Những nguyên tắc cơ bản trong tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân

Viện kiểm sát nhân dân được tổ chức và hoạt động trên cơ sở các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước ta nói chung. Song, do có vị trí, chức năng và nhiệm vụ mang tính đặc thù nên hệ thống các Viện kiểm sát nhân dân được tổ chức và hoạt động theo những nguyên tắc đặc thù. Đó là nguyên tắc tập trung, thống nhất lãnh đạo trong ngành và nguyên tắc độc lập, không lệ thuộc vào bất cứ một cơ quan nhà nước nào ở địa phương.

 Nguyên tắc tập trung, thống nhất lãnh đạo trong ngành.

Nguyên tắc này  bắt nguồn từ nguyên tắc tập trung dân chủ và nhằm bảo đảm tính thống nhất của pháp chế.

Các cơ quan nhà nước ở địa phương một mặt trực thuộc Chính phủ hoặc Bộ chủ quản, mặt khác lại trực thuộc Hội đồng nhân dân hoặc ủy ban nhân dân địa phương. Nguyên tắc này được gọi là nguyên tắc phụ thuộc hai chiều.

Viện kiểm sát nhân dân ở nước ta không được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc phụ thuộc hai chiều nêu trên, mà theo nguyên tắc tập trung, thống nhất lãnh đạo trong ngành.

Theo nguyên tắc này, Viện kiểm sát nhân dân do Viện trưởng lãnh đạo. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp dưới chịu sự lãnh đạo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp trên. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân các địa phương, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự các cấp chịu sự lãnh đạo thống nhất của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Điều 109 Hiến pháp 2013 và Điều 8 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002). Viện trưởng, Phó viện trưởng, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân các địa phương, Phó viện trưởng Viện kiểm sát quân sự quân khu và khu vực, Điều tra viên của Viện kiểm sát nhân dân đều do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tố cao bổ nhiệm, miễn nhiệm và cách chức (Điều 9 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002).

Như vậy, tất cả các Viện kiểm sát nhân dân từ trên xuống dưới tạo thành một hệ thống thống nhất. Mọi hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân, dù ở cấp nào, đều đặt dưới sự lãnh đạo của Viện trưởng. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân phải chịu trách nhiệm cá nhân về toàn bộ hoạt động của Viện kiểm sát do mình lãnh đạo trước Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao chịu trách nhiệm cá nhân về hoạt động của toàn ngành kiểm sát trước Quốc hội, ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước.

Việc thực hiện nguyên tắc tập trung, thống nhất lãnh đạo trong ngành bảo đảm cho các cấp kiểm sát hoạt động đồng bộ, thống nhất, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả hoạt động thực hành quyền công tố và hoạt động kiểm sát.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là ở Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh có Ủy ban kiểm sát. Ủy ban kiểm sát làm việc tập thể, thảo luận và quyết định theo đa số những vấn đề quan trọng như phương hướng, nhiệm vụ, kế hoạch công tác, dự án luật, dự án pháp lệnh..v.v… (các điều 32 và 35 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002). Khi Viện trưởng không nhất trí với ý kiến của đa số thành viên ủy ban kiểm sát thì vẫn thực hiện theo quyết định của đa số, nhưng có quyền báo cáo lên cấp trên (lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nếu là Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; lên Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao nếu là Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh). Như vậy, quy định này vừa bảo đảm mở rộng dân chủ, phát huy trí tuệ của tập thể, vừa đề cao trách nhiệm của Viện trưởng.

–  Nguyên tắc không lệ thuộc vào bất kỳ cơ quan nhà nước nào ở địa phương.

Trong tổ chức và hoạt động của mình, Viện kiểm sát nhân dân không lệ thuộc vào bất cứ một cơ quan nhà nước nào ở địa phương. Nguyên tắc này có mối quan hệ mật thiết với nguyên tắc tập trung, thống nhất lành đạo trong ngành. Nguyên tắc này nhằm tạo ra điều kiện để ngành kiểm sát nhân dân thực hiện tốt nhiệm vụ của mình là bảo đảm cho pháp luật được thi hành một cách nghiêm chỉnh và thống nhất.

Theo Hiến pháp năm 2013, Luật tổ chức của Viện kiểm sát nhân dân trong năm 2002, toàn bộ hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân được đặt dưới sự giám sát toàn diện, thường xuyên và chặt chẽ của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chủ tịch nước. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội, trong thời gian Quốc hội không họp thì chịu trách nhiệm và báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chủ tịch nước (Điều 108 Hiến pháp năm 2013; Điều 9 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002).

Nội dung nguyên tắc Viện kiểm sát nhân dân không lệ thuộc vào bất kỳ cơ quan nhà nước nào ở địa phương thể hiện ở chỗ: Các Viện kiểm sát nhân dân thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình một cách độc lập, không chịu sự chi phối bởi các cơ quan nhà nước ở địa phương, mà chỉ chịu sự lãnh đạo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Khi hoạt động, các Viện kiểm sát nhân dân chỉ phụ thuộc vào Hiến pháp, các đạo luật, pháp lệnh và các văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Điều đó cũng có nghĩa là các cơ quan nhà nước ở địa phương không có quyền can thiệp vào hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân.

Về mặt tổ chức, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quyết định bộ máy và biên chế của Viện kiểm sát nhân dân các cấp; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Viện trưởng, Phó Viện trưởng, Kiểm sát viên các Viện kiểm sát nhân dân địa phương.

Thừa nhận nguyên tắc không lệ thuộc vào bất kỳ cơ quan nhà nước nào ở địa phương cũng cần lưu ý là, theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002 thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân địa phương chịu sự giám sát của Hội đồng nhân dân cùng cấp, chịu trách nhiệm báo cáo công tác trước Hội đồng nhân dân, trả lời chất vấn của các đại biểu Hội đồng nhân dân về tình hình chấp hành pháp luật ở địa phương và hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân ở địa phương. Mặt khác, qua thực tiễn hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân, Viện trưởng có quyền kiến nghị với Hội đồng nhân dân về việc phòng ngừa tội phạm và những biểu hiện vi phạm pháp luật để bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh.


Ghi chú: Bài viết được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng Việt Nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá *