1. Khái niệm Nhà nước
Nhà nước ra đời nhằm tổ chức đời sống xã hội, quản lí và phục vụ xã hội. Thực tế cho thấy, chức năng của nhà nước ngày càng phức tạp, phạm vi hoạt động của nhà nước ngày càng mở rộng, số lượng thành viên của nhà nước ngày càng đông đảo…, đòi hỏi nhà nước phải được tổ chức thành các cơ quan nhà nước với cách thức tổ chức hoạt động, nhiệm vụ quyền hạn, phạm vi hoạt động khác nhau… Toàn bộ các cơ quan nhà nước từ trung ương tới địa phương hợp thành bộ máy nhà nước.
Hiện nay, có khá nhiều định nghĩa bộ máy nhà nước. Dưới góc độ pháp lí có thể hiểu, bộ máy nhà nước là hệ thống các cơ quan nhà nước từ trung ương tới địa phương, được tố chức và hoạt động theo quy định của pháp luật để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của nhà nước.
2. Cơ cấu bộ máy Nhà nước Công Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam
Bộ máy nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, theo chiều ngang, bao gồm 4 hệ thống:
1) Các cơ quan quyền lực nhà nước, bao gồm Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Đây là các cơ quan đại diện của nhân dân, do nhân dân trực tiếp bầu ra theo nguyên tắc bầu cử phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín;
2) Các cơ quan hành chính nhà nước, còn gọi là các cơ quan quản lí nhà nước bao gồm Chính phủ, các bộ, các cơ quan ngang bộ, Uỷ ban nhân dân các cấp và các cơ quan quản lí chuyên môn của Uỷ ban nhân dân như sở, phòng, ban và tương đương;
3) Các cơ quan xét xử bao gồm Toà án nhân dân tối cao, các tòa án nhân dân địa phương và các toà án quân sự;
4) Các cơ quan kiểm sát bao gồm Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các viện kiểm sát nhân dân địa phương và các viện kiểm sát quân sự. Ngoài bốn hệ thống nói trên còn có một thiết chế đặc biệt là Chủ tịch nước – nguyên thủ quốc gia, người thay mặt nhà nước về mặt đối nội cũng như đối ngoại, có chức năng chủ yếu nghiêng về hành pháp nhưng không nằm trong hệ thống cơ quan hành chính nhà nước.
3. Đặc điểm của bộ máy Nhà nước Việt Nam hiện nay
Bộ máy Nhà nước Việt Nam hiện nay có một số đặc điểm sau:
– Bộ máy nhà nước mang tính nhân dân sâu sắc. Thông qua việc thực hiện quyền bầu cử, nhân dân trực tiếp bầu ra các cơ quan quyền lực nhà nước là Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, các cơ quan này sẽ thay mặt nhân dân để thành lập ra các cơ quan khác trong bộ máy nhà nước. Như vậy, bộ máy Nhà nước Việt Nam hiện nay được tổ chức và hoạt động trên cơ sở sự uỷ quyền của nhân dân. Các cơ quan, nhân viên nhà nước nhận quyền lực từ nhân dân, thừa uỷ quyền của nhân dân, thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực của họ. Hoạt động của bộ máy nhà nước hướng tới việc chăm lo cho nhân dân, bảo đảm, bảo vệ lợi ích cho nhân dân. Mọi cán bộ, nhân viên nhà nước đều xuất phát từ nhân dân, tham gia vào bộ máy nhà nước là để phục vụ, phụng sự nhân dân. Họ có trách nhiệm phải giữ mối liên hệ mật thiết với nhân dân, phải gần gũi nhân dân, lắng nghe và thấu hiểu nhân dân, đồng thời phải chịu sự giám sát của nhân dân, họ có thể bị bãi miễn nếu không còn được nhân dân tín nhiệm.
– Bộ máy nhà nước được tổ chức và hoạt động trên cơ sở các nguyên tắc dân chủ và tiến bộ xuất phát từ bản chất của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam như: bảo đảm chủ quyền nhân dân (bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân); quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật; tập trung dân chủ… Các nguyên tắc cơ bản trên đều đã được quy định trong Hiến pháp hiện hành của nước ta.
– Trong bộ máy nhà nước, các cơ quan quản lí kinh tế xã hội ngày càng phát triển, hoàn thiện để thực hiện sự quản lí một cách có hiệu quả các mặt của đời sống xã hội; các cơ quan cưỡng chế được xây dựng chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại để có thể đủ khả năng bảo vệ chủ quyền quốc gia, trật tự, an ninh, an toàn xã hội. Nhìn tổng thể, có thể nói, bộ máy Nhà nước Việt Nam hiện nay đang chuyển dần sang tính chất phục vụ nhân dân, chủ yếu cung cấp dịch vụ công như điện, nước, đường giao thông, y tế, giáo dục… cho xã hội.
– Đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản là nguyên tắc đặc thù trong tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước Việt Nam hiện nay. Đảng Cộng sản Việt Nam là người lãnh đạo nhân dân làm cách mạng giành chính quyền từ tay giai cấp thống trị cũ, thành lập nên nhà nước kiểu mới ở Việt Nam. Từ đó đến nay, trong suốt công cuộc kháng chiến và kiến quốc, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn thực hiện sự lãnh đạo toàn diện đối với Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Hiện nay Việt Nam đang trong thời kì quá độ lên chủ nghĩa xã hội, do vậy, đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản là điều kiện tiên quyết để giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
4. Cấu trúc của bộ máy Nhà nước Việt Nam hiện nay
Theo quy định của Hiến pháp hiện hành, bộ máy Nhà nước Việt Nam hiện nay gồm các cơ quan sau:
– Các cơ quan quyền lực nhà nước (cơ quan đại diện, đại biểu của nhân dân, cơ quan dân cử), bao gồm Quốc hội và Hội đồng nhân dân.
Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước ta. Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp; quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; thành lập ra các cơ quan tối cao của Nhà nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của cả bộ máy nhà nước.
Hội đồng nhân dãn do nhân dân địa phương bầu ra, là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân địa phương, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên.
– Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại. Chủ tịch nước do Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm. Chủ tịch nước được Hiến pháp quy định khá nhiều quyền trong cả ba lĩnh vực lập pháp, hành pháp và tư pháp, song đó chủ yếu là những quyền mang tính chất đại diện cho Nhà nước.
– Các cơ quan quản lí nhà nước (cơ quan chấp hành, cơ quan hành chính nhà nước), bao gồm Chính phủ và Uỷ ban nhân dân các cấp.
Chỉnh phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước ta, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội, do Quốc hội thành lập. Thủ tướng Chính phủ do Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm; các thành viên khác của Chính phủ do Quốc hội phê chuẩn.
Uỷ ban nhân dân các cấp do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu, là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương, Hội đồng nhân dân cùng cấp và cơ quan hành chính nhà nước cấp trên.
– Các cơ quan xét xử, bao gồm Toà án nhân dân tối cao và các Toà án khác do luật định. Đây là những cơ quan có chức năng xét xử tất cả các vụ tội phạm hình sự và các vụ tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, đất đai… xảy ra trong xã hội. Chánh án Toà án nhân dân tối cao do Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm; Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao do Quốc hội phê chuẩn; Thẩm phán các Toà án khác do Chủ tịch nước bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức.
– Các cơ quan kiểm sát, bao gồm Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các Viện kiểm sát khác, là các cơ quan có chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao do Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm; Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao do Chủ tịch nước bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức; Kiểm sát viên các Viện kiểm sát khác do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức.
— Hội đồng bầu cử quốc gia là cơ quan do Quốc hội thành lập, có nhiệm vụ tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội; chỉ đạo và hướng dẫn công tác bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia do Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm, các thành viên khác do Quốc hội phê chuẩn.
– Kiểm toán nhà nước là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán, đánh giá, xác nhận, kiến nghị đối việc quản lí, sử dụng tài chính, tài sản công. Tổng Kiểm toán nhà nước do Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm; Kiểm toán viên nhà nước do Tổng kiểm toán nhà nước bổ nhiệm, miễn nhiệm.
5. Hoàn thiện bộ máy Nhà nước Việt Nam hiện nay
Hoàn thiện bộ máy nhà nước là hoạt động phải được tiến hành thường xuyên nhằm làm cho tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước ngày càng tinh gọn, chặt chẽ, họp lí, dân chủ, đảm bảo sự kiểm soát quyền lực nhà nước, nâng cao tinh thần, trách nhiệm của đội ngũ công chức nhà nước, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động bộ máy nhà nước.
Thời gian vừa qua, tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước ta đã được đổi mới và hoàn thiện một cách đáng kể, góp phần quan trọng vào sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước ta hiện nay vẫn còn những hạn chế nhất định: cơ cấu tổ chức chưa phù hợp với điều kiện, tình hình mới của đất nước; hoạt động của bộ máy nhà nước chưa đạt được hiệu quả như mong muốn; một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức thoái hoá, biến chất, tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân kém; tham nhũng vẫn là “quốc nạn”…
Đe tiếp tục hoàn thiện bộ máy nhà nước ta cần phải thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp, trong đó chú trọng một số biện pháp sau:
– Đổi mới cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước, đổi mới cách thức, trình tự tổ chức các cơ quan nhà nước. Việc thiết kế bộ máy nhà nước phải chú ý sự khác biệt giữa các vùng, miền trong cả nước, tránh áp dụng một mô hình chung cho toàn quốc. Giảm bớt số lượng các cơ quan nhà nước, đặc biệt là các cơ quan địa phương theo hướng mở rộng quy mô của các đơn vị hành chính, nhất là cấp huyện và cấp xã. Công tác bầu cử, thi tuyển, bổ nhiệm… phải thực sự dân chủ, khách quan, khoa học, tránh hình thức, đảm bảo lựa chọn đúng người có năng lực và phẩm chất. Lôi cuốn sự tham gia thực sự và đông đảo của nhân dân vào tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, đảm bảo để mọi người đều thực sự quan tâm đến quyền bầu cử, ứng cử của mình.
– Đổi mới, nâng cao vai trò của từng cơ quan nhà nước. Nâng cao vai trò, tính chuyên nghiệp, chủ động trong hoạt động của hệ thống cơ quan đại biểu nhân dân. Quốc hội phải trở nên hoạt động thường xuyên. Nâng cao vai trò của Chính phủ với tính chất là cơ quan thực hiện quyền hành pháp, giúp Chính phủ đủ khả năng đảm trách được vai trò của Chính phủ kiến tạo phát triển. Đảm bảo Toà án hoạt động thực sự độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Nâng cao vai trò của chính quyền cấp cơ sở. Đây là cấp chính quyền gần dân, sát dân nhất, có điều kiện nắm bắt đầy đủ, chính xác tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Việc giải quyết ban đầu rất nhiều vụ việc của nhân dân đều do chính quyền cấp cơ sở tiến hành. Thực tế cho thấy, phần lớn các vụ việc phức tạp xảy ra trong xã hội đều bắt nguồn từ cơ sở. Do vậy, nếu chính quyền cấp này đủ mạnh, có năng lực, sẽ giảm gánh nặng cho chính quyền cấp trên, giảm thiểu tình trạng khiếu kiện vượt cấp, góp phần giữ vững ổn định trật tự xã hội… Vì thế, cần phải cải cách, nâng cao năng lực của chính quyền cấp cơ sở, chuyên nghiệp hoá hoạt động của nó, xoá bỏ sự phân biệt công chức cấp xã trong hệ thống công chức nhà nước…
– Tăng cường phân công, phối hợp và kiểm soát việc thực hiện quyền lực nhà nước. Xác định đúng mối quan hệ công tác giữa cấp trên và cấp dưới trong bộ máy nhà nước. Phân định thật rõ ràng chức năng nhiệm vụ quyền hạn giữa các cơ quan nhà nước, triệt để khắc phục tình trạng đùn đẩy lẫn nhau giữa các cơ quan, nhân viên nhà nước. Phân cấp, phân quyền mạnh hơn nữa cho chính quyền địa phương theo hướng trung ương ban hành thể chế và tăng cường kiểm tra giám sát, địa phương trực tiếp thực hiện. Có cơ chế rõ ràng để thực hiện việc kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.
– Nâng cao năng lực, phẩm chất, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cũng như tính chuyên nghiệp và tinh thần phục vụ trong hoạt động của đội ngũ công chức nhà nước. Nâng cao ý thức, trách nhiệm cá nhân của cán bộ, công chức nhà nước trong thi hành công vụ. Xây dựng chế độ tiền lương, khen thưởng, kỉ luật, trách nhiệm công vụ hợp lí, xác định thật rõ ràng trách nhiệm cá nhân của công chức, đặc biệt là công chức lãnh đạo, đảm bảo để mỗi công chức thực sự có trách nhiệm trước mỗi việc làm của mình, loại trừ tình trạng thành tích thì cá nhân hưởng nhưng trách nhiệm thi cả tập thể cùng gánh chịu. Xây dựng nét đẹp văn hoá và đạo đức công vụ.
– Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm bớt phiền hà cho nhân dân, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, làm cho chính quyền thực sự gần gũi với nhân dân, từng bước trở thành bộ máy phục vụ nhân dân.
– Tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí để làm trong sạch bộ máy nhà nước, củng cố lòng tin của nhân dân…
Ghi chú: Bài viết được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng Việt Nam.