Những năm qua, trước diễn biến phức tạp của tình hình tội phạm ma túy trong nước, Bộ Công an đã phối hợp với các bộ, ngành tham mưu với Đảng, Nhà nước ban hành đồng bộ nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp chỉ đạo mang tính chiến lược lâu dài cũng như cấp bách trước mắt nhằm tăng cường phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn tội phạm ma túy. Đồng thời, chỉ đạo lực lượng Công an, nòng cốt là Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đấu tranh mạnh với các loại tội phạm về ma túy và đạt nhiều kết quả, số vụ, đối tượng và vật chứng bị bắt giữ năm sau cao hơn năm trước.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của tình hình ma túy thế giới và khu vực, trực tiếp từ khu vực “Tam giác vàng” làm cho tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy tại Việt Nam tiếp tục có những diễn biến phức tạp, đặc biệt là tại các tuyến, địa bàn trọng điểm như Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc miền Trung, Tây Nam và đang có xu hướng lan nhanh về vùng nông thôn, khu vực tập trung các khu công nghiệp, khu chế xuất có nhiều công nhân, người lao động phổ thông, gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự và đời sống của nhân dân.
Theo kết quả khảo sát, thống kê của lực lượng Công an, đến tháng 2/2021 toàn quốc có trên 225 nghìn người nghiện có hồ sơ quản lý. Số người nghiện, nghi nghiện cao và hiện chủ yếu đang ở ngoài xã hội chính là nguyên nhân gây mất an ninh, trật tự, phát sinh nhiều loại tội phạm khác như: giết người, cướp, trộm cắp, hủy hoại tài sản… và làm gia tăng nguồn “cầu” về ma túy.
Để tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy, Bộ Công an phối hợp các bộ, ngành, địa phương tham mưu với Chính phủ tiếp tục thực hiện một số giải pháp trọng tâm sau: Rà soát, thống kê, xử lý người nghiện, đưa người nghiện đi cai nghiện tại cơ sở cai nghiện bắt buộc và điều trị thay thế bằng Methadone; quản lý sau cai nghiện và giúp đỡ người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng; tăng cường kiểm tra các loại hình kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự như: vũ trường, bar, karaoke, nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ… không để tội phạm lợi dụng mua bán, sản xuất, tổ chức, chứa chấp sử dụng trái phép chất ma túy; tăng cường phối hợp các lực lượng đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy tại địa bàn biên giới, cửa khẩu, trên biển, ngăn chặn ma túy thẩm lậu vào Việt Nam; rà soát, triệt phá diện tích trồng cây có chứa chất ma túy.
Tập trung đấu tranh, triệt phá các đường dây ma túy lớn liên tuyến, liên tỉnh, xuyên quốc gia, các tụ điểm mua bán, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy; giải quyết, chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về ma túy; vận động, truy bắt đối tượng truy nã về tội phạm ma túy; tích cực điều tra mở rộng, truy bắt đối tượng chủ mưu, cầm đầu đường dây mua bán ma túy lớn, bảo đảm xử lý nghiêm minh, không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế và thực hiện tương trợ tư pháp về hình sự với các nước trên thế giới và khu vực, nhất là với các nước láng giềng Lào, Trung Quốc, Campuchia để trao đổi, xác minh thông tin, tập huấn, hỗ trợ kinh phí, phương tiện nghiệp vụ nâng cao năng lực điều tra, bắt giữ, dẫn độ, chuyển giao tội phạm ma túy, đối tượng truy nã về ma túy.
* Về kiến nghị “tăng khung hình phạt đối với người sản xuất, buôn bán vận chuyển ma túy”, có thể khẳng định, trong tất cả các loại tội phạm, tội phạm về ma túy phải chịu các hình phạt nghiêm khắc nhất. Tuy nhiên, mức xử phạt nặng hay nhẹ tùy thuộc vào tội danh, hành vi, tính chất, mức độ vi phạm pháp luật của người vi phạm được quy định theo khung hình phạt trong Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 hoặc Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Phòng, chống ma túy và các văn bản dưới luật khác.
Riêng hình phạt áp dụng đối với tội phạm về ma túy hiện nay được quy định tại Chương XX, Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 (gồm 13 điều từ Điều 247 đến Điều 259, tất cả đều được sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu phòng, chống tội phạm về ma túy trong tình hình mới, trong đó: có 9/13 tội danh có hình phạt cao nhất là chung thân, tử hình; 3/13 tội danh có hình phạt cao nhất từ 10-15 năm tù giam, chỉ có 1 tội danh có hình phạt cao nhất đến 7 năm tù).
Do đó, thực tế trong những năm qua, đối với tội phạm về ma túy, các cơ quan tư pháp đã áp dụng nhiều hình phạt nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; số bị cáo phạm tội về ma túy bị kết án tử hình, chung thân nhiều nhất trong các loại tội phạm, thể hiện sự nghiêm trị của pháp luật đối với loại tội phạm nguy hiểm này. Đồng thời, tội phạm về ma túy, nhất là tội đặc biệt nghiêm trọng không (hoặc ít) được đặc xá, giảm án so với các loại tội phạm khác.
Thời gian tới, trong quá trình đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy, Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương rà soát những bất cập, khó khăn, vướng mắc và nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo hành lang pháp lý phù hợp, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy hiện nay.
Ghi chú: Bài viết được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng Việt Nam.