1. Hiệu lực của điều ước quốc tế theo không gian và thời gian

Khi một điều ước quốc tế phát sinh hiệu lực sẽ ràng buộc các bên kết ước trong toàn lãnh thổ (không gian) thuộc phạm vi điều chỉnh của điều ước đó, trừ khi có các quy định khác.

Thực tế, có những điều ước có hiệu lực trên toàn bộ lãnh thổ của các quốc gia thành viên (kể cả những phần lãnh thổ mà quốc gia thành viên chịu trách nhiệm về mặt đối ngoại). Nhưng cũng sẽ có một số điều ước có các điều khoản loại trừ hoặc hạn chế việc áp dụng đối với những bộ phận lãnh thổ nhất định. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện điều ước, quốc gia thành viên vẫn có thể thông báo rút lại việc không áp dụng về mặt lãnh thổ (ví dụ: Tuyên bố của Đan Mạch năm 1987 về việc áp dụng Công ước vận chuyển hàng hóa quốc tế cho quần đảo Faroe) hoặc tuyên bố mở rộng phạm vi áp dụng về mặt lãnh thổ (ví dụ, thông báo của Hà Lan năm 1986 về việc áp dụng Công ước về quy tắc ứng xử liên quan đến vận tải bằng đường biển cho Aruba thuộc Hà Lan).

Về thời gian, đa số các điều ước quốc tế điều chỉnh các quan hệ hợp tác về thương mại, hàng hải, du lịch, các điều ước về khuyến khích và bảo hộ đầu tư, về tránh đánh thuế hai lần… đều xác lập một cách rõ ràng, chính xác thời điểm bắt đầu có hiệu lực và thời điểm kết thúc hiệu lực của điều ước đó. Thời điểm có hiệu lực của điều ước thường là ngày mà các điều kiện cụ thể được trù liệu trong điều ước quốc tế đó đã được thoả mãn. Ví dụ, khi đã có đủ số lượng nhất định các quốc gia chấp nhận sự ràng buộc của điều ước; sau khoảng thời gian nhất định kể từ khi có đủ số lượng các quốc gia chấp nhận sự ràng buộc của điều ước.

Trong thực tiễn, có không ít các điều ước quốc tế chỉ xác định thời điểm bắt đầu có hiệu lực mà không quy định thời điểm kết thúc hiệu lực. Những điều ước này thường được gọi là điều ước vô thời hạn. Ví dụ, Hiến chương Liên hợp quốc, Công ước Luật biển năm 1982…

2. Hiệu lực của điều ước quốc tế và quốc gia thứ ba

Luật điều ước quốc tế quy định một điều ước quốc tế không tạo ra nghĩa vụ hay quyền hạn nào cho một quốc gia thứ ba, tức quốc gia không phải là thành viên của điều ước, trừ khi có sự đồng ý của quốc gia đó (Điều 34 Công ước Viên năm 1969).

Luật quốc tế nói chung và điều ước quốc tế nói riêng được hình thành trên cơ sở của sự thoả thuận. Vì vậy, nếu một chủ thể luật quốc tế không tham gia vào quá trình thỏa thuận này thì về nguyên tắc, họ cũng không chịu sự ràng buộc của những điều ước quốc tế đó nhưng nếu quốc gia thứ ba không phản đối những quyền phát sinh từ một điều ước thì họ cũng phải thực hiện các nghĩa vụ tương ứng. Riêng đối với các nghĩa vụ, quốc gia thứ ba nếu chấp thuận phải thể hiện rõ ràng bằng văn bản và nghĩa vụ này chỉ có thể bị hủy bỏ hoặc sửa đổi khi có sự đồng ý của các thành viên điều ước và của quốc gia thứ ba. Điều ước có thể phát sinh hiệu lực với quốc gia thứ ba trong một số trường hợp sau đây:

– Điều ước có điều khoản tối huệ quốc.

– Điều ước tạo ra các hoàn cảnh khách quan. Đây là những điều ước mà quốc gia thứ ba phải tôn trọng và tính đến trong quan hệ của họ với những quốc gia liên quan, như điều ước liên quan đến giao thông trên các sông quốc tế (sông Ranh, sông Đanuyp…) kênh đào quốc tế (kênh đào Panama, kênh đào Suez) và eo biển quốc tế (eo biển Gibranta, eo biển Thổ Nhĩ Kỳ), điều ước về phân định biên giới.

– Điều ước được quốc gia thứ ba viện dẫn áp dụng với tính chất của tập quán quốc tế.

3. Tác động của các yếu tố khách quan và chủ quan tới hiệu lực của điều ước

Hiệu lực thi hành một điều ước quốc tế có thể chịu sự tác động khác nhau của các yếu tố khách quan, chủ quan, dẫn đến hệ quả chấm dứt vĩnh viễn hoặc tạm thời đình chỉ, cụ thể:

– Những tác động mang tính chất khách quan, dẫn đến hệ quả điều ước chấm dứt hoàn toàn, như trường hợp do đối tượng của điều ước đã bị huỷ bỏ hoặc không còn tồn tại hoặc do việc xuất hiện một quy phạm bắt buộc chung của luật quốc tế (Jus cogens). Riêng trường hợp do có sự thay đổi cơ bản các hoàn cảnh (Rebus sic stantibus) thì theo Điều 62 Công ước Viên năm 1969 một quốc gia có thổ viện dẫn một sự thay đổi cơ bản các điều kiện, hoàn cảnh hiện tại, so với các điều kiện, hoàn cảnh đã tồn tại vào lúc ký kết điều ước quốc tế mà các bên đã không dự kiến được để có cơ sở hay lý do chấm dứt, rút ra khỏi điều ước. Tuy nhiên, các quốc gia không thể viện dẫn sự thay đổi này để hủy bỏ hoặc đình chỉ hiệu lực của điều ước về xác lập biên giới. Ngoài ra, nếu sự thay đổi cơ bản về hoàn cảnh là do sự vi phạm của chính bên đã nêu ra lý do thì điều ước vẫn có hiệu lực thực hiện.

– Yếu tố chủ quan tác động đến thực hiện điều ước thường xảy ra khi có sự vi phạm cơ bản đối với một điều ước. Trường hợp này được áp dụng trên nguyên tắc có đi có lại nhằm đảm bảo sự bình đẳng về quyền lợi giữa các bên ký kết. Một bên ký kết có quyền viện dẫn sự vi phạm của bên ký kết khác để chấm dứt hoặc tạm đình chỉ việc thực hiện hiệu lực của toàn bộ hay một phần điều ước đã ký kết. Trong trường hợp các bên đã thoả thuận về việc hủy bỏ hoặc tạm đình chỉ hiệu lực thi hành của điều ước thì chủ thể kết ước có quyền hành động theo thỏa thuận trong điều ước đó.

Ngoài ra, hiệu lực thi hành một phần hay toàn bộ điều ước quốc tế có thể bị tác động bởi việc thực hiện các hành vi hợp pháp của chủ thể ký kết, như hành vi bảo lưu điều ước, hành vi thực hiện quyền kế thừa của chủ thể luật quốc tế trong giải quyết các vấn đề kế thừa quốc gia, chính phủ.