Nguồn của pháp luật quốc tế

1. Nguồn của pháp luật quốc tế là gì ?

Nguồn của pháp luật quốc tế là hình thức chứa đựng hoặc biểu hiện các quy phạm pháp luật quốc tế,

Theo Quy chế Toà án quốc tế, thì nguồn của pháp luật quốc tế bao gồm: những điều ước quốc tế mang tính phổ cập hoặc mang tính chất riêng, thiết lập các quy tắc được các quốc gia tranh chấp thừa nhận một cách rõ ràng; tập quán quốc tế với tư cách là chứng cứ thực tiễn chung được thừa nhận như luật; các nguyên tắc pháp luật chung được các dân tộc văn minh thừa nhận; quyết định của Toà án; học thuyết của các luật gia có trình độ cao của các nước khác nhau, như là nguồn bổ sung xác định các quy tắc của luật. Ngoài ra, nghị quyết của các tổ chức š quốc tế cũng là một trong các nguồn của pháp luật quốc tế.

Điều ước quốc tế là các loại văn bản pháp luật quốc tế được hình thành từ thoả thuận của các chủ thể pháp luật quốc tế. Theo Pháp lệnh kí kết và thực hiện điều ước quốc tế năm 1998 thì điều ước quốc tế, mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một bên kí kết, là thoả thuận bằng văn bản được kí kết giữa Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam với một hoặc nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế hoặc chủ thể khác của pháp luật quốc tế, không phụ thuộc vào tên gọi như hiệp ước, công ước, định ước, hiệp định, nghị định thư, công hàm trao đổi và danh nghĩa kí kết.

Tập quán quốc tế là quy tắc xử sự chung được hình thành trong thực tiễn các quan hệ quốc tế của các nước và được các chủ thể của pháp luật quốc tế công nhận, có giá trị như luật.

Các nguyên tắc chung của pháp luật quốc tế là những nguyên tắc được xác định trong điều ước quốc tế, pháp luật quốc gia, tổ chức và hoạt động của cơ quan tài phán quốc tế và được áp dụng cho cả pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia. Các nguyên tắc chung của pháp luật được vận dụng trong nhiều trường hợp nhằm giải thích nội dung quy phạm pháp luật quốc tế.

Quyết định của Toà án là phán quyết của Toà án hoặc của cơ quan tài phán quốc tế về những vấn đề pháp lí nhất định. Quyết định của Toà án góp phần làm sáng tỏ nội dung các quy phạm pháp luật quốc tế, đặc biệt là tập quán quốc tế và trong nhiều trường hợp được bổ khuyết như một nguồn của pháp luật quốc tế, từ đó hình thành tập quán quốc tế mới.

Học thuyết về pháp luật quốc tế là tư tưởng, quan điểm về các vấn đề pháp lí quốc tế của các học giả nổi tiếng. Mặc dù không phải là quy phạm pháp luật quốc tế, nhưng các học thuyết có ảnh hưởng to lớn đến việc xây dựng và thực thi pháp luật quốc tế.

Nghị quyết của tổ chức quốc tế là các văn bản pháp lí do tổ chức quốc tế thông qua. Đó có thể là nghị quyết mang tính ràng buộc hoặc không ràng buộc đối với các thành viên của tổ chức. Những nghị quyết ràng buộc là nguồn pháp luật được áp dụng để điều chỉnh các quan hệ giữa các quốc gia hoặc để giải quyết các tranh chấp phát sinh giữa các thành viên của tổ chức đó. Ngoài ra, nghị quyết của tổ chức quốc tế còn có thể giúp cho việc hình thành tập quán quốc tế, khẳng định các nguyên tắc chung của pháp luật quốc tế và tạo cơ sở cho việc kí kết và thực hiện điều ước quốc tế.

2. Khái niệm nguồn luật quốc tế

Về pháp lý, nguồn của luật quốc tế là hình thức chứa đựng các quy phạm luật quốc tế. Việc viện dẫn, áp dụng các loại nguồn của luật quốc tế hiện vẫn tuân theo cách xác định truyền thống như khoản 1 Điều 38 Quy chế toà án công lý quốc tế quy định, theo đó, luật quốc tế có hai loại là nguồn thành văn (điều ước quốc tế) và nguồn bất thành văn (tập quán quốc tế) vói nội dung chứa đựng các quy phạm luật quốc tế, trực tiếp điều chỉnh quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý của các chủ thể quan hệ pháp luật quốc tế.

Về lý luận, nguồn của luật quốc tế là phạm trù pháp lý gắn với quá trình hình thành các quy định của luật này. Do đó, cần có sự phân biệt giữa nguồn của luật quốc tế (để chứa đựng quy phạm luật quốc tế) với những phương tiện hỗ trợ việc xác định quy phạm luật quốc tế, cũng được đề cập tại khoản 1 Điều 38 Quy chế toà án quốc tế Liên hợp quốc (bao gồm án lệ, các học thuyết của các luật gia có trình độ cao) và một số hình thức khác hình thành trong thực tiễn phát triển của luật quốc tế như nghị quyết không bắt buộc của tổ chức quốc tế, hành vi pháp lý đơn phương của quốc gia…

Về tổng thể, hai dạng nguồn thành văn và bất thành văn như trên được chủ thể luật quốc tế viện dẫn, áp dụng khác với cách viện dẫn, áp dụng của luật quốc gia. Chẳng hạn, các chủ thể luật quốc tế có thể thoả thuận trong việc viện dẫn đến nguồn nào trong số những điều ước mà các bên kết ước hiện là thành viên hoặc tập quán quốc tế hiện hành khi áp dụng giải quyết một quan hệ pháp luật quốc tế cụ thể phát sinh giữa các chủ thể đó, với điều kiện sự thoả thuận này không làm ảnh hưởng đến lợi ích của bên thứ ba hoặc lợi ích của cộng đồng quốc tế. Hoặc như, trong luật quốc tế, một quy phạm điều ước hoàn toàn có thể được chủ thể luật quốc tế viện dẫn để áp dụng với giá trị pháp lý của quy phạm tập quán quốc tế (phát sinh từ thực tiễn xây dựng và thực thi điều ước quốc tế).

Riêng loại hình các văn bản có hiệu lực bắt buộc do các cơ quan, thiết chế của tổ chức quốc tế ban hành, về pháp lý, có giá trị là luật quốc tế đối với phạm vi chủ thể chịu sự điều chỉnh của những văn bản này (như các quyết định của Liên minh châu Âu).

Ngoài ra, nguồn của luật quốc tế bao gồm điều ước quốc tế và tập quán quốc tế.

3. Các nguyên tắc pháp luật chung

Có nhiều cách giải thích khác nhau về xuất xứ của loại nguyên tắc này, song xu hướng quan niêm đó là những nguyên tắc áp dụng cho cả luật quốc tế và luật quốc gia vẫn khá phổ biến, ví dụ, nguyên tắc gây thiệt hại thì phải bồi thường, luật không có hiệu lực hồi tố… Trong thực tiễn, nguyên tắc pháp luật chung chỉ áp dụng sau điều ước quốc tế và tập quán quốc tế với ý nghĩa để giải thích hay là sáng tỏ nội dung của quy phạm luật quốc tế.

4. Phán quyết của Toà án công lý quốc tế Liên hợp quốc

Thực tiễn hoạt động của Toà án công lý quốc tế Liên hợp quốc cho thấy các kết quả xét xử thể hiện tại các bản án, ngoài chức năng giải quyết tranh chấp mà toà có thẩm quyền còn có ý nghĩa tư vấn quan trọng trong lĩnh vực thực thi luật quốc tế. Chức năng này thể hiện ở sự đóng góp của những phán quyết quan trọng trong việc làm sáng tỏ nội dung của một quy phạm luật quốc tế hiện hành, tạo tiền đề pháp lý hình thành quy phạm mới của luật quốc tế và có tác động tích cực đến quan niệm, cách ứng xử của chủ thể quan hệ pháp luật quốc tế đồng thời có tác dụng bổ sung nhất định những khiếm khuyết của luật quốc tế.

5. Nghị quyết của tổ chức quốc tế liên chính phủ

Các văn kiện của tổ chức quốc tế liên chính phủ có giá trị hiệu lực không đồng nhất, bao gồm các nghị quyết có hiệu lực bắt buộc và nghị quyết không bắt buộc đối với các thành viên. Rất nhiều nghị quyết của tổ chức quốc tế là kết quả của thoả thuận giữa các thành viên. Quá trình thoả thuận này diễn ra trên cơ sở quy chế tương ứng của tổ chức và đưa đến kết quả là hình thành các nghị quyết có tính chất khuyến nghị (loại trừ những nghị quyết bắt buộc của tổ chức đó).

Vai trò điều chỉnh thực tế của loại nghị quyết có tính khuyến nghị thể hiện ở một số nội dung, chẳng hạn, cố ý nghĩa đối vói việc giải thích và áp dụng các quy phạm luật quốc tế hoặc tạo tiền đề cho việc ký kết và thực hiện điều ước quốc tế. Những nghị quyết có giá trị bắt buộc sẽ là nguổn luật được viện dẫn đến để giải quyết các quan hệ phát sinh giữa các quốc gia thành viên của tổ chức đó.

6. Hành vi pháp lý đơn phương của quốc gia

Đây là sự độc lập thể hiện ý chí của một chủ thể luật quốc tế. Đó là các hành vi pháp luật có tính chất quốc tế về cả hai phương diện hình thức và nội dung do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện, có mục đích tạo ra các kết quả nhất định trong các quan hê quốc tế. Hành vi pháp lý đơn phương của chủ thể thường có một số dạng sau:

– Hành vi công nhận là hành vi thể hiện một cách minh thị hay mặc thị ý định xác nhận một tình hình hoặc yêu cầu nào đó là phù hợp vói pháp luật (ví dụ, hành vi công nhận quốc gia mới).

– Hành vi cam kết là hành vi tạo ra các nghĩa vụ mới bằng cách thức đơn phương chấp nhận ràng buộc với một nghĩa vụ pháp lý quốc tế vì quyền lợi của chủ thể khác (ví dụ, Tuyên bố của chính phủ Ai Cập năm 1957 về việc cho tàu thuyền qua lại tự do trên kênh đào Xuy Ê).

– Hành vi phản đối là cách thức để quốc gia thể hiện ý chí không công nhận một hoàn cảnh, một yêu cầu hoặc một thái độ xử sự của chủ thể khác. Như vậy, chủ thể thực hiện hành vi phản đối muốn thông qua phương thức này hoặc để bảo đảm các quyền hạn bị đe dọa hay bị xâm hại của mình, hoặc để chống lại cách suy diễn thái độ im lặng với nghĩa đồng ý hay với nghĩa từ bỏ quyền của một chủ thể trong quan hệ quốc tế. Lưu ý rằng, hành vi phản đối phải được bày tỏ minh thị và phải có hiệu lực pháp luật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong quan hệ quốc tế thực hiện, ví dụ, những tuyên bố phản đối do bộ ngoại giao một quốc gia thực hiện khi có hành vi vi phạm luật quốc tế từ một quốc gia khác.

– Hành vi từ bỏ là hành vi thể hiên ý chí độc lập của chủ thể tự nguyện từ bỏ các quyền hạn nhất định. Kết quả của hành vi này là việc chấm dứt các quyền của chủ thể luật quốc tế đối vóỉ một đối tượng hay lĩnh vực nào đó và bắt buộc phải thực hiện hành vi từ bỏ một cách minh thị, công khai để không gây ra sự nghi ngờ. Vì vậy, không được suy diễn việc một chủ thể do không thực hiện một quyền nhất định của mình nên đã bị coi là từ bỏ quyền chủ thể.

7. Các học thuyết về luật quốc tế

Đây là quan điểm của các học giả nổi tiếng về các vấn đề pháp lý quốc tế, hình thành thông qua nhiều hoạt động khác nhau, như phân tích các quy phạm luật quốc tế, trình bày hay đưa ra các quan điểm, các luận cứ về những vấn đề của khoa học pháp lý quốc tế… Những hoạt động này có ảnh hưởng tích cực đến quá trình phát triển cửa luật quốc tế và quá trình nhận thức của con người về khoa học luật quốc tế mặc dù không trực tiếp tạo ra các quy định của luật quốc tế. Trong số các hoạt động đó, không thể phủ nhận vai trò của các trường đại học, các trung tâm nghiên cứu luật và các luật gia có uy tín. Do đó, đánh giá chung là trong những chừng mực nhất định, các học thuyết về luật quốc tế đã có giá trị hỗ trợ cho việc xây dựng và thực hiện luật quốc tế được thuận lợi.

8. Vấn đề pháp điển hoá luật quốc tế

Pháp điển hoá luật quốc tế được hiểu là việc hệ thống hoá các quy phạm luật quốc tế do các chủ thể luật quốc tế thực hiên không chỉ với mục đích sắp xếp các quy phạm của luật quốc tế hiện hành vào một hệ thống phù hợp mà còn nhằm diễn đạt rõ ràng, cụ thể hơn hệ thống quy phạm đó hoặc thể hiện các tập quán quốc tế dưái hình thức điều ước quốc tế.

Trong điều kiện phát triển luật quốc tế như hiện nay thì việc pháp điển hoá không chỉ giới hạn ở hoạt động pháp lý nêu trên mà còn có sự ràng buộc với những thay đổi cần thiết hoặc vói sự đổi mới các quy phạm hiện hành, kể cả việc soạn thảo quy phạm mới, tức là có thể quan niệm pháp điển hoá song hành với quá trình phát triển tiến bộ của luật quốc tế. Pháp điển hoá có thể tiến hành một cách chính thức hoặc không chính thức.

8.1 Pháp điển hoá chính thức

Là cách thức thực hiện thông qua điều ước quốc tế. Đây là loại hình pháp điển hoá duy nhất có hiệu lực ràng buộc các quốc gia. Liên hợp quốc với cơ quan chuyên ngành của tổ chức này là ủy ban luật quốc tế được thành lập năm 1947 có vai trò đặc biệt quan trọng trong lĩnh vực pháp điển hoá. Hiến chương Liên hợp quốc quy định thẩm quyền đặc biệt của Đại hội đồng trong lĩnh vực này tại Điều 13. Trong khuôn khổ Liên hợp quốc, nhiệm vụ pháp điển hoá và phát triển tiến bộ còn được các cơ quan chức năng và một số ủy ban khác của Liên hợp quốc thực hiện, như ủy ban Liên hợp quốc về quyền con người, ủy ban về sử dụng khoảng không vũ trụ vì mục đích hoà bình… Ngoài ra, còn có sự tham gia của nhiều tổ chức quốc tế chuyên môn của Liên hợp quốc (như ICAO, IMO…) và các tổ chức quốc tế khác ngoài hệ thống Liên hợp quốc.

Trình tự tiến hành pháp điển hoá chính thức như sau:

Sau khi thông qua đề tài pháp điển hoá, ủy ban luật quốc tế của Liên hợp quốc sẽ chỉ định báo cáo viên của mình để chuẩn bị các tham luận và các dự thảo sẽ đưa ra thảo luận tại ủy ban. Dự thảo sau khi được ủy ban thông qua sẽ được trình cho các quốc gia để họ đưa ra nhận xét, đánh giá độc lập. Tiếp theo, ủy ban sẽ chỉnh sửa dựa trên những đánh giá của các quốc gia và đệ trình dự thảo đã chỉnh sửa lên Đại hội đồng Liên hợp quốc, ủy ban luật quốc tế của Liên hợp quốc đã thực hiện được nhiều việc trong lĩnh vực này, chẳng hạn, một số dự thảo của ủy ban này đã trở thành cơ sở của các điều ước quốc tế như 4 Công ước về Luật biển thông qua năm 1958, Công ước Viên 1961 về quan hê ngoại giao, Công ước Viên 1963 về quan hệ lãnh sự, Công ước Viên 1969 về luật điều ước giữa các quốc gia…

8.2 Pháp điển hoá không chính thức

Được thực hiện bởi các học giả, các viện nghiên cứu của quốc gia, các tổ chức phi chính phủ hoặc các tổ chức xã hội trong nước. Trong số này, Hiệp hội luật quốc tế và Viện luật quốc tế có vai trò, ảnh hưởng quan trọng đối với quá trình pháp điển hoá và phát triển tiến bộ luật quốc tế bằng phương thức tiến hành các hoạt động nghiên cứu và chuẩn bị dự thảo các điều ước quốc tế về các lĩnh vực khác nhau của luật quốc tế và quan hệ quốc tế. Hiệp hội luật quốc tế được thành lập năm 1873, có trụ sở đóng tại Luân Đôn còn Viện luật quốc tế cũng được thành lập năm 1873, trụ sở đóng tại Brucxen (Bỉ).


Ghi chú: Bài viết được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng VIệt Nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá *