Giai đoạn chuẩn bị xét xử và các nội dung có liên quan

1. Nhận hồ sơ vụ án, bản cáo trạng và thụ lí vụ án

Theo quy định của Điều 276 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày viện kiểm sát ra quyết định truy tố bằng bản cáo trạng, viện kiểm sát phải chuyển hồ sơ vụ án và bản cáo trạng đến toà án. Khi nhận hồ sơ do viện kiểm sát chuyển đến, người nhận hồ sơ phải đối chiếu bản kê khai tài liệu và các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã đầy đủ chưa; kiểm tra bản cáo trạng đã được giao cho bị can theo đúng quy định chưa. Khi viện kiểm sát giao bản cáo trạng, hồ sơ vụ án và vật chứng kèm theo (nếu có), toà án phải kiểm tra và xử lí cụ thể như sau:

– Trường hợp tài liệu trong hồ sơ vụ án, vật chứng kèm theo (nếu có) đã đầy đủ so với bảng kê tài liệu, vật chứng và bản cáo trạng đã được giao cho bị can hoặc người đại diện của bị can thì nhận hồ sơ vụ án;

– Trường hợp tài liệu trong hồ sơ vụ án, vật chứng kèm theo (nếu có) không đủ so với bảng kê tài liệu, vật chứng hoặc bản cáo trạng chưa được giao cho bị can hoặc người đại diện của bị can thì chưa nhận hồ sơ vụ án và yêu cầu viện kiểm sát bổ sung tài liệu, vật chứng; yêu cầu giao bản cáo trạng cho bị can hoặc người đại diện của bị can.

Việc giao, nhận hồ sơ vụ án và bản cáo trạng được lập biên bản theo quy định tại Điều 133 Bộ luật tố tụng hình sự và đưa vào hồ sơ vụ án.

Ngay sau khi nhận được hồ sơ vụ án kèm theo bản cáo trạng thì toà án phải thụ lí vụ án. Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày thụ lí vụ án, chánh án toà án phải phân công thẩm phán chủ toạ phiên toà giải quyết vụ án.

2. Thời hạn chuẩn bị xét xử

Theo quy định cảu (Điều 277 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 để có thể quyết định đưa vụ án ra xét xử hoặc ra các quyết định tố tụng khác phù hợp với yêu cầu của pháp luật phải có một khoảng thời gian nhất định để chuẩn bị, tức là nghiên cứu hồ sơ và giải quyết yêu cầu của những người tham gia tố tụng đồng thòi tiến hành những việc cần thiết cho việc mở phiên toà sơ thẩm. Vì vây, sau khi nhận hồ sơ vụ án đã được thụ lí, trong thời hạn 03 ngày, chánh án toà án phải phân công thẩm phán chủ toạ phiên toà để kịp thời nghiên cứu hồ sơ và giải quyết những vấn đề cần thiết theo quy định của pháp luật.

Thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm được tính từ ngày toà án thụ lí vụ án và quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 277 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 như sau: 30 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng, 45 ngày đối với tội phạm nghiêm trọng, 02 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng, 03 tháng đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Trong thời hạn này, thẩm phán chủ toạ phiên toà phải ra một trong các quyết định:

– Đưa vụ án ra xét xử;

– Trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung;

– Tạm đình chỉ vụ án hoặc đình chỉ vụ án.

Đối với vụ án phức tạp, chánh án toà án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng không quá 15 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng, không quá 30 ngày đối với tội phạm rất nghiêm ưọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Việc gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử phải thông báo ngay cho viện kiểm sát cùng cấp.

Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 chỉ quy định đối với những vụ án phức tạp thì được gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng không quy định những trường hợp nào được coi là vụ án phức tạp. Trên cơ sở thực tiễn xét xử thì vụ án thường được coi là phức tạp nếu thuộc một trong những trường hợp sau: vụ án có nhiều bị can, phạm tội có tổ chức hoặc phạm nhiều tội; vụ án liên quan đến nhiều lĩnh vực hoặc nhiều địa phương; vụ án có nhiều tài liệu, các chứng cứ mâu thuẫn với nhau cần có thêm thời gian để nghiên cứu, tổng hợp các tài liệu trong hồ sơ vụ án hoặc để tham khảo ý kiến của các cơ quan chuyên môn…

Đối với vụ án được trả lại để yêu cầu điều ừa bổ sưng thì trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận lại hồ sơ, thẩm phán chủ toạ phiên toà phải ra quyết định đưa vụ án ra xét xử. Trường hợp phục hồi vụ án thì thời hạn chuẩn bị xét xử theo thủ tục chung quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 kể từ ngày toà án ra quyết định phục hồi vụ án.

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, toà án phải mở phiên toà; trường hợp vì lí do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì toà án có thể mở phiên toà trong thời hạn 30 ngày.

3. Nghiên cứu hồ sơ vụ án hình sự

Để bảo đảm cho việc ra các quyết định nói trên đúng thời hạn và có căn cứ, sau khi nhận hồ sơ vụ án và vào sổ thụ lí, thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà có nhiệm vụ nghiên cứu ngay hồ sơ cũng như giải quyết khiếu nại và yêu cầu của người tham gia tố tụng nhằm kịp thời giải quyết những vấn đề cần thiết cho việc mở phiên toà. Theo quy định của pháp luật, việc xét xử sơ thẩm vụ án hình sự là trách nhiệm của thẩm phán, hội thẩm nên hội thẩm cũng phải nghiên cứu hồ sơ trước khi xét xử.

Việc nghiên cứu hồ sơ là việc làm cần thiết và thường xuyên của toà án. Khi nghiên cứu hồ sơ, cần chú ý làm sáng tỏ những vấn cần chứng minh trong vụ án hình sự và một số vấn đề như: vụ án có thuộc thẩm quyền của mình hay không? đã có đủ chứng cứ làm sáng tỏ nội dung vụ án hay chưa? việc điều tra có đúng với quy định của pháp luật hay không? hành vi mà bị cáo bị truy tố có cấu thành tội phạm hay không? có cần áp dụng, huỷ bỏ hay thay đổi biện pháp ngăn chặn không? đã thu giữ đầy đủ tang vật chưa? có cần áp dụng các biện pháp đảm bảo bồi thường không? có lí do để đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án không…?

Hồ sơ vụ án gồm nhiều tài liệu nên việc nghiên cứu thường bắt đầu từ bản cáo trạng vì cáo trạng là căn cứ để tiến hành phiên toà. Việc nghiên cứu cáo trạng nhằm mục đích hiểu được bị cáo bị truy tố về tội gì và tội phạm đó đã xảy ra như thế nào. Tất cả giấy tờ, tài liệu khác cần được nghiên cứu, đối chiếu với nội dung của cáo trạng và các tình tiết một cách cụ thể. Việc nghiên cứu hồ sơ cũng nhằm mục đích xem sự việc nào, tình tiết nào có căn cứ; sự việc nào, tình tiết nào chưa rõ ràng hay còn mâu thuẫn.

Khi nghiên cứu hồ sơ không được bỏ sót bất cứ tài liệu nào. Đối với các vụ án có liên quan đến hoạt động của các ngành khác thì thẩm phán cần tìm hiểu các văn bản quy định về chế độ, thể lệ của ngành đó và cần phải đọc toàn văn.

Khi nghiên cứu hồ sơ, thẩm phán cần ghi chép những dữ kiện của vụ án. Việc ghi chép giúp thẩm phán nhớ được các chi tiết của vụ án, tạo cho thẩm phán thế chủ động tại phiên toà. Khi đọc xong hồ sơ, thẩm phán cần có một bản ghi chép tổng hợp, dùng làm cơ sở cho việc vạch kế hoạch thẩm vấn tại phiên toà.

Sau khi nghiên cứu hồ sơ, nếu vụ án có thể đưa ra xét xử thì thẩm phán phải xây dựng kế hoạch xét hỏi. Kê hoạch này khác với bản ghi chép trong khi nghiên cứu hồ sơ. Trong kế hoạch xét hỏi phải ghi rõ hỏi việc gì trước, việc gì sau và hỏi về những tình tiết nào để tránh bỏ sót những điểm cần xét hỏi, tránh bị động lúng túng tại phiên toà. Kế hoạch xét hỏi cần tập trung làm sáng tỏ các yếu tố của đối tượng chứng minh, dự kiến những diễn biến khác nhau có thể xảy ra tại phiên toà để có phương án phù hợp. Trong kế hoạch xét hỏi phải ghi rõ hỏi ai trước, ai sau và hỏi về tình tiết nào. Nếu không chuẩn bị tốt kế hoạch xét hỏi thì dễ dẫn đến tình trạng bỏ sót những điểm cần hỏi hoặc lúng túng, bị động khi sự việc diễn biến trước toà xảy ra ngoài dự kiến chủ quan của thẩm phán. Ke hoạch xét hỏi phải tập trung làm sáng tỏ những nội dung chủ yếu sau:

– Có hành vi phạm tội xảy ra hay không, thời gian, địa điểm và những tình tiết khác của hành vi phạm tội;

– Bi cáo có phải là người thực hiện hành vi phạm tội hay không; có lỗi hay không có lỗi, có năng lực trách nhiệm hình sự không, mục đích hoặc động cơ phạm tội;

– Những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị cáo và những đặc điểm về nhân thân của bị cáo;

– Tính chất và mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra;

– Trong vụ án đồng phạm hoặc có nhiều hành vi phạm tội thì cần dự kiến xét hỏi bị cáo nào trước, hành vi nào trước, tình tiết nào trước;

– Nội dung xét hỏi cũng cần suy nghĩ trước và ghi vào kế hoạch xét hỏi;

– Cần dự kiến những diễn biến khác nhau có thể xảy ra ở phiên toà để có các phương án giải quyết phù hợp;

– Cần dự kiến thời gian hợp lí cho việc xét hỏi từng bị cáo, từng vấn đề, tránh tình trạng lúc đầu xét hỏi kĩ nhưng cuối cùng chỉ xét hỏi qua loa, phiến diện những vấn đề quan trọng.

– Trong quá trình chuẩn bị xét xử, thẩm phán chủ tọa phiên toà phải chủ động xem xét, nghiên cứu các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án. Trường hợp có chứng cứ, tài liệu được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh mà không thể nghe, xem được cần đề nghị viện kiểm sát sao chép lại và cung cấp cho toà án dữ liệu ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh. Xem: Khoản 1 Điều 8 Thông tư liên tịch số 03/2018/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BQP ngày 01/02/2018 hướng dẫn về trình tự, thủ tục thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh; sử dụng, bảo quản, lưu trữ kết quà ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử.

– Kế hoạch xét hỏi được xây dựng căn cứ vào sự phản ánh trong hồ sơ, vì thế dù đã chuẩn bị đầy đủ nhưng thẩm phán cũng phải biết vận dụng linh hoạt kế hoạch xét hỏi để kịp thời đặt thêm những câu hỏi cần thiết và bỏ bớt những câu hỏi đã chuẩn bị cho phù hợp với thực tế của phiên toà. Ngoài ra, thẩm phán cần phải dự kiến thời gian hợp lí để thẩm vấn từng bị cáo, từng vấn đề, tránh tình trạng thẩm vấn qua loa những vấn đề quan trọng.

4. Các hoạt động khác trong chuẩn bị xét xử vụ án hình sự

– Theo quy định tại các điều 284, 285, 286 và 287 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 Khi xét thấy cần bổ sung tài liệu, chứng cứ cần thiết cho việc giải quyết vụ án mà không phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung thì thẩm phán chủ toạ phiên toà yêu cầu viện kiểm sát bổ sung. Yêu cầu bổ sung tài liệu, chứng cứ phải bằng văn bản, nêu rô tài liệu, chứng cứ cần bổ sung và gửi cho viện kiểm sát cùng cấp ưong thời hạn 02 ngày kể từ ngày ra văn bản yêu cầu. Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của toà án, viện kiểm sát gửi cho toà án tài liệu, chứng cứ được yêu cầu bổ sung. Trường hợp viện kiểm sát không bổ sung được tài liệu, chứng cứ thì toà án tiến hành xét xử vụ án.

– Quyết định đưa vụ án ra xét xử được giao cho bị cáo hoặc người đại diện của họ; gửi cho người bào chữa, bị hại, đương sự chậm nhất là 10 ngày trước khi mở phiên toà. Trường hợp xét xử vắng mặt bị cáo thì quyết định đưa vụ án ra xét xử được giao cho người bào chữa hoặc người đại diện của bị cáo; quyết định đưa vụ án ra xét xử còn phải được niêm yết tại trụ sở uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi bị cáo cư trú cuối cùng hoặc cơ quan, tổ chức nơi làm việc, học tập cuối cùng của bị cáo.

Quyết định tạm đình chỉ, quyết định đình chỉ vụ án, quyết định phục hồi vụ án của toà án được giao cho bị can, bị cáo, bị hại hoặc người đại diện của họ và gửi cho người tham gia tố tụng khác trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày ra quyết định.

Quyết định phân công thẩm phán làm chủ toạ phiên toà, quyết định đưa vụ án ra xét xử, quyết định đình chỉ, quyết định tạm đình chỉ, quyết định phục hồi vụ án phải gửi cho viện kiểm sát cùng cấp trong thời hạn 02 ngày kể từ ngày ra quyết định. Quyết định đình chỉ, quyết định tạm đình chỉ vụ án phải gửi cho viện kiểm sát cấp trên trực tiếp trong thời hạn 02 ngày kể từ ngày ra quyết định.

Quyết định áp dụng, thay đổi, huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế được giao cho bị can, bị cáo, viện kiểm sát cùng cấp, cơ sở giam giữ nơi bị can, bị cáo đang bị tạm giam trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định.

– Căn cứ vào quyết định đưa vụ án ra xét xử, yêu cầu của kiểm sát viên, người bào chữa, người tham gia tố tụng khác, thẩm phán chủ toạ phiên toà triệu tập những người cần xét hỏi đến phiên toà.

5. Những việc làm cần thiết để chuẩn bị mở phiên toà

Trước khi mở phiên toà, cần phải tiến hành một số bước sau:

– Giao quyết định đưa vụ án ra xét xử cho bị cáo, người đại diện hợp pháp của họ hay người bào chữa chậm nhất là mười ngày trước khi mở phiên toà để họ có điều kiện nghiên cứu nhằm chuẩn bị cho việc bào chữa tại phiên toà. Cán bộ làm nhiệm vụ giao quyết định đưa vụ án ra xét xử phải giao tận tay cho người được nhận và yêu cầu họ kí nhận. Giấy kí nhận đó phải được gửi ngay về toà án. Nếu không giao được tận tay thì giao cho thân nhân người nhận và yêu cầu họ chuyển ngay cho người nhận.

Thân nhân nhận thay phải kí nhận và giấy kí nhận phải được chuyển cho toà án.

Trường họp xét xử vắng mặt bị cáo thì quyết định đưa vụ án ra xét xử và bản cáo trạng được giao cho người bào chữa hoặc người đại diện họp pháp của bị cáo. Ngoài ra, quyết định đưa vụ án ra xét xử còn phải được niêm yết tại trụ sở chính quyền xã, phường, thị trấn noi cư trú hoặc noi làm việc cuối cùng của bị cáo.

– Gửi giấy triệu tập những người cần xét hỏi đến phiên toà.

Căn cứ vào quyết định đưa vụ án ra xét xử, thẩm phán triệu tập những người cần xét hỏi đến phiên toà. Giấy triệu tập cần được đương sự kí nhận. Nếu đương sự vắng mặt thì thân nhân nhận giấy triệu tập kí nhận thay.

– Gửi lịch xét xử cho viện kiểm sát, trại tạm giam nơi giam giữ bị cáo để dẫn giải bị cáo đến phiên toà (nêu bị cáo đang bị tạm giam) và cơ quan công an để bố trí lực lượng bảo vệ phiên toà.

– Gửi giấy mời cho đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân liên quan có mặt tại phiên toà.

– Chuẩn bị việc tổ chức phiên toà.

Sau khi đã chuẩn bị về nội dung, toà án cần phải chuẩn bị tốt cả việc tổ chức phiên toà về các mặt như địa điểm, thời gian, những người được mời đến dự phiên toà, việc giữ trật tự và bảo vệ phiên toà, dẫn giải bị cáo bị tạm giam, bố trí nơi xử án…


Ghi chúBài viết được được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng VIệt Nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá *