Một số giải pháp phòng ngừa người chưa thành niên vi phạm pháp luật hình sự

1. Người chưa thành niên là người chưa phát triển đầy đủ, toàn diện về thể lực, trí tuệ, thiếu kinh nghiệm sống, chưa có khả năng đánh giá đúng đắn sự việc, nhất là đối với những hành vi nguy hiểm cho xã hội, thì chưa nhận thức được đầy đủ tính chất của nó, không lường hết được hậu quả của nó.

Chính vì vậy, Luật pháp quốc tế và pháp luật ở nước ta có những chính sách hình sự cụ thể và mang tính đặc thù đối với người chưa thành niên. Tại Điều 1 Công ước quốc tế về quyền trẻ em được Đại hội đồng Liên Hợp quốc thông qua ngày 20/11/1989 và Việt Nam phê chuẩn ngày 20/02/1990 quy định: “Trong phạm vi Công ước này, trẻ em có nghĩa là người dưới 18 tuổi, trừ trường hợp luật pháp áp dụng đối với trẻ em có quy định tuổi thành niên sớm hơn”.

Ở Việt Nam, độ tuổi người chưa thành niên được xác định thống nhất trong Hiến Pháp, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Lao động, Bộ luật Dân sự, Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính… và một số văn bản quy phạm pháp luật khác. Tất cả các văn bản pháp luật đó đều quy định tuổi của người chưa thành niên là dưới 18 tuổi và pháp luật hình sự cũng có những quy định riêng về trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên trong từng lĩnh vực và từng hành vi mà pháp luật hình sự quy định là tội phạm. Đối với trường hợp người phạm tội là người chưa thành niên, Nhà nước có chính sách xử lý riêng căn cứ vào đặc điểm đặc thù của sự phát triển tâm sinh lý con người ở độ tuổi này cũng như đường lối, chính sách, pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

2. Thực tiễn công tác và qua nghiên cứu một số vụ án cho thấy, người chưa thành niên vi phạm pháp luật hình sự do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có những nguyên nhân chính sau đây:

Thứ nhất, những yếu tố thuộc về gia đình:

 – Sự thiếu quan tâm chăm sóc, giáo dục của gia đình: phần lớn các trường hợp người chưa thành niên phạm thường là những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt như: bố mẹ ly hôn, thiếu tình thương yêu của gia đình; các bậc cha mẹ chỉ quan tâm đến việc chu cấp về vật chất mà không quan tâm đến tâm tư tình cảm của trẻ. Vì vậy, khi gặp những tình huống khó khăn, các em có thể làm bất cứ điều gì để đảm bảo cho sự tồn tại hiện thời của mình, mà không suy nghĩ đến hậu quả của nó. Chỉ sau khi thực hiện hành vi của mình và biết là vi phạm pháp luật mới tỏ ra ân hận.

– Điều kiện kinh tế quá khó khăn của gia đình cũng là một trong những yếu tố dẫn đến một số em đi vào con đường vi phạm pháp luật. Sự khó khăn về kinh tế của gia đình khiến các em phải bươn chải lao động để kiếm sống. Do đó, không ít em bị bạn bè xấu rủ rê lôi kéo sa ngã vào con đường phạm tội như: sử dụng các chất ma tuý, lừa đảo, trộm cắp, cưỡng đoạt tài sản…

– Những yếu tố tiêu cực trong gia đình cũng đã ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình hình thành nhân cách của trẻ. Vì vậy, nếu trong gia đình mà mọi người đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ nhau, tuân thủ những quy tắc của cuộc sống cộng đồng thì sẽ tác động tốt đến quá trình sống và phát triển ở các em. Ngược lại, nếu trong một gia đình không hoàn thiện, kinh tế gặp khó khăn, mọi người bất hoà hoặc có một ai đó vi phạm pháp luật nhưng không được giáo dục mà mọi người làm ngơ, đồng tình với hành vi đó thì chắc chắn sẽ tác động đến tâm lý, đến sự hình thành nhân cách ở các em, từ đây làm hình thành nhân cách tiêu cực, lệch chuẩn với các chuẩn mực xã hội. Từ nhận thức sai trái này dẫn đến các em có hành vi làm trái pháp luật, phạm tội.

– Một số gia đình thiếu phương pháp giáo dục con cái hoặc không có  phương pháp thích hợp, không quan tâm đến việc giáo dục các em, để các em phát triển trong điều kiện tự do hoặc có suy nghĩ “Cha mẹ sinh con, trời sinh tính” nên các em hư thì bản thân các em phải gánh chịu hoặc việc giáo dục phải thuộc về nhà trường. Hậu quả là các em sống tự do, buông thả, lười biếng, bỏ học, ham chơi, đua đòi, từ đó hình thành lối sống ích kỷ, thích hưởng thụ, đòi hỏi không chính đáng ở cha mẹ, có lối sống khó hoà nhập với cuộc sống xã hội. Vì vậy khi nhu cầu bản thân không được đáp ứng thoả mãn sẽ dẫn đến có những hành vi chống đối lại gia đình, xã hội, dễ sa ngã vào những tệ nạn xã hội và hoạt động phạm tội.

Thứ hai, những yếu tố thuộc về phía Nhà trường:

– Công tác quản lý học sinh còn lỏng lẻo, hiện tượng học sinh quá tải ở một số trường dẫn đến việc thiếu lớp học nên phải học theo ca, từ đó công tác quản lý giờ học, quá trình học của các em không đảm bảo nên xảy ra tình trạng buông lỏng; một số em tự do bỏ học, đi chơi hoặc đi lang thang gặp bạn bè xấu lôi kéo dễ đi vào con đường vi phạm pháp luật.

– Công tác phối hợp giữa gia đình – nhà trường – xã hội trong quản lý, giáo dục các em còn nhiều thiếu sót. Một số phụ huynh chưa thường xuyên liên lạc với nhà trường để nắm bắt việc học tập của con em mình.

Về phía nhà trường cũng chưa phối hợp chặt chẽ với gia đình để giáo dục những học sinh cá biệt, thường xuyên vi phạm nội quy kỷ luật của nhà trường. Các phong trào hoạt động của Đội thiếu niên, Đoàn thanh niên chưa thực sự thu hút các em, nội dung sinh hoạt chưa sâu sắc, sinh động. Nhiều trường chưa có những nơi vui chơi giải trí nên các em dễ sa vào những nơi vui chơi không lành mạnh, ảnh hưởng xấu đến các em. Đây cũng là một trong những nguyên nhân, điều kiện dẫn đến người chưa thành niên là học sinh vi phạm pháp luật hình sự.

Thứ ba, những yếu tố thuộc về môi trường xã hội, đây cũng là những nguyên nhân, điều kiện trực tiếp dẫn đến người chưa thành niên vi phạm pháp luật hình sự:

– Do tác động, lôi kéo của tội phạm thành niên và tác động ảnh hưởng xấu của mội số tệ nạn xã hội như : tệ nạn ma tuý, cờ bạc, mại dâm… Sự bùng nổ của công nghệ thông tin cùng với nền văn hóa ngoại lai như: việc lưu hành, phổ biến các video clip phim ảnh mang tính kích động bạo lực hoặc khiêu dâm kích dục tràn lan trên internet…đã tác động trực tiếp đến các em, làm ảnh hưởng đến việc hình thành và phát triển nhân cách ở các em.

– Vấn đề quản lý trẻ em lang thang còn chưa triệt để, thiếu đồng bộ, chính số trẻ em này là nguồn dự trữ, bổ sung và làm gia tăng tình hình người chưa thành niên làm trái pháp luật. Mặt khác, những khu vui chơi, giải trí lành mạnh để hướng các em này vào cũng chưa đáp ứng đầy đủ. Do vậy, những lúc nhàn rỗi các em thường tụ tập chơi bời ở những nơi không lành mạnh.

– Công tác tái hoà nhập cho các em trở về từ trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục chưa được các cấp, các ngành quan tâm đúng mức. Hầu hết các em có tư tưởng mặc cảm, bị mọi người xa lánh, nên nảy sinh những tiêu cực trong cuộc sống và trở lại con đường vi phạm pháp luật.

– Do cơ chế phối hợp để quản lý, giáo dục các em của các cấp, các ngành còn lỏng lẻo và còn nhiều bất cập, chưa thực sự phát huy hiệu quả, có nơi, có lúc còn chưa đồng bộ. Hiện nay trong cơ chế phối kết hợp trong phòng ngừa người chưa thành niên phạm tội cũng còn nhiều suy nghĩ khác nhau; nhiều người cho rằng việc phòng ngừa tội phạm là việc làm và trách nhiệm của lực lượng Công an hoặc có tâm lý vô cảm, ngại đấu tranh với những hành vi vi phạm của các em. Đồng thời công tác quản lý địa bàn, nơi công cộng, các tụ điểm phức tạp thường có người chưa thành niên tụ tập… của các cơ quan chức năng còn chưa tốt, nên chưa phát hiện được những em có biểu hiện tiêu cực để có biện pháp giáo dục kịp thời.

3. Từ những nguyên nhân, điều kiện dẫn đến những hành vi vi phạm pháp luật hình sự của người chưa thành niên, qua nghiên cứu kinh nghiệm của các nước và thực tế Việt Nam, tác giả cho rằng công tác phòng ngừa người chưa thành niên vi phạm pháp luật hình sự đối với lực lượng Công an nhân dân trong thời gian tới cần tập trung vào các hướng chủ yếu sau đây:

Một là, Bộ Công an kết hợp cùng cơ quan Tư pháp trong việc soạn thảo, biên tập tài liệu về giáo dục pháp luật, trong đó tập trung giáo dục nâng cao trình độ pháp luật, kiến thức về phòng ngừa tội phạm nói chung và phòng ngừa người chưa thành niên vi phạm pháp luật hình sự nói riêng.

– Kết hợp với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Bộ Thông tin và Truyền thông để có các hình thức tuyên truyền phù hợp như thông qua đài phát thanh, truyền hình, báo chí hoặc tổ chức các buổi xuống cơ sở nói chuyện chuyên đề… để giúp cho mọi công dân có nhận thức đúng đắn về công tác phòng ngừa người chưa thành niên vi phạm pháp luật hình sự và giúp mọi chủ thể tự giác tham gia chấp hành vào việc phòng ngừa.

– Kết hợp cùng các bộ có liên quan như Bộ Tư pháp, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tiếp tục xây dựng và hoàn thiện chương trình giáo dục pháp luật trong các nhà trường phổ thông cũng như trong các trường chuyên nghiệp. Xây dựng chương trình giảng dạy phù hợp với từng độ tuổi, từng loại nhà trường phổ thông, và chuyên nghiệp, đối với các trường phổ thông có nội dung giảng dạy khác với trường chuyên nghiệp, làm sao để đảm bảo sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học người chưa thành niên đã có những kiến thức về phòng ngừa tội phạm, về tệ nạn xã hội cụ thể:

Đưa chương trình pháp luật vào giảng dạy trong các nhà trường trung học phổ thông cơ sở, trung học phổ thông, coi đây là một môn học chính với những nội dung cơ bản như: Nhận thức về tội phạm, những hành vi được coi là tội phạm, quy định của pháp luật về tội phạm, chính sách hình sự của Nhà nước đối với những hành vi được coi là tội phạm.

Đối với các trường chuyên nghiệp: Kết hợp đưa chương trình giảng dạy pháp luật và tội phạm học vào giảng dạy lấy đó là một học phần, cần đưa kiến thức chuyên sâu tội phạm học và về đấu tranh phòng, chống tệ nạn xã hội vào giảng dạy nhằm trang bị kiến thức ở mức cao hơn giúp cho người chưa thành niên, thanh niên, sinh viên tự cảnh giác và phòng ngừa đối với hành vi phạm tội, các loại tệ xã hội…

          Hai là, cơ quan Công an phối hợp với các tổ chức xã hội (Đoàn thanh niên, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội cựu chiến binh…) để có biện pháp quản lý giáo dục đối với người chưa thành niên nói chung và người chưa thành niên vi phạm pháp luật hình sự nói riêng.

Đối với Đoàn thanh niên cần Chủ động phát động các phong trào thi đua với những hình thức và nội dung phong phú như “Thanh niên với sự nghiệp bảo vệ an ninh T quc… để lôi cuốn người chưa thành niên tham gia. Triển khai thực hiện các nghị quyết liên tịch giữa Bộ Công an và Trung ương Đoàn về “phòng ngừa tội phạm trong thanh thiêu niên” phát động các chi đoàn, đoàn viên nhận đỡ đầu, giúp đỡ quản lý giáo dục các em có các biểu hiện hư hoặc có hành vi làm trái pháp luật trở thành người tiến bộ và lấy đó làm chỉ tiêu thi đua cho các chi đoàn, đoàn viên.

– Kết hợp với Hội phụ nữ tuyên truyền giáo dục cho các thành viên về vai trò của người phụ nữ trong gia đình, trách nhiệm của cha, mẹ đối với quản lý, giáo dục con cái, vai trò của phụ nữ với việc đấu tranh chống các loại tệ nạn xã hội… Tổ chức tạo điều kiện cho các chi hội phụ nữ giúp đỡ, đỡ đầu những người chưa thành niên gặp khó khăn trong cuộc sống. Tạo điều kiện để chị em, chi hội phụ nữ tham gia vào công tác quản lý giáo dục các em hư, vi phạm pháp luật hình sự, giúp người chưa thành niên nhanh chóng tiến bộ trở thành người có ích cho xã hội.

– Kết hợp với Hội cựu chiến binh trong quản lý giáo dục người chưa thành niên, tiến hành tổ chức các buổi nói chuyện truyền thống cho các em. Sử dụng những cán bộ cựu chiến binh có uy tín, có nhiều cảm tình đối với lớp trẻ để cảm hóa, giáo dục các em, đặc biệt là đối với các em đã có quá khứ lầm lỗi, cần cùng với các cựu chiến binh để kèm cặp, giúp đỡ cho các em tiến bộ.

– Ngoài ra cơ quan Công an cần có sự phối hợp chặt chẽ với Uỷ ban dân số gia đình và trẻ em, Mặt trận Tổ quốc để chủ động trong đề ra các nội dung quản lý giáo dục người chưa thành niên cũng như chăm sóc, giáo dục họ trong cuộc sống.

Ba là, Công an các cấp cơ sở cần có hình thức tổ chức cho người chưa thành niên tham gia tích cực vào các hoạt động trong công tác an ninh, trật tự phù hợp với độ tuổi môi trường sống của các em, như:

– Kết hợp chặt chẽ với các nhà trường phổ thông, tổ chức duy trì và phát triển rộng các hình thức: Đội thiếu niên sao đỏ, thiếu niên cờ đỏ, sao an ninh, sao xung kích, thanh niên cờ đỏ… ở trong các nhà trường để các em tham gia giữ gìn trật tự ngay trong trường, đấu tranh chống các hành vi vi phạm. Tổ chức thêm các loại hình hoạt động dưới các dạng: Câu lạc bộ chiến sỹ an ninh nhỏ tuổi, các tổ, đội tự quản…. để các em tham gia phát hiện những em có các biểu hiện làm trái pháp luật, biểu hiện phạm tội trong lứa tuổi các em ở trong trường và ngoài xã hội

– Công an cơ sở động viên quần chúng xây dựng “quỹ an ninh” để có các hình thức động viên khen thưởng chính đáng về vật chất và tinh thần, đối với các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong phòng ngừa người chưa thành niên vi phạm pháp luật hình sự, hoặc lập công xuất sắc trong các hoạt động phòng ngừa…

– Cơ quan Công an kết hợp với các cơ quan hữu quan thành lập và mở rộng hoạt động của các tổ chức tư vấn cho người chưa thành niên. Đưa hoạt động tư vấn cho người chưa thành niên bằng nền nếp hàng ngày ở mọi nơi, kể cả ở thành phố đến các vùng nông thôn miền núi, tổ chức tư vấn này có nhiệm vụ thường xuyên trang bị cho các em những hiểu biết cần thiết về kiến thức pháp luật và những vấn đề mà các em quan tâm, tuyên truyền những kiến thức pháp luật với người chưa thành niên. Đồng thời cũng giúp đỡ cho các em về phương hướng, lối thoát khi gặp phải những khó khăn, bất lợi trong cuộc sống hoạt động hàng ngày.

Bốn là, đối với lực lượng Công an nhân dân các cấp cơ sở cần tiến hành các biện pháp làm trong sạch địa bàn dân cư – xã hội. Tạo môi trường trong lành cho sự phát triển nhân cách của những người chưa thành niên, như:

– Cần làm tốt công tác phát động phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, thông qua phong trào để thực hiện đấu tranh mạnh mẽ với các hiện tượng tiêu cực trong đời sống xã hội, đấu tranh chống tội phạm, chống các loại tệ nạn xã hội cũng như các hành vi vi phạm pháp luật khác, các thói hư, tật xấu, suy đồi về đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc… nhằm tạo một môi trường có nhiều ảnh hưởng tốt đối với người chưa thành niên.

– Tiến hành quản lý chặt chẽ những người chưa thành niên có các biểu hiện làm trái pháp luật và có biểu hiện phạm tội tại cơ sở, cụ thể:

+ Lực lượng Cảnh sát các cấp cơ sở làm tốt hơn nữa công tác nắm tình hình, kịp thời phát hiện những người chưa thành niên có các biểu hiện như vi phạm pháp luật nói chung, hoặc có nguy cơ vi phạm pháp luật hình sự… trên toàn địa bàn để có biện pháp quản lý giáo dục. Tiến hành các biện pháp nghiệp vụ nhằm phát hiện những người chưa thành niên có biểu hiện nghi vấn hoạt động vi phạm pháp luật hình sự hoặc có điều kiện, khả năng đi vào con đường vi phạm pháp luật hình sự để có các biện pháp quản lý ngăn chặn hoạt động vi phạm pháp luật hình sự của người chưa thành niên.

+ Kết hợp giữa Công an – gia đình – nhà trường để phát hiện và quản lý giáo dục đối với các em học sinh cá biệt ngay trong nhà trường. Có biện pháp giúp đỡ các em tiến bộ. Có thể tiến hành các biện pháp nghiệp vụ cơ bản để đấu tranh phòng, chống những hoạt động phạm tội có tính chất băng, ổ nhóm của người chưa

thành niên và nghi vấn có sự tổ chức lôi kéo của bọn tội phạm thành niên.

+ Lập hồ sơ xử lý, đưa đi trường giáo dưỡng với những người chưa thành niên đã vi phạm pháp luật hình sự nhiều lần, đã tiến hành giáo dục nhưng không sửa chữa, tiến bộ. Đối với những người chưa thành niên lang thang, không nơi nương tựa, cần có biện pháp đưa các em vào những cơ sở giáo dục hoặc giao cho tổ chức, cá nhân bảo lãnh, với các em có hành vi phạm tội cần lập hồ sơ đưa đi các trường giáo dưỡng.

+ Để đảm bảo quản lý chặt chẽ các em chưa thành niên ở ngoài xã hội cơ quan chức năng cần khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật căn cước công dân năm 2014 để cấp thẻ căn cước công dân cho những người từ 14 tuổi trở lên để tiện cho công tác quản lý con người nói chung.

– Lực lượng Cảnh sát hình sự, Công an xã, phường, thị trấn cần phối hợp chặt chẽ với tổ chức các đoàn thể, tổ chức xã hội như Mặt trận Tổ quốc, Thanh niên, Phụ nữ, Tổ dân phố tại nơi người chưa thành niên sinh sống tuyên truyền, giáo dục các thành viên trong gia đình, đặc biệt là những người chưa thành niên có ý thức tôn trọng các giá trị cuộc sống, tuân thủ pháp luật, nếp sống văn hóa công cộng,… để góp phần cùng nhà trường và gia đình trong quản lý, giáo dục người chưa thành niên. Đặc biệt là đối với những người chưa thành niên có nguy cơ cao vi phạm pháp luật hình sự, đây là những em không có điều kiện học tập, hoặc không muốn học, lực lượng Cảnh sát hình sự, Công an xã, phường, thị trấn cần tăng cường biện pháp giáo dục cá biệt phù hợp từng loại đối tượng, từng lứa tuổi, chú ý tới giáo dục nhân cách, đạo đức gắn với giáo dục ý thức chấp hành pháp luật.

Năm là, lực lượng Công an cần làm tốt công tác dự báo về tình hình người chưa thành niên vi phạm pháp luật hình sự, để có cơ sở tham mưu cũng như xây dựng kế hoạch phòng ngừa sát hợp từng thời điểm, địa bàn, đối tượng. Thông qua công tác nghiên cứu tình hình, nguyên nhân, điều kiện phát sinh tình hình người chưa thành niên vi phạm pháp luật hình sự nhằm đưa ra dự báo ngắn hạn hoặc dài hạn về tình hình người chưa thành niên vi phạm pháp luật hình sự. Dự báo và phòng ngừa tình hình vi phạm pháp luật hình sự của người chưa thành niên đều là những nội dung mang tính cốt lõi, là nền tảng lý luận quan trọng cho việc triển khai và cụ thể hóa các biện pháp nghiên cứu, thống kê, khảo sát và xây dựng phương án đấu tranh nhằm kiểm soát tội phạm trong thực tế.

Tóm lại, lực lượng Công an nhân dân, cụ thể là lực lượng Cảnh sát hình sự là lực lượng nòng cốt trong công tác phòng ngừa người chưa thành niên vi phạm pháp luật hình sự. Do đó, trong suốt quá trình thực hiện các vụ việc liên quan đến trẻ em cần nắm chắc tình hình, điều kiện hoạt động tội phạm, thấu hiểu những tâm tư tình cảm của các em để đưa ra hướng giải quyết hợp tình hợp lý, đúng pháp luật, đồng thời đưa ra những kiến nghị bổ sung hệ thống pháp luật về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.

Trung úy Nguyễn Hạnh Vân

Bộ môn Pháp luật và nghiệp vụ Công an – Học viện Chính trị CAND


Ghi chú: Bài viết được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng Việt Nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá *