Sự ra đời và phát triển của chế định nguyên thủ quốc gia

[VPLUDVN] Trong bộ máy nhà nước có một thiết chế với những tên gọi khác nhau như: Vua, Hoàng đế, Quốc vương, Quốc trưởng, Nữ hoàng, Tổng thống, Đoàn chủ tịch, Hội đồng nhà nước, Chủ tịch nước…, thiết chế này còn được gọi là nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu nhà nước, đại diện cho nước về đối nội và đối ngoại.

Vua, Hoàng đế, Quốc vương, Quốc trưởng, Nữ hoàng là nguyên thủ quốc gia ở các nước theo chính thể quân chủ hoặc quân chủ lập hiến. Tổng thống là nguyên thủ quốc gia ở các quốc gia theo chính thể cộng hòa tổng thống hoặc cộng hòa đại nghị. Đoàn Chủ tịch, Hội đồng nhà nước, Chủ tịch nước là nguyên thủ quốc gia ở các nước cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa. Theo hiến pháp hiện hành, nguyên thủ quốc gia của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là Chủ tịch nước.

Trong lịch sử lập hiến của nhà nước tư sản, sự hình thành nguyên thủ quốc gia ở mỗi nước có những tiến trình và những đặc điểm khác nhau, nhưng có điểm chung đều bắt nguồn từ các cuộc cách mạng tư sản, với chủ trương phải lật đổ chế độ chuyên chế, xây dựng một chế độ dân chủ tư sản. Ở những nước cuộc cách mạng tư sản giành được thắng lợi triệt để, xóa bỏ chế độ cha truyền con nối, thì ở đó chính thể quân chủ được thay thế bởi chính thể cộng hòa. Những quốc gia này, nguyên thủ quốc gia không còn là một vị vua mà thay vào đó là một vị Tổng thống được hình thành bằng con đường bầu cử. Những nước cách mạng tư sản không đủ sức để đánh bại được giai cấp phong kiến đại diện là các vị Hoàng đế, mặc dù đã lỗi thời nhung vẫn còn đủ mạnh, thì ở đó quyền lực nhà nước buộc phải chia sẻ giữa giai cấp tư sản thống trị và giai cấp phong kiến. Những nước này xây dựng chính thể quân chủ lập hiến, quyền lực nhà nước chủ yếu thuộc về nghị viện, quyền lực của nhà Vua bị giới hạn bởi hiến pháp. Tuy nhiên, cũng có những nơi sự tồn tại của chế độ quân chủ đã ăn sâu vào tiềm thức của mọi người dân trong xã hội, mặc dù cuộc cách mạng tư sản đã giành thắng lợi hoàn toàn, nhung giai cấp tư sản đã không xóa bỏ ngai vàng phong kiến mà tiếp tục duy trì chế độ quân chủ, nhằm sử dụng vị thế của Vua để phục vụ cho mục đích chính trị của mình. Hình thức chính thể của những nước này là quân chủ lập hiến, nhà Vua trị vì nhung không cai trị, quyền lực của nhà Vua chỉ mang tính hình thức và bị giới hạn bởi hiến pháp.

Đối với nhà nước Xã hội Chủ nghĩa, bộ máy nhà nước được tổ chức theo nguyên tắc tập quyền, mọi quyền lực nhà nước thống nhất tập trung vào cơ quan đại diện quyền lực nhà nước cao nhất của nhân dân đó là Xô-viết tối cao, Quốc hội. Xô-viết toi cao bầu ra Đoàn Chủ tịch Xô-viết tối cao (Liên Xô), Quốc hội bầu ra Hội đồng nhà nước (các nước Đông Âu trước đây, Việt Nam theo Hiến pháp năm 1980), những nước này chức năng nguyên thủ quốc gia được thống nhất trong các chức năng của Đoàn Chủ tịch Xô-viết tối cao và Hội đồng nhà nước. Do vậy, Đoàn Chủ tịch Xô-viết tối cao, Hội đồng nhà nước được coi là nguyên thủ quốc gia tập thể. Một số nước Xã hội Chủ nghĩa khác, do nhiều nguyên nhân khác nhau trong đó có nguyên nhân từ truyền thống lịch sử ở nước đó, đã có thiết chế Chủ tịch nước trong bộ máy nhà nước, Chủ tịch nước là nguyên thủ quốc gia đứng đầu nhà nước, thay mặt nước thực hiện chức năng đối nội, đối ngoại. Chủ tịch nước do Quốc hội bầu, chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội.


Ghi chú: Bài viết được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng Việt Nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá *