Chủ thể của tư pháp quốc tế

Điều kiện trở thành chủ thể của tư pháp quốc tế

Chủ thể của tư pháp quốc tế là những cá nhân hay tổ chức có năng lực chủ thể khi tham gia quan hệ tư pháp quốc tế.

Khái niệm cá nhân trong tư pháp quốc tế là thực thể tự nhiên của xã hội, cá nhân là một con người cụ thể có thể là người mang quốc tịch của một nước, hoặc người không mang quốc tịch của nước nào..

Khái niệm tổ chức trong tư pháp quốc tế có thể là nhà nước pháp nhân, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức nghề nghiệp…

Điều kiện để trở thành chủ thể của tư pháp quốc tế:

– Cá nhân, tổ chức phải có đầy đủ năng lực chủ thể (năng lực pháp luật và năng lực hành vi) theo quy định của pháp luật.

– Cá nhân, tổ chức đó phải tham gia vào quan hệ xã hội do tư pháp điều chỉnh.

Người nước ngoài và pháp nhân nước ngoài là chủ thể chủ yếu của Tư pháp quốc tế:

Quan hệ pháp luật thực chất là quan hệ xã hội được các quy phạm pháp luật điều chỉnh, chính vì vậy trong tư pháp quốc tế không thể không có sự tham gia của cá nhân và tổ chức.​

Hầu hết các quan hệ tư pháp quốc tế xảy ra thì đều có sự tham gia của người nước ngoài và pháp nhân nước ngoài.

Quốc gia là chủ thể đặc biệt của tư pháp quốc tế

Trong thời kỳ quá trình toàn cầu hóa, khu vực hóa diễn ra một cách mạnh mẽ, các quốc gia trên thế giới đã và đang có mối liên kết, hợp tác với nhau ngày càng chặt chẽ và mật thiết trên nhiều lĩnh vực, từ chính trị kinh tế đến văn hóa, giáo dục. Chính điều này đòi hỏi bên cạnh hệ thống pháp luật quốc gia, các quốc gia cần đồng thời chịu sự điều chỉnh của tư pháp quốc tế với hệ thống các điều ước quốc tế, tập quán quốc tế,…đảm bảo quyền tự chủ là lợi ích của các quốc gia. Thực tế cho thấy, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của giao lưu dân sự quốc tế, quốc gia là một chủ thể đặc thù trong tư pháp quốc tế, bên cạnh các chủ thể khác. Vậy, tính đặc thù của chủ thể quốc gia trong tư pháp quốc tế được thể hiện như thế nào?

Luật Dương Gia sẽ cùng quý bạn đọc tìm hiểu về vấn đề này.

Chủ thể của tư pháp quốc tế

Trong tư pháp quốc tế, các chủ thể tham gia và chịu sự điều chỉnh của quan hệ dân sự theo nghĩa rộng có yếu tố nước ngoài bao gồm:

Thứ nhất, các cá nhân tham gia trong tư pháp quốc tế là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, cụ thể như sau:

– Người nước ngoài được xác định là những người không có quốc tịch của Việt Nam, bao gồm cả những người có quốc tịch nước ngoài hoặc những người không có quốc tịch.

– Người Việt Nam định cư ở nước ngoài bao gồm cả các công dân của Việt Nam và người có gốc Việt Nam nhưng đã  có thời gian dài cư trú, sinh sống ở nước ngoài. Những người này có thể là người còn quốc tịch Việt Nam hoặc người song quốc tịch (trong đó có quốc tịch Việt Nam).

Với hình thức chủ thể này, nguyên tắc nền tảng, ghi nhận trong Điều ước quốc tế, pháp luật quốc gia chính là đối xử quốc gia, tối huệ quốc, có đi có lại và nguyên tắc đãi ngộ đặc biệt.

Thứ hai, chủ thể là pháp nhân, không chỉ bao gồm các pháp nhân được thành lập theo quy định của Việt Nam mà còn bao gồm cả những pháp nhân được thành lập theo quy định của nước ngoài. Theo quy định tại Điều 86 Bộ luật dân sự năm 2015, mỗi pháp nhân đều phải có năng lực pháp luật dân sự, đó là khả năng của pháp nhân có các quyền, nghĩa vụ dân sự. Đối với pháp nhân, năng lực pháp luật dân sự được phát sinh chính từ thời điểm được thành lập bởi các cơ quan có thẩm quyền hoặc chính tại thời điểm được cho phép thành lập hoặc thời điểm ghi vào sổ đăng ký.

Thứ ba, chủ thể là các quốc gia: Có thể nói, trong các chủ thể của tư pháp quốc tế đây được coi là chủ thể có tư cách đặc biệt. Đây là một thực thể pháp lý, chính trị được cấu thành bởi ba yếu tố là lãnh thổ, dân cư, chủ quyền. Cũng như những chủ thể khác, quốc gia tham gia vào các quan hệ pháp lý quốc tế, thực hiện giải quyết các tranh chấp phát sinh, thực hiện các nghĩa vụ liên quan. Tuy nhiên, với vai trò đặc thù của mình, quốc gia có thể thực hiện việc xây dựng, ký kết, gia nhập các Điều ước quốc tế, các Hiệp ước song phương, đa phương.

Quy chế pháp lý đặc biệt của quốc gia

Khi tham gia vào các mối quan hệ dân sự theo nghĩa rộng có yếu tố nước ngoài, quốc gia được hưởng quy chế pháp lý đặc biệt – không những không ngang hàng với các cá nhân và pháp nhân mà còn được hưởng quyền miễn trừ tư pháp.

Cơ sở pháp lý quốc tế của quy chế pháp lý đặc biệt của quốc gia thể hiện ở việc xác định quốc gia là một thực thể có chủ quyền và là chủ thể đặc biệt trong tư pháp quốc tế, được thể hiện ở các nguyên tắc tôn trọng chủ quyền quốc gia và bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia.

Theo nguyên tắc này, Nhà nước này hoặc bất kì cơ quan nào của nhà nước này không có quyền xét xử nhà nước khác hoặc đại diện của Nhà nước khác.

Quyền miễn trừ tư pháp là chủ quyền tối cao của quốc gia trong lĩnh vực tư pháp khi tham gia các quan hệ pháp luật. Quyền miễn trừ tư pháp của quốc gia được thể hiện qua Điều 31 Công ước Viên 1961 về quan hệ ngoại giao,  Công ước của Liên hiệp quốc về quyền miễn trừ tài phán và miễn trừ tài sản của quốc gia bao gồm các nội dung: Quyền miễn trừ xét xử, miễn trừ đối với tài sản, miễn trừ trong việc thi hành án. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, về quyền miễn trừ tư pháp: Nội dung quyền này thể hiện nếu không có sự đồng ý của quốc gia thì không có một tòa án nước ngoài nào có thẩm quyền thụ lý và giải quyết vụ kiện mà quốc gia là bị đơn đơn (trong lĩnh vực dân sự).

– Theo quy định tại Điều 5 Công ước Liên hợp quốc năm 2004 quốc gia được hưởng quyền miễn trừ tài phán trước một tòa án nước ngoài theo những quy định của Công ước. Quy định này thể hiện nguyên tắc tôn trọng về chủ quyền và bình đẳng giữa các quốc gia bởi lẽ các quốc gia trên thế giới đều có quyền bình đẳng, do đó không quốc gia nào có quyền xét xử, đưa ra một phán quyết với một quốc gia khác. Mà tòa án của các quốc gia khi xét xử đều nhân danh quốc gia, vì vậy, nếu không có sự đồng ý của quốc gia thì không một tòa án nước ngoài nào có thẩm quyền thụ lý và giải quyết vụ kiện mà quốc gia là bị đơn.

– Quyền miễn trừ tư pháp tuyệt đối của quốc gia còn thể hiện ở chỗ: nếu quốc gia đồng ý cho toà án nước ngoài xét xử vụ tranh chấp mà quốc gia là bên bị đơn thì toà án nước ngoài được xét xử, nhưng không được phép ap dụng các biện pháp cưỡng chế sơ bộ đối với đơn kiện hoặc bảo đảm thi hành phán quyết của toàn án.

Thứ hai, quyền miễn trừ đối với việc áp dụng các biện pháp bảo đảm sơ bộ cho vụ kiện.

Miễn trừ đối với các biện pháp cưỡng chế nhằm đảm bảo đơn kiện, nếu quốc gia đồng ý cho tổ chức, cá nhân nước ngoài kiện mình, tức là đồng ý cho Tòa án nước ngoài xét xử vụ kiện mà quốc gia là bị đơn.

Theo quy định tại Điều 18 Công ước Liên hợp quốc, trong trường hợp nếu một quốc gia đồng ý để tòa án nước ngoài thụ lý, giải quyết một vụ tranh chấp mà quốc gia là một bên tham gia thì tòa án nước ngoài đó được quyền xét xử, nhưng tòa án không được áp dụng bất cứ một biện pháp cưỡng chế nào như bắt giữ, tịch thu tài sản của quốc gia để phục vụ cho việc xét xử. Tòa án chỉ được áp dụng các biện pháp này nếu được quốc gia cho phép. Như đã nói, do các quốc gia bình đẳng với nhau về chủ quyền, mặt khác, tài sản của quốc gia cũng là bất khả xâm phạm.

Do đó, nếu quốc gia đồng ý tham gia vụ án với tư cách là bị đơn thì tòa án cũng không được quyền áp dụng các biện pháp cưỡng chế tiền tố tụng nào được áp dụng với quốc gia.

Thứ ba, quyền miễn trừ về thi hành án.

Theo quy định tại Điều 19 của Công ước Liên hợp quốc, việc miễn trừ đối với các biện pháp cưỡng chế nhằm đảm bảo thi hành quyết định của Tòa án trong trường hợp quốc gia đồng ý cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài khởi kiện cũng như đồng ý cho Tòa án xét xử vụ kiện đó. Khi mà quốc gia đồng ý cho một tòa án nước ngoài giải quyết một tranh chấp mà quốc gia là bên tham gia và nếu quốc gia là bên thua kiện thì bản án của Tòa án nước ngoài đó cũng phải được quốc gia tự nguyện thi hành.

Nếu như quốc gia không tự nguyện thi hành bản án và không có sự đồng ý của quốc gia thì không thể áp dụng các biện pháp cưỡng chế như bắt giữ, tịch thu tài sản của quốc gia nhằm cưỡng chế thi hành bản án đó. Kể cả khi mà quốc gia từ bỏ quyền miễn trừ xét sử thì quyền miễn trừ đối với các biện pháp cưỡng chế bảo đảm thi hành phán quyết của toàn án vẫn phải được tôn trọng.

Công ước sẽ là một căn cứ pháp lý quan trọng mà các quốc gia thành viên có thể viện dẫn để giải quyết các tranh chấp liên quan đến miễn trừ tài phán của quốc gia và tài sản quốc gia.

Quyền miễn trừ quốc gia không chỉ dành cho bản thân quốc gia và các cơ quan của chính phủ, các bang của một nhà nước liên bang mà còn mở rộng tới các đơn vị hành chính của quốc gia và cơ quan hoặc công ty của quốc gia là đối tượng được hưởng quyền miễn trừ.

Tuy nhiên, cần lưu ý không phải trong mọi trường hợp quyền miễn trừ của quốc gia đều được thực hiện. Công ước có quy định rõ quốc gia vẫn phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của mình trong trường hợp quốc gia từ bỏ quyền miễn trừ hoặc khi tham gia vào các giao dịch, các vụ kiện liên quan đến bồi thường, hợp đồng lao động,…và những quan hệ khác trong đó các bên đã thỏa thuận loại trừ quyền.

Quyền miễn trừ quốc gia trong tư pháp quốc tế Việt Nam

Ở Việt Nam, Điều 12 Pháp lệnh về quyền ưu đãi, miễn trừ dành cho cơ quan đại diện ngoại giao cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện của các tổ chức quốc tế tại Việt Nam năm 1993. Cụ thể, viên chức ngoại giao được hưởng quyền miễn trừ xét xử đối với hình sự, dân sự và xử phạt hành chính, thi hành án tại Việt Nam. Trừ những trường hợp họ tham gia với tư cách cá nhân.

Mặc dù ở Việt Nam chưa có quy định về những trường hợp miễn trừ đối với các quốc gia nước ngoài tuy nhiên, việc miễn trừ vẫn được ghi nhận và thực hiện trên cơ sở nguyên tắc: Những cơ quan, tổ chức hay cá nhân nước ngoài thuộc đối tượng hưởng các quyền ưu đãi hay miễn trừ ngoại giao, lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc theo những điều ước có Việt Nam là thành viên thì những vụ việc liên quan sẽ được giải quyết theo con đường ngoại giao.

Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 100 Bộ luật dân sự năm 2015, đối với những quan hệ dân sự có một bên chủ thể tham gia là các quốc gia, pháp nhân hay cá nhân nước ngoài thì Nhà nước Việt Nam hoặc cơ quan nhà nước của Việt Nam khi xác lập với các chủ thể đó phải chịu trách nhiệm trong những trường hợp sau đây:

Thứ nhất, có nghĩa vụ chịu trách nhiệm đối với những giao dịch mình xác lập trong trường hợp các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có điều khoản quy định về việc từ bỏ quyền miễn trừ.

Thứ hai, trong trường hợp các bên của quan hệ dân sự được xác lập đã có sự thỏa thuận với nhau về việc từ bỏ quyền miễn trừ. Khác với trường hợp trên, quyền miễn trừ của quốc gia quy định trong các Điều ước quốc tế, thì việc từ bỏ quyền miễn trừ quốc gia trong trường hợp này xuất phát từ sự tự do ý chí của chính nhà nước hoặc cơ quan nhà nước Việt Nam khi tham gia vào quan hệ. Chính vì vậy, khi đã từ bỏ quyền miễn trừ thì đương nhiên phải chịu các nghĩa vụ phát sinh từ quan hệ mà mình thiết lập.

Thứ ba, trường hợp chính Việt Nam, cơ quan nhà nước của Việt Nam tự mình từ bỏ quyền miễn trừ của mình khi xác lập giao dịch với các chủ thể đó. Đây là trường hợp Nhà nước, cơ quan nhà nước từ bỏ quyền miễn trừ theo ý chí, theo sự quyết định của chính mình. Thông thường, việc nhà nước, cơ quan nhà nước từ bỏ quyền miễn trừ của mình là nhằm tạo ra cơ chế ngang bằng với các chủ thể nước ngoài đang có quan hệ với họ. Khi nhà nước, cơ quan nhà nước từ bỏ  quyền miễn trừ thì họ phải chịu nghĩa vụ trước Nhà nước, pháp nhân, cá nhân nước ngoài mà họ xác lập quan hệ.


Ghi chú: Bài viết được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng VIệt Nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá *