Giải quyết xung đột pháp luật về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên

[VPLUDVN] Giải quyết xung đột pháp luật về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên

      Ở Việt Nam hiện nay, bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được điều chỉnh trong điều ước quốc tế song phương, đó là các HĐTTTP về các vến đề dân sự, gia đình và hình sự giữa Việt Nam với nước ngoài.

      Nội dung của điều khoản quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng có yếu tố nước ngoài  trong các HĐTTTP tương đối thống nhất. Để giải quyết bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng có yếu tố nước ngoài, các HĐTTTP  sử dụng hệ thuộc cơ bản là luật của nước nơi xảy ra hành vi gây thiệt hại. Ngoài ra, HĐTTTP còn sử dụng một số hệ thuộc khác như: Hệ thuộc luật quốc tịch, luật nơi cư trú, luật tòa án…

      Hệ thuộc Luật của nước nơi xảy ra hành vi gây thiệt hại được ghi nhận tại Điều 33 HĐTTTP với Cộng hòa Séc; khoản 1 Điều 31 HĐTTTP với Bungari; khoản 1 Điều 38 HĐTTTP với Ba Lan; khoản 1 Điều 23 HĐTTTP với Lào; khoản 1 Điều 37 HĐTTTP với Liên bang Nga măm 1998; khoản 1 Điều 33 HĐTTTP với Ucraina; khoản 1 Điều 41 HĐTTTP với Mông Cổ.

      Riêng đối với HĐTTTP với Hungari và với Lào quy định pháp luật của nước kí kết nơi xảy ra hành vi gây thiệt hại sẽ không áp dụng nếu các bên đương sự có nơi thường trú chung trên lãnh thổ của một nước kí kết và trường hợp này áp dụng luật của nước nơi họ có nơi thường trú chung.

      Tuy nhiên, khi áp dụng hệ thuộc luật của nước nơi xảy ra hành vi gây thiệt hại cũng có một số ngoại lệ:

  • Nếu người gây thiệt hại và người bị thiệt hại điều là công dân của cùng một nước kí kết thì áp dụng pháp luật của nước kí kết mà họ là công dân.
  • Nếu người gây thiệt hại và người bị thiệt hại cùng có quốc tịch của nước kí kết nhưng cư trú trên lãnh thổ cả nước kí kết kia thì áp dụng pháp luật của nước nơi họ cư trú.
  • Nếu người gây thiệt hại và người bị thiệt hại cùng có quốc tịch của nước kí kết, thì áp dụng pháp luật của nước kí kết có Tòa án nhận đơn kiện. Trường hợp này, người bị thiệt hại cần phải gửi đơn đến tòa án có thẩm quyền là tòa án của nước kí kết nơi xảy ra hành vi gây thiệt hại để đòi bồi thường.

Giải quyết xung đột pháp luật về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo pháp luật Việt Nam (BLDS 2015)

      Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng có yếu tố nước ngoài tại Điều 687 như sau:

      “1. Các bên được thỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dụng cho việc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này. Trường hợp không có thỏa thuận thì pháp luật của nước nơi phát sinh hậu quả của sự kiện gây thiệt hại được áp dụng.

      Trường hợp bên gây thiệt hại và bên bị thiệt hại có nơi cư trú, đối với cá nhân hoặc nơi thành lập, đối với pháp nhân tại cùng một nước thì pháp luật của nước đó được áp dụng.”

      Theo đó, nguyên tắc xác định pháp luật áp dụng như sau:

      Khoản 1 Điều 687 Bộ luật Dân sự 2015.

     Theo quy định tại khoản 1 Điều 687 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì các bên có quyền thỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dụng để giải quyết các vấn đề liên quan tời bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng có yếu tố nước ngoài. Ở đây, hệ thuộc luật do các bên lựa chọn (Lex voluntatis) đã được sử dụng. Pháp luật Việt Nam đã thể hiện sự tôn trọng quyền tự do định đoạt của các bên trong quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài, xuất phát từ tính chất của các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài là các quan hệ tư, được thi hành trên nguyên tắc nền tảng là sự thỏa thuận giữa các bên. Việc cho phép các bên trong quan hệ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được quyền lựa chọn pháp luật áp dụng không ảnh hưởng tới lợi ích xã hội, lợi ích của nhà nước mà còn có ý nghĩa trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên. Bên cạnh đó,  khi các bên tự thỏa thuận lựa chọn luật áp dụng thì họ cũng dễ chấp nhận những quy định của hệ thống pháp luật đó và việc thực thi vì vậy cũng sẽ thuận lợi và dễ dàng hơn.

      Quy định tại khoản 1 Điều 687 BLDS năm 2015 đã có một sự thay đổi lớn so với quy định tương tự tại Điều 773 BLDS năm 2005.  Theo khoản 1 Điều 773 BLDS năm 2005 “Việc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được xác định theo pháp luật của nước nơi xảy ra hành vi gây thiệt hại hoặc nơi phát sinh hậu quả thực tế của hành vi gây thiệt hại.” quy tắc chung để giải quyết xung đột pháp luật về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng có yếu tố nước ngoài là pháp luật nơi xảy ra hành vi gây thiệt hại hoặc pháp luật của nước nơi phát sinh hậu quả thực tế của hành vi gây thiệt hại. Quy định này không thể hiện được nguyên tắc tự do thỏa thuận trong các quan hệ dân sự nói chung và quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài nói riêng, bên cạnh đó, việc áp dụng quy định này cũng gặp khó khăn trên thực tế khi không đưa ra quy định về trình tự cụ thể rằng sẽ áp dụng pháp luật nước nào nếu như hành vi gây thiệt hại xảy ra ở một nước và hậu quả của hành vi đó ở một nước khác.

      Đến Bộ luật Dân sự 2015, việc cho phép các bên thỏa thuận áp dụng điều chỉnh quan hệ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng có yếu tố nước ngoài là một bước tiến lớn trong tư duy lập pháp, không chỉ thể hiện được sự tôn trọng quyền tự do thỏa thuận giữa các bên nói chung, mà còn thể hiện sự phù hợp với Quy định Rome II năm 2007 và pháp luật nhiều nước trên thế giới.

      Cụ thể, khoản 1 Điều 14 Quy định Rome II quy định như sau: “Các bên có thể thỏa thuận chọn luật áp dụng đối với nghĩa vụ ngoài hợp đồng: (a) Bằng một thỏa thuận sau khi sự kiện dẫn đến thiệt hại xảy ra; hoặc (b) Khi các bên tham gia vào một hoạt động thương mại, bằng một thỏa thuận thương lượng tự do trước khi sự kiện dẫn đến thiệt hại xảy ra. Sự lựa chọn phải được thể hiện với một sự chắc chắn trong trường hợp sẽ không làm phương hại đến các quyền của bên thứ ba”. Theo quy định trên, các bên có thể tự do lựa chọn luật áp dụng cho nghĩa vụ ngoài hợp đồng bằng cách thỏa thuận tại thời điểm sau khi có thiệt hại xảy ra hoặc trước khi có thiệt hại xảy ra. Hay trong Luật tư pháp quốc tế băm 2004 của Vương quốc Bỉ quy định tại Điều 101: các bên có thể lựa chọn, sau khi phát sinh tranh chấp, pháp luật điều chỉnh nghĩa vụ phát sinh từ sự kiện gây thiệt hại nhưng sự lựa chọn này phải minh thị và không được xâm phạm tới quyền lợi của người thứ ba.

      Việc quy định phù hợp với pháp luật quốc tế và của nhiều nước trên thế giới sẽ tạo thuận lợi và thúc đẩy các giao lưu dân sự đồng thời tạo điều kiện cho việc giải quyết các tranh chấp dân sự diễn ra nhanh chóng hơn, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên.

      Tuy nhiên, trong trường hợp pháp luật quy định cho các bên được thỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dung nhưng các bên đã không thỏa thuận hoặc không thể thỏa thuận được, trong trường hợp đó, quy phạm ở Điều 687 đã dự liệu sẵn một hệ thuộc luật để điều chỉnh quan hệ này đó là hệ thuộc luật của nước nơi phát sinh hậu quả của sự kiện gây thiệt hại. Quy định này cũng có sự khác biệt đối với BLDS năm 2005, đó là nếu BLDS năm 2005 cho phép cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp cân nhắc việc áp dụng giữa pháp luật của nước nơi xảy ra hành vi gây thiệt hại, thì đến BLDS năm 2015, cơ quan có thẩm quyền chỉ có thể áp dụng pháp luật của nước nơi phát sinh hậu quả của sự kiện gây thiệt hại. Sự thay đổi này là phù hợp và tích cực, bởi nếu để cả 2 hệ thuộc luật và cho phép các cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp được tùy tình huống mà áp dụng luật mà cơ quan đó cho là phù hợp thì sẽ dễ dẫn đến sự tùy tiện và có thể vì mục đích không khách quan mà áp dụng hệ thống pháp luật mà có lợi cho một bên. Hơn nữa, đây là quan hệ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, là quan hệ mà khi phát sinh đã hàm chứa sẵn yếu tố bất đồng, mâu thuẫn. Nên nếu để cho cơ quan giải quyết tranh chấp tự do lựa chọn luật áp dụng thì cũng dễ gây thắc mắc, khiếu kiện vì nghi ngờ sự vô tư trong việc chọn luật áp dụng của cơ quan giải quyết tranh chấp.

      Khoản 1 Điều 687 BLDS năm 2015 đã có sự thay đổi tiến bộ khi  khắc phục được những hạn chế của khoản 1 Điều 773, đồng thời tạo điều kiện, cũng như tôn trọng quyền định đoạt của các bên trong việc xác định pháp luật điều chỉnh quan hệ của họ.

      Khoản 2 Điều 687 BLDS năm 2015.

     Trường hợp bên gây thiệt hại và bên bị thiệt hại là các cá nhân có cùng nơi cứ trú, hoặc bên gây thiệt hại và bên bị thiệt hại là các pháp nhân có cùng nơi thành lập tại một nước thì pháp luật của nước đó sẽ được áp dụng. Theo quy định này, hệ thuộc Luật nơi cư trú (Luật Lex domicilii) được áp dụng để giải quyết.

      Đây là điểm hoàn toàn mới so với quy định tại khoản 3 Điều 773 BLDS năm 2005 “Trong trường hợp hành vi gây thiệt hại xảy ra ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam mà người gây thiệt hại và người bị thiệt hại đều là công dân hoặc pháp nhân Việt Nam thì áp dụng pháp luật Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.”  Theo đó, nếu hành vi gây thiệt hại xảy ra ở ngoài lãnh thổ Việt Nam mà cả bên gây thiệt hại và bên bị thiệt hại đều là công dân, pháp nhân Việt Nam thì pháp luật được áp dụng chính là pháp luật của Việt Nam. Quy định này nhằm bảo hộ quyền và lợi ích của công dân, pháp nhân Việt Nam, tạo điều kiện cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam giải quyết tranh chấp phát sinh từ quan hệ bồi thường thiệt hại ngoài hợp. Tuy nhiên, quy định này cũng bộc lộ nhiều hạn chế. Thứ nhât, nếu hành vi vi phạm xảy ra hoàn toàn tại nước ngoài, vụ việc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng có mối liên hệ mật thiết với pháp luật nơi xảy ra sự kiện, vụ việc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng có mối quan hệ mật thiết với pháp luật nơi xảy ra sự kiện, pháp luật áp dụng vẫn là pháp luật Việt Nam. Thứ hai, quy định này chỉ đề cập đến trường hợp bên gây thiệt hại và bên bị thiệt hại đều là công dân, pháp nhân Việt Nam vậy nếu bên gây thiệt hại và bên bị thiệt hại đều là công dân nước ngoài thì lại không có quy định tương ứng cùng nguyên tắc áp dụng luật. Như vậy, quy định tại khoản 2 Điều 687 có tính bao quát và thống nhất cho cả trường hợp các bên trong quan hệ cùng là công dân, pháp nhân Việt Nam hoặc cùng là công dân, pháp nhân nước ngoài.

      Bên cạnh đó, hệ thuộc luật tại khoản 2  Điều 687 cũng được thay đổi so với khoản 3 Điều 773 từ hệ thuộc luật quốc tịch thành hệ thuộc luật nơi cư trú. Bởi trong thời kỳ hội nhập, việc công dân của quốc gia này sinh sống, làm việc và định cư lâu dài trên một quốc gia khác diễn ra rất phổ biến, do đó trong quan hệ bồi thường thiệt hại, yếu tố cư trú sẽ chi phối và ảnh hưởng nhiều hơn yếu tố quốc tịch. Bên cạnh đó, hệ thuộc luật nơi cư trú còn tránh được tình trạng khó khăn trong áp dụng pháp luật khi các bên trong quan hệ khác quốc tịch.

      Quy định tại khoản 2 Điều 687 chính là trường hợp mà sự lựa chọn luật áp dụng của các bên bị giới hạn. Theo đó, trong trường hợp bên gây thiệt hại và bên bị thiệt hại có cùng nơi cư trú đối với cá nhân và có cùng một nơi thành lập thì pháp luật của nước đó được áp dụng. Tức là. trong trường hợp này áp dụng luật của nước mà các bên có nơi cư trú chung. Quy định này thể hiện sự tiến bộ, hợp lí và thống nhất với các quy định trong các HĐTTTP Việt Nam kí kết với nước ngoài.

      Trong giao lưu dân sự quốc tế, việc một chủ thể có hành vi gây thiệt hại cho một chủ thể khác mà không có thỏa thuận, dự tính trước là điều không thể tránh khỏi. Do đó, pháp luật của mỗi quốc gia đều cần có những quy định phù hợp để bảo vệ quyền và lợi ích của các bên khi tham gia các giao lưu dân sự có yếu tố nước ngoài.


Ghi chú: Bài viết được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng Việt Nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá *