Kiểm toán nhà nước

Giới thiệu chung
Kiểm toán nhà nước được thành lập theo Nghị định số 70/CP ngày 11/7/1994 của Chính phủ, hoạt động theo Điều lệ tổ chức và hoạt động của Kiểm toán nhà nước được ban hành kèm theo Quyết định số 61/TTg ngày 24/01/1995 của Thủ tướng Chính phủ.
Ngay sau khi được thành lập, Kiểm toán nhà nước vừa hình thành bộ máy tổ chức, xây dựng cơ sở vật chất, tuyển dụng và đào tạo cán bộ, Kiểm toán viên, vừa xây dựng Chuẩn mực, Quy trình kiểm toán và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ kiểm toán do Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ giao.
Luật Kiểm toán nhà nước được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam khoá XI thông qua ngày 14/6/2005, có hiệu lực từ ngày 01/01/2006, mở ra một thời kỳ phát triển mới của Kiểm toán nhà nước với vị thế là cơ quan chuyên môn về lĩnh vực kiểm tra tài chính Nhà nước do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; thực hiện chức năng kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán tuân thủ, kiểm toán hoạt động đối với mọi cơ quan, tổ chức quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản Nhà nước.
Ngày 19/4/2010, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 927/2010/UBTVQH12 về Chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước đến năm 2020. Theo đó, để bảo đảm yêu cầu phát triển trong thời kỳ công nghiệp hoá – hiện đại hoá và tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước, mục tiêu phát triển Kiểm toán nhà nước đến năm 2020 là “Nâng cao năng lực hoạt động, hiệu lực pháp lý, chất lượng và hiệu quả hoạt động của Kiểm toán nhà nước như một công cụ hữu hiệu của Nhà nước trong kiểm tra, giám sát quản lý và sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước; xây dựng Kiểm toán nhà nước có trình độ chuyên nghiệp cao, từng bước hiện đại, trở thành cơ quan kiểm tra tài chính công có trách nhiệm và uy tín, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, phù hợp với các thông lệ và chuẩn mực quốc tế”.
Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi) được thông qua tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII ngày 28/11/2013 đã hiến định địa vị pháp lý của Kiểm toán nhà nước và Tổng Kiểm toán nhà nước tại Điều 118, đánh dấu bước ngoặt trên chặng đường phát triển của KTNN với vị thế và vai trò ngày càng
được nâng cao.
Điều 118 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi) hiến định.
1. Kiểm toán nhà nước là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài
chính, tài sản công.
2. Tổng Kiểm toán nhà nước là người đứng đầu Kiểm toán nhà nước, do Quốc hội bầu. Nhiệm kỳ của Tổng Kiểm toán nhà nước do luật định.Tổng Kiểm
toán nhà nước chịu trách nhiệm và báo cáo kết quả kiểm toán, báo cáo công tác trước Quốc hội; trong thời gian Quốc hội không họp, chịu trách nhiệm và
báo cáo trước Ủy ban thường vụ Quốc hội.
3. Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Kiểm toán nhà nước do luật định.
Luật Kiểm toán nhà nước (sửa đổi) được Quốc hội khoá XIII thông qua ngày 24/6/2015 tại Kỳ họp thứ 9 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016 – đánh dấu một bước quan trọng trong quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật Nhà nước nói chung, trong lĩnh vực tài chính, ngân sách nói riêng. Luật Kiểm toán nhà nước (sửa đổi) đã kịp thời cụ thể những quy định về Kiểm toán nhà nước trong Hiến pháp năm 2013, khắc phục những tồn tại, bất cập của Luật Kiểm toán nhà nước năm 2005. Trong quá trình hoạt động, Kiểm toán nhà nước luôn xác định xây dựng Hệ thống Chuẩn mực kiểm toán là kim chỉ nam cho mọi hoạt động kiểm toán. Hệ thống Chuẩn mực kiểm toán là tổng thể các nguyên tắc cơ bản, các hướng dẫn tác nghiệp và xử lý các mối quan hệ phát sinh trong hoạt động kiểm toán, mà Đoàn Kiểm toán nhà nước, Kiểm toán viên nhà nước phải tuân thủ khi tiến hành các hoạt động kiểm toán; đồng thời là căn cứ để kiểm soát chất lượng và đạo đức hành nghề Kiểm toán viên nhà nước.
Hệ thống Chuẩn mực kiểm toán của Kiểm toán nhà nước được hoàn thiện theo hướng tuân thủ Hệ thống các Chuẩn mực kiểm toán của các Cơ quan Kiểm toán Tối cao (ISSAIs) do Tổ chức quốc tế các cơ quan kiểm toán tối cao (INTOSAI) ban hành. Ngày 15/7/2016 Tổng Kiểm toán nhà nước đã ban hành Quyết định số 02/2016/QĐ-KTNN ban hành Hệ thống chuẩn mực kiểm toán nhà nước (CMKTNN) gồm 39 Chuẩn mực kiểm toán nhà nước và Danh mục thuật ngữ sử dụng trong Hệ thống CMKTNN.
Trong chặng đường phát triển của mình, Kiểm toán nhà nước luôn chú trọng mở rộng hợp tác quốc tế. Kiểm toán nhà nước Việt Nam là thành viên của Tổ chức Quốc tế các Cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI) từ tháng 7/1996 và Tổ chức các Cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) từ tháng 0/1997, Kiểm toán nhà nước Việt Nam đã tham gia ngày càng tích cực vào quá trình hội nhập quốc tế, có mối quan hệ hợp tác rộng rãi và đã ký kết văn kiện hợp tác với hàng chục cơ quan Kiểm toán tối cao và các tổ chức quốc tế có uy tín khắp các châu lục.
Tháng 2/2015, tại Kuala Lumpur (Malaysia), Đại hội lần thứ 13 của Tổ chức các cơ quan kiểm toán tối cao châu Á (Đại hội ASOSAI 13) đã quyết định lựa chọn Kiểm toán nhà nước Việt Nam là thành viên Ban Điều hành ASOSAI nhiệm kỳ 2015-2018; là cơ quan đăng cai tổ chức Đại hội ASOSAI 14 năm 2018 và Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021. Phương châm, hành động của Kiểm toán nhà nước là nâng cao năng lực hoạt động, hiệu lực pháp lý, chất lượng và hiệu quả hoạt động của Kiểm toán nhà nước như một công cụ hữu hiệu của Nhà nước trong kiểm toán, giám sát quản lý và sử dụng tài chính, tài sản công.

“Giá trị cốt lõi mà Kiểm toán nhà nước hướng tới là: “Minh bạch – Chất lượng – Hiệu quả – Không ngừng gia tăng giá trị”.

“Giá trị cốt lõi của Kiểm toán viên nhà nước hướng tới là: “Công minh – Chính trực – Nghệ tinh – Tâm sáng”.

Được sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; sự quan tâm, giúp đỡ và phối hợp ngày càng có hiệu quả của các Bộ, ngành, địa phương, đơn vị được kiểm toán, công chúng và xã hội trong cả nước, với sự cố gắng nỗ lực không mệt mỏi, Kiểm toán nhà nước ngày càng trưởng thành, lớn mạnh, hoàn thành ngày càng tốt hơn chức năng, nhiệm vụ được giao; gây dựng được uy tín và sự tin cậy trong sự nghiệp xây dựng nền tài chính quốc gia minh bạch, bền vững; phục vụ có hiệu quả sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế của Việt Nam.


Ghi chú: Bài viết được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng Việt Nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá *