[VPLUDVN] Thủ tục hành chính có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp và đời sống nhân dân. Thông qua thủ tục hành chính, các cá nhân, tổ chức thực hiện được quyền lợi, nghĩa vụ của mình và đồng thời, các cơ quan hành chính nhà nước thực hiện chức năng quản lý nhà nước.
Căn cứ vào dấu hiệu quyền lực, chủ thể của thủ tục hành chính gồm chủ thể thực hiện thủ tục hành chính và chủ thể tham gia thủ tục hành chính.
Chủ thể thực hiện thủ tục hành chính: Là chủ thể sử dụng quyền lực nhà nước, nhân danh Nhà nước tiến hành các thủ tục hành chính, bao gồm các cơ quan, cán bộ, công chức nhà nước, tổ chức nhà nước, cá nhân được Nhà nước trao quyền quản lí trong trường hợp cụ thể do pháp luật quy định.
Chủ thể tham gia thủ tục hành chính: Là chủ thể phục tùng quyền lực nhà nước khi tham gia vào thủ tục hành chính, bao gồm các cơ quan, cán bộ, công chức nhà nước, các tổ chức và cá nhân. Chủ thể tham gia thủ tục hành chính có thể bằng hành vi của mình làm xuất hiện thủ tục hành chính, góp phần làm cho thủ tục hành chính được tiến hành nhanh chóng, thuận lợi nhưng các chủ thể này không thể tự mình thực hiện thủ tục hành chính vì thủ tục hành chính phải do các chủ thể có thẩm quyền thực hiện.
Cơ quan hành chính nhà nước là cơ quan có chức năng quản lí hành chính nhà nước nên trong hầu hết các hoạt động của mình cơ quan hành chính nhà nước nhân danh quyền lực nhà nước thực hiện hoạt động quản lí. Những hoạt động này được thực hiện theo thủ tục hành chính vì vậy khi đó cơ quan hành chính nhà nước là chủ thể thực hiện thủ tục hành chính. Chẳng hạn, là cơ quan ban hành văn bản quy phạm pháp luật thực hiện thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thiết lập trật tự quản lý trong các lĩnh vực xã hội. Trong nhiều trường hợp, những thủ tục hành chính này được cán bộ, công chức trong hệ thống cơ quan hành chính nhà nước trực tiếp thực hiện. Cán bộ, công chức khi đó là chủ thể thực hiện thủ tục hành chính. Trong một số trường hợp, cơ quan hành chính nhà nước, cán bộ, công chức của cơ quan hành chính nhà nước cũng là chủ thể tham gia thủ tục hành chính. Chẳng hạn, là chủ thể tham gia thủ tục thanh tra, kiểm tra khi là đối tượng thanh tra, kiểm tra; là chủ thể tham gia thủ tục khiếu nại khi hành vi hành chính, quyết định hành chính của họ bị cơ quan, tổ chức, cá nhân khiếu nại lên cấp trên.
Cơ quan quyền lực nhà nước, tòa án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân mặc dù không có chức năng quản lí hành chính nhà nước nhưng để hoạt động một cách bình thường các cơ quan đó phải tiến hành nhiều hoạt động quản lí nội bộ. Các hoạt động này tuân theo thủ tục hành chính trong đó các chủ thể trên và các các bộ, công chức trong các cơ quan này là chủ thể thực hiện thủ tục hành chính. Ngoài ra, các cơ quan đó còn có quyền quản lí hành chính nhà nước trong trường hợp cụ thể như Thẩm phán chủ tọa phiên tòa là chủ thể thực hiện thủ tục xử phạt vi phạm hành chính khi xử phạt người có hành vi cản trở, gây rối trật tự tại phiên tòa. Khi đó thẩm phán chủ tọa phiên tòa là chủ thể thực hiện thủ tục hành chính. Các chủ thể trên có thể là chủ thể tham gia thủ tục hành chính như tham gia thủ tục cấp phép khi xin cấp phép xây dựng, giấy phép lưu hành phương tiện vận tải của cơ quan.
Tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế hầu hết là chủ thể tham gia thủ tục hành chính. Ví dụ, tham gia thủ tục xin phép thành lập, xin phép tiến hành một số hoạt động như hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hay khi bị xử phạt vi phạm hành chính. Ngoại lệ, một số tổ chức là chủ thể thực hiện thủ tục hành chính trong một số trường hợp mà pháp luật quy định như các tổ chức chính trị – xã hội được thực hiện thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật khi phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành văn bản liên tịch.
Cá nhân bao gồm công dân Việt Nam, người nước ngoài, người không quốc tịch thường là chủ thể tham gia thủ tục hành chính như thủ tục đăng ký sở hữu xe, đăng ký giấy khai sinh. Nhưng cá nhân cũng có thể là chủ thể thực hiện thủ tục hành chính như người chỉ huy tàu bay, tàu biển được thực hiện thủ tục tạm giữ người có hành vi vi phạm hành chính trên tàu bay, tàu biển khi các phương tiện đó đã rời khỏi sân bay, bến cảng.
Sự phân chia thành chủ thể thực hiện thủ tục hành chính và chủ thể tham gia thủ tục hành chính chỉ mang tính chất tương đối bởi khi xem xét trong mỗi thủ tục hành chính cụ thể thì chủ thể đó sẽ có tư cách khác nhau dựa theo quy định của pháp luật. Cơ quan hành chính nhà nước, cán bộ, công chức của cơ quan hành chính nhà nước; cơ quan quyền lực nhà nước, tòa án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân; tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế; cá nhân tùy trường hợp có thể là chủ thể thực hiện thủ tục hành chính hoặc là chủ thể tham gia thủ tục hành chính.
Ghi chú: Bài viết được được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng VIệt Nam.