Khái niệm xung đột pháp luật? Nguyên nhân dẫn đến xung đột pháp luật?

Khái niệm:

Xung đột pháp luật là một hiện tượng pháp lý trong đó có hai hay nhiều hệ thống pháp luật của các nước khác nhau cùng có thể được áp dụng để điều chỉnh một quan hệ dân sự theo nghĩa rộng có yếu tố nước ngoài (quan hệ tư pháp quốc tế) Như vậy, xung đột không phải là sự xung khắc hay sự khác biệt giữa hệ thống pháp luật, đó là một hiện tượng đặc thù của tư pháp quốc tế. Xung đột xuất hiện khi có hai hoặc nhiều hệ thống pháp luật cùng có thể điều chỉnh một quan hệ tư pháp quốc tế.

Nguyên nhân của xung đột pháp luật: 

a) Nguyên nhân khách quan

  • Thứ nhất, do pháp luật các nước có sự khác nhau

Căn cứ vào điều kiện kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, lịch sử, tôn giáo, tín ngường, tập quán khác nhau giữa các quốc gia mà hệ thống pháp luật của mỗi quốc gia cũng có sự khác biệt. Chính sự khác biệt này sẽ dẫn đến khi điều chỉnh cùng một quan hệ xã hội có thể dẫn đến xung đột. 

  • Thứ hai, do quan hệ tư pháp quốc tế luôn có yếu tố nước ngoài

Yếu tố nước ngoài trong quan hệ tư pháp quốc tế làm cho thực tế quan hệ này luôn liên quan tới pháp luật ít nhất là hai quốc gia. Mà thực tế hai hệ thống pháp luật mà quốc gia dù lớn dù nhỏ đều độc lập và bình đẳng với nhau nên khi lựa chọn pháp luật để áp dụng một quan hệ là điều khó khăn. Thực tế hiện nay hầu hết các quốc gia đều cho phép việc có thể áp dụng pháp luật nước ngoài để điều chỉnh các quan hệ tư pháp có yếu tố nước ngoài. Vấn đề đặt ra là lựa chọn hệ thống pháp luật của quốc gia nào để giải quyết. Đây là vấn đề mà khoa học tư pháp quốc tế gọi là hiện tượng xung đột.

b) Nguyên nhân chủ quan

Có sự thừa nhận khả năng áp dụng pháp luật nước ngoài của nhà nước. Như đã nêu trên, xung đột pháp luật xảy ra do nhà nước thừa nhận khả năng áp dụng của pháp luật nước ngoài cho những trường hợp quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài. Sự thừa nhận này đặt ra vấn đề cho các cơ quan tố tụng của mỗi quốc gia khi xem xét áp dụng pháp luật nước nào để giải quyết.

Có thể thấy, tiền đề quan trọng để xuất hiện hiện tượng xung đột bắt nguồn từ các lý do khách quan. Và yếu tố quyết định có tồn tại quan hệ xung đột hay không phụ thuộc vào lý do chủ quan. Cụ thể trong trường hợp các quan hệ tư pháp có yếu tố nước ngoài, nhưng pháp luật quốc gia trong trường hợp đó không cho phép áp dụng pháp luật của nước ngoài để điều chỉnh thì không hề đặt ra vấn đề chọn luật áp dụng cũng tức là không có xung đột.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá *