Công ước Viên 1980 (CISG) về mua bán hàng hóa quốc tế

Có thể nói, hoạt động giao thương, mua bán hàng hóa là một trong những hoạt động thúc đẩy sự phát triển của con người và hình thành nên thế giới ngày nay. Từ thời xa xưa, hoạt động giao thương giữa các quốc gia đã tạo tiền đề cho thị trường, nền kinh tế, các hình thái tiền tệ, ngành hàng hải, thị trường tài chính ra đời và phát triển và quan trọng không kém là pháp luật. Hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế, trong bối cảnh hiện đại, cần được tạo dựng trên nền tảng tương đồng và thống nhất. Các điều ước quốc tế đã ra đời ngày càng nhiều để làm giảm sự khác biệt trong tư duy pháp lý, tạo thuận lợi cho giao thương cũng như đây là điều tất yếu của quá trình hội nhập, trong đó phải kể đến Công ước Viên 1980.

Công ước Viên 1980 của Liên Hợp Quốc về mua bán hàng hóa quốc tế thường được gọi tắt là CISG 1980 (Contracts for the International Sale of Goods). Tính đến cuối năm 2015 đã có 84 quốc gia và vùng lãnh thổ trở thành thành viên của công ước này, trong đó có Việt Nam. Ngày 01/01/2017, Công ước Viên 1980 chính thức có hiệu lực tại Việt Nam và có ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động mua bán hàng hóa giữa thương nhân Việt Nam với các đối tác tới từ các quốc gia thành viên khác.

Phạm vi áp dụng của Công ước: Công ước này áp dụng với:

Hợp đồng mua bán hàng hóa giữa các bên có địa điểm kinh doanh tại các quốc gia khác nhau:

  • Khi các quốc gia này là các quốc gia thành viên Công ước; hoặc
  • Khi các quy tắc của tư pháp quốc tế dẫn chiếu đến việc áp dụng luật của một quốc gia thành viên của Công ước này.

Quốc tịch của các bên, tính chất dân sự hoặc thương mại của họ và của hợp đồng đều không được xét đến khi xác định phạm vi áp dụng của Công ước.

Tuy nhiên, một số hợp đồng mua bán hàng hóa không thuộc phạm vi của Công ước Viên 1980, cụ thể như sau:

  • Các hàng hóa dùng cho cá nhân, gia đình hoặc nội trợ, ngoại trừ khi người bán, vào bất cứ lúc nào trong thời gian trước hoặc vào thời điểm ký kết hợp đồng, không biết hoặc không cần phải biết rằng hàng hóa đã được mua để sử dụng như thế.
  • Bán đấu giá.
  • Ðể thi hành luật hoặc văn kiện uỷ thác khác theo luật.
  • Các cổ phiếu, cổ phần, chứng khoán đầu tư, các chứng từ lưu thông hoặc tiền tệ.
  • Tàu thủy, máy bay và các chạy trên đệm không khí.
  • Ðiện năng.

Ngoài ra, Công ước này cũng không áp dụng với hợp đồng cung cấp hàng hóa để chế tạo hoặc sản xuất nếu bên đặt hàng có nghĩa vụ cung cấp phần lớn nguyên liệu cần thiết cho việc chế tạo hoặc sản xuất đó cũng như không áp dụng với hợp đồng mà trong đó, nghĩa vụ chủ yếu của bên giao hàng là cung ứng lao động hoặc dịch vụ khác.

Công ước này chỉ điều chỉnh 2 vấn đề sau:

  • Việc giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa;
  • Quyền và nghĩa vụ của các bên phát sinh từ hợp đồng đó.

Công ước không điều chỉnh: hiệu lực của hợp đồng, hiệu lực của bất kỳ điều khoản nào trong hợp đồng hoặc hiệu lực của bất kỳ tập quán nào và hệ quả pháp lý mà hợp đồng có thể tạo ra đối với quyền sở hữu hàng hóa được bán.

Công ước này cũng không ràng buộc về hình thức của hợp đồng. Theo quy định tại Điều 11 thì: “Hợp đồng mua bán không bắt buộc phải được giao kết hoặc chứng minh bằng văn bản cũng như không bắt buộc phải tuân thủ bất kỳ quy định nào về hình thức. Hợp đồng có thể được chứng minh bằng mọi cách, kể cả bằng nhân chứng”. Điều 29 cũng cho phép các bên tự thỏa thuận sửa đổi hoặc chấm dứt hợp đồng bằng văn bản hoặc hình thức khác. Tuy nhiên, Điều 12 Công ước này cũng cho phép các quốc gia bảo lưu Điều 11 nên sẽ có trường hợp các hình thức không phải bằng văn bản sẽ không được áp dụng. Việt Nam cũng thực hiện bảo lưu Điều 11 và Điều 29 của Công ước này nên khi ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa áp dụng Công ước Viên, các bên nên chú ý các quy định khác của pháp luật quốc gia.


Ghi chú: Bài viết được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng VIệt Nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá *