Xem xét và ra quyết định giải quyết vụ việc
Đây là giai đoạn quan trọng nhất của thủ tục hành chính. Chủ thể thực hiện thủ tục phải tiến hành các hoạt động như thu thập, nghiên cứu, đánh giá các thông tin liên quan đến vụ việc cần giải quyết, lựa chọn, áp dụng các quy phạm pháp luật. Các hoạt động này ảnh hưởng trực tiếp đến nội dung quyết định sẽ được ban hành.Trong giai đoạn này có những thời hạn khá nghiêm ngặt mà các chủ thể của thủ tục phải tuân theo. Sự vi phạm những thời hạn nhất định có thể làm chủ thể thủ tục mất quyền tiến hành những hoạt động tiếp theo.
Giai đoạn này thường kết thúc bằng việc cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định giải quyết vụ việc. Quyết định giải quyết vụ việc phải có căn cứ pháp lí, căn cứ thực tế xác đáng, có nội dung phù hợp pháp luật. Trong một số trường hợp giai đoạn này kết thúc bằng việc cơ quan có thẩm quyền ban hành (cấp) những loại giấy tờ tương ứng. Chẳng hạn, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy khai sinh trong thủ tục đăng kí khai sinh, cấp giấy đăng kí kết hôn trong thủ tục đăng kí kết hôn… Trong trường hợp này các loại giấy tờ được cấp không ghi nhận các quyền và nghĩa vụ của người được cấp. Các giấy tờ này chỉ là cơ sở để người được cấp được hưởng quyền hay phải làm những nghĩa vụ tương ứng cho nên việc thực hiện những quyền và nghĩa vụ đó không nằm trong giai đoạn tiếp theo của thủ tục hành chính được xem xét ở đây.
Thi hành quyết định
Đây là giai đoạn hiện thực hoá nội dung quyết định. Các giai đoạn trước chỉ thực sự có nghĩa nếu giai đoạn này được thực hiện nghiêm túc. Trong giai đoạn này các đối tượng có liên quan phải tổ chức thực hiện các quyền và nghĩa vụ được nêu trong quyết định. Trong những trường hợp cần thiết, chủ thể có thẩm quyền có quyền áp dụng các biện pháp cưỡng chế do pháp luật quy định buộc đối tượng tác động của quyết định thi hành quyết định. Ví dụ: Áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Khiếu nại, giải quyết khiếu nại, xem xét lại quyết định để ban hành
Các đối tượng có quyền, lợi ích liên quan trực tiếp tới quyết định đã ban hành có quyền khiếu nại ngay khi quyết định mới được ban hành hoặc sau khi thi hành quyết định nhầm yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét lại quyết định khi họ cho rằng quyết định đó đã xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của họ. Bản thân cơ quan ban hành quyết định cũng có trách nhiệm kiểm tra, xem xét lại quyết định, nếu thấy trái pháp luật thì kịp thời sửa chữa, khắc phục ngay cả khi không có khiếu nại. Tất nhiên không phải mọi quyết định giải quyết vụ việc đều bị khiếu nại, cho nên nhiều khi giai đoạn khiếu nại, giải quyết khiếu nại không xảy ra trên thực tế. Còn khi có khiếu nại thì việc khiếu nại lại làm phát sinh một thủ tục hành chính mới trong đó cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải thụ lí vụ việc, xem xét, ra quyết định giải quyết khiếu nại…
Ghi chú: Bài viết được được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng VIệt Nam.