Một số nguyên tắc cơ bản của phiên tòa sơ thẩm vụ án hành chính

 Nguyên tắc xét xử công khai

     Phiên tòa xét xử công khai được quy định cho cả tố tụng hình sự, tố tụng dân sự và tố tụng hành chính, trừ một số vụ án báo chí và công chúng có thể không được dự toàn bộ hoặc một phần phiên tòa vì những lý do nhất định được quy định trong luật như: cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên… Trong trường hợp phải xử kín, Hội đồng xét xử tuyên công khai phần mở đầu và phần quyết định của bản án. Thực hiện nguyên tắc này là cơ hội để công dân có thể giám sát chặt chẽ hoạt động xét xử của hệ thống Tòa án.

Nguyên tắc xét xử trực tiếp, bằng lời nói

     Nguyên tắc này quy định phiên tòa chỉ xét xử vắng mặt người tham gia tố tụng khi Tòa án đã có trách nhiệm áp dụng các biện pháp tích cực để triệu tập họ đến Tòa án. Không ai bị cản trở khi thực hiện quyền được trình bày và bảo vệ mình trước Tòa án.

     Hội đồng xét xử phải trực tiếp xác định những tình tiết của vụ án bằng cách hỏi và nghe lời trình bày, tranh luận trực tiếp về tình tiết, chứng cứ của người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người đại diện hợp pháp, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự và những người tham gia tố tụng khác, cơ quan, tổ chức được mời tham dự phiên tòa, nghe Kiểm sát viên phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát.

Nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật

     Tranh chấp hành chính là tranh chấp giữa cá nhân, cơ quan, tổ chức với nhà nước, do vậy để có được phiên tòa công bằng, một trong những yếu tố quan trọng là phải có sự bình đẳng về quyền và tôn trọng nguyên tắc tranh tụng trước phiên tòa.

     Nguyên tắc bình đẳng quy định trong Luật tố tụng hành chính được hiểu là tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và có quyền được pháp luật bảo vệ một cách bình đẳng. Bất kể giới tính, dân tộc, nguồn gốc bản thân hoặc khả năng tài chính, mọi người khi xuất hiện trước Tòa án có quyền không bị phân biệt đối xử trong quá trình tố tụng tại phiên tòa hay cách thức áp dụng pháp luật đối với người đó. Các bên đương sự đều có quyền được biết những lập luận về các chứng cứ của nhau, được tranh luận với địa vị bình đẳng và việc thực hiện quyền khiếu nại, kháng cáo đối với quá trình tố tụng tại phiên tòa cũng như về nội dung của vụ án.


Ghi chúBài viết được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng VIệt Nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá *