Chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng bầu cử Quốc gia

1. Việc thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia đáp ứng yêu cầu đổi mới công tác bầu cử đại biểu Quốc hội 
Bầu cử là quyền hiến định của công dân. Công dân Việt Nam không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, thời hạn cư trú, đủ 18 tuổi trở lên đều có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên đều có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân (HĐND) theo quy định của pháp luật
Đồng thời, Hiến pháp còn quy định cuộc bầu cử Quốc hội và HĐND được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Quyền bầu cử và ứng cử của công dân thể hiện bản chất dân chủ của chế độ xã hội ở nước ta nên việc tổ chức và tiến hành cuộc bầu cử theo đúng quy định của Hiến pháp là điều có ý nghĩa hết sức quan trọng, là tiền đề để tổ chức bộ máy nhà nước của dân, do dân, vì dân.
Việc hiến định Hội đồng Bầu cử quốc gia (HĐBCQG) trong Hiến pháp năm 2013 có ý nghĩa quan trọng nhằm phát huy hơn nữa bản chất dân chủ của chế độ xã hội, quyền làm chủ của người dân ở nước ta. Điều này được thể hiện ở chỗ, thứ nhất, bầu cử là sự lựa chọn của nhân dân, nhất là lựa chọn những người xứng đáng, đại diện cho nhân dân ở các cơ quan dân cử: Quốc hội và HĐND ở các cấp chính quyền địa phương; qua đó, người dân trao quyền cho các đại biểu – những người đại diện cho họ để quyết định các vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ của cơ quan dân cử. Thứ hai, bầu cử là việc trao quyền lực của nhân dân cho người đại diện; người nhận được sự ủy quyền của nhân dân có quyền lực để thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn do Hiến pháp hay văn bản luật quy định. Đây cũng chính là quan điểm của Ban biên tập Dự thảo Hiến pháp năm 1992 sửa đổi cho rằng, việc thành lập HĐBCQG nhằm “tăng cường hình thức dân chủ trực tiếp theo hướng hoàn thiện chế định bầu cử…” Qua thảo luận tại các kỳ họp Quốc hội, việc thành lập HĐBCQG nhận được nhiều ý kiến ủng hộ của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH).
Việc thành lập HĐBCQG là một thiết chế độc lập sẽ góp phần khắc phục những hạn chế, bất cập của cơ chế tổ chức, quản lý bầu cử hiện nay, nhất là hiện đang có nhiều cơ quan, tổ chức khác ngoài Hội đồng bầu cử tham gia vào công tác bầu cử, nên khó đảm bảo sự thống nhất, sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên và khó quy trách nhiệm rõ ràng; Hội đồng bầu cử thiếu sự độc lập cần thiết, hoạt động không mang tính độc lập, chủ động và tự quyết cao; Hội đồng bầu cử không có quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật; quyết định danh sách ứng cử viên; tự chủ và quản lý ngân sách
2. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng Bầu cử quốc gia trong việc tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội 
Điều 117 Hiến pháp năm 2013 quy định về HĐBCQG, theo đó, “HĐBCQG là cơ quan do Quốc hội thành lập, có nhiệm vụ tổ chức bầu cử ĐBQH; chỉ đạo và hướng dẫn công tác bầu cử đại biểu HĐND các cấp.
HĐBCQG gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các Ủy viên.
Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của HĐBCQG và số lượng thành viên HĐBCQG do luật định”.
Quy định của Hiến pháp năm 2013 cho thấy, cần phải thiết kế cụ thể, chi tiết về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐBCQG sao cho hình thành trên thực tế một cơ chế tổ chức bầu cử mới, hiệu quả do HĐBCQG chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện. Việc quy định chức năng, nhiệm vụ của HĐBCQG phải căn cứ vào quan niệm HĐBCQG có phải là cơ quan hoạt động thường xuyên hay không? Trong quá trình thảo luận tại Quốc hội, có một số ý kiến băn khoăn về sự cần thiết thành lập HĐBCQG vì cho rằng “cuộc bầu cử ĐBQH chỉ diễn ra năm năm một lần”. Chúng tôi cho rằng, HĐBCQG phải là cơ quan hoạt động thường xuyên vì các lý do sau đây: (i) việc tổ chức bầu cử ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp không chỉ theo định kỳ mà còn tổ chức bầu cử trong trường hợp khuyết đại biểu vì lý do sức khỏe không đủ để hoàn thành nhiệm vụ đại biểu hoặc bị bãi miễn. Trong trường hợp này, phải tổ chức bầu bổ sung đại biểu bị khuyết; nếu không đơn vị bầu cử ở đó không có người đại diện tại Quốc hội hoặc HĐND địa phương; (ii) HĐBCQG là cơ quan chuyên môn có trách nhiệm thúc đẩy, bảo đảm quyền bầu cử, ứng cử và thực hiện luật bầu cử ở nước ta. Đây là công việc có khối lượng lớn cần được tiến hành thường xuyên, liên tục để nâng cao nhận thức của chúng ta về việc thực hiện quyền bầu cử; nghiên cứu, đề xuất giải pháp nâng cao việc thực hành quyền bầu cử của công dân và góp phần giải quyết các thắc mắc, khiếu nại liên quan đến bầu cử.
2.1. Chức năng, nhiệm vụ của HĐBCQG
Theo quy định của Hiến pháp năm 2013, có thể khẳng định rằng chức năng chủ yếu của HĐBCQG là tổ chức bầu cử ĐBQH, HĐND các cấp tuy rằng có sự khác biệt trong lời văn của hai nhiệm vụ này. Cụ thể là Hiến pháp quy định “HĐBCQG có nhiệm vụ tổ chức bầu cử ĐBQH”, “chỉ đạo và hướng dẫn công tác bầu cử đại biểu HĐND các cấp”. Rõ ràng đây là hai nội hàm có nhiều điểm chung nhưng cũng có nhiều điểm khác nhau về vai trò của HĐBCQG trong việc bầu cử ĐBQH và bầu cử đại biểu HĐND các cấp.
Phân tích vai trò của Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) trong việc tổ chức bầu cử ĐBQH trong các nhiệm kỳ vừa qua và từ thực tế triển khai công việc này, chúng tôi cho rằng, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐBCQG đương nhiên phải kế thừa toàn bộ nhiệm vụ, quyền hạn của UBTVQH trong việc chỉ đạo, tổ chức cuộc bầu cử ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp với những nhiệm vụ cụ thể như sau:
(i)           Tổ chức, điều hành cuộc bầu cử ĐBQH, HĐND các cấp;
(ii)        Công bố kết quả bầu cử; kết quả giải quyết các khiếu nại, tố cáo về bầu cử nếu có;
(iii)       Trình Quốc hội, HĐND các cấp báo cáo về việc thẩm tra tư cách ĐBQH, đại biểu HĐND căn cứ vào kết quả bầu cử;
(iv)        về việc bãi nhiệm ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp;
(v)         báo cáo về kết quả bầu cử bổ sung ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp;
(vi)       báo cáo về việc thực hiện luật bầu cử; từ đó, đề xuất các giải pháp, kiến nghị hoàn thiện chế định bầu cử ở nước ta.
Trong số các nhiệm vụ này, có những nhiệm vụ mới của HĐBCQG như trình Quốc hội, HĐND các cấp báo cáo về việc thẩm tra tư cách ĐBQH, đại biểu HĐND căn cứ vào kết quả bầu cử. Điều này rõ ràng sẽ khắc phục được tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi” khi thành phần của Ủy ban thẩm tra tư cách đại biểu do Quốc hội lập ra lại gồm các ĐBQH cũng vừa mới trúng cử tại kỳ bầu cử ĐBQH.
2.2. Cơ cấu tổ chức của thiết chế HĐBCQG
Chức năng, nhiệm vụ của HĐBCQG có mối liên hệ mật thiết với cơ cấu tổ chức của HĐBCQG. Theo đó, HĐBCQG phải được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc làm việc tập thể, quyết định theo đa số. Chính vì vậy, các thành viên của HĐBCQG phải do Quốc hội bầu. Ở đây, cần làm rõ những vấn đề chủ yếu về số lượng, cơ cấu, tổ chức của HĐBCQG cụ thể như sau:
(i)           Số lượng thành viên của HĐBCQG;
(ii)        Chủ tịch và các thành viên của HĐBCQG do ai, tổ chức nào dự kiến và giới thiệu để Quốc hội bầu;
(iii)      HĐBCQG có các văn phòng đại diện ở các địa phương hay không;
Nghiên cứu kinh nghiệm các nước cho thấy, số lượng thành viên của HĐBCQG của Ấn Độ là 3 người gồm Chủ tịch và 2 ủy viên, ở Latvia, Hàn Quốc thì Ủy ban bầu cử trung ương có 9 thành viên, trong khi đó ở Philippin có 7 thành viên. Ở nước ta, để chuẩn bị cho cuộc bầu cử ĐBQH khóa XIII và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016, UBTVQH đã thành lập Hội đồng Bầu cử có 21 thành viên do Chủ tịch Quốc hội làm Chủ tịch Hội đồng Bầu cử và lãnh đạo Quốc hội, Phó Chủ tịch nước, Chính phủ, Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Nội vụ, Ban Công tác đại biểu, Văn phòng Quốc hội, Ban Tổ chức trung ương, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và Hội Cựu chiến binh Việt Nam là Ủy viên. Như vậy, Hội đồng Bầu cử ở nước ta có thành phần đại diện rất đông đảo gồm lãnh đạo Đảng, các cơ quan Nhà nước, các Bộ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội. Việc thành lập HĐBCQG được hiến định cần tính đến đặc điểm này của việc tổ chức Hội đồng Bầu cử qua các nhiệm kỳ vừa qua, để có số lượng, cơ cấu thành phần hợp lý.
Theo quy định của Hiến pháp năm 2013, HĐBCQG có Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các Ủy viên. Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của HĐBCQG và số lượng thành viên HĐBCQG do luật định. Như vậy, cũng cần quy định rõ trong Luật Bầu cử về chức năng, nhiệm vụ của Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các Ủy viên và đồng thời phải quán triệt nguyên tắc làm việc tập thể, quyết định theo đa số của HĐBCQG để phát huy vai trò và bảo đảm sự bình đẳng giữa các Ủy viên với nhau.
Với vấn đề ai là người được giới thiệu làm Ủy viên của HĐBCQG, tham khảo kinh nghiệm của Philippin cho thấy, người được giới thiệu là người có quốc tịch Philippin, đủ 35 tuổi trở lên vào thời điểm được bổ nhiệm, có bằng cao đẳng và không phải là ứng cử viên cho bất kỳ vị trí nào ở các cuộc bầu cử ngay trước đó. Phần lớn họ là thành viên của Đoàn Luật sư và đã hành nghề luật ít nhất là 10 năm. Ở nước ta, chúng tôi cho rằng, thành viên của HĐBCQG phải là công dân Việt Nam, có đủ kinh nghiệm quản lý nhà nước, trải qua các công tác điều hành thực tiễn, có kinh nghiệm công tác trong các cơ quan Đảng, Nhà nước và khi đã được bầu làm thành viên của HĐBCQG thì họ không thể đồng thời kiêm nhiệm các vị trí công tác khác trong các cơ quan Đảng, Nhà nước hoặc các tổ chức chính trị – xã hội.
Kinh nghiệm của các nước cũng cho thấy, không nên tổ chức các Văn phòng đại diện của HĐBCQG tại các khu vực trong cả nước, mà trong tổ chức bộ máy giúp việc của Hội đồng này có các vụ/đơn vị chuyên môn theo dõi các mặt công tác của Hội đồng.

Ghi chú: Bài viết được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng Việt Nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá *