Quan hệ TMQT bao gồm quan hệ giữa các chủ thể trực tiếp tiến hành các hoạt động đó cũng như quan hệ thương mại giữa các quốc gia. Các tranh chấp phát sinh từ đó cũng được phân loại tương ứng và được giải quyết bởi những cơ chế khác nhau.

Giải quyết tranh chấp giữa các chủ thể trực tiếp tiến hành hoạt động TMQT
Hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác. Hoạt động TMQT là hoạt động có sự tham gia của các chủ thể có quốc tịch khác nhau, hoặc có sự chuyển dịch vốn và tài sản khác từ quốc gia hay vùng lãnh thổ này vào một quốc gia hay vùng lãnh thổ khác.

Tranh chấp phát sinh giữa các chủ thể này được giải quyết bằng tòa án hoặc trọng tài thương mại, nếu chúng không giải quyết được bằng thương lượng.

Giải quyết tranh chấp bằng tòa án là quyền đương nhiên, các bên tranh chấp không cần phải thỏa thuận. Bên có quyền lợi bị xâm phạm có thể khởi kiện tại tòa án nước mình, tòa án của bên vi phạm hoặc thậm chí tại tòa án của một nước thứ ba, tùy thuộc tòa án của các nước này có thẩm quyền giải quyết loại tranh chấp cụ thể đó không. Thẩm quyền của tòa án cũng có thể được xác lập bởi thỏa thuận của các bên, nếu pháp luật tố tụng của nước đó chấp nhận thỏa thuận này. Tuy nhiên, quyết định của tòa án nước này muốn được thi hành tại một nước khác thì phải được nước khác đó công nhận. Bởi vậy, thuận tiện nhất là lựa chọn khởi kiện ở nơi mà bản án cũng cần được thi hành. Tòa án công nhận xem xét việc đáp ứng các điều kiện công nhận, nhưng không bao gồm xem xét lại sự việc.

Bên cạnh giải quyết tranh chấp bằng tòa án, hình thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại đặc biệt được ưa chuộng trong hoạt động TMQT. Tuy nhiên, trọng tài chỉ có thẩm quyền nếu được các bên thỏa thuận. Thỏa thuận trọng tài có thể là thỏa thuận trong hợp đồng hoặc trong một văn bản riêng biệt, trước hoặc sau khi phát sinh tranh chấp. Thỏa thuận phải chỉ định một trung tâm trọng tài cụ thể hoặc một hội đồng trọng tài do các bên thành lập. Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài có nhiều ưu điểm, như được các bên tín nhiệm, thủ tục đơn giản, có thể thỏa thuận nơi tiến hành xét xử, nhất là giữ được bí mật và uy tín của các bên do phiên xét xử không công khai. Phán quyết trọng tài là chung thẩm, các bên phải thi hành, trừ trường hợp bị tòa án hủy theo thủ tục hủy quyết định trọng tài, trong đó tòa án không xem xét lại sự việc mà chỉ xem xét việc tuân thủ các điều kiện và thủ tục tố tụng. Phán quyết của trọng tài quốc tế hoặc nước ngoài muốn được thi hành tại một nước khác cũng phải được nước khác đó công nhận. Trong thủ tục công nhận này tòa án cũng không xem xét lại sự việc.

Trong hoạt động xuất khẩu, nhà xuất khẩu cũng có thể bị kiện bán phá giá (BPG) bởi các nhà sản xuất của các nước nhập khẩu. Vụ kiện BPG được giải quyết theo luật chống BPG của quốc gia nhập khẩu. Ở Việt Nam vụ kiện loại này được giải quyết theo Pháp lệnh chống BPG 2004. Tuy nhiên luật chống BPG của các thành viên WTO đều phải phù hợp với Hiệp định về chống BPG (ADP).

Giải quyết tranh chấp giữa nhà nước với nhà đầu tư nước ngoài
Tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài với nhà nước tiếp nhận đầu tư được giải quyết theo pháp luật của nước tiếp nhận đầu tư đó và theo các công ước quốc tế mà quốc gia đó là thành viên. Ở Việt Nam, loại tranh chấp này được giải quyết thông qua tòa án, hoặc trọng tài nếu có sự thỏa thuận giữa đại diện cơ quan nhà nước với nhà đầu tư nước ngoài. Việt Nam đang cân nhắc việc tham gia Công ước về giải quyết tranh chấp đầu tư giữa nhà nước và nhà đầu tư nước ngoài (ICSID). Khi tham gia công ước này, Nhà nước Việt Nam có thể bị nhà đầu tư nước ngoài khởi kiện, nhưng doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài cũng có thể khởi kiện nhà nước này theo định chế trọng tài của công ước này.
Giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia
Loại tranh chấp này có thể pháp sinh do chính sách thương mại của một thành viên WTO vi phạm luật của tổ chức này và làm tổn hại đến lợi ích thương mại của thành viên khác. Tranh chấp giữa các thành viên cũng có thể phát sinh do việc một thành viên áp dụng các biện pháp tự vệ đối với hàng hóa nhập khẩu trái với các quy định của Hiệp định về các biện pháp tự vệ (ASG), hoặc từ việc giải quyết vụ kiện chống BPG trái với quy định của WTO. Các tranh chấp loại này được giải quyết theo Hiệp định về giải quyết tranh chấp (DSU). Hậu quả tồi tệ nhất là bị bên khiếu nại áp dụng quyền trả đũa bằng cách rút lại nhượng bộ thương mại tương đương. Như vậy, các thành viên WTO, trong đó có Việt Nam, bị ràng buộc bởi các luật lệ của tổ chức này trong các chính sách thương mại cũng như trong giải quyết các vụ việc TMQT.
[Giải quyết tranh chấp bằng tòa án là quyền đương nhiên, các bên tranh chấp không cần phải thỏa thuận. Bên có quyền lợi bị xâm phạm có thể khởi kiện tại tòa án nước mình, tòa án của bên vi phạm hoặc thậm chí tại tòa án của một nước thứ ba, tùy thuộc tòa án của các nước này có thẩm quyền giải quyết loại tranh chấp cụ thể đó không. Thẩm quyền của tòa án cũng có thể được xác lập bởi thỏa thuận của các bên, nếu pháp luật tố tụng của nước đó chấp nhận thỏa thuận này. Tuy nhiên, quyết định của tòa án nước này muốn được thi hành tại một nước khác thì phải được nước khác đó công nhận. Bởi vậy, thuận tiện nhất là lựa chọn khởi kiện ở nơi mà bản án cũng cần được thi hành. Tòa án công nhận xem xét việc đáp ứng các điều kiện công nhận, nhưng không bao gồm xem xét lại sự việc] =>> Trong hoạt động thương mại quốc tế (trong hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế) thì để giải quyết tranh chấp thì trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (HĐMBHHQT) phải có quy định, kể cả giải quyết bằng tòa án. Trong HĐMBHHQT nếu không có điều khoản quy định về giải quyết tranh chấp thì không thể giải quyết được. Tất nhiên là trong trường hợp cả hai bên đều tỏ thái độ bất hợp tác. Vì vậy trong MBHHQT thì việc quy định điều khoản giải quyết tranh chấp là rất quan trọng, không thể thiếu.
Không những thế, nếu quy định là tòa án thì phải quy định tòa án nước nào (có thể là tòa án của một trong hai nước hoặc nước thứ ba) giải quyết, áp dụng nguồn luật nào phải có quy định cụ thể.


Ghi chú: Bài viết được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng VIệt Nam.