Khái niệm, đặc điểm, vị trí và vai trò của thụ lý vụ án hành chính

Khái niệm thụ lý vụ án hành chính

Để làm rõ khái niệm thế nào là thụ lý vụ án hành chính chúng ta cần làm rõ hai khái niệm đó là thế nào là thụ lý và thế nào là vụ án hành chính.

  • Theo từ điển Tiếng Việt của Trung tâm ngôn ngữ học- Viện ngôn ngữ học thì “thụ lý” là “việc tiếp nhận giải quyết vụ kiện”. Còn theo cách giải thích của cuốn Hán Việt từ điển thì “thụ lý” là “việc chấp nhận án kiện để phân xử”. Như vậy cả hai khái niệm trên đều chỉ ra rằng thụ lý là sự trả lời của cơ quan, người có thẩm quyền về việc chấp nhận giải quyết yêu cầu của người yêu cầu về một vụ việc cụ thể.
  • Vụ án hành chính là vụ án được phát sinh tại tòa án có thẩm quyền theo quy định của pháp luật tố tụng hành chính, do cá nhân, cơ quan nhà nước hoặc tố chức khởi kiện yêu cầu tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình (Theo Giáo trình Luật tố tụng hành chính – Đại học quốc gia Hà Nội).

Từ hai khái niệm trên, chúng ta có thể tựu chung lại: Thụ lý vụ án hành chính là hành vi tố tụng của Tòa án có thẩm quyền chấp nhận giải quyết khiếu kiện hành chính, được xác định bằng hành vi ghi vào sổ thụ lý vụ án và thông báo bằng văn bản cho đương sự biết Tòa án đã thụ lý vụ án sau khi xem xét điều kiện khởi kiện và điều kiện thụ lý vụ án. Như vậy việc thụ lý là quyền, nghĩa vụ của Tòa án. Sau khi có đơn khởi kiện được gửi tới thì Tòa án sẽ tiến hành xem xét đơn khởi kiện đó có đáp ứng đủ các điều kiện để thụ lý vụ án hay không để đưa ra quyết định. Các điều kiện đó bao gồm điều kiện khởi kiện (chủ thể khởi kiện, đối tượng khởi kiện, thời hiệu khởi kiện) và các điều kiện khác như hình thức, thủ tục nộp đơn, nhận đơn khởi kiện, tạm ứng án phí, thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

Giữa khởi kiện và thụ lý vụ án hành chính có mối quan hệ chặt chẽ với nhau bởi lẽ khởi kiện là cơ sở để Tòa án thụ lý vụ án, không có khởi kiện sẽ không có thụ lý. Vì vậy khởi kiện là sự kiện pháp lý làm phát sinh mối quan hệ giữa người khởi kiện và Tòa án, là giai đoạn đầu tiên bắt đầu cho quá trình tố tụng sau này. Và việc khởi kiện đó có được thụ lý hay không lại phụ thuộc vào hoạt động thụ lý của Tòa án. Tòa án chỉ thụ lý đơn khởi kiện khi đơn khởi kiện đó thỏa mãn các điều kiện luật định.

Đặc điểm thụ lý vụ án hành chính

Nếu như khởi kiện là quyền của cá nhân, cơ quan, tổ chức khi thấy quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm thì thụ lý thể hiện là quyền và nghĩa vụ của Tòa án. Đây là hoạt động bắt buộc nhằm phát sinh quan hệ tố tụng giữa các bên chủ thể tham gia tố tụng. Hoạt động thụ lý vụ án hành chính có những đặc điểm  sau:

  • Nội dung cơ bản trong giai đoạn này là Tòa án xem xét chấp nhận hay không chấp nhận giải quyết vụ án hành chính. Sau khi xem xét đơn khởi kiện nếu thấy đủ căn cứ thụ lý thì Tòa án ra thông báo thụ lý đồng thời hướng dẫn người khởi kiện thực hiện các quyền, nghĩa vụ tố tụng và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để giải quyết vụ án. Ngược lại trong trường hợp Tòa án từ chối thụ lý thì phải giải thích rõ cho người nộp đơn biết về lý do từ chối và hướng dẫn họ yêu cầu chủ thể có thẩm quyền khác để giải quyết.
  • Thụ lý vụ án hành chính là hành vi tố tụng do Tòa án có thẩm quyền thực hiện. Luật tố tụng hành chính 2010 quy định rõ thẩm quyền giải quyết theo thủ tục tố tụng hành chính bao gồm thẩm quyền theo loại khiếu kiện (còn gọi là thẩm quyền theo loại việc) và thẩm quyền theo cấp tòa án và theo lãnh thổ. Thẩm quyền theo loại khiếu kiện cho phép xác định những loại khiếu kiện nào và trong lĩnh vực hoạt động quản lý hành chính nào thì Tòa án nhân dân được quyền thụ lý để giải quyết theo thủ tục tố tụng hành chính. Theo khoản 1 Điều 28 Luật Tố tụng hành chính 2010 thì Tòa án có thẩm quyền giải quyết các khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính, trừ các quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo danh mục do Chính phủ quy định và các quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức. Còn thẩm quyền theo cấp Tòa án và lãnh thổ xác định trong trường hợp nào thì Tòa án cấp nào có thẩm quyền giải quyết. Do Tòa án nước ta được tổ chức theo đơn vị hành chính – lãnh thổ nên việc phân định thẩm quyền giữa các cấp Tòa án được gọi chung là thẩm quyền theo cấp và thẩm quyền theo lãnh thổ vì hai thẩm quyền này gắn liền với nhau, ví dụ như nói đến thẩm quyền cấp huyện thì phải đồng thời chỉ rõ phạm vi lãnh thổ mà Tòa án này được thụ lý các khiếu kiện hành chính. Trong Luật Tố tụng hành chính 2010 thì thẩm quyền này được quy định tại các Điều 29, Điều 30.

Theo như việc quy định thẩm quyền giải quyết vụ án hành chính theo cấp Tòa án như hiện nay thì ta có thể thấy Luật Tố tụng hành chính có sự mở rộng tối đa thẩm quyền cho Tòa án cấp huyện vì đa số các quyết định hành chính, hành vi hành chính tập trung từ cấp huyện trở xuống. Tòa án cấp tỉnh chủ yếu giải quyết theo thủ tục phúc thẩm còn Tòa án Tối cao đảm nhận giám đốc thẩm, công tác tổng kết xét xử, hướng dẫn áp dụng pháp luật.

  • Việc tòa án thụ lý hay không thụ lý vụ án hành chính phải có đủ căn cứ pháp lý do pháp luật quy định. Căn cứ pháp lý để thụ lý vụ án hành chính là những cơ sở do pháp luật quy định mà dựa vào đó Tòa án xem xét có thụ lý hay không thụ lý vụ án hành chính. Căn cứ này có một số đặc điểm sau: Thứ nhất căn cứ này được quy định cụ thể trong pháp luật, nước ta là nhà nước pháp quyền Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật. Hệ thống các văn bản pháp luật là phương tiện để chuyển tải chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước. Do đó có thể khẳng định hệ thống pháp luật nói chung và pháp luật về tố tụng hành chính nói riêng là cơ sở pháp lý làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt các quan hệ pháp luật. Các căn cứ thụ lý vụ án hành chính được Luật tố tụng hành chính quy định. Thứ hai, việc xem xét các căn cứ này trước khi tiến hành thụ lý là bắt buộc. Khi nhận được đơn khởi kiện, Tòa án buộc phải kiểm tra đơn khởi kiện đó có phù hợp với các căn cứ pháp lý hay không chứ không thể thụ lý trước sau đó mới kiểm tra lại. Điều này giúp việc thụ lý của Tòa án không tràn lan, chồng chéo nhau làm ảnh hưởng tới hoạt động bình thường của Tòa án. Thứ ba, những căn cứ này là cơ sở cho Tòa án thực hiện chức năng xét xử của mình. Nếu không có những quy định cụ thể này thì sẽ rất khó khăn cho Tòa án khi thụ lý vụ án và tiến hành các giai đoạn tiếp theo của quá trình tố tụng. Tòa án sẽ không thể biết trong trường hợp nào thụ lý hoặc trường hợp nào từ chối thụ lý vì vậy có thể dẫn đến đơn khởi kiện đủ điều kiện để thụ lý nhưng bị từ chối hoặc ngược lại là tình trạng thụ lý không đúng thẩm quyền, đơn khởi kiện sai hình thức, sai đối tượng khởi kiện nhưng vẫn được thụ lý làm ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động của Tòa án và các chủ thể khác.

Tóm lại, Toà án không thể tùy tiện muốn thụ lý hay không thụ lý cũng được mà phải dựa vào quy định của pháp luật. Nếu xem xét có đủ điều kiện để thụ lý thì Tòa án không được quyền từ chối và ngược lại Tòa án cũng không thụ lý vụ án hành chính khi việc khởi kiện là chưa thỏa mãn quy định của pháp luật.

Vị trí vai trò của thụ lý vụ án hành chính

Nếu như khởi kiện là điều kiện cần thì thụ lý là điều kiện đủ để phát sinh vụ án hành chính. Thụ lý vụ án hành chính là giai đoạn đầu đặt tiền đề cho các giai đoạn sau này, giai đoạn này đặc biệt có ý nghĩa trong quá trình tố tụng hành chính bởi các lí do:

Một là, trong giai đoạn thụ lý vụ án hành chính, Tòa án xem xét nội dung, thủ tuc vụ án để quyết định có đưa vụ án ra xét xử hay không. Vì vậy, việc xét xử vụ án có đúng pháp luật hay không phụ thuộc vào quá trình thụ lý vụ án. Nếu không thụ lý vụ án sẽ không có các quá trình tố tụng khác tiếp theo.

Hai là, thụ lý vụ án đặt trách nhiệm của Tòa án là phải giải quyết vụ án trong thời hạn pháp luật quy định kể từ ngày thụ lý vụ án. Theo Điều 112 Luật Tố tụng hành chính thì trong vòng 3 ngày làm việc, Chánh án phải phân công Thẩm phán giải quyết vụ án và trong vòng 5 ngày làm việc kể từ ngày thụ lý Tòa án phải thực hiện việc thông báo bằng văn bản cho người bị kiện, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan biết (Điều 114 Luật Tố tụng hành chính). Như vậy từ ngày Tòa án thụ lý vụ án, Luật Tố tụng hành chính đã ràng buộc thời hạn và trách nhiệm của Tòa án, điều này giúp thời gian giải quyết vụ án nhanh chóng, tránh tình trạng vụ án đã được thụ lý tồn đọng do Tòa án không thực hiện nhiệm vụ của mình.

Ba là, việc chấp nhận đơn khởi kiện, vào sổ thụ lý còn giúp Tòa án có những nhận định ban đầu cần thiết về tình trạng tranh chấp hành chính, phương hướng giải quyết vụ việc và hạn chế tình trạng tranh chấp về thẩm quyền.


Ghi chú: Bài viết được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng Việt Nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá *