Cơ cấu của hệ thống Viện Kiểm sát nhân dân hiện nay về cơ bản được tổ chức như hệ thống Viện Kiểm sát nhân dân của Hiến pháp 1992, sau khi đã có sự cắt bỏ những bộ phận đảm nhiệm chức năng kiểm sát chung.
Cơ cấu tổ chức của Viện kiểm sát nhân dân được quy định tại Chương X Hiến pháp năm 1992 sửa đổi và tại các chương VII, VIII Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002. Các Viện kiểm sát nhân dân ở nước ta tạo thành một hệ thống thống nhất, bao gồm:
– Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
– Các Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
– Các Viện kiểm sát nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
– Các Viện kiểm sát quân sự (Điều 30 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân).
Theo Điều 31 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002, Viện kiểm sát nhân dân tối cao gồm có Viện trưởng, các Phó Viện trưởng, các kiểm sát viên và các điều tra viên. Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao do Quốc hội bầu ra theo sự giới thiệu của Chủ tịch nước. Các Phó Viện trưởng, kiểm sát viên, và các điều tra viên Viện Kiểm sát tối cao do Chủ tịch nước bổ nhiệm theo đề nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
Các thành phần trên của Viện kiểm sát tối cao được cơ cấu thành: Uỷ ban kiểm sát, các Cục, Vụ, Viện kiểm sát quân sự trung ương. Bên cạnh các cơ cấu có tính chuyên môn nghiệp vụ nói trên còn các cơ cấu giúp việc. Đó là Văn phòng, Trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ kiểm sát.
Ủy ban Kiểm sát Viện kiểm sát nhân dân tối cao là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Viện kiểm sát gồm có: Viện trưởng, các Phó Viện trưởng, và một số kiểm sát viên.
Ủy ban Kiểm sát có nhiệm vụ: Thảo luận và quyết định những vấn đề về phương hướng, nhiệm vụ, kế hoạch công tác của toàn ngành, các dự thảo trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội và Chủ tịch nước; những kiến nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc đấu tranh, phòng chống tội phạm giử Thủ tướng Chính phủ; những ý kiến của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao không nhất trí với nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; những vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình, hành chính, kinh tế, lao động quan trọng; những vấn đề quan trọng khác do ít nhất một phần ba tổng số thành viên Ủy ban kiếm sát yêu cầu.
Nghị quyết của Uỷ ban kiểm sát phải được quá nửa tổng số thành viên biểu quyết tán thành; trong trường hợp biểu quyết ngang nhau thì thực hiện theo phía có ý kiến của Viện trưởng. Nếu Viện trưởng không nhất trí với ý kiến của đa số thành viên Uỷ ban kiểm sát thì thực hiện theo quyết định của đa số, nhưng có quyền báo cáo Uỷ ban thường vụ Quốc Hội hoặc Chủ Tịch nước.
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao là người lãnh đạo thống nhất toàn bộ hệ
thống Viện kiểm sát nhân dân. Theo Điều 33 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm
2002, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có những nhiệm vụ và quyền hạn sau:
1. Lãnh đạo việc thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch công tác kiểm sát và xây dựng Viện kiểm sát nhân dân về mọi mặt; quyết định những vấn đề về công tác kiểm sát không thuộc thẩm quyền của Uỷ ban kiểm sát;
2. Ban hành quyết định, chỉ thị, thông tư, điều lệ, quy chế, chế độ công tác áp dụng
đối với ngành kiểm sát;
3. Chỉ đạo, kiểm tra hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân và Viện kiểm sát quân sự các cấp, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của ngành kiểm sát;
4. Quy định bộ máy làm việc của Viện kiểm sát nhân dân tối cao và trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội phê chuẩn; quyết định bộ máy làm việc của Viện kiểm sát nhân dân địa phương; quy định bộ máy làm việc của Viện kiểm sát quân sự sau khi thống nhất với Bộ trưởng Bộ quốc phòng và trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội phê chuẩn;
5. Chỉ đạo việc xây dựng và trình dự án luật, dự án pháp lệnh theo quy định của pháp luật; đề nghị Uỷ ban thường vụ Quốc hội giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh khi thấy cần thiết cho việc áp dụng thống nhất pháp luật;
6. Trình Chủ Tịch nước ý kiến của mình về những trường hợp người bị kết án xin ân giảm án tử hình;
7. Tổ chức việc thống kê tội phạm;
8. Tham dự các phiên họp của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao bàn về
việc hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật.
Các Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao do Chủ tịch nước bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Các Phó Viện trưởng giúp Viện trưởng thực thi nhiệm vụ theo sự phân công của Viện trưởng..
So với Uỷ ban kiểm sát Viện kiểm sát nhân dân tối cao theo Hiến pháp năm 1980 thì Uỷ ban kiểm sát theo Hiến pháp năm 1992 có những điểm bổ sung mới rất căn bản. Theo Hiến pháp năm 1980, Uỷ ban kiểm sát chỉ là tổ chức tư vấn cho Viện trưởng, còn theo Hiến pháp và Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1992, Uỷ ban kiểm sát không còn là tổ chức tư vấn cho Viện trưởng nữa mà có quyền thảo luận và quyết định theo đa số những vấn đề quan trọng vủa Viện kiểm sát nhân dân như: Phương hướng, nhiệm vụ, kế hoạch công tác của toàn ngành; Dự án luật, pháp lệnh trình Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; Báo cáo của Viện kiểm sát nhân dân tối cao trình Quốc hội, ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chủ tịch nước; Bộ máy làm việc của Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Kháng nghị, kiến nghị của Viện kiểm sát nhân dân tối cao gửi Thủ tướng Chính phủ; Báo cáo của Viện kiểm sát nhân dân tối cao trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về những ý kiến của Viện trưởng không nhất trí với nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; những vụ án hình sự, dân sự quan trọng và những vấn đề quan trọng khác do ít nhất một phần ba tổng số thành viên ủy ban kiểm sát yêu cầu.
Do Uỷ ban kiểm sát có tư cách pháp lý mới, quan hệ giữa Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao với Uỷ ban kiểm sát cũng có những nét khác so với trước. Các nghị quyết của ủy ban kiểm sát phải được quá nửa tổng số thành viên Uỷ ban kiểm sát biểu quyết tán thành. Trong trường hợp biểu quyết ngang nhau thì thực hiện theo phía có ý kiến của Viện trưởng. Nếu Viện trưởng không nhất trí với ý kiến của đa số thành viên Uỷ ban kiểm sát thì thực hiện theo quyết định của đa số nhưng Viện trưởng có quyền báo cáo lên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội hoặc Chủ tịch nước. Điều bổ sung mới này vừa bảo đảm thực hiện nguyên tắc tập trung, thống nhất lãnh đạo trong ngành, vừa phát huy được sức mạnh trí tuệ của tập thể lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân, giúp cho việc quyết định các vấn đề quan trọng được chính xác.
– Bộ máy làm việc của Viện kiểm sát nhân dân tối cao còn có các Cục, Vụ, Viện. Bộ máy làm việc này thừa lệnh Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao để thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật, thực hành quyền công tố.
Dưới Viện Kiểm sát nhân dân tối cao là các Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương gồm có Viện trưởng, các Phó Viện trưởng và các Kiểm sát viên, do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao bổ nhiệm. Cơ cấu tổ chức của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương gồm có Uỷ ban kiểm sát, các phòng và Văn phòng (Điều 34 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, 2002).
Uỷ ban kiểm sát Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương gồm có: Viện trưởng; Các Phó Viện trưởng; và một số Kiểm sát viên do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quyết định theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Uỷ ban kiểm sát Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương họp do
Viện trưởng chủ trì để thảo luận và quyết định những vấn đề quan trọng sau đây:
– Việc thực hiện phương hướng, nhiệm vụ, kế hoạch công tác, chỉ thị, thông tư và quyết định của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh;
– Báo cáo tổng kết công tác với Viện kiểm sát nhân dân tỉnh; báo cáo công tác trước Hội đồng nhân dân cùng cấp;
– Những vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, hành chính, kinh tế, lao động quan trọng;
– Những vấn đề quan trọng khác do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định.
Nghị quyết của Uỷ ban kiểm sát phải được quá nửa tổng số thành viên Uỷ ban kiểm sát biểu quyết tán thành; trong trường hợp biểu quyết ngang nhau thì thực hiện theo phía có ý kiến của Viện trưởng. Nếu Viện trưởng không nhất trí với ý kiến của đa số thành viên Uỷ ban kiểm sát thì thực hiện theo quyết định của đa số, nhưng có quyền báo cáo Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định những vấn đề không thuộc thẩm quyền của Uỷ ban kiểm sát (Điều 35 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2002).
Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bộ máy làm việc gồm các Phòng nghiệp vụ và Văn phòng, tương ứng với các khâu công tác kiểm sát.
Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện được tổ chức rất đơn giản gồm có Viện trưởng, các Phó Viện trưởng và các Kiểm sát viên được chia thành các bộ phận công tác và bộ máy giúp việc do Viện trưởng, các Phó Viện trưởng phụ trách.
Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện không có ủy ban kiểm sát và các phòng nghiệp vụ mà chỉ có các bộ phận công tác do Viện trưởng, Phó Viện trưởng và một số kiểm sát viên phụ trách, theo sự phân công của Viện trưởng.
Cũng như Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện chịu sự giám sát của Hội đồng nhân dân cùng cấp, chịu trách nhiệm báo cáo trước Hội đồng nhân dân cùng cấp về tình hình thi hành pháp luật ở địa phương, về công tác của Viện kiểm sát nhân dân ở địa phương.
Các Viện kiểm sát quân sự được tổ chức trong Quân đội nhân dân Việt Nam để thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp theo quy định của pháp luật. Các Viện kiểm sát quân sự gồm có Viện kiểm sát quân sự trung ương, Viện kiểm sát quân sự quân khu và tương đương, Viện kiểm sát quân sự khu vực.
Căn cứ vào nhiệm vụ của quân đội trong từng thời kỳ, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao thống nhất với Bộ trưởng Bộ quốc phòng và trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội quyết định việc thành lập Viện kiểm sát quân sự quân khu và tương đương, Viện kiểm sát quân sự khu vực.
Viện kiểm sát quân sự trung ương thuộc cơ cấu Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương là Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, có nhiệm vụ chỉ đạo hoạt động của Viện kiểm sát quân sự các cấp, chịu trách nhiệm và báo cáo công tác kiểm sát trong Quân đội trước Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Ghi chú: Bài viết được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng Việt Nam.