năm 2020.

 

Mặc dù, nhập khẩu của khu vực FDI đạt 168,8 tỷ USD, chiếm tới 64,3% kim ngạch nhập khẩu của cả nước nhưng tính chung cho năm 2020, khu vực FDI đã xuất siêu 33 tỷ USD không kể dầu thô, giúp bù đắp 15,6 tỷ USD nhập siêu của khu vực doanh nghiệp trong nước (Tổng cục Thống kê, 2020), từ đó, đảo ngược cán cân thương mại của Việt Nam về kết quả xuất siêu 19,1 tỷ USD.

 

Những đóng góp này cho thấy, vai trò quan trọng của FDI trong tăng trưởng của Việt Nam. Tốc độ tăng vốn FDI đăng ký và và thực hiện ở Việt Nam trong những năm gần đây được đánh giá là do Việt Nam đang tích cực hội nhập tham gia nhiều Hiệp định Thương mại tự do – FTA với các quốc gia trong khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, điều này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với nền kinh tế. Nền kinh tế có thể dễ bị tổn thương trước các cú sốc từ bên ngoài.

 

 

Về tác động của FDI đến sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở Việt Nam, sự tham gia của khu vực FDI trong nhiều ngành, lĩnh vực, đặc biệt là sự tập trung vốn FDI trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và một số ngành công nghiệp khác, là nhân tố quan trọng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, góp phần xây dựng môi trường kinh tế năng động và gia tăng năng lực sản xuất các sản phẩm chứa hàm lượng chất xám cao trong nền kinh tế. FDI góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao giá trị hàng nông sản xuất khẩu.

 

Tác động của FDI đến thị trường lao động và vấn đề việc làm

 

Khu vực FDI góp phần không nhỏ trong việc tạo việc làm cho người lao động. Theo Tổng cục Thống kê (2019), kết quả Điều tra Lao động – Việc làm quý 1/2019, khu vực doanh nghiệp FDI đã và đang tạo công ăn việc làm cho 3,8 triệu người lao động, chiếm trên 7% trong tổng lực lượng lao động (trên 54 triệu lao động), chiếm trên 15% trong tổng lao động làm công ăn lương (25,3 triệu người) ở Việt Nam. Bên cạnh tạo việc làm trực tiếp, khu vực FDI cũng gián tiếp tạo việc làm cho rất nhiều lao động trong các ngành công nghiệp phụ trợ hay các doanh nghiệp khác nằm trong chuỗi cung ứng hàng hoá cho các doanh nghiệp FDI.

 

Mức lương bình quân của lao động làm việc trong khu vực doanh nghiệp có vốn FDI cao hơn so với trong khu vực nhà nước hoặc khu vực ngoài nhà nước. Cụ thể, mức lương trung bình của lao động trong khu vực có vốn FDI là 8,2 triệu đồng/tháng, trong đó đối với lao động nam là 9,2 triệu đồng/tháng và lao động nữ là 7,6 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, lao động trong khu vực nhà nước có mức lương trung bình là 7,7 triệu đồng/tháng và đối với khu vực ngoài nhà nước là 6,4 triệu đồng/tháng (Tổng cục Thống kê, 2019).

 

Bên cạnh mức lương cao, khu vực FDI cũng góp phần quan trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam thông qua hệ thống đào tạo nội bộ trong doanh nghiệp hoặc liên kết với các cơ sở đào tạo ngoài doanh nghiệp.

 

Số liệu điều tra của Bộ Lao động, Thương binh và Xãhội năm 2017 cho thấy, trên 57% doanh nghiệp FDI thực hiện các chương trình đào tạo cho người lao động. Trong đó, tự đào tạo chiếm 40%, liên kết với các cơ sở đào tạo chiếm 17%. Điều này góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động trong doanh nghiệp FDI, tạo hiệu ứng tích cực, thúc đẩy nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nói chung ở Việt Nam thông qua việc dịch chuyển lao động từ khu vực FDI sang các khu vực còn lại.

 

 

Tác động của FDI trong cải tiến khoa học – công nghệ

 

Không thể phủ nhận rằng, khu vực FDI đã góp phần nâng cao trình độ công nghệ, là kênh quan trọng giúp Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng hơn cả về kinh tế – xã hội với các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới. FDI được kỳ vọng là kênh quan trọng để tiếp thu công nghệ tiên tiến trên thế giới, đặc biệt là trong một số ngành như: Điện tử, công nghiệp phần mềm, công nghệ sinh học…

 

Tuy nhiên, tác động của FDI trong việc cải tiến khoa học – công nghệ vẫn còn rất hạn chế. Theo số liệu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đến đầu năm 2020, chỉ có khoảng 6% doanh nghiệp FDI sử dụng các công nghệ tiên tiến của châu Âu và Hoa Kỳ. Ngược lại, có tới 30% đến khoảng 45% doanh nghiệp FDI đang sử dụng các công nghệ của Trung Quốc. Tuổi đời của công nghệ được sử dụng chủ yếu là công nghệ ra đời từ năm 2000 đến năm 2005 và phần lớn những công nghệ này là công nghệ trung bình hoặc trung bình tiên tiến của khu vực. Các công nghệ này đa phần chưa được cập nhật, do các doanh nghiệp FDI chưa tập trung nhiều nguồn lực cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D).

 

Tác động của FDI đến môi trường

 

Khu vực FDI đã tích cực tham gia vào quá trình chuyển giao công nghệ xanh, thực hiện đầy đủ trách nhiệm xã hội, xây dựng và nâng cao nhận thức về nền kinh tế xanh cho người lao động và người tiêu dùng. Có thể kể đến lợi thế của FDI đối với việc phát triển bảo vệ môi trường tại Việt Nam như Dự án hệ thống xử lý nước thải y tế tại Bệnh viện Chợ Rẫy; Công ty Điện lực Phú Mỹ 3 với việc cài đặt hệ thống phát hiện rò rỉ tự động và trồng 4.000 cây xanh xung quanh công ty…

 

Bên cạnh những tác động tích cực, nhiều sự cố môi trường xảy ra do hoạt động xả thải của các doanh nghiệp FDI trong những năm qua là những bằng chứng cho thấy tác động tiêu cực của việc thu hút FDI đến môi trường ở Việt Nam. Nhiều nghiên cứu thực nghiệm cũng đã chứng minh, ô nhiễm có khả năng “di cư” từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển thông qua kênh FDI.

 

Kết quả nghiên cứu thực nghiệm của Nguyễn Thị Thanh Huyền (2018) tiếp tục ủng hộlýthuyết các nước đang phát triển là“nơi trúẩn ônhiễm” của Ederington vàcộng sự; Rober Hoffmann; Grossman vàKrueger. Xét theo quy mô, doanh nghiệp FDI lớn thường gây ônhiễm môi trường nhiều nhất so với các doanh nghiệp trong những khu vực còn lại.

 

Hàm ý chính sách

 

Những phân tích trên cho thấy, trong quá trình thu hút FDI, cần có những chính sách quản lý chặt chẽ hơn nữa để tận dụng những tác động tích cực và hạn chế những rủi ro tiềm ẩn cho nền kinh tế trong việc thu hút FDI; Cần khuyến khích thu hút các dự án FDI có khả năng tạo tác động lan toả, tạo ngoại ứng tích cực cho các doanh nghiệp trong nước, giúp các doanh nghiệp trong nước tham gia sâu hơn vào các mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu.

 

Việt Nam cần hoàn thiện và áp dụng triệt để hơn nữa các quy định kỹ thuật, điều kiện tiên quyết về khoa học công nghệ hay tiêu chuẩn môi trường đối với các dự án FDI bên cạnh các chính sách ưu đãi nhằm thu hút các dự án FDI mang theo những công nghệ xanh, sách, thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, Việt Nam cần chú trọng hơn tới đánh giá tác động của các dự án FDI đến các hệ sinh thái tự nhiên, sức khoẻ con người và các vấn đề xã hội khác. Đây là những vấn đề chưa được nêu trong các báo cáo đánh giá tác động môi trường ở Việt Nam hiện nay.

 

Cần khẳng định rằng, sự hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế thông qua thu hút FDI không chỉ tạo ra những tác động về kinh tế, môi trường thiên nhiên, mà còn tác động tới môi trường văn hoá ở Việt Nam. Vì vậy, Việt Nam cần có và chính sách quản lý phù hợp với các doanh nghiệp FDI để có thể tiếp nhận những văn hoá kinh doanh lành mạnh, tiến bộ, văn minh và hạn chế những tác động tiêu cực về văn hoá – xã hội đối với doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng trong nước.

Câu 51: Xu hướng mới trong FDI hiện nay.

 

  1. Vị trí đầu tư

 

Mô hình chiết trung của Dunning nói chung là một MNE đầu tư vào vị trí thuận lợi nhất. Tuy nhiên, nếu chúng ta xem xét các quyết định về vị trí của các MNE khác nhau thì “vị trí” có thể có nội hàm khu vực rộng hơn. Các MNE thường đánh giá các điểm đến có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiềm năng trên cơ sở khu vực, thay vì một quốc gia. Các quốc gia tiếp giáp địa lý thường có nền văn hóa, hệ thống chính trị, kinh tế và trình độ phát triển tương tự. Các quốc gia như vậy thường tạo thành một nhóm kinh tế khu vực, với sự đồng nhất đáng kể trong các chính sách thương mại và đầu tư của họ.

 

Hoạt động trong các thị trường thống nhất như vậy mang lại nhiều lợi ích tích lũy cho các MNE với cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc chung, thương mại nội khối không có rào cản và các cơ hội kết nối. FDI vào Tây Âu (EU), Đông Á (ASEAN), Nam Á (SAARC), Đông Âu, Mỹ Latinh (ví dụ: MERCOSUR) và châu Phi (PTA),… cũng theo cùng một mô hình khu vực trong việc khai thác lợi thế kinh tế, hội nhập đã nêu ở trên và tận dụng sự phân công lao động quốc tế.

 

Báo cáo “Xu hướng FDI Nhật Bản tại các nước Đông Nam Á” của GS. Yasuhiro Yamada, Đại diện Viện Nghiên cứu Hội nhập Đông Á (ASEAN – Japan) chỉ ra rằng, Đông Nam Á là khu vực dẫn đầu thế giới về tăng trưởng kinh tế bền vững trong 3 thập kỷ qua nhờ những cải cách mạnh mẽ về môi trường kinh doanh cũng như hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Bằng chứng cụ thể với Việt Nam là thu nhập bình quân đầu người từ 1.120 USD năm 2009 đã lên mức 1.990 USD năm 2015. Mức thu nhập này được đánh giá là ở ngưỡng các nước trung lưu và trong tương lai sẽ là nước có mức thu nhập trung bình đầu người cao tầm 12.745 USD. Trong tương lai, các nước trong khu vực ASEAN, đặc biệt là Việt Nam sẽ trở thành địa điểm hấp dẫn của các nhà đầu tư trên thế giới nhờ có yếu tố tích cực trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, cũng như những cải thiện đổi mới và phát triển của môi trường kinh doanh.

 

Bằng các nghiên cứu điển hình trong đề tài “Đầu tư trực tiếp nước ngoài của Nhật Bản – Các nghiên cứu về các nhà bán lẻ Nhật Bản đối với thị trường châu Á”, PGS. Atsuji Ohara – Đại học Nagasaki (Nhật Bản) chỉ ra rằng, châu Á là thị trường tiềm năng thu hút các nhà đầu tư Nhật Bản bằng mạng lưới khách hàng mới, đặc biệt là tầng lớp trung lưu ở các thị trường mới nổi – nơi mà các nhà đầu tư có thể tận dụng nguồn vốn của mình mở rộng thương hiệu và mô hình kinh doanh. Các nhà bán lẻ Nhật Bản đang mở rộng FDI từ thị trường Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á bằng chiến lược đa dạng hóa hơn là chỉ tập trung vào thị trường Trung Quốc.

 

  1. Áp lực giảm chi phí

Kể từ cuối những năm 1980, MNES cũng đã đầu tư lớn vào Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia, những thị trường khổng lồ. Các nước này theo truyền thống đã có hàng rào thuế quan cao để ngăn chặn sự xâm nhập của hàng hóa nước ngoài. Chính phủ của họ thường chỉ thâm nhập vào các thị trường béo bở của họ khi các MNE thiết lập các cơ sở sản xuất tại địa phương.

 

Việc hình thành áp lực cạnh tranh gay gắt ở khu vực chủ nhà ban đầu sẽ khiến các MNE phải đầu tư tìm kiếm hiệu quả vào các quốc gia có mức lương thấp để giảm chi phí. Trên thực tế, để đối phó với sự gia tăng của áp lực cạnh tranh gay gắt ở Tây Âu, các MNE của Hoa Kỳ đã chuyển dịch cơ cấu FDI của họ vào các nước châu Á có GNP thấp (do đó là những thị trường kém hấp dẫn hơn) chủ yếu để tận dụng mức lương thấp các cấp độ. Theo nhận định của Hội nghị Liên Hiệp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD/CNUCED), Trung Quốc, Hàn Quốc và nhất là Đông Nam Á, trở thành những địa bàn hoạt động lý tưởng. Tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài trên thế giới được thống kê năm 2013 đạt 1.450 tỷ USD. Vào lúc mà cả Liên hiệp châu Âu lẫn Bắc Mỹ chỉ giành được 250 tỷ USDcủa số vốn đầu tư nói trên, thì phần đổ vào châu Á là 426 tỷ USD. Châu Á chiếm đến gần 30% tổng số FDI của toàn cầu. Nhưng đứng đầu danh sách vẫn là Trung Quốc với 124 tỷ USDFDI được đổ vào Trung Quốc –  không kể Hồng Kông và Đài Loan. Như vậy, chỉ một mình Trung Quốc chiếm đến 1/3 tổng đầu tư nước ngoài hướng về các nền kinh tế đang trỗi dậy của toàn châu Á.

 

  1. Môi trường đầu tư tự do

 

Hiệu quả và đầu tư tìm kiếm thị trường của các MNE vào một khu vực sẽ phụ thuộc vào các quốc gia trong khu vực đó áp dụng các chính sách tự do hóa thân thiện với nhà đầu tư.

 

Các chính sách kinh tế hạn chế của hầu hết các nước đang phát triển ở châu Á, châu Mỹ Latinh và châu Phi thường xuất phát từ khuynh hướng xã hội chủ nghĩa của họ. Điều này, cùng với những lợi ích lớn hơn của việc đầu tư vào Tây Âu, đã ngăn cản mọi nguồn vốn FDI đáng kể vào châu Á. Tuy nhiên, sự thất bại liên tiếp của các nền kinh tế kế hoạch đã gây ra sự bất bình rộng rãi với các chính sách hạn chế và dần dần các chính phủ này bắt đầu mở cửa nền kinh tế của họ (UNCTAD, 1997). Trong giai đoạn 1991 – 1996, hơn 100 quốc gia đã thực hiện tổng cộng 599 thay đổi để tự do hóa các quy định về FDI, nhưng riêng trong năm 1997, 76 quốc gia đã thực hiện 151 thay đổi về tự do hóa (Liên hợp quốc, 1998).

 

Thay vì sự thù địch trước đó đối với các MNE, các chính phủ hiện đã thành lập các cơ quan thu hút FDI. Do đó, hai yếu tố áp lực cạnh tranh gay gắt tích tụ tại các điểm đến FDI ban đầu và tự do hóa rộng rãi đồng thời của các nền kinh tế đã tác động song song để giúp thu hút FDI tìm kiếm hiệu quả vào các nước ASEAN (UNCTAD, 1997). Động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế do FDI mang lại ở khu vực này dần dần khiến các nước đang phát triển khác cũng phải gia nhập vòng xoáy tự do hóa.

 

Malaysia luôn duy trì một chế độ tự do đối với đầu tư nước ngoài. Đặc biệt vào cuối thập niên 80, sau khi tiếp tục tự do hóa các chính sách đầu tư nước ngoài, đảm bảo các ưu đãi và cơ sở vật chất hấp dẫn, tăng cường các nỗ lực xúc tiến đầu tư, dòng vốn FDI đổ vào lĩnh vực sản xuất tăng đáng kể. FDI đóng góp đáng kể vào không chỉ vào sự tăng trưởng GDP, mà còn từ góc độ thay đổi cơ cấu kinh tế, chuyển Malaysia từ cơ bản là sản xuất thô sơ sang một nền kinh tế công nghiệp hóa.

 

Trung Quốc ban đầu thực hiện chính sách mở cửa “từ từ”, chỉ thu hút FDI vào một số vùng đặc biệt (Khu kinh tế đặc biệt – SEZ) như một cuộc thử nghiệm về áp dụng Luật Liên doanh giai đoạn 1979 – 1985. Sau thành công của 4 SEZ, chính phủ Trung Quốc tiếp tục khuyến khích FDI, thành lập 14 thành phố mở duyên hải trong năm 1984. Giai đoạn 1986 – 1991 đánh dấu sự mở cửa mạnh mẽ với việc mở ra thị trường hóa đổi ngoại tệ năm 1985, việc ban hành “Các quy định của Hội đồng Nhà nước về khuyến khích đầu tư nước ngoài” năm 1986, và “Luật về Các doanh nghiệp 100% sở hữu nước ngoài”.

 

Năm 1992, Trung Quốc thông báo tiếp tục chính sách đổi mới và mở cửa với mục tiêu “xây dựng một nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Chính phủ tìm cách mở rộng chính sách khuyến khích FDI ra toàn đất nước. Giai đoạn này chứng kiến sự giao phó quyền lực từ chính quyền trung ương cho các chính quyền địa phương. Các tỉnh và thành phố được tự do xây dựng các biện pháp khuyến khích đầu tư dẫn đến kết quả hàng ngàn Khu phát triển kinh tế và công nghệ được thành lập, đầu tư và tăng lên đáng kể. Năm 1997, để đối phó với ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính châu Á, Trung Quốc quyết định ban hành chính sách tự do hóa đồng tiền nhằm nâng cao cầu nội địa, chống lạm phát và tiếp tục nỗ lực thu hút FDI. Việc gia nhập WTO đánh dấu việc từng bước mở cửa hoàn toàn nền kinh tế.

 

Kết quả của việc cải cách và mở cửa nền kinh tế giúp Trung Quốc trở thành điểm đến hàng đầu của thu hút FDI của thế giới, góp phần nâng cao sản lượng công nghiệp, tăng doanh thu về thuế, gia tăng xuất khẩu, tạo lượng việc làm khổng lồ và hấp thụ chuyển giao công nghệ và bí quyết kỹ thuật. Theo nghiên cứu của UNCTAD, có 400 trong số 500 công ty đa quốc gia lớn nhất đã đầu tư vào Trung Quốc.

 

Việt Nam cũng là một ví dụ tiêu biểu cho việc mở cửa nền kinh tế đón dòng vốn FDI. Việt Nam có mức độ mở cửa kinh tế và thương mại cao. Về thương mại, là thành viên của ASEAN, được hưởng thị trường thương mại tự do của Cộng đồng ASEAN và chuỗi hiệp định thương mại tự do “ASEAN + 1” (bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand, Ấn Độ,…).

 

Việt Nam cũng đã tham gia CPTPP tiêu chuẩn cao và RCEP bao gồm Trung Quốc; đã ký Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU được gọi là “Hiệp định Thương mại Tự do Thế hệ mới” với EU và thuế quan đối với EU sẽ dần dần được giảm xuống 0. Chiến tranh thương mại đã khiến mức thuế quan giữa Trung Quốc và Mỹ tăng lên đáng kể, đồng thời làm nổi bật lợi thế về thuế quan thấp của Việt Nam.

 

Các biện pháp tự do hóa của Việt Nam không chỉ nhằm giảm chi phí thương mại, mà còn nhằm thúc đẩy cải cách trong nước, đạt được mở cửa chất lượng cao và tạo ra một chuỗi công nghiệp đa dạng và bền vững. Về đầu tư, tình hình chính trị của Việt Nam ổn định và phạm vi đầu tư được phép rộng. Theo Chỉ số hạn chế FDI năm 2019 do OECD tổng hợp, Việt Nam cởi mở hơn với đầu tư nước ngoài so với Trung Quốc chỉ đứng sau Singapore và Myanmar trong khối ASEAN.

 

  1. Sự gần gũi về văn hóa

 

Nhiều nghiên cứu trước đây đã phát hiện ra mối quan hệ văn hóa đối với nước sở tại là một yếu tố quyết định đáng kể đến FDI. Tuy nhiên, một số học giả đã lập luận rằng sở thích và thị hiếu của người tiêu dùng ở các quốc gia khác nhau đang quy tụ về một chuẩn mực toàn cầu và do đó ảnh hưởng của khoảng cách văn hóa có thể sẽ giảm dần. Hơn nữa, các MNE cũng có thể bị buộc phải bỏ qua khoảng cách văn hóa lớn hơn của các nước đang phát triển để ủng hộ lợi thế về mức lương thấp của họ và chọn họ là những địa điểm “tốt nhất tiếp theo”.

 

Ngay từ những năm 1950, Nhật Bản đã tiến hành các dự án đầu tư vào khu vực Đông Nam Á. Khối lượng đầu tư trực tiếp của Nhật Bản vào các nước ASEAN liên tục có sự gia tăng mạnh mẽ. Từ năm 1990 đến năm 1993, FDI của Nhật Bản vào các nước này tăng từ 7,8% đến 11,33%. Đến năm 1994, tổng số vốn đầu tư này đã lên tới 5,13 tỷ USD. Trong năm 2014, con số này đã lên đến 35,57 tỷ USD, tương đương với 12,5% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài của Nhật Bản và 54% đầu tư trực tiếp của Nhật Bản tại châu Á. Sau thỏa thuận Plaza, đồng Yên lên giá mạnh so với đồng USDvà các đồng tiền ASEAN làm mất tính cạnh tranh của các sản phẩm xuất khẩu. Điều này góp phần làm gia tăng xu thế chuyển dịch đầu tư của Nhật Bản sang các nước châu Á, nơi có văn hóa tương đồng và có chi phí sản xuất thấp hơn rất nhiều so với tại Nhật Bản.

 

Năm 2018, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Nhật Bản tại ASEAN lên tới gần 30 tỷ USD, chiếm gần 56% tổng vốn FDI của Nhật Bản tại châu Á.

 

Đất nước Mặt trời mọc cũng tích cực thiết lập quan hệ kinh tế chặt chẽ với ASEAN theo những cách khác. Trong vòng 6 năm, từ năm 2002 – 2008, Nhật Bản đã phê chuẩn các thỏa thuận hợp tác kinh tế với tất cả 10 quốc gia thành viên ASEAN. Nhật Bản cũng ủng hộ tăng cường hội nhập kinh tế của ASEAN thông qua hợp tác trong khuôn khổ Hành lang Kinh tế Đông – Tây, Hành lang Kinh tế phía Nam (với các quốc gia lục địa của ASEAN) và Hành lang Kinh tế ASEAN. Những hoạt động kinh tế này đã giúp tăng cường ảnh hưởng của Nhật Bản tại Đông Nam Á.

 

Trong một cuộc thăm dò dư luận năm 2019, có tới 93% công chúng ASEAN coi Nhật Bản như là người bạn và 87% cho rằng vai trò của Nhật Bản rất quan trọng đối với khu vực. Với những khía cạnh tích cực này, quan hệ Nhật Bản – ASEAN sẽ tiếp tục phát triển, tạo thuận lợi hơn nữa cho việc tăng cường hợp tác song phương trong tương lai.

 

  1. Chu kỳ đầu tư – phát triển

 

FDI vào các nước có mức lương thấp cũng đã chứng kiến một hiệu ứng hỗn hợp. Vì các MNE không đủ khả năng để nhường các thị trường mới cho các đối thủ của mình, nên họ đã phải theo chân họ vào các thị trường đó. Kết quả là sự gia tăng hoạt động kinh tế đã dẫn đến mức lương tăng và các MNE có thể bắt đầu đối mặt với áp lực cạnh tranh gay gắt ngay cả trong các khu vực FDI mới. Cuối cùng, chu kỳ tìm kiếm các vị trí mới cho các khoản đầu tư tìm kiếm hiệu quả và tìm kiếm thị trường có thể được lặp lại. Những điểm đến tiềm năng trước tiên cũng cần đáp ứng các điều kiện tiên quyết như môi trường thân thiện với nhà đầu tư, sự ổn định chính trị và kinh tế và cơ sở hạ tầng tốt,…

 

 

 

Đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam hiện đang là đầu tư tìm kiếm hiệu quả do các doanh nghiệp vừa và nhỏ dẫn đầu. Thứ nhất, đầu tư tự phát của các doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm ưu thế. Đầu tư của các doanh nghiệp Trung Quốc vào Việt Nam chủ yếu là đầu tư tư nhân dưới 100 triệu USD, chủ yếu đến từ ngành Dệt may với nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thứ hai, cân nhắc chính để đầu tư vào Việt Nam là chuyển giao công nghiệp thụ động trong bối cảnh thay đổi bên trong và bên ngoài. Trước năm 2017, các công ty Mỹ chuyển đến Việt Nam chủ yếu do chi phí nhân công và đất đai ở Trung Quốc tăng cao, sau năm 2017, họ chuyển sang Việt Nam để tránh bị áp thuế cao do chiến tranh thương mại Trung – Mỹ.

 

Đầu tư tìm kiếm thị trường cũng có triển vọng ở Việt Nam. Theo kinh nghiệm lịch sử của Trung Quốc, Việt Nam hiện đang trong thời kỳ kinh tế phát triển và công nghiệp hóa chứa đựng những cơ hội to lớn để tăng trưởng kinh tế, tăng thu nhập và tăng tốc đô thị hóa. Dân số Việt Nam gần 100 triệu người và tổng thị trường tiêu dùng rất lớn; GDP bình quân đầu người tương đương với mức năm 2006 của Trung Quốc và thu nhập tăng lên thúc đẩy tiêu dùng nâng cấp; tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam chỉ là 36,6%, vẫn còn nhiều khả năng cải thiện so với các nước có thu nhập trung bình khác.

 

GDP bình quân đầu người của Việt Nam chưa đến 3.000 USD, nhưng trong bối cảnh chiến tranh thương mại Trung – Mỹ và đại dịch Covid-19, Việt Nam đã trở thành điểm nóng về đầu tư nước ngoài. Chính phủ Nhật Bản đã chi 2,2 tỷ USD để hỗ trợ các công ty Nhật Bản di dời cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc bằng sức mạnh tài chính. Một nửa trong số 30 công ty đầu tiên chuyển đến Đông Nam Á được công bố vào tháng 7 sẽ chuyển đến Việt Nam. Sau đó, Hiệp định Thương mại Tự do EU – Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực vào tháng 8/2020. Hiệp định cấp cao này sẽ cắt giảm 99% thuế quan song phương trong vòng 10 năm. Chưa kể, gã khổng lồ Samsung của Hàn Quốc đã rút toàn bộ việc sản xuất hàng điện tử tiêu dùng khỏi Trung Quốc và phần lớn chuyển sang Việt Nam, nhiều công ty sản xuất Trung Quốc cũng coi Việt Nam là điểm đến ưa thích để tránh thuế quan của Mỹ và chuyển hướng sản xuất. Quy mô đầu tư nước ngoài vào Việt Nam ngày càng lớn, thể hiện cục diện mới vừa hợp tác vừa cạnh tranh.

 

  1. Sự ổn định chính trị

 

Ổn định chính trị, xã hội và viễn cảnh hội nhập kinh tế khu vực là động cơ đưa dòng chảy tư bản của thế giới hướng về châu Á.

 

Tại Đông Nam Á, tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào 10 nước thành viên ASEAN trong năm 2013 theo UNCTAD tăng 7%. Singapore được coi là địa điểm có sức thu hút FDI cao nhất trong khu vực. Với 64 tỷ USD được đầu tư vào đảo quốc nhỏ bé này, Singapore hấp dẫn hơn nhiều so với 2 nước lân cận là Indonesia (19 tỷ USD) và Malaysia (22 tỷ USD).

 

Nhìn sang Thái Lan, bất ổn chính trị trong 6 tháng cuối năm 2013 là nguyên nhân khiến tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào quốc gia Đông Nam Á này chỉ đạt 13 tỷ USD, thấp hơn so với mong đợi của chính phủ Thái Lan.

 

Tương tự, các nước Thái Lan, Malaysia và Philipin không nằm trong 25 nước hàng đầu xếp hạng theo Chỉ số tin cậy FDI là do sự bất ổn chính trị và nền kinh tế vận hành kém, thiếu lao động trình độ chuyên môn cao, tăng chi phí lao động.

 

Trái hẳn với bế tắc chính trị tại Thái Lan, Myamar đang chuyển mình từ năm 2011. Trong năm 2013, theo bảng xếp hạng của Liên Hiệp quốc, nước này thực sự thành công mỹ mãn với kỷ lục 2,6 tỷ USD FDI đầu tư. Riêng đối với 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia, theo đánh giá của tổ chức UNCTAD, đầu tư FDI vào các nước này tiếp tục ổn định và tăng trưởng đều dựa trên sự ổn định chính trị.

 

  1. Bài học cho Việt Nam

 

Triển vọng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ở Việt Nam năm 2021 được xem là rất sáng sủa trong bối cảnh nhiều nhà đầu tư lớn, vừa và nhỏ từ các quốc gia phát triển dần chuyển hướng đầu tư vào Việt Nam. Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến ngày 20/3/2021 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 10,13 tỷ USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện quý I/2021 ước tính đạt 4,1 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước (GSO). Trong số các đối tác FDI vào Việt Nam, những đối tác hàng đầu chủ yếu là các nước châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, song sự hiện diện của các nước phương Tây trong số các đối tác FDI hàng đầu vẫn còn khá thấp.

 

Thứ nhất, qua kinh nghiệm của Trung Quốc, Việt Nam có thể sử dụng bài học về thành công của chiến lược tập trung ban đầu vào những khu vực có trọng điểm, sau đó mở rộng xúc tiến FDI tại các địa phương khác và đạt được các mục tiêu của chính sách FDI.

 

Thứ hai, để tận dụng được tốt xu hướng chuyển dịch dòng vốn ngày càng mạnh mẽ vào khu vực châu Á, Việt Nam cần phải quan tâm đến chất lượng dự án đầu tư nước ngoài, đồng thời tăng cường khả năng kết nối của doanh nghiệp trong nước vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài, tạo ra cơ hội phát triển toàn diện và bền vững cũng như thúc đẩy hội nhập, mậu dịch tại khu vực châu Á và thế giới để lựa chọn kế hoạch đầu tư mới, mở rộng hợp tác và phát triển lâu dài.

 

Thứ ba, Nhật Bản là một đối tác đầu tư lớn nhất vào Việt Nam, tiếp theo là Hàn Quốc và Singapore. Theo khảo sát của Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), 70% doanh nghiệp của quốc gia này tiếp tục coi Việt Nam là thị trường ưu tiên quan trọng nhất cần được duy trì chiến lược mở rộng hoạt động, vượt qua các đối thủ lớn nhất trong cạnh tranh thu hút vốn đầu tư là Indonesia, Thái Lan và Phillipines. FDI của Nhật Bản vào Việt Nam và các nước ASEAN tập trung 2 lĩnh vực chủ yếu là lĩnh vực chế tạo và phi chế tạo. Trong đó, các nhà đầu tư Nhật Bản chú trọng vào lĩnh vực chế tạo ở các nước Đông Nam Á hơn là lĩnh vực phi chế tạo, bởi các nhà đầu tư đang vận động đề ra các chính sách hấp dẫn thu hút nguồn nhân tài là lực lượng kỹ sư có lợi cho lĩnh vực này. 

 

Bên cạnh đó, Việt Nam được xem là “đất lành” cho dòng vốn FDI chất lượng cao, các doanh nghiệp quốc tế lớn đang tìm kiếm cơ hội đầu tư nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng và hạn chế việc quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Việt Nam trở thành một trong những ứng cử viên sáng giá đón dòng vốn dịch chuyển này. Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào nước ta tăng mạnh, tăng 18,5% (quý I/2021)  so với cùng kỳ năm trước, điển hình như Mỹ tăng 205,5%; Nhật Bản tăng 147,7%; Hàn Quốc tăng 67,1%.

 

Nếu Việt Nam muốn hướng tới thu hút đầu tư nước ngoài chất lượng cao, công nghệ cao, Việt Nam cần phải bảo đảm những điều kiện có chất lượng cao (như thể chế, môi trường kinh doanh, con người, vật chất, cơ sở hạ tầng). Chúng ta cần không ngừng cải thiện thủ tục hành chính, hoàn thiện khung pháp lý, có chính sách ưu đãi có chọn lọc phù hợp, đầu tư vào giáo dục và đào tạo nhân lực chất lượng cao, tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng của các khu công nghiệp, khu chế xuất và các khu kinh tế trong cả nước, gia tăng sự kết nối giao thông giữa các vùng địa lý, tạo mọi điều kiện đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho các nhà đầu tư.

 

Thứ tư, có thể thấy sự thành công của Việt Nam trong cuộc đua vào top đầu thế giới về thu hút vốn FDI thời gian qua còn nhờ vào một số yếu tố khác. Trên hết, các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá rất cao về vấn đề ổn định chính trị – xã hội, là một trong những yếu tố góp phần quan trọng để thực hiện các chính sách phát triển kinh tế. Sự thành công trong kiểm soát dịch bệnh Covid-19 thời gian qua cũng là một trong những phép thử của nền kinh tế Việt Nam trước các cú sốc như thiên tai, dịch bệnh, thể hiện sự ổn định chính trị, tạo niềm tin mạnh mẽ với các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước.

 

Câu 52: Hỗ trợ phát triển chính thức ODA là gì? Cách phân loại và vai trò của ODA?

1.Khái niệm

Theo Báo cáo nghiên cứu chính sách của Ngân hàng Thế giới (WB) xuất bản tháng 6/1999 thì: ODA là một phần của tài chính phát triển chính thức (ODF – Official Development Finance), trong đó có cho vay ưu đãi cộng với yếu tố viện trợ không hoàn lại và phải chiếm ít nhất 25% trong tổng viện trợ.1 ODF là tất cả các nguồn tài chính mà chính phủ các nước phát triển và tổ chức đa phương dành cho các nước đang phát triển.

Còn theo OECD thì ODA là nguồn vốn hỗ trợ chính thức từ bên ngoài bao gồm các khoản viện trợ và cho vay với các điều kiện ưu đãi: ODA được hiểu là nguồn vốn dành cho các nước đang và kém phát triển, được các cơ quan chính thức của các chính phủ trung ương và địa phương hoặc các cơ quan thừa hành của chính phủ, các tổ chức liên chính phủ, các tổ chức phi chính phủ tài trợ. Von ODA phát sinh từ nhu cầu cần thiết của một quốc gia, một địa phương, một ngành, được tổ chức quốc tế hay nước bạn xem xét và cam kết tài trợ thông qua một Hiệp định quốc tế, được đại diện có thẩm quyền hai bên nhận và hỗ trợ vốn kí kết. Hiệp định quốc tế hỗ trợ này được chi phối bởi công pháp quốc tế.

Chương trình phát triển Liên hợp quốc (United Nations Development Programme – UNDP) cũng đã đưa ra quan điểm về ODA: Nguồn viện trợ phát triển chính thức bao gồm các khoản cho không và các khoản vay đối với các nước đang phát triển, đó là nguồn vốn do các bộ phận chính thức cam kết (nhà tài trợ chính thức), nhằm mục đích cơ bản là phát triển kinh tế và phúc lợi xã hội và được cung cấp bằng các điều khoản tài chính ưu đãi (nếu là khoản vay, sẽ có yếu tố cho không, ít nhất là 25%).

“Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) là các khoản viện trợ không hoàn lại hoặc cho vay với điều kiện ưu đãi của các cơ quan tài chính thuộc các tổ chức quốc tế, các cơ quan đại diện hợp tác phát triển quốc tế của các nuớc nhằm hỗ trợ cho sự phát triến và thịnh vượng của các nuớc khác (không tính đến các khoản viện trợ cho mục đích thuần tuỷ quân sự).

2.Phân loại

Theo đó ODA có thể được phân loại theo nhiều tiêu chí khác nhau:

*     Theo tính chất tài trợ:

ODA không hoàn lại: là các khoản cho không, nước nhận viện trợ không có nghĩa vụ hoàn trả lại.

ODA có hoàn lại (ODA vốn vay): là các khoản vay ưu đãi (tín dụng ưu đãi).

ODA hỗn hợp: gồm một phần cho không, phần còn lại thực hiện theo hình thức tín dụng (có thể là tín dụng ưu đãi hoặc tín dụng thương mại).

*     Theo điều kiện:

ODA không ràng buộc nước nhận: việc sử dụng nguồn tài trợ không bị ràng buộc bởi nguồn sử dụng hay mục đích sử dụng nào.

ODA có ràng buộc nước nhận:

+ Bởi nguồn sử dụng: Việc mua sắm hàng hóa, trang thiết bị hay dịch vụ bằng nguồn vốn ODA chỉ giới hạn từ một số công ti do nước tài trợ sở hữu hoặc kiểm soát (đối với viện trợ song phương), hoặc từ các công ti từ các nước thành viên (đối với viện trợ đa phương).

+ Bởi mục đích sử dụng: Chỉ được sử dụng nguồn vốn ODA cho một số mục đích nhất định hoặc một số dự án cụ thể.

ODA có ràng buộc một phần: một phần chịu ràng buộc, phần còn lại không phải chịu bất kì ràng buộc nào.

*    Theo nhà cung cấp:

ODA song phương: là ODA của một quốc gia (chính phủ) tài trợ trực tiếp cho một quốc gia (chính phủ) khác.

ODA đa phương: là ODA của nhiều quốc gia (chính phủ) tài trợ cho một quốc gia (chính phủ), thường được thực hiện thông qua các tổ chức quốc tế và liên chính phủ (WB, IMF, ADB, ủy ban châu Âu EU, các tổ chức thuộc Liên Hợp quốc, quỹ OPEC…).

*    Theo mục đích:

Các loại vốn ODA nêu trên có thể thực hiện dưới nhiều hình thức dự án hoặc hình thức phi dự án với các mục tiêu khác nhau, trong đó:

Hỗ trợ dự án là hình thức chủ yếu của ODA để thực hiện các dự án cụ thể. Nó có thể là hỗ trợ cơ bản hoặc hỗ trợ kĩ thuật, có thể là viện trợ không hoàn lại hoặc cho vay ưu đãi.

Hỗ trợ phi dự án có thể là hỗ trợ cán cân thanh toán, hỗ trợ trả nợ hoặc viện trợ chương trình.

Hỗ trợ cán cân thanh toán thường là hỗ trợ tài chính trực tiếp (chuyển giao tiền tệ) hoặc hỗ trợ hàng hóa, hỗ trợ qua nhập khẩu (ngoại tệ hoặc hàng hóa được chuyển qua hình thức này có thể được sử dụng để hỗ trợ ngân sách).

Hỗ trợ trả nợ: giúp thanh toán các khoản nợ quốc tế đến hạn.

Viện trợ chương trình: là khoản ODA dành cho mục đích tổng quát với thời gian nhất định mà không yêu cầu phải xác định ngay một cách cụ thể, chi tiết nó sẽ được sử dụng như thế nào.

3.Vai trò, tác dụng

Nguồn vốn ODA được đánh giá là nguồn ngoại lực quan trọng giúp các nước đang phát triển thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của mình. Vai trò của ODA đối với các nước nhận tài trợ thể hiện một số điểm chính sau đây:

ODA là nguồn vốn bổ sung giúp cho các nước nghèo đảm bảo chi đầu tư phát triển, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Vốn ODA có đặc tính ưu việt là thời hạn cho vay cũng như thời gian ân hạn dài (25 – 40 năm mới phải hoàn trả và thời gian ân hạn 8-10 năm), lãi suất thấp (khoảng từ 0,25% đến 2%/năm), và trong nguồn vốn ODA luôn có một phần viện trợ không hoàn lại. Chỉ có nguồn vốn lớn với điều kiện cho vay ưu đãi như vậy chính phủ các nước đang phát triển mới có thể tập trung đầu tư cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế như đường sá, điện, nước, thuỷ lợi và các hạ tầng xã hội như giáo dục, y tế. Những cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội được xây dựng mới hoặc cải tạo nhờ nguồn von ODA là điều kiện quan trọng thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế của các nước nghèo. Theo tính toán của các chuyên gia WB, đối với các nước đang phát triển có thể chế và chính sách tốt, khi ODA tăng lên 1% GDP thì tốc độ tăng trưởng tăng thêm 0,5%.

ODA giúp các nước tiếp nhận phát triển nguồn nhân lực, bảo vệ môi trường. Một lượng ODA lớn được các nhà tài frợ và các nước tiếp nhận ưu tiên dành cho đầu tư phát triển giáo dục, đào tạo, nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của lĩnh vực này, tăng cường một bước cơ sở vật chất kĩ thuật cho việc dạy và học của các nước đang phát triển. Bên cạnh đó, một lượng ODA khá lớn cũng được dành cho các chương trình hỗ trợ lĩnh vực y tế, đảm bảo sức khoẻ cộng đồng. Nhờ có sự tài trợ của cộng đồng quốc tế, các nước đang phát triển đã gia tăng đáng kể chỉ số phát triển con người của quốc gia mình.

ODA giúp các nước đang phát triển xoá đói, giảm nghèo. Xoá đói, giảm nghèo là một trong những tôn chỉ đầu tiên được các nhà tài trợ quốc tế đưa ra khi hình thành phương thức hỗ trợ phát triển chính thức. Mục tiêu này biểu hiện tính nhân đạo của ODA. Trong bối cảnh sử dụng có hiệu quả, tăng ODA một lượng bằng 1% GDP sẽ làm giảm 1% nghèo khổ, và giảm 0,9% tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh. Và nếu như các nước giàu tăng 10 tỉ USD viện trợ hàng năm sẽ cứu được 25 triệu người thoát khỏi cảnh đói nghèo.

ODA là nguồn bổ sung ngoại tệ và làm lành mạnh cán cân thanh toán quốc tế của các nước đang phát triển. Đa phần các nước đang phát triển rơi vào tình trạng thâm hụt cán cân vãng lai, gây bất lợi cho cán cân thanh toán quốc tế của các quốc gia này. ODA, đặc biệt các khoản trợ giúp của IMF có chức năng làm lành mạnh hóa cán cân vãng lai cho các nước tiếp nhận, từ đó ổn định đồng bản tệ.

–   ODA được sử dụng có hiệu quả sẽ trở thành nguồn lực bổ sung cho đầu tư tư nhân. Ở những quốc gia có cơ chế quản lý kinh tế tot, ODA đóng vai trò như nam châm “hút” đầu tư tư nhân theo tỉ lệ xấp xỉ 2 USD hên 1 USD viện trợ. Đối với những nước đang trong tiến trình cải cách thể chế, ODA còn góp phần củng cố niềm tin của khu vực tư nhân vào công cuộc đổi mới của đất nước. Tuy nhiên, không phải lúc nào ODA cũng phát huy tác dụng đối với đầu tư tư nhân. Ở những nền kinh tế có môi trường kinh doanh bị bóp méo nghiêm trọng thì viện trợ không những không bổ sung mà còn “loại trừ” đầu tư tư nhân. Điều này giải thích tại sao các nước đang phát triển mắc nợ nhiều, mặc dù nhận được một lượng ODA lớn của cộng đồng quốc tế song lại không hoặc tiếp nhận được rất ít von FDI.

–   ODA giúp các nước đang phát triển tăng cường năng lực thể chế thông qua các chương trình, dự án hỗ trợ công cuộc cải cách pháp luật, cải cách hành chính và xây dựng chính sách quản lý kinh tế phù hợp với thông lệ quốc tế.

–   Tuy đóng vai hò quan trọng, song nguồn ODA cũng tiềm ẩn nhiều hậu quả bất lợi đối với các nước tiếp nhận nếu ODA không được sử dụng hiệu quả. Các nước giàu khi viện trợ ODA đều gắn với những lợi ích và chiến lược như mở rộng thị trường, mở rộng họp tác có lợi cho họ, đảm bảo mục tiêu về an ninh – quốc phòng hoặc theo đuổi mục tiêu chính trị… Vì vậy, họ đều có chính sách riêng hướng vào một số lĩnh vực mà họ quan tâm hay họ có lợi thế. Ngoài ra, tình trạng thất thoát, lãng phí; xây dựng chiến lược, quy hoạch thu hút và sử dụng vốn ODA vào các lĩnh vực chưa hợp lý; trình độ quản lý thấp, thiếu kinh nghiệm trong quá trình tiếp nhận cũng như xử lý, điều hành dự án… khiến cho hiệu quả và chất lượng các công trình đầu tư bằng nguồn vốn này còn thấp… có thể đẩy nước tiếp nhận ODA vào tình trạng nợ nần.

Việt Nam hiện là quốc gia nhận được nguồn vốn ODA tương đối nhiều so với các nước cùng nhóm thu nhập. Nguồn von ODA và vốn vay ưu đãi đã góp phần quan trọng, tích cực trong việc thúc đẩy kinh tế – xã hội, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt đối với vùng sâu, vùng xa. Nhiều công trình, dự án sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng phát huy tốt hiệu quả đầu tư. Các nguồn vốn vay còn hỗ trợ đẩy mạnh quá trình chuyển giao công nghệ và tiếp thu khoa học kĩ thuật, kinh nghiệm quản lý tiên tiến của các nước phát triển trên thế giới, tạo ra việc làm. Tuy nhiên, trong quá trình thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA còn tồn tại một số bất cập, hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới như tiến độ thực hiện, giải ngân các chương trình dự án chưa đáp ứng được yêu cầu và cam kết trong hiệp định kí kết với các nhà tài trợ…

Đến tháng 9/2018, Việt Nam đã kí các hiệp định vay hơn 84 tỉ USD vốn ODA, tập trung chủ yếu vào một số nhà tài trợ như WB khoảng 29%, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) khoảng 20%, Nhật Bản 34%, Trung Quốc 4%, Hàn Quốc 4%, Pháp 3%… Dư nợ nước ngoài của Chính phủ tính đến năm 2017 là hơn 45,8 tỉ USD, tỉ lệ nợ nước ngoài chiếm khoảng 20,52%.

Câu 53: Xu hướng mới của ODA hiện nay.

 

Thứ nhất:Ngày càng có thêm nhiều cam kết quan trọng trong qua hệ hỗ trợ phát triển chính thức

 

Thứ hai:Bảo vệ môi trường sinh thái đang là trọng tâm ưu tiên của các nhà tài trợ.

         

Thứ ba:Vấn đề phụ nữ trong phát triển thường xuyên được đề cập tới trong chính sách ODA của nhiều nhà tài trợ.

 

Thứ tư: Mục tiêu và yêu cầu của các nhà tài trợ ngày càng cụ thể. Tuy nhiên ngày càng có sự nhất trí cao giữa nước tài trợ và nước nhận viện trợ về một số mục tiêu như: Tạo tiền đề tăng trưởng kinh tế ; Xoá đói giảm nghèo; Bảo vệ môi trường…

 

Thứ năm: nguồn vốn ODA tăng chậm và cạnh tranh giữa các nước đang phát triển trong việc thu hút vốn ODA đang tăng lên

 

 

Câu 54: Đầu tư theo hình thức vay thương mại là gì? Khái niệm, đặc điểm, phân loại

1.Khái niệm

Các khoản vay thương mại là một thuật ngữ thường được sử dụng để chỉ định các khoản vay không được duy trì thường xuyên bởi các bộ phận cho vay bất động sản hoặc cho vay tiêu dùng. Trong phân phối tài sản, các khoản vay thương mại hoặc kinh doanh thường bao gồm một trong những tài sản quan trọng nhất của một ngân hàng quốc gia. Chúng có thể được bảo đảm hoặc không được bảo đảm và cho các kì hạn ngắn hoặc dài hạn. Các khoản vay này bao gồm các khoản tạm ứng vốn lưu động, các khoản vay kinh doanh có kì hạn, tín dụng nông nghiệp và các khoản vay cho các cá nhân vì mục đích kinh doanh, vốn vay thương mại thường là vốn lưu động hoặc các khoản vay có thời hạn, cung cấp nguồn tài trợ theo nhu cầu của bên vay vốn và được hoàn trả theo hạn. Cho vay của ngân hàng thương mại, nói rộng ra là tín dụng ngân hàng thương mại, là một lĩnh vực phức tạp và thường xuyên cập nhật theo những biến chuyển của môi trường kinh tế.

Đầu tư theo hình thức vay thương mại là một khoản vay thương mại trong thỏa thuận tài trợ giữa một doanh nghiệp với một tổ chức tài chính, để tài trợ cho chi phí vốn lớn bao gồm cả chi phí hoạt động mà doanh nghiệp của nước nhận đầu tư không có khả năng chi trả.

Chi phí trả trước tốn kém và những rào cản pháp lý thường hạn chế các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận trực tiếp với thị trường vay thương mại của quốc tế hoặc chủ sở hữu vốn vay. Tương tự như tín dụng tiêu dùng, các doanh nghiệp nhỏ hơn phải dựa vào các sản phẩm cho vay khác, chẳng hạn như hạn mức tín dụng, các khoản vay không có bảo đảm hoặc các khoản vay có kì hạn.

Kinh tế càng phát triển, doanh số cho vay của các ngân hàng thương mại càng tăng nhanh và loại hình cho vay càng trở nên vô cùng đa dạng ở hầu hết các nước phát triển hàng đầu thế giới, cho vay của các ngân hàng thương mại đã chuyển dần từ cho vay ngắn hạn sang cho vay dài hạn; Khu vực cho vay ngắn hạn nhường chỗ cho thị trường tài chính – tiền tệ cung ứng. Ngược lại, ở hầu hết các nước đang phát triển, cho vay ngắn hạn vẫn chiếm bộ phận lớn hơn cho vay dài hạn, xuất phát từ việc thiếu an toàn cho các khoản đầu tư dài hạn (trong đó có những tác nhân chủ yếu như tình hình tăng trưởng, lạm phát…).

2.Đặc điểm

Nguồn tín dụng do bên cho vay (chủ đầu tư) tự tạo bằng vốn tự có hoặc bằng vốn lưu động trên thị trường vốn trong nước hay quốc tế. Đồng tiền cho vay có thể là đồng tiền của nước chủ đầu tư, hoặc một ngoại tệ có khả năng chuyển đổi. Thời hạn tín dụng là một yếu tố quan trọng để xác định giá cả của mỗi khoản tín dụng. Thông thường, bên vay nợ (bên nhận đầu tư) muốn thời gian càng dài càng tốt để có đủ thời gian sử dụng vốn vay có hiệu quả, đảm bảo khả năng hoàn trả nợ.

Lãi suất là yếu tố chính cấu thành giá cả khoản vay và cũng là yếu tố quan trọng để xác định hiệu quả của khoản tín dụng đối với bên cho vay cũng như bên đi vay. Các khoản tín dụng thường được lấy làm cơ sở để tính lãi suất cho vay, thường là lãi suất liên ngân hàng tại Luân Đôn (London Interbank Offered Rate – LIBOR), tương ứng với ngoại tệ dùng trong khoản tín dụng và thời hạn tính lãi. Ví dụ, một khoản tín dụng bằng USD, thời hạn 03 năm, trả dần cứ 06 tháng một phần bằng nhau. Lãi suất được xác định là lãi suất LIBOR USD, thời hạn 6 tháng tại thị trường Luân Đôn, vào hồi 1 Ih Luân Đôn 02 ngày trước ngày rút tiền để sử dụng. Đầu mỗi kì lại xác định lại lãi suất cho kì đó theo cách nêu trên. Vì vậy, vay nợ theo lãi suất LIBOR là vay nợ với lãi suất biến động tùy theo tình hình liên thị trường tiền tệ, có thể hạ thấp hoặc lên cao.

Phí suất tín dụng là một yếu tố quan trọng trong quan hệ tín dụng. Phí suất tín dụng là tỉ lệ phần trăm tính theo năm của quan hệ so sánh giữa tổng chi phí vay thực tế và tổng số tiền vay thực tế. Phí suất tín dụng không được công bố trong hợp đồng tín dụng. Các yếu tố cấu thành phí suất tín dụng gồm: lãi suất, thủ tục phí, lệ phí, hoa hồng, đặt cọc và các khoản chi phí giấu mặt khác. Bên vay phải căn cứ vào phí suất tín dụng để hạch toán lỗ lãi của khoản vay mà không thể dựa vào lãi suất vay của ngân hàng.

Bên cho vay thường yêu cầu các khoản tín dụng phải được bảo lãnh bởi cơ quan tài chính hoặc ngân hàng lớn có uy tín trên thị trường vốn trong nước và quốc tế. Ngoài ra, bên cho vay có thể còn yêu cầu phải có ý kiến của một số luật gia bên vay, chứng nhận khoản vay là hợp pháp theo luật pháp của bên vay.

Quan hệ giữa chủ đầu tư và đối tượng nhận đầu tư là quan hệ vay nợ. Đối với nhận đầu tư không có quyền sở hữu chỉ có quyền sử dụng vốn của chủ đầu tư frong một khoảng thời gian nhất định, sau đó phải hoàn trả lại cho chủ đàu tư cả gốc và lãi.

Chủ đầu tư tuy không trực tiếp tham gia vào quản lý hoạt động của doanh nghiệp tiếp nhận vốn nhưng trước khi cho vay đều nghiên cứu tính khả thi của dự án đầu tư, có yêu cầu về bảo lãnh hoặc thế chấp các khoản vay để giảm rủi ro.

Chủ đầu tư nước ngoài thu lợi nhuận qua lãi suất ngân hàng theo thỏa thuận giữa hai bên và ghi trong hợp đồng vay độc lập với kết quả kinh doanh của doanh nghiệp vay (đối tượng nhận đầu tư).

Hình thức đầu tư này được sử dụng khá phổ biến. Ưu điểm của hình thức này là người đi vay dễ dàng chuyển vốn vay thành các phương tiện đầu tư khác vì khoản vốn này chủ yếu dưới dạng tiền tệ và hoàn toàn chủ động trong việc sử dụng vốn theo mục đích của họ. Người cho vay có thu nhập ổn định là tiền lãi vay, khoản tiền này không phụ thuộc vào kết quả sử dụng vốn. Người cho vay còn có thể đưa ra một số ràng buộc đối với người vay.

Nhược điểm của hình thức này là hiệu quả sử dụng vốn thường thấp do bên nước ngoài không trực tiếp tham gia quản lý đối tượng mà họ bỏ vốn đầu tư. Ket cục, nhiều nước đang và chậm phát triển lâm vào tình trạng nợ nần, thậm chí không có khả năng chi trả dẫn đến phụ thuộc vào chủ nợ.

3.Phân loại

Cho vay thương mại được chia thành hai loại chính:

– Căn cứ vào chủ thể tín dụng:

Căn cứ vào chủ thể tín dụng để phân loại thì tín dụng quốc tế có thể chia thành hai loại: tín dụng tư nhân thuần túy và tín dụng hỗn hợp với tín dụng nhà nước.

Tín dụng tư nhân thuần tuý là khoản tín dụng giữa các tổ chức tư nhân ở nước ngày với tổ chức tư nhân ở nước khác.

Tín dụng hỗn hợp với tín dụng nhà nước là khoản tín dụng có sự kết hợp giữa nhà nước và ngân hàng thương mại của nước này cung cấp cho nước khác. Khoản tín dụng gồm hai bộ phận là khoản tín dụng của chính phủ (governmental credit) và khoản tín dụng ngân hàng (bank credit). Trong những khoản tín dụng hỗn hợp với tín dụng nhà nước, lãi suất của tín dụng tư nhân vẫn giữ tính độc lập của nó. Các khoản tín dụng nhà nước thường được cấp với lãi suất ưu đãi, không phụ thuộc vào lãi suất tín dụng trên thị trường mà chỉ phụ thuộc vào tình hình quan hệ giữa nước cho vay và nước vay nợ.

– Căn cứ vào thời hạn cho vay:

Căn cứ vào thời hạn cho vay có thể chia thành:

Tín dụng không có kì hạn ấn định trước là loại tín dụng mà ngân hàng không quy định thời hạn nhất định, khi muốn thu hồi vốn, ngân hàng sẽ báo trước cho người vay một số ngày nhất định.

Tín dụng ngắn hạn gồm những khoản tín dụng thông thường có thời hạn không quá 01 năm, hoặc có thể 18 tháng, 02 năm tùy theo tập quán từng nước.

Tín dụng trung hạn gồm những khoản tín dụng có thời hạn trên loại ngắn hạn cho đến 05 hoặc 07 năm.

Tín dụng dài hạn gồm những khoản tín dụng có thời hạn trên loại trung hạn cho đến 30 – 50 năm.

Từ năm 1993, Việt Nam bắt đầu vay vốn viện trợ từ các định chế tài chính đa phương và song phương như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và các nước Nhật Bản, Pháp, Đan Mạch, Canada… Ke từ năm 2010, Việt Nam đã chính thức gia nhập nhóm các nước có thu nhập trung bình thấp. Điều này tất yếu kéo theo các khoản ODA dành cho Việt Nam sẽ càng ngày càng ít đi, thay vào đó là các khoản vay thương mại. Kể từ thời điểm này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư của Việt Nam đã định hướng nước ta phải chuyển từ ODA sang các khoản vay lãi suất thấp hơn, rồi chuyển sang các khoản vay thương mại bình thường. Chính phủ Việt Nam chủ trương phân bổ nguồn vốn ODA sẽ được siết chặt lại. Các đối tượng nhận viện trợ ODA sẽ không được hưởng 100% ưu đãi như trước đây mà đòi hỏi sẽ phải có vốn đối ứng hoặc có khả năng hoàn trả một phần vốn.

Thực tế, đến tháng 7/2017, WB “tuyên bố” chấm dứt cung cấp nguồn vốn ODA ưu đãi cho Việt Nam, thay vào đó các khoản vay ưu đãi với mức lãi suất cao hơn. Cùng với đó, có thể nhiều nguồn vốn ODA song phương và đa phương dành cho Việt Nam cũng sẽ giảm dần. Việt Nam sẽ phải chuyển sang “giai đoạn bước đệm” là sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi trước khi tiến tới vay thương mại theo điều kiện thị trường.

Câu 55: Trình bày các giai đoạn trong lý thuyết vòng đời quốc tế của sản phẩm (international product life cycle) của Raymond Vernon? Theo lý thuyết này FID xuất hiện ở giai đoạn nào?

1.Khái niệm 

Lí thuyết về vòng đời sản phẩm (Product life theory) là lí thuyết tìm cách lí giải những thay đổi trong xu thế phát triển của thương mại quốc tế theo thời gian. Lí thuyết về vòng đời sản phẩm được xây dựng trên cơ sở một chuỗi các quá trình đổi mới và quảng bá sản phẩm nối tiếp nhau.

2.Sự ra đời của lí thuyết về vòng đời sản phẩm

Raymond Vernon là người đầu tiên đưa ra lí thuyết về vòng đời sản phẩm vào giữa thập kỉ 1960 của thế kỉ trước. Lí thuyết của ông dựa trên những quan sát thực tế là trong suốt thế kỉ XX một tỉ lệ rất lớn các sản phẩm mới của thế giới đã được phát triển bởi các công ty Hoa Kỳ và được tiêu thụ ban đầu tại thị trường Hoa Kỳ (ví dụ như sản xuất ô tô ở qui mô công nghiệp, máy thu hình, máy ảnh chụp lấy ngay, máy photocopy, máy tính cá nhân, và các chíp bán dẫn).

Để giải thích thực tế này, Vernon lập luận rằng sự thịnh vượng và qui mô của thị trường Hoa Kỳ đã mang lại cho các công ty Hoa Kỳ một động lực rất lớn đề phát triển các sản phẩm tiêu dùng mới. Thêm vào đó, chi phí nhân công cao ở Hoa Kỳ cũng khiến cho các công ty Hoa Kỳ có lí do để sáng chế ra các qui trình công nghệ tiết kiệm chi phí sản xuất.

3.Các giai đoạn của sản phẩm trong lí thuyết về vòng đời sản phẩm

Theo lí thuyết này, vòng đời sản phẩm được chia thành 4 giai đoạn.

Trong giai đoạn thứ nhất (giới thiệu sản phẩm)khi sản phẩm mới được tung ra thị trường, nước tiêu dùng sản phẩm cũng là nước sản xuất vì có mối quan hệ gắn bó giữa đổi mới và nhu cầu. Nước sản xuất ban đầu này – thường là các nước công nghiệp tiên tiến – trở thành nước xuất khẩu sang các nước có thu nhập cao khác.

Bước sang giai đoạn thứ hai (tăng trưởng), sản xuất bắt đầu diễn ra ở các nước công nghiệp hàng đầu khác và dần dần thay thế cho hàng xuất khẩu của nước đổi mới sang các thị trường này. FDI dần xuất hiện trong giai đoạn này của lý thuyết vòng đời sản phẩm. Một số đặc điểm chính của giai đoạn này:

  • Chi phí đầu tư: Doanh nghiệp tiếp tục đầu tư mạnh vào nghiên cứu và phát triển sản phẩm, dù chi phí đầu tư đã giảm so với giai đoạn đầu.
  • Giá thành sản phẩm: Nhờ vào việc sản xuất sản phẩm hàng loạt, giá thành sản phẩm đã giảm đáng kể so với giai đoạn mới tung ra thị trường.
  • Doanh thu: tăng vọt. Doanh nghiệp bắt đầu hòa vốn và thu về những đồng lợi nhuận đầu tiên.
  • Đối thủ cạnh tranh: dần xuất hiện

Giai đoạn thứ ba bắt đầu khi nhu cầu của các nước khác về sản phẩm mới đạt tới qui mô cho phép các nhà sản xuất thu được lợi thế của sản xuất qui mô lớn và bản thân họ trở thành các nhà xuất khẩu ròng (tức xuất khẩu lớn hơn nhập khẩu) sang các nước không sản xuất sản phẩm mới, qua đó thay thế cho hàng xuất khẩu từ nước đổi mới.

Trong giai đoạn cuối cùng, khi công nghệ và sản phẩm ngày càng được tiêu chuẩn hóa và ngay cả những công nhân không được đào tạo cũng có thể sản xuất, các nước đang phát triển có chi phí thấp bắt đầu xuất khẩu sản phẩm này và họ tiếp tục thay thế xuất khẩu của nước đổi mới. Cũng trong giai đoạn này, nước đổi mới đã chuyển sang sản xuất các sản phẩm mới khác.

Câu 56: Tại sao nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giữ vị trí quan trọng trong số các nguồn vốn nước ngoài vào các nước đang phát triển? Liên hệ Việt Nam.

1.Vai trò của FDI đối với nền kinh tế

Trên phạm vi thế giới, nhiều nghiên cứu cho thấy, FDI có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế của quốc gia đang phát triển, thể hiện ở những điểm chủ yếu sau đây: Khỏa lấp thiếu hụt về vốn đầu tư để phát triển kinh tế – xã hội; Góp phần quan trọng vào công cuộc hiện đại hóa công nghệ của nền kinh tế; Tiếp thu kinh nghiệm quản lý tiên tiến để phát triển kinh tế nhanh hơn, hiệu quả hơn; Tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động, hình thành đội ngũ lao động có tay nghề cao và tinh thần lao động sáng tạo, có kỷ cương, kỷ luật; Gia tăng năng suất lao động, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần giải quyết đói nghèo, nâng cao đời sống người dân; Góp phần gia tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước; Thúc đẩy phát triển của đội ngũ doanh nghiệp trong nước; Mở rộng giao thương quốc tế, phát triển thị trường và tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu.

2.Vai trò và hiệu quả FDI đối với nền kinh tế Việt Nam

Với số liệu nghiên cứu, tổng hợp và theo các chỉ tiêu đã xác định, tác giả đánh giá hiệu quả khu vực FDI trong giai đoạn 2011-2019 như sau: Giai đoạn 2011-2019, khu vực FDI đóng góp khoảng 25,7% cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam, chiếm khoảng 13% GDP năm 2010 và 19,6% GDP năm 2019.

Đến năm 2019, lao động làm việc trong doanh nghiệp có vốn FDI vào khoảng 6,1 triệu người. Năng suất lao động của khu vực FDI đạt mức khoảng 118 triệu đồng (giá năm 2010), đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 8,7%/năm (cao hơn rất nhiều so với  năng suất lao động của khu vực doanh nghiệp trong nước: 8,7/4,6). Theo Sách trắng doanh nghiệp năm 2020 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố, thu nhập trung bình 1 lao động của khu vực doanh nghiệp FDI đạt khoảng 11,2 triệu đồng/tháng, cao hơn mức trung bình của nền kinh tế khoảng 1,2 lần (11,2/9,6).

Đối với thu ngân sách nhà nước, thu trong nước chiếm tỷ trọng lớn. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng tăng tỷ lệ đóng góp vào thu ngân sách nhà nước trong những năm gần đây (tỷ lệ 10,8% năm 2010 tăng lên khoảng 13,6% năm 2019). Đây là tín hiệu tốt nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm lực thực tế của khu vực FDI.

Điều này cho thấy, đóng góp của FDI cho nền kinh tế Việt Nam còn hạn chế. Khu vực FDI chiếm khoảng 23-24% vốn đầu tư xã hội nhưng chỉ đóng góp khoảng 19,6% vào tổng GDP của toàn nền kinh tế. Tuy nhiên, khu vực FDI đóng góp lớn và gia tăng độ mở của nền kinh tế do tỷ lệ đóng góp của khu vực FDI vào tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam ngày càng tăng.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong giai đoạn 2011- 2018, tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp FDI đạt trung bình khoảng 6,2%, trong khi mức trung bình doanh nghiệp của cả nước chỉ đạt khoảng 3,85%. Tuy nhiên, do chưa tính toán được thất thoát do chuyển giá của nhiều doanh nghiệp FDI nên thực chất hiệu quả của khu vực FDI chưa thể khẳng định.

Việc đánh giá vai trò FDI đối với sự phát triển của nền kinh tế có thể tiến hành được, đây là công việc  có cơ sở khoa học vững chắc. Đối với các chỉ tiêu mà tác giả đã xác định để đánh giá hiệu quả khu vực FDI thể hiện vai trò của FDI là khả thi và có thể tính toán được. Kết quả phân tích cho thấy, vai trò FDI đối với nền kinh tế Việt Nam là rất lớn, cả trong hiện tại và tương lai. Vì thế, việc nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm thu hút được nhiều hơn và phát huy tốt vai trò của FDI đối với kinh tế-xã hội Việt Nam có ý nghĩa quan trọng. Theo đó, tác giả đề xuất một số nhóm giải pháp gồm:

Thứ nhất, có những chủ trương, định hướng mới trong thu hút vốn FDI để tăng tốc nền kinh tế.

Gia tăng thu hút các dự án FDI có quy mô vốn lớn, nắm giữ công nghệ cao đến từ các nước phát triển hàng đầu trên thế giới là chủ trương xuyên suốt được đặt ra. Theo đó, để thực hiện tốt điều này, Việt Nam cần có chính sách đảm bảo thu hút vốn FDI chiếm khoảng 25-27% vốn đầu tư xã hội để nền kinh tế bứt tốc. Mỗi năm phấn đấu thu hút khoảng 20 tỷ USD và tỷ lệ vốn thực hiện khoảng 70-75% số vốn đăng ký. Cùng với đó, nâng tỷ lệ vốn FDI đến từ các nước phát triển hàng đầu thế giới để phát triển mạnh hơn nữa công nghiệp điện tử, chế tạo máy móc thiết bị với công nghệ cao, có nhiều giá trị gia tăng và có khả năng xuất khẩu lớn. Đồng thời, làm cơ sở thúc đẩy sự phát triển doanh nghiệp trong nước, góp phần tạo nên các chuỗi giá trị trong nước.

Dự báo đến năm 2030, Việt Nam có khoảng 120 triệu dân, tiếp tục ổn định về chính trị, kinh tế; Việt Nam cần phát triển mạnh các lĩnh vực tự động hóa, cơ điện tử, máy móc phục vụ sản xuất hàng hóa–điện– vận tải, viễn thông, thuốc chữa bệnh, vận tải biển, logistics, chữa bệnh, du lịch.

Thứ hai, hoàn thiện chính sách thu hút vốn FDI, đảm bảo đồng bộ, nhất quán.

Từ Trung ương đến địa phương cần đưa ra các cam kết mạnh mẽ đồng hành cùng nhà đầu tư FDI, tạo thuận lợi để các nhà đầu tư làm ăn có hiệu quả,

lâu dài và ổn định. Theo lý thuyết, lợi nhuận là đòi hỏi hàng đầu đối với các nhà đầu tư nói chung. Tuy nhiên, cần có các chính sách hạn chế đến mức tối thiểu tình trạng chuyển giá và khai báo “lỗ giả lãi thật” gây thiệt hại cho nền kinh tế Việt Nam.

Bên cạnh đó, ban hành các chính sách hấp dẫn nhằm thu hút các nhà đầu tư, tạo ra lợi thế cạnh tranh trong môi trường đầu tư của Việt Nam như: hỗ trợ nhân lực chất lượng cao, giảm hoặc miễn tiền thuê đất, giảm thuế nhập khẩu thiết bị, nguyên liệu và các nhà đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ khi vào Việt Nam làm ăn. Mặt khác, hạn chế những dự án chỉ có công nghệ trung bình, sử dụng nhiều đất và tiêu tốn nhiều điện lại có nguy cơ ô nhiễm môi trường.

Thứ ba, đào tạo nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển.

Việt Nam cần tập trung đào tạo nhân lực quản lý bậc trung và nhân lực làm việc trong lĩnh vực chuyển đổi số. Chính phủ ưu tiên hỗ trợ kinh phí đào tạo nhân lực cho những dự án sử dụng công nghệ cao, quy mô lớn phù hợp với hình thành các lĩnh vực mũi nhọn và các sản phẩm chủ lực của Việt Nam.

Thứ tư, phát triển đội ngũ doanh nghiệp trong nước nhằm hình thành chuỗi giá trị.

Phát triển đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam cả về số lượng, quy mô và chất lượng có năng lực kết nối với doanh nghiệp FDI là yêu cầu đặt ra trong quá trình hội nhập, thu hút FDI.

Theo đó, thời gian đầu nên phát triển mạnh hình thức liên kết giữa nhà đầu tư nước ngoài với nhà  đầu tư trong nước để hình thành đội ngũ đủ năng lực chế tạo thiết bị, linh kiện phục vụ lắp ráp cho các doanh nghiệp FDI lớn. Sau đó thực hiện từng bước mua lại doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của người nước ngoài.

Việt Nam là quốc gia vừa thiếu công nghệ nguồn, công nghệ hiện đại, vừa thiếu nguyên liệu theo yêu cầu của các nhà lắp ráp lớn đã đầu tư vào Việt Nam nên Nhà nước cần có kế hoạch khả thi, thực tế để phát triển lực lượng doanh nghiệp trong nước lớn mạnh.

Thứ năm, đánh giá hiệu quả kinh tế FDI trên phạm vi cả nước

Hàng năm tổ chức triển khai đánh giá hiệu quả kinh tế của FDI trên phạm vi cả nước. Để thực hiện nội dung này, Nhà nước nên có hướng dẫn đánh giá hiệu quả FDI thống nhất cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Trong đó, cần xây dựng các chỉ tiêu định lượng và cách đánh giá thiệt hại do chuyển giá của doanh nghiệp FDI; Nên hình thành cổng thông tin điện tử về FDI và công khai kết quả đánh giá hiệu quả cho doanh nghiệp, người dân được biết một cách công khai, minh bạch.

Câu 57: Tự do hóa đầu tư là gì? Các biện pháp tự do hóa đầu tư?

1.Khái niệm 

Trong xu thế toàn cầu hóa như hiện nay, đầu tư nước ngoài là một lĩnh vực hết sức quan trọng, đóng góp ngày càng lớn vào tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, mở rộng thị trường xuất khẩu và tăng nguồn thu đáng kể cho ngân sách Nhà nước, tạo vị thế vững chắc để quốc gia chủ động hội nhập với kinh tế khu vực và thế giới. Nhận thức được tầm quan trọng của đầu tư nước ngoài, các quốc gia trên thể giới cũng như các quốc gia thành viên ASEAN đã có những chính sách để thực hiện tự do hóa trong đầu tư.

Vậy tự do hóa đầu tư là gì? Có thể hiểu tự do hóa đầu tư là những biện pháp nhằm cắt giảm hay loại bỏ các rào cản có tính cản trở hoạt động đầu tư từ quốc gia này sang quốc gia khác để tạo nên một môi trường đầu tư có tính cạnh tranh và bình đẳng hơn, tạo sự thuận lợi, thông thoáng cho việc di chuyển các nguồn vốn đầu tư giữa các quốc gia.

2.Các biện pháp tự do hóa đầu tư

Để tự do hóa đầu tư một cách triệt để, mỗi quốc gia cần phải thực hiện những biện pháp (phương thức) sau:

– Mở rộng phạm vi danh mục những ngành, nghề, dịch vụ mà các nhà đầu tư nước ngoài được phép đầu tư, từ đó tạo sự cạnh tranh trong nền kinh tế.

– Từng bước loại bỏ các biện pháp hạn chế đầu tư, áp dụng nguyên tắc đãi ngộ quốc gia (NT) và nguyên tắc tối huệ quốc (MFN). Cụ thể là, khi các nhà đầu tư thuộc các nước là thành viên của tổ chức tiến hành đầu tư tại một quốc gia thành viên khác sẽ được hưởng những ưu đãi và nghĩa vụ như nhau. Có như vậy mới tạo được một môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình dẳng, không có sự phân biệt đối xử giữa nhà đầu tư.

Câu 58: Theo quan điểm của UNCTAD, hãy phân tích định nghĩa TNC, định nghĩa về công ty mẹ và công ty con ở nước ngoài? Theo định nghĩa này đâu là điểm khác biệt giữa các dạng chính của công ty con ở nước ngoài. 

  1. Định nghĩa
  • Các TNC là các doanh nghiệp có/không có tư cách pháp nhân gồm các công ty mẹ và các công ty con ở nước ngoài của chúng.
  • Công ty mẹ: công ty kiểm soát tài sản của những thực thể kinh tế khác nhau ở nước ngoài, thường được thực hiện thông qua sở hữu một tỉ lệ góp vốn nhất định (>= 10%)
  • TNC là một công ty tiến hành FDI, gồm công ty mẹ mang một quốc tịch nhất định với các công ty con thuộc sở hữu một phần/toàn bộ hoạt động trong các dự án FDI tại nhiều quốc gia, trong đó công ty này có quyền quản lý hoặc kiểm soát đáng kể.
  1. Điểm khác biệt giữa các dạng chính của công ty con ở nước ngoài là tỉ lệ góp vốn (tỉ lệ vốn sở hữu của công ty mẹ) và tư cách pháp nhân

Công ty con (subsidiary enterprise) – có tư cách pháp nhân. T5- công ty mẹ sở hữu 50%

Công ty liên kết (associate enterprise) – có tư cách pháp nhân – Công ty mẹ sở hữu 10%-50%

Chi nhánh (branches)- không có tư cách pháp nhân – công ty mẹ sở hữu 10% trở xuống

Câu 59: Nêu các đặc trưng cơ bản của các loại tổ chức kinh doanh xuyên quốc gia

Đa dạng hoá (Diversification): Để thoả mãn nhu cầu đa dạng của thị trường mục tiêu nước ngoài, TNCs không có cách lựa chọn tích cực nào khác là phải đa dạng hoá sản phẩm, và do đó mỗi nhóm sản phẩm của công ty phải theo hướng “cá biệt hoá” (Differentiation). 

Đặc trưng này là sự quán triệt nguyên lý chung “tư duy toàn cầu, hành động địa phương” (Thinking global, Action Local) như đã nói trên để thực hiện chiến lược cụ thể “sản phẩm toàn cầu, thị hiếu địa phương” (Global Product, Loccal Tastes).

Tiêu chuẩn hoá (Standardization): TNCs xác định những nhu cầu, thị hiếu giống nhau của thị trường nước ngoài khác nhau trên phạm vi địa lí rộng để hướng vào những sản phẩm tiêu chuẩn hoá nhằm thoả mãn nhu cầu đồng nhất của số khách hàng đông nhất trên nhiều thị trường, nhất là thị trường toàn cầu.

Quốc tế hoá (Internationalization): Đây là đặc trưng nổi bật của TNCs diễn ra chủ yếu ở pha 3 trong tiến trình mở cửa quốc tế. Đó cũng là quá trình nỗ lực để mở rộng hoạt động kinh doanh của TNCs ra hàng loạt quốc gia trên toàn khu vực có nhiều lợi thế nhất. Đặc trưng này còn gọi là đa quốc gia hoá hay khu vực hoá (như toàn bộ khu vực châu á – Thái Bình Dương hay trên toàn bộ châu Âu…).

Toàn cầu hoá (Globalisation): Đặc trưng này của TNCs thường thể hiện rõ nhất trong pha 4 của tiến trình mở cửa quốc tế. Toàn bộ hoạt động chiến lược Marketing – mix của TNCs lớn thường mở rộng trên cấp độ toàn cầu, như chiến lược thị trường toàn cầu, chiến lược sản phẩm toàn cầu, chiến lược giá toàn cầu. 

Đây cũng là đặc trưng nổi bật hiện nay của nhiều công ty, điển hình như Coca – Cola, IBM, P&G, Toyota… Đặc trưng này cũng là mục tiêu cao nhất mà TNCs hướng tới, theo đó người lãnh đạo TNCs rất chú trọng nguyên tắc: “xem xét toàn bộ thị trường thế giới như một đơn vị kinh tế thống nhất”, Chủ tịch Hội đồng quản trị hãng IBM Jacques Maisonrouge đã nói như vậy.

Câu 60: Hãy nêu bản chất đặc trưng của IIAs?

1.Đặt vấn đề

         Hiệp định đầu tư quốc tế (International Investment Agreements – IIA) là một loại thỏa thuận giữa các quốc gia đề cập và điều chỉnh nhiều vấn đề liên quan đến đầu tư quốc tế với mục tiêu bảo vệ, thúc đẩy và tự do hóa các hoạt động đầu tư. IIA có thể được chia làm hai loại bao gồm các hiệp định đầu tư thuần túy, thường biểu hiện dưới hình thức các hiệp định đầu tư song phương (Bilateral Investment Treaty – BIT) và các hiệp định quốc tế khác có điều khoản liên quan tới đầu tư (Treaties with Investment Provisions – TIP).

         Theo UNCTAD, thế giới hiện có 3.319 IIA đã được ký kết (2932 BIT và 387 TIP), trong đó 2.659 hiệp định đã đi vào hiệu lực. Năm 2017, lần đầu tiên thế giới chứng kiến số lượng IIA bị chấm dứt hiệu lực (55 IIA) vượt quá số IIA mới được ký kết (35) và IIA mới có hiệu lực (23). Thực tế này một phần là do các BIT đang dần được bổ sung và thay thế bởi các hiệp định quốc tế đa phương có điều khoản liên quan tới đầu tư, ví dụ như CFTA, CPTPP, CCIA và hàng loạt FTA (Free Trade Agreement) khác. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế này.

         Tính đến hết năm 2018, Việt Nam đã ký kết tổng cộng 84 IIA (61 BIT và 23 TIP), trong đó 49 BIT và 18 TIP đã có hiệu lực. Giai đoạn gần đây (2015-2018), chính phủ chưa ký thêm bất cứ một BIT nào mà chủ yếu tham gia vào các thỏa thuận kinh tế song phương/đa phương như EU – Việt Nam FTA, Hàn Quốc – Việt Nam FTA, EVFTA, CPTPP… Các IIA thế hệ mới này dù được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam tăng cường thu hút dòng vốn quốc tế nhưng đi kèm với đó là những rủi ro từ các điều khoản mở rộng ưu đãi đối với nhà đầu tư và cho phép nhà đầu tư nước ngoài trực tiếp khởi kiện chính phủ. 

Về lý thuyết IIA có thể tác động tới tất cả các bên ký kết bao gồm quốc gia đi và nhận đầu tư. Tuy nhiên trên thực tế, chi phí và lợi ích từ IIA thường được quan tâm và nhìn nhận nhiều hơn dưới góc độ quốc gia nhận đầu tư, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển có nhu cầu thu hút vốn đầu tư nước ngoài. 

  1. Lợi ích từ các IIA

2.1. Gia tăng dòng vốn đầu tư

         Xét một cách tổng quan, các IIA được kỳ vọng sẽ làm gia tăng cả dòng vốn vào và ra tại các nước đối tác. Do việc thu hút các dòng vốn đầu tư vào trong nước thường là mối quan tâm lớn hơn, nội dung trong mục này sẽ tập trung vào hai vấn đề: (1) tác động thu hút FDI của IIA và (2) hiệu quả của dòng FDI do IIA mang lại.

         (1) Tác động thu hút FDI của IIA

         Những nghiên cứu thực nghiệm tính tới hiện tại đưa tới bằng chứng hỗn hợp về tác động của IIA tới dòng FDI. Một đánh giá của UNCTAD (2014) về 35 nghiên cứu về tác động của IIA cho thấy đa số kết luận rằng các IIA có tác động tích cực đến vốn đầu tư nước ngoài (26 nghiên cứu), một số nghiên cứu còn lại đưa ra kết luận không rõ ràng về ảnh hưởng của IIA tới FDI. Tổng hợp của Bonitcha, Poulsen và Waibel (2017) về cơ bản đưa ra kết luận tương tự.

         Cụ thể, Büthe và Milner (2014) sử dụng bộ dữ liệu thời gian giai đoạn 1971-2007 tại 122 quốc gia, với biến độc lập là tỷ lệ FDI/GDP, kiểm định tác động của các hiệp định thương mại ưu đãi (PTA) đã có hiệu lực và PTA mới được ký kết. Bên cạnh đó, nghiên cứu còn mã hóa các điều khoản liên quan đến đầu tư trong PTA để làm rõ tác động của chúng tới FDI. Thông qua mô hình hiệu chỉnh sai số, Büthe và Milner (2014) đã tìm thấy ảnh hưởng tích cực của PTA đối với FDI, thêm vào đó, tác động của PTA đã có hiệu lực được chứng minh là rõ ràng hơn so với PTA mới được ký kết.

         Colen và cộng sự (2016) đã sử dụng mô hình tác động cố định với dữ liệu của 13 quốc gia Đông Âu và Liên Xô cũ giai đoạn 1994-2009 để nghiên cứu mối quan hệ giữa số lượng BIT và lượng FDI đầu tư vào từng lĩnh vực trong nền kinh tế. Kết quả nghiên cứu của họ cũng cho thấy ý nghĩa kinh tế và tác động tích cực giữa hai biến số này.

         Nhìn chung, các nghiên cứu về tác động thu hút FDI của IIA rất đa dạng, sử dụng nhiều mô hình kinh tế lượng khác nhau, với cách tiếp cận theo mối quan hệ đa phương hoặc song phương, nghiên cứu tổng FDI vào quốc gia hoặc theo từng lĩnh vực kinh tế, nghiên cứu dựa trên số lượng IIA hoặc tác động của từng điều khoản IIA tới FDI.

         Một số tác giả bên cạnh việc đánh giá tác động của IIA nói chung còn tìm ra sự khác biệt giữa hiệu quả của IIA thuần túy và IIA kết hợp. Một vài nghiên cứu đã đưa ra kết luận rằng các FTA với các điều khoản tự do hóa đầu tư có hiệu quả hơn trong việc thúc đẩy FDI hơn là BIT với các điều khoản tự do hóa tương đương (Berger và cộng sự, 2013). Điều này là do các cuộc đàm phán FTA thường thu hút nhiều sự chú ý của công chúng hơn so với các cuộc đàm phán BIT, có nghĩa là các nhà đầu tư có nhiều khả năng nhận thức được các quyền lợi mà họ sẽ được hưởng từ những thỏa thuận này. Manger (2009) giải thích rằng khi kết hợp đàm phán đồng thời các điều khoản liên quan tới thương mại và đầu tư thì sẽ tạo cơ hội lớn hơn cho vấn đề liên kết trong thỏa thuận, theo đó các bên nhà nước có thể đồng ý nhượng bộ trong một khía cạnh của thỏa thuận để đổi lấy lợi ích ở mục khác.

         (2) Hiệu quả của dòng FDI do IIA mang lại

         Đầu tư được bảo đảm bởi các IIA không nhất thiết có lợi cho quốc gia sở tại. Mặc dù trên lý thuyết, đầu tư quốc tế – đặc biệt là FDI – có thể tạo ra lợi ích trên diện rộng ở các nước nhận đầu tư trên các phương diện như tạo công ăn việc làm, chuyển giao vốn và công nghệ… nhưng những tác động tích cực đó không phải lúc nào cũng được hiện thực hóa. Trong một số bối cảnh nhất định, FDI có thể lấn át các doanh nghiệp trong nước, đóng góp vào sự bất bình đẳng, tham nhũng, tạo điều kiện cho việc trốn thuế, và gây tác động xấu tới môi trường.

         Một số nghiên cứu gần đây cho thấy các IIA rất hiệu quả trong việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực khai thác và các lĩnh vực khác liên quan đến chi phí chìm cao (Colen và Guariso, 2014; Colen và cộng sự, 2016). Theo kết luận này, các IIA thường hấp dẫn các loại hình FDI mang lại ít giá trị gia tăng cho quốc gia nhận đầu tư. Bên cạnh đó, nhà đầu tư có thể sử dụng mối đe dọa từ các khiếu nại ISDS (Investors – State Dispute Settlement – tranh chấp giữa nhà đầu tư và nước sở tại) như một công cụ thương lượng để buộc quốc gia sở tại phải chấp nhận các dự án đầu tư (Johnson và cộng sự, 2018). Trong trường hợp như vậy, khoản đầu tư mới được phê duyệt thường không phải là loại hình FDI mang lại lợi ích ròng cho nước sở tại.

         Tóm lại, các nghiên cứu thực nghiệm cho thấy IIA có một số tác động tích cực đối với FDI vào các nước đang phát triển, mặc dù những tác động này không lớn đến mức khiến IIA trở thành một nhân tố quan trọng ảnh hưởng tới các quyết định đầu tư cơ bản. Thêm vào đó, các IIA dường như có hiệu quả trong việc thu hút vốn đầu tư vào khu vực khai thác hơn là vào khu vực sản xuất công nghệ cao, cho thấy lợi ích thực sự từ các thỏa thuận quốc tế này không hẳn lớn.

         Ngoài ra, định nghĩa đầu tư trong hầu hết các IIA là rất rộng, bao gồm cả các khoản vay nợ quốc tế và đầu tư gián tiếp, tuy nhiên cho đến nay, không có nghiên cứu cụ thể nào tìm cách đánh giá tác động của các IIA tới các khoản đầu tư ngoài FDI.

2.2. Tăng hiệu quả phân bổ nguồn lực

         Một lợi ích quan trọng khác của các IIA là việc cho phép các nhà đầu tư nước ngoài cạnh tranh trên một sân chơi bình đẳng với các nhà đầu tư trong nước, từ đó có thể dẫn đến các quyết định phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn trong thị trường sản phẩm và dịch vụ tại quốc gia nhận đầu tư. Trong trường hợp này, FDI sẽ tạo ra lợi ích ròng. Ngược lại, nếu IIA trao đặc quyền cho các nhà đầu tư nước ngoài ngoài vượt quá quyền của các nhà đầu tư trong nước hoặc các nhà đầu tư từ nước thứ ba thì có thể sẽ khiến thị trường bị bóp méo và hoạt động kém hiệu quả.

         Một số nghiên cứu đã sử dụng các phương pháp thực nghiệm để kiểm tra giả thuyết rằng, trong trường hợp không có các IIA, các nhà đầu tư nước ngoài có bị phân biệt đối xử tại quốc gia sở tại hay không. Kết quả nghiên cứu cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài thường

được đối xử tốt hơn so với các doanh nghiệp trong nước, tại cả các nước thu nhập thấp và trung bình. Hơn nữa, lợi thế chính trị của nhà đầu tư nước ngoài đặc biệt phổ biến ở các nước thu nhập thấp (Aisbett và Poulsen, 2016). Do đó việc tạo ra một sân chơi bình đẳng cho tất cả nhà đầu tư trong và ngoài nước thông qua IIA vẫn chỉ là một mục tiêu trên lý thuyết.

2.3. Phi chính trị hóa các tranh chấp đầu tư

         Các IIA, bằng cách cho phép các nhà đầu tư đưa ra yêu sách trực tiếp chống lại các quốc gia nhận đầu tư, đã phi chính trị hóa các tranh chấp đầu tư quốc tế. Lưu ý rằng, đây là cách sử dụng rất đặc biệt của thuật ngữ phi chính trị hóa. Một tranh chấp có thể bị phi chính trị hóa, theo nghĩa được giải quyết thông qua một cơ chế pháp lý thay vì thông qua đàm phán ngoại giao, nhưng vẫn có thể trở thành chủ đề tranh luận công khai hoặc tranh cãi chính trị.

         Theo quan điểm này, trong trường hợp không có một thỏa thuận đầu tư, quốc gia đi đầu tư sẽ phải tham gia vào các tranh chấp với quốc gia nhận đầu tư để bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư của họ. Việc nâng cao các tranh chấp đầu tư lên cấp độ quốc gia làm tổn hại mối quan hệ ngoại giao và có thể ảnh hưởng tới các khía cạnh khác trong mối quan hệ kinh tế chính trị giữa các nước tham gia IIA. Điều khoản ISDS trong IIA cho phép các nhà đầu tư giải quyết tranh chấp với nước sở tại thông qua một cơ chế pháp lý trong đó quốc gia của nhà đầu tư không cần đóng vai trò gì.

         Từ góc độ của nước nhận đầu tư, việc phi chính trị hóa tranh chấp giúp bảo vệ quan hệ ngoại giao và giúp họ tránh khỏi các biện pháp trừng phạt chính trị hoặc kinh tế do chính phủ nước đi đầu tư áp đặt với lý do ngược đãi nhà đầu tư. Thêm vào đó, công ước về giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế (công ước ICSID – International Centre for Settlement of Investment Disputes convention) cũng cấm quốc gia đi đầu tư sử dụng các biện pháp bảo hộ thông qua ngoại giao khi một tranh chấp đã được nhà đầu tư của họ khởi xướng chống lại nhà nước sở tại theo công ước ICSID.

         Hiện nay vẫn còn rất ít nghiên cứu đề cập đến lợi ích phi chính trị hóa tranh chấp của IIA, các nghiên cứu đã được thực hiện chỉ ra rằng, cho dù một hiệp ước đầu tư có điều khoản ISDS hay không thì cũng không ảnh hưởng đến khả năng gây áp lực ngoại của quốc gia đi đầu tư trong các tranh chấp giữa chủ đầu tư và nước sở tại (Maurer, 2013; Gertz và cộng sự, 2018). Các cân nhắc ngoại giao luôn đóng vai trò cốt lõi trong việc giải quyết tranh chấp cho dù các công cụ pháp lý đều được cung cấp đầy đủ. Điều này khiến cho lợi ích từ việc phi chính trị hóa tranh chấp của IIA trở nên thiếu thực tế trong nhiều trường hợp.

Câu 61: Những nội dung cơ bản của IIAs?

1.Khái niệm

Hiệp định đầu tư Quốc tế trong tiếng Anh là International Investment Agreements, viết tắt là IIAs.

Hiệp định đầu tư Quốc tế là các thỏa thuận giữa các nước đề cập đến nhiều vấn đề liên quan đến đầu tư quốc tế và điều chỉnh hoạt động này, trong đó có FDI. Hiệp định Đầu tư Quốc tế thường được áp dụng đối với hoạt động đầu tư trên lãnh thổ của một quốc gia do các nhà đầu tư của quốc gia khác tiến hành, các qui định mà chúng thiết lập có ảnh hưởng đến nhà đầu tư khi tiến hành đầu tư tại quốc gia khác, nước chủ đầu tư và nước chủ nhà nơi hoạt động đầu tư diễn ra.

Hiệp định Đầu tư Quốc tế thường tập trung vào những nội dung như đãi ngộ, xúc tiến và bảo hộ đầu tư quốc tế, đặc biệt là FDI. Mặc dù vậy, các thỏa thuận có thể khác nhau về các khía cạnh này, tùy thuộc vào từng loại hình và mục đích của thỏa thuận.

2. Mục đích của Hiệp định đầu tư Quốc tế

Việc kí kết các hiệp định đầu tư quốc tế giúp cho các nước tiếp nhận đầu tư có khả năng thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đây là yếu tố quan trọng có tính quyết định đến việc thúc đẩy dòng vốn FDI.

Các hiệp định đầu tư này phù hợp với bối cảnh hiện nay về hội nhập kinh tế quốc tế cùng như quá trình tự do hóa thương mại và đầu tư trong phạm vi khu vực và toàn cầu. 

Xu hướng hình thành các hiệp định đầu tư quốc tế xuất phát từ chính sách tự do hóa đầu tư gắn liền với nhu cầu hoàn thiện môi trường đầu tư tại nước tiếp nhận đầu tư. Đây là nhân tố quan trọng nhằm tạo nên môi trường đầu tư thông thoáng, có sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

3.Nội dung của các Hiệp định đầu tư Quốc tế

Các điều khoản của Hiệp định đầu tư Quốc tế phải được soạn thảo phù hợp với chính sách và pháp luật của các nước kí kết. Những điều khoản của Hiệp định đầu tư Quốc tế tập trung vào 2 vấn đề cơ bản sau đây:

Những điều khoản nhằm mục đích tự do hóa đầu tư. Việc áp dụng nhóm điều khoản này kéo theo việc giảm hoặc loại bỏ dần các biện pháp hạn chế hoạt động của các doanh nghiệp FDI, xóa bỏ sự phân biệt đối xử đối với các doanh nghiệp nước ngoài và thúc đẩy sự vận hành đúng hướng của thị trường.

Những điều khoản nhằm mục đích bảo hộ các nhà đầu tư nước ngoài và các hoạt động đầu tư chống lại các biện pháp của nước tiếp nhận đầu tư gây thiệt hại một cách vô lí cho chúng. Bên cạnh đó, một số Hiệp định đầu tư Quốc tế còn đề cập đến vấn đề đánh thuế, môi trường, việc làm và lao động v.v…

Câu 62: Trình bày những xu hướng phát triển gần đây của IIAs?

  • Số lượng IIAs đang có xu hướng ngày càng gia tăng, chủ yếu là giữa các quốc gia trình độ tương đương. Gần đây lại có xu hướng gia tăng kí kết hiệp định giữa các nước đang  phát triển với nhau: IIA toàn cầu đã đạt 6092 thỏa thuận vào cuối năm 2010 và không ngừng gia tăng.
  • IIAs ngày càng đa dạng hơn về quy mô, cách tiếp cận và nội dung. Hơn thế, IIAs ngày càng điều chỉnh nhiều giao dịch kinh tế hơn, bao gồm thương mại hàng hóa và dịch vụ, đầu tư và dòng chảy vốn, cũng như sự dịch chuyển của lao động…
  • Cảng điều chỉnh nhiều vấn đề, các thỏa thuận càng phức tạp và càng có nhiều nguy cơ chồng chéo và không thống nhất giữa các điều khoản. Ngoài ra, sự đa dạng của các thỏa thuận này thể hiện cơ hội thực hiện chúng bằng những phương pháp khác nhau nhằm tăng cường các dòng chảy đầu tư quốc tế.
  • Số lượng các hiệp định đầu tư  song phương (BITs) cũng như hiệp định tránh đánh thuế trùng (DTTs) tiếp tục được mở rộng.
  • Đối với BITs: 
  • Được sử dụng rộng rãi nhất trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài.
  • Giải quyết các vấn đề liên quan đến chấp thuận, đối xử và bảo hộ đầu tư nước ngoài.
  • Trong vòng 20 năm từ 1990 đến 2010, số lượng BITs đã tăng hơn 7 lần
  • Số lượng BITs tăng nhanh nhất thuộc các hiệp định có sự tham gia của các nước đang phát triển, giữa các nước đang phát triển với các nền kinh tế chuyển đổi
  • BITs hiếm khi được kí kết giữa các nước phát triển
  • Đối với DTT: Số lượng không ngừng gia tăng: trong năm 2010, có 113 DTT mới được kí kết, nâng tổng số DTT đã kí kết qua các năm tăng lên 2976
  • Bên cạnh đó, các quy định đầu tư quốc tế ngày càng được thể hiện như một phần của các thỏa thuận điều chỉnh các vấn đề rộng hơn (bao gồm thương mại hàng hóa dịch vụ và các nhân tố sản xuất khác)
  • Việc đàm phán kí kết các IIA nói chung và BIT nói riêng là khá phổ biến
  • Khung quốc tế về các quy định đầu tư tiếp tục mở rộng trên các mức độ song phương, tiểu khu vực, khu vực và nội khu vực.
  • Hệ thống các thỏa thuận đầu tư hiện nay trở nên phức tạp hơn trong tương lai, làm gia tăng khả năng xung đột các quy định và tranh chấp đầu tư, đồng thời, tăng chi phí tuân thủ theo các quy định của cả chính phủ và doanh nghiệp của các bên tham gia thỏa thuận.

Câu 63: Hãy nêu  phạm vi áp dụng của các hiệp định về đầu tư? Hiện nay Việt Nam đã kí kết bao nhiêu hiệp định song phương?

1.Phạm vi áp dụng của các hiệp định đầu tư

Khi áp dụng các hiệp định đầu tư, việc đầu tiên các chính phủ, nhà đầu tư và trọng tài thường phải trả lời trước tiên là hiệp định áp dụng đối với những ai, những giao dịch nào và loại tài sản nào. Phạm vi áp dụng của các hiệp định đầu tư về cơ bản trên cơ sở hai yếu tố, thứ nhất là “nhà đầu tư” được bảo hộ và thứ hai là “khoản đầu tư” được bảo hộ. Chính vì vậy, trong hầu hết các tranh chấp đầu tư quốc tế từ trước đến nay, một trong những nội dung mà các bên tranh luận rất nhiều ngay từ giai đoạn đầu là liệu Hội đồng trọng tài có thẩm quyền giải quyết vụ tranh chấp hay không, hay nói cách khác là khoản đầu tư và nhà đầu tư trong tranh chấp đó có thuộc phạm vi điều chỉnh của hiệp định đầu tư hay không.

  1. “Khoản đầu tư” được bảo hộ

Trong hầu hết các hiệp định đầu tư quốc tế thường định nghĩa “khoản đầu tư” là tài sản hơn là giao dịch để có được tài sản. Trong các hiệp định đầu tư hiện đại, phạm vi các loại tài sản được coi là “khoản đầu tư” thường rất rộng. Thông thường, các hiệp định này đưa ra khái niệm “khoản đầu tư” là “tất cả các loại tài sản” và tiếp đó là đưa ra một danh mục (nhưng là danh mục mở) những gì có thể được coi là khoản đầu tư. Danh mục này thường bao gồm:

  1. Động sản và bất động sản và các quyền liên quan;
  2. Các loại lợi ích trong công ty hoặc các hình thức tham gia khác vào công ty, doanh nghiệp, liên doanh;
  3. Các khoản tiền có thể đòi hoặc các quyền theo hợp đồng có thể tính được giá trị;
  4. Quyền sở hữu trí tuệ;
  5. Đặc quyền kinh doanh;

Một trong những mục tiêu của cách tiếp cận này là đảm bảo cả tài sản hữu hình và tài sản vô hình đều được bảo hộ bởi hiệp định đầu tư. Trong việc áp dụng các quy định này, trong vụ Siemen kiện Chính phủ Argentina, Hội đồng trọng tài cho rằng các loại tài sản nêu trong danh mục tài sản này chỉ là ví dụ mà không phải là danh mục đóng. Trong vụ kiện này, các bên tranh chấp liệu “cổ phần” do nhà đầu tư Đức năm giữ có được coi là “khoản đầu tư” không.

Điều 1.1. Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư giữa Đức và Argentina quy định “Thuật ngữ “khoản đầu tư” sẽ áp dụng đối với mọi loại tài sản được xác định theo pháp luật của Bên ký kết mà hoạt động đầu tư được thực hiện và được Hiệp định này thừa nhận và cụ thể là (nhưng không chỉ có vậy):

(a) Động sản và bất động sản và các quyền liên quan;

(b) Cổ phần, cổ phiếu trong công ty hoặc các hình thức tham gia khác vào công ty;

Từ định nghĩa này cho thấy rõ ràng cổ phần do nhà đầu tư Đức năm giữ được coi là khoản đầu tư được bảo hộ.

Trong vụ Abaclat kiện Argentina, hội đồng trọng tài cũng giải thích định nghĩa “khoản đầu tư” tương tự trong hiệp định khuyến khích bảo hộ đầu tư Italia – Argentina, theo đó xác định liệu trái phiếu quốc gia có được coi là khoản đầu tư không. Về định nghĩa “khoản đầu tư”, Hiệp định khuyến khích bảo hộ đầu tư Italia – Argentina quy định ““khoản đầu tư” bao gồm, nhưng không giới hạn … (c) nghĩa vụ, quyền công hoặc tư hoặc bất cứ quyền nào đối với thực hiện hoặc dịch vụ có giá trị kinh tế, bao gồm giá trị được vốn hóa”. Trong vụ kiện này, nguyên đơn và bị đơn tranh luận về bản dịch của Hiệp định sang tiếng Anh, phía nguyên đơn cho rằng các từ trong Hiệp định phải được dịch là “trái phiếu” trong khi bị đơn cho rằng phải được dịch là “nghĩa vụ”. Hội đồng trọng tài đã kết luận rằng cho dù dịch theo hướng nào thì “trái phiếu” trong vụ này vẫn được coi là khoản đầu tư.

Tuy nhiên, với Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu từ giữa UK và Colombia lại không được giải thích như vậy. Bởi vì, Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu từ giữa UK và Colombia mặc dù cũng sử dụng cách tiếp cận theo hướng danh sách mở nhưng lại có quy định rằng “khoản đầu tư” không bao gồm “các khoản nợ công”. Với lời văn này thì “trái phiếu chính phủ” (như trong vụ Abaclat kiện Argentina) đương nghiên không được coi là khoản đầu tư.

  1. Nhà đầu tư được bảo hộ

Kể cả khi tài sản thỏa mãn điều kiện để được coi là khoản đầu tư trong hiệp định đầu tư thì một cá nhân hoặc tổ chức cũng không thể được bảo hộ theo hiệp định đầu tư trừ khi cá nhân hoặc tổ chức đó được coi là “nhà đầu tư” theo hiệp định đầu tư.

Một vấn đề quan trọng là xác định mối liên kết giữa cá nhân hoặc tổ chức với Bên ký kết hiệp định để được hưởng sự bảo hộ của hiệp định. Quy định về “nhà đầu tư” trong các hiệp định đầu tư thường tách riêng “thể nhân” và “pháp nhân”.

  1. Nhà đầu tư là thể nhân

Đối với “thể nhân”, nghĩa là các cá nhân, hiệp định đầu tư quy định mối quan hệ cần thiết giữa một cá nhân với một Bên ký kết chủ yếu trên cơ sở quốc tịch hoặc có thể lỏng hơn là nơi thường trú.

Ví dụ, Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Vương quốc Anh và Bắc Ai len quy định:

“Công dân” nghĩa là:

  1. Về phía Vương quốc Anh và Bắc Ai len: thể nhân có tư cách là công dân Vương quốc Anh và Bắc Ai len theo luật có hiệu lực ở Vương quốc Anh và Bắc Ai len.
  2. Về phía Việt Nam: bất cứ người nào là công dân của Việt Nam theo pháp luật Việt Nam.

Hiệp định đầu tư toàn diện ASEAN quy định:

“nhà đầu tư” nghĩa là thể nhân hoặc pháp nhân của một Nước thành viên đang hoặc đã thực hiện hoạt động đầu tư trên lãnh thổ của một Nước thành viên khác;

“thể nhân” có nghĩa bất cứ người mang quốc tịch hoặc thường trú tại một Nước thành viên phù hợp với pháp luật và chính sách quốc gia của nước đó.

Trong quá trình áp dụng các hiệp định đầu tư trong giải quyết tranh chấp, tùy theo lời văn của hiệp định mà nhà đầu tư có thể chỉ là người có quốc tịch của một Bên ký kết hoặc cả người định cư (thường trú) tại nước ký kết đó.

Trên thực tế, liên quan đến quốc tịch của nhà đầu tư còn phát sinh vấn đề liên quan đến người có 2 quốc tịch. Đây là vấn đề tranh chấp trong rất nhiều vụ kiện. Đối với những người mang 2 quốc tịch, một số hiệp định đầu tư quy định rõ việc loại trừ khỏi phạm vi bảo hộ của hiệp định những người mang quốc tịch của nước nhận đầu tư. Tuy nhiên, hầu hết các hiệp định lại không quy định nội dung này. Do vậy, trên thực tế, trong một số vụ kiện, việc xác định người 2 quốc tịch trong đó có quốc tịch của nước bị kiện có quyền kiện theo hiệp định hay không được lập luận căn cứ vào quốc tịch hữu hiệu, nghĩa là nước người đó có gắn bó mật thiết.

  1. Nhà đầu tư là pháp nhân

Đối với nhà đầu tư là pháp nhân, vấn đề xác định mối liên hệ giữa pháp nhân đó với một Bên ký kết phức tạp hơn nhiều. Vấn đề thường gặp bao gồm:

  1. Công ty được thành lập tại một Nước ký kết hiệp định bởi công dân của nước thứ ba;
  2. Công ty được thành lập tại nước thứ ba bởi công dân của Nước ký kết hiệp định;
  3. Công ty mà công dân của nước thứ ba nắm giữ lợi ích chính.

Để một pháp nhân được hiệp định đầu tư bảo hộ, hầu hết hiệp định đầu tư đều quy định pháp nhân phải đáp ứng một trong ba điều kiện:

  1. Là pháp nhân của Nước ký kết;
  2. Có trụ sở chính, hoạt động kinh doanh chính ở Nước ký kết; hoặc
  3. Được kiểm soát hoặc sở hữu bởi công dân của Nước ký kết.

Ví dụ, Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Vương quốc Anh và Bắc Ai len quy định:

Công ty” nghĩa là:

  1. i) Về phía Vương quốc Anh và Bắc Ireland: các Công ty, các hãng và hiệp hội được thành lập hay được thiết lập theo luật pháp có hiệu lực ở bất cứ vùng nào ở Vương quốc Anh và Bắc Ireland hoặc ở bất cứ vùng lãnh thổ nào mà Hiệp định này mở rộng tới theo các quy định của Điều 12.
  2. ii) Về phía Việt Nam: bất cứ pháp nhân nào bao gồm Công ty, Tổng công ty, hãng và hiệp hội được thành lập hay được thiết lập theo luật pháp Việt Nam và có trụ sở ở Việt Nam;

Hiệp định đầu tư toàn diện ASEAN quy định:

“Pháp nhân” có nghĩa là bất cử tổ chức nào được thành lập hợp pháp hoặc được tổ chức theo pháp luật của một Nước thành viên, nhằm mục đích lợi nhuận hay phi lợi nhuận, do nhà nước hay tư nhân sở hữu bao gồm bất cứ loại doanh nghiệp, công ty, tín thác, hợp danh, liên doanh, doanh nghiệp tư nhân, hiệp hội hay tổ chức.

Trên thực tế, trong các vụ tranh chấp đầu tư, Hội đồng trọng tài thường phải quyết định liệu mình có thẩm quyền đối với tranh chấp không thông qua việc xác định liệu nguyên đơn có đáp ứng điều kiện là nhà đầu tư theo quy định của hiệp định đầu tư được viện dẫn không.

Với lời văn quy định như 2 Hiệp định nêu trên, nguyên đơn chỉ cần chứng minh công ty được thành lập theo pháp luật của nước ký kết là có thể được coi là nhà đầu tư kể cả trường hợp công ty do công dân của nước thứ ba thành lập. Để ngăn chặn trường hợp này, một số hiệp định bổ sung thêm quy định về từ chối lợi ích ví dụ Hiệp định TPP, Hiệp định đầu tư toàn diện ASEAN.

Hiệp định đầu tư toàn diện ASEAN quy định một Nước thành viên có thể từ chối không cho những đối tượng sau hưởng lợi ích từ Hiệp định này: (i) doanh nghiệp của một Nước thành viên thuộc sở hữu hoặc kiểm soát của một nhà đầu tư của nước thứ ba và doanh nghiệp đó không có hoạt động kinh doanh chủ yếu tại Nước thành viên đó; (ii) doanh nghiệp của một Nước ký kết thuộc sở hữu hoặc kiểm soát của nhà đầu tư của Nước từ chối lợi ích và không có hoạt động kinh doanh chủ yếu tại Nước thành viên đó; và (iii) doanh nghiệp của một Nước thành viên thuộc sở hữu hoặc kiểm soát của nhà đầu tư nước thứ ba không có quan hệ ngoại giao với Nước từ chối lợi ích.

Ví dụ, trong vụ Công ty thương mại và Tài chính Alps kiện Cộng hòa Slovakia, hội đồng trọng tài để xác định việc mình có thẩm quyền đối với tranh chấp hay không phải xác định liệu nguyên đơn, một công ty của Thụy Sỹ, có trụ sở kinh doanh chính tại Thụy sỹ hay không theo yêu cầu của hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư. Trong vụ này, nguyên đơn cho rằng Công ty được đăng ký kinh doanh tại cơ quan đăng ký của Thụy sỹ nơi công ty có trụ sở chính, đồng thời, sổ sách của công ty cũng được giữ tại đây. Việc xác định trụ sở kinh doanh của công ty đồng nghĩa với việc xác định trung tâm điều hành hoạt động kinh doanh của công ty. Hội đồng trọng tài cho rằng để chứng minh trụ sở kinh doanh chính phải chứng minh được việc diễn ra các hoạt động thường xuyên tại đó như các cuộc họp của Ban giám đốc hoặc hội đồng cổ đông, các cấp quản lý cao nhất, phải có nhân viên làm việc …Tuy nhiên, nguyên đơn không chứng minh được các hoạt động này xảy ra tại nơi mà nguyên đơn cho là trụ sở chính tại Thụy sĩ, do vậy, không được coi là nhà đầu tư theo Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư giữa Thụy Sỹ và Cộng hòa Slovakia.

Trong nhiều hiệp định đầu tư, để được bảo hộ, nhà đầu tư phải sở hữu hoặc kiểm soát khoản đầu tư. Trong khi tiêu chí sở hữu thường dễ xác định thì quyền kiểm soát lại là một khái niệm khá mơ hồ. Một số hiệp định đầu tư thậm chí còn làm rõ khái niệm kiểm soát trong hiệp định hoặc trong một nghị định thư riêng hoặc thư trao đổi.

Ví dụ: Bản ghi nhớ về hành động cuối cùng, IV của Hội nghị hiến chương năng lượng Châu Âu thông qua ECT quy định như sau: “kiểm soát một khoản đầu tư có nghĩa là kiểm soát trên thực tế, được xác định sau khi xem xét các tình huống xảy ra đối với từng trường hợp. Việc rà soát phải xem xét tất cả các yếu tố, trong đó có: (a) lợi ích tài chính, bao gồm cả lợi ích từ cổ phần đầu tư; (b) khả năng đưa ra ảnh hưởng lớn đến hoạt động quản lý và hoạt động của khoản đầu tư; và (c) có khả năng ảnh hưởng lớn đến việc lựa chọn thành viên ban giám đốc hoặc các thiết chế quản lý khác.”

Trong vụ Tokios Tokeles kiện Ukraina, một doanh nghiệp Lít Va kiện Chính phủ Ukraina vi phạm các cam kết đối xử với nhà đầu tư theo Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư giữa Ukraina và Lít Va (BIT Ukraina – Lít Va). Ukraina cho rằng Tokios không thỏa mãn điều kiện là “nhà đầu tư” theo BIT Ukraina – Lít Va do 99% cổ phần của doanh nghiệp do người Ukraina nắm giữ và chiếm 2/3 quyền quản lý doanh nghiệp. Do vậy, mặc dù doanh nghiệp này về ý thuyết là doanh nghiệp Lít Va nhưng trên thực tế doanh nghiệp này thuộc sở hữu và do người Ukraina vận hành. Dựa vào lời văn của BIT Ukraina – Lít va quy định “nhà đầu tư bao gồm bất cứ tổ chức nào được thành lập trên lãnh thổ Lít Va theo quy định của pháp luật nước này, Hội đồng trọng tài mặc dù có ý kiến phản đối mạnh mẽ của Chủ tịch hội đồng, đa số vẫn cho rằng Tokios đáp ứng yêu cầu của BIT Uknaina – Lít Va và được coi là nhà đầu tư được bảo hộ theo hiệp định này.

Trọng vụ Rompetrol Group NV kiện Rumania, nguyên đơn là nhà đầu tư Hà Lan trong đó cổ đông chính là người Rumania kiện Chính phủ Rumania theo Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư giữa Hà Lan và Rumania (BIT Hà Lan – Rumania). Hiệp định này quy định “nhà đầu tư” của một bên ký kết là “pháp nhân được thành lập theo pháp luật của Nước thành viên đó”. Rumania phản đối thẩm quyền của trọng tài trên cơ sở Rompetrol chỉ là vỏ bọc của công ty do người Rumania kiểm soát và do vậy không thỏa mãn định nghĩa nhà đầu tư theo BIT Hà Lan – Rumania. Hội đồng trọng tài bác lập luận này của Rumania và cho rằng BIT hà Lan – Rumania quy định rất rõ một tổ chức chỉ cần được thành lập theo pháp luật của Nước ký kết là có thể thỏa mãn định nghĩa nhà đầu tư.

Từ hai vụ việc này có thể thấy, khi áp dụng quy định của hiệp định đầu tư, hội đồng trọng tài thường không áp dụng các điều kiện về bản chất của nhà đầu tư là doanh nghiệp nếu lời văn hiệp định không quy định cụ thể.

2.Liên hệ Việt Nam

Các hiệp định đầu tư gồm ba loại, cụ thể là:

  1. các hiệp định đầu tư song phương, thường được gọi là các BIT. Việt Nam hiện ký hơn 60 Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư song phương với các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới;
  2. các hiệp định thương mại song phương trong đó có chương đầu tư như Hiệp định đối tác toàn diện Việt Nam – Nhật Bản, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc…
  3. các hiệp định đa phương có quy định về đầu tư như Hiệp định Đầu tư toàn diện ASEAN, Hiệp định TPP, Hiệp định Đối tác kinh tế ASEAN – Nhật Bản…

Các vấn đề về đầu tư quốc tế được quy định trong các hiệp định đầu tư thường bao gồm:

  1. các nguyên tắc bảo hộ đầu tư. Đây là nội dung cơ bản, luôn có trong tất cả các Hiệp định đầu tư từ truyền thống đến hiện đại, từ song phương đến đa phương. Các nguyên tắc này còn được gọi là các nguyên tắc cơ bản của pháp luật đầu tư quốc tế;
  2. các cam kết về khuyến khích đầu tư và mở cửa thị trường đầu tư. Các nội dung này thường chỉ có trong các Hiệp định đầu tư ký kết gần đây, đặc biệt là trong các Hiệp định thương mại tự do như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh kinh tế Á – Âu, Hiệp định thương mại Việt Nam – EU, Hiệp định TPP.
  3. các quy định về cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tư giữa nhà đầu tư nước ngoài và nhà nước chủ nhà. Các quy định này trong các hiệp định đầu tư là khác nhau, từ ghi nhận quyền khởi kiện nhà nước chủ nhà ra trọng tài quốc tế của nhà đầu tư nước ngoài đến các quy định về cơ chế giải quyết tranh chấp cụ thể.

Bài viết này được chi làm 3 phần tập trung phân tích : ( phần i) phạm vi áp dụng, (phần 2 ii) các nguyên tắc bảo hộ đầu tư cơ bản và cơ chế giải quyết tranh chấp trong các hiệp định đầu tư và (phần iii) thực tiễn áp dụng trong thực tiễn giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế.

Câu 64: Trùng tố trong giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế?

  1. Nguồn gốc, nguyên nhân và biểu hiện của trùng tố

  Trong hệ thống pháp luật quốc tế, không có một định nghĩa thống nhất nào về “trùng tố”. Tuy nhiên, trong lĩnh vực đầu tư quốc tế (ĐTQT), đa số các cơ quan xét xử và các chuyên gia thống nhất khái niệm “trùng tố” được hiểu là các thủ tục tố tụng đang chờ được xét xử bởi ít nhất hai cơ quan tài phán mà tại đó, các bên, cơ sở pháp lý và các vấn đề có sự giống nhau hoặc trùng nhau. Trùng tố bao gồm hai loại là những thủ tục tố tụng đồng thời (concurrent proceedings) và thủ tục tố tụng tiếp theo (subsequent proceedings).

Trùng tố là một hiện tượng không thể tránh khỏi dù không mong muốn bởi nguồn gốc của hiện tượng này là xu hướng các hiệp định về đầu tư (IIA) gia tăng, tính phức tạp đặc thù của hoạt động ĐTQT và đặc tính của trọng tài – cơ quan giải quyết tranh chấp ĐTQT phổ biến nhất.

Sự bùng nổ của các IIA:Nếu như năm 1990, số lượng IIA (gồm cả BIT và TIP) mới có khoảng 400 Hiệp định, năm 2020 số lượng IIA đã đạt tới 3287 (trong đó 2657 IIA có hiệu lực), tức tăng lên hơn 8 lần trong vòng 30 năm. Việc có nhiều IIA khiến nhà đầu tư (NĐT) có nhiều hơn một cơ sở pháp lý cho hoạt động đầu tư. 

Tính phức tạp của hoạt động ĐTQT:Tính phức tạp này được thể hiện trên hai phương diện chính. Một là, hoạt động mang tính phức tạp do chịu sự điều chỉnh bởi nhiều căn cứ pháp lý. Hai là, phạm vi bảo hộ rộng của các IIA là cơ sở để cổ đông – NĐT có quyền khởi kiện và NĐT thực hiện đầu tư thông qua chuỗi thực thể pháp lý để đạt được bảo hộ có lợi nhất.

Thứ nhất, tồn tại nhiều căn cứ pháp lý điều chỉnh hoạt động ĐTQT như hợp đồng đầu tư, hiệp định đầu tư, pháp luật của quốc gia nhận đầu tư, pháp luật quốc tế. Điều này tất yếu dẫn đến việc quy định về cơ chế GQTC chưa thống nhất giữa các căn cứ pháp lý khác nhau hoặc trong cùng một căn cứ pháp lý. 

Sự khác nhau giữa hợp đồng đầu tư và hiệp định đầu tư

Đây là trường hợp trùng tố xảy ra do tồn tại song song yêu cầu khởi kiện do vi phạm hợp đồng đầu tư và yêu cầu khởi kiện do vi phạm hiệp định đầu tư. Hai yêu cầu khởi kiện này khác nhau về lý do khởi kiện, cơ sở pháp lý, cơ quan giải quyết tranh chấp. Không những vậy, sự phát triển bùng nổ của các IIA cùng nguyên tắc tự chủ của các bên và tôn trọng thỏa thuận của các bên được đặc biệt đề cao trong pháp luật quốc tế đã mở ra cơ hội cho các NĐT quyền yêu cầu khởi kiện về cùng một vấn đề ra nhiều cơ quan GQTC khác nhau sao cho quyền lợi của mình được bảo vệ tốt nhất. Căn cứ vào cơ sở pháp lý mà NĐT đưa ra, các cơ quan GQTC cho rằng, họ có đủ thẩm quyền giải quyết nên chấp nhận khởi kiện của các NĐT. Điều này đã gây ra hiện tượng trùng tố trong GQTC về ĐTQT.

Sự đa dạng trong quy định về cơ chế GQTC trong các IIA

Tồn tại hai trường hợp quy định nhiều cơ chế GQTC ĐTQT trong các IIA. Một là, đa dạng các cơ chế GQTC trong cùng một IIA với đại diện tiêu biểu là khoản 8 Điều 2 BIT kiểu mẫu của Anh cho phép các bên khởi kiện ra Tòa Trọng tài ICSID, Tòa án Trọng tài Quốc tế ICC hoặc bất kỳ toà trọng tài quốc tế theo thoả thuận giữa các bên hoặc theo quy định tại Nguyên tắc trọng tài của UNCITRAL khi phát sinh tranh chấp. Hai là, sự chồng chéo quy định về GQTC ĐTQT giữa các IIA khác nhau mà quốc gia của NĐT và quốc gia nhận đầu tư là thành viên có hiệu lực trong cùng một thời điểm dẫn đến nguy cơ xảy ra trùng tố. Đặc biệt là trùng tố do sự chồng chéo giữa RIA và BIT bởi xu hướng tham gia vào các hiệp định trong và ngoài khu vực gần đây của các quốc gia trong khi đã có BIT tăng lên.

Thứ hai, các IIA hiện nay không chỉ bảo hộ các bên trực tiếp tham gia ký kết mà các chủ thể như cổ đông hay chuỗi thực thể pháp lý trong một nhóm NĐT cũng có quyền khởi kiện do phạm vi của khái niệm “khoản đầu tư” thường được quy định rất rộng dựa trên cơ sở tài sản (“asset based definition”) bao gồm các doanh nghiệp, cổ phiếu hoặc cổ phần, trái phiếu, và bất kỳ hình thức đóng góp tài sản nào trong một doanh nghiệp. 

Quyền khởi kiện của các cổ đông trong doanh nghiệp đầu tư

Hiện nay, hiện tượng đa phán quyết, thậm chí phán quyết mâu thuẫn, có thể gây ra trùng tố trong GQTC ĐTQT xảy ra sự đối lập giữa luật các quốc gia, các IIA so với phán quyết của các tòa ISDS về quyền khởi kiện gián tiếp để yêu cầu bồi thường thiệt hại gián tiếp của các cổ đông. Luật các quốc gia và các IIA, đặc biệt là các BIT, thường không trao quyền khởi kiện để yêu cầu bồi thường thiệt hại gián tiếp cho các cổ đông và cho rằng chỉ doanh nghiệp mới là chủ thể thích hợp để khởi kiện. Trái lại, dựa trên định nghĩa về “sự công bằng về số lượng cổ phiếu” (inclusion of shares) trong IIA và các án lệ trước đó, các tòa ISDS thường công nhận quyền khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại gián tiếp của cổ đông là tự động, riêng biệt và không phụ thuộc vào doanh nghiệp.

Chuỗi thực thể pháp lý của cùng một nhóm

Hiện nay, đầu tư trở nên càng phức tạp khi ĐTQT được thực hiện qua các chuỗi thực thể pháp lý bao gồm các doanh nghiệp được thành lập ở các khu vực tài phán khác nhau và thuộc sở hữu của các chủ thể của các quốc gia khác nhau. Chuỗi thực thể pháp lý trong cùng nhóm là một hiện tượng phổ biến, đặc biệt khi NĐT thường sẽ chọn những quốc gia có các cơ sở pháp lý có lợi hơn cho NĐT để thông qua đó thành lập doanh nghiệp tại quốc gia đó và thực hiện đầu tư.

Theo phạm vi khái niệm mở rộng của các IIA hiện nay, các cơ quan GQTC công nhận thẩm quyền giải quyết của các doanh nghiệp không phải bên ký kết trong hai trường hợp phổ biến. Một là, nguyên đơn thực hiện đầu tư thông qua một doanh nghiệp trung gian có quốc tịch khác với các bên trực tiếp ký kết thỏa thuận đầu tư. Thông qua chuỗi thực thể như vậy, NĐT có thể có ba quốc tịch theo doanh nghiệp trung gian bao gồm: của trực tiếp NĐT, của quốc gia nhận đầu tư và của một quốc gia thứ ba. Hai là, nguyên đơn là các doanh nghiệp trung gian được thành lập với mục đích đi đầu tư vào các doanh nghiệp khác, chứ không có các hoạt động kinh doanh hay tài sản đáng kể, do đó được coi là doanh nghiệp “vỏ bọc”.

Đặc tính của “trọng tài” – cơ chế giải quyết các tranh chấp đầu tư quốc tế được sử dụng phổ biến nhất 

Các hội đồng trọng tài (HĐTT) có quyền tự quyết định thẩm quyền của chính mình cho dù có sự phản đối về hiệu lực của thỏa thuận trọng tài và ngay cả khi hợp đồng chính vô hiệu, điều khoản trọng tài vẫn có hiệu lực với mục đích đánh giá các khiếu kiện phát sinh từ hợp đồng và GQTC đó. Thực tiễn xét xử cho thấy, tính đến cuối năm 2018, 79,5% các tranh chấp ISDS được kết luận là HĐTT có thẩm quyền, trong đó có tới 61% các phán quyết đưa ra đều có lợi cho NĐT. Điều này vô tình khuyến khích các bên lạm dụng hệ thống trọng tài đầu tư và gây ra hiện tượng trùng tố.

  1. Ảnh hưởng của trùng tố trong giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế

Trùng tố có nhiều ảnh hưởng xấu đối với bị đơn – Nhà nước tiếp nhận đầu tư. Cụ thể:

Một là, các nước nhận đầu tư không thể lường trước được khả năng bị kiện từ nhiều chủ thể khi tiến hành thỏa thuận với NĐT nước ngoài do cơ cấu hoạt động đầu tư của NĐT và sự tham gia vào nhiều BIT của các quốc gia nhận đầu tư. Đối với các quốc gia nhận đầu tư đã tham gia một số lượng BIT đáng kể, khả năng đối mặt với nhiều khiếu kiện đồng thời và liên tục sẽ tăng bởi (i) nhiều thực thể pháp lý khác nhau do cấu trúc doanh nghiệp ngày càng tinh vi và phức tạp của các NĐT nước ngoài, (ii) các cổ đông có quyền khởi kiện độc lập do sự phức tạp trong giao dịch giữa các cổ đông, thời điểm cổ đông nắm giữ cổ phần khác nhau. 

Hai là, nhiều khiếu kiện dẫn đến chi phí pháp lý rất cao, tạo gánh nặng lớn lên ngân sách cho các quốc gia bị đơn. Chi phí yêu cầu bồi thường từ phía nguyên đơn thường, đặc biệt là các khiếu kiện theo IIA, rất cao, trung bình khoảng 492 triệu đô la Mỹ. Ngay cả khi quốc gia nhận được phán quyết có lợi, Chính phủ vẫn phải chịu chi phí pháp lý và chi phí trọng tài thường khoảng 8 triệu USD

Ba là, sự bất công bằng về việc theo đuổi các vụ trùng tố giữa nguyên đơn – thường là NĐT đến từ quốc gia có thu nhập cao (86.25%), và bị đơn – thường là các quốc gia đang và kém phát triển (70.41%). Bị đơn thường ít có khả năng theo đuổi các vụ kiện lâu dài và liên tục, và một khi theo đuổi sẽ phải gánh chịu chi phí nặng nề gây tổn thất đến ngân sách tài chính quốc gia. 

  1. Thực tiễn xét xử một số vụ trùng tố trên thế giới

3.1. SGS Société Générale de Surveillance S.A. và Cộng hòa Pakistan (SGS v. Pakistan)

3.1.1. Bối cảnh tranh chấp

Tranh chấp này liên quan đến hai căn cứ pháp lý chứa hai quy định về cơ quan GQTC khác nhau. Một là, thỏa thuận năm 1994 giữa Cộng hòa Hồi giáo Pakistan và SGS Société Générale de Surveillance S.A. (SGS) về kiểm định hàng hóa (từ đây về sau gọi là “thỏa thuận PSI”) quy định các tranh chấp về hợp đồng sẽ chỉ được giải quyết bởi cơ quan GQTC của Pakistan theo Đạo luật Trọng tài Pakistan. Hai là, BIT năm 1995 giữa Liên bang Thụy Sỹ và Cộng hòa Pakistan, trong đó quy định ICSID là cơ quan duy nhất có thẩm quyền giải quyết đối với các tranh chấp phát sinh sau tháng 9 năm 1954. 

Tranh chấp phát sinh từ sự kiện pháp lý vào ngày 12/12/1996 khi Pakistan thông báo đơn phương chấm dứt thỏa thuận PSI vào ngày 11/3/1997. Tuy nhiên, sau khi thỏa thuận PSI chấm dứt, Pakistan không thanh toán phần còn lại của hóa đơn với giá trị gốc là 8.368.430,49 USD và lãi suất. 

Năm 1998, SGS đã khởi kiện Pakistan ra các tòa án Thụy Sỹ nhưng đều bị bác bỏ do quyền miễn trừ tư pháp. Nhận thức cần có cơ quan GQTC, Pakistan đã yêu cầu Tòa án dân sự cấp cao Islamabad chỉ định một trọng tài để thành lập HĐTT GQTC theo thỏa thuận PSI (từ đây về sau gọi là “Hội đồng trọng tài PSI”). Năm 2001, SGS đã đệ trình các phản đối sơ bộ đối với thẩm quyền của HĐTT PSI với cáo buộc Pakistan vi phạm thỏa thuận PSI và khởi kiện song song ra ICSID trên cơ sở pháp lý là BIT Thụy Sỹ – Pakistan và thỏa thuận PSI với cáo buộc Pakistan vi phạm BIT do không khuyến khích và bảo vệ đầu tư đối với SGS (Điều 3(1), Điều 4(1)), vi phạm nguyên tắc đối xử công bằng và thỏa đáng (Điều 4(2)), trưng thu mà không bồi thường cho NĐT (Điều 6(1)), không đảm bảo liên tục việc tuân thủ các cam kết theo thỏa thuận PSI (Điều 11 – điều khoản bao trùm (umbrella clause)).

SGS thậm chí yêu cầu tòa Islambad đình chỉ vụ tranh chấp do SGS đã khởi kiện ra ICSID. Tòa Islambad từ chối yêu cầu này và quyết định thành lập HĐTT PSI. Không đồng tình với phán quyết của tòa Islambad, SGS tiến hành phúc thẩm và giám đốc thẩm, nhưng các tòa này đều giữ nguyên phán quyết thành lập HĐTT PSI và Tòa án tối cao Pakistan đã yêu cầu SGS dừng quá trình tố tụng tại ICSID.

Không đạt được phán quyết mong muốn, SGS yêu cầu ICSID tiếp tục thực hiện quá trình tố tụng song song chống lại các tòa Pakistan. Ngày 16/10/2002, HĐTT ICSID đề nghị các tòa Pakistan đình chỉ xét xử và vào ngày 12/11/2002, các tòa Pakistan đã quyết định tạm thời đình chỉ tố tụng trọng tài trong nước cho đến khi ICSID đưa ra phán quyết cuối cùng.

3.1.2. Phán quyết của trọng tài

Ngày 6/8/2003, HĐTT ICSID đưa ra phán quyết, theo đó HĐTT ICSID là cơ quan duy nhất có thẩm quyền xét xử khiếu kiện theo BIT Thụy Sỹ – Pakistan của SGS và ICSID không có thẩm quyền giải quyết khiếu kiện theo thỏa thuận PSI. Dựa vào việc diễn giải cụm “bất kỳ tranh chấp liên quan đến đầu tư giữa một bên ký kết và NĐT của bên ký kết còn lại” Điều 9 BIT Thụy Sỹ – Pakistan được hiểu là tranh chấp cấu thành do vi phạm các điều khoản từ Điều 3 đến Điều 7 BIT, HĐTT ICSID khẳng định khiếu kiện của SGS về các vấn đề trên là khiếu kiện theo BIT và hội đồng là cơ quan tài phán duy nhất có thẩm quyền xét xử tranh chấp theo BIT này. Sau khi cân nhắc các hậu quả pháp lý sâu rộng, HĐTT cho rằng điều khoản bao trùm (Điều 11 BIT) là một điều khoản thứ yếu và không thay thế các điều khoản hợp lệ của các cơ quan tài phán trong thỏa thuận PSI, do đó khiếu kiện theo thỏa thuận PSI không thuộc thẩm quyền giải quyết của ICSID. 

3.1.3. Bình luận

Nguyên nhân và biểu hiện của trùng tố

SGS v. Pakistan được coi là tranh chấp điển hình có yếu tố trùng tố do sự khác biệt giữa hợp đồng đầu tư và hiệp định đầu tư, cụ thể là khác biệt về điều khoản bao trùm và điều khoản về cơ quan GQTC giữa BIT Thụy Sỹ – Pakistan và thỏa thuận PSI.  Do đó, hai cơ quan (HĐTT PSI và ICSID) cùng có thẩm quyền GQTC đối với cùng một hành vi Pakistan không thanh toán các khoản phí cho SGS sau khi đơn phương chấm dứt thỏa thuận PSI. Điều này đã trực tiếp gây ra trùng tố trong GQTC về ĐTQT.

Điều khoản bao trùm (umbrella clause) – Điều 11 trong BIT Thụy Sỹ – Pakistan

Là cơ quan tài phán quốc tế đầu tiên thảo luận về hiệu lực pháp lý của điều khoản bao trùm, HĐTT vụ SGS v. Pakistan đưa ra một cách hiểu hẹp về điều khoản này rằng một khiếu kiện phát sinh từ một hợp đồng đơn thuần sẽ không tự động chuyển sang một khiếu kiện theo hiệp định. 

Tuy nhiên, có một số cơ quan tài phán khác cho rằng, phạm vi của điều khoản bao trùm nên được hiểu rộng hơn, tiêu biểu là HĐTT ICSID trong vụ SGS v. Philippines. HĐTT trong vụ này diễn giải Điều X(2) BIT Philippines – Thụy Sỹ (điều khoản bao trùm) rằng quốc gia nhận đầu tư phải tuân thủ mọi nghĩa vụ pháp lý liên quan đến các khoản đầu tư được bảo hộ mà quốc gia đó đã và sẽ có trong tương lai, bao gồm cả nghĩa vụ hợp đồng. 

So sánh về cách diễn giải và áp dụng điều khoản bao trùm của hai HĐTT ICSID, đa số các học giả cho rằng cách tiếp cận của HĐTT vụ SGS v. Philippines thích hợp hơn cách tiếp cận của HĐTT vụ SGS v. Pakistan với nhiều lập luận khác nhau.

Thông qua việc diễn giải ý chí của nhà làm luật về vị trí của điều khoản bao trùm trong BIT Thụy Sỹ – Pakistan, Antony cho rằng, đây là điều khoản mang tính quy phạm và bao quát, chứ không phải một điều khoản khích lệ theo ý kiến của HĐTT vụ SGS v. Pakistan, nghĩa là chỉ mang tính trấn an NĐT rằng NĐT sẽ được đối xử công bằng, chứ không có bất kỳ hậu quả thực tế nào nếu quốc gia nhận đầu tư vi phạm điều khoản hợp đồng. Trong tranh chấp này, điều khoản bao trùm chỉ là “một “khẩu hiệu” và không bao giờ có chức năng thực tế”.

Schreuer cho rằng, cách tiếp cận điều khoản bao trùm của của HĐTT trong vụ SGS v. Pakistan làm mất đi ý nghĩa thực tiễn của điều khoản này. Cách hiểu này đi ngược lại với bản chất của điều khoản này là để tăng cường sự bảo vệ NĐT, bởi trên thực tế, NĐT rất khó để chứng minh quốc gia nhận đầu tư có hành vi trưng thu, chiếm hữu tài sản gián tiếp hoặc vi phạm nguyên tắc công bằng và thỏa đáng theo BIT. 

Điều khoản giải quyết tranh chấp – Điều 9 BIT Thụy Sỹ – Pakistan

Trái với HĐTT ICSID trong vụ SGS v. Pakistan, HĐTT trong vụ SGS v. Philippines cho rằng cụm “bất kỳ tranh chấp liên quan đến đầu tư giữa một bên ký kết và NĐT của bên ký kết còn lại” được hiểu là bao gồm tất cả các khiếu kiện theo hợp đồng, dẫn đến kết luận hội đồng có thẩm quyền GQTC khiếu kiện theo hợp đồng của các bên.

Từ sự mâu thuẫn trên, có thể thấy các HĐTT ICSID khác nhau vẫn chưa có cách giải quyết thống nhất về thẩm quyền của cơ quan GQTC theo BIT đối với khiếu nại theo hợp đồng khi chỉ dựa trên cơ sở duy nhất điều khoản GQTC trong BIT[15]. Ảnh hưởng của sự không thống nhất này đối với các điều khoản lựa chọn cơ quan tài phán trong các hợp đồng là không rõ ràng, nhưng có khả năng mở rộng.

Như vậy, hai vấn đề pháp lý liên quan đến hiện tượng trùng tố trong tranh chấp SGS v. Pakistan có mối quan hệ biện chứng với nhau. Do HĐTT ICSID xác nhận hội đồng có thẩm quyền giải quyết khiếu nại theo BIT nên điều khoản bao trùm được cân nhắc. Ngược lại, do HĐTT ICSID cho rằng điều khoản bao trùm không được áp dụng trong tranh chấp này nên khiếu nại theo hợp đồng sẽ thuộc thẩm quyền giải quyết HĐTT PSI. Henry đưa ra kết luận điều khoản bao trùm và điều khoản GQTC thường không đủ rõ ràng để chứng minh thẩm quyền đối với khiếu kiện hợp đồng[17]. Chính sự áp dụng quy định của BIT một cách linh hoạt nhưng có điểm không phù hợp đó của HĐTT ICSID đã dẫn tới thẩm quyền xét xử đồng thời của hai cơ quan GQTC.

Ảnh hưởng của trùng tố

Trùng tố trong GQTC SGS v. Pakistan, mặc dù xảy ra hiện tượng phán quyết mâu thuẫn nhưng chi phí pháp lý của các bên rất cao do đã khởi kiện và kháng cáo ra nhiều cơ quan tài phán khác nhau, bao gồm cả các tòa không có thẩm quyền. Theo phán quyết của HĐTT ICSID, SGS đã yêu cầu Pakistan bồi thường hơn U.S.$329,068,383, trong đó bao gồm U.S.$1,500,000 chi phí pháp lý cho SGS. Đối với Pakistan – một quốc gia đang phát triển có tổng sản lượng quốc gia chỉ đạt U.S.$440/năm, con số trên là quá lớn.

Câu 65: Trình bày những điểm mới về Giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài và nước tiếp nhận đầu tư theo mẫu HĐTT song phương năm 2015 của Ấn Độ?

Một là thay đổi khái niệm đầu tư

Khái niệm đầu tư là một trong những bất đồng lớn trong vụ tranh chấp giữa Công ty White và Ấn Độ. Nguyên nhân của vấn đề là do các quy định trong BIT cho vụ này nói riêng và rất nhiều quy định tương tự trong BITs khác nói chung. Chính vì vậy, mẫu BIT 2015 đã xây dựng khái niệm đầu tư dựa trên cơ sở doanh nghiệp thay vì khái niệm đầu tư dựa trên yếu tố tài sản như trong mẫu BIT 2003. Điều 1.4 mẫu BIT 2015 quy định “Đầu tư nghĩa là một doanh nghiệp được thành lập, tổ chức và hoạt động bởi một nhà đầu tư phù hợp với pháp luật của một bên …”

Trong khi đó, khái niệm đầu tư theo mẫu BIT 2003 trước đó lại quy định dựa trên yếu tố tài sản. Điểm b Điều 1 mẫu  BITs 2003 quy định: “ Đầu tư có nghĩa là mọi loại tài sản được thiết lập hoặc đạt được bao gồm…”.  Khái niệm đầu tư này đã quy định về mọi loại tài sản sau đó liệt kê cụ thể từng loại tài sản đầu tư. Khái niệm đầu tư dựa trên tài sản tiềm ẩn nhiều rủi ro như được hiểu và giải thích theo nhiều nghĩa khác nhau. Ngoài ra, có thể dẫn tới không hiểu thống nhất về thành phần của hoạt động đầu tư, một số khái niệm trong BITs đã mô tả và chấp nhận cả những hoạt động đầu tư tối thiểu và gián tiếp. Hậu quả của những khái niệm rộng như vậy là thậm chí nhà đầu tư cá nhân riêng lẻ chỉ nắm giữ 0,01% cổ phần trong công ty có hoạt động đầu tư trên lãnh thổ của thành viên Hiệp định BIT cũng có thể khởi kiện NNTNĐT ra trọng tài quốc tế. Đồng thời, hình thức của đầu tư gián tiếp cũng không được định nghĩa một cách cụ thể sẽ dẫn tới nhiều chủ thể có quyền khởi kiện NNTNĐT. Ví dụ, tạo cho chi nhánh của NĐTNN quyền khởi kiện NNTNĐT khi thực chất hoạt động đầu tư của chi nhánh được tiến hành trên lãnh thổ của một nước không phải thành viên hiệp định nhưng do lập luận rằng hoạt động đầu tư có nguồn gốc từ NĐTNN có trụ sở ở một nước thành viên hiệp định.

Từ những hạn chế trên, muốn giúp cho Ấn Độ giảm nguy cơ bị kiện bởi các NĐTNN thì cách xây dựng khái niệm đầu tư dựa trên doanh nghiệp của Mẫu BIT 2015 là tất yếu và phù hợp với yêu cầu thu hẹp phạm vi của hoạt động bảo hộ, từ đó loại trừ được những căn cứ pháp lý để NĐTNN khởi kiện Ấn Độ. Điều này, cũng được cho là giúp làm cân bằng hơn những lợi thế mà NĐTNN tại Ấn Độ đang có được theo các BITs trước đó.

Hai là loại trừ nguyên tắc đối xử tối huệ quốc (MFN)

Một trong những điểm mới của mẫu BIT 2015 là loại bỏ nguyên tắc MFN, nguyên tắc cơ bản trong đầu tư quốc tế. Sự thay đổi này có tính lịch sử bởi vị trí, vai trò chính của MFN khi đảm bảo nguyên tắc không phân biệt đối xử trong quan hệ đầu tư quốc tế. Tuy nhiên, bên cạnh ưu thế vượt trội và ý nghĩa của MFN trong tiến trình tự do hóa đầu tư quốc tế, nguyên tắc này cũng tiềm ẩn nguy cơ rủi ro pháp lý. Dưới góc độ thực thi BITs thì MFN chính là một nghĩa vụ pháp lý mà các quốc gia thành viên phải tuân thủ. Vì vậy, thực tế của thương mại nói chung, đầu tư nói riêng, đã có nhiều tranh chấp xung quanh việc bên kiện đã cho rằng bên bị kiện đã vi phạm MFN, tạo ra sự phân biệt đối xử.

Trong bối cảnh quyền khởi kiện của NĐTNN với NNTNĐT được ghi nhận thì MFN trở thành một thứ quyền có sức mạnh tiềm ẩn cho NĐTNN. Phạm vi quyền không chỉ  trong chính hiệp định mà nhà nước có nhà đầu tư và NNTNĐT đã ký kết mà còn trong cam kết của các hiệp định khác. Đặc biệt trong điều kiện kết hợp khái niệm đầu tư dựa trên tài sản với MFN thì sẽ càng tăng quyền cho NĐTNN. Chính vì vậy, nếu không tạo ra một ranh giới rõ ràng khi thỏa thuận về MFN trong tất cả các điều ước quốc tế thì NNTNĐT sẽ khó kiểm soát khả năng bị kiện do NĐTNN sử dụng quyền MFN.

Trong các BITs trước của Ấn Độ, nguyên tắc này được ghi nhận với phạm vi không giới hạn và sử dụng nhiều thuật ngữ mang tính trừu tượng. Rút kinh nghiệm từ thực tế đã bị kết luận vi phạm MFN và phải bồi thường thiệt hại, Ấn Độ đã không chọn cách kiểm soát MFN bằng các biện pháp giống như một số nước đã thực hiện, mà loại trừ luôn nguyên tắc này khỏi mẫu BIT 2015.

Ba là hạn chế phạm vi nguyên tắc đối xử quốc gia (NT)

Ngược lại với MFN, NT vẫn được tiếp tục ghi nhận trong mẫu BIT mới, nhưng có những điều chỉnh nhất định. Theo Điều 4 mẫu BIT 2015, có hai điểm mới của nguyên tắc này so với quy định trong BITs trước đó. Một là, giới hạn phạm vi đối tượng của NT, không mở rộng việc áp dụng nguyên tắc này cho các giai đoạn thành lập, mua bán, mở rộng hoạt động “đầu tư” và lược bỏ các cụm từ tạo khả năng cho nhà đầu tư dẫn chiếu bất kỳ một ưu đãi có lợi hơn nào trong các hiệp định khác. Hai là, mở rộng phạm vi chủ thể, chính phủ các bang của Ấn Độ, cũng được coi như một bên chủ thể trong quan hệ với NĐTNN. Điều này có nghĩa hành động của chính phủ từng Bang cũng được điều chỉnh bởi Hiệp định.

Bốn là giới hạn nguyên tắc bảo vệ và an ninh đầy đủ (FPS)

Theo mẫu BIT 2015 nguyên tắc bảo vệ và an ninh đầy đủ (FPS) đã được giới hạn, chỉ xoay quanh an ninh về vật chất (physical) của NĐTNN và liên quan tới hoạt động đầu tư. Nguyên tắc này đã được quy định trong hầu hết các BITs trước đó, tuy nhiên giống với FET, khái niệm về FPS không được định nghĩa trong hiệp định nên dẫn tới có nhiều cách giải thích và hiểu khác nhau, không chỉ trong phạm vi đảm bảo an toàn vật chất, và bảo vệ đầu tư nước ngoài mà còn được hiểu theo nghĩa rộng bao gồm cả điều chỉnh và an ninh pháp lý. Đồng thời,mẫu BIT 2015 cũng loại bỏ yếu tố thiếu rõ ràng, bất lợi cho NNTNĐT, Điều 3.2 của BITs này quy định FPS là “Nghĩa vụ của thành viên về đảm bảo an ninh vật chất cho nhà đầu tư và hoạt động đầu tư được thực hiện bởi nhà đầu tư của phía bên kia và không bao gồm bất kỳ nghĩa vụ nào khác”. Quy định này đã giúp hạn chế tối đa sự tùy tiện của trọng tài và thể hiện sự nhượng bộ của bảo hộ đầu tư với quyền điều chỉnh của NNTNĐT. Quy định này cũng yêu cầu NNTNĐ phải tuân thủ nghĩa vụ đảm bảo an ninh về vật chất cho hoạt động đầu tư nước ngoài và song song với đó là đảm bảo rằng việc thông qua các biện pháp điều chỉnh, mà những biện pháp này có thể ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh hoặc môi trường pháp lý, không thể bị coi như vi phạm FPS mặc dù những biện pháp như vậy có thể rất nhạy cảm khi yêu cầu theo những quy định của BITs. Với những lợi ích như vậy nên lựa chọn thay đổi điều khoản này và lấy đó làm lý do để chấm dứt các BITs có quy định trên là hoàn toàn có cơ sở. Thực tế, thực hiện chính sách trên, Ấn Độ đã chấm dứt các BITs mà đều có điều khoản FPS theo mẫu BITs trước đó.

Năm là loại bỏ nguyên tắc đối xử công bằng và thỏa đáng (FET)

Mẫu BITs 2015 không quy định về FET, mà chỉ có quy định về “Đối xử đầu tư trong Điều 3. Một phần nội dung của điều này cấm quốc gia khỏi việc phụ thuộc vào các hoạt động đầu tư nước ngoài để thực hiện các biện pháp dẫn tới vi phạm thông lệ quốc tế (IMS) bao gồm: Từ chối công bằng trong cả thủ tục tư pháp và hành chính; Vi phạm cơ bản thủ tục hợp pháp; Phân biệt đối xử về những vấn đề mang tính đương nhiên, không thể điều chỉnh như giới tính, giống nòi hay niềm tin tôn giáo; Đối xử mang tính lạm dụng đương nhiên như áp bức, cưỡng ép và gây rối. 

Khác với quan điểm xây dựng FET còn  nhiều điểm tranh cãi trước đây với nghĩa rất rộng, nội dung thực sự được xác định bằng chủ ý của trọng tài, không bị giới hạn bởi các nghĩa vụ trong IMS, là tiêu chuẩn tự động, không có hướng dẫn cụ thể về nội dung, quy định trong mẫu mới này quy định về nội dung của IMS mà không cần dẫn chiếu tới quy định FET. Đồng thời, quy định như vậy cũng thể hiện mong muốn xóa bỏ cuộc cách mạng IMS. Quy định trong mẫu BIT 2015 cũng đã hạn chế tối đa việc tự ý giải thích các thuật ngữ trong lời văn của hiệp định như khái niệm về “yêu cầu hợp pháp”- một khái niệm gây tranh chấp trong vụ White, loại trừ luôn vấn đề này trong nội hàm của khái niệm IMS. Quy định như vậy chứng tỏ mẫu BIT 2015 nghiêng về phía ưu đãi cho quyền lực của NNTNĐT hơn.

Bằng việc không đề cập tới FET trong mẫu BIT 2015, Ấn Độ đã có thể loại bỏ các các vấn đề hạn chế, đồng thời vẫn  xác định được nội dung của các tiêu chuẩn, cũng như khái niệm mở rộng.

Ngoài ra, trong phạm vi đối xử đầu tư, mẫu BIT 2015 bao gồm quy định mới về không phân biệt đối xử trong bồi thường các thiệt hại. NĐTNN chỉ có thể xem xét việc bồi thường thiệt hại một cách không phân biệt đối xử trong điều kiện như xung đột vũ trang, thảm họa thiên nhiên và tình trạng khẩn cấp quốc gia.

Sáu là quy định rõ hơn về tước đoạt quyền sở hữu

Mẫu BIT 2015 quy định nhà nước không thể quốc hữu hóa hoặc tước đoạt tài sản một hoạt động đầu tư hoặc áp dụng cá biện pháp tương đương với tước đoạt tài sản, loại trừ “với lý do vì lợi ích công cộng” với thủ tục hợp pháp và để trả các khoản bồi thường tương đương. Nhưng Hiệp định cũng đưa ra những miễn trừ. Theo mẫu BIT 2015 bất kỳ biện pháp nào được áp đặt bởi các cơ quan tư pháp nhằm mục đích bảo vệ lợi ích công cộng sẽ được loại khỏi phạm vi của tước đoạt tài sản. Trong vụ kiện White có nội dung tranh chấp về tước đoạt quyền sở hữu theo Điều 7 BIT giữa Ấn Độ và Úc khi Công ty White cho rằng Ấn Độ đã tước đoạt hoạt động đầu tư  khi viện dẫn phán quyết, hợp đồng và bảo lãnh ngân hàng bị tước đoạt. Cùng với những khái niệm đầu tư, quy định này nhằm khẳng định quyền không bị trước đoạt và trường hợp loại trừ vì lợi ích công cộng sẽ góp phần tránh những tranh chấp phức tạp, đầy rủi ro không cần thiết như trong vụ kiện trên.

Bảy là quy định về minh bạch

Mẫu BITs 2015 yêu cầu Chính phủ và các cơ quan điều chỉnh phải đảm bảo rằng tất cả các luật, quy định, trình tự, thủ tục hành chính liên quan đến các vấn đề được điều chỉnh bởi BITs được công bố hoặc sẵn sàng cho những người quan tâm để quen với những quy định đó. Sửa đổi này chứa đựng nhiều đổi mới về tính minh bạch của nhà nước, tạo điều kiện cho NĐTNN tiếp cận với pháp luật, chính sách và những vấn đề khác của NNTNĐT. Trước khi quyết định thực hiện đầu tư nước ngoài.

Tám là điều chỉnh về thẩm quyền và áp dụng các phương thức giải quyết tranh chấp trong nước

Bên cạnh những điểm mới  quan trọng về nội dung như trên, mẫu BIT 2015 còn có nhiều điều chỉnh đối với các quy định về ISDS như thẩm quyền, áp dụng các phương thức trong nước. Về thẩm quyền, mẫu BIT 2015 đã hạn chế phạm vi của ISDS chỉ đối với các tranh chấp phát sinh từ việc viện dẫn vi phạm nghĩa vụ của NNTNĐT trong Chương II của BITs chứ không phải bất cứ chương nào. Đồng thời, đối với các tranh chấp phát sinh từ việc vi phạm nghĩa vụ quy định trong Điều 9 (Nhập cảnh và lưu trú của cá nhân) và Điều 10 (Minh bạch) cũng bị loại trừ ra khỏi phạm vi của ISDS. Điều này có nghĩa, nhà đầu tư chỉ có thể khởi kiện Ấn Độ trong các trường hợp chứng minh được nước này vi phạm các nghĩa vụ trong đối xử đầu tư (Treatment of Investment) theo Điều 3 của BITs. Ngoài ra, thẩm quyền của cơ quan xét xử còn bị giới hạn bởi quy định loại trừ các tranh chấp phát sinh do vi phạm hợp đồng giữa NĐTNN và NNTNĐT. Quy định này được cho là rất có ý nghĩa trong việc loại trừ điều khoản cái ô (“Umbrella Clause”) với phạm vi rất rộng và chung chung, có thể mang tới cho NĐTNN quyền được viện dẫn bất kỳ nghĩa vụ nào khác, trong đó bao gồm cả các nghĩa vụ từ hợp đồng, tức là NĐTNN có thể khởi kiện NNTNĐT ngay cả khi vi phạm hợp đồng trong khi mục đích chính của ISDS là để xử lý các vi phạm trong hiệp định. Ngoài ra, Khoản 5 Điều 13 của mẫu BIT 2015 còn bổ sung hai giới hạn: Một là, cơ quan xét xử sẽ không được xem xét lại nội dung quyết định của cơ quan tư pháp ở các nước thành viên. Hai là, không có thẩm quyền đối với các đơn kiện thuộc về trọng tài theo Chương V về tranh chấp giữa các thành viên hiệp định.

Về áp dụng các biện pháp trong nước, để tránh việc bị kiện thẳng ra cơ quan tài phán quốc tế, trong mẫu BITs này ưu tiên các phương thức giải quyết tranh chấp trong nước. Với mục đích đưa ra thêm điều kiện cho NĐTNN khởi kiện Ấn Độ tại cơ quan trọng tài quốc tế, mẫu BIT 2015 cho thấy Ấn Độ muốn hướng tới việc ưu tiên sử dụng các phương thức giải quyết tranh chấp trong nước  trước khi đưa ra các cơ quan tài phán quốc tế  như  trọng tài. Điều 15 mẫu BIT 2015 quy định rằng NĐTNN phải áp dụng các phương thức giải quyết tranh chấp trong nước như đàm phán, tham vấn trước khi khởi kiện NNTNĐT ra trọng tài. Nhà đầu tư chỉ có thể sử dụng các phương thức ở ngoài nước sau năm năm kể từ khi đã sử dụng tất cả các phương thức trong nước. Có thể thấy, những thay đổi trên trong mẫu BIT 2015 về trọng tài đã góp phần đáp ứng mong muốn ban đầu của Ấn Độ là các BITs trong tương lai sẽ đảm bảo cho NNTNĐT tận dụng các ảnh hưởng có lợi nhiều hơn và duy trì sự kiểm soát hơn tới thủ tục tố tụng trọng tài giữa NĐTNN và NNTNĐT so với các vụ đã được giải quyết trên cơ sở BITs thế hệ trước. 

Tóm lại, với những nội dung thay đổi quan trọng về nội dung và hình thức như khái niệm đầu tư, các nguyên tắc cơ bản trong đầu tư quốc tế, cũng như các quy định thẩm quyền và phương thức ISDS, Mẫu BITs 2015 đã phản ánh rõ nhất những thay đổi chính sách nhằm phòng ngừa và kiểm soát ISDS. Đồng thời thể hiện phần nào mô hình cải cách chính sách ISDS của Ấn Độ trong mối tương quan so sánh với những mô hình cải cách đang được các quốc gia khác trên thế giới áp dụng hiện nay.

CHƯƠNG 4: DI CHUYỂN QUỐC TẾ VỀ LAO ĐỘNG

Câu 66:  Khái niệm về di cư, nhập cư và lao động quốc tế? 

1.Khái niệm về di cư, nhập cư

Có nhiều quan niệm khác nhau về di cư nói chung và di cư quốc tế nói riêng. Theo định nghĩa trong Từ điển tiếng Anh Oxford, “dân di cư” là người di chuyển tạm thời hoặc vĩnh viễn từ một nơi/khu vực/quốc gia tới địa điểm khác. Người ta có nhiều lý do để di cư như kiếm việc hoặc mưu cầu một cuộc sóng tốt hơn. Đó là trường hợp “di dân kinh tế”. Ngoài ra, dân di cư còn gồm những người chuyển nơi ở vì lý do gia đình hay học tập. Những người chạy trốn xung đột hay ngược đãi là “dân tị nạn”. Hiện nay, có những tranh luận và quan điểm khác nhau về hai thuật ngữ “dân di cư” và “dân nhập cư”. Di cư có thể hiểu là hành động di chuyển của người dân từ vùng này sang vùng khác. Trong khi đó, nhập cư được xác định là hành động di chuyển tới quốc gia khác với ý định sống ở đó vĩnh viễn. Theo Tổ chức Di cư quốc tế (International Organization for Migration – IOM), nhập cư là “quá trình những người không phải công dân của quốc gia tiếp nhận di chuyển tới quốc gia đó với mục đích định cư”.

Có nhiều quan niệm khác nhau về di cư nói chung và di cư quốc tế nói riêng, bao gồm cả về lĩnh vực pháp lý, hành chính, nghiên cứu và thống kê… Không có định nghĩa chung nào được thống nhất về di cư hay người di cư, nhưng có một số định nghĩa được chấp nhận rộng rãi và đã được sử dụng ở nhiều lĩnh vực khác nhau. IOM nêu rõ, di cư quốc tế là hình thức di chuyển qua biên giới của một hoặc một vài quốc gia, dẫn tới sự thay đổi tình trạng pháp lý của một cá nhân. Xét theo phạm vi di chuyển quốc tế, tác giả Đặng Nguyên Anh cũng đưa ra khái niệm: “Di cư quốc tế là sự di dời người từ quốc gia này sang mệt quốc gia khác để lao động, học tập, cư trú hoặc nhằm tìm noi ẩn náu nhằm tránh sự trừng phạt hoặc thiên tai, bạo loạn chính trị, xung đột vũ trang. Di cư ra nước ngoài là một phần của di cư quốc tế, liên quan đến sự ra đi của công dân từ một quốc gia, vùng lãnh thổ”.

Dựa trên những tiêu chí khác nhau, có thể phân chia người di cư thành những dạng khác nhau. Có một số cách phân loại di cư chủ yếu sau:

Theo nghiên cứu của Jennissen (2004), có 4 loại hình di cư chính, đó là: (i) Di cư lao động; (ii) Di cư hồi hương; (iii) Đi cư chuỗi; và (iv) Di cư tị nạn. Di cư lao động được xác định là sự di chuyển qua biên giới của người lao động sang nước khác. Neu người di cư quốc tế có ý định trở lại quốc gia mà họ mang quốc tịch sau khi sinh sống như người di cư quốc tế tại nước ngoài, và ở lại đất nước của chính họ trong vòng ít nhất 1 năm, thì những người này được gọi là người di cư hồi hương. Những cá nhân di chuyển từ quốc gia này sang quốc gia khác để đoàn tụ gia đình và lập gia đình được xem là những người di cư chuỗi. Những người khi tới quốc gia khác để tìm kiếm nơi tị nạn được xem là những người di cư tị nạn.

Theo Bell, Alves, de Oliveira và Zuin (2010) xác định có 3 loại di cư quốc tế chủ yếu, đó là: (i) Di cư lao động; (ii) Di cư cưỡng bức; (iii) Di cư hưu trí quốc tế. Di cư lao động liên quan đến hoạt động di cư của những lao động có kĩ năng cao, không có kĩ năng, lương thấp và tạm thời. Di cư cưỡng bức gồm những người tị nạn và xin tị nạn vượt biên sang quốc gia khác do xung đột và bất ổn chính trị, và những người phải đi sang nước khác khi bị mất nhà cửa do thảm họa thiên tai và các dự án xây dựng. Di cư hưu trí quốc tế là khi người về hưu mua bất động sản ở nước ngoài để làm nơi cư trú.

Sự phân loại phổ biến khác đó là di cư cưỡng bức và di cư tự nguyện. Những người di chuyển từ quốc gia này sang quốc gia khác để xin tị nạn, những người tị nạn và những người di tản nội bộ được xem là những người di cư cưỡng bức, trong khi những người phải di cư do những mục đích khác được xem là người di cư tự nguyện. Những người di cư cưỡng bức không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải di chuyển sang quốc gia khác do những nguyên nhân mà họ gặp phải tại quốc gia của mình, trong khi những người di cư tự nguyện thì di chuyển nhằm tìm kiếm lợi ích cá nhân.

Ngoài các cách phân loại trên, nhiều thuật ngữ khác nhau được sử dụng để xác định các loại hình khác nhau của di cư. Thuật ngữ phổ biến nhất là di cư kinh tế. Đây được xác định là những người quyết định di chuyển từ quốc gia này sang quốc gia khác nhằm cải thiện mức sống cá nhân thông qua việc có được công việc có thu nhập cao hơn và các điều kiện tốt hơn. Trong di cư kinh tế, ưu tiên được hướng tới là lợi ích về kinh tế. Thuật ngữ khác được dùng phổ biến đó là di cư chính trị, là những người di chuyển từ một quốc gia sang quốc gia khác do các cuộc nội chiến và phân biệt đối xử chính trị tại quốc gia quê nhà. Hiện nay, di cư môi trường cũng đã trở thành thuật ngữ phổ biến được sử dụng. Những người di cư vì môi trường là những người rời khỏi quốc gia của mình do các điều kiện môi trường như vấn đề sa mạc hóa, mực nước biển tăng lên và hạn hán. Theo quan điểm trên, có thể nhận thấy rằng các loại hình của di cư quốc tế đang thay đổi theo thời gian. Nguyên nhân là các nhà nghiên cứu xác định các loại hình mới của di cư dựa trên sự nổi lên của các nhân tố kéo và đẩy. Vì vậy, di cư là chủ đề tiếp tục thay đổi cùng với sự biến đổi của các điều kiện kinh tế – xã hội và địa chính trị.

Tóm lại, tùy theo đối tượng nghiên cứu cụ thể và bối cảnh của các giai đoạn phát triển của kinh tế – xã hội thế giới, di chuyển lao động quốc tế sẽ được định nghĩa cho phù hợp.

2.Khái niệm về lao động quốc tế

Như đã đề cập ở trên, có nhiều hình thức di cư khác nhau, trong đó có hình thức mà những người trong độ tuổi lao động di chuyển ra khỏi quốc gia của họ và tới một quốc gia khác, thường được gọi là lao động di cư quốc tế.

“Di chuyển lao động quốc tế là việc người lao động nước này di chuyển sang nước khác vì những mục đích kiếm việc làm hoặc kiếm sống hay nói cách khác là vì lý do kinh tế nhất định”.

Những lao động nước ngoài đến làm việc tại một quốc gia còn được gọi là “lao động di trú” (migrant worker). Trong hệ thống văn kiện quốc tế về lao động di trú, Công ước quốc tế về quyền của người lao động di trú và các thành viên trong gia đình họ được coi là một trong những điều ước quan trọng nhất. Công ước này được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 18/12/1990 theo Nghị quyết A/RES/45/158, có hiệu lực từ ngày 01/7/2003. Theo Công ước này, thuật ngữ “lao động di trú” để chỉ một người đã, đang và sẽ làm một công việc có hưởng lưomg tại một quốc gia mà người đó không phải là công dân (khoản 1 Điều 2). Điều 5 Công ước này chia người lao động di trú và các thành viên trong gia đình họ thành hai loại: (i) Có giấy tờ hợp pháp (hoặc hợp pháp); và (ii) Không có giấy tờ (hoặc bất hợp pháp).

Trong đó, dạng (i) là những người được một nước cho phép vào, ở lại và làm một công việc được trả lương tại quốc gia đó, còn dạng (ii) là những người không được trao các quyền tương tự.

Câu 67: Phân tích khung lý thuyết về di chuyển lao động quốc tế?

Trong lịch sử, đã có nhiều cách tiếp cận khác nhau được phát triển để xem xét và giải thích nguyên nhân vì sao người lao động phải di cư sang nước khác. Dưới đây là những nội dung cơ bản về một số học thuyết chủ yếu liên quan đến lao động di cư quốc tế.

3.1 Các lý thuyết kinh tế vi mô

Ravenstein (1889, 1976) đã sử dụng các luật về hành vi, dựa trên các bằng chứng thực chứng thu nhận được trong thế kỉ XIX, để giải thích vì sao con người có xu hướng di chuyển từ nơi có dân số đông tới nơi có ít người hơn, từ nơi nghèo hơn tới nơi giàu có hơn, và từ khu vực có lương thấp tới nơi có lương cao hơn. Ông kết luận rằng di cư chịu tác động của nhiều điều kiện kinh tế thuận lợi và bất lợi khác nhau tạo ra lực đấy và lực kéo cá nhân hoặc người dân nói chung theo những hướng nhất định. Sau đó, các lý thuyết tổng quát tiếp tục giải thích thêm (hoặc có thể là mô tả) về di cư theo hướng đơn giản là các nhân tố kéo và đẩy. Các nhân tố đấy là những nhân tố thúc đẩy người dân rời bỏ quốc gia mà họ sinh ra (hoặc nơi mà họ hiện đang sinh sống) như sụ áp bức về chính trị, điều kiện sống nghèo nàn, cơ hội về kinh tế thấp. Các nhân tố kéo thu hút người dân tới một nơi khác, bao gồm nhu cầu về lao động, cơ hội để có mức sống cao hơn, tự do về chính trị. 

3.2 Các lý thuyết tân cổ điển

Trong kinh tế học tân cổ điển, cách tiếp cận có xu hướng xem xét các nhân tố kinh tế là tối quan trọng (nghèo đói như một nhân tố đẩy, các cơ hội kinh tế tốt hơn như một nhân tố kéo), và dựa trên mô hình lựa chọn hợp lý về hành vi con người, trong đó thừa nhận sự tồn tại của các cá nhân tối đa hóa lợi ích, những người xem xét chi phí và lợi ích của nhiều tùy chọn khác nhau sau đó đưa ra lựa chọn cá nhân của riêng họ trước khi hành động. Di cư xảy ra là do kết quả của quá trình phát triển kinh tế và khác biệt về tiền lương.

Ngoài sự khác biệt về tiền lương và cơ hội việc làm, hành vi di cư cũng bao gồm việc xem xét các chi phí tài chính như: chi phí đi lại; thời gian thất nghiệp tại quốc gia tiếp nhận; và các chi phí tâm lý (rời bỏ gia đình và bạn bè). Vì vậy, khác biệt trong khoản nhận được dự kiến khi so sánh di cư sang quốc gia khác và ở lại quê nhà càng lớn, thì quy mô của các dòng di cư cũng sẽ càng lớn.

3.3 Các lý thuyết kinh tế mới và thị trường lao động kép/phân đoạn

Những lý thuyết kinh tế mới về di cư thừa nhận cũng có những biện pháp can thiệp (mạng lưới gia đình và bạn bè, những người giúp đỡ người di cư trong cộng đồng mới, hoặc những người trung gian, môi giới lao động, người tuyển dụng) nhưng vẫn có xu hướng dựa trên các lý thuyết kéo và đẩy và quyền quyết định của chúng, và xem những mạng lưới này đơn thuần là những lực thúc đẩy hoặc cản trở.

Các lý thuyết về thị trường lao động kép xem xét nền kinh tế của các nước phát triển như là phân tách hoặc phân đoạn của một bên là công việc an toàn và được trả lương cao, và một bên khác là công việc tạm thời, thiếu an toàn (thị trường lao động thứ cấp). Người nhập cư kĩ năng thấp (và phần lớn là không có giấy tờ hợp pháp) sẽ đảm nhiệm những công việc thuộc nhóm thấp nhất trong phân tàng xã hội và nhũng công việc có mức lương thấp, nơi mà người lao động bản xứ không quan tâm. Theo Piore (1979), không phải các nhân tố đẩy (mức lương thấp) khiến người dân di cư, mà chính là những nhân tố kéo đã gây ra di cư trong nội địa và quốc tế.

3.4 Lý thuyết mạng lưới

Lý thuyết này xem mạng lưới di cư là một khái niệm liên quan đến vốn xã hội. Arango (2000) định nghĩa mạng lưới di cư là một bộ các quan hệ cá nhân kết nối người di cư với người thân, bạn bè hoặc đồng hương ở quê nhà, những người truyền đạt thông tin, cung cấp hỗ trợ tài chính và tạo điều kiện tìm kiếm cơ hội việc làm và chỗ ở theo nhiều cách khác nhau. Những mạng lưới này giúp làm giảm chi phí và rủi ro khi con người di chuyển, và tăng lợi ích kì vọng của việc di cư. Hơn nữa, Vertovec (2002), Dustmann và Glitz (2005) cho rằng cộng đồng người di cư và các mạng lưới khác có khả năng ảnh hưởng đến người di cư khi họ lựa chọn điểm đến. Các kết nối mạng lưới là một hình thức vốn xã hội cho phép tiếp cận rộng rãi với việc làm ở nước ngoài.

3.5 Lý thuyết hệ thống di cư

De Haas (2010) đã xác định lý thuyết mạng lưới gắn kết chặt chẽ với lý thuyết hệ thống di cư. Hom nữa, trọng tâm của phưomg pháp tiếp cận hệ thống là cả về mối liên kết vĩ mô và vi mô của các địa điểm liên quan đến quá trình di cư. Các nhân tố vĩ mô bao gồm hệ thống bạn bè và người thân, trong khi các nhân tố vi mô tập trung vào hệ thống kinh tế, chính trị, các chính sách quốc gia về nhập cư và hệ thống văn hóa – xã hội. Lý thuyết hệ thống di cư tập trung vào mối liên hệ lẫn nhau giữa di cư và phát triển.

Như vậy, mỗi một lý thuyết khác nhau, học thuyết khác nhau lại đưa ra những giải thích khác nhau về nguyên nhân di chuyển lao động quốc tế. Các nguyên nhân của sự di chuyển lao động quốc tế có thể xuất phát từ những nhân tố kéo hoặc đẩy, do xem xét chênh lệch giữa lợi ích và chi phí khi di cư, do sự phân bổ không công bằng trên toàn cầu hoặc do ảnh hưởng của gia đình và cộng đồng…

Câu 68: Những đặc điểm chủ yếu của di cư lao động quốc tế hiện nay?

Thứ nhất, đa số lao động di chuyển từ các nước đang phát triển không có nghề nghiệp hoặc bán chuyên nghiệp

Lao động di chuyển từ các nước đang phát triển chủ yếu là lao động phổ thông. Do không có chuyên môn nghề nghiệp nên lao động thường tập trung vào những lĩnh vực như xây dựng, khai mỏ, nông nghiệp và giúp vịêc gia đình…

Lao động Trung Quốc di cư sang châu Phi trong thập kỷ đầu thể kỷ XXI tăng rất nhanh, chủ yếu là nông dân, công nhân xây dựng, công nhân hầm mỏ, lao động tiểu thương…

Tuy nhiên, những nước tiếp nhận nguồn lao động này từ các nước đang phát triển có thời hạn không dài (tạm thời ký trong khoảng thời gian từ 3-5 năm) nhằm mục đích tránh những hậu quả xã hội của nhóm lao động di cư không nghề hoặc bán chuyên nghiệp để lại.

Thứ hai, lao động di chuyển tăng nhanh thể hiện ở mức tăng liên kết thị trường lao động

Singapore phát triển kinh tế dựa vào chiến lược sử dụng lao động di cư thông qua cơ chế quota và thu thuế. Từ những năm 1980s sự bùng nổ kinh tế của Malaysia và Thái Lan dẫn tới việc thiếu hụt lao động ở các nước này. Do đó, Malaysia và Thái Lan đã thực hiện chiến lược mở cửa đối với lao động di cư từ các nước khác trong khu vực. ASEAN đang tập trung phát triển một thị trường chung đối với việc di chuyển tự do người lao động và xóa bỏ yêu cầu visa từ lao động trong khu vực. Philippin là nước có số lao động di cư ra nước ngoài nhiều nhất – đó là những chuyên gia và lao động có kỹ năng, chuyên môn – di cư tới các nước khác nhau trên toàn thế giới.

Một số nhóm có chuyên môn, kỹ năng nhất định thì chỉ di cư tới một số nước. Ví dụ, lao động giúp việc gia đình chủ yếu tập trung ở Hồng Kông và Saudi Arabia; lao động trong lĩnh vực nghệ thuật di cư tới Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước Đông Nam Á khác. Các chuyên gia công nghệ thông tin và y tá di cư tới Mỹ và Anh. Rõ ràng, sự chuyên môn hóa thị trường lao động làm tăng mối liên kết thị trường giữa các quốc gia trong khu vực.

Thứ ba, di cư lao động từ khu vực nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ diễn ra mạnh ở những nước có tốc độ tăng trưởng nhanh

Làn sóng di cư lao động từ khu vực nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ diễn ra mạnh nhất ở Trung Quốc, Campuchia và Việt Nam – những nước có mức tăng trưởng kinh tế nhanh kể từ năm 1995. Khi Trung Quốc thực hiện chính sách cải cách và mở cửa kinh tế (1978), đã có khoảng 130 triệu người Trung Quốc di chuyển từ nông thôn lên thành phố để tìm kiếm việc làm (chưa tính đến số di chuyển ra nước ngoài làm việc). Dòng di cư này, theo Liên hợp quốc, là lớn nhất trên thế giới, đã tiếp sức cho mức độ tăng trưởng thần kỳ của Trung Quốc, cải thiện điều kiện sống cho những người lao động nghèo đói.

Năm 1978, Trung Quốc có 283 triệu lực lượng lao động nông nghiệp, chiếm 93% tổng lực lượng lao động xã hội. Cùng với sự phát triển và cải cách kinh tế, qui mô di chuyển lao động từ nông thôn ra thành phố ngày càng tăng. Khác với các nước đang phát triển khác, di chuyển lao độngTrung Quốc đặc trưng bởi những xu hướng lan truyển nhanh do sự phân chia lịch sử tồn tại giữa nông thôn và thành thị của hệ thống hukou (hukou system). Thời kỳ đầu cải cách chỉ có một số lượng nhỏ lao động di cư, chủ yếu tập trung ở những lao động thủ công. Cùng với mức tăng của năng suất lao động nông nghiệp, lực lượng lao động nông nghiệp bắt đầu chuyển ra ngoài khu vực với qui mô ngày càng lớn. Đặc biệt sự bùng nổ kinh tế sau năm 1992 dẫn tới qui mô di chuyển lao động tăng rất nhanh. Tăng trưởng kinh tế ở các khu vực ven biển – nơi chủ yếu tập trung lao động công nghiệp và lao động có xu hướng xuất khẩu – thu hút ngày càng nhiều lao động nông thôn của Trung Quốc đến tìm kiếm việc làm ngoài nông nghiệp. Số lượng lao động di chuyển tăng lên từ 2 triệu lao động (1983) lên 30 triệu lao động (1990) tới 63 triệu người (1993) và 75,5 triệu người (2000). Năm 2007, lao động di chuyển lên thành phố đã chiếm tới 136 triệu người (khoảng 46,5% tổng số việc làm ở thành phố.

Thứ tư, đa số lực lượng lao động di cư là nữ

Hai thập kỷ gần đây di cư lao động nữ chiếm tỉ lệ ngày càng tăng. Theo báo cáo của Actionaid, lực lượng di cư đang có xu hướng nữ hoá, 81% lao động di cư từ Indonesia (năm 2004), 72% lao động di cư từ Philippines (năm 2006) và 60% lao động di cư từ Việt Nam (năm 2008) là lao động nữ. Do sự phát triển của ngành chế tạo và dịch vụ cũng như nhu cầu giúp việc gia đình tăng đã dẫn tới nữ hóa dòng lao động di cư của các nước đang phát triển. Di cư lao động nữ thường tập trung nhiều ở Philippin và Indonesia.

Từ năm 1992 đến nay, di cư lao động nữ ở Philippin chiếm tới 60-80% tổng số lao động di cư ra nước ngoài tìm việc làm. Phần lớn trong số họ làm các công việc như dịch vụ chăm sóc sức khỏe và quét dọn trong gia đình với mức lương thấp. Trong khi phụ nữ Philippin có xu hướng di cư tới khắp các nước trên thế giới, thì phụ nữ Indonesia chủ yếu tới các nước vùng Vịnh và Trung Đông để tìm việc làm. Đặc biệt di cư tới Tây Á chiếm hơn 93% lao động di cư nữ của Indonesia. Sở dĩ nữ chiếm phần lớn trong dòng di cư lao động là do thị trường nhập khẩu ngày càng được mở rộng cho lao động nữ. Thị trường tiếp nhận lao động nữ nhiều nhất là Trung Đông, đặc biệt là Ả rập Saudi và Kwait.

Thứ năm, di cư lao động bất hợp pháp gia tăng

Mạng lưới di cư bất hợp pháp ngày càng được lựa chọn do những kênh nhập cư hợp pháp đang ngày càng bị thu hẹp. Các nước đang phát triển châu Á đều có số lượng lao động di cư bất hợp pháp cao hơn người lao động di cư hợp pháp.

Sở dĩ di cư bất hợp pháp tăng là do chính sách quản lý di cư thiếu chặt chẽ và mong muốn của các chủ doanh nghiệp trong việc tìm kiếm và bóc lột lao động dễ dàng. Di cư bất hợp pháp có thể thỏa mãn nhu cầu sử dụng lao động hiệu quả, song không đảm bảo quyền lợi và điều kiện an toàn cho người lao động. Di cư bất hợp pháp từ các nước đang phát triển thường tập trung tới các quốc gia có mức thu nhập cao hơn, môi trường sống ưa thích hơn như Bắc Mỹ, Tây Âu, Pháp, Italia…

Lao động bất hợp pháp tới Thái Lan chủ yếu đến từ Myanmar làm việc trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và trong ngành chế xuất. Lao động bất hợp pháp tới Malaysia đến từ Indonesia, Philippin, Trung Quốc và Ấn Độ. Malaysia được xem là quốc gia có số lượng lao động bất hợp pháp cao (lên tới 30%) so với các nước phát triển OECD (5,0% – 20,0%). Để hạn chế số lượng lao động bất hợp pháp, chính phủ Thái Lan cho phép lao động bất hợp pháp (đến từ Campuchia, Lào và Myanmar) được đăng ký cấp phép. Hơn 700 nghìn lao động bất hợp pháp đã được cấp phép mới. Lao động bất hợp pháp của Việt Nam tới Campuchia thường kiếm được nguồn thu nhập cao hơn người bản xứ do họ làm các công việc có kỹ năng chuyên môn cao.

Câu 69: Nguyên nhân chủ yếu của di cư lao động quốc tế?

  1. Di chuyển lao động quốc tế do kết quả của quá trình toàn cầu hóa

Toàn cầu hóa là quá trình tăng lên mạnh mẽ những mối quan hệ có ảnh hưởng tác động lẫn nhau, phụ thuộc lẫn nhau của tất cả các khu vực, các quốc gia, các dân tộc trên thế giới. Toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ và là một xu thế tất yếu đối với sự phát triển của thế giới ngày nay, thúc đẩy sự giao lưu kinh tế, chính trị, văn hóa – xã hội và an ninh mà không một quốc gia nào nằm ngoài xu thế đó. Đồng thời, quá trình toàn cầu hóa làm tăng chênh lệch thu nhập giữa các quốc gia. Mặc dù nhiều quốc gia đang phát triển như An Độ, Trung Quốc đã có nhiều tiến bộ trong việc nâng cao thu nhập trong nhiều thập niên qua, nhưng khoảng cách thu nhập/đầu người giữa các nước giàu và nghèo vẫn còn rất lớn. Hơn nữa, khoảng cách về thu nhập giữa các nước có xu hướng tăng lên. Trong khi đó, rất ít nước có thu nhập thấp và trung bình vượt lên trở thành nước có thu nhập cao. Mức chênh lệch ngày càng tăng về trình độ phát triển giữa các quốc gia, dẫn tới sự phát triển không đồng đều về kinh tế – xã hội.

 Ở một số quốc gia, thương mại tự do hơn đã thay thế hoặc làm suy yếu sản xuất công nghiệp và nông nghiệp trong nước, dẫn tới sự thuyên chuyển người lao động; đồng thời, những hạn chế trong các chương trình chi tiêu công cũng bị thắt chặt, khiến việc làm được tạo ra ở một số quốc gia chậm hơn nhiều so với sự tăng lên của tình trạng thất nghiệp. Kết quả của sự giảm sút việc làm do thất nghiệp và thay đổi cơ cấu khiến một lượng lớn người lao động không có cơ hội có được việc làm đàng hoàng tại quê nhà và tìm cách di chuyển sang các quốc gia khác tìm cơ hội.

  1. Di chuyển lao động quốc tế do sự liên thông giữa thị trường lao động của các quốc gia trên thế giới

Một điều kiện quan trọng giúp việc di chuyển lao động quốc tế ngày càng mạnh mẽ và phổ biến, đó là nhờ sự liên thông giữa những thị trường lao động của các quốc gia, tạo điều kiện để các nước thiếu hụt lao động cố gắng thu hút những lao động ở các nước khác, đặc biệt là từ những nơi có lao động dư thừa và sẵn sàng làm việc với mức lợi ích cao hơn họ được hưởng ở nước mà họ sinh sống. Trong nhiều năm qua, chính sách thu hút nguồn nhân lực trình độ cao của các nước phát triển đã chuyển từ hướng hạn chế sang tháo dỡ các rào cản và tiến tới động viên, khuyến khích và trực tiếp tuyển dụng để thu hút nhân lực trình độ cao. Trong khi đó, do các nước đang phát triển không có đủ phương tiện và điều kiện để đối phó với sự mất mát nguồn nhân lực khoa học, không phát huy và khai thác được hết tiềm năng của những lao động trình độ cao. Điều này dẫn tới thực tế là sự chênh lệch về mức thu nhập trong cùng một công việc đòi hỏi nhân lực trình độ cao giữa hai nhóm nước ngày càng lớn, kết hợp với điều kiện làm việc ở các nước phát triển thuận lợi hơn nhiều đã thúc đẩy lao động, đặc biệt là lao động chuyên môn di chuyển.

  1. Di chuyển lao động quốc tế bắt nguồn từ sự thiếu hụt lao động của các nước nhận lao động

Tại các thị trường lao động riêng ở một số quốc gia, cầu nhiều hơn cung trên thị trường lao động sẽ dẫn đến hiện tượng thiếu hụt lao động và nảy sinh nhu cầu thuê lao động nước ngoài để bù đắp.

Trong bối cảnh hiện nay, tỉ lệ tăng trưởng dân số tại các nước phát triển nhìn chung ở mức thấp, thậm chí có quốc gia có mức tăng trưởng dân số âm, dân số ngày càng già hóa, trong khi tại các nước đang và chậm phát triển, tỉ lệ tăng trưởng dân số lại cao hoặc rất cao, với một tỉ lệ lớn dân số trẻ đang ở độ tuổi lao động. Điều này dẫn tới nghịch lý là tỉ lệ thất nghiệp cao ở nhiều nước đang và kém phát triển, trong khi tại nhiều nước phát triển lại gặp tình trạng thiếu nhân công, đặc biệt cho những công việc cần lao động phổ thông. Đồng thời, do dư thừa cung lao động nên mức thu nhập, điều kiện làm việc tại các nước đang và kém phát triển ở mức không cao, dưới mức mong đợi của người lao động khiến họ không chịu cung ứng sức lao động và sẵn sàng tìm kiếm cơ hội làm việc ở nơi khác có mức lợi ích cao hơn. Điều này là một trong những nguyên nhân chính thúc đẩy dòng người trong độ tuổi lao động tại các nước đang và chậm phát triển hướng tới những nước phát triển hơn, đang có nhu cầu thu hút lao động nước ngoài để bù đắp sự thiếu hụt trên thị trường lao động, phục vụ các mục tiêu phát triển.

Nhìn chung, di chuyển lao động quốc tế hiện nay có thể được diễn giải bằng sự khác biệt giữa các quốc gia ngày càng tăng lên, sự thiếu hụt về lao động tại một số quốc gia, sự gia tăng nhu cầu đối với cả lao động có kĩ năng cao và ít kĩ năng tại nước tiếp nhận, và sự gần gũi về mặt địa lý cũng như các mối liên hệ mang tính lịch sử giữa các quốc gia rời đi và tiếp nhận.

 

Câu 70 : Tác động của di chuyển lao động quốc tế tới nước gửi lao động?

 

1. Tác động tích cực tới quốc gia gửi lao động

Thứ nhất, di chuyển quốc tế về lao động góp phần giảm gánh nặng dân số và tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động tại các quốc gia dư thừa lao động.

Trên thế giới, nhiều quốc gia có tốc độ gia tăng dân số cao, trong khi nền kinh tế phát triển với tốc độ không đủ nhanh để tạo ra những việc làm mới, khiến tỷ lệ thất nghiệp tại các quốc gia này có xu hướng tăng dần. Nhiều người lao động mong muốn được ra nước ngoài làm việc, và khi tham gia lực lượng lao động xuất khẩu, họ có thể nhận được việc làm với mức thu nhập cao hơn so với khi không đi sang quốc gia khác để tìm việc, và như vậy cũng tạo thêm cơ hội cho những lao động khác đang bị thất nghiệp tại địa phương của quốc gia gửi lao động tìm được công việc phù hợp, làm giảm lượng cung lao động tại chỗ ở nước gửi lao động và khiến tiền công cho phần lực lượng lao động ở lại tăng lên. Điều này sẽ góp phần mang lại lợi ích cho cả hai quốc gia.

Vì di chuyển lao động quốc tế là hoạt động lựa chọn, nên nó có thể gây áp lực về tiền lương đối với người lao động ở một số lĩnh vực. Ví dụ, tại Pakistan, người nhập cư từ các nước Vùng Vịnh làm gia tăng mức lương trả cho những lao động ngành xây dựng có kĩ năng, và cả những lao động ít kĩ năng trong ngành xây dựng và nông nghiệp. Tương tự, mức lương thực tế tại Philippines đã tăng cùng chiều với số người di cư, đặc biệt là những lao động trong ngành chế tạo. Tại Ấn Độ, có những chỉ báo cho thấy một lượng lớn người di cư từ bang Kerala tới khu vực Vùng Vịnh góp phần làm tăng lương ở bang này. Một số quốc gia có tỉ lệ di cư ròng cao cũng gặp phải những vấn đề liên quan đến thất nghiệp. Tại những quốc gia nhỏ có lượng người nước ngoài cao, tỉ lệ thất nghiệp hoặc thiếu việc làm giảm xuống do di dân có thể ở mức đáng kể.

Tuy nhiên, có nghiên cứu cho rằng, tại những quốc gia gửi lao động có số lượng dân cư đông, mức người di cư cao có thể có tác động không nhiều tới thất nghiệp và mức lương.

Thứ hai, di chuyến quốc tế về lao động giúp tăng thêm nguồn thu ngoại tệ, tăng vốn đầu tư tư nhân, cùng với những kiến thức và công nghệ tiên tiến.

Những người di cư đang ở nước ngoài vẫn có thể có tác động tích cực đối với nước xuất xứ, theo đó, họ đóng góp thông qua số tiền kiều hối chuyển về nước, qua hoạt động chuyển giao kiến thức, công nghệ và vốn đầu tư về nước nhằm giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động tại quê hương. Khi những người nhập cư này hồi hương cùng với những kĩ năng hoặc khoản tiền có được, họ có thể có đóng góp tích cực vào sự phát triển của nước xuất xứ.

Các khoản kiều hối do người lao động di cư gửi về là nguồn thu nhập đáng tin cậy và ổn định, có xu hướng dao động ít do tác động của chu kì kinh tế hơn và do đó ít biến động hơn so với các dòng vốn khác. Nguồn vốn này chảy thẳng vào khu vực dân cư, do đó có tính thúc đẩy đầu tư tư nhân cao, giải quyết việc làm, nâng cao mức thu nhập cho các chủ thể nhận kiều hối và các chủ thể được hưởng lợi từ nguồn đầu tư kiều hối. Trong khi nguồn vốn FDI có thể để lại nhiều tác động tiêu cực như gây ô nhiễm môi trường, tệ nạn xã hội gia tăng và nếu các doanh nghiệp FDI không xuất khẩu thì sẽ làm tăng mức độ cạnh tranh với hàng hóa cùng loại sản xuất trong nước. Còn đối với nguồn vốn ODA cũng là nguồn vốn quan trọng, nhưng phần lớn là vốn vay, nếu sử dụng không tốt sẽ tạo ra gánh nặng nợ nần cho các thế hệ sau. Trong khi đó, nguồn vốn kiều hối vừa không phải lo trả nợ vừa không phải đối mặt với một số tác động tiêu cực trên…

Tuy nhiên, kiều hối có thể khiến xuất khẩu trở nên kém cạnh tranh hơn và đầu tư vào những ngành thay thế nhập khẩu trở nên kém hấp dẫn hơn, vì chúng có xu hướng đẩy giá trị của nội tệ hoặc tỉ giá hối đoái lên. Nhưng phần lớn các nhà hoạch định chính sách tại các nước xuất xứ dường như cho rằng tác động này về tổng thể là tích cực, đặc biệt là do nhu cầu trao đổi ngoại hối để bù đắp khoản thâm hụt thương mại và các khoản nợ nước ngoài.

Thứ ba, người lao động sang quốc gia khác làm việc góp phần thiết lập những mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa quốc gia xuất xứ và tiếp nhận, qua đó tạo điều kiện thuận lợi trong trao đổi thương mại, tăng cường hợp tác về chỉnh trị, văn hóa, khoa học – kĩ thuật… giữa haỉ quốc gia.

Ví dụ điển hình nhất là liên quan đến ngành công nghệ thông tin (CNTT) của Ấn Độ. Ban đầu, Chính phủ Ấn Độ không dành nhiều nỗ lực để phát triển ngành CNTT, lo ngại rằng nó sẽ làm mất đi nhiều việc làm. Nhung các doanh nghiệp đa quốc gia tại Ấn Độ nhận thấy có nhiều tài năng CNTT ở nước này và gửi các công dân Ấn Độ ra nước ngoài làm việc. Trong khi đó, các doanh nghiệp Ấn Độ cũng đưa các chuyên gia CNTT ra nước ngoài và nhanh chóng nhận ra lợi ích của việc đưa một vài người trong số họ trở lại làm việc ở trong nước. Chính phủ Ấn Độ sau đó thúc đẩy ngành CNTT bằng cách giảm các hàng rào đối với máy tính nhập khẩu và giúp bảo đảm những hạ tầng cần thiết. Cho đến năm 2005-2006, Ấn Độ đã đạt mức doanh thu 23,4 tỉ USD hàng năm từ việc xuất khẩu các sản phẩm phần mềm và dịch vụ CNTT.

Thứ tư, xuất khẩu lao động góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại nước gửi lao động.

Khi các lao động di chuyển ra nước ngoài làm việc, họ được tiếp cận những công nghệ tiên tiến và những kiến thức hiện đại, ý thức kỉ luật và lối sống văn minh, trình độ ngoại ngữ và tay nghề, kĩ năng nghề nghiệp của người lao động cũng dần được nâng cao. Do vậy, nước có lao động di cư đã tiết kiệm được chi phí đào tạo họ. Mặt khác, khi những lao động này quay trở về nước, họ sẽ mang theo những kiến thức và kĩ năng đã tích lũy và rèn luyện được để áp dụng vào quy trình sản xuất, kinh doanh mà họ tham gia. Điều này góp phần thúc đẩy năng suất lao động, chất lượng sản phẩm và đóng góp tích cực giúp nền kinh tế quê hương tăng trưởng.

Cơ hội đi làm việc tại nước ngoài sẽ tăng thêm động lực đầu tư vào giáo dục của cả nhà nước và của mỗi gia đình, mỗi cá nhân. Nhờ đó, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và các điều kiện khác để tổ chức đào tạo và đào tạo lại lao động được cải thiện, mỗi cá nhân cũng sẽ có thêm động lực để học tập, trau dồi trình độ, tay nghề và điều này mang lại nhiều lợi ích cho xã hội nói chung. Ngoài ra, các thể chế và chính sách trong quốc gia gửi lao động cũng có thể chịu ảnh hưởng từ sự kiện số người lao động ra nước ngoài làm việc, điển hình như nhà nước cải thiện các chính sách giữ lại lao động có kĩ năng, các doanh nghiệp tăng cường các chính sách thu hút người lao động có trình độ vào làm việc lâu dài…

 

2. Tác động tiêu cực tới quốc gia gửi lao động

Thứ nhất, sự di chuyển của lao động trình độ cao sang nước khác làm giảm nguồn cung cấp nhân lực, là một trong những nguồn lực có ỷ nghĩa quan trọng đóng góp vào tăng trưởng và phát triến của mỗi quốc gia.

Những lao động di chuyển sang quốc gia khác vì nhiều lý do, bao gồm mức lương cao hơn, cơ hội tốt hơn và khả năng thăng tiến tốt hơn. Tuy nhiên, không phải tất cả người lao động đều có cơ hội như nhau để di chuyển sang quốc gia khác làm việc. Những nước tiếp nhận có thể tuyển chọn phàn lớn là những người giỏi, có trình độ và tay nghề, lấy đi những người mà các quốc gia nghèo đã đầu tư nhiều cho giáo dục và phát triển nguồn nhân lực, thường là bằng ngân sách công.

Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, 77 quốc gia trải qua tình trạng bị giảm 10% trở lên những công dân trình độ đại học vào năm 2000, trong khi 28 quốc gia bị giảm 30% trở lên. Ngoài ra, theo WB, các nước Caribbean đã bị thu hút hơn 60% những công dân có kĩ năng di cư ra nước ngoài. Ước tính 56% những người nhập cư có học vấn cao tại các nước OECD là đến từ các nước đang phát triển.

Chảy máu chất xám là mối lo ngại thực sự, đặc biệt là với các nước đang phát triển và chậm phát triển, vì nó có thể có tác động rất lớn đối với sự phát triển bền vững, làm giảm khả năng tăng trưởng kinh tế dài hạn của quốc gia đó. Các nước có nhiều lao động có kĩ năng rời đi có thể phải chịu ảnh hưởng của việc sụt giảm nguồn lực. Còn các doanh nghiệp địa phương đầu tư vào quá trình đào tạo cũng sẽ gặp khó khăn để thu hồi khoản đầu tư của mình nếu các lao động được đào tạo của họ thường xuyên rời sang nước ngoài làm việc. Trong nhiều trường hợp, tình trạng chảy máu chất xám còn dẫn đến sự lãng phí về công sức, chi phí đào tạo nếu những lao động này không làm việc đúng trình độ và chuyên môn của họ.

Thứ hai, việc di chuyến của người lao động có kĩ năng có thể cũng tác động tới dòng chuyển của vốn.

Các quốc gia không có đủ lao động có kĩ năng tại địa phương có thể không thành công trong việc thu hút FDI từ các doanh nghiệp nước ngoài, do lo ngại không tuyển dụng đủ lao động phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc phải chi nhiều tiền hơn cho hoạt động đào tạo khi tuyển dụng nhân sự mới.

Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2017 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố đã chỉ ra, 69% doanh nghiệp FDI tại Việt Nam cho biết đang gặp phải khó khăn trong việc tuyển dụng các cán bộ kĩ thuật có tay nghề để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Theo đó, doanh nghiệp FDI đánh giá chất lượng đào tạo và hiệu quả của lao động Việt Nam năm 2017 đạt 3,8 điểm. Điều này dẫn tới doanh nghiệp phải chi nhiều tiền hơn cho hoạt động đào tạo khi tuyển dụng nhân sự mới. Báo cáo ghi nhận chi phí trung bình cho hoạt động này chỉ chiếm 3,6% chi phí kinh doanh vào năm 2013, nhưng sau đó đã tăng vọt lên 5,9% trong năm 2014 và ở mức 5,7% vào năm 2017.

Hơn nữa, người lao động có thể không chỉ rời sang quốc gia khác làm việc, mà còn mang theo nguồn vốn đáng kể, điều này thể hiện rõ nhất thông qua hoạt động của các nhà đầu tư ra nước ngoài. Trong khi đó, đa số các quốc gia đang phát triển đều rất cần vốn để phát triển kinh tế, đồng thời còn giúp tạo việc làm và thu nhập cho lao động trong nước.

Ngoài ra, nếu xem xét tác động của xuất khẩu lao động theo từng nhóm đối tượng, chúng ta có thể thấy một số tác động không như mong muốn như sau:

Một là, xuất khẩu lao động có thể gây ra những tác động tiêu cực về mặt xã hội như mất cân bằng giới tính, khi một số vùng địa lý, tỉ lệ nam giới hoặc nữ giới tham gia xuất khẩu lao động cao hơn nhiều so với giới tính còn lại. Điều này khiến người ở lại đảm nhận thay cả vai trò của người đi xuất khẩu lao động trong gia đình nhưng vẫn không thể thay thế được hoàn toàn, khiến thiếu tình cảm gia đình, dễ dẫn tới mâu thuẫn trong gia đình và cộng đồng.

Hai là, người lao động đi làm việc ở nước ngoài dễ bị tổn thương về tinh thần hơn. Các quốc gia trên thế giới đều có hệ thống luật nhập cư, luật cư trú, luật lao động theo hướng bảo hộ quyền lợi của công dân nước mình. So với người lao động bản xứ, người lao động nước ngoài thường không được hưởng các quyền lợi ngang bằng, nên tình trạng này có thể khiến họ cảm thấy bị phân biệt đối xử, cảm thấy tự ti. Bên cạnh đó, bản thân nhiều người lao động chưa nắm rõ chính sách về lưomg, bảo hiểm, nhà ở của nước mà họ đến làm việc, và do trình độ ngoại ngữ hạn chế nên hiểu biết và chấp hành pháp luật nước sở tại gặp nhiều khó khăn. Họ chưa hiểu rõ về các quyền, lợi ích hợp pháp của mình, dễ vi phạm pháp luật nước sở tại và cũng không biết vận dụng luật pháp nước sở tại để tự bảo vệ quyền và lợi ích họp pháp của mình. Chính những điều này dẫn tới nhiều người lao động nhập cư có khuynh hướng sống khép kín hơn, cùng với việc phải sống xa gia đình trong môi trường hoàn toàn mới khiến họ dễ gặp các vấn đề về tâm lý hơn.

 

Câu 71: Tác động của di cư lao động quốc tế tới nước tiếp nhận lao động?

 

1. Tác động tích cực tới nước tiếp nhận lao động di cư

Thứ nhất, người lao động di cư có đóng góp tích cực đối với tảng trưởng và chuyển đổi cơ cấu lãnh tế của quốc gia tiếp nhận.

Điều này đã được chứng minh rõ nét từ thực tế trong lịch sử của các quốc gia đã trải qua tình trạng nhập cư. Tại châu Âu, kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, những lao động nhập cư đã được ghi nhận đóng góp tích cực vào quá trình hơn 30 năm tăng trưởng của khu vực. Phân tích thống kê đối với 15 nước châu Âu giai đoạn 1991 – 1995 cho thấy, với mỗi 1% tăng lên của dân số quốc gia do gia tăng người nhập cư, GDP của nước tiếp nhận cũng tăng lên 1,25 – 1,5%? Còn tại Bắc Mỹ, nhiều thế hệ người di cư tới Canada và Hoa Kỳ đã góp phần trẻ hóa dân số và tiếp thêm năng lượng cho nền kinh te, hoặc nếu tác động của di cư đối với thị trường lao động là không lớn, nó cũng giúp khuyến khích sự tích tụ vốn của các quốc gia này.

Thứ hai, người lao động di cư góp phần tích cực làm tăng thu nhập của người dân.

WB cho rằng, giả sử di cư từ các nước đang phát triển tới các quốc gia thu nhập cao tăng ở mức vừa phải (14,2 triệu lao động, bao gồm 4,5 triệu lao động có kĩ năng và một số lượng tương ứng người lao động kĩ năng thấp), như vậy khiến tỉ lệ người di cư trong tổng số người lao động tại các quốc gia thu nhập cao sẽ tăng lên thêm 3%/năm cho đến năm 2025. Điều này được dự đoán sẽ làm tăng thu nhập thực tế toàn cầu 0,6%, tương đương 356 tỉ USD và được minh họa trong bảng sau:

Những lao động di cư mới được dự đoán sẽ nhận được nhiều nhất về thu nhập thực tế, trong khi những lao động bản xứ tại cả quốc gia thu nhập cao và các nước đang phát triển cũng được dự đoán thu nhập thực tế tăng lên. Người lao động bản xứ tại các nước đang phát triển cũng có thu nhập được cải thiện nhờ kiều hối và mức lương tăng lên, nguyên nhân là do thị trường lao động được giảm sức ép. Chỉ có những người di cư trước đó ở những quốc gia thu nhập cao là được dự đoán sẽ bị thiệt do phải cạnh tranh với những người di cư mới.

Thứ ba, lao động nhập cư góp phần nâng cao hiệu quả của thị trường lao động tại nước tiếp nhận.

Nghiên cứu một số trường hợp tại các nước châu Âu cho thấy, trong phần lớn các trường hợp, nhập cư bổ sung lao động cho quốc gia tiếp nhận và không mang lại những tác động tiêu cực đối với triển vọng công việc cũng như mức lương của người lao động bản xứ.

Những lao động nhập cư đóng góp vào việc tạo việc làm thông qua nhiều cách thức, từ việc kinh doanh cho đến làm tăng nhu cầu nội địa đối với hàng hóa, dịch vụ và cải thiện hiệu quả của thị trường lao động. Sự gia tăng tiêu dùng do tăng số người nhập cư cũng làm tăng nhu cầu tổng thể và tăng trưởng kinh tế, cải thiện kết quả kinh tế đối với người bản xứ.

Đồng thời, nhập cư đóng vai trò quan trọng trong cải thiện hiệu quả thị trường lao động. Tất cả các lĩnh vực mà người lao động bản xứ không muốn làm, ví dụ như những công việc thiếu vệ sinh, nguy hiểm và khó khăn, những dịch vụ gia đình có thu nhập thấp, những công việc đòi hỏi ít kĩ năng trong nền kinh tế phi chính thức, những công việc trong những ngành có biến động theo mùa mạnh mẽ (như trồng trọt, xây dựng và làm các công trình giao thông, các dịch vụ khách sạn, nhà hàng và các dịch vụ liên quan đến du lịch khác), phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung lao động nhập cư. Trong trường hợp không có người lao động di cư, những ngành này có thể phải đối mặt với sự thiếu hụt nghiêm trọng về lao động hoặc khiến chi phí thuê lao động tăng cao.

Tuy nhiên, cũng có một số nghiên cứu cho thấy lao động di cư có mang lại những tác động tiêu cực về việc làm đối với lao động bản xứ, nhưng ở mức thấp.

 

2. Tác động tiêu cực tới nước tiếp nhận lao động di cư

Thứ nhất, lao động nhập cư được cho là cỏ tác động tiêu cực nhưng ở mức độ thấp đối với mức lương và thu nhập của người lao động bản xứ.

Những nghiên cứu tại một số nước châu Âu đưa ra nhiều kết luận khác nhau. Nghiên cứu tại Đức năm 1995 dựa trên các dữ liệu của bảng điều tra hộ gia đình cho thấy, mỗi 1 % tăng lên của tỉ lệ công dân người nước ngoài trong tổng dân số trên thực tế có tác động tích cực rất nhỏ, làm tăng khoảng 0,6% đối với mức lương tổng thể của lao động trong nước, trong khi mức lương của người bản xứ có kĩ năng cao tăng cao hơn, lên đến 1,3%. Đa số các nghiên cứu thực nghiệm tại Anh cũng nhất trí rằng không có tác động có ý nghĩa thống kê giữa tỉ lệ người nhập cư và kết quả của thị trường lao động. Những nghiên cứu khác phát hiện ra tác động tiêu cực đến mức lương của người bản xứ, nhưng rất nhỏ, từ -0,3% cho đến -0,8%.

Còn tại Hoa Kỳ, một số nghiên cứu đã đi đến kết luận rằng nhập cư có rất ít tác động đến lương của người lao động bản xứ, điển hình là kết luận cho rằng khi tỉ lệ người nhập cư trong một vùng tăng lên 10% sẽ làm giảm lương của người bản xứ tại vùng đó một tỉ lệ ít hơn 1% và thường là chỉ xấp xỉ mức 0%?

Tại hầu hết các nước EU, người nhập cư, và đặc biệt là người nhập cư từ các nước ngoài EU, nhiều khả năng bị thất nghiệp hoặc thiếu việc làm hơn so với người bản xứ. Mặc dù tình trạng rất khác nhau giữa các quốc gia, nhưng bức tranh chung cho thấy điều này là kết quả của việc người nhập cư có học vấn và kĩ năng thấp hơn so với mức trung bình của người lao động bản xứ. Đây cũng là trường hợp tại Hoa Kỳ, mức lương theo giờ của lao động nam giới nhập cư thấp hơn 23% so với của lao động nam giới bản xứ, chủ yếu do tỉ lệ người nhập cư có trình độ học vấn thấp gia tăng nhanh.

Thứ hai, người nhập cư có thể trở thành gánh nặng về tài chỉnh đối với quốc gia tiếp nhận.

Một số nghiên cứu cho rằng quốc gia tiếp nhận phải dành nhiều chi tiêu hơn cho các dịch vụ công và các khoản thanh toán phúc lợi mà người lao động nhập cư được hưởng hơn là khoản đóng góp của họ thông qua thuế và an sinh xã hội.

Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng người nhập cư tại Hoa Kỳ thu nhập thấp ít khả năng nhận trợ cấp hơn so với người bản xứ cùng hoàn cảnh. Xem xét dài hạn cho thấy, mặc dù người nhập cư tại Hoa Kỳ trong những năm đầu làm gia tăng chi phí, đặc biệt là chi dành cho giáo dục, nhưng cuối cùng mỗi người nhập cư, thông qua việc trả các khoản thuế của họ, sẽ có những đóng góp tích cực vào ngân sách quốc gia khoảng 80.000 USD?

Tác động tài chính của người nhập cư có phần phụ thuộc vào độ tuổi mà người nhập cư đến quốc gia tiếp nhận. Những người nhập cư đến trong độ tuổi lao động nhiều khả năng có đóng góp lớn hơn vào nguồn tài chính công và an sinh xã hội so với những người đến khi còn trong độ tuổi chưa thành niên. Một nghiên cứu tại Đức cho thấy, một cá nhân nhập cư lúc 30 tuổi sẽ đóng góp 110.000 Euro trong suốt quãng đời của người đó, trong khi nếu người nhập cư đến khi chưa tròn 1 tuổi sẽ tạo ra khoản thâm hụt tài chính công ở mức 60.000 Euro. Với 78% người nhập cư tại Đức là trong độ tuổi lao động, trung bình người nhập cư đã đóng góp khoảng 50.000 Euro trong suốt quãng đời của họ. Vì vậy, người nhập cư giúp Chính phủ Đức thu hẹp khoảng cách giữa mức thuế thu được và chi tiêu và các khoản nợ của chính phủ.

The British Home Office thực hiện nghiên cứu chi tiết hon về tác động về tài chính của dân số nhập cư đến Anh và ước tính rằng người nhập cư giai đoạn 1999 – 2000 đã chi trả 31,2 tỉ Bảng Anh (GBP) nhưng chỉ sử dụng 28,8 tỉ GBP các khoản trợ cấp và các dịch vụ của nhà nước, đóng góp tài chính ròng khoảng 2,5 tỉ GBP.

Tuy nhiên, một số nghiên cứu khác lại đưa ra những kết luận ngược lại, cho rằng người lao động nhập cư không những không làm ảnh hưởng tới các khoản phúc lợi mà người lao động bản xứ được hưởng, mà còn đóng góp tích cực vào nguồn quỹ này.

Một nghiên cứu tại Hoa Kỳ đã kết luận rằng người nhập cư sử dụng nhiều phúc lợi hơn người bản xứ xét về các khoản hỗ trợ và chăm sóc y tế công cộng, chủ yếu là do họ có trình độ học vấn và thu nhập thấp hơn. Nghiên cứu tại Australia năm 2000 cho thấy, người nhập cư, đặc biệt là những người trong nhóm trẻ tuổi, ít khả năng nhận thanh toán phúc lợi hơn so với những người sinh ra tại nước này.

Theo nghiên cứu năm 2014, người nhập cư từ EU có đóng góp tích cực về mặt tài chính đối với Anh, vì họ chi trả thông qua thuế nhiều hơn là họ nhận được từ các khoản thanh toán phúc lợi trong giai đoạn 2001 – 2011, thậm chí cả trong thời kì khi Anh phải đối mặt với thâm hụt tài chính. Trong giai đoạn 2001 – 2011, người nhập cư từ các nước EU-15 đã đóng góp thông qua các khoản thuế nhiều hơn 64% so với những gì họ nhận được. Người nhập cư từ các nước A10 đóng góp nhiều hơn 12% so với những khoản họ nhận được. Còn người nhập cư EEA tới Anh từ năm 2000 đã đóng góp hơn 20 tỉ GBP vào ngân sách tài chính công của Anh giai đoạn 2001 – 2011.

Thứ ba, vấn đề nhập cư có thế tác động đến an ninh quốc gia hay tội phạm.

Vấn đề người lao động nhập cư tăng lên sẽ làm tăng tỉ lệ tội phạm tại quốc gia tiếp nhận là mối lo ngại đối với nhiều người bản xứ. Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn còn chưa có sự thống nhất về mối tương quan giữa hai đối tượng này. Theo dữ liệu của Eurostat, trong giai đoạn 1999 – 2006, tổng số vụ phạm tội của người nhập cư trong khu vực đã tăng lên khoảng 9%. Tuy nhiên theo một số nghiên cứu khác, không thấy tác động của việc gia tăng người nhập cư từ năm 2004 đối với tỉ lệ tội phạm.

Câu 72: Đặc điểm di chuyển lao động trong khuôn khổ ASEAN ?

Trong hai thập kỉ vừa qua, lao động di cư quốc tế đã nổi lên như một động lực quan trọng của tăng trưởng và phát triển kinh tế ở cả nước xuất xứ và nước tiếp nhận trong phạm vi ASEAN.

Uớc tính có 20,2 triệu người di cư bắt nguồn từ các nước ASEAN năm 2015, trong số đó có gần 6,9 triệu người di cư từ những quốc gia khác trong khu vực. Mặc dù số lượng người di cư nội khối ASEAN không được ghi nhận đầy đủ trong sổ liệu chính thức, nhưng những thống kê có được cho thấy rõ ràng số lượng người di cư sang quốc gia khác trong ASEAN đã tăng lên nhanh chóng, lên hom 5 lần kể từ năm 1990.

Các quốc gia thành viên ASEAN rất khác nhau về mức độ già hóa dân số, nhưng nhìn chung các quốc gia tiếp nhận thường là những quốc gia có dân số đang già hóa, trong khi đó những quốc gia xuất xứ thường có dân số trẻ hơn. Hình 4.8 cho thấy phân bổ dân số nhập cư và địa phương tại các quốc gia tiếp nhận ASEAN. Tất cả các quốc gia tiếp nhận có lượng người nhập cư phân bổ theo độ tuổi với đỉnh nằm trong khoảng 25 – 39 tuổi, độ tuổi lao động vàng. Trong khi tất cả những quốc gia xuất xứ (trừ Việt Nam) tỉ lệ dân số 65 tuổi trở lên ở mức thấp, từ 5% trở xuống. Điều này cho thấy người nhập cư một phần chịu tác động của nhu cầu về lao động tại các nước có dân số đang già hóa.

Những ngành thu hút nhiều lao động di cư nhất là xây dựng đối với lao động từ Campuchia (46%), dịch vụ khách sạn và ăn uống đối với lao động từ Lào (32%), sản xuất đối với lao động từ Myanmar (37%) và thủy sản đối với lao động từ Việt Nam (29%). Tuy nhiên, công việc trong ngành sản xuất thu hút một lượng lớn người lao động nhập cư từ cả 4 quốc gia nói trên.

 

1.1 Đặc điểm về giới tính

Có 48% người nhập cư của ASEAN là phụ nữ, và xu hướng phụ nữ di cư của các nước ASEAN vẫn khá ổn định kể từ năm 1995. Singapore là quốc gia duy nhất trong ASEAN có tỉ lệ phụ nữ nhập cư cao (56%), trong khi Thái Lan là quốc gia có tỉ lệ người nhập cư nam – nữ cân bằng.

1.2 Đặc điểm về kỹ năng

Tại ASEAN, phần lớn người di cư là những cá nhân có học vấn thấp và đảm nhiệm công việc trong những ngành nghề đòi hỏi lao động kĩ năng thấp ở những quốc gia tiếp nhận trong khu vực.

Người di cư tại các nước tiếp nhận của ASEAN nhìn chung có kĩ năng thấp hơn so với người địa phương, trong khi người di cư tại những nước xuất xứ có kĩ năng cao hơn. Hình 4.10 so sánh trình độ học vấn của người di cư với mức độ học vấn của người dân địa phương tại các nước ASEAN.

Kết quả cho thấy, đa số người di cư tới Malaysia là lao động có kĩ năng thấp với khoảng 45% người di cư năm 2015 chỉ có trình độ học vấn cơ bản, nhưng trình độ học vấn của người dân địa phương ở Malaysia là khá cao. Người nhập cư tại Indonesia và Philippines, hai quốc gia có nhiều người di cư ra các nước khác trên thế giới, có trình độ kĩ năng cao hơn so với người dân địa phương.

Điều này cho thấy thực tế là những quốc gia có truyền thống nhiều người di cư ra nước ngoài như Indonesia và Philippines cũng cần lao động có kĩ năng để đáp ứng nhu cầu mà thị trường lao động trong nước cần, trong khi những nước tiếp nhận nhiều người di cư từ ASEAN như Malaysia, trình độ học vấn của người dân địa phương cũng đã tăng đáng kể trong những thập kỉ gần đây, một phần nhờ những tác động từ dòng người nhập cư cao, khi khuyến khích người lao động địa phương nâng cao kĩ năng thông qua việc thúc đẩy họ theo đuổi việc học tập và các công việc đòi hỏi kĩ năng nhiều hơn.

Người di cư nhìn chung đảm nhiệm những công việc đòi hỏi kĩ năng thấp hơn tại các quốc gia tiếp nhận trong ASEAN. Tại Thái Lan, 90% người di cư quốc tế làm những công việc đòi hỏi kĩ năng thấp, trong khi chỉ có 7% người địa phương làm những công việc này. Tại Malaysia, 47% người nhập cư đảm nhận những công việc kĩ năng thấp so với 7% người địa phương đảm nhận những công việc này. Tình trạng tương tự diễn ra tại Brunei, mặc dù có tỉ lệ nhiều hơn những người nhập cư kĩ năng cao nhưng vẫn thấp hơn so với tỉ lệ người lao động địa phương đảm nhiệm công việc đòi hỏi kĩ năng cao. Tại Campuchia, tỉ kệ khá cao người nhập cư đảm nhiệm những công việc đòi hỏi kĩ năng trung bình, và tỉ lệ người nhập cư đảm nhiệm những công việc đòi hỏi kĩ năng cao ngang bằng so với người lao động địa phương.

 

1.3 Tỉ lệ có việc làm và thất nghiệp

Tại những quốc gia tiếp nhận nhiều lao động nhập cư ở ASEAN, tỉ lệ có việc làm của lao động di cư khá cao. Tại Brunei, Malaysia và Singapore, tỉ lệ người di cư có việc làm cao hơn ít nhất 25% so với người lao động địa phương, trong khi mức chênh lệc này ở Campuchia cũng lên tới 18%. Xem bảng về tỉ lệ có việc làm của người di cư và người bản xứ tại ASEAN: (đơn vị %)

 

Brunei Darussalam 40 77 36
Cambodia 55 73 18
Indonesia 45 36 —9
Malaysia 43 72 29
Philippines 40 35 -5
Singapore 59 85 26

 

Điều này cũng đi liền với tỉ lệ thất nghiệp trong sổ những người di cư nội khối ASEAN là khá thấp, số liệu năm 2000 cho thấy tỉ lệ thất nghiệp của người dĩ cư nội khối ASEAN tại các nước Indonesia, Lào, Malaysia và Thái Lan là trong khoảng 2 – 3%, tương đương với tỉ lệ thất nghiệp của người dân địa phương. Mặc dù số liệu năm 2010 khá hạn chế, nhưng tỉ lệ thất nghiệp vẫn khá thấp so với người lao động địa phương. Tại Malaysia và Campuchia, hai quốc gia ASEAN có dữ liệu để so sánh, tỉ lệ thất nghiệp tương ứng là 2% và 3%.

 

1.4 Lĩnh vực làm việc

Bảng phân bổ người nhập cư và bản xứ tại ASEAN theo ngành

(Đơn vị: % khác biệt về phân bổ)

 

Destination Agriculture Inductiy Services “
Brunei Darussalam 0 16 -17
Cambodia -26 6 21
Indonesia 5 -7 3
Lao PDR -1 10 -9
Malaysia 21 10 -31
Singapore -1 29 -29
Thailand -19 29 -10

Những ngành mà người dĩ cư toàn cầu tới ASEAN đảm nhiệm có sự khác biệt lớn giữa các nước và không phụ thuộc vào việc quốc gia đó chủ yếu là gửi đi hay tiếp nhận người nhập cư. Người lao động nhập cư tại Malaysia, Singapore và Thái Lan chủ yếu làm việc trong những ngành công nghiệp, ít làm việc trong những ngành dịch vụ nếu so với người lao động địa phương. Tại Campuchia, trong khi tỉ lệ người nhập cư làm việc trong ngành dịch vụ cao hơn nhiều so với người lao động địa phương thì tỉ lệ làm việc trong ngành nông nghiệp của người nhập cư lại thấp hơn nhiều so với người lao động địa phương.

Tại Thái Lan và Malaysia, tuy cả hai quốc gia đều có ngành nông nghiệp phát triển nhanh, nhưng người nhập cư đóng vai trò khác nhau tại mỗi quốc gia. Các đồn điền canh tác để khai thác dầu cọ tại Malaysia phụ thuộc nhiều vào lao động nhập cư, vì vậy những người nhập cư trong lĩnh vực này phổ biến hơn người lao động địa phương. Còn tại Thái Lan, nhiều người địa phương đảm nhiệm công việc trong ngành nông nghiệp hơn lao động nhập cư, khi có tới gần 50% người bản xứ Thái Lan vẫn đang sinh sống tại nông thôn, so với tỉ lệ tương ứng ở Malaysia chỉ là 25%, theo so liệu năm 2015.

1.5 Đặc điểm về thu nhập

Tại các nước tiếp nhận, người di cư nhìn chung thu nhập thấp hơn so với người dân địa phương, trong khi tại những quốc gia xuất xứ, người di cư thường có thu nhập cao hơn lao động địa phương. So với lao động địa phương, người nhập cư thu nhập chỉ bằng khoảng 50% tại Brunei và khoảng 65% tại Malaysia (Hình 4.12). Ngược lại, tại Campuchia, người nhập cư có thu nhập hàng tháng trung bình bằng khoảng 133% so với người lao động địa phương.

Câu 73: Tác động của di cư lao động quốc tế đến các nước tiếp nhận lao động trong ASEAN?

– Tác động tới tăng trưởng kinh tế:

Nhiều nghiên cứu tại các nước ASEAN cho thấy, lao động nhập cư mang lại tác động tích cực trên nhiều khía cạnh về kinh tế – xã hội, cải thiện thu nhập và góp phần giúp thị trường lao động hoạt động hiệu quả hơn tại các quốc gia tiếp nhận.

Các nghiên cứu cho thấy, lao động nhập cư mang lại tác động tích cực đối với tăng trưởng GDP của các quốc gia tiếp nhận trong khu vực ASEAN và những tác động tích cực có thể liên quan tới sự gia tăng của nhân tố năng suất nói chung. Tại Malaysia, ước tính mỗi 10% tăng lên về người lao động nhập cư có kĩ năng thấp sẽ làm tăng GDP nước này lên 1,1 %. Tại Thái Lan, những phân tích cho thấy nếu không có người nhập cư tham gia vào lực lượng lao động, GDP quốc gia này có thể giảm 0,75%. Nghiên cứu cho thấy lao động nhập cư tại Singapore góp phần đáng kể vào tăng trưởng GDP của quốc gia này, ngoại trừ trong giai đoạn sau khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997. Mặc dù không thấy tác động nào của nhập cư với tăng trưởng kinh tế trong cùng thời gian này, nhưng các nghiên cứu cho thấy người nhập cư vào các quốc gia với thu nhập cao hoặc dòng nhập cư ròng cao, hoặc cả hai, như Brunei Darussalam, Malaysia và Singapore, đều có tác động tích cực trong dài hạn đối với tăng trưởng GDP trên đầu người.

Nhìn chung, người nhập cư, đặc biệt là những lao động nhập cư có kĩ năng thấp giúp duy trì lương thấp ở nước tiếp nhận, điều này lại giúp duy trì hoặc làm giảm giá cả và chi phí sản xuất trong nước, tăng khả năng xuất khẩu. Nhờ đó, tỉ lệ người không có kĩ năng có việc làm có thể tăng lên, góp phần làm tăng lợi nhuận của doanh nghiệp, dẫn tới làm tăng vốn đầu tư và nhu cầu đối với lao động có kĩ năng (chủ yếu là lao động bản địa). Nhu cầu nội địa được thúc đẩy nhờ mức lương dành cho lao động có kĩ năng cao tăng lên, điều này lại giúp làm tăng thu ngân sách.

– Tác động tới sức cạnh tranh:

Hầu hết các nghiên cứu nhận thấy tác động tích cực của người nhập cư đối với năng lực sản xuất của nước tiếp nhận tại ASEAN, hong đó, một số nghiên cứu thấy tác động này có sự khác biệt tùy thuộc trình độ kĩ năng của lao động nhập cư.

Nghiên cứu của Noor, Mohd, Isa, Said, and Jalil cho thấy, người nhập cư có tác động tích cực tới năng suất lao động trong ngành sản xuất của Malaysia giai đoạn 1972 – 2005, khi mỗi 1% tăng lên của lao động nhập cư sẽ làm tăng 0,17% của giá trị gia tăng do mỗi lao động tạo ra. Tuy vậy, nghiên cứu của Ismail, Rahmah và Yuliyusman nhận thấy tác động tiêu cực của lao động nhập cư không có kĩ năng đối với tăng trưởng sản xuất của các ngành sản xuất, dịch vụ và xây dựng trong giai đoạn 1990 – 2000 của Malaysia, nhưng lao động có kĩ năng và bán kĩ năng lại có tác động tích cực.

Có một số nghiên cứu cho thấy, người di cư có tác động tích cực đối với sức cạnh tranh thông qua việc giúp doanh nghiệp tăng khả năng thu lợi nhuận ngay cả khi năng suất lao động giảm. Trong một nghiên cứu về ngành sản xuất tại Malaysia giai đoạn 2000 – 2006, với mỗi 1% tăng lên trong tỉ lệ lao động nhập cư đã dẫn tới năng suất lao động giảm trung bình 0,6%. Nhưng lao động nhập cư tăng thêm cũng có nghĩa là chi phí trên mỗi lao động sẽ giảm, dẫn tới cải thiện khả năng cạnh tranh và cho phép thu được lợi nhuận trong tương lai được tiếp tục đầu tư. Khả năng thu lợi nhuận tăng lên cho phép doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn, điều này có thể lại dẫn tới làm tăng năng suất trong tương lai.

– Tác động tới việc làm và mức lương:

Nghiên cứu gần đây tại Malaysia cho thấy người nhập cư có tác động tích cực tới việc làm. Người nhập cư tới một bang nhất định của Malaysia làm tăng tỉ lệ có việc làm của người lao động địa phương: mỗi 10 người nhập cư tới một bang dẫn tới làm tăng thêm 7,6 người Malaysia tại bang đó và có trên 5 người lao động bản xứ trong số họ có được việc làm.

Lao động nhập cư vào Malaysia có tác động khác nhau đối với mức lương của lao động bản xứ. Tác động này tích cực và ở mức thấp đối với những người lao động bản xứ có học vấn cao, nhưng lại có tác động tiêu cực ở mức vừa phải đối với người lao động địa phương có học vấn trình độ tiểu học hoặc thấp hơn.

về vấn đề việc làm của người lao động bản xứ, tại Malaysia, lao động nhập cư có tác động tích cực nhưng ở mức thấp đối với tỉ lệ có việc làm của người lao động bản xứ có học vấn thấp nhất, trong khi tỉ lệ có việc làm của những người có học vấn trình độ tiểu học và dưới trung học lại nhận được tác động tích cực lớn hơn từ phía người lao động nhập cư. Tại Thái Lan, người lao động nước ngoài có kĩ năng thấp đã làm tăng năng suất lao động của người lao động bản xứ có học vấn. Nghiên cứu của Lathapipat (2014) cho thấy, những người lao động nhập cư tăng gấp đôi vào 5 tỉnh khiến mức lương của những lao động địa phương có học vấn dưới trình độ tiểu học giảm 0,03% và những người có học vấn trình độ trên trung học giảm 0,79%, trong khi những người lao động địa phương với học vấn trung học và cao đẳng được hưởng mức lương tăng tương ứng 0,56 và 0,57%.  

–   Tác động tới vẩn đề già hóa dân số:

Di cư thường được xem là một giải pháp khả thi để chống lại tác động tiêu cực của già hóa dân số, khiến lực lượng lao động bị thu hẹp. Có sự khác biệt lớn về nhân khẩu học giữa các quốc gia ASEAN. Điều này cho thấy các quốc gia có dân số trẻ horn như Indonesia, Lào, Myanmar có thể đẩy mạnh việc đưa lao động của họ tới các nước có dân số già hom như Singapore, đồng thời làm giảm bớt áp lực đối với thị trường lao động trong nước. Tuy nhiên, vẫn còn lo ngại cho rằng quy mô người nhập cư có thể là không đủ để chống lại những tác động tiêu cực của già hóa dân số.

–    Tác động tới vấn đề tài chính công:

Nghiên cứu của OECD năm 2013 cho thấy, tác động này tích cực hơn khi người nhập cư chủ yếu trong độ tuổi lao động, khi người nhập cư có tỉ lệ kiếm được việc làm cao hom và khi họ ở trong độ tuổi trẻ hom. Điều này là do người nhập cư trẻ tuổi có xu hướng khỏe mạnh hơn, sử dụng ít hơn các dịch vụ công, trong khi người nhập cư có việc làm có xu hướng sử dụng ít hơn các dịch vụ công và đóng góp nhiều hơn vào các khoản thu thuế và an sinh xã hội. Mặc dù các bằng chứng về tác động tài chính của người nhập cư đối với ASEAN là khá hạn chế, nhưng vẫn có lý do để tin rằng người di cư ASEAN sử dụng các dịch vụ công ít hơn so với những đóng góp của họ, do tỉ lệ người di cư có việc làm cao hơn so với lao động bản xứ tại hầu hết các quốc gia trong khu vực, với ngoại lệ là Malaysia, noi người nhập cư trẻ hơn đáng kể so với dân số bản địa.

– Tác động tới vấn đề tội phạm:

Nghiên cứu của Ozden, Testaverde, and Wagner (2017) thấy rằng, mỗi 100.000 người nhập cư vào một bang của Malaysia sẽ làm giảm 1,5% tổng số tội phạm ghi nhận được. Phần lớn sự sụt giảm này là do các điều kiện kinh tế – xã hội được cải thiện, đặc biệt là gia tăng tỉ lệ người có việc làm và tỉ lệ người có học vấn thấp giảm.

Chương 5: Quan hệ tài chính – tiền tệ quốc tế

Câu 74: Trình bày khái niệm ngoại hối, thị trường ngoại hối 

 

  • Khái niệm ngoại hối

 

Trong nền kinh tế hiện đại, mỗi quốc gia đều có nhu cầu sử dụng ngoại hổi để nhập khẩu hàng hoá hay can thiệp vào thị trường hàng hoá, thị trường tiền tệ, điều hoà cán cân thanh toán quốc tế… Do ảnh hưởng lớn của ngoại hối đối với đời sống kinh tế-xã hội nên chính phủ ở mỗi quốc gia đều tìm cách chọn lựa cho mình những chính sách thích hợp. trong việc quản lí ngoại hối và điều tiết hoạt động ngoại hối.

Cho đến nay, các công trình nghiên cứu chưa đưa ra định nghĩa chính thức về ngoại hối. Tuy nhiên, hầu hết các nghiên cứu về ngoại hối đều thống nhất quan điểm cho rằng ngoại hối là danh từ dùng để chỉ cạc phương tiện dùng trong thanh toán quốc tế như ngoại tệ, vàng tiêu chuẩn quốc tế và các giấy tờ có giá ghi bằng ngoại tệ.

Trong pháp luật thực định, nhà soạn luật chọn giải pháp định nghĩa về ngoại hối bằng cách liệt kê các tài sản được coi của ngoại hối đối với đời sống kinh tế-xã hội và thiết lập cơ chế quản lý, sử dụng chúng vào mục đích tăng trưởng kinh tế, ổn định xã hội chứ không chủ trương xây dựng định nghĩa hoàn chỉnh về ngoại hối và chỉ ra các đặc điểm của ngoại hối. Điều này dẫn tới hệ quả là không có sự giống nhau hoàn toàn trong hệ thống pháp luật của các nước về những tài sản nào là ngoại hối và mục đích quản lý nhà nước đối với mỗi loại ngoại hối. Mặt khác, việc định ra chế độ quản lý ngoại hối như thế nào còn phụ thuộc vào thái độ của Nhà nước đối với ngoại hối, chính sách tiền tệ và chính sách tỉ giá hối đoái của nước đó trong từng thời kì.

Ngoại hối là tài sản, quyền tài sản có thể định giá và chuyển đổi thành tiền nước ngoài được cộng đồng quốc tế chấp nhận làm phương tiện thanh toán quốc tế mà một nước sử dụng trong giao dịch quốc tế bao gồm: ngoại tệ và các phương thức thanh toán quốc tế không phải ngoại tệ dưới các hình thức như khoản tiền gửi tại các ngân hàng nước ngoài, các công cụ tín dụng, hối phiếu, lệnh phiếu, séc… các trái khoán, chứng khoán ghi bằng ngoại tệ…

 

 

  • Khái niệm thị trường ngoại hối

 

Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều có đồng tiền riêng của mình, do đó trong một hoạt động mua bán quốc tế, ít nhất phải có một bên tham gia sử dụng ngoại tệ. Neu đồng tiền của các bên tham gia không đổi với nhau được thì họ thỏa thuận sử dụng đến một ngoại tệ chuyển đổi tự do để giao dịch, thường là USD. Ngoài ra, các bên có thể sử dụng các phương tiện thanh toán như giấy tờ có giá hay vàng có tiêu chuẩn quốc tế. Các phương tiện thanh toán quốc tế này được gọi là ngoại hối.

Ngoại hối là thuật ngữ dùng để chỉ ngoại tệ và các phương tiện thanh toán có giá trị như ngoại tệ được dùng để thanh toán giữa các quốc gia. Tùy theo quan niệm của luật quản lý ngoại hối của mỗi nước, khái niệm ngoại hối có thể có sự khác nhau.

Để thực hiện các giao dịch thanh toán, các bên phải đổi từ tiền tệ này sang tiền tệ khác. Đe thực hiện việc chuyển đổi đó cần phải có một thị trường đó là thị trường ngoại hối.

Thị trường ngoại hối là thị trường tiền tệ quốc tế diễn ra các hoạt động giao dịch ngoại tệ và các phương tiện thanh toán có giá trị như ngoại tệ. Hay nói cách khác, thị trường ngoại hối là nơi diễn ra hoạt động mua bán, hao đổi ngoại tệ và các phương tiện thanh toán quốc tế có giá trị như ngoại tệ.

Thị trường ngoại hối là nơi các nhà kinh doanh tiến hành kinh doanh ngoại hối để kiếm lời.

Là nơi mà ở đó xảy ra việc mua bán, trao đổi ngoại hối, trong đó chủ yếu là trao đổi, mua bán ngoại tệ và các phương tiện thanh toán quốc tế.

Là thị trường mua bán, trao đổi ngoại hối. Trong đó 2 đối tượng chủ yếu là ngoại tệ và phương tiện thanh toán quốc tế. Như vậy, bất cứ đâu diễn ra việc mua và bán các đồng tiền khác nhau thì ở đó được gọi là thị trường ngoại hối.

Theo định nghĩa hẹp, thị trường ngoại hối cũng có thể xem là thị trường ngoại tệ liên ngân hàng, do ngân hàng chiếm khoảng 85% tổng số giao dịch ngoại hối.

 

Câu 75: Các bộ phận cấu thành thị trường ngoại hối là gì? Phân tích cấu trúc của các bộ phận đó? 

Thị trường ngoại hối được kết cấu bởi 3 bộ phận đó là thị trường liên ngân hàng, sở giao dịch ngoại hối và thị trường giao dịch phi tập trung. 

1.Thị trường liên ngân hàng (interbank)

Thị trường liên ngân hàng là thị trường trong đó các ngân hàng lớn trên thế giới trao đổi các đồng tiền theo tỉ giá giao ngay và tỉ giá có kì hạn. Thị trường liên ngân hàng là trung tâm của thị trường ngoại hối.

Thị trường liên ngân hàng không có địa điểm cụ thể mà là một mạng lưới thông tin liên lạc ngân hàng nối mạng điện tử với nhau và liên kết ngân hàng với những người môi giới ngoại hối (foreign exchange broker).

Các công ti được cung cấp dịch vụ ngoại hối từ những ngân hàng có quan hệ kinh doanh với mình. Mỗi ngân hàng đáp ứng yêu cầu từ phía khách hàng của mình thông qua việc mua bán ngoại tệ với các ngân hàng khác tham gia trên thị trường liên ngân hàng. Đối với những đồng tiền được trao đổi phổ biến thì những ngân hàng lớn thường có đủ lượng dự trữ trong tay để thực hiện giao dịch. Tuy nhiên, đối với đồng tiền ít được trao đổi thì các ngân hàng khác thông qua những người môi giới ngoại hối.

Trên thị trường liên ngân hàng, các ngân hàng hoạt động như là đại lý cho khách hàng của mình. Ngoài việc chuyển đổi tiền tệ, các ngân hàng còn thực hiện tư vấn cho khách hàng về chiến lược giao dịch, cung cấp nhiều loại công cụ tiền tệ khác nhau và các dịch vụ quản trị rủi ro khác. Các ngân hàng còn giúp khách hàng kiểm soát rủi ro tỉ giá hối đoái bằng cách cung cấp thông tin về những quy định điều tiết ngoại hối trên khắp thế giới.

2. Sở giao dịch ngoại hối

Sở giao dịch ngoại hối là nói chuyện tiến hành các giao dịch ngoại hối giao sau (currency futures) và quyền chọn ngoại hối (currency option). Việc mua bán tiền tệ trên các sở giao dịch này phải thông qua các nhà môi giới chứng khoán, những người tạo điều kiện cho các giao dịch vận hành tốt hơn bằng cách chuyển và thực hiện các đặt hàng của khách hàng.

Các giao dịch trên sở giao dịch ngoại hối thường có quy mô nhỏ hơn rất nhiều so với các giao dịch trên thị trường liên ngân hàng và quy mô đó cũng khác nhau tuỳ theo loại tiền tệ.

3. Thị trường phi tập trung (OTC)

Thị trường phi tập trung là thị trường nơi các bên tham gia mua bán chứng khoán thẳng với nhau (không niêm yết, không tập trung vào 1 điểm giao dịch) thông qua mạng máy tính toàn cầu.

Tất cả giao dịch ngoại hối đều có thể diễn ra trên thị trường OTC. Những chủ thể chính tham gia vào thị trường này là các tổ chức tài chính lớn và các ngân hàng đầu tư.

Thị trường phi tập trung tăng trưởng nhanh chóng trong những năm gần đây do mang lại nhiều lợi ích cho hoạt động kinh doanh. Trước hết, nó cho phép các doanh nghiệp có thể tự do tìm kiếm tổ chức nào chào giá tốt nhất (thấp nhất) khi tiến hành giao dịch. Thứ hai, nó tạo cơ hội thực hiện các giao dịch có tính linh hoạt theo yêu cầu của khách hàng.

Câu 76: Các nghiệp vụ kinh doanh trên thị trường ngoại hối

a,  Nghiệp vụ ngoại hối giao ngay

Nghiệp vụ ngoại hối giao ngay là nghiệp vụ mua bán ngoại tệ mà việc chuyển giao ngoại tệ được thực hiện ngay trong ngày hoặc chậm nhất là hai ngày làm việc kể từ khi thỏa thuận hợp đồng mua bán.

Nghiệp vụ này diễn ra trên thị trường giao ngay và được thực hiện trên cơ sở tỉ giá giao ngay (spot rate), tức là tỉ giá được xác định trước và có giá trị tại thời điểm giao dịch. Tỉ giá giao ngay thường được niêm yết ở tất cả các ngân hàng thương mại và trên các phương tiện .thông tin đại chúng.

Các ngân hàng thường không thu phí giao dịch mà sử dụng chênh lệch giữa tỉ giá bán và tỉ giá mua để trang trải chi phí giao dịch, bù đắp rủi ro và thu lợi nhuận. Tuy nhiên, khách hàng phải kí quỹ theo quy định của từng ngân hàng đối với giao dịch giao ngay có thời hạn thanh toán vào 01 hoặc 02 ngày làm việc sau ngày giao dịch mua, bán ngoại tệ.

b, Nghiệp vụ kinh doanh chênh lệch tỷ giá

Mức giá giữa các thị trường giao ngay chênh lệch tạo ra cơ hội kinh doanh chênh lệch giá trên thị trường giao ngay. Vì vậy, có thể xem nghiệp vụ kinh doanh chênh lệch tỉ giá là một ứng dụng của nghiệp vụ hối đoái giao ngay. Nghiệp vụ kinh doanh chênh lệch tỉ giá là nghiệp vụ thực hiện việc mua một đồng tiền ở nơi giá thấp và bán lại ở nơi giá cao hơn (hoặc ngược lại) tại cùng một thời điểm để thu lợi nhuận từ chênh lệch giá.

Trong nghiệp vụ này, nhà kinh doanh không chịu rủi ro hối đoái bởi vì việc mua và bán xảy ra đồng thời cùng một thời điểm nên không tạo ra trạng thái thiếu hay thừa ngoại tệ. Tuy nhiên, việc thực hiện các nghiệp vụ kinh doanh chênh lệch tỉ giá trên có xu hướng cân bằng tỉ giá ở các thị trường ngoại hối khác nhau do sự phát triển của các phương tiện thông tin hiện đại ngày nay, thị trường ngoại hối trở nên thông suốt trên phạm vi toàn cầu, người bán và người mua có thể dễ dàng biết được giá cả và tiếp cận với nhau từ nhiều địa điểm nên nghiệp vụ kinh doanh chênh lệch tỉ giá ngoại tệ không còn phổ biến nữa.

c, Nghiệp vụ ngoại hối kì hạn

Giao dịch ngoại hối kì hạn là nghiệp vụ mua bán ngoậĩ hối trong đó hai bên cam kết sẽ mua bán với nhau một số lượng ngoại tệ nhất định theo một mức tỉ giá được thoả thuận khi kí kết hợp đồng và việc giao nhận, thanh toán ngoại hối sẽ được thực hiện vào một ngày xác định trong tương lai.

Tham gia giao dịch trên thị trường này chủ yếu là các ngân hàng thương mại, các công ti đa quốc gia, các nhà đầu tư trên thị trường tài chính quốc tế và các công ti xuất nhập khẩu, tức là những người mà hoạt động của họ thường xuyên chịu ảnh hưởng một cách đáng kể bởi sự biến động của tỉ giá.

Ngày nay, giao dịch kì hạn phát triển mạnh mẽ và đóng vai trò quan trọng trên thị trường ngoại hối. Giao dịch kì hạn rất hiệu quả trong việc phòng ngừa rủi ro tỉ giá hối đoái đối với công ti khi tham gia xuất nhập khẩu, vay nợ nước ngoài hay thực hiện đầu tư nước ngoài. Thị trường kì hạn còn là nơi hoạt động tích cực của các nhà đầu cơ để kiếm lời. Kì hạn hợp đồng ngoại hối thường là bội số của 30 ngày: 1; 2; 3; 4; 5; 6; 9; 12 tháng. Tuy nhiên, hai bên có thể thỏa thuận các kì hạn lẻ hay kì hạn nhiều hơn 01 năm.

 d,  Nghiệp vụ hoán đổi ngoại hối

Nghiệp vụ hoán đổi ngoại hối là việc đồng thời mua vào và bán ra một ngoại tệ nhất định với cùng một lượng giá trị, nhưng ngày mua vào và ngày bán ra là ở hai thời điểm khác nhau. Đây là sự phối hợp giữa hai nghiệp vụ giao dịch ngoại hối giao ngay và giao dịch ngoại hối có kì hạn.

Ưu điểm cơ bản của việc sử dụng giao dịch hoán đổi là sử dụng hợp đồng hoán đổi nhằm giảm chi phí và tránh được rủi ro do biến động tỉ giá. Trong giao dịch hoán đổi các bên tham gia bao gồm ngân hàng và khách hàng đều có những lợi ích nhất định.

Với khách hàng, lợi ích thể hiện ở việc thỏa mãn được nhu cầu ngoại tệ hoặc nội tệ của mình ở thời điểm hiện tại. Với ngân hàng, lợi ích thể hiện ở chỗ một mặt ngân hàng đáp ứng được nhu cầu của khách hàng góp phần nâng cao uy tín và gia tăng giá trị thương hiệu của mình. Mặt khác, ngân hàng có thể kiếm được lợi nhuận từ chênh lệch giá mua và bán ngoại tệ.

e, Nghiệp vụ ngoại hối tương lai

Giao dịch ngoại hối tương lai là việc thỏa thuận mua bán một số lượng ngoại tệ đã biết theo tỉ giá cố định tại thời điểm hợp đồng có hiệu lực và việc chuyển giao ngoại tệ được thực hiện vào một ngày trong tương lai thông qua một Sở giao dịch mà không trực tiếp qua ngân hàng.

Sở giao dịch là đơn vị đề ra quy chế và kiểm soát hoạt động của các hội viên. Hội viên của Sở giao dịch có thể là đại diện của các công ti, ngân hàng thương mại hay cá nhân có tài khoản riêng.

Hợp đồng ngoại hối tương lai khá giống hợp đồng ngoại hối kì hạn, nhưng có tính thanh khoản cao hơn bởi vì các bên có thể xóa bỏ hợp đồng cũ bất cứ khi nào và mở ra hợp đồng mới, hai bên thanh toán cho nhau phần chênh lệch giá trị tại thời điểm đảo hợp đồng. Như vậy, ngoài mục đích là hạn chế rủi ro, hợp đồng tương lai còn là công cụ thích hợp cho các nhà đầu cơ. Nhà đầu cơ dự báo một loại ngoại tệ nào đó lên giá trong tương lai sẽ mua hợp đồng tương lai loại ngoại tệ đó. Ngược lại, nhà đầu cơ khác lại dự báo ngoại tệ đó xuống giá trong tương lai sẽ bán họp đồng ngoại tệ tương lai. Sở giao dịch với tư cách là nhà tổ chức và trung gian trong giao dịch sẽ đứng ra thu xếp các loại hợp đồng này.

f,  Nghiệp vụ ngoại hối quyền chọn

Hợp đồng quyền chọn là một công cụ tài chính, cho phép người mua hợp đồng có quyền mua hoặc bán một đồng tiền này với một đồng tiền khác tại mức tỉ giá cố định đã thỏa thuận trước, trong một thời gian nhất định trong tương lai

Quyền chọn không chỉ cho phép nhà đầu tư đón đầu xu thế của một đồng tiền mà nó còn cho phép giới hạn rủi ro thua lỗ. Bạn có thể kiếm được lợi nhuận từ quyền chọn với bất cứ chiều nào của biến động giá (giá lên, xuống hay thậm chí là không biến động).

Nghiệp vụ mua bán ngoại hối quyền chọn là nghiệp vụ mua bán ngoại hối được thực hiện trên cơ sở hợp đồng quyền chọn mua hoặc quyền chọn bán.

– Hợp đồng quyền chọn mua: là hợp đồng cho phép người mua hợp đồng có quyền nhưng không bắt buộc mua một số lượng ngoại tệ nhất định.

– Hợp đồng quyền chọn bán: là hợp đồng cho phép người mua hợp đồng có quyền nhưng không bắt buộc bán một số lượng ngoại tệ nhất định.

Người mua trong hợp đồng quyền chọn mua hoặc người bán trong họp đồng quyền chọn bán có thể thực hiện hợp đồng hoặc hủy bỏ hợp đồng nếu thấy không có lợi. Tuy nhiên, phải trả một mức phí quyền chọn khi kí kết họp đồng.

Trên thực tế, các nhà xuất khẩu thường mua quyền chọn bán hoặc bán quyền chọn mua vì họ muốn có sự đảm bảo chắc chắn về số ngoại tệ mà họ thu được từ số hàng đã bán. Ngược lại, các nhà nhập khẩu thì lại thường bán quyền chọn bán hoặc mua quyền chọn mua. Các nhà đầu tư cũng thường mua quyền chọn bán hoặc quyền chọn mua vì họ muốn có sự đảm bảo về tỉ giá đối với cam kết bằng ngọại tệ của họ. Ngoài ra, tham gia vào các nghiệp vụ này còn có các nhà đầu cơ ngoại tệ nhằm kiếm lời.

Câu 77:  Chủ thể tham gia thị trường ngoại hối là những chủ thể nào?

1. Các ngân hàng

Ngân hàng trung ương đóng vai trò là tổ chức kiểm soát, điều hành và ổn định sự hoạt động của thị trường ngoại hối. Ngân hàng này có thể sử dụng nghiệp vụ mua bán ngoại tệ can thiệp vào tỉ giá nhằm thay đổi dự trữ ngoại hối quốc gia, duy trì sự cân bằng của hoạt động xuất nhập khẩu… Sự ảnh hưởng lớn nhất trên thị trường tiền tệ thế giới có các ngân hàng như: Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED), ngân hàng trung ương châu Âu (ECB), ngân hàng Anh (Bank of England), ngân hàng Nhật Bản (Bank of Japan).

Ngân hàng thương mại giữ vai trò trung tâm trên thị trường ngoại hối. Ngân hàng thương mại tham gia vào thị trường ngoại hối với hai tư cách. Một là thực hiện các nghiệp vụ kinh doanh ngoại hối cho chính ngân hàng nhằm đảm bảo ổn định số dư ngoại tệ trên tài khoản. Hai là thực hiện các dịch vụ về hối đoái theo sự ủy nhiệm của khách hàng. Mức độ tham gia vào thị trường ngoại hối của các ngân hàng phụ thuộc vào các yếu tố như quy mô, mạng lưới, uy tín…

2. Các nhà môi giới

Các nhà môi giới là chủ thể trung gian trong giao dịch hối đoái giữa các ngân hàng, tổ chức, cá nhân với nhau, được pháp luật quy định kinh doanh hợp pháp. Các nhà môi giới cung cấp cho khách hàng cơ hội giao dịch trên thị trường ngoại hối, giúp cho cung và cầu ngoại hối gặp được nhau, đảm bảo việc thực hiện lệnh giao dịch nhanh chóng và chính xác.

3. Các doanh nghiệp

Các doanh nghiệp bao gồm các công ti nội địa, các công ti đa quốc gia. Vai trò của các công ti này ngày càng tăng lên mạnh mẽ trên thị trường ngoại hối. Nguyên nhân là do các công ti này thi hành chính sách mở rộng các nguồn dự trữ ngoại tệ, giảm bớt rủi ro do sự mất giá của các đồng tiền. Các doanh nghiệp tham gia vào thị trường ngoại hối chủ yếu là các doanh nghiệp có chức năng xuất nhập khẩu. Các doanh nghiệp này vừa là chủ thể cung ứng, vừa là chủ thể mua ngoại tệ và chiếm giữ một khối lượng mua bán, trao đổi ngoại tệ rất lớn trên thị trường ngoại hối.

4 Các cá nhân

Đó là các công dân trong và ngoài nước có nhu cầu mua bán ngoại tệ trên thị trường ngoại hối nhằm phục vụ cho mục đích của chính mình khi đầu tư, cho vay, đi du lịch ở nước ngoài…

Câu 78: Tỷ giá hối đoái là gì? Có các loại tỉ giá nào theo các tiêu chí phân loại khác nhau?

 

 

  • Khái niệm tỉ giá hối đoái 

 

Tỷ giá hối đoái hay còn được gọi là tỷ giá trao đổi ngoại tệ hoặc tỷ giá. Đây là tỷ lệ trao đổi giữa hai đồng tiền hai nước. Hiểu một cách đơn giản thì đây là việc chuyển đổi giá của đồng tiền này sang đồng tiền của quốc gia khác. Hoặc cụ thể hơn chính là số lượng tiền tệ cần thiết để mua 1 đơn vị tiền của nước khác. 

Tỷ giá hối đoái Việt Nam là tỷ lệ giá trị của đồng Việt Nam với giá trị đồng tiền nước ngoài.

Ví dụ: Tỷ giá USD/VND = 23.070 tức là 1 USD = 23.070 VNĐ hay 23.070 VND sẽ mua được 1 đồng USD.

 

  • Phân loại tỉ giá hối đoái

 

Hiện nay trên thị trường đang có rất nhiều cách phân loại tỷ giá hối đoái khác nhau. Mỗi cách phân loại sẽ dựa vào những đặc điểm riêng biệt. Cụ thể, chúng tôi giới thiệu đến bạn một số cách phân loại tỷ giá hối đoái như sau:

  1. Dựa vào đối tượng xác định tỷ giá

Theo cách phân loại này sẽ có 2 loại tỷ giá hối đoái như sau:

  • Tỷ giá hối đoái chính thức: Do Ngân hàng Nhà nước xác định và công bố. Dựa trên tỷ giá này thì các ngân hàng thương mại hay các đơn vị tín dụng sẽ tính được tỷ giá mua vào, bán ra, hoán đổi của một cặp tiền tệ.
  • Tỷ giá hối đoái thị trường: Được xác định dựa trên mối quan hệ cung cầu của thị trường ngoại hối.
  1. Dựa vào giá trị của tỷ giá
  • Tỷ giá hối đoái danh nghĩa: Tỷ giá hiện tại của một loại tiền tệ mà không tính đến yếu tố lạm phát.
  • Tỷ giá hối đoái hoán thực: Tỷ giá hiện tại của một đồng tiền tệ có tính đến yếu tố lạm phát.
  1. Dựa vào phương thức chuyển ngoại hối
  • Tỷ giá điện hối: là tỷ giá chuyển ngoại hối bằng điện. Tỷ giá này thường được niêm yết tại các ngân hàng và là cơ sở để xác định các loại tỷ giá khác.
  • Tỷ giá thư hối: là tỷ giá chuyển ngoại hối bằng thư. Thông thường thì tỷ giá thư hối sẽ thấp hơn so với tỷ giá điện hối.
  1. Dựa vào thời điểm giao dịch ngoại hối
  • Tỷ giá mua: Tỷ giá mà ngân hàng chấp nhận mua ngoại hối
  • Tỷ giá bán: Tỷ giá mà ngân hàng đồng ý bán ngoại hối ra

Thông thường để đảm bảo lợi nhuận cho các ngân hàng thì tỷ giá bán bao giờ cũng sẽ lớn hơn tỷ giá mua.

  1. Dựa vào kỳ hạn thanh toán
  • Tỷ giá giao ngay: là tỷ giá do các tổ chức tín dụng niêm yết tại thời điểm giao ngay hoặc do 2 bên đưa ra thỏa thuận. Việc thanh toán bắt buộc phải thực hiện trong vòng 2 ngày kể từ ngày cam kết.
  • Tỷ giá kỳ hạn: là tỷ giá do tổ chức tín dụng tự tính hoặc thỏa thuận giữa 2 bên. Tuy nhiên tỷ giá này phải đảm bảo nằm trong biên độ quy định về tỷ giá kỳ hạn của Ngân hàng nhà nước.

Câu 79: Trình bày các yếu tố ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái. 

– Yếu tố thương mại, nằm ở 2 khía cạnh chính sau đây:

Tình hình tăng trưởng kinh tế: Khi tốc độ tăng giá của sản phẩm xuất khẩu cao hơn tốc độ tăng giá sản phẩm nhập khẩu thì tỷ lệ trao đổi thương mại tăng kéo theo giá trị đồng nội tệ tăng và tỷ giá giảm. Ngược lại tốc độ tăng nhập khẩu cao hơn tốc độ tăng xuất khẩu thì cán cân thương mại giảm khiến cho tỷ giá hối đoái tăng.

Cán cân thanh toán: Cán cân thanh toán quốc tế cao thì đồng ngoại tệ tăng và nội tệ giảm khiến tỷ giá hối đoái tăng.

– Yếu tố lạm phát

Vấn đề lạm phát trong nước là một trong những yếu tố quan trọng tác động đến hoạt động thương mại quốc tế và ảnh hưởng trực tiếp đến cung cầu ngoại tệ làm thay đổi tỷ giá. Đây cũng là yếu tố để trả lời cho câu hỏi yếu tố ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái là gì?.

Ví dụ: Nếu tình hình trong nước (Ấn Độ) có tỷ lệ lạm phát cao hơn quốc gia nước ngoài (Mỹ). Khi đó, người tiêu dùng Ấn Độ sẽ có xu hướng chọn lựa hàng hoá Mỹ hơn do giá thành chi trả cho hàng hoá sẽ rẻ hơn và thị trường sẽ nhập khẩu hàng Mỹ  tăng làm cầu đồng ngoại tệ (đô la Mỹ) tăng.

Còn ở Mỹ, người dân sẽ hạn chế sử dụng hàng hoá từ Ấn Độ do giá cao và nhập khẩu  giảm khiến cung ngoại tệ (đô la Mỹ) giảm.

Còn với nội địa có tỷ lệ lạm phát thấp hơn so với nước ngoài thì tỷ giá hối đoái sẽ giảm và giá trị nội tệ sẽ tăng.

– Yếu tố thu nhập

Nếu đã biết tỷ giá hối đoái là gì thì có thể nói thu nhập của mỗi quốc giá cũng là yếu tố tác động đáng kể đến tỷ giá hối đoái.

Tác động trực tiếp: nếu thu nhập của quốc gia đó tăng thì người dân sẽ có xu hướng muốn dùng hàng nhập khẩu nhiều hơn từ đó làm cầu ngoại tệ tăng làm tỷ giá tăng

Tác động gián tiếp: thu nhập cao thì người dân sẽ tăng mức chi tiêu trong nước làm cho tỷ lệ lạm phát cao làm tỷ giá tăng

Ngược lại khi quốc gia có thu nhập giảm thì sẽ giảm cầu ngoại tệ dẫn đến giảm tỷ giá hối đoái

– Yếu tố lãi suất

Lãi suất có một phần ảnh hưởng đến các hoạt động đầu tư chứng khoán ở nước ngoài, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến tỷ giá hối đoái.

Ví dụ: Khi đất nước A có lãi suất thấp hơn so với các nước ngoài như Trung Quốc. Thì nhà đầu tư nước A sẽ có xu hướng đầu tư vào thị trường Trung Quốc hoặc gửi tiền tiết kiệm vào các ngân hàng  nước ngoài đó. Như vậy sẽ giúp họ có thêm khoản lợi nhuận lớn hơn so với đầu tư vào thị trường trong nước. Khi đó, ngoại tệ Trung Quốc sẽ tăng lên và cung về ngoại tệ của nước A sẽ giảm.

Còn khi nội địa có lãi suất cao hơn nước ngoài thì tài chính nội địa hấp dẫn tỷ giá hối đoái giảm còn giá trị nội tệ sẽ tăng.

Câu 80: Tỷ giá hối đoái có ảnh hưởng đến các quan hệ kinh tế quốc tế nào? Phân tích sự ảnh hưởng đến các quan hệ đó.

Tác động của tỷ giá hối đoái là gì trong nền kinh tế thị trường hiện nay? Đó là câu hỏi lớn nhưng đã có lời giải đáp. Hãy cùng tham khảo tác động và vai trò mà tỷ giá hối đoái hay tỷ giá trao đổi ngoại tệ ảnh hướng đến nền kinh tế hiện nay.

Tỷ giá hối đoái ảnh hưởng tới xuất nhập khẩu: Nếu đồng tiền nội tệ mất giá (tỷ giá tăng) kéo theo  giá cả hàng xuất khẩu của quốc gia đó sẽ rẻ hơn dẫn đến sức cạnh tranh của hàng hoá trên thị trường quốc tế sẽ được nâng cao. Khi tỷ giá tăng lên sẽ thúc đẩy nền kinh tế thu được nhiều ngoại tệ, từ đó giúp cán cân thương mại và cán cân thanh toán quốc tế được cải thiện.

Ảnh hưởng của tỷ giá hối đoái đến doanh nghiệp: Với những doanh nghiệp lớn, ảnh hưởng của tỷ giá hối đoái đến doanh nghiệp là không hề nhỏ, tác động trực tiếp đến lợi nhuận của doanh nghiệp.  Đặc biệt là những doanh nghiệp có nợ vay bằng USD sẽ không tránh khỏi ảnh hưởng khi tỷ giá USD/VND biến động tăng, dẫn đến phát sinh lỗ chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại dư nợ gốc ngoại tệ khi đó những doanh nghiệp có dư nợ USD phải chịu chi phí lỗ tỷ giá.

Tỷ giá hối đoái ảnh hưởng tới lạm phát và tăng trưởng kinh tế: Khi một nước có lạm phát sức mua đồng nội tệ giảm, tỷ giá hối đoái không đổi, hàng hóa dịch vụ trong nước đắt hơn so với thị trường nước ngoài. Theo quy luật chung, người dân trong nước sẽ chuyển sang dùng hàng ngoại nhiều hơn vì giá rẻ kéo theo nhập khẩu sẽ tăng, cầu ngoại tệ tăng và tỷ giá hối đoái cũng sẽ tăng theo. Mặt khác, vì tăng giá nên người tiêu dùng nước ngoài sẽ dùng ít hàng nhập khẩu hơn. Hoạt động xuất khẩu giảm sút dẫn đến cung ngoại tệ trên thị trường giảm, là nguyên nhân làm tỷ giá hối đoái tăng. Bởi vây,  lạm phát ảnh hưởng đến cung và cầu ngoại tệ theo hướng tăng giá ngoại tệ, tác động cộng gộp làm cho tỷ giá hối đoái tăng nhanh hơn. Trên thị trường tiền tệ, lạm phát khiến đồng tiền mất giá, người dân sẽ chuyển sang nắm giữ tài sản nước ngoài nhiều hơn, cầu ngoại tệ gia tăng đẩy tỷ giá hối đoái tăng. Quốc gia nào có tỷ lệ lạm phát cao hơn thì đồng nội tệ của quốc gia đó sẽ mất giá một cách tương đối và tỷ giá hối đoái tăng.

Câu 81: Các chính sách điều chỉnh tỉ giá hối đoái?

1. Chính sách chiết khấu (discountpolicy)

Chính sách chiết khấụ là một trong những chính sách tiền tệ mà ngân hàng trung ương (NHTW) sử dụng lãi suất chiết khấu (lãi suất cấp vốn) để điều chỉnh lãi suất của các ngân hàng thương mại (NHTM) nhằm điều chỉnh lãi suất trong thị trường.

Như vậy, chính sách chiết khấu chỉ có thể được thực hiện ở các quốc gia thực hiện Hệ thống ngân hàng 2 cấp. Theo đó, cấp I là NHTW. Cấp 2 là các NHTM và các tổ chức tín dụng (TCTD) khác. Các NHTM và các TCTD là những tổ chức cung cấp tín dụng trực tiếp cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong nền kinh tế.

Quy định lãi suất chiết khấu là một trong những công cụ của chính sách tiền tệ nhằm điều tiết lượng cung tiền. Lãi suất chiết khấu thay đổi sẽ dẫn đến sự thay đổi cùng chiều của lãi suất trên thị trường, hệ quả là sẽ ảnh hưởng tới tỉ giá hối đoái.

Trong trường hợp thiếu vốn, các NHTM và các tổ chức tín dụng có thể được phép vay lại NHTW với lãi suất, ví dụ 9%. Thông qua việc nâng/hạ mức lãi suất chiết khấu, NHTW sẽ khiến các NHTM nâng/hạ lãi suất cho vay và do đó tác động đến lãi suất của toàn bộ nền kinh tế.

Khi tỉ giá có xu hướng tăng (đồng nội tệ mất giá) thì NHTW của một nước có thể thực hiện nâng lãi suất chiết khấu qua đó nâng lãi suất thị trường ở mức cao hơn mức lãi suất thế giới (thông thường hay so sánh với lãi suất trên thị trường tiền tệ lớn trên thế giới), qua đó sẽ thu hút luồng vốn ngắn hạn ở nước ngoài đổ về (trên cơ sở của quy luật ngang giá lãi suất) dẫn đến tăng cung ngoại hối. Kết quả là làm cho tỉ giá tăng.

Ngược lại, khi tỉ giá có xu hướng xuống thấp sẽ bất lợi cho xuất khẩu. Nhằm duy trì mức xuất khẩu, NHTW thực hiện chính sách chiết khấu thấp, hạ lãi suất của đồng nội tệ. Điều này một mặt dẫn đến việc dòng vốn ngoại tệ ngắn hạn chảy ra bên ngoài làm cung ngoại hối giảm, dẫn đến ngoại tệ tăng giá. Kết quả là làm cho tỉ giá tăng.

Chính sách chiết khấu thường chỉ có tác dụng trong ngắn hạn, với điều kiện tình hình kinh tế, chính trị của nước đó ổn định, đồng tiền nước đó không có nhiều khả năng bị mất giá cao. Việc nâng hay hạ lãi suất chiết khấu phải tạo ra được sự chênh lệch về lợi tức dự tính của đồng tiền nước mình so với đồng ngoại tệ thì mới có tác dụng. 

2. Chỉnh sách hối đoái (exchangepolicy)

– Là chính sách mà NHTW thông qua các cơ quan ngoại hối của nhà nước tác động trực tiếp vào cung cầu ngoại hối bằng việc mua bán ngoại hối trên thị trường để điều chỉnh tỉ giá. Chính sách hối đoái là chính sách can thiệp trực tiếp.

+ Khi tỉ giá bị tăng lên quá cao, NHTW có thể tham gia thị trường mở, mua một lượng giấy tờ có giá bằng ngoại hối lớn cho các NHTM, qua đó, “bơm” ngoại hối vào thị trường, làm tăng cung ngoại tệ góp phần ổn định tỉ giá.

+ Khi tỉ giá xuống thấp, thì các NHTW có thể mua lại ngoại hối của các NHTM thông qua việc bán các giấy tờ có giá bằng ngoại tệ, giảm cung ngoại hối và do đó làm tăng tỉ giá trở lại.

+ Điều kiện để thực hiện chính sách hối đoái:

Thứ nhất, để thực hiện được chính sách hối đoái hiệu quả, đòi hỏi NHTW của một nước phải có một lượng dự trữ ngoại tệ đủ mạnh vì mức độ can thiệp sâu hay nông, lâu hay nhanh phụ thuộc vào dự trữ ngoại tệ.

Thứ hai, có thị trường ngoại hối tự do, có sự điều tiết của Nhà nước. Trong từng thời kì, NHTW sẽ quyết định dùng loại ngoại tệ nào, số lượng bao nhiêu, thời gian và thời điểm can thiệp…

3 Phá giá tiền tệ (Devaluation, Depreciation)

Khái niệm Devaluation chỉ tồn tại trong cơ chế tỉ giá cố định. Còn Depreciation là sản phẩm của cơ chế tỉ giá thả nổi.

Phá giá tiền tệ là đánh sụt sức mua của đồng tiền nước mình so với ngoại tệ thấp hơn sức mua thực tế của nó.

Phá giá không phải là lúc nào cũng có hại, trên thực tế nó còn có những hiệu quả tốt cho nền kinh tế như: tăng xuất khẩu, giảm nhập khẩu; tăng nhập khẩu vốn, giảm xuất khẩu von; tăng nhập khẩu dịch vụ (du lịch), giảm xuất khẩu dịch vụ (du lịch) và do đó làm tăng cung ngoại tệ, duy trì sự ổn định tỉ giá trong dài hạn. Tuy nhiên, việc phá giá cũng tước đoạt một phần của cải của những người nắm giữ đồng tiền mất giá.

Để thực hiện phá giá có hiệu quả, cần phải có các điều kiện như: phải có sẵn hàng hóa dự trữ để phục vụ cho xuất khẩu, có môi trường đầu tư thuận lợi để thu hút vốn và có các giải pháp cho những đối tượng chịu thiệt hại do phá giá (các nhà nhập khẩu), nếu chúng ta nhập khẩu lớn thì có thể gây ra sự tăng giá hàng hóa nhập khẩu, do đó có thể gây ra lạm phát…

Việc phá giá thường phải tiến hành bí mật vì sẽ có một số nước khác bị bất lợi do giá hàng hóa của nước phá giá có thể rẻ tường đối trên thị trường quốc tế, gây bất lợi cho các đối thủ cạnh tranh.

4.Nâng giá tiền tệ (Revaluation, Appreciation)

Nâng giá tiền tệ là việc nâng cao giá trị của đồng nội tệ so với ngoại tệ. Tác dụng hoàn toàn ngược với phá giá.

Tuy nhiên, một số nước vẫn thực hiện việc nâng giá đồng tiền của nước mình. Vi dụ như trường hợp của Nhật Bản.

Nền kinh tế của Nhật Bản đã từng ở vào thời kì phát triển quá nóng (nền kinh tế bong bóng). Thặng dư thương mại của Nhật Bản với Mỹ rất lớn => nước Nhật Bản phải giảm sốt cho nền kinh tế, giảm thặng dư thưomg mại với Mỹ để giữ thị tr­ường. Ngày nay, Nhật Bản đang giảm bớt sự lệ thuộc vào Mỹ bằng cách mở rộng thị trường sang các nước Đông Nam Á.

–   Nhật Bản rất thiếu tài nguyên, việc nâng giá đồng JPY sẽ có lợi trong việc nhập khẩu. Nhật Bản đã thực hiện phân luồng nhập khẩu, trong đó đặc biệt chú trọng việc nhập khẩu các nguyên nhiên liệu chiến lược.

–   Mỹ ép Nhật Bản còn vì Mỹ đang đặt căn cứ quân sự trên đất nước Nhật Bản. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Nhặt Bân không được phép xây dựng quân đội, chỉ có lực lượng phòng vệ Nhật Bản.

Nhật Bản có thể trút được gánh nặng đồng JPY lên giá cho các nước khác bằng cách yêu cầu các nước khác khi mua hàng của Nhật Bản phải trả bằng JPY. Vì vậy, những nước như Việt Nam với thu nhập ngoại tệ chủ yếu là USD (70%) sẽ gặp nhiều bất lợi khi nhập khẩu hàng của Nhật Bản mà phải trả bang JPY.

Câu 82: Cán cân thanh toán quốc tế là gì? Trình bày các bộ phận cấu thành cán cân thanh toán quốc tế.

 

  1. Khái niệm cán cân thanh toán quốc tế

Trên thế giới, hầu hết các quốc gia đều có mối quan hệ với các quốc gia khác, đặc biệt là mối quan hệ kinh tế. Các quan hệ này làm nảy sinh các dòng tiền giữa các nền kinh tế. Các dòng tiền này được theo dõi, ghi chép một cách có hệ thống trong báo cáo tổng hợp, gọi là cán cân thanh toán quốc tế (the Balance of Payments – BOP).

Cán cân thanh toán quốc tế là một bản báo cáo tổng hợp ghi chép những giao dịch kinh tế của một quốc gia với phần còn lại của thế giới trong một thời kì nhất định.

Những giao dịch này có thể được tiến hành bởi các đối tượng cư trú trong nước hay chính phủ của quốc gia đó. Trong đó, đối tượng cư trú của một quốc gia là cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp thường trú lâu dài ở một nước và chịu sự kiểm soát của pháp luật nước đó. Thông thường, người cư trú từ 01 năm trở lên được coi là lâu dài, song độ dài thời gian này cũng còn tùy thuộc vào từng quốc gia. Ở Việt Nam, cá nhân cư trú là người có noi ở thường xuyên tại Việt Nam hoặc có mặt tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên trong một năm dương lịch hoặc tính theo 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam, hoặc có nơi ở thường xuyên ở Việt Nam, bao gồm có nơi ở đăng kí thường trú hoặc có nhà thuê để ở tại Việt Nam theo hợp đồng thuê có thời hạn.

  1. Các bộ phận cấu thành cán cân thanh toán quốc tế.

Theo các quy tắc mới về biên soạn biểu cán cân thanh toán do IMF đề ra năm 1993 thì cán cân thanh toán của một quốc gia sẽ bao gồm 05 thành phần chính như sau:

  • Tài khoản vãng lai: Đây là tài khoản ghi lại những giao dịch về hàng hóa, dịch vụ cùng một số chuyển khoản.
  • Tài khoản vốn: Tài khoản này ghi lại những giao dịch về tài sản thực và tài sản chính.
  • Thay đổi trong dự trữ ngoại hối Nhà nước
  • Mức tăng hoặc giảm ở trong dự trữ ngoại hối của ngân hàng trung ương. Do tổng của tài sản vãng lai, tài khoản vốn bằng 0 và do mục sai số nhỏ nên gần như tăng giảm cán cân thanh toán là do tăng giảm dự trữ ngoại hối tạo nên.
  • Mục sai số: Do ghi chép đầy đủ toàn bộ tất cả các giao dịch trong thực tế nên giữa phần ghi chép được và thực tế sẽ có những khoảng cách khác nhau. Do vậy khoảng cách này sẽ được ghi trong cán cân thanh toán như là mục sai số.

Câu 83: Trình này nội dung của cán cân thanh toán quốc tế?

Cán cân thanh toán quốc tế thông thường bao gồm các bộ phận sau đây:

Cán cân vãng lai (Currency Account – CA)

Cán cân vốn (Capital Account – KA)

Cán cân tổng thể (OB)

Cán cân bù đắp chính thức (OFB)

Khoản mục lỗi và sai sót (OM).

 

Bảng cán cân thanh toán quốc tế

Đơn vị: triệu USD

Kí hiệu Nội dung Doanh số thu (+) Doanh số chi (-) Cán cân (ròng)
CA Cán cân vãng lai + 1.500 -1.690 -190
TB Cán cân thương mại     -130
  – Xuất khẩu hàng hóa + 600    
  – Nhập khẩu hàng hóa   -730  
SB Cán cân dịch vụ      
  – Xuất khẩu dịch vụ + 400   + 50
  – Nhập khẩu dịch vụ   -350  
IB Cán cân thu nhập      
  -Thu + 280   -80
  -Chi   -360  
TrB Chuyển giao vãng lai 1 chiều      
  -Thu + 220   -30
  -Chi   -250  
KA Cán cân vốn + 960 -770 + 150
Kl Vốn dài hạn      
  – Dòng vào + 500   + 110
  – Dòng ra   -390  

 

Ks Vốn ngắn hạn     -20
  – Dòng vào + 360    
  – Dòng ra   -380  
Ktr Chuyển giao vốn 1 chiều + 100   + 100
OM Lỗi và sai sót + 5   + 5
OB Cán cân tổng thể     -35
OFB Cán cân bù đắp chính thức + 35   + 35
AR Thay đổi dự trữ + 20   + 20
L Vay IMF và các NHTWkhac + 10   + 10
Ot Các nguồn tài trợ khác + 5   + 5
Tổng   + 2.500 – 2.500  

 

2.1 Cán cân vãng lai

Cán cân vãng lai (Current Account – CA) phản ánh các khoản thu và chi mang tính thu nhập. Bản chất của cán cân vãng lai phản ánh tình hình thu chi từ chuyển giao quyền sở hữu về tài sản giữa đối tượng cư trú và đối tượng không cư trú.

Cán cân vãng lai bao gồm 4 cán cân bộ phận là:

Cán cân thương mại – Trade Balance (TB).

Cán cân dịch vụ – Services Balance (SB).

Cán cân thu nhập – Incomes Balance (IB).

Cán cân chuyển giao vãng lai một chiều – Currency Transfers Balance (TrB).

Cán cân thương mại dùng để đối chiếu và so sánh các khoản thu từ xuất khẩu và chi cho nhập khẩu hàng hóa. Khi một quốc gia xuất khẩu hàng hóa sẽ thu về ngoại tệ, đây chính là khoản thu và được ghi có (+); các nghiệp vụ nhập khẩu làm phát sinh khoản chi và được ghi nợ (-). Khi thu nhập từ xuất khẩu hàng hóa lớn hơn chi cho nhập khẩu hàng hóa thì cán cân thương mại được gọi là thặng dư (hay xuất siêu). Và ngược lại, khi thu nhập từ xuất khẩu hàng hóa thấp hơn chi cho nhập khẩu hàng hóa thì cán cân thương mại thâm hụt (hay gọi là nhập siêu).

Cán cân dịch vụ phản ánh các khoản thu, chi phát sinh trong các giao dịch về dịch vụ như vận tải, du lịch, bảo hiểm, bưu chính, viễn thông… giữa đối tượng cư trú với đối tượng không cư trú. Hiện nay, cán cân dịch vụ của các nước có quy mô và tỉ trọng trong tổng giá trị cán cân thanh toán quốc tế ngày càng tăng.

Cán cân thu nhập phản ánh các khoản thu, chi phát sinh về thu nhập của người lao động và thu nhập từ hoạt động đầu tư. Trong đó, thu nhập của người lao động là các khoản tiền lương, tiền thưởng và các khoản thu nhập khác bằng tiền, hiện vật mà đối tượng cư trú trả cho đối tượng không cư trú hoặc ngược lại. Thu nhập từ hoạt động đầu tư là các khoản thu từ lợi nhuận đầu tư trực tiếp hoặc gián tiếp, lãi từ đầu tư vào giấy tờ có giá hoặc các khoản vay giữa đối tượng cư trú và đối tượng không cư trú.

Cán cân chuyển giao vãng lai một chiều bao gồm các khoản viện trợ không hoàn lại, quà tặng, quà biếu và các khoản chuyển giao khác bằng tiền, hiện vật cho mục đích tiêu dùng giữa đối tượng cư trú và đối tượng không cư trú. Các khoản chuyển giao vãng lai 1 chiều phản ánh sự phân phối lại thu nhập giữa đối tượng cư trú và đối tượng không cư trú. Các khoản nhận chuyển giao vãng lai, ghi dương (+); Các khoản cấp viện trợ, ghi âm (-). Quy mô và tình trạng cán cân chuyển giao vãng lai một chiều phụ thuộc chủ yếu vào các yếu tố về môi trường kinh tế, tâm lý, tình cảm, chính trị-xã hội và ngoại giao giữa các nước.

 

2.2 Cán cân vốn

Cán cân vốn (Capital Account – KA) phản ánh toàn bộ chỉ tiêu giao dịch kinh tế giữa người cư trú và người không cư trú về chu chuyển vốn trong lĩnh vực đầu tư trực tiếp, đầu tư vào giấy tờ có giá, vay và trả nợ nước ngoài, cho vay và thu hồi nợ nước ngoài, chuyển giao vốn một chiều, các hình thức đầu tư khác làm tăng hoặc giảm tài sản có hoặc tài sản nợ. Nói cách khác, cán cân vốn thể hiện các khoản thu, chi phát sinh trong quá trình chuyển giao quyền sử dụng tài sản giữa đối tượng cư trú và đối tượng không cư trú.

Cán cân vốn bao gồm:

Cán cân vốn dài hạn (KL): Ghi chép các luồng vốn dài hạn (có kì hạn từ 01 năm trở lên) chảy vào và chảy ra khỏi một quốc gia, các luồng vốn dài hạn được chia thành đầu tư trực tiếp, đầu tư gián tiếp và vốn dài hạn khác.

Cán cân vốn ngắn hạn (Ks): Ghi chép các luồng vốn ngắn hạn (có kì hạn đến 01 năm) chảy vào và chảy ra khỏi một quốc gia. Cán cân vốn ngắn hạn bao gồm nhiều hạng mục phong phú và chủ yếu là: tín dụng thương mại ngắn hạn, hoạt động tiền gửi, mua bán các giấy tờ có giá ngắn hạn, các khoản tín dụng ngân hàng ngắn hạn, kinh doanh ngoại hối…

– Chuyển giao vốn một chiều (Ktr): gồm các khoản cho, tặng, viện trợ không hoàn lại và các khoản nợ được xóa.

Khi có luồng vốn chảy vào nền kinh tế, ghi dương (+), làm cho tài sản nợ tăng (vay nợ…) hoặc tài sản có giảm (đòi nợ…). Khi có luồng vốn chảy ra nền kinh tế, ghi âm (-) làm cho tài sản nợ giảm (trả nợ vay…) hoặc tài sản có tăng (cho vay…).

 

2.3 Cán cân tổng thể

Nếu ở mỗi quốc gia, việc thống kê đạt mức chính xác tuyệt đối (nhầm lẫn và sai sót bằng 0), thì cán cân tong the (Overall Balance – OB) bằng tổng của cán cân vãng lai và cán cân vốn, tức là:

OB = CA + KA

Thực tế, do có rất nhiều vấn đề phức tạp về thống kê trong quá trình thu thập số liệu và lập BOP, do đó, thường phát sinh những nhầm lẫn và sai sót. Vì vậy, cán cân tổng thể được điều chỉnh lại bằng tổng của cán cân vãng lai, cán cân vốn và hạng mục nhầm lẫn sai sót trong thống kê là:

OB = CA + KA + OM

Hạng mục nhầm lẫn và sai sót thống kê bao gồm các giao dịch kinh tế thực tế đã xảy ra nhưng không được ghi chép hoặc có được ghi chép nhưng ghi chép đó có nhầm lẫn, không chính xác.

 

2.4 Cán cân bù đắp chính thức

Cán cân này phản ánh những thay đổi tài sản dự trữ chính thức do các giao dịch can thiệp của cơ quan chính phủ của một nước nhằm cân bằng tổng thể các giao dịch tư nhân và chính phủ. Các tài sản dự trữ bao gồm: vàng, quyền rút vốn đặc biệt (SDR), dự trữ trong IMF, ngoại tệ có khả năng chuyển đổi…

Thông thường, cán cân tổng thể của các quốc gia không ở trạng thái cân bằng, cán cân tổng thể có thể thặng dư (OB > 0) hoặc thâm hụt (OB < 0). Do vậy, cần được bù đắp bởi các tài sản dự trữ trên. Các hạng mục đó được gọi là cán cân bù đắp chính thức (Official Fanancing Balance – OFB).

Vì ngân hàng trung ương có chức năng can thiệp lên cung, cầu ngoại tệ trên thị trường ngoại hối, do đó, các hoạt động can thiệp của ngân hàng trung ương trên thị trường ngoại hối (mua bán nội tệ) nhằm tác động lên nền kinh tế, được xem là quan hệ giữa đối tượng cư trú và đối tượng không cư trú.

Cụ thể, khi cán cân tổng thể bị thâm hụt (-), ngân hàng trung ương cần bù đắp chính thức bằng cách tăng cung ngoại tệ bằng cách bán ngoại tệ, OFB (+). Ngược lại, khi cán cân tổng thể thặng dư (+), ngân hàng trung ương cần bù đắp chính thức bằng cách tăng cầu ngoại tệ bằng cách mua ngoại tệ, OFB (-).

 

2.5 Khoản mục lỗi và sai sót (OM)

Do áp dụng nguyên tắc hạch toán kép, nên cán cân thanh toán quốc tế luôn được cân bằng. Tổng của cán cân tổng thể và cán cân bù đắp chính thức phải luôn bằng 0. Tức là:

OB + OFB = O-> OB = — OFB-»CA + KA + OM= — OFB

->OM = -(OFB + CA + KA)

Từ công thức OM ta thấy, số dư của hạng mục lỗi và sai sót chính là độ lệch giữa cán cân bù đắp chính thức và tổng của cán cân vãng lai và cán cân vốn. Bởi vì, cán cân bù đắp chính thức, cán cân vãng lai và cán cân vốn luôn được xác định. Công thức trên được áp dụng để xác định số dư nhầm lẫn và sai sót khi lập cán cân thanh toán.

Trong thực tế, tùy theo nhu cầu mà mỗi quốc gia có thể cơ cấu lại cán cân thanh toán quốc tế cho phù hợp với mục đích sử dụng và mục đích phân tích riêng của mình.

Bảng cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam (quý II năm 2018)

Đơn vị: Triệu USD

Chỉ tiêu   Số liệu
A. Cán cân vãng lai   1.244
  Hàng hóa: Xuất khẩu f.o.b 58.626
  Hàng hóa: Nhập khẩu f.o.b 55.580
  Hàng hóa (ròng) 3.046
  Dịch vụ: Xuất khẩu 3.550
  Dịch vụ: Nhập khẩu 4.500
  Dịch vụ (ròng) -950
  Thu nhập đầu tư (thu nhập sơ cấp): Thu 377
  Thu nhập đầu tư (thu nhập sơ cấp): Chi 3.325
  Thu nhập đầu tư (thu nhập sơ cấp) (ròng) -2.948
  Chuyển giao vãng lai (thu nhập thứ cấp): Thu 2.696
  Chuyển giao vãng lai (thu nhập thứ cấp): Chi 600
  Chuyển giao vãng lai (thu nhập thứ cấp) (ròng) 2.096

 

B. Cán cân vốn   0
  Cán cân vốn: Thu 0
  Cán cân vốn: Chi 0
  Tổng cán cân vãng lai và cán cân vốn 1.244
c. Cán cân tài chính   2.295
  Đầu tư trực tiếp ra nước ngoài: Tài sản có -123
  Đầu tư trực tiếp vào Việt Nam: Tài sản nợ 3.630
  Đầu tư trực tiếp (rồng) 3.507
  Đầu tư gián tiếp ra nước ngoài: Tài sản có 0
  Đầu tư gián tiếp vào Việt Nam: Tài sản nợ 1.591
  Đầu tư gián tiếp (ròng) 1.591
  Đầu tư khác: Tài sản có -4.520
  Đầu tư khác: Tài sản nợ 1.717
  Đầu tư khác (ròng) -2.803
D. Lỗi và sai sót   -2.359
E. Cán cân tổng thể   1.180
F. Dự trữ và các hạng mục liên quan   -1.180
  Tài sản dự trữ -1.180
  Tín dụng và vay nợ từ IMF 0
  Tài trợ đặc biệt 0

 

 

Câu 84: Trình bày các nhân tố ảnh hưởng đến cán cân thanh toán quốc tế. Các biện pháp nhằm thăng bằng cán cân thanh toán quốc tế?

 

1.Các nhân tố ảnh hưởng đến cán cân thanh toán quốc tế

Cán cân thanh toán quốc tế là yếu tố quan trọng đánh giá cho nền kinh tế. Chính vì vậy nó chịu ảnh hưởng của rất nhiều yếu tố khác nhau, trong đó có một số yếu tố quan trọng nhất đó là:

Tóm tắt các nhân tố ảnh hưởng đến cán cân thanh toán 

Cán cân mậu dịch

Cán cân mậu dịch chính là một trong những yếu tố khá quan trọng ảnh hưởng đến vị trí của cán cân thanh toán. Còn cán cân thương mại lại phụ thuộc vào những yếu tố tác động trực tiếp đến nó. Ví dụ:

  • Thương mại hữu hình: Đây là những hạng mục thường xuyên của BOP. Tùy thuộc theo trình độ phát triển khoa học kỹ thuật, độ phong phú của lượng tài nguyên thiên nhiên mà có một vài quốc gia khác lại ở vào vị trí nhập siêu.
  • Thương mại vô hình: Chủ yếu tồn tại trong lĩnh vực du lịch và dịch vụ. Theo đó có một số quốc gia được thiên nhiên khá ưu đãi về mặt địa lý, khí hậu và cảnh quan nên khiến cho quốc gia đó trở thành một địa điểm thu hút khách du lịch.

Yếu tố lạm phát

Yếu tố này gần như đã quá quen thuộc với hầu hết tất cả mọi người, nhất là những ai đã và đang có ý định tìm hiểu về cán cân thanh toán là gì? Với điều kiện tất cả những yếu tố khác không thay đổi thì nếu như tỷ lệ lạm phát của một quốc gia cao hơn so với các nước khác có quan hệ mậu dịch, làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa nước này ở trên thị trường quốc tế thì nó làm cho khối lượng xuất khẩu giảm. 

Tỷ giá hối đoái

Với ảnh hưởng của tỷ giá hối đoái thì cán cân thanh toán quốc tế cũng sẽ có những tác động đáng kể. Nếu như tài chính của một nước bắt đầu từ sự tăng giá cao hơn so với nước khác, tài khoản vãng lai hay cán cân thương mại của nước đó cũng sẽ giảm trong trường hợp các yếu tố khác bằng nhau. Theo đó hàng hóa xuất khẩu của quốc gia này cũng từ đó mà tăng thêm với các quốc gia nhập khẩu, trong trường hợp đồng tiền của đất nước họ mạnh thì lúc này nó sẽ giảm nhu cầu hàng hóa, giá bán đắt sẽ hạn chế được người mua.

Thu nhập quốc dân

Về bản chất thì mức thu nhập của một quốc gia tăng hay giảm sẽ theo tỷ lệ cao/thấp hơn tỷ lệ giảm/tăng của một nước khác. Nếu như mức thu nhập của một quốc gia tăng lên theo một tỷ lệ cao hơn tỷ lệ tăng của quốc gia khác. Tài khoản vãng lai của quốc gia đó sẽ giảm theo khi các yếu tố khác bằng nhau. Do mức thu nhập thực tế tăng, mức tiêu thụ hàng hóa cũng tăng. 

Sự ổn định về chính trị, chính sách đối ngoại của quốc gia

Sự ổn định về chính trị của một quốc gia chính là nền tảng, là cơ sở vững chắc để phát triển kinh tế. Đồng thời đây cũng là điều kiện tiên quyết để cho các quốc gia có lý do tăng cường quan hệ kinh tế. Bên cạnh đó thì chính sách đối ngoại đã trở thành một điều kiện đủ cho mọi quan hệ kinh tế trực tiếp. Còn trong điều kiện mở cửa và hội nhập thì chính sách đối ngoại phù hợp sẽ là một yếu tố mở đường cho các yếu tố khác.

Khả năng và trình độ quản lý kinh tế của chính phủ

Tùy thuộc vào từng quốc gia khác nhau thì sẽ có các chính sách xuất nhập khẩu khác nhau, có những sự phát triển cũng như sự tăng trưởng khác nhau. Nên chắc chắn khi đó cán cân thương mại cũng phần nào chịu sự tác động từ đó. Với các quốc gia được chính phủ điều hành, quản lý hiệu quả thì sẽ có nền kinh tế vững mạnh và khả năng đối ngoại của quốc gia cũng được tăng lên. Do vậy cán cân thanh toán quốc tế cũng được cải thiện khá nhiều.

2.Các biện pháp làm thăng bằng cán cân thanh toán quốc tế

– Giảm bớt chi tiêu ngân sách nhà nước.

Giảm chi tiêu ngân sách nhà nước sẽ tác động đến tổng cầu do đó góp phần cải thiện cán cân ngắn hạn.

Giảm chi tiêu ngân sách nhà nước thường đi đôi với chính sách thắt chặt tiền tệ, thuế khóa như: tăng lãi suất cho vay để giảm đầu tư, dùng công cụ thuế để hạn chế tiêu dùng nhất là hạn chế nhập khẩu hàng tiêu dùng.

– Tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài: Để tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài có thể áp dụng các biện pháp sau:

+ Nâng lãi suất tiền gửi nhằm thu hút ngoại tệ từ nước ngoài vào.

+ Vay của nước ngoài và tìm kiếm nguồn viện trợ nhà nước.

+ Tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thủ tục dễ dàng, ưu đãi về thuế, chuyển lợi nhuận ra nước ngoài.

– Điều chỉnh tỷ giá hối đoái nhằm khuyến khích xuất khẩu tăng thu ngoại tệ đồng thời hạn chế nhập khẩu tiết kiệm ngoại tệ.

Chính sách chiết khấu: Ngân hàng trung ương dùng cách thay đổi lãi suất tái chiết khấu của ngân hàng để điều chỉnh cán cân thanh toán quốc tế. Nếu lãi suất tái chiết khấu tăng trong khi lãi suất của các nước trong khu vực vẫn giữ nguyên thì sẽ thu hút được lượng ngoại tệ lớn ở trong nước và ngoài nước vào ngân hàng, như vậy cung cầu ngoại tệ sẽ được cải thiện.

Khi cần thiết ngân hàng trung ương hạ lãi suất tái chiết khấu sẽ mở rộng quan hệ tín dụng giữa ngân hàng với doanh nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp mở rộng đầu tư, phát triển sản xuất đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ ra nước ngoài tăng thu ngoại tệ.

+Chính sách hối đoái là biện pháp tác động trực tiếp vào tỷ giá hối đoái nghĩa là ngân hàng trung ương hay cơ quan ngoại hối của nhà nước dùng các nghiệp vụ trực tiếp mua, bán ngoại hối để điều chỉnh tỷ giá phù hợp với điều kiện của mình trong từng giai đoạn, phù hợp mục tiêu chính sách kinh tế đối ngoại.

+Nâng giá hoặc phá giá sức mua của đồng tiền nội tệ.

– Áp dụng chính sách bảo hộ mậu dịch nhằm kích thích xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài, tăng thu ngoại tệ bù đắp sự thiếu hụt, sử dụng hàng rào thuế quan hạn chế nhập khẩu.

– Sử dụng quyền rút vốn đặc biệt SDR tại IMF

Khi một quốc gia là thành viên chính thức tại IMF thì có thể sử dụng quyền rút vốn

đặc biệt hoặc thực hiện xuất vàng để trang trải các khoản nợ nước ngoài.

* Các giải pháp mang tính chiến lược

– Tăng khả năng xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ tùy thuộc vào điều kiện tài nguyên, trình độ phát triển khoa học công nghệ của quốc gia trong đó trình độ khoa học công nghệ giữ vị trí quyết định.

– Có chính sách hợp lý và năng động để thu hút khách du lịch, kiều hối, xuất khẩu lao

động, xuất khẩu công nghệ nhằm tăng thu ngoại tệ.

– Quản lý thu chi ngoại tệ theo nguyên tắc tăng thu giảm chi ngoại tệ.

– Đổi mới chính sách quản lý kinh tế đối ngoại để thu hút vốn đầu tư .

– Nâng cao trình độ quản lý,điều hành kinh tế của chính phủ,các cấp chính quyền.

 

Câu: Trình bày sự phát triển của các hình thái tiền tệ trong lịch sử.

 

1.Hệ thống bản vị vàng cổ điển

Từ năm 1821 đến 1914, hầu hết tiền tệ trên thế giới đều được quy đổi sang vàng. Anh là quốc gia đầu tiên áp dụng cơ chế này vào năm 1821, tiếp đến là các nước khác vào những năm 1870. Hầu hết nước thuộc địa sẽ quy đổi tiền tệ của mình theo vàng.

Kết quả là kinh tế toàn cầu được kết nối thông qua việc sử dụng chung cơ chế quy đổi vàng, tiền. Bảng Anh được coi là quan trọng nhất trong hệ thống này bởi Anh là siêu cường tại thời điểm đó, là nước đầu tiên áp dụng cơ chế quy đổi và cũng là nước kiên trì tuân thủ mức quy đổi 0,25 ounce/bảng.

2.Thời kỳ thả nổi

Thế chiến thứ I giai đoạn 1915-1925 đã làm sụp đổ hệ thống bản vị vàng. Trong khi gần như cả thế giới ngừng quy đổi tiền tệ theo vàng thì Mỹ vẫn theo đuổi cơ chế này thêm vài năm nữa.

Chính điều này đã giúp nâng vị thế của đồng USD với vai trò là một đồng tiền dự trữ quốc tế. Giai đoạn thả nổi cơ chế tỷ giá đầu thế kỷ 20 – khi mà các chính phủ có thể tự do can thiệp thị trường – bị coi là giai đoạn hỗn loạn và bất ổn. Do đó, sau chiến tranh, các nước dự định khôi phục lại cơ chế trước Thế chiến thứ I.

3.Giai đoạn giữa hai thế chiến

Sau Thế chiến I, việc khôi phục kinh tế trở thành nhu cầu cấp thiết cho các nước châu Âu, do đó các nước đã tiến tới thỏa thuận lập một trật tự mới trong quan hệ thương mại, tín dụng và tiền tệ quốc tế.

Tại hội nghị Genoa năm 1922, các nước thừa nhận vai trò của đồng bảng Anh là đồng tiền thanh toán và dự trữ quốc tế. Do đó thực tế, chế độ tiền tệ lúc này là chế độ bản vị bảng Anh.

4.Hệ thống thả nổi trước hiệp ước Bretton Woods ( 1945 – 1971)

Các chính phủ châu Âu lần lượt phá vỡ cam kết tuân thủ hệ thống bản vị vàng khiến hệ thống tiền tệ quốc tế tiếp tục theo cơ chế thả nổi, duy chỉ có USD vẫn theo cơ chế neo tỷ giá với vàng. Tuy nhiên, hệ thống này suy yếu dần trong giai đoạn Đại suy thoái những năm 1930.

Đến năm 1934, tổng thống Mỹ lúc đó là Roosevelt đã ra sắc lệnh cấm dự trữ vàng và giảm tỷ lệ quy đổi còn khoảng từ 20 USD/ounce-35 USD/ounce. Ngoài ra, sắc lệnh cũng yêu cầu người dân không xuất khẩu vàng, và chuyển vai trò dự trữ vàng sang cho Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed).

4.Cơ chế tỷ giá hối đoái châu Âu

Vài năm áp dụng cơ chế thả nổi, đến cuối những năm 1970, Cộng đồng châu Âu đã thiết lập một hệ thống hợp tác về tỷ giá hay còn gọi là ERM. Theo đó các ngân hàng trung ương thành viên có thể can thiệp thị trường để duy trì biên độ tỷ giá 2,25% giữa đồng tiền của nước họ với một đồng tiền khác. Đây có thể gọi là cơ chế bán neo tỷ giá (semi-peg).

Đến tận năm 1990, Anh mới tham gia vào hệ thống này, nhưng cũng rời hệ thống 2 năm sau đó khi chính phủ nước này không chấp nhận việc ấn định biên độ theo ERM. Cũng trong giai đoạn này, tỷ phú George Soros được cho là đã thu về 1 tỷ USD nhờ bán khống bảng Anh. Khoảng 10 năm sau đó, đồng euro ra đời và các tiền tệ khác được quy đổi theo euro khiến euro trở thành tiền tệ chính thức khi thị trường chứng khoán chính ở Italia, Đức và Pháp được định giá bằng đồng tiền này.

Trong khi đó, USD vẫn đóng vai trò là đồng tiền dự trữ toàn cầu, có tỷ giá thả nổi so với các đồng tiền chính và vàng. Hầu hết các nước Đông Nam Á vẫn duy trì cơ chế tỷ giá cố định hoặc linh hoạt với USD cho đến trước khủng hoảng tài chính khu vực năm 1997.

Câu 85: Trình bày các hệ thống tiền tệ quốc tế.

1. Hệ thống tiền tệ quốc tế là gì?

Chắc hẳn ai cũng sẽ biết về vai trò to lớn của hệ thống tiền tệ quốc tế là chế độ tổ chức lưu thông tiền tệ giữa các quốc gia, được thực hiện bằng những thoả ước và quy định ràng buộc của các quốc gia, có hiệu lực trong phạm vi không gian và thời gian nhất định.

Hệ thống tiền tệ quốc tế (The International Monetary System – IMS) là hệ thống các tập quán, quy tắc, thủ tục và cách thức tổ chức điều hành các quan hệ tài chính – tiền tệ giữa các quốc gia trên thế giới. Hệ thống tiền tệ quốc tế đang là vấn đề mà được quan tâm đến hiện nay đối với các tổ chức nước ngoài và cả trong nước.

Hệ thống tiền tệ quốc tế tập trung vào hai điểm đó là:

– Chọn loại hình tiền tệ làm đơn vị tiền tệ quốc tế

Đơn vị tiền tệ chung là đơn vị thanh toán, đo lường và dự trữ giá trị của một cộng đồng kinh tế, Các đồng tiền USD, GBP … đã từng là các đồng tiền quốc tế trong một khoảng thời gian.

 Tuy nhiên, sau này do sự phát triển và hội nhập kinh tế, các liên minh kinh tế được hình thành hoàn toàn trên cơ sở tự nguyện do vậy, không có một đồng tiền nào của quốc gia được chọn làm đồng tiền chung, mà các nước trong liên minh tự định ra một đồng tiền chung của cả khối.

Ví dụ: Ngày 01/01/1999 Đồng tiền chung của châu Âu gọi là EURO đã ra đời với tỷ giá ngay tại ngày ra đời là 1 EURO = 1.16675 USD.

Giá trị đồng của đồng Euro đạt mức cao nhất là 1 EUR/USD = 1.6038 vào tháng 6 năm 2008.

– Tổ chức lưu thông tiền tệ: chủ yếu

Xác định tỷ giá giữa đồng tiền chung với các đồng tiền thành viên của khối. Có thể theo tỷ giá cố định hoặc tỷ giá thả nổi.

Quy định về lưu thông tiền mặt, thanh toán không dùng tiền mặt và lưu thông các giấy tờ có giá khác ghi bằng đồng tiền chung của cả khối.

Quy định về tỷ lệ dự trữ ngoại hối: ấn định tỷ trọng giá trị của đồng tiền chung trong tổng dự trữ ngoại hối của các nước thành viên, của ngân hàng thuộc khối.

Tiền tệ quốc tế và hệ thống tiền tệ quốc tế là sản phẩm của các liên minh kinh tế.

Mục đích của tổ chức hệ thống tiền tệ quốc tế: Các hệ thống tiền tệ quốc tế được hình thành và phát triển trong thế kỷ XX

– Mở rộng giao lưu kinh tế, tạo sự liên kết kinh tế giữa một số nước đã có quan hệ gắn bó hoặc phụ thuộc lẫn nhau với ý định cạnh tranh hoặc chống lại sự xâm nhập kinh tế – tài chính của các khối kinh tế khác

– Có thể tạo ra các mối liên kết (liên minh) về chính trị giữa các quốc gia một cách chặt chẽ hoặc ràng buộc lỏng lẻo giữa các nước dưới sự chỉ huy hoặc thao túng của một quốc gia mạnh.

– Củng cố vai trò và vị trí kinh tế – tiền tệ của một số quốc gia nào đó trong khu vực.

Hệ thống tiền tệ quốc tế tiếng anh là ” International monetary system”

Câu 86: Bình luận về tình trạng cán cân thanh toán của Việt Nam thời gian gần đây.

Có thể nói, trong giai đoạn 2011-2018, cùng với việc giữ ổn định kinh tế vĩ mô và việc Chính Phủ đã áp dụng các biện pháp nhằm điều hành chủ động, linh hoạt các chính sách vĩ mô, vì vậy đã góp phần giúp cán cân thanh toán tiếp tục thặng dư, gia tăng dự trữ ngoại tệ trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm. Trong giai đoạn 2011-2018, kinh tế vĩ mô Việt Nam cải thiện và tương đối ổn định, đã giúp Việt Nam giảm lạm phát (đặc biệt vào năm 2011), ổn định tỉ giá, cải thiện tài khóa, đưa cán cân thương mại chuyển từ trạng thái thâm hụt sang thặng dư, đã góp phần tích cực cải thiện cán cân tổng thể và đặc biệt năm 2018 cán cân thanh toán Việt Nam đã thặng dư kép cả ở cán cân vãng lai và cán cân vốn và tài chính. Đồng thời cán cân thương mại và cán cân vãng lai cải thiện đã giúp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tăng dự trữ ngoại tệ lên 73 tỷ USD tương đương 04 tháng nhập khẩu. Mặc dù cán cân vãng lai của Việt Nam trong thời gian qua liên tục thặng dư, tuy nhiên chưa thể nói là ổn định và vẫn còn một số vấn đề đặt ra như: Thứ nhất, điều hành tỷ giá mặc dù đã có sự linh hoạt hơn nhưng vẫn còn dựa quá nhiều vào đồng đô là Mỹ và việc đảm bảo vai trò quản lý của NHNN theo định hướng điều hành chính sách tiền tệ, có thể ảnh hưởng đến cán cân vãng lai của Việt Nam . Thứ hai, việc điều hành lãi suất trong bối cảnh hiện nay cũng đặt ra nhiều sức ép vừa đảm bảo khuyến khích thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vừa đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, qua đó khiến cán cân vãng lai biến động phức tạp và khó dự báo. Thứ ba, cơ cấu và chất lượng FDI chưa hợp lý đã khiến cho giá trị gia tăng của hàng hoá xuất khẩu từ khu vực này không cao và chính sách thu hút các doanh nghiệp FDI ở Việt Nam vẫn còn kẽ hở để các doanh nghiệp lợi dụng thực hiện các hình thức chuyển giá, tác động tới cân bằng trong cán cân thương mại của Việt Nam . Thứ tư, về phát triển tài chính: Thị trường tài chính Việt Nam đã có sự phát triển đáng kể trong giai đoạn vừa qua. Tuy nhiên, trên thực tế quy mô thị trường chứng khoán vẫn còn khá khiên tốn so với một số quốc gia đang phát triển trong khu vực và thế giới, xét cả về giá trị tuyệt đối và tỷ trọng trên GDP. Cụ thể, vốn hóa thị trường của Thái Lan là 548 tỷ USD, Malaysia là 456 tỷ USD, Singapore là 787 tỷ Hội thảo khoa học Quốc gia 318 USD và đều chiếm trên 100% GDP. Đối với thị trường trái phiếu, Việt Nam đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ, nhưng quy mô thị trường còn khá khiêm tốn so với với nhiều nước như Malaysia đạt 97,7% GDP, Singapore đạt 86% GDP, Hàn Quốc đạt 125,7% GDP, Nhật Bản đạt 211,4% GDP45. Còn thị trường trái phiếu doanh nghiệp, mặc dù đã tăng trưởng tới gần 30% trong năm 2018, tuy nhiên quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam còn khiêm tốn khi dự nợ trái phiếu doanh nghiệp hiện chỉ mới chiếm 8,5% GDP, tức ở mức rất thấp so với bình quân của các nước trong khu vực là 22%, do các doanh nghiệp trong quá trình hoạt động vẫn chủ yếu dựa vào vốn vay ngân hàng và một phần vốn được tài trợ thông qua việc phát hành cổ phiếu trên TTCK46. Bên cạnh đó mặc dù trong thời gian qua dòng vốn đầu tư nước ngoài gián tiếp liên tục vào ròng trên thị trường chứng khoán và trung bình 1,98 tỷ USD/năm (giai đoạn 2016 – 2018)47, tuy nhiên thu hút đầu tư gián tiếp nước ngoài trên thị trường còn chiếm tỷ trọng nhỏ, chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu thực tiễn đang đặt ra đối với nền kinh tế và TTCK Việt Nam. Điều này cho thấy, để cải thiện cán cân vãng lai cần tiếp tục tập trung phát triển tài chính và thị trường tài chính trong thời gian tới. 

Chương 6: Việt Nam hội nhập kinh tế khu vực và toàn cầu

Câu 87: Tác động của hội nhập kinh tế quốc tế là gì?

Thực chất của hội nhập kinh tế quốc tế là việc thực hiện quá trình quốc tế hóa kinh tế trên cơ sở các nước tự nguyện tham gia và chấp nhận thực hiện những điều khoản, nguyên tắc đã được thoả thuận thống nhất trên nguyên tắc bình đẳng cùng có lợi.

Việc tham gia vào quá trình hội nhập kinh tế quốc te đem lại nhiều tác động tích cực cho các quốc gia tham gia, tuy nhiên nó cũng đưa lại không ít tác động tiêu cực.

 

1. Tác động tích cực

Trên cơ sở các hiệp định đã kí kết, các chương trình phát triển kinh tế, khoa học kĩ thuật, văn hóa, xã hội… được phối hợp thực hiện giữa các nước thành viên; từng quốc gia thành viên có cơ hội và điều kiện thuận lợi để khai thác toi ưu lợi thế quốc gia trong phân công lao động quốc tế, từng bước chuyển dịch cơ cấu sản xuất và cơ cấu xuất nhập khẩu theo hướng hiệu quả hơn; tạo điều kiện và tăng cường phát triển các quan hệ thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài, mở rộng thị trường xuất khẩu và nhập khẩu.

Tạo nên sự ổn định tương đối để cùng phát triển và sự phản ứng linh hoạt trong việc phát triển các quan hệ kinh tế quốc tế giữa các quốc gia thành viên, thúc đẩy việc tạo dựng cơ sở lâu dài cho việc thiết lập và phát triển các quan hệ song phương, khu vực, và đa phương.

Hình thành cơ cấu kinh tế quốc tế mới với những ưu thế về quy mô, nguồn lực phát triển, tạo việc làm, cải thiện thu nhập cho dân cư và gia tăng phúc lợi xã hội.

Tạo động lực cạnh tranh, kích thích ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ, đổi mới cơ cấu kinh tế, cơ chế quản lý kinh tế; học hỏi kinh nghiệm quản lý từ các nước tiên tiến.

Tạo điều kiện cho mỗi nước tìm cho mình một vị trí thích hợp trong trật tự thế giới mới, giúp tăng uy tín và vị thế; tăng khả năng duy trì an ninh, hoà bình, ổn định và phát triển ở phạm vi khu vực và thế giới.

Giúp hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật quốc gia về kinh tế phù hợp với luật pháp, thông lệ quốc tế; từ đó tăng tính chủ động, tích cực trong hội nhập kinh tế quốc tế.

  1. Tác động tiêu cực

Tạo ra sức ép cạnh tranh giữa các thành viên khi tham gia hội nhập, khiến nhiều doanh nghiệp, ngành nghề có thể lâm vào tình trạng khó khăn, thậm chí phá sản.

Làm tăng sự phụ thuộc của nền kinh tế quốc gia vào thị trường khu vực và thế giới. Điều này khiến một quốc gia dễ bị sa lầy vào các cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hay khu vực.

Các nước đang và kém phát triển phải đối mặt với nguy cơ trở thành “bãi rác” công nghiệp của các nước công nghiệp phát triển trên thế giới.

Hội nhập kinh tế quốc tế tạo ra một số thách thức đối với quyền lực Nhà nước theo quan niệm truyền thống.

Làm tăng nguy cơ bản sắc dân tộc, văn hóa truyền thống bị xói mòn, lấn át bởi văn hóa nước ngoài.

Hội nhập kinh tế quốc tế có thể đặt các nước trước nguy cơ gia tăng tình trạng khủng bố quốc tế, buôn lậu, tội phạm xuyên quốc gia, dịch bệnh, di dân, nhập cư bất hợp pháp.

Hội nhập không phân phối công bằng lợi ích và rủi ro cho các nước và nhóm nước khác nhau trong xã hội. Do đó, dễ làm tăng khoảng cách giàu nghèo, tụt hậu giữa các quốc gia hay tầng lớp dân cư trong xã hội.

 

Câu 88: Phân tích loại hình hội nhập kinh tế song phương?

Loại hình đầu tiên cần nhắc tới khi nền kinh tế một quốc gia hội nhập cùng các nền kinh tế quốc gia khác là hợp tác kinh tế song phương. Hợp tác kinh tế song phương có thể tồn tại dưới dạng một thoả thuận, một hiệp định kinh tế, thương mại, đầu tư hay hiệp định tránh đánh thuế hai lần, các thoả thuận thương mại tự do (FTAs) song phương…

Loại hình hội nhập này thường hình thành rất sớm từ khi mỗi quốc gia có chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế.

Tại Việt Nam, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986) được coi là cột mốc quan trọng đánh dấu sự thay đổi trong quá trình phát triển kinh tế đất nước. Đại hội được ví là “Đại hội của sự đổi mới”. Đại hội nhấn mạnh đến việc mở rộng giao lưu quốc tế để thu hút vốn đầu tư nước ngoài nhằm phát triển kinh tế đất nước. Sau Đại hội, hàng chục hiệp định thương mại, đầu tư song phương đã được kí kết giữa Việt Nam và các nước khác trên thế giới. Ví dụ: Hiệp định về Thúc đẩy và bảo hộ đầu tư lẫn nhau giữa Việt Nam và Australia ngày 05/3/1991; Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Thái Lan về Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư lẫn nhau ngày 30/10/1991; Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hoà Liên bang Nga về Khuyến khích và bảo hộ đầu tư ngày 16/6/1994; Hiệp định Thương mại giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa ngày 07/11/1991; Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa về Khuyến khích và bảo hộ đầu tư ngày 02/12/1992.

Tính đến ngày 30/12/2018, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 185 nước (so với 11 nước năm 1954); có 16 đối tác chiến lược, 14 đối tác toàn diện. Việt Nam đã kí kết được trên 90 hiệp định thương mại song phương; gần 60 hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư; 75 hiệp định tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế thu nhập với các nước/vùng lãnh thổ trên thế giới. Có thể kể đến một số hiệp định kinh tế song phương của Việt Nam với các đối tác quan trọng như: Hiệp định Thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ (2000), Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA – 2008) – Đây là FTA song phương đầu tiên của Việt Nam (được kí kết ngày 25/12/2018, có hiệu lực ngày 01/10/2009), Hiệp định Thương mại tự do song phương Việt Nam – Hàn Quốc (2015)…

 

Câu 89: Các cấp độ hội nhập kinh tế khu vực theo quan niệm truyền thống.

 

Bằng chứng đầu tiên của hội nhập kinh tế khu vực đã tồn tại từ đầu thế kỉ XVI. Lúc đó, một nhóm các thành phố ở Bắc Âu đã thành lập Liên minh Han-xi-tic nhằm mục đích bảo vệ lợi ích thương mại của họ trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại. Kể từ khi thành lập vào năm 1957, Cộng đồng kinh tế châu Âu (‘EEC’) đã là ví dụ điển hình của chủ nghĩa khu vực. Từ năm 1957, theo quan điểm của châu Âu về hội nhập kinh tế khu vực, bước đầu tiên của quá trình hội nhập đó bắt đầu bằng FTA, trong đó thuế quan và các rào cản phi thuế quan (‘NTBs’) được loại bỏ đối với hàng nhập khẩu trong nội bộ khu vực, nhưng mỗi thành viên vẫn duy trì rào cản thương mại đối ngoại của mình. FTA truyền thống được hiểu là: ‘Một nhóm hai hoặc nhiều nước cùng nhau loại bỏ thuế quan và hầu hết các rào cản phi thuế quan gây tác động đến thương mại giữa các nước, trong khi đó mỗi nước vẫn áp dụng lộ trình thuế quan độc lập của riêng mình đối với hàng hoá nhập khẩu từ nước không phải là thành viên’. Điều XXIV GATT nói trên nêu lên ý nghĩa của FTA trong GATT và chỉ rõ hiệu lực của các quy định khác của GATT liên quan đến FTAs. Bước thứ hai của hội nhập kinh tế khu vực là xây dựng CU – vốn được coi là ‘FTA+’ với thuế quan đối ngoại chung. Bước thứ ba là xây dựng thị trường chung (viết tắt là ‘CM’) bao gồm sự tự do dịch chuyển vốn và lao động. Trong CM, các thành viên có thể phối hợp mạnh mẽ hơn nữa các chính sách thương mại đối ngoại. Bước thứ tư là xây dựng liên minh tiền tệ và kinh tế (viết tắt là ‘EMU’) bao gồm sự tự do dịch chuyển tất cả các yếu tố kinh tế như hàng hoá, dịch vụ, lao động và vốn. Bên cạnh đó, EMU còn nhằm mục đích thống nhất các chính sách tiền tệ, tài chính và xã hội .

 

Câu 90: Trình bày về các đặc trưng của FTA thế hệ mới.

  1. Khái niệm 

Hiệp định thương mại tự do (FTA – Free Trade Agreement) được hiểu là các hiệp định hợp tác kinh tế được ký giữa hai hay nhiều thành viên nhằm loại bỏ các rào cản với phần lớn hoạt động thương mại đồng thời thúc đẩy trao đổi thương mại giữa các nước thành viên với nhau. Các rào cản thương mại có thể dưới dạng thuế quan, quota nhập khẩu, các hàng rào phi thuế quan khác như tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn về vệ sinh dịch tễ, …

Hiện nay có nhiều thuật ngữ được sử dụng khác nhau như Hiệp định đối tác kinh tế (Economic Partnership Agreement), Hiệp định thương mại khu vực (Regional Trade Agreement), … nhưng nếu bản chất của các hiệp định đều hướng tới tự do hoá thương mại (bao gồm loại bỏ rào cản và thúc đẩy thương mại), thì đều được hiểu là các FTA.

Tuy nhiên, FTA khác với các Hiệp định WTO, các Hiệp định thương mại, đầu tư song phương giữa các quốc gia, hay các Hiệp định thương mại ưu đãi (PTA – Preferential Trade Agreements). Cụ thể, các Hiệp định WTO thường bao gồm cam kết trong các lĩnh vực thương mại cụ thể như hàng hoá, dịch vụ, sở hữu trí tuệ, đầu tư, … hướng đến thống nhất các quy tắc chung tạo nền tảng cho thương mại toàn cầu, và mới chỉ dừng lại ở việc giảm bớt các rào cản thương mại. So với các Hiệp định WTO thì các FTA có mức độ tự do hoá cao hơn, hướng đến không chỉ giảm bớt, mà là loại bỏ hoàn toàn rào cản đối với thương mại. Trong khi đó, khác với FTA, các Hiệp định thương mại đầu tư song phương (ví dụ như Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư song phương, Hiệp định hỗ trợ và hợp tác lẫn nhau trong lĩnh vực hải quan, ….) chỉ hướng đến các cam kết tạo khuôn khổ chung cho hoạt động đầu tư và thương mại giữa hai nước mà không bao gồm các nội dung về loại bỏ rào cản thương mại. Các Hiệp định thương mại ưu đãi (PTA) là những cam kết thương mại đơn phương mà một nước phát triển dành ưu đãi về thuế quan cho hàng nhập khẩu đến từ các nước đang phát triển, không dựa trên cơ sở có đi có lại. Các hiệp định này bao gồm Hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP-Generalized System of Preferences).

Như vậy, so với các hiệp định kể trên, các FTA được đặc trưng bởi mục tiêu loại bỏ các rào cản đối với thương mại và mức độ tự do hoá thương mại giữa các Thành viên và mức độ tự do hoá thương mại.

  1. Đặc điểm

Thứ nhất, mức độ tự do hóa thương mại. Các thỏa thuận trong FTA thế hệ mới thường xóa bỏ phần lớn hàng rào thuế quan. Nghĩa là khi tham gia FTA thế hệ mới, nền kinh tế của các bên liên quan có độ mở cao, các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ… cơ bản được tự do luân chuyển trong phạm vi không gian các quốc gia thành viên FTA.

 

Thứ hai, phạm vi cam kết. Các FTA thế hệ mới là những hiệp định toàn diện, không chỉ  bó hẹp trong thương mại và đầu tư như các FTA truyền thống mà còn bao gồm các nội dung tuy không phải là thương mại trực tiếp nhưng có liên quan đến thương mại như đấu thầu, môi trường, sở hữu trí tuệ, lao động nhằm tạo môi trường kinh doanh minh bạch và cạnh tranh công bằng giữa các thành viên. 

 

Thứ ba, cam kết linh hoạt. Nếu như trong FTA truyền thống lộ trình cắt giảm thuế thường kéo dài không quá 10 năm, thì trong các FTA thế hệ mới lộ trình được đẩy nhanh hơn. Thông thường lộ trình cắt bỏ hàng rào thuế quan được áp dụng trong vòng 5 – 10 năm, (trừ một số mặt hàng nhạy cảm có lộ trình trên 10 năm hoặc áp dụng biện pháp hạn ngạch thuế quan). 

 

Thứ tư, cơ chế giám sát của các FTA thế hệ mới có yêu cầu cao hơn, chặt chẽ hơn trong quá trình thực thi. Các thảo thuận của FTA cho phép bên nhập khẩu tạm ngừng ưu đãi thuế quan nếu phát hiện có gian lận xuất xứ hoặc nước xuất khẩu không hợp tác xác minh xuất xứ một cách có hệ thống. 

 

Thứ năm, các FTA thế hệ mới áp dụng cơ chế pháp lý mới trong giải quyết các tranh chấp phát sinh. Các FTA thế hệ mới nêu rất rõ quy chế giải quyết tranh chấp bằng việc Nhà nước kiện Nhà nước hoặc nhà đầu tư kiện Nhà nước mà các FTA thế hệ cũ không có.

Câu 91: Phân tích hội nhập kinh tế toàn cầu. Liên hệ Việt Nam

Nếu như hợp tác kinh tế song phưong là sự hợp tác của nhóm gồm chỉ hai nước với nhau, thông qua các hiệp định kinh tế song phương được thiết lập bởi hai nước thì hội nhập kinh tế khu vực tiếp tục phát triển rộng hơn về phạm vi hội nhập, đó là giữa một nhóm các nước trong cùng khu vực hoặc liên khu vực với nhau, thông qua các hiệp định kinh tế đa phương được thiết lập bởi những tổ chức kinh tế có tính khu vực; Đen hội nhập kinh tế toàn cầu phạm vi hội nhập giữa các nước đã được mở rộng trên phạm vi toàn thế giới, thông qua các hiệp định kinh tế đa phương hoặc đa biên được thiết lập bởi những tổ chức kinh tế có tính toàn cầu.

Các tổ chức kinh tế quốc tế có tầm ảnh hưởng, chi phối toàn cầu cần phải nhắc tới như: WTO, IMF, WB hay các tổ chức kinh tế quốc tế thuộc hệ thong UN như: ủy ban Liên hợp quốc về Luật thương mại quốc tế (UNCITRAL), Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và phát triển (UNCTAD)…

Ví dụ: Việt Nam nộp đơn xin gia nhập WTO từ năm 1995, sau 12 năm đàm phán, tới năm 2007 Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 150 của tổ chức thương mại lớn nhất hành tinh này. Khi gia nhập WT0, Việt Nam được tiếp cận thị trường hàng hóa và dịch vụ ở tất cả các nước thành viên với mức thuế nhập khẩu đã được cắt giảm và các ngành dịch vụ, không bị phân biệt đối xử; Việt Nam có được vị thế bình đẳng như các thành viên khác trong việc hoạch định chính sách

thương mại toàn cầu, có cơ hội để đấu tranh nhằm thiết lập một trật tự kinh tế mới công bằng hơn, hợp lý hơn, có điều kiện để bảo vệ lợi ích của đất nước, của doanh nghiệp.

 

 

Câu 92: Trình bày về quan hệ kinh tế song phương giữa Việt Nam – Hoa Kỳ

 

Ngày 03/02/1994, Tổng thống Hoa Kỳ lúc đó là Bill Clinton đã tuyên bố dỡ bỏ cấm vận thương mại đối với Việt Nam, mở ra một trang mới trong thời kì bình thường hóa quan hệ và phát triển kinh tế giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1995, quan hệ kinh tế Việt Nam – Hoa Kỳ đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Từ chỗ là cựu thù sau chiến tranh, hai nước đã thiết lập quan hệ đối tác toàn diện năm 2013, tăng cường và mở rộng họp tác trên các lĩnh vực trong đó có kinh tế.

Tính tới thời điểm hiện tại, hai nước đã kí kết một số hiệp định, thoả thuận về kinh tế như: Hiệp định về Thiết lập quan hệ quyền tác giả (ngày 27/6/1997), Hiệp định về Hoạt động của Tổ chức Đầu tư tư nhân hải ngoại (OPIC) tại Việt Nam (ngày 15/12/2001), Hiệp định Bảo lãnh khung và Hiệp định Khuyến khích dự án đầu tư giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hoa Kỳ – EXIMBANK (ngày 09/12/1999), Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam – Hoa Kỳ (kí ngày 13/7/2000, có hiệu lực ngày 10/12/2001), Hiệp định Hợp tác về khoa học và công nghệ (có hiệu lực từ ngày 26/3/2001), Hiệp định Dệt may (có hiệu lực từ ngày 01/5/2003), Hiệp định Vận tải hàng không (có hiệu lực từ 14/01/2004 – sửa đổi các năm 2010, 2012); Thư thoả thuận hợp tác về phòng chống ma tuý (có hiệu lực từ ngày 26/02/2004); Hiệp định khung hợp tác về Kinh tế và kĩ thuật (2005), Bản Ghi nhớ hợp tác về Nông nghiệp (6/2005); Hiệp định khung về Thương mại và đầu tư (6/2007); Hiệp định Hàng hải (3/2007); Hiệp định Tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với thu nhập (7/2015)…

Thương mại – đầu tư là lĩnh vực ưu tiên và động lực thúc đẩy quan hệ kinh tế hai nước. Từ mức 500 triệu USD khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1995, giao thương đã tăng trên 100 lần, đạt 60,287 tỉ USD vào tháng 12/2018. Hoa Kỳ hiện là một trong 11 nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu tại Việt Nam.

Chỉ tính riêng năm 2017, giá trị hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ chiếm hơn 20% tỉ trọng xuất khẩu của Việt Nam ra nước ngoài. Việt Nam cũng là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Hoa Kỳ tại Đông Nam Á với mức độ tăng trưởng nhanh.

Năm 2018, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ là 48 tỉ USD, tăng 14% so với năm 2017. Năm 2019, Hoa Kỳ vẫn giữ vị trí số 1 về thị trường xuất khẩu của Việt Nam, với kim ngạch 61,35 tỉ USD, tăng 29,1% so với năm 2018. Những điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu sang Hoa Kỳ trong năm là dệt may, giày dép, linh kiện điện tử, đồ gỗ, nông sản, thủy sản. Tính riêng thị trường Hoa Kỳ, đã có 10 nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam đạt kim ngạch trên 1 tỉ USD, trong đó có 6 nhóm hàng đạt từ 1 – 3 tỉ USD, 3 nhóm hàng thuộc “câu lạc bộ” 3 – 5 tỉ USD và đặc biệt, nhóm hàng dệt may đạt tới trên 12 tỉ USD. Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Hoa Kỳ năm 2018 đạt 13 tỉ USD, năm 2019 đạt 14,37 tỉ USD. Trong đó, các nhóm hàng nhập khẩu chính là nguyên vật liệu phục vụ sản xuất như máy móc, thiết bị, bông, đậu tương, thức ăn gia súc.

Để đạt được các thành tựu về quan hệ kinh tế song phương hai nước kể trên, các chuyên gia kinh tế đánh giá Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam – Hoa Kỳ (BTA) có vai trò chủ đạo nhất. Bởi BTA có những nét đặc biệt sau: Trước đó, mặc dù Việt Nam đã đàm phán kí kết hiệp định thương mại với hơn 100 quốc gia/vùng lãnh thổ trên thế giới, tuy nhiên đó là những hiệp định được đàm phán với đối tác nước ngoài trên quan niệm truyền thống về thương mại, chủ yếu liên quan tới thương mại hàng hóa, và thường là hiệp định khụng, không có cam kết và lộ trình cụ thể. Đàm phán BTA với Hoa Kỳ, lần đầu tiên, Việt Nam đối mặt với một hiệp định thương mại toàn diện, không chỉ về hàng hóa mà cả về dịch vụ, cũng như liên quan đến các khía cạnh sở hữu trí tuệ, đầu tư…, toàn bộ nội dung chủ yếu các hiệp định trong khuôn khổ của WT0. Theo các chuyên gia đàm phán FTA đa phương và song phương, đây có thể coi là một Hiệp định “WTO trừ”, bởi sau này trong đàm phán gia nhập WT0, các đối tác thành viên đều lấy BTA Việt Nam – Hoa Kỳ làm “sàn tối thiểu” cần đạt và đưa ra những đòi hỏi cao hơn. Hơn nữa, khi đàm phán song phương với Việt Nam, trong khuôn khổ WTO, phía Hoa Kỳ cũng đã đưa ra những yêu cầu cao hơn BTA, cả về thương mại hàng hóa (gần chục ngàn dòng thuế, so với vài trăm dòng), cũng như về thương mại dịch vụ (11 ngành với hơn 100 phân ngành, so với chỉ 8 ngành với 65 phân ngành). Đây cũng có thể coi là “khúc dạo đầu”, là “cuộc tổng tập dượt” cho đàm phán của Việt Nam gia nhập WTO sau này. Ngoài ra, từ trước đến nay, không kể đàm phán gia nhập WTO kéo dài gần 12 năm, đàm phán các

FTA khác thường chỉ khoảng 2 năm, song đây là lần đầu tiên đàm phán một BTA kéo dài trong 6 năm (1995 – 2000), với 11 vòng chính thức và nhiều cuộc thảo luận, tham vấn “không chính thức” khác.

Câu 93: Phân tích Quan hệ kinh tế song phương Việt Nam – Trung Quốc

Từ khi bình thường hóa quan hệ năm 1991 đến nay, về tổng thể, quan hệ Việt Nam – Trung Quốc khôi phục nhanh, phát triển mạnh. Năm 1999, trong cuộc gặp gỡ cấp cao, hai nước đã đạt sự nhất trí cao về phương châm 16 chữ vàng: “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tưomg lai” và xây dựng quan hệ 4 tốt: “đồng chí tốt, bạn bè tốt, láng giềng tốt, đối tác tốt”. Năm 2008, hai nước thiết lập quan hệ “đối tác hợp tác chiến lược toàn diện”.

Tính tới tháng 12/2019, hai nước đã kí kết hàng chục hiệp định và thoả thuận. Trong đó phải kể đến một số hiệp định, thoả thuận về kinh tế như: Hiệp định Thương mại (11/1991); Hiệp định về Khuyến khích và bảo hộ đầu tư (12/1992); từ ngày 01/01/2004, Việt Nam và Trung Quốc bắt đầu cắt giảm thuế quan theo “Chương trình thu hoạch sớm” (EHP) trong khuôn khổ Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN – Trung Quốc (AC – FTA), Thoả thuận thăm dò dầu khí (từ năm 2006 và nay đã qua 4 lần gia hạn), Hiệp định về Tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa và người qua lại biên giới (Hiệp định GMS – giữa chính phủ các nước Campuchia, Trung Hoa, Myanmar, Lào, Thái Lan và Việt Nam – 03/2007); Hiệp định hợp tác du lịch, Thoả thuận hợp tác du lịch (giai đoạn 2010 – 2013); Hiệp định hợp tác, khai thác và bảo vệ tài nguyên du lịch thác Bản Giốc (11/2015)… Ngoài ra, Chương trình “hai hành lang – một vành đai kinh tế” tạo cơ hội phát triển cho các tỉnh biên giới Việt – Trung và ven Vịnh Bắc Bộ trên tất cả các lĩnh vực.

Trung Quốc hiện là một trong 10 đối tác hàng đầu tại Việt Nam về đầu tư, là thị trường khách du lịch và đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Đặc biệt Trung Quốc là nước đầu tiên trong số các nước thành viên của WT0 (tháng 10/2004) công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường trong quan hệ thương mại quốc tế (so với thời hạn Việt Nam cam kết: từ năm 2019). Điều này đã góp phần đẩy nhanh sự phát triển kinh tế song phương hai nước trong thời gian vừa qua.

Thương mại hai chiều Việt Nam – Trung Quốc trong năm 2018 đạt gần 107 tỉ USD. Tuy nhiên, thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc tiếp tục tăng. Theo đó, năm 2018, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 41,268 tỉ USD, tăng 5,864 tỉ USD so với năm trước. Thị trường Trung Quốc hiện chiếm đến hơn 22% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước trong năm 2018. Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ thị trường này là 65,438 tỉ USD, tăng 6,846 tỉ USD. Tính chung, tổng kim ngạch thương mại của 2 nước tăng 12,71 tỉ USD so với năm 2017, nhưng Việt Nam nhập siêu trên 24 tỉ USD. Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang Trung Quốc gồm: máy móc thiết bị, nhóm hàng dẫn đầu kim ngạch nhập từ Trung Quốc với hơn 12 tỉ USD, tăng hơn 10% so với năm 2017; điện thoại và linh kiện đứng thứ hai với kim ngạch 8,58 tỉ USD; vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 7,83 tỉ USD; ngoài ra còn có nông sản, giầy dép, gỗ và các sản phẩm từ gỗ…. Năm 2019, trao đổi thương mại hai chiều Việt Nam – Trung Quốc với mức kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 116,86 tỉ USD; Trung Quốc là quốc gia có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam và cũng là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, với 75,45 tỉ USD (chiếm 29,8%). Việt Nam nhập siêu 34,04 tỉ USD so với Trung Quốc. Nhóm các mặt hàng Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc chủ yếu gồm: máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng điện thoại các loại và linh kiện; điện tử, máy tính và linh kiện. Nhập siêu từ Trung Quốc liên tục tăng trong nhiều năm nay có nguyên nhân do nền sản xuất trong nước của Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu từ thị trường này, trong đó có những ngành phải nhập đến 90% nguyên liệu từ Trang Quốc.

về đầu tư, kết thúc năm 2019, Trung Quốc xếp thứ 5 trong tổng số 125 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 683 dự án mới so với năm 2018, tổng vốn đầu tư 2,3 tỉ USD. Đầu tư từ Trung Quốc có xu hướng tăng so với cùng kì năm 2018 do tác động của chiến tranh thương mại Mỹ – Trung. Cụ thể, vốn FDI từ Trung Quốc tăng gần 1,65 lần so với năm 2018.

 Câu 94: Phân tích Quan hệ kinh tế song phương Việt Nam – Hàn Quốc

Qua 27 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1992, quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc đã có nhiều bước phát triển mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực trong đó có kinh tế. Tháng 8/2001, hai nước ra tuyên bố chung về quan hệ đối tác toàn diện. Tháng 10/2009, quan hệ hai nước được nâng cấp lên thành quan hệ đối tác chiến lược.

Tính tới tháng 12/2019, hai nước đã kí kết hàng chục hiệp định và thoả thuận kinh tế song phương, trong đó có một số hiệp định quan trọng như: Hiệp định Hợp tác kinh tế khoa học kĩ thuật (02/1993); Hiệp định Khuyến khích và bảo hộ đầu tư (9/2003); Hiệp định Hàng không; Hiệp định Thương mại (5/1993); Hiệp định Tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với thuế đánh vào thu nhập (5/1994); Hiệp định Vận tải biển (4/1995); Hiệp định về Họp tác và hồ trợ lẫn nhau trong lĩnh vực Hải quan (3/1995); Hiệp định về Hợp tác du lịch (8/2002); Hiệp định về Viện trợ không hoàn lại và hợp tác kĩ thuật (4/2005); Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (5/2015)…

Bên cạnh hợp tác song phương, Việt Nam và Hàn Quốc còn là những đối tác quan trọng có đóng góp tích cực trong các diễn đàn, khuôn khổ hợp tác đa phương của tổ chức quốc tế như: Liên hợp quốc, WTO, Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), ASEM… và các cơ chế hợp tác trong khu vực như: ASEAN – Hàn Quốc, ASEAN + 3, Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS).

Từ năm 2011 – 2019, Hàn Quốc luôn giữ vững ngôi vị là nhà đàu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam. Hàn Quốc hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam và Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ tư của Hàn Quốc.

Trong 10 tháng đầu năm 2018, kim ngạch thương mại hai nước đạt 54,2 tỉ USD. Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc có hiệu lực từ ngày 20/12/2015 đã tạo động lực mới góp phần thực hiện mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên mức 100 tỉ USD vào năm 2020 theo thỏa thuận của Lãnh đạo cấp cao hai nước kí vào tháng 3/2018.

Tính lũy kế đến tháng 10/2018, trong tổng số 128 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam, Hàn Quốc đứng thứ nhất, có 7.323 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng kí 62,1 tỉ USD (chiếm 18,3% tổng vốn đầu tư). Trong 10 tháng đầu năm 2018, Hàn Quốc đứng thứ 2/104 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam vói vốn đăng kí 6,5 tỉ USD, chiếm 23,4% tổng vốn đầu tư. Trong đó có dự án nhà máy sản xuất polypropylene và kho ngầm chứa khí dầu mỏ hóa lỏng tại Việt Nam với vốn đầu tư 1,2 tỉ USD do tập đoàn

Hyosung đầu tư tại Bà Rịa – Vũng Tàu. Hàn Quốc đã đầu tư vào 19 lĩnh vực, chủ yếu là công nghiệp gia công, chế tạo, bất động sản, xây dựng… tập trung nhiều vào một số địa phương như: Bắc Ninh, Hà Nội, Đồng Nai, Hải Phòng và Thái Nguyên.

Năm 2019, Hàn Quốc đứng vị trí thứ nhất trong tổng số 125 quốc gia và vũng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư 7,92 tỉ USD (chiếm 20,8% tổng vốn FDI vào Việt Nam).

Hàn Quốc là đối tác cung cấp ODA lớn thứ hai của Việt Nam (sau Nhật Bản) và Việt Nam là nước nhận viện trợ ODA lớn nhất của Hàn Quốc. Hàn Quốc đã hỗ trợ 1,2 tỉ USD vốn vay ưu đãi từ Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế (EDCF) cho giai đoạn 2012 – 2015 và 1,5 tỉ USD cho giai đoạn 2016 – 2020, tập trung vào ba lĩnh vực: tăng trưởng xanh, xây dựng hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực. Nhìn chung, các dự án ODA của Hàn Quốc đều nằm trong lĩnh vực ưu tiên cao của Việt Nam, triển khai đúng tiến độ, có mức giải ngân tăng đều qua các năm.

Hàn Quốc là thị trường nhập khẩu lao động lớn thứ hai của Việt Nam (sau Đài Loan, Trung Quốc) và Việt Nam là nước xuất khẩu lao động lớn thứ hai (sau Trung Quốc). Hàn Quốc đã bỏ chế độ tuyển tu nghiệp sinh Việt Nam, áp dụng chương trình Cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (EPS) từ năm 2004 thông qua việc kí Bản ghi nhớ về hợp tác lao động (gia hạn hằng năm). Hai bên đang triển khai thí điểm đưa lao động tại một số địa phương Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc thời vụ trong lĩnh vực nông nghiệp.

Những năm gần đây, Hàn Quốc nổi lên là một trong những thị trường cung cấp khách du lịch trọng điểm của Việt Nam (lớn thứ hai sau Trung Quốc). Trong 10 tháng đầu năm 2018, khách du lịch Hàn Quốc đến Việt Nam đạt 2,8 triệu lượt người, tăng 48,3%; khách du lịch Việt Nam đến Hàn Quốc đạt hơn 440 nghìn lượt người, tăng 37,3% so với cùng kì năm trước. Hiện trung bình mỗi tháng có hơn 1.000 chuyến bay thẳng giữa hai nước. Năm 2019, khách Hàn Quốc tới Việt Nam đạt gần 4,3 triệu lượt, đứng vị trí thứ hai sau Trung Quốc, khách du lịch từ Việt Nam đi Hàn Quốc cũng luôn giữ mức tăng trưởng ổn định. Tính đến tháng 11/2019, con số này đã đạt 521.000 lượt, tăng 21,9% so với cùng kì năm 2018.

Để đạt được thành tựu gần đây trong quan hệ kinh tế hai nước, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA) có vai trò rất quan trọng. Hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ được hưởng nhiều cơ hội thị trường mới nhờ các cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ của phía Hàn Quốc. Môi trường pháp lý minh bạch, thông thoáng sẽ góp phần khuyến khích đầu tư từ Hàn Quốc vào Việt Nam, kèm theo công nghệ cao, trình độ quản lý tiên tiến và cơ hội tiếp cận các thị trường thứ ba.

Câu 95: Trình bày về sự tham gia của Việt Nam trong liên kết kinh tế khu vực ASEAN.

Sau 19 năm tham gia ASEAN, quan hệ kinh tế-thương mại của Việt Nam-ASEAN đã có sự phát triển vượt bậc, cả về bề rộng lẫn chiều sâu. Về thương mại, kim ngạch buôn bán giữa Việt Nam với ASEAN hiện đạt 22 tỷ USD/năm, chiếm khoảng 1/5 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu và gấp gần 2 lần tổng giá trị thương mại của Việt Nam với bên ngoài ở thời điểm trước năm 1995. Tốc độ tăng trưởng thương mại của Việt Nam với ASEAN đạt trung bình 15-16%/ năm trong suốt 15 năm qua. Nhiều mặt hàng tiêu dùng và công nghiệp thuộc thế mạnh của Việt Nam đã trở nên quen thuộc tại nhiều nước ASEAN. Về đầu tư, ASEAN liên tục nằm trong số các nhà đầu tư lớn nước ngoài tại Việt Nam. Tính đến hết năm 6/2010, Việt Nam đã cấp giấy phép đầu tư cho 1449 dự án của các nước ASEAN với vốn đăng ký xấp xỉ 44 nghìn tỷ USD, trong đó, vốn thực hiện đạt trên 12 nghìn tỷ USD. Đầu tư của Việt Nam sang các nước ASEAN, tuy còn khiêm tốn, song đang có chiều hướng gia tăng trong những năm tới, đặc biệt tại các thị trường Lào, Campuchia và Myanmar.

Mặc dù là một nước thành viên mới, tham gia sau với trình độ phát triển kinh tế còn chênh lệch lớn so với các nước bạn trong Hiệp hội, song với quyết tâm và ý thức trách nhiệm cao, Việt Nam đã tham gia tích cực vào hầu hết các chương trình hợp tác kinh tế của ASEAN trên các lĩnh vực thương mại, đầu tư, dịch vụ, tài chính-tiền tệ, nông-lâm nghiệp, công nghiệp, giao thông vận tải và bưu điện viễn thông, năng lượng, du lịch, hải quan v.v… 

Trong khuôn khổ CEPT/AFTA, đến 1/1/2010, Việt Nam đã giảm thuế nhập khẩu cho hơn 10 nghìn dòng thuế xuống mức 0-5%, chiếm 97,8% số dòng thuế trong biểu thuế, đó có 5488 dòng thuế ở mức thuế suất 0%. Trong điều kiện sự chênh lệch về trình độ phát triển kinh tế giữa Việt Nam với hầu hết các nước thành viên ASEAN còn lớn như hiện nay, những nỗ lực thực hiện các cam kết trong AFTA của Việt Nam như vậy được các bạn rất hoan nghênh. Song song với chương trình cắt giảm thuế quan, Việt Nam còn phối hợp với các nước ASEAN triển khai các chương trình công tác nhằm xác định, phân loại và tiến tới dỡ bỏ các hàng rào phí thuế quan. Việt Nam cũng đã cùng các nước ASEAN hòan tất 8 Gói cam kết dịch vụ. Các cam kết hiện nay được tiến hành chủ yếu trong 7 ngành ưu tiên là: tài chính, viễn thông, vận tải hàng hải, hàng không, du lịch, dịch vụ kinh doanh và dịch vụ xây dựng.

Các sáng kiến của Việt Nam trong nỗ lực hợp tác kinh tế ASEAN:

  1. Sáng kiến Liên kết ASEAN (2000): 

Việt Nam là nước chủ trì thực hiện Sáng kiến Liên kết ASEAN (IAI) được các nhà Lãnh đạo ASEAN thông qua năm 2000 với mục tiêu thúc đẩy liên kết kinh tế ASEAN thông qua việc các nước ASEAN-6 hỗ trợ các nước CLMV hội nhập khu vực và thu hẹp khoảng cách phát triển. Đến nay, giai đoạn một của Sáng kiến IAI (2002-2008) đã hoàn tất với 134 dự án/chương trình được thực hiện, thu hút 191 triệu đôla Mỹ từ ASEAN-6 và 20 triệu đôla Mỹ từ các nước đối thoại, tổ chức phát triển và các đối tác khác. Các dự án/chương trình tập trung vào 04 lĩnh vực ưu tiên là phát triển nguồn nhân lực, hỗ trợ hội nhập khu vực, công nghệ thông tin và cơ sở hạ tầng. Hiện nay, các bên đang thực hiện Khuôn khổ Chiến lược (KKCL) và Kế hoạch Công tác (KHCT) IAI giai đoạn II (2009-2015). 

  1. Kế hoạch Tổng thể về Kết nối ASEAN (2010):

Việt Nam là nước chủ trì xây dựng Kế hoạch Tổng thể về Kết nối ASEAN (KHTT). Bản KHTT được các Nhà Lãnh đạo ASEAN thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 17 (Hà Nội, tháng 10/2010). KHTT được xây dựng trên cơ sở hài hòa hóa các chiến lược/kế hoạch phát triển từng ngành liên quan và trên nền tảng là các liên kết tiểu vùng, đặc biệt là tiểu vùng Mê-Công. Bản KHTT cũng được xây dựng theo hướng mở, kết nối ASEAN với các đối tác trong khu vực trên cơ sở đảm bảo một ASEAN là trung tâm của các mối liên kết trong tương lai tại Đông Á.

  1. Tuyên bố của các Nhà Lãnh đạo ASEAN về Phục hồi và Phát triển Bền vững (2010):

Về hướng liên kết kinh tế ASEAN trong tương lai, Việt Nam đã chủ trì đề xuất  HNCC ASEAN 16 (Hà Nội, tháng 4/2010) ra Tuyên bố của các Nhà Lãnh đạo ASEAN về Phục hồi và Phát triển Bền vững. Theo đó, liên kết kinh tế ASEAN sẽ chú trọng hơn tới tính bền vững với các chính sách tăng trưởng kinh tế ổn định và dài hạn, đảm bảo tính cân bằng về cơ hội và quyền lợi cho các quốc gia và các thành phần kinh tế; thúc đẩy hợp tác giáo dục và đào tạo; nâng cao vai trò của khu vực tư nhân; đảm bảo an sinh xã hội; và gắn tăng trưởng với vấn đề môi trường.

Câu 96: Việt Nam tham gia các FTA thế hệ mới

Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế nhờ vào việc đẩy mạnh mở cửa, hội nhập kinh tế thế giới, tích cực tham gia mạng lưới các hiệp định thương mại tự do đa tầng nấc.

Đến nay, Việt Nam đã tham gia và đang đàm phán 17 hiệp định thương mại tự do, trong đó có 10 hiệp định đã có hiệu lực và đang thực thi cam kết, 3 hiệp định đã ký kết hoặc kết thúc đàm phán nhưng chưa có hiệu lực, 4 hiệp định đang đàm phán. Bài viết phân tích tác động của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đối với nền kinh tế Việt Nam và kiến nghị giải pháp nhằm tận dụng những cơ hội mà các hiệp định này mang lại cũng như hạn chế tác động tiêu cực trong quá trình hội nhập.

Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới

Thuật ngữ “Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới” được sử dụng để chỉ các FTA với những cam kết sâu rộng và toàn diện, bao hàm những cam kết về tự do thương mại hàng hóa và dịch vụ như các “FTA truyền thống”; mức độ cam kết sâu nhất (cắt giảm thuế gần như về 0%, có thể có lộ trình); có cơ chế thực thi chặt chẽ và hơn thế, nó bao hàm cả những lĩnh vực được coi là “phi truyền thống” như: Lao động, môi trường, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm chính phủ, minh bạch hóa, cơ chế giải quyết tranh chấp về đầu tư…

Việt Nam hiện nay đã tham gia một số FTA thế hệ mới, trong đó nổi bật là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) – EVFTA, cụ thể:

– Hiệp định CPTPP: Các nước cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 65-95% số dòng thuế và xóa bỏ hoàn toàn từ 97-100% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực, các mặt hàng còn lại sẽ có lộ trình xóa bỏ thuế quan trong vòng 5-10 năm.

Trong CPTPP, Việt Nam cam kết xóa bỏ số dòng thuế ở mức cao, theo đó: 65,8% số dòng thuế có thuế suất 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực; 86,5% số dòng thuế có thuế suất 0% vào năm thứ 4 khi Hiệp định có hiệu lực; 97,8% số dòng thuế có thuế suất 0% vào năm thứ 11 khi Hiệp định có hiệu lực. Đối với thuế xuất khẩu, Việt Nam cam kết xóa bỏ phần lớn các mặt hàng hiện đang áp dụng thuế xuất khẩu theo lộ trình từ 5-15 năm sau khi Hiệp định có hiệu lực.

– Hiệp định EVFTA: Các nội dung chính của Hiệp định, bao gồm: Thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, quy tắc xuất xứ, hải quan và thuận lợi hóa thương mại; các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật, hàng rào kỹ thuật trong thương mại, đầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh, sở hữu trí tuệ, phát triển bền vững; các vấn đề pháp lý, hợp tác và xây dựng năng lực.

Trong EVFTA, Việt Nam và EU cam kết sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99% số dòng thuế trong khoảng thời gian 7 năm đối với EU và 10 năm đối với Việt Nam. Theo đó, Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế, sau 3 năm là 58,7% số dòng thuế, sau 5 năm là 79,6% số dòng thuế, sau 7 năm là 91,8% số dòng thuế và sau 10 năm là 98,3% số dòng thuế.

Đối với thuế xuất khẩu, Việt Nam cam kết xóa bỏ phần lớn thuế xuất khẩu hàng hóa sang EU với lộ trình lên đến 15 năm.

Tác động tích cực đối với nền kinh tế Việt Nam

Việc ký kết và tham gia các FTA thế hệ mới sẽ có tác động lớn đến nền kinh tế Việt Nam thông qua việc mở rộng thị trường xuất nhập khẩu, theo đó, kim ngạch xuất nhập khẩu sang các nước đối tác sẽ tăng, củng cố thị trường truyền thống, khơi thông nhiều thị trường tiềm năng trên cơ sở thúc đẩy quan hệ với các đối tác chiến lược kinh tế quan trọng. Cụ thể:

Thứ nhất, thúc đẩy hoạt động xuất khẩu: Tự do hóa thương mại nói chung và các FTA thế hệ mới nói riêng có tác động thúc đẩy hoạt động xuất khẩu. Những quy định trong các FTA này buộc nền kinh tế thành viên, trong đó có Việt Nam, phải tái cấu trúc, mở ra những thị trường mới và tạo sức hút về hàng hóa. Trong thời gian tới, khi việc thực hiện cắt giảm thuế quan theo các FTA bước vào giai đoạn cắt giảm sâu thì xuất khẩu của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh do: (i) Sự nỗ lực của các bộ, ngành liên quan trong việc phấn đấu đạt được mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 7-8% mà Quốc hội đề ra; (ii) Khi thuế suất giảm, đặc biệt là đối với các mặt hàng nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất hàng xuất khẩu như: Nguyên phụ liệu dệt may, chất dẻo, ngô, cao su…; (iii) Hiệp định CPTPP và EVFTA đi vào thực thi sẽ là động lực cho xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới.

Đặc biệt, với cam kết mở cửa thị trường trong EVFTA sẽ giúp mở rộng hơn nữa thị trường hàng xuất khẩu, nhất là những sản phẩm mà cả hai cùng có lợi thế như nông thủy sản, đồ gỗ, dệt may, giày dép… của Việt Nam, máy móc, thiết bị, ô tô, xe máy, đồ uống có cồn của EU. 

Thứ hai, đối với sản xuất trong nước: Việc tham gia các FTA thế hệ mới sẽ khiến cho nhiều mặt hàng làm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất trong nước có giá thấp hơn, do đó, chi phí sản xuất của các doanh nghiệp được cắt giảm, từ đó, giá cả hàng hóa sẽ cạnh tranh hơn so với hàng nhập khẩu, thúc đẩy sản xuất trong nước để xuất khẩu. Việc cắt giảm thuế quan sẽ khiến hàng hóa nhập khẩu từ các nước, đặc biệt là các nước EU vào Việt Nam sẽ nhiều hơn do giá thành rẻ, mẫu mã phong phú và đa dạng, tác động tích cực đến sản xuất trong nước.

Thứ ba, đối với môi trường kinh doanh: Việc tham gia các FTA thế hệ mới như EVFTA, CPTPP về các vấn đề thể chế, chính sách pháp luật sau đường biên giới… sẽ tạo điều kiện và động lực cơ hội để thay đổi, cải thiện chính sách và pháp luật theo hướng minh bạch hơn, thuận lợi và phù hợp hơn với thông lệ quốc tế. Các FTA thế hệ mới sẽ giúp Việt Nam kiện toàn hơn bộ máy nhà nước, theo hướng đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường trách nhiệm, kỷ cương kỷ luật của cán bộ, từ đó, hỗ trợ cho tiến trình đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế của Việt Nam.

Thứ tư, đối với thu hút đầu tư nước ngoài (FDI): Trong các FTA thế hệ mới đều có các cam kết đối xử công bằng giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài trong việc thành lập, mua lại, mở rộng, điều hành, triển khai, vận hành, kinh doanh. Điều đó sẽ tạo cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận thị trường Việt Nam nhanh hơn. Các FTA thế hệ mới cũng có các quy định về phát triển bền vững, giúp hạn chế bớt những công nghệ lạc hậu và thúc đẩy phát triển các công nghệ sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, thân thiện với môi trường. Những xu hướng này mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế Việt Nam và cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Trong giai đoạn tới, khi các FTA thế hệ mới có hiệu lực, việc dỡ bỏ các biện pháp hạn chế đầu tư và dịch vụ, mở cửa thị trường mua sắm Chính phủ, dịch vụ tài chính… sẽ mở ra cơ hội lớn đối với lĩnh vực đầu tư của Việt Nam.

Với các quy định trong các FTA thế hệ mới, các nhà đầu tư sẽ đầu tư chiều sâu vào thị trường Việt Nam, do đó, chất lượng đầu tư nước ngoài sẽ được cải thiện, tạo động lực cho phát triển nền kinh tế. Ví dụ: EVFTA sẽ thúc đẩy các nhà đầu tư chất lượng cao của EU và các đối tác khác vào Việt Nam. Tính đến nay, các nhà đầu tư EU đã có mặt tại hầu hết các ngành kinh tế quan trọng, tập trung nhiều nhất vào công nghiệp, xây dựng và một số ngành dịch vụ.

Một số thách thức đặt ra

Bên cạnh những tác động tích cực, việc thực hiện các FTA thế hệ mới đặt ra một số thách thức cho nền kinh tế Việt Nam, cụ thể:

Thứ nhất, thách thức về hoàn thiện thể chế, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh. Quá trình thực hiện các cam kết hội nhập quốc tế đã có những tác động sâu rộng đến nền kinh tế Việt Nam. Công tác xây dựng thể chế, chính sách dần được hoàn thiện, giúp nền kinh tế Việt Nam có những chuyển biến rõ nét. Hội nhập quốc tế góp phần mở rộng thị trường, tăng lợi thế cạnh tranh cho hàng xuất khẩu của Việt Nam so với các nước trong khu vực; qua đó, cơ cấu hàng xuất khẩu đã có chuyển biến về chất.

Tuy nhiên, so với thông lệ quốc tế, thể chế kinh tế, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam còn khoảng cách lớn. Nếu chúng ta không nỗ lực cải cách, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường thì đây chính là rào cản ngăn dòng vốn đầu tư nước ngoài có chất lượng vào Việt Nam, không nâng được năng lực cạnh tranh của hàng hóa, sản phẩm Việt Nam trong thương mại quốc tế.

Thứ hai, sức cạnh tranh của nền kinh tế, doanh nghiệp Việt Nam cũng như từng sản phẩm hiện nay còn thấp. Việc cắt giảm thuế nhập khẩu theo lộ trình cam kết dẫn đến các hàng hóa sản xuất trong nước chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ từ hàng hóa nhập khẩu, đồng thời các ngành sản xuất trong nước chịu tác động trực tiếp của những biến động trên thị trường hàng hóa quốc tế. Mặt khác, hầu hết các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là gia công lắp ráp, nguyên phụ liệu đầu vào chủ yếu phải nhập khẩu; Tỷ lệ doanh nghiệp đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu thấp, trong khi tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm chậm được cải thiện…

Thứ ba, đối với nhập khẩu, mặc dù việc ký kết FTA với nhiều đối tác song trong ngắn hạn, nhập khẩu của Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào các thị trường truyền thống (như Trung Quốc), do mức độ cam kết thuế sâu cũng như vị trí địa lý thuận lợi sẽ khiến cho vấn đề nhập siêu từ Trung Quốc chưa thể giải quyết dứt điểm. Bên cạnh đó, việc cắt giảm thuế cũng tạo nhiều áp lực đến hoạt động của doanh nghiệp trong nước.

Thứ tư, có một số vấn đề đặt ra đối với dòng vốn FDI: (i) Đóng góp của FDI trong việc nâng cao năng lực công nghiệp, còn hạn chế; (ii) Mối liên kết giữa khối doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước còn yếu kém; (iii) Các doanh nghiệp FDI chủ yếu hoạt động ở lĩnh vực gia công lắp ráp, thâm dụng lao động và ít có khả năng tạo tác động lan tỏa về mặt công nghệ; (iv) Khung pháp lý và chính sách mở cửa FDI, hội nhập kinh tế quốc tế tuy đã được cải thiện, song vẫn còn nhiều hạn chế trong quản lý, dẫn tới các vấn đề như ô nhiễm môi trường, chuyển giá, trốn thuế…; (iv) Dòng vốn liên thông hơn với quốc tế cũng khiến cho những nguy cơ bất ổn kinh tế vĩ mô gia tăng trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực có nhiều biến động cũng đặt ra những thách thức trong việc xây dựng và thực thi các chính sách kinh tế vĩ mô.

Thứ năm, tỷ trọng thu ngân sách nhà nước từ thuế xuất nhập khẩu trên tổng thu ngân sách nhà nước có xu hướng giảm, do thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi và ưu đãi đặc biệt vào lộ trình cắt giảm sâu.

Thứ sáu, thị trường dịch vụ tài chính trong nước chưa thực sự phát triển. Mở cửa thị trường theo cam kết đã tạo ra áp lực cạnh tranh gay gắt trên cả 3 cấp độ gồm: Cạnh tranh giữa sản phẩm trong nước và sản phẩm nước ngoài; cạnh tranh giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài và cạnh tranh giữa các chính phủ về thể chế và môi trường kinh doanh.

Thứ bảy, trình độ đội ngũ cán bộ và năng lực của các cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục tăng cường để đáp ứng yêu cầu quản lý, giám sát thị trường, cải cách thủ tục hành chính, hạn chế gian lận thương mại…

Một số khuyến nghị

Để có thể tận dụng được những cơ hội và hạn chế những thách thức trong thực hiện cam kết của các FTA thế hệ mới, thời gian tới, cần chú trọng đến một số giải pháp sau:

Đối với Nhà nước

– Tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách gắn với việc thực hiện các cam kết hội nhập, nhằm nâng cao hiệu quả huy động, sử dụng vốn đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; Thay đổi chính sách thu hút FDI theo hướng chọn lọc các dự án, đối tác phù hợp với yêu cầu phát triển của Việt Nam; Chú trọng hướng phát triển bền vững để giảm thiểu tác động tiêu cực; Tăng cường công tác kiểm soát các doanh nghiệp FDI, nhất là các doanh nghiệp thường báo lỗ để tránh các hiện tượng chuyển giá. 

– Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách để thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế theo lộ trình. Trong việc sửa đổi, bổ sung các chính sách, cần đảm bảo tính đồng bộ, hiệu quả, duy trì ổn định môi trường đầu tư, kinh doanh, không gây xáo trộn, ảnh hưởng đến lợi ích của các doanh nghiệp đang hoạt động cũng như các nhà đầu tư mới. Kịp thời rà soát, sửa đổi, điều chỉnh, bãi bỏ quy định không phù hợp với các cam kết quốc tế nhằm thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ trong các điều ước quốc tế song phương, đa phương và khu vực mà Việt Nam là thành viên.

– Đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực về đầu tư, xây dựng, đất đai, thuế, hải quan, xuất nhập khẩu phù hợp với các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế; Giám sát chặt chẽ việc ban hành và áp dụng các giấy phép, điều kiện kinh doanh; Đẩy mạnh việc hoàn thiện thể chế tài chính, đảm bảo tính đồng bộ, công khai, minh bạch, ổn định và phù hợp với yêu cầu thực tiễn đặt ra trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và các cam kết quốc tế.

– Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các cam kết, hiệp định mà Việt Nam tham gia đến từng ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân để các đối tượng có liên quan thực hiện hiệu quả các cam kết; Hoàn thiện các chính sách thương mại cho phù hợp với điều kiện của Việt Nam và không xung đột với các cam kết trong các FTA mà Việt Nam đã và sẽ tham gia.

– Xây dựng và quy hoạch, đồng bộ hóa các ngành công nghiệp hỗ trợ xác định ngành công nghiệp phụ trợ phù hợp với Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam, đảm bảo tính hiệu quả trong thực thi chính sách, nâng cao khả năng cạnh tranh của các ngành hàng Việt Nam trong bối cảnh hội nhập.  

Đối với các hiệp hội

– Tiếp tục triển khai các hoạt động cung cấp và tư vấn cho doanh nghiệp về pháp luật kinh doanh, kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế, cũng như kinh nghiệm đối phó với các vụ kiện quốc tế, những rào cản thương mại của các thị trường xuất khẩu; Tổ chức nhiều chương trình xúc tiến thương mại – đầu tư theo thị trường, ngành hàng và lĩnh vực kinh doanh cụ thể để nâng cao khả năng tiếp cận thị trường trong và ngoài nước.

– Tiếp tục đẩy mạnh vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp và các cơ quan quản lý, tạo điều kiện kết nối giao lưu giữa các doanh nghiệp hội viên; tăng cường phổ biến thông tin hội nhập về pháp luật của các nước, sở hữu trí tuệ, sở hữu công nghiệp, quản lý chất lượng, các quy tắc xuất xứ… cho các doanh nghiệp hội viên, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu.

Đối với doanh nghiệp

– Tăng cường liên kết với nhau, tạo những cơ hội đầu tư nhằm tăng sức mạnh cạnh tranh; Chủ động xây dựng năng lực sản xuất, kinh doanh, cải thiện chất lượng, mẫu mã sản phẩm để nâng cao khả năng cạnh tranh và xây dựng thương hiệu; Tăng cường đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ, đầu tư vào các vùng trồng nguyên liệu để giảm thiểu phụ thuộc nguyên phụ liệu của các nhà cung cấp nước ngoài.

– Đổi mới hoạt động quản trị doanh nghiệp và công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường quảng bá thương hiệu; Cùng với đó, chủ động xây dựng các chiến lược kinh doanh, phát triển sản xuất để có thể cạnh tranh với hàng hóa từ các nước trong khu vực ngay cả trong thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu, nghiên cứu đáp ứng các tiêu chí về quy tắc xuất xứ để được hưởng các ưu đãi về thuế quan. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần theo dõi sát sao các thông tin, lộ trình cam kết… từ đó, đưa ra định hướng đúng, xây dựng chiến lược kinh doanh hợp lý. Quan trọng hơn, cộng đồng doanh nghiệp phải có lộ trình thích nghi, thay đổi phù hợp. Bởi vì, nếu rào cản thuế quan được gỡ bỏ hoàn toàn và mang lại lợi ích kinh tế lớn, thì quy tắc xuất xứ nổi lên như một rào cản mới.

– Cần có cơ chế đầu tư nguồn nhân lực sớm, có chính sách đãi ngộ về vật chất và tinh thần thỏa đáng cho người lao động, đặc biệt là lao động có tay nghề cao. Đây chính là đầu tư cho nguồn nhân lực để tạo ra lợi thế cạnh tranh khi hội nhập. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần đổi mới cơ chế quản lý tiền lương gắn với năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh, khuyến khích người lao động tự động nâng cao kỹ năng nghề nghiệp của mình.  

 

Câu 97: Tiến trình gia nhập WTO của Việt Nam

Lý do gia nhập WTO của Việt Nam cũng như nhiều nước đang phát triển khác là tìm kiểm động lực thúc đẩy và mở rộng thị trường xuất khẩu. Ngoài ra, Việt Nam còn cố thể hưởng lợi với tư cách là thành viên của WT0 như: Được tiếp cận thị trường hàng hoá và dịch vụ ở tất cả các nước thành viên với mức thuế nhập khẩu đã được cắt giảm và các ngành dịch vụ, không bị phân biệt đối xử; Hoàn thiện hệ thống pháp luật theo các thiết chế của WT0, cải thiện môi trường kinh doanh; Có được vị thể bình đẳng như các thành viên khác trong việc hoạch định chỉnh sách thương mại toàn cầu, có cơ hội để đấu tranh nhằm thiết lập một trật tự kinh tế mới công bằng hơn, hợp lý hơn, có điều kiện để bảo vệ lợi ích của đất nước, của doanh nghiệp.

 

1. Khái lược về tiến trình gia nhập WTO của Việt Nam

Đàm phán gia nhập WT0 là cuộc đàm phán thương mại dài theo lộ trình 3-5 năm. Hạn ngạch thuế quan cũng đã ảp dụng giàm từ 13 xuống còn 6 mặt hàng, về dịch vụ, Việt Nam đã cam kết mở cửa thị trường cho 11 ngành và 92 phân ngành dịch vụ, trong đỏ cỏ nhiều ngành quan trọng như dịch vụ kinh doanh, dịch vụ viễn thông, tài chính… bằng mức cam kểt về diện so vởì Trung Quốc. Nhìn chung, mức độ cam kểt cùa bản chào của Việt Nam được đảnh giả là tương đương, thậm chỉ cao hơn cam kểt của một số nước thành viên cũng như những nưởc mới gia nhập WTO trước đó.

Từ phiên đàm phản đa phương 6 đển 14, Ban Công tốc đã thảo luận về việc xây dựng Bản dự thảo Bảo cảo cùa Ban Công tảc về việc Việt Nam gia nhập WTO. Việt Nam cam kết thực hiện tất cả các hiệp định của WTO kể từ thời điểm gia nhập (Các hiệp định như: Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT), Hiệp định về nông nghiệp (AoA), Hiệp định vê áp đụng các biện pháp vệ sình dịch tễ (SPS), Hiệp định về hàng rào kĩ thuật trong thương mại (TBT), Hiệp định về các biện pháp đầu tư liên quan đến thương mại (TRIMs), Hiệp định chổng bẳn phả giả (ADA), Hiệp định về trợ cấp và các biện pháp đổi khảng (SCM), Hiệp định về tự vệ (SG), Hiệp định về quy tắc xuẩt xử (RoO), Hiệp định về thù tục cẩp gìẩy phẻp nhập khâu (ILP), Hiệp định chung về thương mại, dịch vụ (GATS), Hiệp định về quyền sờ hữu tri tuệ liên quan đến thương mại (TRIPs), Hiệp định về quy tắc và thủ tục giải quyểt tranh chấp (DSU).

(ìv) Đàm phản song phươmg:

Song song với đàm phán đa phương, bẳt đầu từ phiên đàm phán đa phương thứ 5 (4/2002), Vỉệt Nam đã tiến hành đàm phản song phương với từng nước thành viên yêu cầu đàm phản. Việt Nam đã đàm phản với tổng cộng 28 đối tác có yêu cầu đàm phản, trong đỏ kết thúc đàm phán với đổi tác khó khăn và quan trọng nhất (Hoa Kỳ) vào ngày 15/5/2006 tại Washington.

(v)     Hoàn thành Nghị định thư gia nhập:

Một Nghị định thư nêu rõ các nghĩa vụ của Việt Nam khi trở thành thành viên cùa WTO được hoàn tất dựa trên các thỏa thuận đã đạt được sau các cuộc đàm phán song phương, đàm phản đa phương và tổng hợp các cam kết song phương.

(vi)     Phê chuẩn Nghị định thư:

Việc Việt Nam kí kểt Nghị định thư gia nhập WTO chưa mặc nhiên công nhận tư cách thành viên của Việt Nam. Theo quy định, 30 ngày sau khi WTO nhận được văn bản phê chuẩn Nghị định thư cùa Quốc hội Việt Nam, Việt Nam sẽ chính thức trở thành thành viên WT0.

Ngày 11/01/2007, Việt Nam đã trở thành thành viên thứ 150 của WTO, mờ ra trang mới trong hội nhập kinh tế toàn cầu của Việt Nam.

 

2. Tóm tắt các cam kết gia nhập WTO của Việt Nam

Về cơ bản, Việt Nam cam kết thực hiện toàn bộ các hiệp định cùa WTO ngay từ thời điểm gia nhập, tức là không cỏ thời kì quá độ. Có thể tóm tắt một số cam kết chính của Việt Nam khi gia nhập WTO như sau:

– Cam kết về thuế nhập khẩu và các loại thuế khác:

+ Về thuế nhập khẩu:

Áp dụng thuế nhập khẩu theo nguyên tắc không phân biệt đối xử giữa các thành viên WTO. Việt Nam cam kết ràng buộc với toàn bộ Biểu thuế nhập khẩu gồm 10.600 dòng thuế, với mức thuế nhập khẩu trung bình với tất cả các mặt hàng là 13,4%, trong đó mức thuế nhập khẩu trung bình đối với hàng nông nghiệp là 21%, hàng công nghiệp là 12,6%, lộ trình 5-7 năm. Trong Biểu cam kết, thuế sẽ thực sự được cắt giảm với khoảng 3.800 dòng thuế (chiếm 35,5%); giữ nguyên mức thuế với khoảng 3.700 dòng (chiếm 34,5%); thuế cao hơn mức thuế suất hiện hành với 3.170 dòng thuế (chiếm 30%), chủ yếu là đối với các nhóm hàng như xăng dầu, kim loại, hóa chất, một số phương tiện vận tải. Những mặt hàng không đưa vào diện cam kết cắt giảm thuế quan là những mặt hàng liên quan đến quốc phòng, an ninh quốc gia, thuần phong mĩ tục, trật tự công cộng, đạo đức xã hội.

Việt Nam sẽ được áp dụng cơ chế hạn ngạch thuế quan đối với 4 mặt hàng, gồm: trứng gia cầm, đường tinh luyện và đường thô, lá thuốc lá, muối.

Việt Nam cũng tham gia một số hiệp định tự do hóa theo ngành hàng, theo đó các mặt hàng theo hiệp định sẽ được cắt giảm thuế quan xuổng mức cực thấp (thậm chí 0%) với lộ trình 3-5 năm. Cụ thể: Việt Nam cam kết tham gia đầy đủ Hiệp định về Công nghệ thông tin (ITA), Hiệp định về Hàng dệt may, Hiệp định về Thiết bị y tế. Ngoài ra, Việt Nam còn tham gia một phần Hiệp định về Thiết bị máy bay dân dụng, Hiệp định Hóa chất và Hiệp định về Thiết bị xây dựng, thiết bị khoa học.

+ Về thuế nội địa:

Việt Nam tuân thủ nguyên tắc Đối xử quốc gia (NT), tức là không được áp thuế phân biệt giữa hàng hóa trong nước và hàng hóa nhập khẩu. Tại thời điểm xin gia nhập, thuế tiêu thụ đặc biệt áp cho rượu và bia nhập khẩu cao hơn so với rượu và bia sản xuất trong nước. Việt Nam cam kết trong vòng 3 năm kể từ ngày gia nhập WTO sẽ điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu và bia cho phù hợp quy định của WTO.

+ Về thuế xuất khẩu (Cam kết về thuế xuất khẩu được ví như cam kết “WTO cộng”. Vì trên thực tế WTO không có quy định nào yêu cầu các nước xin gia nhập phải cam kết về thuế xuất khẩu. Tuy nhiên, một số thành viên như Hoa Kỳ, Australia, Canada, EU đã yêu cầu Việt Nam phải đưa ra cam kết về thuế xuất khẩu): Cam kết giảm thuế xuất khẩu đối với phế liệu kim loại đen từ 35% xuống 17% trong 5 năm; Giảm thuế phế liệu kim loại màu từ 45% xuống 22% trong 5 năm; Không cam kết ràng buộc về thuế xuất khẩu đối với các mặt hàng khác.

– Cam kết liên quan đến các biện pháp quản lý xuất nhập khẩu:

Việt Nam cam kết loại bỏ, không áp dụng các biện pháp hạn chế số lượng đối với hàng nhập khẩu cũng như các biện pháp phi thuế quan khác như: hạn ngạch, cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu, các yêu cầu cấp phép và các hạn chế khác có tác động tương tự không thể biện minh được theo các quy định của các Hiệp định WTO.

+ Đối với cấm xuất khẩu, nhập khẩu: Bãi bỏ biện pháp cấm nhập khẩu thuốc lá điếu, xì gà thay vào đó là nhập khẩu qua một đầu mối duy nhất là Tổng công ti thuốc lả Việt Nam; Cho phép nhập khẩu xe máy trên 175cc nhưng bảo lưu các quyền áp dụng biện pháp hành chính như độ tuổi người sử dụng và chế độ cấp bằng lái đặc biệt; Cho phép nhập khẩu ô tô đã qua sử dụng trong thời gian dưới 5 năm nhưng bảo lưu quyền áp dụng thuế nhập khẩu cao.

+ Đối với hạn ngạch: Cam kết xóa bỏ áp dụng hạn ngạch nhập khẩu, chỉ áp dụng hạn ngạch xuất khẩu trong trường hợp bị chính các nước đổi tác áp dụng quy định hạn chế số lượng xuất khẩu.

+ Đối với giấy phép nhập khẩu: Cam kết áp dụng biện pháp này theo đúng quy định của Hiệp định về Thủ tục cấp phép nhập khẩu của WTO, tuy nhiên, bảo lưu quyền cấp phép nhập khẩu văn hỏa phẩm chủ yếu để kiểm duyệt nội dung.

– Cam kết liên quan đến thương mại dịch vụ:

+ Về phạm vi mở cửa: Việt Nam cam kết mở cửa toàn bộ 11 ngành dịch vụ theo Hiệp định chung về Thương mại dịch vụ (General Agreement on Trade in Services – GATS) VỞÌ 110 phân ngành (GATS cỏ tổng số 160 phân ngành). Phạm vi mở cửa này đã cao hơn Hiệp định Thương mại việt Nam – Hoa Kỳ (BTA) (8 ngành và 65 phân ngành dịch vụ).

+ Về mức độ mở cửa: Hầu hết các ngành dịch vụ, mức độ cam kết mở cửa gần như tương đương trong BTA;

Việt Nam đưa ra danh mục những loại dịch vụ miễn trừ áp dụng nguyên tắc đối xử tối huệ quốc (MFN). Cụ thể: (i) Việt Nam có quyền không dành những ưu đãi theo một số hiệp định đầu tư song phương (BIT) đã kí với các nước cho toàn bộ các thành viên WT0; (ii) Việt Nam bảo lưu quyền không áp dụng MFN đối với dịch vụ nghe nhìn (hoạt động sản xuất, phát hành, chiếu các chương trình truyền hình, phim truyện…); và (iii) Việt Nam bảo lưu quyền phân biệt đối xử với ngành dịch vụ vận tải biển (hoạt động của các công ti con của các hãng tàu nước ngoài – biện pháp này được duy trì không quá 05 năm từ khi gia nhập WTO).

Việt Nam không mở cửa một số ngành dịch vụ nhạy cảm về chính trị và an ninh như: dịch vụ in ấn, xuất bản, báo chí, phát thanh và truyền hình, hướng dẫn du lịch, dịch vụ vận tải đường thủy, đường sắt…

–    Cam kết liên quan đến việc chấp nhận bị coi là nền kinh tế phi thị trường:

Việt Nam chấp nhận bị coi là nền kinh tế phi thị trường (NME) trong vòng 12 năm vì mục đích áp thuế chống bán phá giá và áp thuế đối kháng (thuế chống trợ cấp xuất khẩu). Tuy nhiên, trong thời hạn 12 năm nêu trên, nếu Việt Nam chứng minh được với đối tác nào đó rằng nền kinh tế của Việt Nam là nền kinh tế thị trường, thì đối tác đó sẽ ngừng áp dụng quy chế NME với Việt Nam.

Tính đến tháng 02/2019, Việt Nam đã hết thời gian phải thực hiện cam kết này. Trên thực tế, trước thời hạn 12 năm đã có rất nhiều nước công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Ví dụ: Tính đến tháng 02/2018 đã có 69 nước công nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam, trong đó có nhiều đối tác có kim ngạch thương mại lớn với Việt Nam như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga, các nước trong ASEAN…

–    Một số cam kết khác:

+ Cho phép các doanh nghiệp và cá nhân nước ngoài được quyền kinh doanh như các doanh nghiệp và cá nhân Việt Nam (trừ các trường hợp ngoại lệ);

+ Các doanh nghiệp nhà nước sẽ hoàn toàn hoạt động theo tiêu chí thương mại;

+ Các quy định và chính sách áp dụng cho đặc khu kinh tế sẽ tuân thủ các quy định của WTO và các cam kết của Việt Nam về trợ cấp, các biện pháp đầu tư Hên quan đến thương mại (TRIMS)..

+ Tuân thủ quy trình và thủ tục giải quyết tranh chấp của WTO;

+ Tuân thủ các quy định của WTO và IMF về chính sách tài chính tiền tệ, ngoại hối và thanh toán;

+ Cam kết về minh bạch hóa chính sách và pháp luật;

+ Tuân thủ các quy định của WTO về nghĩa vụ thông báo cho WTO.

 

Câu 98: Đánh giá về những thành tựu đạt được và hạn chế còn tồn tại của nền kinh tế Việt Nam sau 15 năm gia nhập WTO.

Kể từ thời điểm gia nhập WTO đến nay, Việt Nam đã trải qua 13 năm (01/2007 – 01/2020) với tư cách là thành viên của tổ chức thương mại lớn nhất hành tinh này. Lợi ích có được từ tự do hóa thương mại và các chính sách mở cửa theo các hiệp định của WT0 đã thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Doanh nghiệp Việt Nam đã tiếp cận được với các thị trường lớn hơn và mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu, hợp tác kinh doanh. Tuy vậy, trong quá trình tham gia WT0, Việt Nam cũng đã phải đối mặt với nhiều thách thức hơn, với sự cạnh tranh gay gắt hơn, với nhiều đối thủ hơn, trên bình diện rộng hơn, sâu hơn.

Phàn này mang nhiều ý nghĩa tổng kết lại một số những thành tựu đã đạt được, cũng như những hạn chế còn tồn tại mà nền kinh tế Việt Nam gặp phải sau chặng đường 15 năm gia nhập WTO.

1. Thành tựu đạt được  

+ Tăng trưởng kinh tế (Tăng trưởng kinh tế được hiểu là sự gia tăng của Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hoặc Tổng sản lượng quốc gia (GNP) trong một thời gian nhất định) ở mức cao so với thế giới và tương đối ổn định:

Nền Kinh tế Việt Nam sau 13 năm gia nhập WTO mặc dù bị ảnh hưởng do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, khủng hoảng nợ công nhưng vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng bình quân là gần 7%/năm. Đặc biệt năm 2018 có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất trong 10 năm trở lại đây, với mức 7,08%. Với tốc độ tăng trưởng này, giáo sư Ricardo Hausmann (Đại học Harvard – Mỹ) nhận định Việt Nam là nước nằm trong nhóm có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới (trong nhóm có các nền kinh tế như: Hồng Kông (Trung Quốc), Trung Quốc và Hàn Quốc).

GDP bình quân đầu người tăng từ 730 USD vào năm 2006 lên 2.800 USD (nếu tính cả quy mô nền kinh tế bị bỏ sót thì đã trên 3.000 USD) năm 2019. Cơ cấu kinh tế đã chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng dần tỉ trọng công nghiệp và dịch vụ, giảm dàn tỉ trọng nông nghiệp. Đơn cử, cơ cấu kinh tế năm 2019: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỉ trọng 13,96% GDP; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 34,49%; khu vực dịch vụ chiếm 41,64%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,91%?

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đã tăng gấp 6,1 lần sau 13 năm, cán mốc 516,96 tỉ USD. Cụ thể, năm 2006 tổng giá trị xuất nhập khẩu cả nước chỉ là 84,7 tỉ USD; đến hết năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đã đạt mức kỉ lục 516,96 tỉ USD.

Sau 13 năm gia nhập WTO, độ mở nền kinh tế (Độ mở của nền kinh tế (theo nghĩa hẹp) được tính theo tỉ lệ % giữa giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu chia cho tổng sản phẩm quốc nội – GDP). Việt Nam đã tăng lên mức 197,3% năm 2019. Từ năm 2012, nền kinh tế đã chấm dứt chuỗi thời gian dài nhập siêu lởn, có xuất siêu từ năm 2012 đến 2014, sau đó nhập siêu trở lại năm 2015 (3,6 tỉ USD). Tuy nhiên, hết năm 2016, nền kinh tế quay trở lại xuất siêu với 2,5 tỉ USD? đến năm 2018 xuất siêu trên 7 tỉ USD, năm 2019 xuất siêu 9,9 tỉ USD – giá trị xuất siêu lớn nhất từ trước tới nay.

Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng mạnh. Theo đó, năm 2006, Việt Nam chỉ thu hút được 10 tỉ USD vốn FDI. Tính lũy kế đến ngày 20/12/2019, cả nước có 30.827 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng kí 362,5% tỉ USD. Nhiều tập đoàn hàng đầu trên thế giới đã chọn Việt Nam làm “cứ điểm” sản xuất như Samsung, LG, Toyota, Honda, Canon… Riêng năm 2019, tổng số vốn đăng kí cấp mới và vốn tăng thêm đạt 38,02 tỉ USD?

Nếu như năm 2006 Việt Nam chỉ thu hút được 3,6 triệu khách du lịch quốc tế, thì năm 2019 đạt được kết quả ấn tượng với số khách du lịch quốc tế đến nước ta đạt mức kỉ lục 18 triệu lượt người. Khách từ châu Á đạt 14,38 triệu lượt người, tăng 19,1% so với năm trước; khách đến từ châu Âu đạt 2,1 triệu lượt người, tăng 8,4%; khách đến từ châu Mỹ đạt 937,8 nghìn lượt người, tăng 7,7% so với năm 2018; khách đến từ châu Úc đạt 432,4 nghìn lượt người, giảm 1,2%; khách đến từ châu Phi đạt 48 nghìn lượt người, tăng 12,2%.’

+ Góp phần thay đổi diện mạo khung pháp lý, thể chế chính sách về thương mại, đầu tư, cũng như phương thức quản lý kinh tế của Việt Nam:

Chỉ trong 2 năm trước và sau thời điểm gia nhập WTO (2006 – 2007), Việt Nam đã sửa ữên 60 văn bản luật để thực thi cam kết WTO. Hàng trăm nghị định, thông tư hướng dẫn cũng đã được sửa đổi.

Để tham gia và thực hiện cam kết trong WTO, Việt Nam đã chuyển dần từ phương thức quản lý nhà nước – can thiệp sâu vào nền kinh tế, sang phương thức quản lý nhà nước linh hoạt và mềm dẻo hơn trên tinh thần tôn trọng quyền tự do kinh doanh, theo quy luật của nền kinh tế thị trường.

Gần đây nhất, để đáp ứng bối cảnh Việt Nam vừa tham gia WT0, vừa kí kết hàng loạt các thoả thuận thương mại tự do (FTA), cũng như trước yêu cầu cần có một văn bản luật có tính ổn định, thống nhất cao trước nền ngoại thương hiện tại của Việt Nam, Luật Quản lý ngoại thương năm 2017 đã ra đời.

+ Tạo dựng tiền đề và sự tự tin giúp Việt Nam tham gia sâu hơn vào các FTA thế hệ mới:

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, gia nhập WTO chính là “làn sóng hội nhập lần thứ nhất”, tạo tiền đề quan trọng, tạo dựng sự tự tin để Việt Nam tiếp tục tham gia vào “làn sóng hội nhập lần thứ hai” với hàng loạt các FTA thế hệ mới – cùng phạm vi cam kết rộng hơn, mức độ cam kết thậm chí sâu hơn và cao hơn so với trong khuôn khổ WT0.

Tính tới thời điểm tháng 12/2019, Việt Nam đã kí kết được 13 FTA; và đang đàm phán chưa kí kết 3 FTA. Các FTA thế hệ mới điển hình mà Việt Nam tham gia: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA giữa Việt Nam – EƯ (EVFTA). Với tiêu chuẩn cao của hiệp định FTA toàn diện, hai hiệp định này bao gồm nhiều nội dung mởi, phi truyền thống so với các FTA trước đây.

Các FTA đang mở ra thị trường rộng lớn cho Việt Nam với quan hệ thương mại tự do với 56 đối tác trên thể giới, bao gồm các nước G7 và 15/20 thành viên nhóm G20. Khi tất cả các FTA này có hiệu lực, khoảng trên 80% kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ chịu sự điều chỉnh của các FTA này.

 

2. Một số tồn tại

Bên cạnh các thành tựu đạt được. Nền kinh tế Việt Nam sau 12 năm gia nhập WTO cũng bộc lộ một số tồn tại sau:

+ Tăng trưởng kinh tế thấp hơn so với kì vọng (cụ thể: thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng kinh tế trước thời kì gia nhập WTO, bởi đã có những năm tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt 7 – 8%). Nguyên nhân lý giải cho hạn chế này, là do Việt Nam cũng như nhiều nước khác trên thế giới bị ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, khủng hoảng nợ công.

+ Với độ mở lớn cùng tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, nền kinh tế Việt Nam sẽ chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi các diễn biến kinh tế quốc tế ngày càng phức tạp, khó lường. Đồng thời, với quy mô kinh tế nhỏ, việc ứng phó với các biến động trong tương lai của Việt Nam có thể sẽ gặp khó khăn hơn bởi dư địa tài chính, tiền tệ hạn hẹp.

+ Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (hệ số ICOR – Hệ số ICOR là chỉ tiêu kinh tế tổng hợp phản ánh cần bao nhiêu đồng vốn đầu tư thực hiện tăng thêm để tăng thêm 1 đồng tổng sản phẩm trong nước (GDP). Hệ số ICOR thay đổi tuỳ theo thực trạng kinh tế – xã hội trong từng thời ki khác nhau, phụ thuộc vào cơ cấu đầu tư và hiệu quả sử dụng đồng vốn. Hệ số ICOR thấp chứng tỏ đâu tư có hiệu quả cao và ngược lại) của nền kinh tế ở mức rất cao, và cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực. ICOR của Việt Nam là 6,25 vào giai đoạn 2011 – 2015, giai đoạn 2016 – 2019 là 6,14 và năm 2019 là 6,07. Trong khi đó, hệ số ICOR của các nước trong khu vực giai đoạn 2011- 2015: Indonesia chỉ là 3,86; Philippines là 4; Malaysia là 5,1. Thậm chí hệ số ICOR của Việt Nam còn cao hơn nhiều so với Lào (với 4,2) – nền kinh tế được coi là kém phát triển hon. Điều đáng nói nữa là ICOR của khu vực kinh tế nhà nước cao gần 1,5 lần so với chỉ số trung bình của toàn nền kinh tế.

ICOR cao được lý giải bởi nguyên nhân: do Việt Nam đang trong giai đoạn tập trung cho phát triển hạ tầng, bao gồm cả hạ tầng vùng sâu, vùng xa và đầu tư cho xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội. Song, nguyên nhân chính là do công tác quy hoạch còn hạn chế; quyết định đầu tư dàn trải, hiệu quả thấp và nhiều công trình, dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước (bao gồm cả tín dụng nhà nước, trái phiếu chính phủ và vốn đối ứng ODA) còn để xảy ra thất thoát, lãng phí.

+ Cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam, phần lớn vẫn là các ngành sử dụng tài nguyên, gia công, thâm dụng lao động và chủ yếu là ở dạng thô, tỉ lệ sản phẩm đã qua chế biến còn thấp (đặc biệt là hàng nông nghiệp). Do vậy, giá trị gia tăng trên sản phẩm còn thấp. Nguyên nhân của tình trạng này được lý giải bởi trình độ khoa học công nghệ của Việt Nam còn thấp, trình độ tay nghề của người lao động chưa cao (chủ yếu là lao động ở dạng thủ công). Ngay cả khi đã có công nghệ, việc áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp và công nghiệp cũng còn chậm.

+ Năng suất lao động bình quân và chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam ở mức thấp so với các nước trên thế giởi và khu vực, đặc biệt trong bối cảnh cả thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang đối mặt với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Mặc dù Việt Nam được đánh giá là có cơ cấu dân số “vàng”, khi tỉ lệ người dân trong độ tuổi lao động chiếm tỉ lệ cao (đon cử năm 2019, theo Tổng cục Thống kê: số người trong độ tuổi lao động trên tổng dân số cả nước chiếm 50,89%). Nhưng năng suất lao động của người Việt Nam ở mức thấp so với các nước, ngay cả so với các nước trong khu vực (Ví dụ: năm 2018, năng suất lao động trung bình của 1 người Việt Nam chỉ bằng 1/14 so với người Singapore, bằng 1/5 người Malaysia, bằng 1/3 người Thái Lan, bằng 1/2 người Philippines và người Indonesia).

Bên cạnh đó, theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ Cách mạng công nghiệp 4.0. Theo đó, những ngành sử dụng nhiều lao động phổ thông sẽ chịu tác động lớn, nguy cơ thất nghiệp cao do sự phát triển của công nghệ tự động và trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên, trong cuộc cách mạng này, nhiều ngành nghề sẽ biến mất, nhưng lại có những công việc mới ra đời. Điều đó đòi hỏi nguồn nhân lực phải được trang bị kiến thức, kĩ năng phù họp để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Trong báo cáo về mức độ sẵn sàng cho nền sản xuất trong tương lai do Diễn đàn Kinh tế thế giới công bố năm 2018, Việt Nam thuộc nhỏm các quốc gia chưa sẵn sàng cho cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, chỉ xếp thứ 70/100 về nguồn nhân lực và 81/100 về lao động có chuyên môn cao. Cũng theo báo cáo này, so sánh với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á về nguồn nhân lực, Việt Nam xếp sau Malaysia, Thái Lan, Philippines.

+ Kinh tế vĩ mô chưa thực sự bền vững khi cân đối ngân sách tiếp tục khó khăn, thâm hụt ngân sách kéo dài, nợ công cao.

Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, mặc dù những năm gần đây mức thâm hụt ngân sách có giảm, nhưng vẫn ở mức cao. Bội chi ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2017 là 174,3 nghìn tỉ đồng, và năm 2018 là 204 nghìn tỉ đồng. So với GDP, bội chi NSNN là 3,48% năm 2017 và năm 2018 là 3,67%. Nợ công của Việt Nam trong những năm gần đây thường ở mức cao, năm 2017 là 62,6% GDP, năm 2018 là 61,4% GDP, gần với giới hạn 65% theo quy định của Luật Quản lý nợ công. Năm 2019, bội chi ngân sách nhà nước là 3,4% GDP. Nợ công 56,1 % GDP.

So với các nước trong khu vực thì thâm hụt ngân sách và tỉ lệ nợ công của Việt Nam ở mức cao hơn nhiều. Cụ thể, theo số liệu của IMF tại báo cáo triển vọng kinh tế thế giới (WEO), năm 2015, thâm hụt NSNN của Việt Nam là 6,9% GDP (thực tế tại Việt Nam là 6,1%), trong khi của Thái Lan là 1,2% GDP, của Indonesia là 2,3% GDP, của Philippines là 0,12% GDP và của Campuchia là 2% GDP.

Nguyên nhân của tình trạng này: Do mở rộng đầu tư công một cách ồ ạt nhưng chưa hiệu quả dẫn đến nợ công tăng mạnh. Trong nhiều năm qua, Nhà nước đầu tư rất lớn cho các công trình công cộng, đặc biệt là cơ sở hạ tầng, cảng biển, sân bay đặc khu kinh tế… Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mỗi năm Việt Nam cần khoảng 25 tỉ USD để đầu tư cho cơ sở hạ tầng, trong khi đó vốn huy động được hàng năm từ Nhà nước và tư nhân chưa đến 16 tỉ USD, phần còn lại là phải vay nợ nước ngoài. Sự mất giá của tiền đồng Việt Nam so với một số đồng tiền mạnh như đồng USD, JPY… cũng góp phần tăng khoản nợ vay nước ngoài của Việt Nam. Do tỉ lệ vay bằng đồng USD và đồng JPY thường chiếm tỉ lệ cao trong vay nợ nước ngoài của Việt Nam.

 

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá *