Đình chỉ điều tra là chấm dứt việc điều tra vụ án hoặc với từng bị can (Điều 230, 234 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015).
Trong những trường hợp sau đây cơ quan điều tra làm bản kết luận điều tra và quyết định đình chỉ điều tra:
– Người đã yêu cầu khởi tố tự nguyện rút yêu cầu;
– Có căn cứ không được khởi tố vụ án hình sự quy định tại Điều 157 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015;
– Người tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội (Điều 16 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017);
– Người được miễn trách nhiệm hình sự (Điều 29 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017);
– Người dưới 18 tuổi phạm tội trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 91 Bộ luật hình sự có nhiều tình tiết giảm nhẹ, tự nguyện khắc phục phần lớn hậu quả, nếu không thuộc các trường hợp quy định tại Điêu 29 BLHS (Xem: Điều 29 BLHS);
– Đã hết thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm.
Bản kết luận điều tra ghi rõ ngày, tháng, năm, họ tên, chức vụ và chữ kí của người ra kết luận và nêu rõ diễn biến của quá trình điều tra; phân tích việc đình chỉ điều tra dựa vào lí do và căn cứ nào. Ví dụ: khi đình chỉ điều tra đối với bị can là người dưới 18 tuổi phải nêu rõ hành vi phạm tội là tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng (tên tội danh – điều khoản của BLHS được áp dụng); tội phạm gây hại không lớn; chỉ ra các tình tiết giảm nhẹ mà bị can được hưởng và cơ quan, tổ chức nào hoặc gia đình bị can nhận giám sát, giáo dục bị can. Nêu rõ căn cứ khoản 2 Điều 91 BLHS về miễn trách nhiệm hình sự đối với họ; căn cứ khoản 1 Điều 230 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 về việc bị can được đình chỉ điều tra.
Cùng với bản kết luận điều tra, cơ quan điều tra ra quyết định đình chỉ điều tra ghi rõ thời gian, địa điểm ra quyết định, lí do và căn cứ đình chỉ điều tra, việc huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn, ưả lại đồ vật đã tạm giữ (nếu có) và những vấn đề khác có liên quan.
Trong thời hạn hai ngày kể từ ngày ra bản kết luận điều tra và quyết định đình chỉ điều tra cơ quan điều tra gửi bản kết luận điều tra và quyết định đình chỉ điều tra cùng hồ sơ vụ án đến viện kiểm sát cùng cấp, giao bản kết luận điều tra và quyết định đinhg chỉ điều tra cho bị can hoặc đại diện của bị can và gửi kết luận điều tra và quyết định đình chỉ điều tra cho người bào chữa; thông báo cho bị hại, đương sự và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.
Nếu trong một vụ án có nhiều bị can mà căn cứ để đình chỉ điều tra không liên quan đến tất cả các bị can thì có thể đình chỉ điều tra với từng bị can. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được quyết định đình chỉ điều tra kèm theo hồ sơ vụ án của cơ quan điều tra, nếu thấy quyết định đình chỉ điều tra có căn cứ thì viện kiểm sát phải ưả lại hô sơ vụ án cho cơ quan điều tra để giải quyết theo thẩm quyền; nếu thấy quyết định đình chỉ điều tra không có căn cứ thì huỷ bỏ quyết định đình chỉ điều tra và yêu cầu cơ quan điều tra phục hồi điều tra; nếu thấy đủ căn cứ để truy tố thì huỷ bỏ quyết định đình chỉ điều tra và ra quyết định truy tố theo thời hạn, trình tự, thủ tục quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.
Ghi chú: Bài viết được được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng VIệt Nam.