[VPLUDVN] Hội đồng quốc phòng và an ninh là một thiết chế trong bộ máy nhà nước, được quy định trong các bản Hiến pháp năm 1959, 1980, 1992 và 2013. Do vị trí, tính chất của Chủ tịch nước là người đứng đầu nhà nước, thống lĩnh lực lượng vũ trang, giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh.
Cho nên trong các bản hiến pháp đều quy định Hội đồng quốc phòng và an ninh trong Chương Chủ tịch nước. Trong Hiến pháp năm 1959 (Điều 65) và Hiến năm 1980 (Điều 103) quy định Chủ tịch nước giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quốc phòng, nhưng không quy định cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng quốc phòng. Đên Hiến pháp năm 1992 và Hiến pháp năm 2013 chế định Hội đồng quốc phòng và an ninh vẫn quy định trong Chương Chủ tịch nước nhưng được quy định thành một điều riêng. Chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng được mở rộng hơn, bao gồm cả lĩnh vực an ninh với tên gọi là Hội đồng quốc phòng và an ninh. Cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng quốc phòng và an ninh được quy định trong hiến pháp. Cụ thể, về cơ cấu tổ chức, Hội đồng quốc phòng và an ninh gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các ủy viên. Danh sách thành viên Hội đồng quốc phòng và an ninh do Chủ tịch nước trình Quốc hội phê chuẩn. Trong những năm qua, số lượng thành viên và thành phần Hội đồng quốc phòng và an ninh đã được Quốc hội phê chuẩn ở mỗi khóa Quốc hội có sự khác nhau tùy theo từng giai đoạn cách mạng. Tuy nhiên, từ Quốc hội khóa IX (1992-1997) đến Quốc hội khóa XIV số lượng thành viên và thành phần của Hội đồng quốc phòng và an ninh bao gồm:
– Chủ tịch nước: Chủ tịch;
– Thủ tướng Chính phủ: Phó Chủ tịch;
– Chủ tịch Quốc hội: ủy viên;
– Bộ trưởng Bộ Quốc phòng: ủy viên;
– Bộ trưởng Bộ Công an: ủy viên;
– Bộ trưởng Bộ Ngoại giao: ủy viên.
Hội đồng quốc phòng và an ninh làm việc theo chế độ tập thể và quyết định theo đa số. về nhiệm vụ, quyền hạn, Hội đồng quốc phòng và an ninh trình Quốc hội quyết định tình trạng chiến tranh, trường hợp Quốc hội không thể họp được thì trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định; động viên mọi lực lượng và khả năng của đất nước để bảo vệ Tổ quốc; thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn đặc biệt do Quốc hội giao trong trường hợp có chiến tranh; quyết định việc lực lượng vũ trang nhân dân tham gia hoạt động góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới, về chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng quốc phòng và an ninh quy định trong Hiến pháp năm 2013, so với Hiến pháp năm 1992 có bổ sung một thẩm quyền mới, đó là: “Quyết định việc lực lượng vũ trang nhân dân tham gia hoạt động góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới”.
Việc bổ sung thẩm quyền này có ý nghĩa quan trọng trong hoạt động đối ngoại của Việt Nam, với tư cách là thành viên của Liên họp quốc. Liên hợp quốc là tổ chức quốc tế có nhiều sứ mệnh, trong đó có sứ mệnh bảo vệ hòa bình. Việt Nam là thành viên Liên hợp quốc, do vậy phải có nghĩa vụ thực hiện sứ mệnh đó. Việc bổ sung thẩm quyền này của Hội đồng quốc phòng và an ninh là để tạo cơ sở hiến định cho việc thực hiện nghĩa vụ của một thành viên của Liên họp quốc, đồng thời thực hiện cam kết thực thi hiến chương Liên hợp quốc và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Ghi chú: Bài viết được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng Việt Nam.