Các thiết chế cơ bản trong luật thương mại quốc tế

1. Cơ sở hình thành và phát triển của các thiết chế thương mại quốc tế

1.1. Về cơ sở thực tế.

Các quốc gia trên thế giới ở những mức độ khác nhau đều có sự khác biệt về trình độ phát triển kinh tế, điều kiện tự nhiên, thể chế chính trị,…Bài học của việc thực thi chính sách “tự cung tự cấp”, “bế quan tỏa cảng”, của một số quốc gia trong các thời kỳ khác nhau cho thấy hợp tác để phát triển là thực tế mà không quốc gia nào có thể đứng ngoài. Vì vậy các thiết chế Thương mại quốc tế ra đời, tồn tại và phát triển chính là một trong những hình thức hợp tác hiệu quả thông qua việc điều hòa phối hợp lợi ích giữa các thành viên. Mặt khác trong những thập niên gần đây, đặc biệt là sau khi kết thúc chiến tranh lạnh, quá trình quốc tế hóa đời sống kinh tế ngày càng phát triển đa dạng. Các vấn đề mang tính toàn cầu tác động đến lợi ích kinh tế của những quốc gia xuất hiện ngày càng nhiều đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa các quốc gia trong thời trong các tổ chức hoặc diễn đàn thích hợp nhằm duy trì ổn định và phát triển trật tự các quan hệ quốc tế nói chung và các quan hệ kinh tế quốc tế nói riêng. Thiết chế Thương mại quốc tế chính là một trong những hình thức này. Như vậy sự ra đời và phát triển của các thiết chế thương mại quốc tế là tất yếu khách quan.

1.2. Về cơ sở pháp lý

Các thiết chế thương mại quốc tế ra đời trên cơ sở các văn bản pháp lý quốc tế do các quốc gia thỏa thuận ký kết hoặc do các cơ quan có thẩm quyền của một số tổ chức quốc tế liên chính phủ ban hành như các điều ước quốc tế, các nghị quyết, các thỏa thuận quốc tế,… Những văn bản này không chỉ là tiền đề cho sự ra đời của tổ chức, thiết chế mà nó thường bao gồm cả những quy định về cơ cấu tổ chức, chức năng, quyền hạn của chính các thiết chế đó. Ví dụ như Liên hợp quốc ra đời trên cơ sở Hiến chương, ASEAN ra đời trên cơ sở của tuyên bố Băng Cốc, Ủy ban Luật thương mại quốc tế của Liên hợp quốc (UNCITRAL) được thành lập theo nghị quyết của đại hội đồng Liên Hợp Quốc,.. Với các tổ chức quốc tế liên chính phủ, các văn bản pháp lí quốc tế này còn là một trong những cơ sở xác định quyền năng chủ thể của luật quốc tế chính của chính tổ chức đó.

2. Đặc điểm của các thiết chế Thương mại quốc tế

Hiện nay xuất phát từ những nguyên nhân như mục đích thành lập và hoạt động, tác động của xu thế khu vực hóa và toàn cầu hóa… nên so với các tổ chức quốc tế khác, các thiết chế thương mại quốc tế hiện nay một số đặc điểm đặc trưng như sau:

Thứ nhất, sự đa dạng về hình thức tổ chức

Để đáp ứng nhu cầu và lợi ích quốc tế kinh tế của mình, các thực thể tham gia quá trình hợp tác quốc tế có xu hướng tạo ra ra nhiều mô hình tổ chức rất phong phú. Bên cạnh các tổ chức kinh tế quốc tế liên chính phủ, tổ chức phi chính phủ, tổ chức có quy mô toàn cầu (Liên Hợp Quốc, tổ chức thương mại thế giới WTO ) tổ chức khu vực (Liên minh châu Âu (EU) Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á….), còn xuất hiện cả những hình thức mới như Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á Thái Bình Dương (APEC). Ngoài ra trong khuôn khổ của các tổ chức quốc tế liên chính phủ mà hoạt động của nó bao trùm trên nhiều lĩnh vực khác nhau (tổ chức quốc tế chung) để thực hiện mục tiêu hợp tác trong lĩnh vực kinh tế thương mại, trong cơ cấu của những tổ chức này còn có những cơ quan chuyên thực hiện chức năng phối hợp hoạt động giữa các thành viên trong lĩnh vực kinh tế như hội đồng kinh tế xã hội, Ủy ban Luật thương mại quốc tế, Hội nghị về hợp tác và phát triển… của Liên Hợp Quốc, hội đồng AFTA, hội đồng AIA, Hội nghị Bộ trưởng kinh tế của Asean…

Thứ hai, sự đa dạng về thành viên

Sự gia tăng về số lượng các thiết chế thương mại quốc tế và số lượng thành viên của mỗi thiết chế cho thấy sự khác biệt về trình độ phát triển kinh tế, về khu vực địa lý, về quan điểm chính trị giữa các quốc gia đã không còn bị coi là rào cản không thể vượt qua. Hiện tượng này có thể gặp không chỉ ở những tổ chức toàn cầu mà còn ngay cả trong một số tổ chức quốc tế khu vực. Điển hình như đối với Asean, trong các thành viên của tổ chức này có cả những quốc gia rất phát triển như Singapore và có quốc gia đang phát triển như Việt Nam, Lào, Campuchia… có quốc gia đang thực hiện nền kinh tế chuyển đổi (Việt Nam) và các quốc gia đã có nền kinh tế thị trường truyền thống (Thái Lan, Singapore). Hơn nữa quy chế của một số thiết chế thương mại quốc tế còn cho phép cả những thực thể khi quốc gia Nếu đáp ứng được quy định về tiêu chuẩn thành viên thì hoàn toàn có thể trở thành hội viên của những thiết chế này (như trường hợp Hồng Kông,Ma Cao là thành viên của WTO). Đây là điều khó có thể chấp nhận trong các tổ chức quốc tế liên chính phủ khác mà hợp tác kinh tế thương mại không chỉ là mục tiêu duy nhất.

– Thứ ba, mối quan hệ đoàn kết giữa các thiết chế thương mại quốc tế.

Các thiết chế Thương mại quốc tế có mối liên hệ ngày càng chặt chẽ với nhau không chỉ ở cấp độ tổ chức thành viên mà còn cả trong lĩnh vực hoạt động. Mối quan hệ này đặc biệt được thể hiện rất rõ trong quan hệ giữa Liên Hợp Quốc với các tổ chức chuyên môn thuộc hệ thống Liên hợp quốc, giữa Liên Hợp Quốc và một số tổ chức khu vực. Đứng trước xu thế khu vực hóa và toàn cầu hóa ngày càng gia tăng, có thể nói hiện nay không có một quốc gia nào trên thế giới lại không phải là thành viên của một tổ chức quốc tế nào đó. Xuất phát từ mục đích tăng cường hiệu quả hoạt động của mỗi tổ chức quốc tế, mặt khác việc đồng thời là thành viên của các tổ chức quốc tế khác nhau cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự đan xen các hoạt động, các thỏa thuận cam kết liên quan đến quyền và nghĩa vụ của các quốc gia thành viên và các tổ chức quốc tế hữu quan.

3. Vai trò của các thiết chế thương mại quốc tế.

Cùng với sự phát triển của các quan hệ quốc tế, các thiết chế thương mại quốc tế đóng vai trò ngày càng quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế thế giới nói chung và của nền kinh tế của các quốc gia nói riêng. Vai trò của những thiết chế này được thể hiện trên những lĩnh vực cơ bản như:

– Hoạt động của các thiết chế thương mại góp phần hài hòa lợi ích kinh tế giữa các thành viên thông qua việc phối hợp, hành động, bổ sung, hoàn thiện của các kế hoạch hợp tác kinh tế, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các nước, giải quyết hiệu quả hơn những vấn đề mang tính toàn cầu hiện nay như: vấn đề môi trường, an ninh lương thực, năng lượng,…

– Các thiết chế thương mại có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đàm phán và ký kết các điều ước quốc tế về cấp độ khu vực cũng như toàn cầu nhằm xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp luật quốc tế nói chung và pháp luật thương mại quốc tế nói riêng, thúc đẩy tiến trình toàn cầu hóa diễn ra nhanh hơn.

– Đối với các tranh chấp phát sinh trong quá trình hợp tác kinh tế, cơ chế giải quyết tranh chấp của các thiết chế thương mại quốc tế như WTO, EU, ASEAN…là một trong những đảm bảo pháp lý cho quyền và lợi ích hợp pháp của các thành viên.

4. Các thiết chế thương mại toàn cầu

4.1. Liên Hợp Quốc

Cho đến nay Liên Hợp Quốc đã tồn tại được hơn nửa thế kỷ và ngày càng chứng minh được vai trò quan trọng của mình trong đời sống quốc tế. Là một tổ chức quốc tế liên chính phủ có tính chất chung, hoạt động của Liên Hợp Quốc bao trùm lên mọi lĩnh vực của quan hệ quốc tế, trong đó có quan hệ hợp tác kinh tế quốc tế. Một số cơ quan của Liên hợp quốc hoạt động trong lĩnh vực kinh tế như:

– Hội đồng kinh tế xã xã hội (ECOSOC)

Đây là một trong 6 cơ quan chính của Liên Hợp Quốc được thành lập nhằm trực tiếp thực hiện các chức năng về kinh tế và xã hội của Liên Hợp Quốc trên quy mô toàn cầu. Phần lớn các nghị quyết của đại hội đồng Liên Hợp Quốc trong các lĩnh vực kinh tế văn hóa xã hội và nhân đạo đều bắt nguồn từ các khuyến nghị của ECOSOC.

– Ủy ban Liên hợp quốc về Luật thương mại quốc tế (UNCITRAL)

Một trong những nhiệm vụ chủ yếu của của ủy ban Liên Hợp Quốc về Luật thương mại quốc tế là đề ra các giải pháp để từng bước phát triển hóa luật thương mại quốc tế. Năm 1996, luật mẫu về thương mại điện tử đã được UNCITRAL soạn thảo, luật này đề ra các nguyên tắc trong việc hình thành, xác nhận, thực hiện các hợp đồng được hình thành thông qua phương thức điện tử, nêu các đặc trưng của một văn bản điện tử có giá trị, bằng chứng điện tử trong các thủ tục tố tụng tại cơ quan tòa án, trọng tài,…

– Cơ quan về thương mại và phát triển của Liên Hợp Quốc (UNCTAD)

Cơ quan này được thành lập với các chức năng cơ bản như nghiên cứu phân tích chính sách và thống kê số liệu nhằm mục đích trao đổi thảo luận với đại diện của các chính phủ và các chuyên gia, hỗ trợ về mặt kỹ thuật phù hợp với các yêu cầu cụ thể của các nước đang phát triển, đặc biệt là nước kém phát triển nhất và các nền kinh tế đang chuyển đổi. Đây là diễn đàn thảo luận trao đổi giữa các thành viên để xây dựng sự đồng thuận.

– Chương trình phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP)

Lĩnh vực hoạt động của UNDP rất đa dạng tùy theo sự thỏa thuận giữa chính phủ hữu quan và UNDP, cụ thể: Quản lý kinh tế vĩ mô, cải cách hành chính nghiên cứu tổng quát tất cả các lĩnh vực các ngành kinh tế giúp các công trình kinh tế, khoa học kỹ thuật trong mọi ngành sản xuất

4.2. Tổ chức thương mại thế giới

Tiền thân của WTO là hiệp định chung về thuế quan và mậu dịch (GATT năm 1947). Từ 23 thành viên đầu tiên, tính đến năm 1994 số lượng các bên tham gia GATT đã và 132. Điều này cũng chứng tỏ vị trí và vai trò của GATT trong đời sống thương mại quốc tế thế. Mặc dù luôn mang tính chất “tạm thời” trong suốt quá trình tồn tại, nhưng việc hoàn thiện những khuôn khổ pháp lý của GATT là không thể phủ nhận. Tuy còn một số hạn chế nhất định nhưng GATT đã chứng minh vai trò rất quan trọng của mình đặc biệt là trong việc tổ chức và tiến hành các vòng đàm phán thương mại đa phương về cắt giảm thuế quan và các biện pháp phi thuế quan.

Ngày 15 tháng 04 năm 1994 tại Marrakesh,các nước đã ký hiệp định thành lập tổ chức thương mại thế giới WTO.Đây là thiết chế quốc tế đầu tiên và lớn nhất trên thế giới tham gia điều chỉnh hầu hết các lĩnh vực của thương mại toàn cầu.

4.3. Các thiết chế thương mại khu vực

– Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á – Thái Bình dương

Sự ra đời của APEC nhằm đạt các mục tiêu chính sau đây thực hiện tự do hóa thương mại và đầu tư hoàn toàn đối với các nước công nghiệp phát triển vào năm 2010 và đối với các nước đang phát triển vào năm 2020; tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư trong khu vực; phát triển hợp tác trong lĩnh vực kinh tế và kỹ thuật nhằm hỗ trợ lẫn nhau phát triển ổn định và bền vững phát huy những thành tựu tích cực mà nền kinh tế của các nước trong khu vực đã tạo ra vì lợi ích của khu vực và toàn thế giới.

– Liên minh châu Âu (EU)

Liên minh châu Âu hiện là tổ chức quốc tế có hoạt động hợp tác kinh tế toàn diện và hiệu quả nhất. Nếu như cấp độ hợp tác kinh tế quốc tế của ASEAN mới đang ở mức độ khu vực mậu dịch tự do thì Liên minh châu Âu đã đạt tới mức độ cao nhất đó là liên minh kinh tế – tiền tệ Về thương mại, EU hướng tới việc xóa bỏ các hạn chế trong thương mại, hạ thấp rào cản thuế quan tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại quốc tế. Đối với thị trường nội địa, EU thực hiện việc tự do lưu thông lao động vốn, hàng hóa, dịch vụ và tạo lập thị trường chứng khoán và thị trường tài chính được hội nhập hoàn toàn.

– Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (Asean)

Asean là tổ chức quốc tế liên chính phủ có tính chất khu vực được lập năm 1967 trên cơ sở của bản tuyên bố Asean. Mục đích của Asean là thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế tiến bộ xã hội và phát triển văn hóa trong khu vực thông qua các nỗ lực chung trên tinh thần bình đẳng và hợp tác nhằm tăng cường cơ sở trong một cộng đồng các quốc gia Đông Nam Á hòa bình và thịnh vượng.

 Khu vực mậu dịch tự do Bắc Mỹ NAFTA

NAFTA không chỉ quy định việc loại bỏ tất cả các thuế quan trong nội bộ khu vực không chậm hơn trong 15 năm mà loại bỏ cơ bản phần lớn tất cả các hàng rào phi thuế quan. Hiệp Định này còn bao gồm các quy định tổng thể về cả việc đối xử với đầu tư nước ngoài, mua sắm chính phủ, Thương mại dịch vụ, thủ tục hải quan, tiêu chuẩn kỹ thuật, sở hữu trí tuệ, thương mại hàng nông sản, năng lượng và các hóa chất cơ bản,….


Ghi chú: Bài viết được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng VIệt Nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá *