[VPLUDVN] Với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế kéo theo sự hoàn thiện và thay đổi không ngừng về các quy định pháp luật của các quốc gia cũng như quốc tế. Các quốc gia trên thế giới đều muốn xây dựng một hệ thống pháp luật thống nhất, tiến bộ và ngày càng xích lại gần nhau hơn tuy nhiên bản chất của pháp luật là ý chí của giai cấp thống trị và phụ thuộc vào điều kiện, phong tục, tập quán của mỗi nước nên việc đồng nhất hệ thống pháp luật là không dễ dàng. Sự sự phát triển không đồng đều đã tạo nên sự khác biệt trong cách tư duy của các nhà lập pháp dẫn đến hiện tượng xung đột pháp luật.
1. Xung đột pháp luật:
Ta có thể hiểu đơn giản như sau, pháp luật của mỗi quốc gia không giống nhau, hiện tượng pháp luật của hai hay nhiều nước khác nhau cùng có thể được áp dụng để điều chỉnh các mối quan hệ dân sự theo nghĩa rộng có yếu tố nước ngoài được gọi là hiện tượng xung đột pháp luật.
Xung đột pháp luật chỉ được phát sinh từ các quan hệ về dân sự – kinh tế – thương mại, lao động và hôn nhân và gia đình.
Tuy nhiên, thực tế ngày nay một số các quan hệ trong lĩnh vực dân sự không làm phát sinh xung đột pháp luật. Ví dụ như: các quan hệ về quyền tác giả và quyển sở hữu công nghiệp. Nó là quan hệ pháp luật mang tính chất lãnh thổ triệt để: quyền sở hữu trí tuệ xuất hiện ở nước nào thì chỉ có hiệu lực pháp luật tại nước đó, không thể áp dụng luật về sở hữu trí tuệ của nước này tại các nước khác.
2. Nguyên nhân của xung đột pháp luật:
Xung đột pháp luật xuất phát từ hai nguyên nhân chính sau đây:
– Thứ nhất: Xung đột pháp luật xuất phát pháp từ việc pháp luật của các nước có sự khác nhau: Pháp luật mỗi nước do nhà nước xây dựng nên thông qua các nhà lập pháp. Hệ thống pháp luật mỗi nước phải phù hợp với các điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội… của nước đó. Vì vậy việc pháp luật các nước khác nhau đã trở thành nguyên nhân chính dẫn đến xung đột pháp luật.
– Thứ hai: Xung đột pháp luật xuất phát pháp từ nguyên nhân chính trị, kinh tế, xã hội:
Mỗi một đất nước khi tồn tại đều phải dựa trên một nền tảng kinh tế nhất định với một chế độ sở hữu tương ứng. Các quốc gia dựa trên một chế độ sở hữu nhất định thì pháp luật cũng được hình thành để phản ánh một cách phù hợp và tương xứng đối với chế độ sở hữ đó. Ngày nay, trên thế giới có những quốc gia được tạo dựng trên cơ sở chế độ công hữu về tư liệu sản xuất nhưng ngược lại cũng có những quốc gia được tạo dựng dựa trên chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất chủ yếu. Từ các chế độ sở hữu đó mà pháp luật được xây dựng ở các quốc gia này cũng có sự khác biệt căn bản. Các quan hệ trong lĩnh vực luật công, điển hình là các quan hệ hình sự, hành chính có yếu tố nước ngoài. Với sự khác biết về chính trị, kinh tế, xã hội các quốc gia đã hình thành nên hiện tượng xung đột pháp luật.
3. Giải quyết xung đột pháp luật:
Để giải quyết hiện tượng xung đột pháp luật thông thường các cơ quan chức năng thường sử dụng hai phương pháp chính sau đây:
– Phương pháp thứ nhất: Phương pháp thực chất: đây là phương pháp dùng quy phạm thực chất, trực tiếp điều chỉnh quan hệ mà không cần bất kì một khâu trung gian nào. Quy phạm này quy định rõ quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia trực tiếp điều chỉnh các quan hệ. Quy phạm thực chất thường được các chủ thể ghi nhận trong các điều ước quốc tế (quy phạm thực chất thống nhất ) và được ghi nhận trong các văn bản của pháp luật quốc gia ( quy phạm thực chất thông thường).
– Phương pháp thứ hai: Phương pháp xung đột: đây là phương pháp sử dụng các quy phạm xung đột để giải quyết xung đột pháp luật. Đây là các quy phạm pháp luật đặc biệt, nó không quy định quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia quan hệ, nhiệm vụ của các quy phạm xung đột chỉ là xác định hệ thống pháp luật của quốc gia nào sẽ được áp dụng để điều chỉnh quan hệ, còn bản thân quan hệ chưa được giải quyết. Muốn giải quyết vấn đề thì cơ quan có thẩm quyền cần căn cứ vào quy phạm xung đột, áp dụng hệ thống pháp luật mà quy phạm xung đột dẫn chiếu tới.
– Ngày nay, xuất phát từ thực tiễn phong phú và đa dạng, cũng có nhiều trường hợp một quan hệ tư pháp quốc tế không có cả quy phạm thực chất và quy phạm xung đột điều chỉnh. Trong trường hợp này, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ lựa chọn áp dụng tập quán quốc tế hoặc “pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội tượng tự”.
4. Nguyên tắc giải quyết xung đột:
Trong trường hợp có nhiều văn bản pháp luật cùng điều chỉnh một vấn đề cụ thể, xung đột pháp luật giữa các văn bản này là điều khó tránh khỏi và cần có nguyên tắc giải quyết xung đột đó, cụ thể như sau:
– Nguyên tắc luật ban hành sau: đối với các văn bản pháp luật do cùng một cơ quan ban hành về cùng một vấn đề cụ thể, văn bản được ban hành sau được ưu tiên áp dụng so với văn bản được ban hành trước.
– Nguyên tắc luật chung – luật riêng: luật chuyên ngành áp dụng cho các loại hợp đồng đặc thù được ưu tiên áp dụng so với các quy định của Bộ luật dân sự 2015.
Trong hai nguyên tắc này, tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 đã quy định cụ thể về nguyên tắc luật ban hành sau và do vậy, nguyên tắc này có thể được áp dụng để giải quyết xung đột pháp luật giữa mọi văn bản trong hệ thống pháp luật Việt Nam.
5. Giải quyết xung đột pháp luật về nội dung của hợp đồng trong tư pháp quốc tế:
5.1. Quy phạm xung đột về hợp đồng:
Hợp đồng được lập ra dựa trên sự thỏa thuận của các bên tham gia vào quan hệ giao dịch. Chính vì vậy, xuất phát từ sự thỏa thuận và cho phép việc lựa chọn pháp luật áp dụng đối với hợp đồng do các bên thỏa thuận với nhau các bên tham gia hợp đồng trong hoạt động tư pháp quốc tế áp dụng hệ thuộc luật do các bên kí kết hợp đồng lựa chọn để xác định hệ thống pháp luật được áp dụng để điều chỉnh quan hệ về hợp đồng.
Tuy nhiên, pháp luật được áp dụng phải đảm bảo không được ảnh hưởng đến quyền lợi tối thiểu của người lao động, người tiêu dùng theo quy định của pháp luật Việt Nam. Nếu rơi vào trường hợp này thì hệ thuộc luật thay thế sẽ là pháp luật Việt Nam. Ngoài ra, pháp luật áp dụng do sự thỏa thuận của các bên phải không được gây ảnh hưởng đến quyền lợi của bên thứ ba.
Nếu các bên tham gia vào hợp đồng không thực hiện thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được pháp luật áp dụng thì sẽ áp dụng hệ thống pháp luật của nước có mối quan hệ gắn bó nhất với hợp đồng.
Ví dụ cụ thể như sau: hệ thuộc luật nơi cư trú đối với cá nhân hoặc pháp nhân hoặc hệ thuộc luật quốc tịch của pháp nhân đối với pháp nhân (đối với hợp đồng mua bán, hợp đồng dịch vụ, hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng hoặc chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ, hợp đồng tiêu dùng); hệ thuộc luật nơi thực hiện hành vi (đối với hợp đồng lao động mà người lao động mà người lao động thường xuyên thực hiện công việc ở một nước nhất định) hoặc hệ thuộc luật nơi cư trú (đối với hợp đồng lao động mà không xác định được nơi thường xuyên thực hiện công việc của người lao động).
Trên thực tế hiện nay, mặc dù pháp luật quốc gia đã ban hành các quy định nếu các bên không thỏa thuận được pháp luật áp dụng thì sẽ áp dụng khoản 2 Điều 683 Bộ luật dân sự 2015 quy định về hợp đồng có nội dung như sau:
“2. Pháp luật của nước sau đây được coi là pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với hợp đồng:
a) Pháp luật của nước nơi người bán cư trú nếu là cá nhân hoặc nơi thành lập nếu là pháp nhân đối với hợp đồng mua bán hàng hóa;
b) Pháp luật của nước nơi người cung cấp dịch vụ cư trú nếu là cá nhân hoặc nơi thành lập nếu là pháp nhân đối với hợp đồng dịch vụ;
c) Pháp luật của nước nơi người nhận quyền cư trú nếu là cá nhân hoặc nơi thành lập nếu là pháp nhân đối với hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng hoặc chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ;
d) Pháp luật của nước nơi người lao động thường xuyên thực hiện công việc đối với hợp đồng lao động. Nếu người lao động thường xuyên thực hiện công việc tại nhiều nước khác nhau hoặc không xác định được nơi người lao động thường xuyên thực hiện công việc thì pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với hợp đồng lao động là pháp luật của nước nơi người sử dụng lao động cư trú đối với cá nhân hoặc thành lập đối với pháp nhân;
đ) Pháp luật của nước nơi người tiêu dùng cư trú đối với hợp đồng tiêu dùng.”
Tuy nhiên, không thể tránh khỏi sẽ có những tình huống mà luật không thể dự đoán hết được, do đó, nếu chứng minh được pháp luật của nước khác có mối quan hệ gắn bó hơn thì sẽ áp dụng pháp luật nước khác để điều chỉnh quan hệ trong nội dung hợp đồng giao dịch.
Riêng với tài sản là bất động sản, vì đây là một loại tài sản đặc biệt, nên hệ thuộc luật áp dụng để xác định hệ thống pháp luật áp dụng điều chỉnh mối quan hệ có đối tượng là bất động sản sẽ là hệ thuộc luật của nước nơi có bất động sản đó.
Với hình thức của hợp đồng giao dịch, pháp luật nước ta quy định pháp luật điều chỉnh cũng chính là pháp luật đã được áp dụng để điều chỉnh chung của hợp đồng đó. Với trường hợp hình thức hợp đồng không phù hợp với hình thức hợp đồng theo pháp luật áp dụng đối với hợp đồng đó nhưng phù hợp với hình thức hợp đồng theo pháp luật của nước nơi giao kết hợp đồng hoặc pháp luật của Việt Nam thì hình thức hợp đồng đó được công nhận tại Việt Nam.
5.2. Giải quyết xung đột pháp luật về nội dung của hợp đồng trong tư pháp quốc tế:
Cách giải quyết xung đột pháp luật về nội dung của hợp đồng trong tư pháp quốc tế giữa Việt Nam và các nước trên thế giới hầu như không có sự khác nhau.
Theo quy định của pháp luật các nước, để xác định tính chính xác về một nội dung của hợp đồng, đa số các nước áp dụng nguyên tắc thỏa thuận . Vì về mặt bản chất, hợp đồng là sự thỏa thuận của các bên nhằm xác định quyền và nghĩa vụ của họ trong một giao dịch dân sự. Theo nguyên tắc này, các bên có thể thỏa thuận luật áp dụng đối với quyền và nghĩa vụ của mình phát sinh từ hợp đồng. Trên thực tế các bên thường thỏa thuận áp dụng các hệ thống pháp luật có liên quan tới hợp đồng .
Ngoài ra, để xác định tính hợp pháp về nội dung của hợp đồng có yếu tố nước ngoài, bên cạnh việc áp dụng nguyên tắc thỏa thuận , người ta còn áp dụng luật nơi kí kết hợp đồng. Theo đó những điều các bên thỏa thuận không được trái với luật nơi kí kết hợp đồng.
Như vậy, một hợp đồng có yếu tố nước ngoài được coi là hợp pháp về mặt nội dung khi nó chứa đựng các điều khoản phù hợp với luật dó các bên thỏa thuận áp dụng , đồng thời không trái với quy định pháp luật nơi kí kết hợp đồng .
Ghi chú: Bài viết được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng Việt Nam.