Quá trình hoàn thiện pháp luật về bầu cử ở Việt Nam

1. Pháp luật về bầu cử ở Việt Nam

Bầu cử ở Việt Nam là quá trình các cử tri đưa ra quyết định của họ theo các cách thức mà pháp luật quy định để chọn ra các đại biểu đại diện cho mình nắm giữ các chức vụ trong cơ quan dân cử của chính quyền ở trung ương và địa phương trong phạm vi lãnh thổ của Việt Nam; bao gồm bầu cử Quốc hội (ở Trung ương) và bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp (ở địa phương). Thông thường, các cuộc bầu cử được tiến hành khi các cơ quan dân cử (hay cơ quan quyền lực nhà nước) hết nhiệm kỳ. Theo quy định của Hiến pháp năm 2013, nhiệm kỳ của Quốc hội mỗi khóa là năm năm(1), tương tự, năm năm cũng là nhiệm kỳ của Hội đồng nhân dân các cấp. Chính vì vậy, năm năm một lần, ở Việt Nam lại định kỳ tiến hành bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.

Tại Việt Nam, các cuộc bầu cử có tính chất pháp lý rất cao, đó là một khâu quan trọng để thành lập các cơ quan quyền lực nhà nước từ trung ương đến địa phương; là phương thức để nhân dân thực hiện quyền lực của mình. Điều 6 Hiến pháp Việt Nam năm 2013 khẳng định: “Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước”. Thuật ngữ bầu cử ở Việt Nam gắn mật thiết với khái niệm dân chủ, trong đó những cuộc bầu cử tự do và công bằng là phương thức đảm bảo cho việc tôn trọng các quyền tự do, dân chủ đó. Trong một nền dân chủ, quyền lực của nhà nước chỉ được thực thi khi có sự nhất trí của người dân (người bị quản lý). Cơ chế căn bản để chuyển sự nhất trí đó thành quyền lực nhà nước là tổ chức bầu cử tự do và công bằng.

Bầu cử cũng được hiểu là cách thức nhân dân trao quyền cho Nhà nước và với tư cách là một chế độ tiên tiến, Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam không thể bằng một phương pháp nào khác hơn là bầu cử để thành lập ra các cơ quan của mình. Cuộc bầu cử là một trong những hình thức hoạt động xã hội – chính trị quan trọng của nhân dân. Bầu cử thu hút sự tham gia đông đảo của cử tri đại diện cho các giai cấp, tầng lớp, tôn giáo, giới tính… Bởi vậy, để đạt được kết quả, các cuộc bầu cử phải được tiến hành có tổ chức, theo những trình tự chặt chẽ do pháp luật quy định.

Ở nước ta, có hàng loạt các văn bản pháp luật điều chỉnh về bầu cử từ Hiến pháp – văn bản có hiệu lực pháp luật cao nhất đến các đạo luật như Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội năm 1997 đã được sửa đổi bổ sung vào các năm 2001, 2007, 2010; Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2003. Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp diễn ra vào ngày 22/5 năm nay được thực hiện theo đạo luật thống nhất về bầu cử, đó là Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015(2).

Quyền bầu cử và ứng cử:

Quyền bầu cử và ứng cử vào cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất là một trong những quyền cơ bản về chính trị của công dân. Pháp luật hiện hành đã quy định công dân có quyền bầu cử, có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Theo đó, công dân Việt Nam đủ mười tám tuổi trở lên đều có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên đều có quyền ứng cử đại biểu Quốc hội(3). Những công dân này không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, thời hạn cư trú đều được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu cử.

Mặc dù vậy, cũng có những công dân đủ các điều kiện trên nhưng không được ghi tên vào danh sách cử tri là các trường hợp người đang bị tước quyền bầu cử theo bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật hay người đang phải chấp hành hình phạt tù hoặc người đang bị tạm giam(4) và người mất năng lực hành vi dân sự(5). Những quy định đó hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế.

Ngoài ra, những người sau đây cũng không được tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, gồm: Người đang bị tước quyền ứng cử theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, người đang chấp hành hình phạt tù, người bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự; Người đang bị khởi tố bị can; Người đang chấp hành bản án, quyết định hình sự của Tòa án; Người đã chấp hành xong bản án, quyết định hình sự của Tòa án nhưng chưa được xóa án tích; Người đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc giáo dục tại xã, phường, thị trấn(6).

Các nguyên tắc bầu cử:

Các nguyên tắc bầu cử là các quy tắc, nguyên lý chỉ đạo được áp dụng cho quyền bầu cử của chủ thể (quyền bầu cử chủ động và quyền bầu cử bị động). Nguyên tắc bầu cử là điều kiện được quy định bởi pháp luật bầu cử của mỗi quốc gia, mà việc thực hiện và tuân thủ quy định đó trong quá trình bầu cử quyết định tính hợp pháp của cuộc bầu cử.

Các nước trên thế giới áp dụng các nguyên tắc bầu cử sau: tự do, phổ thông, bình đẳng, trực tiếp (gián tiếp) và bỏ phiếu kín. Những nguyên tắc đó thống nhất với nhau, đảm bảo cho cuộc bầu cử được khách quan, dân chủ, thực hiện đúng nguyện vọng của cử tri khi lựa chọn đại biểu. Nguyên tắc bầu cử được thể hiện chặt chẽ, thống nhất và xuyên suốt trong toàn bộ quá trình tiến hành bầu cử, bảo đảm cho cuộc bầu cử khách quan, dân chủ, thể hiện đúng nguyện vọng của cử tri khi lựa chọn. Nguyên tắc bầu cử yêu cầu phải quy định rõ quyền và trách nhiệm của cử tri trong bầu cử, trách nhiệm của Nhà nước phải bảo đảm các quy định về bầu cử.

Ở Việt Nam, các nguyên tắc bầu cử dân chủ được kế thừa, bổ sung và phát triển để làm một căn cứ thực hiện một chế độ bầu cử mới thực sự dân chủ. Các nguyên tắc bầu cử theo quy định của pháp luật gồm bốn nguyên tắc đó là phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín.

Nguyên tắc phổ thông: Đây là nguyên tắc rất quan trọng được khẳng định tại Điều 7 Hiến pháp năm 2013. Theo đó, công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Nguyên tắc này nhằm đảm bảo cho tất cả công dân không bị phân biệt dựa trên căn cứ thành phần dân tộc, tín ngưỡng, địa vị xã hội, giới tính.

Nguyên tắc bình đẳng: Được thể hiện ở một số khía cạnh như mỗi cử tri không phân biệt đều có số lần bỏ phiếu như nhau, giá trị lá phiếu của mỗi cử tri đều như nhau, số lượng dân cư như nhau thì bầu được số lượng đại biểu bằng nhau.

Nguyên tắc trực tiếp: Nguyên tắc này nhằm đảm bảo cho người dân trực tiếp thể hiện ý chí của mình trong lựa chọn người đại biểu. Cụ thể, cử tri được trực tiếp bỏ phiếu vào thùng phiếu mà không qua người trung gian, cử tri cũng trực tiếp lựa chọn người mình bỏ phiếu, không được nhờ người khác bầu hộ, không bầu bằng cách thức gửi thư.

Nguyên tắc bỏ phiếu kín: Nguyên tắc này nhằm đảm bảo tôn trọng quyền tự do thể hiện ý chí của cử tri, tạo điều kiện để quá trình lựa chọn của mỗi cử tri không bị tác động, ảnh hưởng của các cá nhân hoặc tổ chức khác.

Sắc lệnh đầu tiên về nguyên tắc bầu cử ở Việt Nam được Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành là Sắc lệnh số 14 ngày 08/9/1945 về mở cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc dân đại biểu. Tiếp sau đó là Sắc lệnh số 51 ngày 17/10/1945 ấn định thể lệ tổng tuyển cử. Trên cơ sở đó, ngày 06/01/1946, cuộc tổng tuyển cử đầu tiên đã diễn ra. Ngày 02/3/1946, Quốc hội đã họp kỳ họp đầu tiên. Đây là Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, gồm 403 đại biểu với nhiều thành phần như: công nhân, nông dân, viên chức, trí thức, quân nhân cách mạng. Quốc hội khóa I cũng đã thông qua bản Hiến pháp đầu tiên (năm 1946) của Việt Nam, ghi nhận những nguyên tắc cơ bản của chế độ bầu cử ở Việt Nam mà trước đó được thông qua bởi các sắc lệnh nói trên. Đáng chú ý, Hiến pháp năm 1946 ghi nhận 04 nguyên tắc của bầu cử có những khác biệt so với giai đoạn sau, đó là: Chế độ bầu cử là phổ thông, đầu phiếu, tự do, trực tiếp và bỏ phiếu kín (Điều 17).

Trong giai đoạn từ năm 1959 đến năm 1980, nguyên tắc bầu cử ở Việt Nam được quy định trong Hiến pháp năm 1959. Các nguyên tắc trực tiếp, phổ thông, bỏ phiếu kín vẫn tiếp tục được ghi nhận trong Luật bầu cử đại biểu Quốc hội năm 1959 và Pháp lệnh bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân. Tuy nhiên, cũng từ giai đoạn này trở đi, nguyên tắc bầu cử tự do được thay thế bằng nguyên tắc bình đẳng, mà bình đẳng thì đã có trong nội hàm của nguyên tắc phổ thông.

Chế độ bầu cử giai đoạn 1980 – 1992 được quy định tại Điều 7 Hiến pháp năm 1980 và cụ thể trong Luật bầu cử đại biểu Quốc hội năm 1980, Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các năm 1983, 1989 với một số điểm đáng lưu ý là quy định về hiệp thương, một thủ tục nhằm cơ cấu, lựa chọn ra ứng cử viên, quy định này vẫn chi phối tiến trình bầu cử ở Việt Nam cho đến hiện nay. Ngoài ra, việc miễn nhiệm đại biểu khi họ không còn xứng đáng với cử tri cũng được cụ thể hóa trong Luật bầu cử đại biểu Quốc hội năm 1980 và Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân năm 1983.

Từ năm 1992 đến nay, nguyên tắc bầu cử được quy định tại Điều 7 Hiến pháp năm 1992: “Việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Đại biểu Quốc hội bị cử tri hoặc Quốc hội bãi nhiệm và đại biểu Hội đồng nhân dân bị cử tri hoặc Hội đồng nhân dân bãi nhiệm khi đại biểu đó không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân.” Các nguyên tắc này được cụ thể hóa trong Luật bầu cử đại biểu Quốc hội các năm 1992, 1997 (sửa đổi các năm 2001, 2007, 2010); Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các năm 1994, 2003.

Hiến pháp năm 2013 và Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015 tiếp tục giữ nguyên các nguyên tắc của bầu cử, gồm: “Việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín.”

2. Những điểm mới trong Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015

Ngày 25/6/2015 tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, có hiệu lực từ ngày 01/9/2015. Để cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2016 – 2021 thành công tốt đẹp, góp phần quan trọng cho việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, việc nghiên cứu nội dung của Luật, đặc biệt là các điểm mới của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân ban hành năm 2015 là rất cần thiết và có ý nghĩa quan trọng.

Chương I từ Điều 1 đến Điều 6 quy định về nguyên tắc bầu cử; tuổi bầu cử và tuổi ứng cử; tiêu chuẩn của người ứng cử; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong công tác bầu cử; ngày bầu cử; kinh phí tổ chức bầu cử.

Điểm mới trong Luật này là trao thẩm quyền quyết định ngày bầu cử; quyết định việc bầu cử bổ sung đại biểu Quốc hội trong thời gian giữa nhiệm kỳ; quyết định thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia cho Quốc hội thay vì do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thực hiện như trước đây. Ngày bầu cử công bố chậm nhất là 115 ngày trước ngày bầu cử (Luật cũ là 105 ngày).

Chương II từ Điều 7 đến Điều 11 quy định về dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bổ đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; đơn vị bầu cử và khu vực bỏ phiếu.

Điểm mới trong Luật lần này là số lượng người dân tộc thiểu số được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội dự kiến trên cơ sở đề nghị của Hội đồng dân tộc của Quốc hội, bảo đảm có ít nhất 18% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số. Số lượng phụ nữ được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội dự kiến trên cơ sở đề nghị của Đoàn Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, bảo đảm có ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội là phụ nữ.

Cùng với đó, Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã dự kiến cơ cấu, thành phần, phân bổ số lượng người được giới thiệu để ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã trong đó bảo đảm có ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân là phụ nữ; số người ứng cử là người dân tộc thiểu số được xác định phù hợp với tình hình cụ thể của từng địa phương.

Chương III từ Điều 12 đến Điều 28 quy định về Hội đồng bầu cử quốc gia và các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương.

Hội đồng bầu cử quốc gia là một thiết chế hiến định mới trong Hiến pháp năm 2013. Hội đồng bầu cử quốc gia do Quốc hội thành lập (Luật cũ gọi là Hội đồng bầu cử ở Trung ương do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thành lập) có nhiệm vụ tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội; chỉ đạo, hướng dẫn công tác bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Luật quy định cụ thể ba nhóm nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng bầu cử quốc gia: nhiệm vụ, quyền hạn chung của Hội đồng bầu cử quốc gia đối với công tác bầu cử; nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng bầu cử quốc gia đối với bầu cử đại biểu Quốc hội, trong đó có nhiệm vụ trình Quốc hội kết quả xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội được bầu và nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng bầu cử quốc gia đối với bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Chương này cũng quy định về cơ cấu, tổ chức, nguyên tắc hoạt động của Hội đồng bầu cử quốc gia; nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch, Phó Chủ tịch, các Ủy viên và bộ máy giúp việc của Hội đồng bầu cử quốc gia; quy định về cách thức thành lập, chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc hoạt động của các tổ chức phụ trách bầu cử và thời điểm kết thúc nhiệm vụ của các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương.

Chương IV từ Điều 29 đến Điều 34 quy định về danh sách cử tri; nguyên tắc lập danh sách cử tri; những trường hợp không được ghi tên, xoá tên hoặc bổ sung tên vào danh sách cử tri; thẩm quyền lập danh sách cử tri; niêm yết danh sách cử tri; khiếu nại về danh sách cử tri và việc bỏ phiếu ở nơi khác.

Điểm mới là mở rộng cử tri là người đang bị tạm giam, tạm giữ, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nơi người đó đang bị tạm giam, tạm giữ, đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Chương V từ Điều 35 đến Điều 61 chia làm 4 mục: ứng cử; hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội và điều chỉnh cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội; hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân và điều chỉnh cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân và mục về danh sách những người ứng cử.

Chương VI từ Điều 62 đến Điều 68 quy định về tuyên truyền, vận động bầu cử: trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền, vận động bầu cử; nguyên tắc vận động bầu cử; thời gian tiến hành vận động bầu cử; hình thức vận động bầu cử; hội nghị tiếp xúc cử tri; vận động bầu cử thông qua phương tiện thông tin đại chúng và những hành vi bị cấm trong vận động bầu cử.

Chương VII từ Điều 69 đến Điều 72 quy định về nguyên tắc và trình tự bỏ phiếu. Luật giữ nguyên quy định về thời gian bỏ phiếu bắt đầu từ 7 giờ sáng đến 7 giờ tối cùng ngày. Tuỳ tình hình địa phương, Tổ bầu cử có thể quyết định cho bắt đầu sớm hơn nhưng không được trước 5 giờ sáng hoặc kết thúc muộn hơn nhưng không được quá 21 giờ cùng ngày (Luật cũ là không quá 22 giờ). Quy định này nhằm đảm bảo kết quả kiểm phiếu của các khu vực bầu cử không tác động đến việc bầu cử của khu vực bỏ phiếu khác.

Chương VIII từ Điều 73 đến Điều 88 quy định về kết quả bầu cử, gồm 4 mục: việc kiểm phiếu; kết quả bầu cử ở đơn vị bầu cử; bầu cử thêm, bầu cử lại; và tổng kết cuộc bầu cử.

Chương IX từ Điều 89 đến Điều 94 quy định về bầu cử bổ sung đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân gồm: bầu cử bổ sung; tổ chức phụ trách bầu cử bổ sung; danh sách cử tri trong bầu cử bổ sung; ứng cử và hiệp thương, giới thiệu người ứng cử trong bầu cử bổ sung; trình tự bầu cử, xác định kết quả trong bầu cử bổ sung và khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về bầu cử bổ sung.

Chương X từ Điều 95 đến Điều 98 quy định về xử lý vi phạm pháp luật về bầu cử, quy định chuyển tiếp và hiệu lực thi hành. Trong việc tổ chức bầu cử tại các huyện, quận, phường thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường theo Nghị quyết số 26/2008/QH12 của Quốc hội, Nghị quyết số 724/2009/UBTVQH12 và Nghị quyết số 725/2009/UBTVQH12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường quy định tại các điều 4, 9 và 51 của Luật này trên cơ sở đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, có tham khảo ý kiến của Ủy ban nhân dân huyện, quận, phường có liên quan.

PGS, TS. Nguyễn Quốc Sửu – Học viện Hành chính quốc gia


Ghi chú: Bài viết được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng Việt Nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá *