[VPLUDVN] Hợp tác quốc tế đấu tranh chống tội phạm bao gồm toàn bộ các hoạt động cần thiết của các thành viên cộng đồng quốc tế nhằm ngăn ngừa, trừng trị, loại bỏ tội phạm ra khỏi đời sống quốc gia.
Về nguyên tắc, tội phạm thực hiện trên lãnh thổ của quốc gia nào thì quốc gia đó có thẩm quyền xét xử. Tuy nhiên, nhiều hoạt động tội phạm hiện nay thường vượt qua biên giới quốc gia và hậu quả cũng liên quan đến nhiều quốc gia. Chính vì vậy, nhu cầu hợp tác quốc tế nhằm đấu tranh phòng chống tội phạm trở nên rất cấp thiết.
Tội phạm trong khoa học luật quốc tế được phân thành: tội phạm quốc tế (tội ác quốc tế); tội phạm có tính chất quốc tế; tội phạm hình sự chung.
Thứ nhất, tội phạm quốc tế được Uỷ ban luật quốc tế xác định là các hoạt động chống lại pháp luật quốc tế, phát sinh do hành vi vi phạm nghĩa vụ của quốc gia. Đây là nghĩa vụ có có ý nghĩa cơ bản trong việc đảm bảo các quyền lợi sống còn của cộng đồng quốc tế. Tội phạm quốc tế là mối nguy hiểm nhất đối với toàn thể nhân loại vì chúng xâm hại đến hòa bình và an ninh quốc tế. Các tội phạm quốc tế như tội ác chiến tranh, tội diệt chủng và Apacthai, tội chống lại con người và tội ác xâm lược.
Thứ hai, tội phạm có tính chất quốc tế là nhóm tội phạm mặc dù được thực hiện nhầm xâm phạm trật tự pháp luật quốc gia nhưng cũng xâm hại đến các quyền lợi của cộng đồng quốc tế. Trong một số tài liệu khoa học, tội phạm này còn được gọi là tội phạm điều ước quốc tế. Thuộc nhóm tội phạm này là cướp biển, khủng bố quốc tế, tội làm tiền giả, tội buôn bán bất hợp pháp ma túy và các chất hướng thần, tội buôn bán nô lệ, tội buôn bán phụ nữ và trẻ em …
Thứ ba, tội phạm hình sự chung không xâm phạm đến trật tự pháp lý quốc tế và không đụng chạm đến quyền lợi của cộng đồng quốc tế, tuy nhiên việc thực thi công lý đối với loại tội phạm hình sự chung trong nhiều trường hợp không thể thực hiện được, nếu không có sự trợ giúp cùa các nước khác.
Ví dụ như sau khi thực hiện tội phạm ở nước này, kẻ gây ra tội ác có thể vượt biên giới và lẩn trốn sang quốc gia khác. Trong trường hợp như vậy, phát sinh vấn đề cần thiết phải tiến hành truy nã, cầm giữ và dẫn độ tội phạm.
Hoạt động hợp tác quốc tế bao gồm các hành động cụ thể được thực hiện trong các lĩnh vực:
Lĩnh vực thứ nhất về phân định thẩm quyền xét xử của các quốc gia trong trường hợp phát sinh xung đột về thẩm quyền tài phán.
Lĩnh vực thứ hai về thỏa thuận thành lập tòa án quốc tế xét xử các tội phạm quốc tế (các cá nhân phạm tội) về tội diệt chủng, tội ác chiến tranh… Ví dụ: Tòa án quốc tế Nurumbe, Tòa án quân sự quốc tế Tôkyô,…
Lĩnh vực thứ ba là tương trợ tư pháp giữa các quốc gia trong các vụ việc hình sự về các hoạt động có tính chất tư pháp như thẩm vấn kẻ tội phạm; chuyển giao tài liệu, giấy tờ, các vật chứng; lấy lời khai của nhân chứng và các hoạt động điều tra khác; dẫn độ tội phạm và chuyển giao phạm nhân để thụ án tại quốc gia mà phạm nhân là công dân…
Sự xuất hiện tội phạm có tổ chức và tính quốc tế hóa đặc biệt của loại tội phạm này trong thời gian gần đây là động lực mới thúc đẩy hợp tácquốc tế phát triển trong lĩnh vực đấu tranh chống tội phạm. Các yếu tố này là một trong các mối đe dọa toàn cầu mà muốn chế ngự được cần phải có sự nỗ lực của toàn thể cộng đồng quốc tế vào sự nghiệp chung.
Ghi chú: Bài viết được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng VIệt Nam.