1.Khái niệm công nhận và cho thi hành bản án,quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài
Theo định nghĩa trong từ điển Luật học thì “Công nhận và cho thi hành bản án,quyết định dân sự của tòa án nước ngoài là việc thừa nhận và cho phép thi hành bản án,quyết định về dân sự,quyết định về tài sản trong bản án,quyết định dân sự về hình sự,hành chính của Tòa án nước ngoài theo những nguyên tắc và trình tự pháp lý nhất định”.
Hoặc “ Công nhân bản án dân sự của Tòa án nước ngoài có nghĩa là cho phép được coi bản án dân sự đó như là sự khẳng định các quyền và nghĩa vụ dân sự theo đúng bản án dân sự trong nước”. Một số quan điểm khác lại cho rằng công nhận và cho thi hành bản án,quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài “ Đó là một thủ tục tố tụng đặc biệt do cơ quan có thẩm quyền của nước có bên phải thi hành án tiến hành nhằm xem xét để công nhận tính hiệu lực của bản án,quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài trên phạm vi lãnh thổ nước mình.”
Dù có nhiều cách tiếp cận khác nhau về khái niệm công nhận và cho thi hành bản án,quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài nhưng tựu chung lại đều thừa nhận : kết quả công nhận và cho thi hành bản án,quyết định dân sự của tòa án nước ngoài là sự thừa nhận và cho phép thi hành bản án dân sự,quyết định của Tòa án nước ngoài có giá trị bình đẳng như các bản án,quyết định trong nước.
2. Đặc điểm pháp luật công nhận và cho thi hành bản án,quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài
– Chỉ được đặt ra sau khi bản án,quyết định dân sự đó đã có hiệu lực pháp luật. Chỉ trong một số trường hợp đặc biệt,bản án,quyết định dân sự cần phải thi hành ngay mới được xem xét cho thi hành khi bản án,quyết định dân sự về thực chất vụ việc chưa có hiệu lực.
– Không chỉ đặt ra khi bên thi hành bản án,quyết định dân sự không tự nguyện thi hành mà trong cả những trường hợp đương sự có yêu cầu không công nhận và cho thi hành bản án,quyết định dân sự đó thì Tòa án vẫn can thiệp để quyết định công nhận và cho thi hành hay không công nhận và không cho thi hành. Công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của tòa án thủ tục xem xét phải tuân theo pháp luật quốc gia nơi bản án, quyết định dân sự đó được yêu cầu. Bản án, quyết định dân sự chỉ được xem xét công nhận và cho thi hành nếu tuân thủ đầy đủ các điều kiện trong Điều ước quốc tế cũng như pháp luật quốc gia.
-Yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án,quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài có nội dung khá rộng. Nội dung tranh chấp trong bản án,quyết định dân sự của tòa án nước ngoài bao gồm các tranh chấp trong lĩnh vực dân sự theo nghĩa rộng,trong lĩnh vực thương mại và tranh chấp về quyền nhân thân…Và với tư cách là một văn bản viết, bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài khi được công nhận hiệu lực thi hành được coi là nguồn chứng cớ, chứng minh.
3. Ý nghĩa của việc công nhận và cho thi hành bản án,quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài
-Đảm bảo khả năng thi hành các bản án,quyết định dân sự đã được cơ quan tài phán nước ngoài tuyên cũng như đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người thi hành bản án cũng như tránh tình trạng cùng một vụ việc mà được xét xử hai lần
-Về phương diện chính trị, thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị giữa các quốc gia, thể hiện quyền tài phán độc lập của mỗi quốc gia cũng như thể hiện sự tôn trọng,thiện chí của quốc gia với quốc gia khác,thể hiện chính sách bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp không chỉ của cá nhân,tổ chức nước mình mà còn cả lợi ích của cá nhân,tổ chức nước ngoài.
Ghi chú: Bài viết được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng VIệt Nam.