Skip to content
khái niệm và đặc điểm của luật quốc tế
Khái niệm
Luật quốc tế hiện đại hay còn gọi là công pháp quốc tế là tổng thể những nguyên tắc, những quy phạm pháp luật quốc tế do các chủ thể tham gia vào quan hệ pháp lí quốc tế xây dựng trên cơ sở tự nguyện và bình đẳng, thông qua đấu tranh và thương lượng nhằm điều chỉnh mối quan hệ nhiều mặt (chủ yếu là quan hệ chính trị) giữa các chủ thể luật quốc tế với nhau (trước tiên và chủ yếu giữa các quốc gia) trong những trường hợp cần thiết luật quốc tế được bảo đảm thi hành bằng những biện pháp cưỡng chế riêng lẻ hoặc tập thể do chính các chủ thể luật quốc tế thi hành hoặc bằng sức đấu tranh của nhân dân cùng dư luận tiến bộ Thế giới.
Đặcđiểm
Từ khái niệm nêu trên, luật quốc tế có những đặc điểm cơ bản như sau:
Đối tượng điều chỉnh : nếu như luật trong nước điều chỉnh về quan hệ xã hội phát sinh trong phạm vi lãnh thổ quốc gia và quan hệ có yếu tố nước ngoài thì luật quốc tế chỉ điều chỉnh những quan hệ xã hội phát sinh trong đời sống quốc tế như quan hệ chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học-kỷ thuật, môi trường…giữa các chủ thể của luật quốc tế với nhau mà chủ yếu là những quan hệ chính trị. Tuy nhiên không phải tất cả quan hệ quốc tế đều là đối tượng điều chỉnh của luật quốc tế
(VD: quan hệ quốc tế theo con đường các tổ chức chính trị –xã hội…không do luật quốc tế chính trị điêù chỉnh)
Trình tự xây dựng các qui phạm pháp luật quốc tế: trong hệ thống quốc tế dựa trên nguyên tắc cơ bản bình đẳng về chủ quyền các quốc gia nên không có cơ quan làm luật. Con đường duy nhất để hình thành các quy phạm pháp luật quốc tế đó là sự thỏa thuận giữa các chủ thể luật quốc tế với nhau dưới hình thức ký kết các điều ước quốc tế (quy phạm thành văn); cùng nhau thừa nhận những tập quán quốc tế trong quan hệ giữa họ (quy phạm bất thành văn). Đây là đặc trưng quan trọng nhất.
Chủ thể của luật quốc tế:
Các quốc gia có chủ quyền: Chủ quyền quốc gia trong lĩnh vực đối nội là quyền tối cao của quốc gia trong phạm vi lãnh thổ của mình, quyền làm luật, quyền giám sát việc thi hành pháp luật, quyền xét xử những hành vi vi phạm pháp luật của quốc gia.
Trong lĩnh vực đối ngoại đó là quyền độc lập trong hệ thống quốc tế, tự do quan hệ không lệ thuộc vào bất cứ thế lực nào, hai mối quan hệ này có quan hệ mật thiết với nhau, chỉ vì khi quốc gia có quyền tối cao trong quan hệ đối ngoại thì mới có quyết định trong quan hệ đối ngoại. Quốc gia là chủ thể đặc biệt khi tham gia vào họat động tư pháp quốc tế, được miễn trừ về tư pháp quốc tế: quyền miễn trừ về xét xử, quyền miễn trừ về tài sản, quyền miễn trừ về thi hành án.
Các dân tộc đang đấu tranh giành độc lập được xem là quốc gia đang hình thành, đứng lên đấu tranh giành độc lập, thành lập quốc gia có chủ quyền, có quyền tham gia đại diện ký kết các điều ước quốc tế với các quốc gia khác, tự do không bị lệ thuộc vào bất cứ quốc gia nào.
Các tổ chức quốc liên chính phủ ( liên quốc gia) là tổ chức thành lập trên sự liên kết giữa các quốc gia, và họat động dưới sự thỏa thuận giữa các quốc gia (VD: LHQ, Asian, EU…).
Tổ chức phi chính phủ được thành lập dưới sự thỏa thuận giữa các thể nhân với pháp nhân thì không được coi là chủ thể của luật quốc tế, không được thừa nhận của luật quốc tế (VD: Hội luật gia thế giới, Hội Liên hiệp phụ nữ thế giới…)
Tư cách chủ thể của tòa thánh Vatican tòa thánh Vatican không phải là một quốc gia, tư cách chủ thể của Vatican được đặt ra.
Biện pháp bảo đảm thi hành luật quốc tế khi xây dựng các điều ước quốc tế các bên thường thỏa thuận các biện pháp cưỡng chế để áp dụng cho các quốc gia vi phạm. Đó là những quan hệ mà tự các chủ thể thỏa thuận xây dựng các biện pháp nhất định vì lợi ích của chính họ. Các chủ thể bị hại được quyền sử dụng một số biện pháp nhất định cho quốc gia gây hại. Biện pháp cưỡng chế được thể hiện dưới hai hình thức:
Cưỡng chế cá thể : trên bình diện quốc tế không có cơ quan cưỡng chế tập trung thường trực, những biện pháp do chính chủ thể của luật quốc tế thực hiện dưới hình thức cá thể, riêng lẻ tức là chủ thể bị hại được quyền sử dụng những biện pháp cưỡng chế trả đũa hay biện pháp tự vệ đối với chủ thể gây hại cho mình (rút đại sứ về nước, cắt đứt quan hệ ngoại giao, bao vây kinh tế, giáng trả…)
Biện pháp cưỡng chế tập thể tức là quốc gia bị hại có quyền liên minh các quốc gia trên cơ sở các cam kết phù hợp để chống lại quốc gia gây hại cho mình.LHQ giao cho HĐBA LHQ có nhiệm vụ giữ gìn hòa bình và an ninh của các quốc gia trong khuôn khổ tuân thủ hiến chương LHQ, có thẩm quyền áp dụng các biện pháp cưỡng chế và trừng phạt kể cả dùng vũ lực chống lại các quốc gia vi phạm.
Ngoài ra vấn đề dư luận tiến bộ trên thế giới và sự đấu tranh của nhân dân các nước cũng là biện pháp để cho pháp luật quốc tế phải tuân theo.
Ghi chú: Bài viết được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng VIệt Nam.