1. Công chức là gì?
Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp và trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội (sau đây gọi chung là đơn vị sự nghiệp công lập), trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước; đối với công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập thì lương được bảo đảm từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.
Công chức bao gồm
a) Công chức trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức chính trị – xã hội;
b) Công chức trong cơ quan nhà nước;
c) Công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập;
d) Công chức trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; công chức trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp.
2. Nghĩa vụ của cán bộ, công chức
Cán bộ, công chức có nghĩa vụ gì đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân? Nghĩa vụ trong việc thi hành công vụ?
Luật cán bộ, công chức quy định về nghĩa vụ của cán bộ, công chức đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân, nghĩa vụ của cán bộ, công chức trong thi hành công vụ
I/ Nghĩa vụ của cán bộ, công chức đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân,
1. Trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ danh dự Tổ quốc và lợi ích quốc gia.
2. Tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân.
3. Liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân.
4. Chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
II/ Nghĩa vụ của cán bộ, công chức trong thi hành công vụ
1. Thực hiện đúng, đầy đủ và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
2. Có ý thức tổ chức kỷ luật; nghiêm chỉnh chấp hành nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị; báo cáo người có thẩm quyền khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; bảo vệ bí mật nhà nước.
3. Chủ động và phối hợp chặt chẽ trong thi hành công vụ; giữ gìn đoàn kết trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.
4. Bảo vệ, quản lý và sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài sản nhà nước được giao.
5. Chấp hành quyết định của cấp trên. Khi có căn cứ cho rằng quyết định đó là trái pháp luật thì phải kịp thời báo cáo bằng văn bản với người ra quyết định; trường hợp người ra quyết định vẫn quyết định việc thi hành thì phải có văn bản và người thi hành phải chấp hành nhưng không chịu trách nhiệm về hậu quả của việc thi hành, đồng thời báo cáo cấp trên trực tiếp của người ra quyết định. Người ra quyết định phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.
6. Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
3. Vai trò của công chức trong nền hành chính quốc gia
Nền hành chính theo nghĩa rộng là hoạt động quản lý, điều hành công việc của mọi tổ chức Nhà nước cũng như của các doanh nghiệp, các tổ chức chính trị, xã hội…theo chức năng, nhiệm vụ, điều lệ của từng tổ chức. hành chính nhà nước là hoạt động chính của của các cơ quan thực thi quyền lực Nhà nước để quản lý, điều hành các hoạt động trong các lĩnh vực đời sống xã hội theo pháp luật. Nền hành chính nhà nước có 3 yếu tố cấu thành đó là:
Thứ nhất, hệ thống thể chế để quản lý xã hội theo pháp luật, bao gồm hệ thống các văn bản pháp luật là cơ sở để quản lý Nhà nước.
Thứ hai, cơ cấu tổ chức và cơ chế vận hành của bộ máy hành chính các cấp, các ngành từ chính phủ đến chính quyền cơ sở.
Thứ ba, đội ngũ cán bộ, công chức hành chính bao gồm những người thực thi công vụ trong bộ máy hành chính công quyền, không kể những người lâu nay gọi là viên chức nhà nước nhưng làm việc ở các doanh nghiệp Nhà nước hoặc các đơn vị sự nghiệp, dịch vụ không thuộc bộ máy công quyền.
Như vậy cán bộ, công chức là một mắt xích quan trọng không thể thiếu của bất kỳ nền hành chính nào. Đội ngũ này có vai trò thực thi pháp luật để quản lý các lĩnh vực của đời sống xã hội, bảo đảm hiệu lực của đường lối thể chế của giai cấp cầm quyền. Tuy nhiên mục đích thực thi pháp luật ở mỗi nền hành chính khác nhau là không hoàn toàn giông nhau mà tùy thuộc vào chế độ chính trị, tính dân chủ…Khác với các nước tư sản công chức trong các nhà nước XHCN trước đây và ở nước ta hiện nay đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì trật tự, kỷ cương Nhà nước và bảo vệ lợi ích của quàn chúng lao động. Đội ngũ công chức có nhiệm vụ tổ chức thực hiện pháp luật trong cuộc sống, quản lý nhà nước trên các lĩnh vực của đời sống xã hội phù hợp với mục tiêu dân chủ xã hội chủ nghĩa.
Để khắng định được vai trò quản lý của mình, đội ngũ công chức phải tự xác định được nhiệm vụ, nâng cao tri thức để đảm nhận công việc phục vụ sự nghiệp cách mạng, quản lý Nhà nước và phục vụ nhân dân. Theo Lênin hiệu quả của bộ máy phụ thuộc rất nhiều vào việc lựa chọn đội ngũ cán bộ, công chức, ông thường nhắc nhở rằng: “ Muốn quản lý được thì cần phải am hiểu công việc và phải là một cán bộ quản lý giỏi’’ và “ không thể quản lý được nếu không có kiến thức đầy đủ, nếu không tinh thông khoa học quản lý”.
Để thực hiện được vai trò của mình mỗi công chức cần phải đấu tranh chống những biểu hiện thờ ơ, coi thường, lơ là trước những đòi hỏi của nhân dân, chống phương pháp làm việc bàn giấy hình thức làm việc hoàn toàn không phù hợp với bản chất nhà nước XHCN. Đội ngũ công chức cần phải thể hiện vai trò của mình thông qua làm việc một cách cụ thể, chu đáo, trung thực và giải quyết nhiệm vụ chuyên môn một cách khẩn trương, nhanh chóng. Tuyệt đối không được để xảy ra tình trạng giải quyết công việc tắc trách, vô tổ chức mà phải được tổ chức là việc có uy tín, điều hành, giải quyết kịp thời, chính xác mọi yêu cầu chính đáng của nhân dân. Ở mỗi cơ quan, tổ chức công chức phải “ xúc tiến tiến trình chung của công việc, không được làm cho nó trì trệ”.
Trong hoạt động hành chính công chức phải chủ động hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao và chống lại sự quan liêu, đùn đẩy trách nhiệm, phải giữ vững mối quan hệ với quần chúng, thu hút quần chúng tham gia ngày càng đông đảo vào công tác quản lý. Theo Chủ Tịch HCM thì người cán bộ công chức không chỉ có tài mà còn phải có đức, Người quan niệm rằng người cán bộ, công chức có tài mà không có đức thì như cây không rễ và thường gây ra những tai hại không nhỏ. Ngược lại nếu chỉ có đức mà không có tài thì chẳng khác nào ông bụt ngồi ở trong chùa. Đạo đức luôn giữ vị trí hàng đầu, cơ bản, quyết định nhân của người cán bộ, công chức. Trong bất cứ hoàn cảnh nào người cán bộ, công chức cũng phải đặt của nhân dân, của Đảng và nhà nước lên trên hết.
Với tiêu chí đạo đức đó, người công chức muốn thực hiện được tốt vai trò của mình thì không được quan liêu,xa rời dân vì vậy phải biết lắng nghe ý kiến quần chúng, thành tâm hộc hỏi quần chúng, biết tổ chức, biết lãnh đạo, lời nói phải đi đôi với việc làm…
Kế tục những tư tưởng lớn lao về vai trò của đội ngũ công chức trong nền hành chính, từ khi thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, Đảng ta luôn khắng định tầm quan trọng của đội ngũ công chức. Để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của nền hành chính trên các lĩnh vực thì nhất thiết phải xây dựng được đội ngũ công chức giỏi về chuyên môn, kinh nghiệm, có phẩm chất chính trị và cách mạng, hiểu biết về quản lý hành chính. Nắm vững được yêu cầu này sẽ giúp chúng ta xây dựng được đội ngũ công chức đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính ở nước ta hiện nay.
4. Địa vị pháp lý của công chức
Công chức theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Luật cán bộ, công chức năm 2008 quy định khái niệm công chức như sau:
“Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp và trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội (sau đây gọi chung là đơn vị sự nghiệp công lập), trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước; đối với công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập thì lương được bảo đảm từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật“.
Theo đó, công chức được hưởng các quyền và nghĩa vụ sau:
Quyền của công chức:
-Công chức có quyền được đảm bảo các điều kiện thi hành công vụ như quyền được giao quyền tương ứng với nhiệm vụ, được đảm bảo điều kiện làm việc và trang thiết bị theo quy định của pháp luật, được cung cấp thông tin liên quan đến quyền hạn, nhiệm vụ được giao, được pháp luật bảo vệ khi thi hành công vụ…
-Quyền được đảm bảo về tiền lương và chế độ liên quan đến tiền lương: được hưởng lương tương xứng với nhiệm vụ, quyền hạn được giao, được hưởng tiền lương làm thêm giờ, tiền làm thêm, công tác phí…
-Quyền được hưởng chế độ nghỉ hàng năm, nghỉ lễ và đê giải quyết việc riêng theo quy định của pháp luật về lao động.
-Quyền khác như: đảm bảo nghiên cứu khoa học, tham gia hoạt động kinh tế, xã hội và các quyền khác phù hợp với quy định của pháp luật.
Nghĩa vụ của công chức:
-Công chức có nghĩa vụ trung thành với Đảng, nhà nước và bảo vệ danh dự của Tổ quốc và lợi ích quốc gia, tôn trọng nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, chấp hành nghiệm chỉnh đường lối và chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước.
-Công chức có nghĩa vụ thực hiện tốt nhiệm vụ quyền hạn được giao.
-Ngoài ra, công chức có nghĩa vụ khác phù hợp với từng lĩnh vực, nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật.
5. Trách nhiệm kỷ luật của Công chức
Căn cứ vào Luật cán bộ, công chức năm 2008 và các văn bản hướng dẫn:
+ Cơ sở truy cứu trách nhiệm kỷ luật công chức là hành vi vi phạm pháp luật của công chức
+ Thủ tục trước khi xử lý kỷ luật:
Tạm đình chỉ công tác theo quy định Điểu 81: “1. Cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý cán bộ, công chức có thể ra quyết định tạm đình chỉ công tác trong thời gian xem xét, xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, nếu để cán bộ, công chức đó tiếp tục làm việc có thể gây khó khăn cho việc xem xét, xử lý. Thời hạn tạm đình chỉ công tác không quá 15 ngày, trường hợp cần thiết có thể kéo dài thêm nhưng tối đa không quá 15 ngày; nếu cán bộ, công chức bị tạm giữ, tạm giam để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử thì thời gian tạm giữ, tạm giam được tính là thời gian nghỉ việc có lý do; hết thời hạn tạm đình chỉ công tác nếu cán bộ, công chức không bị xử lý kỷ luật thì được tiếp tục bố trí làm việc ở vị trí cũ. 2. Trong thời gian bị tạm đình chỉ công tác hoặc bị tạm giữ, tạm giam để phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử, cán bộ, công chức được hưởng lương theo quy định của Chính phủ.”
+ Thẩm quyền xử lý kỉ luật Theo Điều 15 Nghị định 34/2011/NĐ-CP
Trường hợp người vi phạm là lãnh đạo thì người có thẩm quyền xử lý kỉ luật là người bổ nhiệm người đó; trường hợp xử lý kỉ luật bằng hình thức hạ bậc lương, hạ nghạch hoặc buộc thôi việc mà việc tuyển dụng, nâng bậc lương, nâng nghạch do cấp trên trực tiếp quyết định thì người đứng đầu cơ quan tổ chức phải đề nghị bằng văn bản lên cấp có thẩm quyền ra quyết định xử lý kỉ luật.
Trường hợp người vi phạm không phải là lãnh đạo: thì thẩm quyền xử lý kỉ luật thuộc về người đứng đầu cơ quan, tổ chức quản lí cán bộ, công chức đó. Ví dụ: nhân viên sở tư pháp thì thẩm quyền xử lý thuộc về giám đốc sở.
+ Thời hạn, thời hiệu xử lí kỉ luật được quy định tại Điều 80: Thời hạn xử lí kỉ luật tính từ khi phát hiện hành vi vi phạm kỷ luật của cán bộ, công chức đến khi có quyết định xử lý kỷ luật của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền là 2 tháng; phức tạp là 4 tháng để có thêm thời gian thanh tra, kiểm tra để xác minh làm rõ
Thời hiệu xử lý kỉ luật là 2 năm kể từ khi hết thời hạn đó thì cán bộ, công chức có hành vi vi phạm không bị xem xét xử lý kỷ luật.
+ Hậu quả được quy định tại Điều 79:
Với công chức là lãnh đạo phải chịu 1 trong 4 hình thức kỉ luật đối bao gồm 6 hình thức: khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc; được quy định chi tiết từ Điều 8 đến Điều 14 Nghị định 34/2011/NĐ-CP.
Đối với công chức không là lãnh đạo có 4 hình thức là: khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, buộc thôi việc
Ngoài ra cũng phải chịu các hậu quả khác ở Điều 82: “1. Cán bộ, công chức bị khiển trách hoặc cảnh cáo thì thời gian nâng lương bị kéo dài 06 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực; nếu bị giáng chức, cách chức thì thời gian nâng lương bị kéo dài 12 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực.
2. Cán bộ, công chức bị kỷ luật từ khiển trách đến cách chức thì không thực hiện việc nâng ngạch, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực; hết thời hạn này, nếu cán bộ, công chức không vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật thì tiếp tục thực hiện nâng ngạch, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm theo quy định của pháp luật.
3. Cán bộ, công chức đang trong thời gian bị xem xét kỷ luật, đang bị điều tra, truy tố, xét xử thì không được ứng cử, đề cử, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, biệt phái, đào tạo, bồi dưỡng, thi nâng ngạch, giải quyết nghỉ hưu hoặc thôi việc.
4. Cán bộ, công chức bị kỷ luật cách chức do tham nhũng thì không được bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo, quản lý.”
6. Tiêu chí xác định cán bộ, công chức
Theo quy định của Luật cán bộ công chức 2008, công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp và trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước; đối với công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập thì lương được đảm bảo từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.
Điều 2 Luật viên chức quy định: Viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.
Ghi chú: Bài viết được được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng VIệt Nam.