[VPLUDVN]Tội phạm về ma túy không chỉ là hiện tượng tiêu cực trong xã hội của riêng một quốc gia nào mà đã trở thành một hiện tượng tiêu cực phổ biến toàn cầu. Ở Việt Nam, tệ nạn ma túy và tội phạm về ma túy cũng là một hiểm họa lớn cho toàn xã hội. Vì vậy, đã có nhiều công trình nghiên cứu,phản ánh thực trạng công tác phòng ngừa, làm sáng tỏ những nguyên nhân và điều kiện của tình hình tội phạm, dự báo để phòng ngừa tội phạm và cuối cùng là đề xuất hệ thống biện pháp phòng ngừa các tội phạm về ma túy một cách đầy đủ và biện chứng.
1. Khái quát tình hình tội phạm về ma túy
Khi xem xét các sự vật và hiện tượng phải đặt nó trong sự vận động, phát triển và phải phát hiện ra các xu hướng biến đổi, chuyển hóa của chúng. Liên quan đến vấn đề này, V.I.Lênin viết: “Lôgíc biện chứng đòi hỏi phải phán xét sự vật trong sự phát triển, trong “sự tự vận động” (…) trong sự biến đổi của nó”. Để công tác phòng ngừa tình hình tội phạm về ma túy có hiệu quả, cần thiết phải nghiên cứu, khái quát khái niệm “tình hình tội phạm”, dấu hiệu và các thuộc tính của nó, cũng như các thông số về lượng và những chỉ số về chất của tình hình tội phạm về ma túy.
Khái niệm tình hình tội phạm là một thuật ngữ khoa học và từ được dùng trong ngôn ngữ thông dụng. Đó chính là khái niệm cơ bản đầu tiên của khoa học tội phạm học. Cũng như mọi khái niệm khoa học khác, khái niệm tình hình tội phạm có những chức năng như: Chức năng lôgíc, chức năng nhận thức, chức năng đánh giá. Nghiên cứu về tình hình tội phạm và các thông số về tình hình tội phạm, tác giả đồng tình với quan điểm nghiên cứu lý luận về tình hình tội phạm và khái niệm về tình hình tội phạm: “Tình hình tội phạm là một hiện tượng xã hội, pháp lý tiêu cực, được thay đổi về mặt lịch sử, mang tính giai cấp, bao gồm tổng thể thống nhất (hệ thống) các tội phạm thực hiện trong một xã hội (quốc gia) nhất định và khoảng thời gian nhất định”.
Tình hình tội phạm nói chung và tình hình tội phạm về ma túy nói riêng chính là một phạm trù cơ bản của tội phạm học. Tình hình tội phạm về ma túy gồm tất cả các dấu hiệu của tình hình tội phạm này với tính cách là một hiện tượng xã hội có sự thống nhất biện chứng. Nghiên cứu về tình hình tội phạm về ma túy trong thời gian qua, trước hết, cần tìm hiểu các dấu hiệu và thuộc tính của nó. Vậy, nó có các dấu hiệu và thuộc tính như thế nào? Tình hình tội phạm, trước hết là một hiện tượng xã hội – dấu hiệu này nói lên bản chất xã hội của tình hình tội phạm. Chính từ những hành vi phạm tội do con người sống trong xã hội thực hiện, chống đối lại toàn bộ xã hội hay một công dân, một bộ phận xã hội hoặc một bộ phận người thống trị xã hội, mà suy cho cùng chống đối lại chính cả bản thân họ, hình thành một hiện tượng xã hội. Vì thế, tình hình tội phạm là một hiện tượng với tính cách là một biểu hiện tiêu cực, là mặt trái của xã hội và có tính độc lập tương đối.
Nghiên cứu tình hình tội phạm về ma túy thể hiện dấu hiệu về không gian và thời gian của tình hình tội phạm, xác định rõ quy mô của hiện tượng trên địa bàn một đơn vị hành chính cấp tỉnh và khoảng thời gian nhất định, thể hiện một giai đoạn phát triển nhất định của nó. Nói cách khác, ngoài những dấu hiệu, đặc điểm chung của tình hình tội phạm, sự thống nhất biện chứng của tất cả các yếu tố cấu thành tình hình tội phạm về ma túy còn biểu hiện ở các thông số về lượng, về chất và cơ cấu, tính chất của nó. Tình hình tội phạm về ma túy là một hình thức biểu hiện cụ thể, riêng, đặc trưng của một nhóm tội phạm quy định trong BLHS. Chỉ có thể đánh giá đúng hiện thực của tình hình tội phạm về ma túy trên cơ sở nắm vững các thông số phản ánh về tình trạng, cơ cấu và tính chất của tình hình tội phạm về ma túy trong sự vận động theo thời gian ở một địa bàn hành chính – lãnh thổ nhất định. “Khái niệm tình hình tội phạm được hình thành bằng cách chuyển mức độ nhận thức từ sự kiện, hành vi và khái niệm tội phạm đơn nhất đến một khái niệm chung hơn, khái quát hơn, phức tạp hơn – tình hình tội phạm, tức là đi từ mức độ nhận thức thấp đến mức độ nhận thức cao hơn, khái quát những nhận thức đã đạt được”.
Và như vậy, trước hết, cần xác định việc nghiên cứu theo hướng tình hình tội phạm về ma túy là nghiên cứu tình hình nhóm tội phạm về ma túy. Tình hình tội phạm về ma túy là một hiện tượng xã hội, pháp lý – hình sự, bị tác động và thay đổi về mặt lịch sử, mang tính giai cấp, bao gồm tổng thể các tội phạm về ma túy thực hiện trên một địa bàn nhất định nói riêng và các địa bàn khác (có liên quan) nói chung trong khoảng thời gian được xác định. Khái niệm này cần được nhận thức trước hết nó phản ánh hiện thực của đời sống xã hội đặc thù của một khu vực, địa bàn, đồng thời chỉ ra những mâu thuẫn tồn tại trong hiện thực của hiện tượng xã hội, pháp lý tiêu cực,…gắn kết với tình hình tội phạm. Thông qua đó, cụ thể là các dấu hiệu, đặc tính của nó mà ta hiểu được, nhận thức được bản chất, nội dung, nguồn gốc mối liên hệ của nó với các hiện tượng xã hội khác, biết được những thay đổi về chất, về lượng của hiện tượng đó là tình hình tội phạm về ma túy trong đời sống xã hội, nắm bắt được mối đe dọa đối với các giá trị của đời sống xã hội, những thiệt hại cho xã hội, kể cả chính người phạm tội và mức độ cần thiết phải tác động đến tình hình tội phạm về ma túy trên một khu vực, địa bàn. Khái niệm này bao hàm cả mặt bản chất, nghĩa là gồm quy luật của sự phạm tội và cả mặt biểu hiện của bản chất đó. Bản chất của tình hình tội phạm về ma túy trên một khu vực, địa bàn được nghiên cứu trên cơ sở khái quát hóa lý luận về tội phạm học và phòng ngừa tội phạm.
Trong những năm gần đây, những vụ mua bán, vận chuyển trái phép ma túy tăng cả về số vụ và khối lượng ma túy. Từ năm 2007 đến 31/5/2018, Cơ quan điều tra đã khởi tố mới 159.924 vụ và 201.775 bị can (chiếm 20% trên tổng số các vụ án mới khởi tố trong toàn quốc ở giai đoạn này). Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2018, cơ quan điều tra đã khởi tố 8.969 vụ, tăng 765 vụ (9,3%) so với cùng kỳ năm 2017. Tội phạm ma túy tiếp tục tăng, phương thức, thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi; tính chất tội phạm ngày càng nguy hiểm, manh động, liều lĩnh; trang bị các loại vũ khí “nóng”, phương tiện hiện đại, chống trả quyết liệt lực lượng chức năng khi bị phát hiện, bắt giữ.
Các đối tượng phạm tội trong và ngoài nước luôn tìm cách câu kết với nhau, hình thành đường dây tội phạm xuyên quốc gia. Các cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều vụ với số lượng ma túy lớn, như: Vụ Vừ A Nhìa (tỉnh Điện Biên) và Giàng Nhìa Cấu (tỉnh Tạ, Thái Lan) vận chuyển trái phép 131 bánh heroin và 2.280 túi Hồng Phiến; vụ Vừ Chù Sếnh và Mùa Thị Đớ (tỉnh Điện Biên) vận chuyển trái phép 489 bánh heroin (trọng lượng 171kg); vụ Trần Văn Bằng (tỉnh Vĩnh Phúc) vận chuyển trái phép 288 bánh heroin và 438 viên ma túy tổng hợp; vụ Lý Chái Thào, Vàng A Cho và Lý A Khoa (tỉnh Điện Biên) vận chuyển trái phép 77 bánh heroin và 300 gói ma túy tổng hợp). Đáng lưu ý, đã khởi tố, điều tra nhiều vụ án sản xuất trái phép ma túy, như: Vụ Lưu Trường San (tỉnh Lạng Sơn) cùng đồng phạm mua thu gom thuốc thú y loại Ket-A-100 rồi tách chiết và bổ sung thêm moocphin để điều chế trái phép thành Ketamine; đã thu giữ 207 lọ Ket-A-100, 236 lọ Lidocain, 04 lọ Ketamine,… Ma túy được vận chuyển chủ yếu từ Lào, Campuchia và Trung Quốc vào Việt Nam bằng đường bộ qua biên giới giáp hai nước để tiêu thụ trong nước hoặc vận chuyển sang nước thứ ba (qua các tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Nghệ An, Hà Tĩnh, Tây Ninh,…).
Những vụ án có tang vật vài trăm bánh heroin trở lên phổ biến, xuất hiện nhiều phương thức thực hiện hành vi mới, tinh vi hơn (lợi dụng việc xuất, nhập khẩu hàng hóa; lợi dụng hoạt động của các quán bar, vũ trường, nhà hàng, khách sạn; sử dụng công nghệ cao, mạng xã hội để giao dịch, mua bán trái phép chất ma túy, nhất là ma túy tổng hợp,… rất phức tạp và khó kiểm soát), với thủ đoạn phạm tội liều lĩnh và tính chất ngày càng nguy hiểm hơn. Vừa qua, sau khi các cơ quan chức năng triệt phá đường dây ma túy đặc biệt nguy hiểm tại xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La, hoạt động của các đường dây ma túy qua tuyến biên giới Sơn La có xu hướng giảm, chuyển qua các khu vực khác. Các đối tượng phạm tội sử dụng nhiều thủ đoạn hoạt động mới, tinh vi hơn
Nếu xem hiện trạng của tình hình tội phạm về ma túy và thực trạng công tác phòng ngừa tội phạm về ma túy là khách thể nghiên cứu, thì đối tượng nghiên cứu chính là “quy luật” của sự phạm tội về ma túy – quy luật này được làm rõ thông qua việc nghiên cứu nguyên nhân và điều kiện của tình hình tội phạm về ma túy. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi nghiên cứu, trình bày nội dung tổng hợp, khái quát những vấn đề lý luận về nguyên nhân và điều kiện của tình hình tội phạm về ma túy.
2. Nguyên nhân và điều kiện của tình hình tội phạm về ma túy
Nguyên nhân và điều kiện của tình hình tội phạm về ma túy được lý giải trên cơ sở tiếp cận phương pháp luận về mối quan hệ biện chứng giữa nguyên nhân và kết quả của cặp phạm trù nguyên nhân và kết quả trong triết học Mác-Lênin. Vì mọi hiện tượng đều có nguyên nhân xuất hiện, tồn tại và tiêu vong, nên không có vấn đề có hay không có nguyên nhân của một hiện tượng nào đấy, mà chỉ có vấn đề các nguyên nhân ấy đã được phát hiện hay chưa được phát hiện mà thôi. Nhiệm vụ của nhận thức nói chung, của nhận thức khoa học nói riêng, chính là đi tìm cho được những nguyên nhân còn chưa được phát hiện đó; Vì mối liên hệ nhân quả mang tính tất yếu, nên ta có thể dựa vào mối liên hệ nhân quả để hành động. Sở dĩ tội phạm có thể trở thành khách thể của khoa học vì tội phạm là hiện tượng xã hội. Hiện tượng xã hội xuất phát (nguồn gốc) từ các quan hệ và điều kiện xã hội, phát triển theo những sự thay đổi của các điều kiện đó. Ở mức độ toàn xã hội, tội phạm phải được coi là một bộ phận, một yếu tố được đặt trong mối liên hệ mật thiết với các quá trình và các hiện tượng khác, trong đó có cả hiện tượng tích cực và tiêu cực. Ở những tầng nấc xã hội đều có những cơ chế ở những mức độ khác nhau của quá trình phát sinh nhân – quả của tội phạm.
Tội phạm học Việt Nam cũng như các khoa học pháp lý hình sự khác, không có lý luận riêng về quan hệ nhân – quả, mà chỉ cụ thể hóa nội dung cặp phạm trù nhân – quả của triết học Mác-xít vào lĩnh vực nghiên cứu của mình.Vận dụng quan điểm này, chúng tôi cho rằng việc nghiên cứu nguyên nhân và điều kiện của tình hình tội phạm về ma túy phải dựa trên nền tảng cơ sở lý luận về nguyên nhân và điều kiện của tình hình tội phạm nói chung và đặc thù tình hình tội phạm về ma túy nói riêng. Tình hình tội phạm về ma túy là một hiện tượng xã hội, sẽ bị đẩy lùi và tiến tới bị triệt tiêu khi mà các nguyên nhân và điều kiện làm phát sinh ra nó bị hạn chế hoặc không còn tồn tại.
Về mặt lý luận, mối quan hệ giữa tình hình tội phạm và các tội phạm cụ thể là mối quan hệ tuân theo quy luật giữa toàn thể và bộ phận, cái chung và cái đơn nhất, giữa hệ thống và bộ phận. Theo trình tự vận động của nhận thức bắt nguồn từ nhận thức sự vật cá biệt và riêng biệt rồi mới tiến gần đến nhận thức sự vật nói chung. Đầu tiên, người ta nhận thức bản chất riêng biệt của nhiều sự vật khác nhau, rồi sau mới có thể tiến tới việc khái quát và nhận thức bản chất chung của các loại sự vật. Sau khi đã nhận thức bản chất chung đó, dùng nhận thức chung đó để chỉ đạo, tiếp tục nghiên cứu những sự vật cụ thể chưa nghiên cứu hoặc nghiên cứu sâu và tìm ra bản chất riêng biệt của nó. Như thế mới có thể bổ sung, làm phong phú và phát triển sự nhận thức về bản chất chung đó và làm cho sự nhận thức về bản chất chung đó khỏi thành cái khô khan, cứng nhắc. Đó là hai quá trình của nhận thức: Một cái từ riêng đến chung, một cái từ chung đến riêng. Lý luận về tội phạm học Việt Nam nghiên cứu, lý giải nguyên nhân và điều kiện của tình hình tội phạm nói chung và nguyên nhân của tội phạm cụ thể, các tội phạm cụ thể trong BLHS được quy định theo Chương, tương ứng với nhóm tội phạm. Có thể thấy rằng, trong nhóm tội phạm về ma túy quy định tại BLHS năm 1999 vừa có các tội danh cụ thể quy định tại một số điều luật, vừa có tội danh ghép như quy định tại Điều 194. Mặc dù điều luật quy định tội danh ghép, nhưng trong quá trình xử lý trách nhiệm hình sự, các cơ quan tiến hành tố tụng chỉ xử lý người phạm tội về hành vi tương ứng. BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định các tội phạm về ma túy tại 13 điều luật, từ Điều 247 đến Điều 259. So với BLHS năm 1999 tăng 04 điều (được tách ra từ Điều 194 và Điều 200 của BLHS năm 1999): Tách tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy (Điều 194 BLHS năm 1999) thành 04 tội danh độc lập; tách tội cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 200 BLHS năm 1999) thành 02 tội danh độc lập; bỏ hình phạt tử hình đối với tội tàng trữ và tội chiếm đoạt chất ma tuý; cụ thể hóa môt số tình tiết định tội, định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự.
GS.TSKH. Đào Trí Úc cho rằng mối quan hệ giữa tình hình tội phạm và các tội phạm cụ thể là mối quan hệ tuân theo quy luật giữa toàn thể và bộ phận, cái chung và cái đơn nhất, giữa hệ thống và bộ phận. Các quan niệm khác nhau về tội phạm và kẻ phạm tội cũng như nguyên nhân của tội phạm, của việc hình thành con người phạm tội được hiểu một cách khác nhau và do đó ta có thể nói tới những mô hình nhận thức lịch sử khác nhau. Nhưng qua nghiên cứu cho thấy, các mô hình nhận thức đó đều qua những bước như sau: Những quan niệm về chuẩn mực (mô hình) về con người; xác định những cái mà con người cụ thể không có được, tức là sự thiếu tính chất của nó; xác định nguyên nhân của cái thiếu đó; xác định phương pháp đưa con người trở lại mô hình cần có, tức là phản ứng với hiện trạng; xác định mục đích của việc phải sử dụng phương pháp đó.
GS.TS. Võ Khánh Vinh cho rằng “Nguyên nhân và điều kiện của tình hình tội phạm được hiểu là hệ thống các hiện tượng xã hội tiêu cực trong hình thái kinh tế – xã hội tương ứng quyết định sự ra đời của tình hình tội phạm như là hậu quả của mình” và “Các nguyên nhân và điều kiện của tình hình tội phạm tạo thành một hệ thống gồm nhiều bộ phận cấu thành nó”. Nghiên cứu về tội phạm học Mác xít, có quan điểm cho rằng “…tìm ra mối liên hệ nhân – quả giữa tình hình tội phạm và các hiện tượng, các quá trình kinh tế – xã hội khác vì mục đích phòng ngừa tội phạm, tức là ngăn ngừa tội phạm và loại trừ tội phạm ra khỏi đời sống xã hội.
Tựu chung lại, tội phạm học với tính cách là đối tượng nghiên cứu khoa học, được các nhà nghiên cứu về tội phạm học nhìn nhận trong tổng thể xã hội “rộng hẹp khác nhau” nhằm lý giải khoa học và có cơ sở thực tiễn. Nguyên nhân và điều kiện của tình hình tội phạm được các nhà khoa học về tội phạm học lý giải dựa trên những hiện tượng và quá trình xã hội. Còn nguyên nhân và điều kiện của các tội phạm cụ thể được lý giải dựa trên cơ chế tâm lý xã hội của hành vi tội phạm. Từ những đánh giá chung về quy luật hình thành và phát triển của tội phạm, có thể thấy những quy luật đó biểu hiện ở các tầng nấc cụ thể như sau: Quy luật xã hội hóa cá nhân, trong đó có chứa khả năng của sự đi lệch ra khỏi quỹ đạo phát triển nhân cách bình thường; quy luật hình thành, duy trì và phát triển của các nhóm xã hội, các loại vi môi trường, trong quá trình tương tác giữa các nhân cách có sự hình thành và ảnh hưởng của lối sống phạm tội; các quy luật phát sinh và phát triển của những quá trình lớn trong xã hội có ảnh hưởng đến tình hình phạm tội nói chung và đến từng cá nhân nói riêng; các quy luật của quá trình vận hành hệ thống kiểm tra, giáo dục xã hội.
Ghi chú: Bài viết được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng Việt Nam.