Nhiệm vụ quyền hạn của Chính phủ

Nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ luôn được quy định trong Hiến pháp – văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất: tại Điều 52 Hiến pháp năm 1946, Điều 73 và Điều 74 Hiến pháp năm 1959, Điều 104 và Điều 107 Hiến pháp năm 1980 …

Đồng thời được cụ thể hoá trong Luật tổ chức Hội đồng Chính phủ năm 1960, Luật tổ chức Hội đồng bộ trưởng năm 1981. Nếu như trước đây trong Hiến pháp các năm 1946, 1959, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ chưa được phân định rõ ràng, thiếu cụ thể thì đến Hiến pháp năm 1980, đặc biệt Hiến pháp năm 1992 và Hiến pháp năm 2013 đã quy định theo hướng cụ thể, chi tiết cho từng lĩnh vực. Hiện nay, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ được quy định trong Hiến pháp năm 2013 và Luật tổ chức Chính phủ năm 2015.

Theo Điều 96 Hiến pháp năm 2013, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ được quy định trên cơ sở kế thừa các bản Hiến pháp trước đồng thời sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với nhiệm vụ của Chính phủ. Theo đó, Hiến pháp nhấn mạnh vai trò của Chính phủ trong việc: Đề xuất, xây dựng chính sách trình Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định hoặc quyết định theo thẩm quyền để thực hiện vai trò cơ quan hành pháp; cụ thể hoá vai trò của Chính phủ trong việc tổ chức thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước; thống nhất quản lý nền hành chính quốc gia và bảo vệ lợi ích của Nhà nước và xã hội, quyền con người, quyền công dân; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội…; điều chỉnh một số nhiệm vụ, quyền hạn cho phù hợp như: trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (theo Hiến pháp năm 1992 thẩm quyền này do Chính phủ quyết định). Quy định của Hiến pháp năm 2013 vừa thể hiện quan điểm đề cao vai trò Chính phủ vừa đảm bảo sự phân công, phân nhiệm giữa các cơ quan nhà nước theo pháp luật hiện hành. Cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, Luật tổ chức Chính phủ năm 2015 với 7 chương, 50 điều đã có những sửa đổi, bổ sung tương đối cơ bản, toàn diện về thẩm quyền của Chính phủ so với các luật tổ chức Chính phủ trước đây. Trên tinh thần đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019 đã tiếp tục sửa đổi, bổ sung thẩm quyền của Chính phủ trong một số lĩnh vực.

Nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ được quy định như sau:

1. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ trong lĩnh vực lập pháp

Theo Hiến pháp năm 2013, trong hoạt động lập pháp của Quốc hội, Chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc: Đề xuất, xây dựng chính sách trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định hoặc quyết định theo thẩm quyền để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ – đây là một nhiệm vụ quan trọng thể hiện chức năng hành pháp do Hiến pháp quy định; trình các dự án luật, dự án ngân sách nhà nước và các dự án khác trước Quốc hội, trình dự án pháp lệnh trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội; ban hành văn bản cụ thể hoá và tổ chức thực hiện các văn bản do Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước ban hành; đồng thời quyết định các biện pháp chỉ đạo và kiểm tra việc thi hành pháp luật trên phạm vi toàn lãnh thổ, quyết định các biện pháp bảo vệ lợi ích họp pháp của Nhà nước, tổ chức và cá nhân.

2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ trong lĩnh vực lành tế

Chính phủ chỉ đạo thống nhất quản lý nền kinh tế quốc dân, đề xuất, quyết định các chính sách, biện pháp nhằm phát triển nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa. Cụ thể là: củng cố và phát triển kinh tế nhà nước; phát huy tiềm năng mọi thành phần kinh tế, các nguồn lực xã hội để phát triển nhanh, bền vững nền kinh tế quốc dân, từng bước hoàn thiện các loại thị trường theo định hướng Xã hội Chủ nghĩa; thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá; xây dựng dự án chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế hàng năm và dài hạn; trình Quốc hội dự toán ngân sách nhà nước, phân bổ ngân sách, tổng quyết toán ngân sách, tổ chức điều hành thực hiện ngân sách; quyết định chính sách cụ thể tài chính, tiền tệ, tiền lưong, giá cả; thống nhất quản lý hoạt động kinh tế đối ngoại.

3. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, môi trường

Chính phủ chỉ đạo thống nhất quản lý và phát triển hoạt động khoa học và công nghệ, chỉ đạo thực hiện chính sách, kế hoạch phát triển khoa học và công nghệ; có chính sách cụ thể đảm bảo phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu; quyết định các chính sách cụ thể bảo vệ, cải thiện, giữ gìn môi trường, kiểm soát ô nhiễm, ứng cứu và khắc phục sự cố môi trường; thi hành chính sách bảo vệ tài nguyên, môi trường.

4. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ trong lĩnh vực vãn hoá, giáo dục, thông tin, thể thao và du lịch

Chính phủ chỉ đạo thống nhất quản lý và phát triển sự nghiệp văn hoá, văn học, nghệ thuật, quy định các biện pháp để bảo tồn, phát triển nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; quyết định các chính sách đảm bảo phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu, ưu tiên đầu tư cho phát triển giáo dục; thống nhất quản lý hệ thống giáo dục quốc dân về mọi mặt; thống nhất quản lý và phát triển sự nghiệp thông tin, báo chí, ngăn chặn có hiệu quả những hoạt động thông tin tổn hại đến lợi ích quốc gia, đạo đức và lối sống của người Việt Nam; thống nhất quản lý và phát triển sự nghiệp thể dục, thể thao; có chính sách cụ thể đẩy mạnh phát triển du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn.

5. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ trong lĩnh vực y tế và xã hội

Chính phủ chỉ đạo, quyết định chính sách cụ thể nhằm hướng nghiệp tạo việc làm, đảm bảo chế độ bảo hiểm lao động; chỉ đạo thực hiện các chính sách xoá đói giảm nghèo, mở rộng hình thức bảo hiểm xã hội; thống nhất quản lý và phát triển sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân; thực hiện biện pháp bảo đảm bình đẳng nam nữ, chăm sóc giúp đỡ người già, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình; tổ chức thực hiện các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh chống tệ nạn xã hội.

6. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội

Là cơ quan thực hiện quyền hành pháp, Chính phủ phải tổ chức thực hiện các chính sách, biện pháp cụ thể để củng cố và tăng cường nền quốc phòng toàn dân và ah ninh nhân dân, bảo đảm an ninh chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ và trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ chế độ Xã hội Chủ nghĩa và thành quả của cách mạng. Đặc biệt, Hiến pháp năm 2013 bổ sung thẩm quyền của Chính phủ: thi hành lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ, lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp và các biện pháp cần thiết khác để bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm tính mạng, tài sản của Nhân dân. Đồng thời, Chính phủ thực hiện chính sách ưu đãi, bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần và chính sách hậu phương đối với các lực lượng vũ trang; tổ chức biện pháp phòng ngừa, đấu tranh đối với mọi vi phạm pháp luật.

7. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ trong lĩnh vực tổ chức hành chính nhà nước

Đây là một trong những quyền hạn quan trọng của Chính phủ được Hiến pháp năm 2013 khẳng định rõ. Trong nhiệm kì của mình, Chính phủ trinh Quốc hội quyết định cơ cấu tổ chức của Chính phủ, việc thành lập, bãi bỏ bộ, cơ quan ngang bộ, điều chỉnh địa giới hành chính cấp tỉnh và thành lập hay giải thể đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh địa giới hành chính dưới cấp tỉnh. Hiến pháp đề cao thẩm quyền của Chính phủ trong việc: thống nhất quản lý nền hành chính quốc gia; thực hiện quản lý nhà nước về cán bộ, công chức, viên chức và công vụ trong cơ quan nhà nước; tổ chức và chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, chống quan liêu, tham nhũng trong bộ máy nhà nước; lãnh đạo hoạt động của hệ thống bộ máy hành chính nhà nước thống nhất từ trung ương đến cơ sở; quyết định chỉ đạo phân cấp quản lý trong hệ thống hành chính nhà nước; thực hiện chỉ đạo cải cách hành chính nhà nước; quyết định việc thành lập, sáp nhập, giải thể cơ quan thuộc Chính phủ; quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tiêu chí thành lập và số lượng biên chế tối thiểu để tổ chức đơn vị trực thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; quy định về tổ chức, khung số lượng, tiêu chí thành lập và số lượng biên chế tối thiểu để tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh, ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, đơn vị trực thuộc cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

8. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ trong lĩnh vực đối ngoại

Chính phủ thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa phương hoá, đa dạng hóa quan hệ trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc quan hệ đối ngoại. Theo Hiến pháp năm 2013, Chính phủ có thẩm quyền: tổ chức đàm phán, kí điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước theo uỷ quyền của Chủ tịch nước; quyết định việc kí, gia nhập, phê duyệt hoặc chấm dứt hiệu lực điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ, trừ những điều ước quốc tế trình Quốc hội phê chuẩn; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, lợi ích chính đáng của tổ chức và công dân Việt Nam ở nước ngoài; Chính phủ quyết định và chỉ đạo thực hiện các chính sách cụ thể về hợp tác đối ngoại trên nhiều lĩnh vực; tổ chức chỉ đạo hoạt động của các cơ quan đại diện nước ngoài và tổ chức quốc tế; quyết định chính sách cụ thể nhằm khuyến khích người Việt Nam ở nước ngoài giữ gìn truyền thống dân tộc, gắn bó với quê hương đất nước.

9. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ đối với Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

Theo Hiến pháp năm 2013, Chính phủ có trách nhiệm hướng dẫn và kiểm tra Hội đồng nhân dân trong việc thực hiện văn bản của cấp trên, kiểm tra tính hợp pháp cùa nghị quyết Hội đồng nhân dân đồng thời tạo điều kiện để Hội đồng nhân dân hoạt động có hiệu quả. Cụ thể là: gửi đến Hội đồng nhân dân những văn bản của Chính phủ có liên quan đến hoạt động của Hội đồng nhân dân; giải quyết kiến nghị của Hội đồng nhân dân; bồi dưỡng kiến thức về quản lý nhà nước cho đại biểu Hội đồng nhân dân, bảo đảm cơ sở vật chất, tài chính cho Hội đồng nhân dân hoạt động. Trên tinh thần của Hiến pháp, Luật tổ chức Chính phủ năm 2015 đã khẳng định rõ việc ủy quyền của Chính phủ cho chính quyền địa phương căn cứ vào năng lực và điều kiện cụ thể để thực hiện một số nhiệm vụ với các điều kiện đảm bảo thực hiện nhiệm vụ đó (khoản 1 Điều 25 Luật tổ chức Chính phủ năm 2015).


Ghi chú: Bài viết được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng Việt Nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá *