Khái niệm chứng cứ trong vụ án hành chính

Khái niệm chứng cứ trong vụ án hành chính

     Trong giải quyết vụ án hành chính, để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện nhằm hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ quyết định hành chính hoặc chấm dứt hay phải thực hiện hành vi hành chính, các bên đương sự phải đưa ra những tình tiết, sự kiện liên quan đến quá trình ban hành quyết định hành chính hoặc thực hiện hành vi hành chính đã diễn ra trước đó tại cơ quan nhà nước.

     Các tình tiết, sự kiện trên mặc dù đã xảy ra trước khi khởi kiện đến Tòa án và chúng có thể được các bên đương sự trình bày khác nhau tại Tòa án nhưng các tình tiết, sự kiện đó vẫn được tái diễn lại. Những thông tin này được thể hiện dưới các hình thức như: tài liệu, lời trình bày bằng miệng của các bên đương sự, người làm chứng, người chứng kiến, đồ vật… Chúng được Tòa án sử dụng để xác định các tình tiết khách quan khi giải quyết vụ án hành chính, được gọi là chứng cứ.

     Điều 80 Luật Tố tụng hành chính quy định về chứng cứ trong vụ án hành chính như sau: “Chứng cứ trong vụ án hành chính là những gì có thật được đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác giao nộp, xuất trình cho Tòa án trong quá trình tố tụng hoặc do Tòa án thu thập được theo trình tự, thủ tục do Luật này quy định mà Tòa án sử dụng làm căn cứ để xác định các tình tiết khách quan của vụ án cũng như xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp”.

     Một số đặc điểm của chứng cứ trong vụ án hành chính:

  • Chứng cứ phải đảm bảo tính khách quan. Tính khách quan được thể hiện ở chỗ các tình tiết, sự kiện về tính hợp pháp của đối tượng khiếu kiện trong vụ án hành chính là những gì có thật, chúng tồn tại khách quan, độc lập với ý thức của các chủ thể chứng minh trong vụ án hành chính.
  • Tính liên quan của chứng cứ. Chứng cứ được Tòa án dùng làm căn cứ để xác định có hay không quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm hại bởi đối tượng khởi kiện; tính hợp pháp, có căn cứ đối tượng khởi kiện, của yêu cầu khởi kiện. Trong quá trình giải quyết vụ án hành chính, Tòa án có thể thu thập được rất nhiều tài liệu, chứng cứ khác nhau nhưng chỉ những tài liệu, chứng cứ liên quan đến vụ án, làm sáng tỏ những vấn đề cần chứng minh về tính hợp pháp của đối tượng tranh chấp trong vụ án mới được công nhận là chứng cứ.
  • Tính hợp pháp của chứng cứ. Tính hợp pháp này thể hiện thuộc tính pháp lý của chứng cứ, chứng cứ phải được thu thập từ các nguồn hợp pháp, đúng quy định của Luật Tố tụng hành chính. Việc không tuân thủ theo quy định về các biện pháp thu thập chứng cứ sẽ làm mất giá trị chứng minh của chứng cứ.

     Ba đặc điểm nói trên của chứng cứ nói chung và chứng cứ trong vụ án hành chính nói riêng là một thể thống nhất, có mối quan hệ biện chứng, tác động qua lại lẫn nhau, nếu thiếu một trong ba đặc điểm trên thì không được coi là chứng cứ.


Ghi chú: Bài viết được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng Việt Nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá *