Chủ thể của quyền tác giả

Chủ thể của quyền tác giả

a) Tác giả

Các chủ thể tham gia vào QHPLDS về quyền tác giả bao gồm tác giả (đồng tác giả) và chủ sở hữu quyền tác giả. Tác giả là người trực tiếp sáng tạo ra toàn bộ hay một phần tác phẩm (Khoản 1 Điều 13 Luật Sở hữu trí tuệ). Tuy vậy, Luật Sở hữu trí tuệ không quy định rõ như thế nào gọi là sáng tạo. Theo một số tài liệu khoa học, sáng tạo trong QHPLDS về quyền tác giả được coi là việc sử dụng sức lao động và khả năng suy xét để tạo ra tác phẩm.52 Như vậy, sáng tạo là việc tạo ra tác phẩm từ lao động trí óc. Sao chép lại một quyển sách không gọi là sáng tạo. Các nhân viên công ty Điện thoại đã lập danh bạ Điện thoại “Những trang trắng”, sắp xếp số thuê bao theo thứ tự chữ cái đầu tiên của chủ thuê bao. Đó không phải là sáng tạo, vì công việc sắp xếp là do máy vi tính tạo nên. Tuy nhiên, đối với “Những trang vàng” (sắp xếp theo chủ đề) thì rõ ràng những nhân viên của Công ty Điện thoại đã chọn lọc và sắp xếp số điện thoại theo chủ đề. Vì họ đã dùng đến “khả năng suy xét”, họ là tác giả của tác phẩm là danh bạ điện thoại “Những trang vàng”.

Tác giả không nhất thiết phải sáng tạo ra toàn bộ tác phẩm, họ có thể chỉ sáng tạo ra một phần tác phẩm. Thí dụ như trong “Giáo trình Luật Dân sự Việt Nam”, các giảng viên của Đại học Luật Hà Nội được phân công mỗi người viết một phần, thì mỗi người sẽ là tác giả của phần viết đó. Sau cùng xin lưu ý là mức độ sáng tạo để phát sinh quyền tác giả khác với mức độ sáng tạo để phát sinh quyền sở hữu công nghiệp (sẽ trình bày ở phần sau). Tương tự, mức độ sáng tạo để tạo ra từng loại tác phẩm có khác nhau. Thí dụ để ra đời chương trình máy tính “Windows ’95”, công ty Microsoft đã phải huy động gần 2500 lập trình viên tham gia làm việc. Tuy nhiên, vai trò của họ không như nhau. Một số lập trình viên hoạch định các thuật toán để giải quyết vấn đề, một số các lập trình viên khác chỉ làm những công việc đã được vạch sẵn với những phép thử/sai, không cần sáng tạo gì thêm. Trong trường hợp đó, chỉ những lập trình viên đóng vai trò quan trọng và có sáng tạo mới được coi là tác giả của phần mềm Microsoft.

Tác giả là người trực tiếp sáng tạo ra toàn bộ hay một phần tác phẩm. “Sáng tạo” trong quan hệ pháp luật dân sự về quyền tác giả được coi là việc “sử dụng sức lao động và khả năng suy xét” để tạo ra tác phẩm. Như vậy, sáng tạo là việc tạo ra tác phẩm từ lao động trí óc. Sao chép lại một quyển sách không gọi là sáng tạo. Một người chỉ được bảo hộ quyền tác giả trong phạm vi mà người đó trực tiếp sáng tạo. “Trực tiếp” có nghĩa là chính tác giả đóng vai trò quyết định trong việc thể hiện ý tưởng và tạo nên tác phẩm. Vì thế, một người cung cấp thông tin cho phóng viên viết bài không phải là tác giả của bài báo.

Như đã nêu ở trên, điểm mấu chốt để xác định quyền tác giả là tác phẩm phải mang tính nguyên gốc. Các khái niệm “nguyên gốc” và “trực tiếp sáng tạo” có liên quan đến nhau. Khi tác giả sáng tạo một tác phẩm, thì đương nhiên tác phẩm được sáng tạo đó mang tính nguyên gốc, trừ khi tác giả sao chép từ một tác phẩm khác.

Nói rằng tác giả phải trực tiếp sáng tạo không có nghĩa là tác giả không có quyền kế thừa sự sáng tạo của người khác. Luật Việt Nam cũng công nhận người dịch, phóng tác, cải biên, chuyển thể, sưu tầm, tuyển chọn từ những tác phẩm khác cũng được coi là tác giả. Thí dụ nhạc sỹ Lê Giang đi sưu tầm những bài dân ca Nam Bộ để viết thành tuyển tập, thì nhạc sỹ là tác giả của tuyển tập của công trình nghiên cứu của mình, chứ không phải những người đã ca lại những bài dân ca cho nhạc sỹ Lê Giang. Tuy vậy, Lê Giang chỉ là tác giả của tuyển tập mà chị in, chứ không phải là tác giả của các bài dân ca, vì chị không trực tiếp sáng tạo ra chúng. Như vậy, một người chỉ được bảo hộ quyền tác giả trong phạm vi mà người đó trực tiếp sáng tạo. Để đánh giá một tác phẩm có phải là nguyên gốc hay không cần phải xem có phần nào của tác phẩm đã được sáng tạo. Trong tác phẩm dịch, việc thể hiện, cách đặt câu của dịch giả là một sự sáng tạo – mang tính nguyên gốc. Trong tác phẩm tuyển chọn, cách sắp xếp các tác phẩm khác nhau vào một tổng thể mang tính logic là một sáng tạo mang tính nguyên gốc.

Sáng tạo hay nguyên gốc trong khái niệm về quyền tác giả không có nghĩa là phải mới (như trong các khái niệm về sở hữu công nghiệp sẽ nói ở phần sau). Hai bài thi viết của sinh viên, trả lời cùng một câu hỏi, mang nội dung giống nhau, đều được coi là hai tác phẩm nguyên gốc, miễn là các sinh viên làm bài thi “độc lập tác chiến”. Như vậy khi thấy hai tác phẩm giống nhau, chúng ta chưa thể xác định được ngay là chúng có sao chép của nhau hay không. Có thể đó là trường hợp ngẫu nhiên. Vì thế cho nên khi xảy ra tranh chấp trong các vụ kiện về quyền tác giả, việc đầu tiên nguyên đơn phải chứng minh được tác phẩm của mình manh tính nguyên gốc, và chứng minh được rằng tác phẩm của bị đơn sao chép toàn bộ hay phần lớn từ tác phẩm của mình.

Bên cạnh khái niệm tác giả chúng ta còn có khái niệm đồng tác giả. Đó là những người cùng trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm. Có hai loại đồng tác giả. Loại thứ nhất là những người cùng sáng tạo một tác phẩm thống nhất mà phần sáng tác của mỗi người không thể tách ra để sử dụng riêng. Trong trường hợp này vị trí của các đồng tác giả gần giống như vị trí của những chủ sở hữu chung hợp nhất. Thí dụ như ban đầu Bill Gates và Paul Allen là đồng tác giả của phần mềm DOS. Như vậy để chuyển giao quyền tác giả, cần phải có sự đồng ý của tất cả các đồng tác giả. Loại thứ hai là những người cùng sáng tác ra một tác phẩm thống nhất mà phần sáng tác của mỗi người có thể tách ra để sử dụng riêng. Vị trí của các đồng tác giả lúc này sẽ giống như vị trí của những sở hữu chung theo phần. Thí dụ như bài hát: “Quê hương” có hai đồng tác giả: tác giả bài thơ của Đỗ Trung Quân và tác giả bài nhạc của Gíap Văn Thạch.

Trong số những tác phẩm có đồng tác giả, tác phẩm điện ảnh, tác phẩm sân khấu có số lượng đồng tác giả lớn nhất. Theo Điều 21 Luật Sở hữu trí tuệ, tác giả của các tác phẩm điện ảnh là những người làm công việc đạo diễn, biên kịch, quay phim, dựng phim, sáng tác âm nhạc, thiết kế mỹ thuật, thiết kế âm thanh, ánh sáng, mỹ thuật trường quay, thiết kế đạo cụ, kỹ xảo và các công việc khác có tính sáng tạo. Tác giả của tác phẩm sân khấu là người làm công việc đạo diễn, biên kịch, biên đạo múa, sáng tác âm nhạc, thiết kế mỹ thuật, thiết kế âm thanh, ánh sáng, mỹ thuật sân khấu, thiết kế đạo cụ, kỹ xảo và các công việc khác có tính sáng tạo. Quy định quá rộng như vậy có thể tạo ra những kẽ hở về tranh chấp quyền tác giả sau này, nhất là khi chúng ta biết rằng tác giả, cho dù không phải là chủ sở hữu quyền tác giả, cũng có quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm. Điều này có thể cản trở các đồng tác giả khác trong việc chỉnh sửa hay phóng tác tác phẩm.

b) Chủ sở hữu quyền tác giả

Chủ sở hữu quyền tác giả là người độc quyền sử dụng, định đoạt tác phẩm. Trong đa số các trường hợp, tác giả sẽ đồng thời là chủ sở hữu quyền tác giả. Tuy nhiên, nếu tác phẩm được hình thành do có các tổ chức, cá nhân thuê, giao nhiệm vụ cho tác giả thì các tổ chức, cá nhân này sẽ là chủ sở hữu quyền tác giả.

Ngoài ra, người được chuyển giao quyền tác giả, hay người thừa kế của tác giả đồng thời là chủ sở hữu quyền tác giả cũng là chủ sở hữu quyền tác giả. Điều cần lưu ý là nếu người lao động tạo ra tác phẩm trong thời gian lao động, nhưng không theo nhiệm vụ được giao (thí dụ một giảng viên viết và xuất bản một quyển sách, mặc dù nhà trường không yêu cầu giảng viên phải làm như vậy cũng như không trả công cho việc này) thì người lao động đó vẫn là chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm do mình tạo nên. Liên quan đến mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động có hai trường hợp vướng mắc mà hiện vẫn chưa có câu trả lời:

– Thứ nhất, do cơ chế hành chính bao cấp từ trước khi Đổi mới, nhiều nhạc sỹ, đạo diễn, biên kịch là công chức nhà nước. Họ tạo ra tác phẩm đôi khi do Nhà nước giao. Như vậy, những tác phẩm do họ tạo ra có thuộc về Nhà nước hay không (hoặc chí ít là các cơ quan nhà nước nơi họ công tác). Nếu câu trả lời là có, thì việc các nhạc sỹ là công chức tham gia vào Hiệp hội quản lý quyền tác giả âm nhạc để thu tiền sử dụng tác phẩm có hợp lý không?

– Thứ hai, nhiều công trình nghiên cứu khoa học cấp trường, cấp bộ của sinh viên trong các trường đại học đạt kết quả nhưng khi ứng dụng thì không rõ lợi ích vật chất sẽ thuộc về ai: về sinh viên nghiên cứu hay về cơ quan chủ trì (trường đại học). Có quan điểm cho rằng việc nhà trường tài trợ cho sinh viên nghiên cứu chỉ như một hợp đồng tặng cho, và vì vậy số tiền đó thuộc về sinh viên, sinh viên không tạo ra tác phẩm theo nhiệm vụ được giao. Quan điểm khác cho rằng mọi thành quả nghiên cứu của sinh viên đều thuộc về nhà trường, vì sinh viên sau khi được duyệt đề tài và phân công giáo viên hướng dẫn thì tác phẩm khoa học (công trình nghiên cứu) của mình được sáng tạo theo nhiệm vụ được giao.

Tóm lại, nhiều trường hợp tác giả không đồng thời là chủ sở hữu quyền tác giả và ngược lại. Việc phân biệt giữa tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả là quan trọng, vì chủ sở hữu quyền tác giả mới chính là người có quyền sử dụng định đoạt tác phẩm. Xét về khía cạnh kinh tế thì chủ sở hữu quyền tác giả đóng vai trò quan trọng hơn tác giả, vì khi sử dụng hay trình diễn tác phẩm, các chủ thể khác phải xin phép hay trả thù lao cho chủ sở hữu quyền tác giả.


Ghi chú: Bài viết được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng VIệt Nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá *