Đặc điểm của nhân thân người phạm tội

Hệ thống các đặc điểm của nhân thân người phạm tội có thể chia làm ba nhóm sau:

1. Nhóm đặc điểm sinh học của người phạm tội

Nhóm đặc điểm sinh học bao gồm giới tính, tuổi và một số đặc điểm thể chất khác. Với các dấu hiệu này không thể khám phá những cơ chế của hành vi phạm tội, không phân biệt người phạm tội với những người không phạm tội. Các dấu hiệu này chi thể hiện mức trội lên về thống kê của loại người nhất định trong những người phạm tội. Những số liệu về các đặc điểm sinh học tuy chưa đủ để giải thích sự phạm tội của họ nhưng do các đặc điểm này có mối quan hệ qua lại với những điều kiện hình thành nhân cách con người, với những nhu cầu và lợi ích, vị trí xã hội và những mối quan hệ giao tiếp của người đó trong xã hội nên nó cung cấp cho chúng ta những thông tin mang tính chất tội phạm học rất quan trọng.

Xác định giới tính người phạm tội cho chúng ta thấy tính chất, mức độ,, đặc điểm tội phạm theo từng giới. Theo số liệu thống kê hình sự ở nước ta cũng như ở các nước khác trên thế giới thì nữ giới phạm tội ít hơn nam giới, ớ Việt Nam từ năm 2001 đến năm 2005, theo thống kê thì số bị cáo là nữ bị xét xử sơ thẩm chỉ chiếm tỉ lệ 8.8% trong tổng số người bị đưa ra xét xử. Tính theo nguồn Phòng tống hợp TANDTC. Tính theo nguồn Phòng tổng hợp TANDTC). Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, tỉ lệ này có xu hướng tăng lên và các tội phạm do nữ giới thực hiện ngày càng đa dạng hơn. Giải thích sự thay đổi của tội phạm do nữ giới thực hiện không chỉ đơn thuần dựa vào yếu tố sinh học. Bởi vì các yếu tố sinh học của con người nói chung và của nữ giới nói riêng về cơ bản là ôn định, ít thay đổi, trong khi đó tội phạm nói chung và tội phạm do nữ giới thực hiện luôn biến động theo xu hướng tăng. Sự thay đổi này là do có sự thay đổi vị trí, vai trò của nữ giới trong gia đình và xã hội đặc biệt là nữ giới được giải phóng khỏi công việc gia đình, ngày càng tham gia nhiều vào hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ và công việc xã hội khác trong khi sự kiểm soát xã hội lại có xu hướng giảm …

Xác định độ tuổi của người phạm tội cho chúng ta thấy tính chất, mức độ, đặc điểm tội phạm của từng lứa tuổi, ảnh hưởng của lứa tuổi đến việc thực hiện tội phạm. Thống kê từ năm 2001 đến năm 2005 cho thấy tội phạm do người có độ tuổi từ 14 đến dưới 18 tuổi chiếm tỉ lệ 5,4%; người phạm tội từ 18 đến 30 tuổi chiếm tỉ lệ 37,5% và người phạm tội từ 30 tuổi trở lên chiếm tỉ lệ 57,1% trong tổng số người bị đưa ra xét xử. Đối với lứa tuổi khác nhau thì cơ cấu tội phạm được thực hiện cũng khác nhau. Chẳng hạn, người chưa thành niên (từ 14 – 18 tuổi) thực hiện nhiều nhất là tội trộm cắp tài sản, còn các tội nghiêm trọng như giết người, cố ý gây thương tích, hiếp dâm chiếm tỉ lệ không cao. Thanh niên (từ 18 – 30 tuổi) thực hiện hầu hết các tội phạm nhưng chủ yếu là các tội xâm phạm sở hữu; các tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm và danh dự của con người; các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng. Còn những người từ 30 tuổi trở lên thực hiện phổ biến các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế và các tội phạm về chức vụ. Sự khác nhau trong cơ cấu tội phạm do những người phạm tội có độ tuổi khác nhau trong chừng mực nhất định có liên quan đến việc xã hội hoá cá nhân, vị trí xã hội đặc trưng ở mỗi giai đoạn phát triển của nhân thân.

2. Nhóm đặc điểm tâm lý của người phạm tội

Thuộc về nhóm đặc điểm tâm lý của người phạm tội thường được kể đến là những đặc điểm tâm lý tiêu cực của người phạm tội.

Mặt bên trong của nhân thân người phạm tội được thể hiện ở những quan điểm, quan niệm, thái độ đối với giá trị xã hội khác nhau như thái độ đối với nghĩa vụ công dân, đối với Tổ quốc, đối với lao động, đối với học tập, đối với tài sản, đổi với gia đình, đối với bạn bè, người thân, những người xung quanh và đối với chính bản thân. Các quan niệm về tình bạn, lòng dũng cảm, lòng thủy chung, sự trung thành, cái đẹp, cái xấu, cái thiện, cái ác… Khi một người định hưởng đối với giá trị nào đó cho là chủ yếu thì chúng ta có thể đánh giá được khuynh hướng phát triển của nhân cách. Những đặc điểm tâm lý này được xác định bởi những nhu cầu, hứng thú, sở thích đối với những loại hoạt động chủ yếu của con người.

Gắn với mỗi loại hành vi phạm tội có thể có nhóm đặc điểm tâm lý nhất định. Ví dụ: Đối với người phạm tội có tính vụ lợi có thể nêu ra ở đây các đặc điểm như thái độ lao động lười nhác; nhu cầu vật chất không chính đáng; tư tưởng ích kỉ làm ít hưởng nhiều; tư tưởng làm giàu không chính đáng, thích tích lũy tiền của và báu vật, dùng tiền để đáp ứng nhu cầu không chính đáng (ma túy, mại dâm, cờ bạc)… Nghiên cứu nhu cầu, sở thích và biện pháp đáp ứng nhu cầu của những người phạm tội cho thấy phần đông người phạm tội là do ngộ nhận, đề caò nhu cầu vật chất, có sở thích, thói quen xấu và cách thức đáp ứng nhu cầu bất hợp pháp kể cả việc phạm tội. ở đây, cũng cần đề cập ý thức pháp luật của người phạm tội. Thực tế cho thây những ai có ý thức pháp luật tốt thì có thói quen xử sự tuân theo pháp luật. Trái lại, ở những người phạm tội thường có ý thức pháp luật kém, họ hoặc thiếu hiểu biết về pháp luật hoặc có thái độ tiêu cực đối với các chuẩn mực pháp luật, thờ ơ với sự trừng phạt, không sợ bị trừng phạt vì cho rằng hành vi phạm tội khó bị phát hiện hoặc có sự bao che … Kết quả nghiên cứu còn cho thấy một bộ phận người phạm tội khi bị kết án có tâm lý phủ nhận lỗi của mình và tìm cớ cho rằng phạm tội là bắt buộc.

Trình độ học vấn và sự phát triển của trí tuệ có ảnh hưởng đến nhu cầu và lợi ích, đến cách sử dụng thời gian và cách xử sự của con người nói chung và hành vi phạm tội nói riêng. Nghiên cứu dấu hiệu này cho thấy trình độ học vấn của người phạm tội nhìn chung thấp hơn so với những người không phạm tội ở cùng độ tuổi. Tuy nhiên, những người phạm tội ở các loại tội phạm khác nhau thì có trình độ học vấn cũng khác nhau. Chẳng hạn, những người phạm tội tham những có trình độ học vấn cao hơn những người phạm tội khác.

3. Nhóm đặc điểm xã hội của người phạm tội

Thuộc về nhóm đặc điểm xã hội của người phạm tội có thể kể đến các đặc điểm về việc làm, nghề nghiệp, thành phần xã hội, về hoàn cảnh gia đình, hoàn cảnh kinh tế., và các đặc điểm về môi trường, quá trìhh được giáo dục, đào tạo…

Nghề nghiệp và thành phần xã hội của người phạm tội (công nhân, nông dân, trí thức, học sinh, hưu trí…) được thống kê cho thấy những người thực hiện tội phạm không có việc làm chiếm tỉ lệ khá cao, đặc biệt ờ trường hợp tái phạm. Đặc điểm này có liên quan chặt chẽ với đặc điểm về trình độ văn hoá thấp và đặc điểm có những sở thích không đúng đắn. Đối với những trường hợp có nghề nghiệp thì phần lớn là người lao động phổ thông, không qua đào tạo nghề như làm nông nghiệp, lao động tự do, buôn bán nhỏ.

Nghiên cứu đặc điểm này có ý nghĩa quan trọng vì cho phép kết luận tội phạm nào thường xảy ra ở lĩnh vực nào của đời sống xã hội và trong lĩnh vực sản xuất, ngành nào thuộc nền kinh tế quốc dân.

Hoàn cảnh gia đình và sự thay đổi của nó có tác động lên sự hình thành nhân cách của con người và ảnh hưởng đến khuynh hướng và sự kiên định thực hiện tội phạm.

Kết quả nghiên cứu cho thấy những người có gia đình phạm tội ít hơn những người chưa có gia đìhh. Việc hình thành định hướng xấu trong con người thường xuất phát từ những gia đình có kinh tế khó khăn, gia đình có vợ chồng ly hôn, gia đình có cuộc sống không hoà thuận hoặc gia đình có thành viên sống không có trách nhiệm với gia đình, thậm chí có quan điểm, quan niệm, xử sự trái đạo đức, trái pháp luật …

Ngoài ra, các dấu hiệu xã hội khác như nơi cư trú (thành phố hay nông thôn), sự di cư, hoàn cảnh kinh tế cũng có ý nghĩa quan trọng khi nghiên cứu nhân thân người phạm tội.

3. Mối quan hệ giữa đặc điểm sinh học và đặc điểm xã hội của người phạm tội

Xung quanh vấn đề về mối quan hệ giữa đặc điểm xã hội và sinh học của nhân thân người phạm tội cũng như về câu hỏi đặc điểm nào quyết định việc thực hiện hành vi phạm tội còn có nhiều quan điểm khác nhau.

Quan điểm của trường phái tội phạm học thực chứng Italia cho rằng đặc điểm sinh học quyết định mọi tính chất, nội dung của con người. Họ xây dựng lý thuyết về người phạm tội bẩm sinh hoặc thể trạng phạm tội. Đại diện của trường phái này là giáo sư tâm thần học Cesare Lombroso (1835 – 1909). Trong tác phẩm “Người phạm tội”, ông đã lập bảng kí hiệu “phạm tội bẩm sinh” mà dựa vào bảng này có thể xác định những đứa trẻ mới sinh nào lớn lên sẽ phạm tội. Điều đó có nghĩa những hành vi phạm tội là biểu hiện của những thuộc tính sinh học, phản ánh căn nguyên “động vật” trong bản chất con người.

Các nhà tội phạm học đã bác bỏ quan điểm của trường phái tội phạm học thực chửng Italia. Họ chỉ ra ràng thực tế không có Sự khác nhau nào có ý nghĩa về sinh học, kiểu cơ thể, sinh lý giữa người phạm tội với người tuân theo chuẩn mực xã hội. Không có gen di truyền về những đặc điểm của nhân cách mà chúng thúc đẩy hoặc cản trở việc thực hiện hành vi phạm tội. Nguyên nhân sinh ra tội phạm đều được biểu hiện trong từng con người phạm tội cụ thể. Con người không chỉ là thực thể tự nhiên mà còn là thực thể xã hội. Trong mỗi con người, quá trình xã hội hoá do tính tích cực và khả năng cảm nhận môi trường của người đó trở thành thuộc tính cá nhân. Còn tính sinh vật chỉ là điều kiện vật chất để phát triển bản chất xã hội của con người đó mà thôi. Không thể giải thích nguyên nhân của tội phạm thuần túy dựa vào tính sinh học hoặc tính di truyền của con người. Chúng ta tuy không công nhận tính sinh học trong người phạm tội có tính quyết định đến việc thực hiện hành vi phạm tội nhưng chúng ta không được bỏ qua mà phải nghiên cứu nó để xác định quá trình hình thành con người phạm tội và điều kiện thúc đẩy người đó thực hiện tội phạm.

Con người sẽ như thế nào trong tương lai, trung thực hay dối trá, tốt hay độc ác, chăm hay lười, lạc quan hay bi quan đều không phải được xác định ngay khi mới được sinh ra. Tất cả những thuộc tính đó được hình thành dần dưới những tác động của môi trường bên ngoài trước tiên là gia đình sau là nhà trường và những môi trường xã hội. Nhân thân người phạm tội là tấm gương phản chiếu tất cả những yếu tố tiêu cực ở từng môi trường xã hội mà người đó đã tiếp thu, lĩnh hội và trở thành thuộc tính cơ bản trong nhân cách, các đặc điểm xã hội.

Tóm lại, sự không hoàn thiện về thể chất và tinh thần dẫn đến sự phát triển không đúng của nhân cách. Nó không xác định nội dung xã hội của nhân thân và không sản sinh ra hành vi phạm tội cũng như cách xử sự tốt của người đó. Nhân cách có thể thay đổi, không có những người phạm tội mà không thể giáo dục cải tạo được và cũng không có những người bẩm sinh có tính phạm tội.

4. Phân loại người phạm tội ?

Mỗi người phạm tội là thực thể riêng biệt nhưng toàn bộ những người phạm tội có thể phân thành các loại khác nhau theo các tiêu chí khác nhau. Trong tội phạm học, các cách phân loại người phạm tội sau thường được sử dụng:

1. Phân loại người phạm tội theo đặc điểm chung của nhân thân người phạm tội. Với cách phân loại này, người phạm tội được phân chia thành các nhóm theo một số đặc điểm chung về nhân thân như:

a) Theo giới tính, chia người phạm tội thành hai loại nam, nữ;

b) Theo độ tuổi, chia người phạm tội thành bốn nhóm là người chưa thành niên, thành niên, trung niên, người già;

c) Theo trình độ văn hoá, chia người phạm tội thành bốn nhóm: không biết chữ và tiểu học; trung học cơ sở; trung học phổ thông; cao đẳng và đại học.

d) Theo thành phần xã hội (địa vị xã hội), chia người phạm tội thành các nhóm: Công nhân, nông dân, công chức, viên chức, học sinh, hưu trí;

Cách phân loại người phạm tội dựa vào các tiêu chí nói trên chỉ có thể giúp xác định định hướng chung cho công tác phòng ngừa tội phạm theo nhóm dân cư nhưng không thể đưa ra được biện pháp phòng ngừa cụ thể vì những người có cùng độ tuổi, giới tính, thành phần xã hội có thể thực hiện những tội phạm khác nhau về tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội cũng như về động cơ phạm tội.

Vì vậy cách phân chia người phạm tội trong tội phạm học được dùng phổ biến là phân chia theo khuynh hướng và giá trị định hướng (nội dung của động cơ phạm tội) hoặc theo mức độ ngoan cố và sự kiên định của khuynh hướng chống xã hội (mức độ nguy hiểm của nhân thân người phạm tội). Cả hai cách phân loại này đều xuất phát từ việc đánh giá tất cả các khía cạnh đặc điểm chính của nhân thân, thể hiện tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của người phạm tội. Việc phân loại này giúp chúng ta đề ra các biện pháp áp dụng cải tạo, giáo dục người phạm tội, ngăn ngừa tái phạm và đề ra các biện pháp phòng ngừa cụ thể.

2. Phân loại người phạm tội theo đặc điểm về khuynh hướng chống đối và định hướng giá trị. Với cách phân loại này, người phạm tội được chia làm 5 nhóm sau:

a) Những người phạm tội có khuynh hướng chống đối chế độ, có mục đích chống chính quyền;

b) Những người phạm tội có thái độ coi thường các giá trị con người về tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự;

c) Những người phạm tội có động cơ vụ lợi, có tư tưởng làm giàu, không tôn trọng nguyên tắc phân phối theo lao động, không tôn trọng sở hữu của người khác;

d) Những người phạm tội có thái độ hư vô chủ nghĩa đối với các quy định của Nhà nước cho mọi công dân (nghĩa vụ xã hội, nghĩa vụ gia đình…);

e) Những người phạm tội có tư tưởng nhẹ dạ, thiếu trách nhiệm, không cẩn thận đối với những quy định, những yêu cầu khi thực hiện nhiệm vụ.

3. Phân loại người phạm tội theo mức độ ngoan cố và sự kiên định cúa khuynh hướng chống đối xã hội.

Cách phân chia người phạm tội theo khuynh hướng và định hướng giá trị nói trên cần phải được bổ sung thêm bằng phân loại theo dấu hiệu khác là mức độ ngoan cố và sự kiên định của khuynh hướng đó vì những trường hợp có cùng khuynh hướng có thể có mức độ nguy hiêm khác nhau, ở người này khuynh hướng chống đối là chủ yếu, vững bền còn ờ người khác lại chỉ là tạm thời.

Theo cách phân loại này có thể chia người phạm tội thành 5 nhóm:

a) Nhóm ngẫu nhiên bao gồm những người phạm tội lần đầu, tội phạm mà họ thực hiện là tội ít nghiêm trọng và do hoàn cảnh. Việc phạm tội hoàn toàn đối lập với phẩm chất tích cực của người đó trước thời điểm phạm tội;

b) Nhóm theo tình huống bao gồm những người phạm tội lần đầu nhưng tội đó là nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng, việc thực hiện tội phạm chịu sự tác động của ngoại cảnh mặc dù nhân thân của người đó trước lúc phạm tội là không xấu;

c) Nhóm không kiên định bao gồm những người phạm tội lần đầu nhưng trước đó đã vi phạm pháp luật (đã bị xử lý hành chính, xử lý kỉ luật);

d) Nhóm có ác ý bao gồm những người phạm tội nhiêu lân (kê cả tái phạm nhưng chưa phải là tái phạm nguy hiểm);

e) Nhóm đặc biệt nguy hiểm bao gồm những người tái phạm nguy hiểm và người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.


Ghi chú: Bài viết được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng Việt Nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá *