[VPLUDVN]Nói đến pháp chế là nói đến sự triệt để tôn trọng pháp luật và thực hiện pháp luật của các cơ quan Nhà nước, các tổ chức xã hội và công dân. Đây là một trong những nguyên tắc cơ bản nhất của quản lý hành chính Nhà nước. Và, pháp chế trong quản lý hành chính Nhà nước được hiểu là trật tự pháp luật nhằm bảo vệ và phát triển quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, củng cố và duy trì địa vị pháp lý hành chính của các cơ quan Nhà nước và các tổ chức xã hội.
Đảm bảo pháp chế là tổng thể các biện pháp, phương tiện có tính tổ chức – pháp lý do các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội và công dân áp dụng nhằm thực hiện chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ của các cơ quan Nhà nước và các tổ chức ấy cũng như việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân.
Đảm bảo pháp chế được hiểu như là những điều kiện, những phương tiện và những khả năng hiện thực trên thực tế đối với pháp luật hiện hành nhằm xây dựng và củng cố chính quyền của dân, do dân, vì dân, bảo vệ các quyền và nghĩa vụ của công dân trên tất cả các mặt của đời sống xã hội.
Bảo đảm pháp chế trong quản lý hành chính Nhà nước suy cho cùng là hoạt động thực thi pháp luật ngày càng có hiệu quả trong thực tế. Yêu cầu bảo đảm pháp chế trong quản lý hành chính Nhà nước là:
– Các yêu cầu chung:
+ Đảm bảo về chính trị: Đường lối và cương lĩnh của Đảng cộng sản Việt Nam phải thể hiện sự tiên phong, định hướng trong hoạt động xây dựng pháp luật. Pháp chế chỉ có thể đạt được nếu chúng ta có nền tảng chính trị ổn định.
+ Đảm bảo về kinh tế: Nền kinh tế phải ổn định và phát triển.
+ Đảm bảo về pháp lý: Pháp chế sẽ chỉ được bảo đảm khi pháp luật tốt. Nghĩa là hệ thống pháp luật đó đảm bảo thống nhất, đồng bộ;
– Các yêu cầu cụ thể:
+ Hoạt động đảm bảo pháp chế phải diễn ra trên cơ sở các quy định của pháp luật.
+ Hoạt động đảm bảo phải thực hiện một cách thường xuyên, tránh tình trạng có vi phạm mới thực hiện. Như vậy, vừa nhằm mục đích ngăn chặn các vi phạm, các thiếu sót, xử lý và khắc phục các thiếu sót trong quản lý hành chính.
+ Các biện pháp bảo đảm pháp chế phải được phối hợp với nhau vì mỗi biện pháp chỉ tác động tới một đối tượng nhất định trong một thời hạn nhất định.
Để bảo đảm pháp chế trong quản lý hành chính Nhà nước thì cần phải có các phương thức, biện pháp đảm bảo. Đó chính là các hình thức thực hiện chức năng, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân. Các biện pháp pháp lý đảm bảo pháp chế trong trong quản lý hành chính Nhà nước bao gồm:
+ Hoạt động giám sát của cơ quan quyền lực Nhà nước.
+ Hoạt động kiểm tra của các cơ quan hành chính Nhà nước.
+ Hoạt động xét xử của Tòa án nhân dân.
+ Hoạt động của Thanh tra Nhà nước và Thanh tra nhân dân.
+ Hoạt động kiểm tra của các tổ chức xã hội (kiểm tra xã hội).
+ Hoạt động khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Ghi chú: Bài viết được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng VIệt Nam.