1. Đầu tư nước ngoài là gì? Vai trò của đầu tư nước ngoài?
1.1. Đầu tư nước ngoài là gì?
Hiện chưa có định nghĩa thống nhất về đầu tư nước ngoài những đầu tư nước ngoài có thế hiểu đơn giản là hình thức lưu chuyển tư bản từ nước này sang nước khác nhằm mcuj đích kinh tế, xã hội nhất định.
Tư bản lưu chuyển gọi là vốn đầu tư. Vốn đầu tư có thể là ngoại tệ mạnh và nội tê; tư liệu sản xuất, hàng hóa, các tài sản hữu hình; các tài sản vô hình như sức lao động, công nghê, phát minh, sáng chế, nhãn hiệu thương mại và các tài sản đặc biệt khác như cổ phiếu, trái phiếu, vàng bạc, đá quý,…Vốn đầu tư nước ngoài có thể thuộc sở hữu nhà nước, tổ chức quốc tế (Ví dụ ÌM, WB, ADB,..) hoặc của tư nhân.
1.2 .Vai trò của đầu tư nước ngoài
Đối với các nước xuất vốn đầu tư, Đầu tư nước ngoài gốp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư; xây dựng thị trường cung cấp nguyên liệu ổn định, giá hạ và bành trướng sức mạnh kinh tế, nâng cao uy tín chính trí trên trường quốc tế
Đối với các nước nhận vốn đầu tư, Đầu tư nước ngoài giúp gaiir quyết những khó khăn về kinh tế và xã hội trong nước như nạn thất nghiệp, lạm phát; tăng thu ngân sách nhà nước dưới hình thức các loại thuế; tạo môi trường cạnh tranh để thúc đẩy phát triển kinh tế; thương mại trong nước, giúp các nhà doanh nghiệp địa phương học hỏi kinh nghiệm quản lý tiên tiến, ứng dụng kỹ thuật mới và giảm bớt một phần nợ nước ngoài.
2. Các hình thức đầu tư
Có hai hình thức phổ biến: Đầu tư công cộng nước ngoài và đầu tư tư nhân nước ngoài.
2.1. Đầu tư công cộng nước ngoài
– Đặc điểm:
Đầu tư công cộng nước ngoài mang tính chất hỗ trợ. Một mặt, nó thể hiện sự đoàn kết và trách nhiệm đóng góp vào sự phát triển của mỗi quốc gia và dân tộc trong một thế giới phụ thuộc lẫn nhau, đặc biệt trong lĩnh vực quan hệ kinh tế. Mặt khác, đầu tư công cộng cũng mang lại lợi ích cho những nước cấp viện trợ. Tuy nhiên, đầu tư công cộng chỉ mang tính chất bổ sung vì về nguyên tắc trách nhiệm chính đối với sự phát triển của mỗi quốc gia dân tộc là do quốc gia dân tộc đó tự gánh vác.
– Các các hình thức đầu tư công cộng :
Thứ nhất, trong quan hệ đa phương:
Trên phạm vi toàn cầu, Liên hợp quốc thực hiện viện trợ tài chính công cộng đa phương thông qua tập đoàn ngân hàng thế giới, đặc biệt là IBRD, IDA, IFC, trong đó ngân hàng quốc tế tái thiết và phát triển IBRD và cơ quan tài trợ có thẩm quyền chung. Hiệp hội quốc tế phát triển IDA là cơ quan cung cấp các khoản tín dụng cho nhu cầu phát triển của các nước nghèo nhất và công ty tài chính quốc tế IFC là cơ quan khuyến khích sự phát triển của khu vực tư nhân trong nền kinh tế của các nước đang phát triển. Ngoài ra, các nước còn lập ra một số quỹ viện trợ hoạt động với tư cách là những cơ quan phụ trợ hay tổ chức chuyên môn của Liên Hợp Quốc.
Vấn đề đầu tư nước ngoài cũng được xem xét thảo luận trong phạm vi của tổ chức thương mại quốc tế WTO, WTO chưa có hiệp định chung thống nhất điều chỉnh vấn đề đầu tư nước ngoài nhưng một số quy định về đầu tư nước ngoài được ghi nhận trong các hiệp định của WTO như Hiệp định GATT (đặc biệt là hiệp định TRIMs, hiệp định SCVM), Hiệp định GATS, Hiệp định Trips. Các quy định pháp luật của các nước thành viên điều chỉnh hoạt động đầu tư nước ngoài phải phù hợp với các quy định tối thiểu đó và các quy định khác có liên quan của WTO
Thứ hai, trong quan hệ khu vực
Đầu tư công cộng nước ngoài trong phạm vi khu vục được thực hiện qua nhiều kênh khác nhau hoặc thông qua các tổ chức kinh tế liên chính khu vực. Asean có Hiệp định AIA (hiệp định về Khu vực đầu tư Asean) Một hình thức phổ biến khác là thông qua các ngân hàng phát triển khu vực (Như Châu Á có ngân hàng phát triển Châu Á). Mục tiêu của các nước thành viên là giúp cho sự phát triển kinh tế trong khu vực thông qua một cơ chế chung về đầu tư công cộng.
Thứ ba, trong quan hệ song phương
Đầu tư công cộng song phương thường được thực hiện thông qua các hiệp định đầu tư song phương liên chính phủ. Có nhiều dạng hiệp định này và Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định loại này với các chính phủ các nước và các tổ chức quốc tế liên quan, đáng chú ý nhất trong số các điều ước quốc tế đó là các hiệp định về ODA, về tài trợ cho các chương trình, dự án khác nhau ở Việt Nam.
2.2 Đầu tư tư nhân nước ngoài.
Có một số điều ước quốc tế khu vực được ký kết giữa các quốc gia liên quan đến đầu tư nước ngoài, như: Hiệp ước Roma, Hiệp định Cactahena,…
– Rất nhiều hiệp định song phương về khuyến khích và bảo hộ đầu tư được ký kết. Trong các hiệp định này thường có các quy định về: Các biện pháp chung về đối xử với nhà đầu tư nước ngoài; bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư trong trường hợp bị trưng thu tài sản; bồi thường thiệt hại do xung đột vũ trang hoặc biến động trong nước; chuyển lợi nhuận, vốn ra nước ngoài,…
– Pháp luật quốc gia có vai trò quan trọng trong hoạt động đầu tư tư nhân nước ngoài. Pháp luật này có hai loại: pháp luật của nước xuất khẩu tư bản đối với đầu tư của tổ chức, cá nhân nước mình ở nước ngoài và pháp luật của nước nhập khẩu tư bản đối với đầu tư nước ngoài trên lãnh thổ của mình.
Một số nội dung cụ thể:
– Tiếp nhận đầu tư nước ngoài
Mỗi quốc gia có quyền tiếp nhận đầu tư nước ngoài trong phạm vi lãnh thổ của mình. Quyền này bao gồm: Từ chối hay ngăn cấm đầu tư nước ngoài mà quốc gia đó cho là không phù hợp về an ninh quốc gia, các mục tiêu phát triển kinh tế hay các lợi ích khác của quốc gia, áp đặt những điều kiện hoạt động cho đầu tư nước ngoài, cho việc sở hữu tài sản của người nước ngoài hay cho hoạt động của các công ty xuyên quốc gia trên lãnh thổ của quốc gia đó… Nhà đầu tư nước ngoài phải tuân thủ mọi luật lệ liên quan của nước sở tại trong các hoạt động đầu tư trên lãnh thổ nước đó.
– Đối với đầu tư nước ngoài
Tiêu chuẩn đối với đầu tư nước ngoài được nhấn mạnh trong hầu hết các văn kiện pháp lý quốc tế và quốc gia liên quan đến đầu tư, được hiểu là quốc gia sẽ đối xử với đầu tư nước ngoài trên lãnh thổ của mình một cách công bằng và thỏa đáng. Nguyên tắc không phân biệt đối xử ở đây có hai mức độ khác nhau: Không phân biệt đối xử giữa các nhà đầu tư nước ngoài trên cơ sở quốc tịch (đối xử tối huệ quốc), và hông không biệt đối xử giữa nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư nước sở tại (đãi ngộ quốc gia)
– Trưng thu tài sản, những thay đổi đơn phương về phía nước nhận đầu tư
Mỗi quốc gia sẽ không trưng thu toàn bộ hay một phần vốn đầu tư của tổ chức, cá nhân nước ngoài trên lãnh thổ của mình, hay có những biện pháp đem lại hậu quả tương tự, trừ khi việc đó được thực hiện theo đúng các thủ tục pháp lý hiện hành, một cách thiện chí, vì mục đích công công, không phân biệt đối xử trên cơ sở quốc tịch và phải có những bồi thường thích đáng
– Giải quyết tranh chấp
Tranh chấp giữa các nhà đầu tư nước ngoài với quốc gia nhận đầu tư thường được giải quyết thông qua thương lượng giữa họ với nhau. Trường hợp thương lượng không thành thì giải quyết tại Tòa án nước nhận đầu tư hay giải quyết theo một cơ chế khác nhau theo thỏa thuận của hai bên. Cơ chế đó có thể là cơ chế ngoài tài phán hoặc thông qua các cơ quan tài phán.
3. Tác động của Hiệp định TRIMs đến ngành công nghiệp của Việt Nam
Các biện pháp Việt Nam đã sử dụng trong thời gian qua là yêu cầu về tỷ lệ nội địa hoá, yêu cầu cân đối ngoại tệ, yêu cầu phải gắn với phát triển nguồn nguyên liệu trong nước và yêu cầu tỷ lệ xuất khẩu bắt buộc. Trong đó, biện pháp được tập trung áp dụng nhiều nhất là yêu cầu về tỷ lệ nội địa hoá trong các ngành sản xuất, lắp ráp ôtô và phụ tùng ôtô; sản xuất, lắp ráp xe máy và phụ tùng xe máy; sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh và phụ tùng thuộc ngành điện tử, cơ khí – điện. Ngoài ra, các dự án chế biến gỗ, sữa, dầu thực vật, đường mía cũng thuộc đối tượng các ngành phải thực hiện chương trình nội địa hoá nhằm phát triển nguồn nguyên liệu trong nước. Song, do tính đặc thù nên phần lớn các dự án thuộc ngành này được xây dựng với mục đích sử dụng nguồn nguyên liệu rẻ, sẵn có trong nước. Do vậy, các nhà đầu tư sẽ tự nguyện thực hiện chính sách nội địa hoá, kể cả trong trường hợp không được khuyến khích hoặc ưu đãi. Do đó, việc đàm phán thực hiện các nghĩa vụ theo Hiệp định TRIMs của Việt Nam hoàn toàn không phải là một điều mới mẻ. Theo Hiệp định thương mại song phương Việt Nam – Hoa Kỳ (BTA) có hiệu lực từ tháng 12/2001, trừ 2 yêu cầu phải thực hiện ngay tại thời điểm nói trên (xóa bỏ yêu cầu cân đối xuất – nhập khẩu và cân đối ngoại tệ), Việt Nam đã cam kết thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ theo Hiệp định TRIMs vào thời điểm chậm nhất cho đến khi Việt Nam gia nhập WTO (gồm việc xóa bỏ yêu cầu xuất khẩu, nội địa hóa, phát triển nguồn nguyên liệu trong nước).
Trong gần 05 năm thực hiện BTA, hệ thống pháp luật Việt Nam đã liên tục được hoàn thiện nhằm đáp ứng hầu hết các nghĩa vụ theo BTA. Đặc biệt, Luật Đầu tư có hiệu lực từ 01/07/2006 đã nội luật hóa đầy đủ các cam kết của Việt Nam bằng việc loại bỏ toàn bộ các biện pháp TRIMs được áp dụng như những điều kiện bắt buộc để cấp phép đầu tư, nhưng cũng là điều kiện để cấp ưu đãi đầu tư (bao gồm các yêu cầu bắt buộc xuất khẩu, sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước cũng như các ưu đãi đầu tư gắn với việc thực hiện các yêu cầu này). Trong khuôn khổ đàm phán gia nhập WTO, Việt Nam đã tiến hành minh bạch hóa chính sách về các biện pháp đầu tư liên quan đến thương mại, đồng thời hoàn thành Thông báo và Chương trình hành động thực hiện Hiệp định TRIMs. Theo đó, Việt Nam cam kết sẽ loại bỏ hoàn toàn các biện pháp không phù hợp với Hiệp định TRIMs ngay tại thời điểm Việt Nam gia nhập WTO. Cụ thể, Việt Nam cam kết sẽ loại bỏ các biện pháp sau như là điều kiện để cấp phép đầu tư hay là điều kiện để cấp ưu đãi đầu tư, cụ thể là yêu cầu về nội địa hóa:
Yêu cầu về nội địa hóa đối với dự án sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy, và các mặt hàng cơ khí, điện – điện tử. Cấp ưu đãi về thuế nhập khẩu theo tỷ lệ nội địa hóa đối với các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp hàng cơ khí, điện – điện tử và phụ tùng ô tô. Yêu cầu về đầu tư phải gắn với phát triển nguồn nguyên liệu trong nước đối với dự án đầu tư nước ngoài chế biến các sản phẩm: sữa, dầu thực vật, mía đường, gỗ. Liên quan đến yêu cầu về nội địa hóa đối với dự án sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy và các mặt hàng cơ khí, điện – điện tử. Thời gian qua, chiến lược và chính sách phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đã kêu gọi đầu tư và dành nhiều ưu đãi cho ngành này.
Tuy nhiên, đến nay Việt Nam vẫn chưa thể thực sự nội địa hoá ôtô. Nguyên nhân cơ bản là do các ngành công nghiệp phụ trợ cho các ngành công nghiệp nói chung và cho ôtô nói riêng ở Việt Nam còn manh mún, thô sơ, thiếu tính kỹ thuật chuyên sâu, thực tế những năm qua cho thấy tỷ lệ nội địa hoá chỉ đạt được từ 2% – 7% và chỉ tập trung chủ yếu vào các công đoạn sản xuất đơn giản như hàn lắp khung, thân xe, sơn, tẩy rửa, lắp ráp thiết bị kiểm tra kèm theo. Và với Hiệp định TRIMs, rõ ràng ngành ô tô Việt Nam đang đứng trước khó khăn. Chương trình nội địa hoá ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp xe máy tại Việt Nam thời gian qua là một ví dụ điển hình về sự thành công và phát triển ban đầu. Tỷ lệ nội địa hoá được quy định ngay trong Giấy phép đầu tư của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đã đáp ứng được tiến độ và tỷ lệ nội địa hoá như quy định. Song, phần lớn sản phẩm nội địa được sử dụng là những chi tiết, linh kiện sản xuất với kỹ thuật công nghệ đơn giản, rất ít bộ phận chính, quan trọng, đòi hỏi kỹ thuật cao thuộc cụm động cơ. Trong điều kiện kỹ thuật sản xuất ở nước ta còn lạc hậu, các ngành sản xuất, lắp ráp các sản phẩm và phụ tùng điện tử và cơ khí – điện cần được nội địa hoá để từng bước tạo ra các ngành công nghiệp cơ bản trong nước.
Thời gian qua, việc thực hiện chương trình nội địa hoá đối với các ngành công nghiệp này chưa đạt mục tiêu đề ra. Sáu doanh nghiệp đầu tư nước ngoài lớn nhất trong ngành này mới chỉ đạt mức nội địa hoá khoảng 30%. Nguyên nhân chủ yếu là do các doanh nghiệp trong nước chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật trong việc cung cấp các linh kiện và phụ tùng, đặc biệt là các ngành sản xuất, lắp ráp đòi hỏi công nghệ cao. Do đó, việc dỡ bỏ yêu cầu tỷ lệ nội địa hóa bắt buộc theo như cam kết trong hiệp định TRIMs sẽ có tác động không nhỏ tới các ngành này.
Với thực trạng ngành công nghiệp phụ trợ của nước ta vẫn còn yếu và thiếu, các doanh nghiệp sẽ chủ động hơn trong việc đa dạng hóa nguyên liệu đầu vào, đặc biệt là những nguyên liệu có hàm lượng kỹ thuật cao. Thêm vào đó, việc dỡ bỏ rào cản tạo ra môi trường cạnh tranh hơn cho các doanh nghiệp sẽ góp phần thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, cùng với công nghệ tiên tiến, kỹ năng quản lý…. Hiệp định TRIMs tháo gỡ vướng mắc cho các ngành công nghiệp ô tô, xe máy trong vấn đề nguyên vật liệu đầu vào nhưng lại gây khó khăn không nhỏ cho các ngành công nghiệp phụ trợ.
Ghi chú: Bài viết được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng VIệt Nam.