[VPLUDVN] Các trường hợp hoãn phiên tòa vụ án hành chính
Hoãn phiên tòa sơ thẩm vụ án hành chính
Các trường hợp phải hoãn phiên tòa vụ án hành chính quy định tại khoản 1 Điều 162 Luật tố tụng hành chính như sau:
“a) Trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 155, khoản 1 Điều 157, khoản 2 Điều 161 của Luật này;
b) Thành viên của Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa, người phiên dịch bị thay đổi mà không có người thay thế ngay;
c) Trường hợp phải tiến hành giám định lại theo quy định tại Điều 170 của Luật này.”
Ngoài ra thì Hội đồng xét xử có thể quyết định hoãn phiên tòa phiên tòa trong trường hợp người làm chứng vắng mặt (khoản 2 Điều 159 BLTTHC) và trường hợp người giám định vắng mặt (khoản 2 Điều 160 BLTTHC).
Bạn có thể tham khảo qua bài viết sau để hiểu rõ hơn các trường hợp hoãn phiên tòa sơ thẩm vụ án hành chính: Hoãn phiên tòa sơ thẩm hành chính theo quy định của Luật Tố tụng hành chính 2015.
Hoãn phiên tòa phúc thẩm vụ án hành chính
Các trường hợp phải hoãn phiên tòa vụ án hành chính quy định tại khoản 1 Điều 232 Luật tố tụng hành chính như sau:
“a) Các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 161, khoản 3 và khoản 4 Điều 223, khoản 1 Điều 225 của Luật này;
b) Thành viên Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên, Thư ký phiên tòa, người phiên dịch bị thay đổi mà không có người thay thế ngay;
c) Người giám định bị thay đổi;
d) Cần phải xác minh, thu thập bổ sung tài liệu, chứng cứ mà không thể thực hiện được ngay tại phiên tòa.”
Ngoài ra thì Hội đồng xét xử có thể quyết định hoãn phiên tòa phiên tòa trong trường hợp người làm chứng vắng mặt (khoản 2 Điều 159 BLTTHC) và trường hợp người giám định vắng mặt (khoản 2 Điều 160 BLTTHC).
Thời hạn hoãn phiên tòa vụ án hành chính
Theo quy định tại khoản 3 Điều 232 Luật tố tụng hành chính thì “Thời hạn hoãn phiên tòa và quyết định hoãn phiên tòa phúc thẩm được thực hiện theo quy định tại Điều 163 của Luật này”, tức là thời hạn hoãn phiên tòa phúc thẩm sẽ được thực hiện như quy định tại hoãn phiên tòa sơ thẩm.
Điều 163 Luật tố tụng hành chính quy định về thời hạn, quyết định và thẩm quyền hoãn phiên tòa, theo đó khoản 1 ghi nhận “Thời hạn hoãn phiên tòa sơ thẩm không quá 30 ngày kể từ ngày Hội đồng xét xử ra quyết định hoãn phiên tòa, trừ phiên tòa xét xử vụ án theo thủ tục rút gọn thì thời hạn hoãn là 15 ngày”. Như vậy, thời hạn hoãn phiên tòa vụ án hành chính kể cả đang trong giai đoạn sơ thẩm hay phúc thẩm là không quá 30 ngày, đối với vụ án xét xử theo thủ tục rút gọn thì thời hạn hoãn phiên tòa vụ án hành chính là không quá 15 ngày.
Quá thời hạn hoãn phiên tòa vụ án hành chính theo quy định mà Tòa án chưa mở lại phiên tòa thì làm gì?
Theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 163 Luật tố tụng hành chính thì khi hoãn phiên tòa vụ án hành chính người có thẩm quyền sẽ ra quyết định hoãn phiên. Quyết định hoãn phiên tòa được thông báo ngay cho những người tham gia tố tụng biết; đối với người vắng mặt thì Tòa án gửi ngay cho họ quyết định đó, đồng thời gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp. Do đó, gia đình bạn sẽ phải nhận được quyết định này, bạn cần căn cứ vào nội dung quyết định đề cập thời gian mở lại phiên tòa là bao giờ, địa điểm tại đâu, lý do hoãn phiên tòa như nào…
Trường hợp sau khi hoãn phiên tòa mà Tòa án không thể mở lại phiên tòa đúng thời gian, địa điểm mở lại phiên tòa ghi trong quyết định hoãn phiên tòa thì Tòa án phải thông báo ngay cho những người tham gia tố tụng và Viện kiểm sát cùng cấp biết về thời gian, địa điểm mở lại phiên tòa.
Ghi chú: Bài viết được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng VIệt Nam.