Khái niệm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ
Quyền sở hữu trí tuệ là quyền đối với các sản phẩm sáng tạo trí tuệ, sử dụng và chuyển giao các đối tượng của quyền tác giả, quyền liên quan và quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng. Cũng như các quan hệ pháp luật dân sự khác, những tranh chấp liên quan đến việc xác lập quvền, sử dụng và chuyển giao các đối tượng thuộc quyền sở hữu trí tuệ cũng thường phát sinh trong xã hội.
Việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là bảo vệ quyền tài sản của các chủ thể và được hiểu dưới hai phương diện sau đây:
– Theo phương diện khách quan: Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là tổng hợp các quy định của pháp luật công nhận các chủ thể quyền sở hữu trí tuệ được bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và các biện pháp xử lí hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được pháp luật thừa nhận.
– Theo phương diện chủ quan: Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là những biện pháp cụ thể được áp dụng để xử lí hành vi xâm phạm quyển sở hữu trí tuê tuỳ theo tính chất, mức độ xâm phạm.
Đặc điểm bảo vệ quyền sở hữu trí tụê
Cho dù được hiểu theo nghĩa rộng hay nghĩa hẹp, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đều có một số đặc điểm sau đây:
– Đối tượng được bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là các chủ thể quyền sở hữu trí tuệ. Đó là tác giả của tác phẩm, tác giả của sáng chế, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, kiểu dáng công nghiệp; chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan, chủ sở hữu quyền sở hữu công nghiệp và một số chủ thể khác theo quy định của pháp luật.
– Cách thức bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là áp dụng các biện pháp khác nhau để xử lí hành vi xâm phạm tuỳ theo tính chất, mức độ xâm phạm.
– Chủ thể áp dụng biện pháp bảo vệ có thể là chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc các cơ quan nhà nước khác. Các công ước quốc tế về sở hữu trí tuệ cũng như pháp luật Việt Nam đều cho phép chủ thể quyền sở hữu trí tuệ tự bảo vệ hoặc yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình. Theo quy định của pháp luật nước ta, thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thuộc về: Toà án, thanh tra, quản lí thị trường, hải quan, công an, uỷ ban nhân dân các cấp (Điều 200 Luật sở hữu trí tuệ 2005).
– Mục đích của bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể quyền sở hữu trí tuệ; ngăn chặn, chấm dứt hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, thực thi quyền sở hữu trí tuệ và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ
Ở Việt Nam, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ lần đầu tiên được quy định trong Luật sở hữu trí tuệ. Trước khi Luật này được ban hành, những khái niệm được sử dụng thường xuyên là “bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ” và “thực thi quyền sở hữu trí tuệ”.
Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ được hiểu là tất cả những hành vi mà Nhà nước thực hiện nhằm công nhận và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Cụ thể, Nhà nước thực hiện các thủ tục xác lập quyền sở hữu trí tuệ, thực hiện quản lí nhà nước đối với quyền sở hữu trí tuệ, quy định các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và quy định những biện pháp xử lí hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Còn thực thi quvền sở hữu trí tuệ không liên quan đến xác lập quyền sở hữu trí tuệ mà nhằm chấm dứt hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, đảm bảo cho quyền sở hữu trí tuệ được tôn trọng.
Thực tế, một số người nhầm lẫn, thậm chí cho rằng ba khái niệm: “bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ”, “thực thi quyền sở hữu trí tuệ” và “bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ” hoàn toàn giống nhau. Mặc dù ba khái niệm này có một số điểm tương đồng, tuy nhiên, cũng có vài điểm khác biệt:
Về chủ thể thực hiện hành vi
Chủ thể thực hiện hành vi bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ chỉ là Nhà nước, trong khi đó, chủ thể bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ có thể là Nhà nước hoặc chính chủ thể quyền sở hữu trí tuệ. Chủ thể thực thi quyền sở hữu trí tuệ rất rộng: có thể là Nhà nước, chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc các chủ thể khác như hiệp hội, tổ chức tập thể (ví dụ: Trung tâm quyền tác giả văn học Việt Nam, Hiệp hội công nghiệp ghi âm Việt Nam, Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ
Về cách thức thực hiện hành vi
Đối với bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, Nhà nước thực hiện rất nhiều hành vi khác nhau, từ thực hiện thủ tục xác lập quyền, quản lí nhà nước đến xác định hành vi xâm phạm và quy định biện pháp xử lí hành vi xâm phạm. Đối với bảo vệ quyền sơ hữu trí tuệ, chủ thể quyền và các cơ quan nhà nước chỉ được phép tiến hành các biện pháp bảo vệ được pháp luật quy định. Còn đối với việc thực thi, các chủ thể thực thi quyền có thể áp dụng các biện pháp luật định và các biện pháp không trái với quy định của pháp luật.
Vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam và trên thế giới
Vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trên thế giới
Theo Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), khai thác hệ thống sở hữu trí tuệ là công cụ quan trọng, hữu hiệu để tạo ra sự thịnh vượng và giảm đói nghèo. Tuy nhiên, có pháp luật sở hữu trí tuệ chưa đủ, điều quan trọng là Luật sở hữu trí tuệ được thực thi như thế nào. Quyền sở hữu trí tuệ sẽ chỉ có giá trị kinh tế rất thấp nếu như quyền này không được thực thi hiệu quả.
Giá trị của hệ thống sở hữu trí tuệ phụ thuộc rất nhiều vào việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Cơ chế thực thi quyền sở hữu trí tuệ hiệu quả là phương tiện tốt nhất để hạn chế sự xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và đảm bảo cho chủ thể quyền cũng như toàn xã hội được hưởng lợi từ hệ thống sở hữu trí tuệ. Hiện nay, đối với hầu hết các nước trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia phát triển, cơ sở pháp lí cho quyền sở hữu trí tuệ đã ở mức độ hoàn thiện, bởi vậy, các quốc gia này tập trung thúc đấy và đảm bảo thực thi hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ.
Vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam
Đối với Việt Nam, với sự ra đời của Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 và đặc biệt là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ năm 2009, hệ thống pháp luật sở hữu trí tuệ của nước ta có nhiều tiến bộ và được coi là phù hợp với các công ước quốc tế nền tảng trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ (như Công ước Paris, Công ước Bern, Hiệp định TRIPs) cũng như các thoả thuận song phương được kí kết giữa nước ta với các nước khác về sở hữu trí tuệ (như Hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kì năm 1997, Hiệp định thương mại giữa Việt Nam và Thụy Sĩ về bảo hộ sở hữu trí tuệ và hợp tác trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ năm 1999).
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn bị coi là quốc gia có hệ thống bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ chưa tốt, tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vãn diễn ra đối với hầu hết các đối tượng được bảo hộ. Để nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, đòi hỏi sự nỗ lực, hợp tác chặt chẽ của Nhà nước và mọi tổ chức, cá nhân.
Ghi chú: Bài viết được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng VIệt Nam.