1. Công dân là gì?
Điều 17 Hiến pháp năm 2013 quy định:
“1. Công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là người có quốc tịch Việt Nam.
2. Công dân Việt Nam không thể bị trục xuất, giao nộp cho nhà nước khác
3. Công dân Việt Nam ở nước ngoài được Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bảo hộ”.
Điều 1 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 quy định; “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, mỗi cá nhân đều cỏ quyền có quốc tịch… Mọi thành viên của các dân tộc đều bình đẳng về quyền có quốc tịch Việt Nam”. Điều đó khẳng định công dân Việt Nam là người có quốc tịch Việt Nam.
– Quốc tịch là phạm trù chính trị pháp lý thể hiện mối quan hệ giữa Nhà nước và các cá nhân đồng thời quốc tịch còn xác định một cá nhân là công dân Việt Nam, trên cơ sở đó làm phát sinh quyền, nghĩa vụ pháp lý hành chính giữa Nhà nước ta và công dân sống ở trong nước cũng như nước ngoài.
– Các cơ quan nhà nước ở trong nước, cơ quan ngoại giao, lãnh sự ở nước ngoài có trách nhiệm bảo vệ, quyền, lợi ích hợp pháp của người Việt Nam ở nước ngoài, khi quyền, lợi ích của công dân Việt Nam đang cư trú ở một nước nào đó bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại thì các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đặc biệt là cơ quan ngoại giao, lãnh sự dựa trên cơ sở pháp luật Việt Nam, pháp luật nước sở tại, pháp luật quốc tế để bảo vệ công dân của mình.
2. Đặc điểm quy chế pháp lý hành chính của công dân
Quy chế pháp lý hành chính của công dân có những đặc điểm sau đây:
– Mọi công dân Việt Nam được hưởng đầy đủ các quyền về tự do cá nhân, về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội…
– Quy chế pháp lý hành chính của công dân được xác lập trên cơ sở các quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân do Hiến pháp quy định. Chỉ có cơ quan nhà nước có thẩm quyền mới có thế hạn chế quyền và nghĩa vụ của công dân.
– Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hóa, nghề nghiệp.
– Quyền và nghĩa vụ là hai mặt không thể tách rời. Công dân được hưởng quyền đồng thời phải làm nghĩa vụ đối với Nhà nước. Điều đó thể hiện mối liên hệ về trách nhiệm pháp lý giữa nhà nước và công dân.
– Nhà nước chỉ truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với công dân khi có hành vi vi phạm do pháp luật quy định và chỉ trong giới hạn mà pháp luật cho phép.
– Nhà nước không ngừng hoàn thiện quy chế pháp lý hành chính của công dân, đảm bảo cho công dân tham gia tích cực vào quản lý nhà nước.
3. Các quy chế pháp lý hành chính của công dân
Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân gắn với quyền con người và được quy định từ Điều 14 đến Điều 49 Hiến pháp năm 2013.
a. Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong lĩnh vực hành chính – chính trị
Điều 28 Hiến pháp năm 2013 quy định:
“1. Công dân cỏ quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước.
2. Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, mình bạch trong việc tiếp nhận, phản hổi ý kiến, kiến nghị của công dân”.
Đây là sự thừa nhận về mặt Nhà nước của quyền này trong đời sống chính trị củạ công dân, là cơ sở pháp lý để công dân phát huy tính tích cực của mình.
- Nhân dân có quyền bầu cử, ứng cử;
- Kiến nghị với cơ quan nhà nước;
- Bỏ phiếu tín nhiệm, bầu các chức danh của bộ máy nhà nước;
- Quyền tự do đi lại, cư trú;
- Tự do ngôn luận, lập hội, biểu tình;
- Khiếu nại, tố cáo…
- Nghĩa vụ trung thành với Tổ quốc, nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc, tham gia quân độỉ thường trực, dự bị. Nghĩa vụ tôn trọng, bảo vệ tài sản nhà nước. Công dân có nghĩa vụ tuân theo Hiến pháp, pháp luật, bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội…
b. Quyền và nghĩa vụ của công dân trong lĩnh vực kinh tế – xã hội
Cơ sở pháp lý của quyền này được quy định trong các điều của Hiến pháp năm 2013.
Cụ thể Điều 32 quy định về sở hữu thu nhập hợp pháp, sở hữu tư nhân, Điều 33 quy định về quyền tự do kinh doanh, Điều 35 quy định công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc… Đây là cơ sở pháp lý quan trọng nhất để Quốc hội ban hành các luật, Chính phủ ban hành các nghị định, Bộ ban hành thông tư… để cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp về các lĩnh vực kinh tế, xã hội.
Trên cơ sở đó cơ quan hành chính có thẩm quyền triển khai, tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật đảm bảo cho công dân, cá nhân được thực hiện trong thực tế các quyền và làm nghĩa vụ của mình trong lĩnh vực kinh tế, xã hội như:
- Quyền lao động;
- Quyền tự do kinh doanh;
- Quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp;
- Quyền sở hữu tư nhân và quyền thừa kế.
c. Quyền và nghĩa vụ của công dân trong lĩnh vực văn hóa – xã hội
Cơ sở pháp lý của những quyền này được quy định tại Điều 37, Điều 38, Điều 39, Điều 40, Điều 41 Hiến pháp năm 2013.
Đây là cơ sở pháp lý quan trọng nhất để các cơ quan nhà nước ban hành các văn bản pháp luật thuộc thẩm quyền nhằm cụ thể hóa, chi tiết hóa các quy định cơ bản của Hiến pháp quy định về lĩnh vực này. Dựa trên Hiến pháp, luật và các văn bản dưới luật cơ quan hành chính nhà nước tổ chức đưa các quy định pháp luật vào thực tiễn giải quyết, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, nghĩa vụ của cá nhân, công dân, tổ chức. Cụ thể:
- Công dân, cá nhân được hưởng quyền và nghĩa vụ trong lĩnh vực học tập trong nước, nước ngoài theo con đường tự chọn về ngành học, bậc học.
- Mọi người đều có quyền nghiên cứu khoa học và công nghệ, sáng tạo văn học nghệ thuật và các hoạt động văn hóa khác.
- Mọi người có quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa.
- Quyền được bảo vệ sức khỏe. Nhà nước đầu tư phát triển xây dựng các bệnh viện, đổi mới trang thiết bị… phục vụ cho chẩn đoán sớm, chữa bệnh kịp thời.
- Công dân, cá nhân có nghĩa vụ bảo vệ di sản văn hóa, mọi công dân cá nhân, tổ chức phải gánh chịu trách nhiệm pháp lý khi có những hành vi vi phạm quyền tác giả. Nhà nước nghiêm cấm mọi hành vi tuyên truyền lối sống đồi trụy, vận chuyển tàng trữ những ấn phẩm có nội dung không lành mạnh… Nếu cá nhân nào vi phạm tùy theo lỗi nặng nhẹ sẽ bị truy cứu trách nhiệm pháp lý tương ứng.
Ghi chú: Bài viết được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng VIệt Nam.