Thủ tục giải quyết vụ án có yếu tố nước ngoài trong tố tụng hành chính

[VPLUDVN] Nguyên tắc áp dụng luật tố tụng hành chính có yếu tố nước ngoài

Căn cứ theo Điều 298 Luật Tố tụng Hành chính 2015 thì vụ án hành chính có yếu tố nước ngoài là vụ án hành chính thuộc một trong các trường hợp sau đây:

– Có đương sự là người nước ngoài, cơ quan, tổ chức nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam;

– Có đương sự là công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài;

– Việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quan hệ pháp luật hành chính đó xảy ra ở nước ngoài;

– Có liên quan đến tài sản ở nước ngoài.

Thủ tục giải quyết vụ án có yếu tố nước ngoài trong tố tụng hành chính

Theo quy định tại Điều 304 Luật Tố tụng hành chính 2015, tòa án phải gửi thông báo thụ lý vụ án, trong đó nêu rõ thời gian, địa điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và đối thoại (gọi tắt là phiên họp), mở lại phiên họp, mở phiên tòa và mở lại phiên tòa trong văn bản thông báo thụ lý vụ việc cho đương sự ở nước ngoài theo thời hạn quy định.

Tòa án xét xử vắng mặt đương sự ở nước ngoài trong các trường hợp sau đây:

– Tòa án đã nhận được kết quả tống đạt theo một trong các phương thức tống đạt, đương sự đã cung cấp đầy đủ lời khai, tài liệu, chứng cứ và đương sự đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt họ;

– Tòa án không nhận được thông báo của cơ quan có thẩm quyền về kết quả thực hiện việc tống đạt cho đương sự ở nước ngoài;

– Tòa án đã thực hiện các biện pháp như tòa án tiến hành niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, Tòa án đang giải quyết vụ việc hoặc tại nơi cư trú cuối cùng của đương sự tại Việt Nam trong thời hạn 30 ngày và thông báo trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có), Cổng thông tin điện tử của cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài; trường hợp cần thiết, Tòa án có thể thông báo qua kênh dành cho người nước ngoài của Đài phát thanh hoặc Đài truyền hình của trung ương ba lần trong 03 ngày liên tiếp..

Thời hạn mở phiên họp, phiên tòa

Thời hạn mở phiên họp, phiên tòa được xác định như sau:

– Phiên họp phải được mở sớm nhất là 04 tháng và chậm nhất là 06 tháng kể từ ngày ra văn bản thông báo thụ lý vụ án. Ngày mở lại phiên họp (nếu có) được ấn định cách ngày mở phiên họp chậm nhất là 30 ngày.

– Phiên tòa phải được mở sớm nhất là 06 tháng và chậm nhất là 08 tháng kể từ ngày ra văn bản thông báo thụ lý vụ án. Ngày mở lại phiên tòa (nếu có) được ấn định cách ngày mở phiên tòa chậm nhất là 30 ngày, trừ trường hợp xử lý kết quả tống đạt văn bản tố tụng của Tòa án cho đương sự ở nước ngoài.

Thời hạn kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án xét xử vụ án hành chính có yếu tố nước ngoài

Đương sự có mặt tại Việt Nam có quyền kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án.

Đương sự cư trú ở nước ngoài không có mặt tại phiên tòa thì thời hạn kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án là 30 ngày kể từ ngày bản án, quyết định được tống đạt hợp lệ hoặc kể từ ngày bản án, quyết định được niêm yết hợp lệ theo quy định của pháp luật.

Trường hợp Tòa án xét xử vắng mặt đương sự ở nước ngoài Tòa án và không nhận được thông báo của cơ quan có thẩm về kết quả thực hiện việc tống đạt cho đương sự ở nước ngoài thì thời hạn kháng cáo là 12 tháng kể từ ngày tuyên án.


Ghi chúBài viết được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng VIệt Nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá *