Chính sách quốc phòng và an ninh quốc gia theo Hiến pháp 2013

[VPLUDVN] Bảo vệ Tổ quốc, chống lại sự xâm lược từ bên ngoài là chức năng đối ngoại quan trọng nhất của bất cứ nhà nước nào. Ở nước ta, dựng nước và giữ nước luôn luôn đi đôi với nhau, là một đặc trưng của lịch sử dân tộc ta. Vì vậy, đối với Nhà nước ta, vấn đề bảo vệ Tổ quốc luôn được xác định là một trong những nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam. Ngay từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, một trong sáu nhiệm vụ cấp bách của nhân dân ta được xác định là: chống giặc ngoại xâm, bảo tồn nền độc lập dân tộc.

 Vì vậy, trong Lời nói đầu của Hiến pháp năm 1946, Quốc hội đã xác định: “Nhiệm vụ của dân tộc ta trong giai đoạn này là bảo toàn lãnh thổ, giành độc lập hoàn toàn và kiến thiết quốc gia trên nền tảng dân chủ. Tại Chương II của Hiến pháp năm 1946, có 4 nghĩa vụ cơ bản của công dân Việt Nam thì 2 nghĩa vụ là bảo vệ Tổ quốc và nghĩa vụ đi lính. Khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bước vào giai đoạn tổng phản công, Nhà nước ta còn quy định thêm nghĩa vụ kháng chiến.

Sau khi hoà bình được lập lại ở miền Bắc, miền Nam còn tạm thời bị chiếm đóng, Nhà nước ta vẫn coi bảo vệ Tổ quốc là một trong những nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam. Năm 1959, Quốc hội thông qua Hiến pháp trong đó có quy định: “Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và cao quý nhất của công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Công dân có bổn phận làm nghĩa vụ quân sự để bảo vệ Tổ quốc” (Điều 42 Hiến pháp năm 1959). Sau khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, mặc dù đất nước đã được độc lập, thống nhất, bảo vệ Tổ quốc vẫn là một trong những nhiệm vụ chiến lược và được Quốc hội khoá VI dành ra một chương riêng (Chương IV) của Hiến pháp năm 1980 để quy định những vấn đề cơ bản nhất trong việc bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, từ Hiến pháp năm 1980 đến nay, Nhà nước và nhân dân ta đã có một nhận thức mới về bảo vệ Tổ quốc là: “Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của công dân” (Điều 45 Hiến pháp năm 2013). Như vậy, bảo vệ Tổ quốc không chỉ là nghĩa vụ mang tính bắt buộc mà còn là quyền cơ bản của công dân mang tính tự giác. Nhận thức mới này bắt nguồn từ thực tiễn của xã hội Việt Nam: dựng nước và giữ nước; độc lập dân tộc và hạnh phúc của mỗi gia đình, cá nhân… luôn gắn liền với nhau.

Ngày nay, vấn đề bảo vệ Tổ quốc cũng là một trong hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh các thế lực thù địch tiếp tục chống phá, kích động bạo loạn, đẩy mạnh hoạt động “diễn biến hoà bình”. Vì vậy, trong Hiến pháp năm 2013 vẫn có một chương (Chương IV) để quy định về “bảo vệ Tổ quốc”. Bảo vệ Tổ quốc là sự nghiệp của toàn dân. Nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc gắn liền với nhiệm vụ bảo vệ an ninh chính trị, trật tự xã hội. Do đó, trong Chương này không chỉ đề cập trách nhiệm và phương hướng xây dựng quân đội nhân dân mà còn đề cập đến trách nhiệm và phương hướng xây dựng công an nhân dân.

Để bảo vệ Tổ quốc Việt Nam, giữ vững an ninh quốc gia, Nhà nước ta chủ trương: “… củng cố và tăng cường nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân mà nòng cốt là lực lượng vũ trang nhân dân; phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước để bảo vệ vững chắc Tổ quốc, góp phần bảo vệ hoà bình ở khu vực và trên thế giới. Cơ quan, tổ chức, công dân phải thực hiện đầy đủ nhiệm vụ quốc phòng và an ninh” (Điều 64 Hiến pháp năm 2013). Như vậy, củng cố và tăng cường nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân là phương châm để bảo vệ Tổ quốc và an ninh quốc gia. Phương châm này bắt nguồn từ bản chất giai cấp của Nhà nước ta – Nhà nước của dân, do dân và vì dân, cũng như từ thực tế của hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Với tư tưởng chỉ đạo: lấy dân làm gốc trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và an ninh quốc gia, Nhà nước ta xác định đó là sự nghiệp của toàn dân. Vì vậy, nhà nước phải phát huy được sức mạnh tổng hợp của toàn dân, của cả hệ thống chính trị, từng bước tăng cường tiềm lực quốc phòng và an ninh của đất nước, xây dựng vững chắc nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân và thế trận an ninh nhân dân, nâng cao chất lượng các lực lượng vũ trang nhân dân, ngăn ngừa và làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động gây mất ổn định chính trị, xã hội, xâm phạm độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, ngăn chặn và trừng trị có hiệu quả các loại tội phạm, bảo đảm tốt trật tự, an toàn xã hội. Để đảm bảo quốc phòng, an ninh, cần thiết phải:

– Kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam hiện nay là xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc;

– Kết hợp quốc phòng và an ninh với kinh tế;

– Gắn nhiệm vụ quốc phòng với nhiệm vụ an ninh;

– Phối hợp chặt chẽ hoạt động quốc phòng và an ninh với hoạt – động đối ngoại;

– Củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia phải được coi là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước, toàn quân và toàn dân;

– Tăng cường quản lí nhà nước về quốc phòng và an ninh;

– Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội và công an, đối với sự nghiệp củng cố quốc phòng và an ninh;

– Củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, lấy liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức làm nền tảng; phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong bảo vệ Tổ quốc và an ninh nhân dân.

1. Chính sách quốc phòng theo Hiến pháp 2013

Là một trong những bộ phận hợp thành của lực lượng vũ trang nhân dân, quân đội trước hết phải tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, nhân dân, với đảng và nhà nước như truyền thống vốn có “vì nhân dân quên mình”, có trách nhiệm sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc cũng như an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ nhân dân, đảng, nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; cùng toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế (Điều 65 Hiến pháp năm 2013). Như vậy nhiệm vụ đầu tiên của quân đội là sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Quân đội phải là lực lượng nòng cốt để bảo vệ đất nước khỏi sự xâm lược từ bên ngoài.

Ngoài nhiệm vụ chủ yếu là sẵn sàng chiến đấu bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, quân đội nhân dân còn có nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ nhân dân, đảng, nhà nước và chế độ. Là công cụ của chuyên chính giai cấp, quân đội không chỉ trấn áp đối với kẻ thù bên ngoài mà còn phải trấn áp đối với bọn phản cách mạng bên trong. Kinh nghiệm lịch sử đã chỉ ra rằng: giữa thù trong và giặc ngoài luôn luôn cấu kết chặt chẽ với nhau để chống phá cách mạng. Vì vậy, nền độc lập của dân tộc có được bảo đảm hay không cũng phụ thuộc rất nhiều vào hoạt động trấn áp bọn phản cách mạng, trong điều kiện hiện nay, khi các nước đế quốc đang âm mưu “diễn biến hoà bình” thì nhiệm vụ bảo đảm an ninh quốc gia, đập tan mọi âm mưu bạo loạn lật đổ chính quyền là một trong những nhiệm vụ của các lực lượng vũ trang nhân dân, trong đó có quân đội.

Quân đội nhân dân còn có nhiệm vụ cùng toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế. Xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc là hai nhiệm vụ chiến lược có quan hệ mật thiết với nhau. Để thực hiện được những nhiệm vụ trên, Nhà nước ta chủ trương xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại (Điều 66 Hiến pháp năm 2013). Trong những năm qua, Nhà nước ta đã thực hiện một cuộc điều chỉnh chiến lược lớn, bố trí lại lực lượng trên phạm vi cả nước, tạo ra thế trận phòng thủ hợp lí, tăng cường khả năng phòng thủ ở khu vực trọng điểm, từng bước xây dựng các khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố. Nhà nước ta đã chấn chỉnh một bước cơ bản về tổ chức, biên chế lực lượng vũ trang đồng thời chú ý xây dựng lực lượng dự bị động viên và nâng cao chất lượng dân quân tự vệ. Các xí nghiệp quốc phòng và các tổ chức làm kinh tế của quân đội bước đầu chuyển sang thực hiện được kế hoạch hàng năm, góp phần bảo đảm cho quốc phòng và tham gia xây dựng đất nước. Những kết quả trên lĩnh vực quân sự và quốc phòng đã tác động tích cực đến việc thực hiện cả hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tạo điều kiện thuận lợi mới cho công cuộc xây dựng kinh tế. Để thực hiện được những nhiệm vụ trên, Nhà nước ta chủ trương phải … xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có lực lượng thường trực hợp lí, lực lượng dự bị động viên hùng hậu, lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh và rộng khắp, làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng” (Điều 66 Hiến pháp năm 2013).

2. Chính sách an ninh quốc gia theo Hiến pháp 2013

Phương hướng phát triển lực lượng công an nhân dân được quy định tại Điều 67 Hiến pháp năm 2013 là: “Nhà nước xây dựng công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm”.

Ngay từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, để bảo vệ những thành quả của cách mạng, trấn áp những phần tử phản động, bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, Chủ tịch Chính phủ đã ra Sắc lệnh số 23 ngày 21/02/1946 về việc thành lập Việt Nam công an vụ thuộc Bộ Nội vụ. Mọi thành quả của cách mạng Việt Nam đều có công lao đóng góp của lực lượng công an nhân dân. Hiện nay tình hình an ninh, trật tự xã hội còn phức tạp. Các thế lực thù địch ở trong nước và ngoài nước cấu kết với nhau, ra sức khai thác cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa xã hội và những sơ hở của Nhà nước ta để chống phá. An ninh nội bộ, an ninh kinh tế, tư tưởng văn hoá, an ninh biên giới còn nhiều vấn đề phải quan tâm. Trật tự, an toàn xã hội, nhất là ở thành phố, thị xã còn nhiều phức tạp, tình hình thất thoát lớn tài sản, tham nhũng, buôn lậu, đạo đức suy đồi… đang là những vấn đề nóng bỏng. Tình hình trên đòi hỏi nhà nước phải có những chính sách, biện pháp quản lí nhà nước, quản lí xã hội một cách có hiệu quả hơn. Riêng đối với công an nhân dân là “lực lượng nòng cốt” trong việc bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội càng phải được củng cố và xây dựng nhằm đảm nhiệm trọng trách được giao. Vì vậy, Nhà nước ta chủ trương “xây dựng công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại” (Điều 67 Hiến pháp năm 2013). Chủ trương đó là hoàn toàn phù hợp với thực tế của xã hội Việt Nam.

3. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, công dân trong bảo vệ tổ quốc

Trong việc bảo vệ Tổ quốc, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, cơ quan, tổ chức, công dân có nhiệm vụ “phải thực hiện đầy đủ nhiệm vụ quốc phòng và an ninh” (Điều 64 Hiến pháp năm 2013). Trước hết, các cơ quan, tổ chức phải động viên tinh thần yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân, giáo dục quốc phòng và an ninh cho toàn dân; phải cổ vũ, động viên thanh niên thực hiện nghĩa vụ quân sự; xây dựng lực lượng dân quân tự vệ hùng hậu trên cơ sở kết hợp xây dựng với bảo vệ Tổ quốc; phải thực hiện chính sách hậu phương quân đội một cách triệt để.

Cụ thể, trong lĩnh vực bảo vệ Tổ quốc và an ninh quốc gia, nhiệm vụ của Quốc hội được quy định tại khoản 13 Điều 70 Hiến pháp năm 2013: “Quyết định vấn đề chiến tranh và hòa bình; quy định về tình trạng khẩn cấp, các biện pháp đặc biệt khác bảo đảm quốc phòng và an ninh quốc gia”.

Nhiệm vụ của Chủ tịch nước được quy định tại khoản 5 Điều 88 Hiến pháp năm 2013 là: “Thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, giữ chức Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh; quyết định phong, thăng, giáng, tước quân hàm cấp tướng, chuẩn đô đốc, phó đô đốc, đô đốc hải quân; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Tổng tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội hoặc của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, công bố, bãi bỏ quyết định tuyên bố tình trạng chiến tranh; căn cứ vào nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, ra lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ, công bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp; trong trường hợp Uỷ ban thường vụ Quốc hội không thể họp được, công bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp trong cả nước hoặc ở từng địa phương”.

Nhiệm vụ của Chính phủ được quy định tại khoản 3 Điều 96 Hiến pháp năm 2013 là: “Thống nhất quản lí… quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; thi hành lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ, lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp và các biện pháp cần thiết khác để bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm tính mạng, tài sản của nhân dân”.

Nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được quy định tại Điều 9 Hiến pháp năm 2013 là: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân… tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Trách nhiệm của công dân trong việc bảo vệ Tổ quốc và an ninh quốc gia được xác định tại các điều 44, 45, 46 Hiến pháp năm 2013. Đã là công dân Việt Nam thì đều phải có nghĩa vụ trung thành với Tổ quốc. Trong các loại tội phạm thì “phản bội Tổ quốc là tội nặng nhất” (Điều 44 Hiến pháp năm 2013). Trong các nghĩa vụ của công dân thì nghĩa vụ “bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của công dân”. Vì vậy, “công dân phải thực hiện nghĩa vụ quân sự và tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân” (Điều 45 Hiến pháp năm 2013). Công dân đồng thời còn có nghĩa vụ tham gia bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội” (Điều 46 Hiến pháp năm 2013).

Như vậy, bảo vệ Tổ quốc gắn liền với giữ vững an ninh quốc gia là trách nhiệm của toàn dân. Tất cả các cơ quan, tổ chức và công dân đều có trách nhiệm bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; trong đó quân đội và công an là những lực lượng nòng cốt.


Ghi chú: Bài viết được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng Việt Nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá *