[VPLUDVN] Giải pháp bảo đảm và tăng cường pháp chế trong quản lý hành chính nhà nước
Pháp luật xã hội chủ nghĩa bảo đảm cho công dân quyền tự do, bình đẳng, công bằng, và tuân theo Hiến pháp, pháp luật là nghĩa vụ của mỗi công dân. Công dân phải tôn trọng và thực hiện pháp luật một cách chính xác, triệt để, phải xử sự theo đúng yêu cầu của pháp luật. Nhân dân lao động là người chủ đất nước, cho nên nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa còn đòi hỏi công dân có trách nhiệm tham gia quản lý các công việc Nhà nước dưới các hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp. Công dân tham gia kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước và các tổ chức xã hội, đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật. Để bảo đảm sự an toàn về mặt pháp lý cho mỗi công dân, nguyên tắc pháp chế cho phép công dân được làm tất cả những gì mà pháp luật không cấm. Tuy nhiên, mọi công dân khi sử dụng các quyền, tự do dân chủ của mình không được gây thiệt hại đến lợi ích, tự do của công dân khác và của xã hội. Ngoài việc đòi hỏi đối với công dân, pháp chế còn đòi hỏi mọi cá nhân khác như người nước ngoài và người không có quốc tịch cũng phải tôn trọng và thực hiện pháp luật nghiêm chỉnh.
Pháp chế là cơ sở để xây dựng và hoàn thiện dân chủ xã hội chủ nghĩa, là nền tảng vững chắc để duy trì và thực hiện những nguyên tắc của dân chủ xã hội chủ nghĩa, tạo ra tính tổ chức, kỷ luật, thiết lập kỷ cương của xã hội, bảo đảm công bằng xã hội. Sự nghiệp đổi mới ở đất nước ta hiện nay đòi hỏi phải không ngừng củng cố và mở rộng dân chủ xã hội chủ nghĩa, đồng thời với việc tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa. Có thể nói dân chủ xã hội chủ nghĩa càng được mở rộng thì pháp chế xã hội chủ nghĩa càng được tăng cường và ngược lại việc tăng cường pháp chế sẽ là điều kiện để củng cố, phát triển dân chủ xã hội chủ nghĩa. Tăng cường pháp chế trong điều kiện nước ta cần tập trung vào một số nội dung chủ yếu:
Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác pháp chế
Đảng đưa ra các chủ trương, định hướng trong phát triển kinh tế, xã hội làm cơ sở Nhà nước xây dựng và ban hành pháp luật, tổ chức thực hiện pháp luật, tăng cường pháp chế. Nguyên tắc pháp chế đòi hỏi phân biệt rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các tổ chức đảng với chính quyền để tránh hiện tượng bao biện, làm thay. Các tổ chức đảng cần gương mẫu, tiên phong trong cuộc đấu tranh nhằm bảo đảm nguyên tắc pháp chế trong tổ chức và hoạt động của mỗi bộ phận cấu thành hệ thống chính trị xã hội.
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác pháp chế còn thể hiện ở việc phát huy vai trò lãnh đạo, định hướng của Đảng đối với các tổ chức chính trị – xã hội trong hệ thống chính trị, đối với toàn xã hội trong việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức pháp luật của nhân dân.
Thứ hai, xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để quản lý hành chính nhà nước
Đây là một nội dung có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, trước hết nó đòi hỏi tất cả các quan hệ xã hội quan trọng phải được điều chỉnh bằng pháp luật. Nhà nước xây dựng và không ngừng hoàn thiện Hiến pháp và các văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời phải bảo đảm tính tối cao của Hiến pháp và luật nhằm tạo ra sự thống nhất của hệ thống pháp luật.
Yêu cầu về tính tối cao của Hiến pháp và luật còn đòi hỏi văn bản của các cơ quan chấp hành và điều hành phải được ban hành phù hợp với văn bản của các cơ quan quyền lực, cơ quan đại biểu; văn bản của các cơ quan cấp dưới phải được ban hành phù hợp với văn bản của cơ quan cấp trên, nhưng phải bảo đảm sự phân định rõ ràng về thẩm quyền của các cơ quan ở mỗi cấp; mọi văn bản pháp luật khác phải phù hợp với Hiến pháp. Các văn bản của cơ quan có thẩm quyền ban hành phải bảo đảm tính hợp pháp, hợp lý. Thực hiện được như vậy sẽ tránh được tình trạng tản mạn, trùng lặp, chồng chéo hoặc mâu thuẫn giữa các quy phạm pháp luật, tạo nên tính thống nhất của hệ thống pháp luật, làm cho việc nhận thức và thực hiện pháp luật chính xác, thống nhất hơn.
Trong trường hợp có sự mâu thuẫn giữa văn bản của các cơ quan hành chính, văn bản của các tổ chức, đoàn thể xã hội với các văn bản luật của nhà nước thì phải áp dụng quy định của các văn bản luật. Để thực hiện tốt yêu cầu này cần không ngừng xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, đồng thời phải thường xuyên thực hiện việc kiểm tra, giám sát tính hợp hiến, hợp pháp đối với các văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan nhà nước, các văn bản của các tổ chức đoàn thể xã hội từ Trung ương tới địa phương.
Thứ ba, tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh
Công tác tổ chức thực hiện pháp luật có vai trò hết sức quan trọng, vì nếu có hệ thống pháp luật hoàn thiện nhưng tổ chức thực hiện không tốt cũng không mang lại hiệu quả.
Trên cơ sở quy định của hệ thống pháp luật, các cơ quan hành chính nhà nước căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn để thực hiện hoạt động quản lý hành chính nhà nước; căn cứ vào quy định của pháp luật để tác động, điều chỉnh đến các quan hệ thuộc thẩm quyền hành chính; không cho phép các cơ quan nhà nước thực hiện quản lý nhà nước một cách chủ quan, tuỳ tiện mà phải dựa vào pháp luật, làm đúng pháp luật, nghiêm chỉnh chấp hành nguyên tắc pháp chế. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền và giáo dục pháp luật nhằm tăng cường hiểu biết, nâng cao ý thức pháp luật của nhân dân. Chú trọng công tác đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức có đủ trình độ, phẩm chất chính trị và khả năng công tác để sắp xếp vào các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước làm công tác pháp luật, pháp chế.
Thứ tư, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật trong quản lý hành chính nhà nước
Tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật trong quản lý hành chính nhà nước là biện pháp nhằm bảo đảm cho pháp luật được thực hiện nghiêm chỉnh, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Biện pháp này đòi hỏi trước hết phải thường xuyên kiểm tra hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước để phát hiện những sai sót lệch lạc, kịp thời uốn nắn, rút kinh nghiệm, bảo đảm cho bộ máy hành chính nhà nước hoạt động nhịp nhàng đúng nguyên tắc và yêu cầu của pháp luật.
Những vi phạm pháp luật, chế độ công vụ, quy tắc nghề nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức phải được phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh theo nguyên tắc, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, bất kỳ ai dù ở cương vị nào cũng phải sống và làm việc theo pháp luật. Mọi hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức trong quản lý hành chính nhà nước đều có ảnh hưởng không tốt đến quá trình điều chỉnh pháp luật, làm tổn hại đến pháp chế. Do vậy, Nhà nước cần có những biện pháp hữu hiệu để xử lý nghiêm minh, kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật. Đây vừa là yêu cầu song cũng là điều kiện để bảo đảm cho pháp chế được tăng cường, kỷ luật, kỷ cương hành chính được nâng cao./.
Ghi chú: Bài viết được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng VIệt Nam.