Mối quan hệ giữa luật quốc tế và luật quốc gia

1. Cấu trúc hệ thống luật quốc tế

Xuất phát từ góc độ lý luận chung về pháp luật, có thể xem xét sự tồn tại của luật quốc tế, bao gổm một tổng thể các quy phạm luật quốc tế, có mối quan hệ nội tại thống nhất với nhau, được phân định thành các ngành và các chế định cụ thể, thông qua các hình thức pháp lý do các chủ thể luật quốc tế xây dựng, theo trình tự, thủ tục và những phương thức nhất định. Sự tồn tại này gồm hai mặt của một chỉnh thể có tính thống nhất.

Một là, hệ thống cấu trúc bên trong của luật quốc tế với các yếu tố sau:

– Các nguyên tắc như hệ thống nguyên tắc cơ bản, nguyên tắc pháp luật chung, nguyên tắc trong từng ngành hay từng chế định độc lập của luật quốc tế.

– Các quy phạm luật quốc tế được phân biệt căn cứ vào giá trị hiệu lực, nội dung hoặc hình thức thể hiện.

– Các ngành và chế định độc lập, như Luật biển quốc tế, Luật điều ước quốc tế, Luật hàng không quốc tế, Luật ngoại giao và lãnh sự,…

Hai là, hệ thống cấu trúc bên ngoài của luật quốc tế thể hiện sự tương thích với đặc thù quá trình hình thành và phương thức viện dẫn, áp dụng các loại nguổn của chủ thể quan hệ pháp luật quốc tế mà từ phương diện khoa học luật quốc tế, có thể phân biệt thành các nguồn có chứa đựng quy phạm luật quốc tế và những hình thức mang tính chất hỗ trợ cho việc xây dựng, áp dụng và thực hiện có hiệu quả luật quốc tế.

Như vậy, nội dung và cấu trúc hệ thống của luật quốc tế đã phản ánh bản chất pháp luật của quá trình thoả thuận vể ý chí giữa các quốc gia, trên cơ sở tương quan lực lượng và tương quan về lợi ích trong quan hệ quốc tế, được biểu hiện dưới dạng các nguyên tắc hoặc quy phạm luật quốc tế. Sự thoả thuận giữa các chủ thể luật quốc tế là nền tảng và xuất phát điểm cho việc hình thành quy phạm và thực hiện các quy phạm đó, vì lợi ích của mỗi quốc gia, cũng như vì lợi ích của cộng đổng quốc tế.

2. Mối quan hệ biện chứng giữa luật quốc tế và luật quốc gia

Mối quan hệ giữa luật quốc tế và luật quốc gia tuy là vấn đề lý luận truyền thống của luật quốc tế nhưng vẫn đồng thời mang tính thời sự sâu sắc đối với mỗi quốc gia trong quá trình xây dựng, hoàn thiện và phát triển pháp luật. Trong khoa học pháp lý truyền thống dã có một số học thuyết tiêu biểu xem xét về mối quan hệ này.

– Thuyết nhất nguyên luận có xuất phát điểm từ nguyên lý của trường phái “Pháp luật tự nhiên” về việc quan niệm pháp luật là hệ thống thống nhất, bao gồm trong đó hai bộ phận là luật quốc tế và luật quốc gia. Những quy phạm của hai bộ phận này được xếp theo thứ bậc trên, dưới. Học thuyết này chia thành hai trường phái là trường phái ưu tiên luật quốc tế và ưu tiên luật quốc gia.

– Thuyết nhị nguyên luận, quan niệm luật quốc tế và luật quốc gia là hai hệ thống luật khác nhau, tồn tại độc lập và giữa chúng không có mối quan hệ qua lại.

Đây là những học thuyết thể hiện sự nhìn nhận, đánh giá về mối quan hệ giữa hai hệ thống luật còn phiến diện. Bởi vì, sự tiếp cận khoa học và hiện đại về mối quan hệ giữa luật quốc tế và luật quốc gia phải bằng việc làm sáng tỏ cơ sở lý luận, đồng thời chỉ ra được tính chất của sự tác động qua lại giữa hai hệ thống luật với nhau.

Cơ sở lý luận của mối quan hệ giữa luật quốc tế và luật quốc gia được hình thành từ sự thống nhất hai chức năng đối nội và đối ngoại trong hoạt động của nhà nước; từ một số chức năng chung của hai hệ thống luật trong quá trình điều chỉnh các quan hệ pháp luật mà quốc gia là chủ thể; từ việc tham gia vào các quan hệ pháp luật có tính chất khác nhau của nhà nước nhằm phục vụ cho lợi ích quốc gia, dân tộc, đồng thời vì lợi ích chung của cộng đồng quốc tế. Do đó, không thể có sự tách biệt giữa hai hệ thống luật mà trái lại, trên thực tế đã tất yếu hình thành giữa chúng mối quan hệ biện chứng, trong đó:

2.1. Luật quốc gia có ảnh hưởng mang tính quyết định đến sự hình thành và phát triển của luật quốc tế

Bản chất quá trình xây dựng các quy phạm luật quốc tế mà các quốc gia tiến hành thông qua phương thức thoả thuận chính là quá trình đưa ý chí quốc gia vào nội dung của luật quốc tế. Ý chí này phản ánh tương quan lực lượng và tương quan lợi ích của các quốc gia, vì vậy, lợi ích quốc gia trở thành điều kiện cơ bản cho nhu cầu hợp tác, phát triển luật quốc tế. Ngoài ra, trong lịch sử hình thành và phát triển luật quốc tế, nhiều quy phạm của Luật nhân đạo quốc tế, Luật ngoại giao, lãnh sự hay nhiều nguyên tắc của luật quốc tế có nguồn gốc xuất phát từ quan điểm, quan niệm của luật quốc gia.

2.2. Luật quốc tế có tác dộng tích cực nhằm phát triển và hoàn thiện luật quốc gia

Tính chất tác đông của luật quốc tế đối với luật quốc gia được đánh giá bằng thực tiễn thực thi nghĩa vụ thành viên điều ước quốc tế, tổ chức quốc tế của quốc gia, thể hiện ở những hoạt động cụ thể, ví dụ, nghĩa vụ sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của luật quốc gia phù hợp với những cam kết quốc tế của chính quốc gia đó. Bên cạnh đó, luật quốc tế còn tác động đến luật quốc gia thông qua vai trò của hệ thống này đối với đời sống pháp lý tại mỗi quốc gia, phản ánh tương quan giữa hai hệ thống khi điều chỉnh những vấn đề thuộc lợi ích phát triển và hợp tác quốc tế của quốc gia.

Hiện nay, việc vận dụng lý luận khoa học pháp lý hiện đại về mối quan hệ giữa luật quốc tế và luật quốc gia vào thực tiễn pháp lý của mỗi quốc gia không có sự đồng nhất về cách tiếp cận.

2.3. Mối quan hệ giữa luật quốc tế và luật quốc gia ở Việt Nam hiện nay

Ở Việt Nam, vấn đề giải quyết mối quan hệ giữa luật quốc tế và pháp luật quốc gia thông qua việc giải quyết mổi quan hệ giữa điều ước quốc tế hiện đang có hiệu lực với Việt Nam và pháp luật Việt Nam cũng đang là vấn đề thời sự. Trong bối cảnh của công cuộc cải cách, mở cửa tại Việt Nam, điều ước quốc tế trở thành công cụ pháp lý chủ yếu, điều chỉnh hiệu quả quan hệ hợp tác quốc tế toàn diện của Việt Nam với các quốc gia và các tổ chức quốc tế. Từ năm 1990 trở lại đây, số lượng các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập ngày một nhiều, làm tăng lên đáng kể các cam kết quốc tế và các nghĩa vụ thành viên điều ước quốc tế đối với Việt Nam. Việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ pháp lý quốc tế ghi nhận trong điều ước quốc tế hiện nay đòi hỏi sự hiện diện một khung pháp luật quốc gia về điều ước quốc tế phù hợp, để tạo cơ sở cũng như các đảm bảo thực tế cho việc thực thi các thoả thuận quốc tế của Việt Nam.

Trong các văn bản pháp luật hiện hành tại Việt Nam đều thể hiện quan điểm của nhà nước Việt Nam trong việc nghiêm chỉnh tuân thủ và tôn trọng các nghĩa vụ cũng như các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã chính thức ràng buộc, trên cơ sở của nguyên tắc bình đẳng, có đi có lại, hợp tác phát triển.

Mặc dù hiện tại, pháp luật Việt Nam về điều ước quốc tế chưa xác định rõ ràng vị trí của điều ước quốc tế trong hệ thống pháp luật quốc gia, nhưng trong các văn bản pháp luật, hiệu lực thi hành của điều ước quốc tế mà Việt Nam hiện là thành viên vẫn được bảo đảm bởi việc thừa nhận ưu thế của điều ước quốc tế trong tương quan với pháp luật Việt Nam.

Trong nhiều quan hệ điều ước quốc tế thuộc những lĩnh vực hợp tác chuyên môn, như lĩnh vực về quyền con người, việc sử lý nhàm hài hoà hoá các quy phạm của điều ước với quy phạm của luật Việt Nam được tiến hành bàng hoạt động lập pháp của Quốc hội và các cơ quan có thẩm quyền./..


Ghi chú: Bài viết được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng VIệt Nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá *