a) Nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa trong Luật hình sự
Nguyên tắc pháp chế là một nguyên tắc hết sức quan trọng và cơ bản của quá trình xây dựng và đổi mới pháp luật ở Việt Nam. Nói đến pháp chế tức là nói đến sự triệt để tuân thủ pháp luật từ phía Nhà nước, các tổ chức chính trị, xã hội và của công dân. Nguyên tắc pháp chế có nguồn gốc từ nguyên lý không có tội nếu không có luật. Trong lĩnh vực hình sự, nguyên tắc pháp chế được coi là nguyên tắc cơ bản, xuyên suốt toàn bộ các hoạt động xây dựng và áp dụng pháp Luật hình sự. Điều 2 Bộ Luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định: “Chỉ người nào phạm một tội đã được Bộ Luật hình sự quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự.“. Nghĩa là những gì có thể là cơ sở của trách nhiệm hình sự, của việc áp dụng hình phạt hoặc miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt cũng như việc áp dụng mọi hình thức trách nhiệm hình sự với tính cách là hậu quả pháp lý của hành vi phạm tội đều phải do pháp Luật hình sự quy định.
Những yêu cầu cơ bản của nguyên tắc pháp chế cụ thể là:
– Về mặt lập pháp: việc sửa đổi, bổ sung, quy định tội phạm mới hay xoá bỏ một tội phạm phải được tiến hành một cách hợp pháp, theo đúng thủ tục luật định. Theo cơ chế này, mọi tội phạm và hình phạt phải được Luật hình sự quy định, “có luật, có tội”. Ngoài ra, nguyên tắc pháp chế còn đòi hỏi pháp Luật hình sự phải được xây dựng trên những cơ sở khoa học, được xây dựng một cách hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm.
– Về mặt áp dụng pháp luật: Nhà nước không chấp nhận một bản án hình sự về một tội nào đó, nếu như tội này không được quy định trong Luật hình sự hiện hành. Việc xét xử phải đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không bỏ lọt tội phạm, không đổ oan người vô tội. Hình phạt mà Toà án tuyên cho người phạm tội phải phù hợp với các quy định của Luật hình sự. Các cơ quan tiến hành tố tụng khi thực hiện các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử phải tuân theo đúng và đầy đủ các thủ tục luật định. Nguyên tắc pháp chế đòi hỏi sự chính xác và thống nhất trong việc áp dụng Luật hình sự, trong việc đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm và của bản thân người phạm tội. Điều đó có nghĩa là trên phạm vi toàn lãnh thổ Việt Nam, pháp Luật hình sự phải được áp dụng như nhau, không phân biệt giai cấp, tôn giáo, thành phần xã hội… của người phạm tội. Pháp luật phải được giải thích cụ thể bởi các cơ quan chuyên môn có thẩm quyền nhằm tránh sự hiểu và vận dụng khác nhau đối với cùng một quy định nhưng ở những điều kiện khác nhau. Một nội dung quan trọng không kém nữa là không áp dụng pháp luật tương tự.
– Đối với công dân, nguyên tắc pháp chế đòi hỏi mỗi người dân đều phải tuân thủ pháp luật một cách triệt để, không ngừng tăng cường cảnh giác cao độ, nâng cao ý thức pháp luật, tích cực đấu tranh phòng và chống tội phạm.
b) Nguyên tắc dân chủ
Dân chủ là quyền làm chủ của nhân dân, sự tham gia rộng rãi của nhân dân vào quá trình quản lý Nhà nước, quản lý xã hội. Đây là một nguyên tắc hiến định. Trong Luật hình sự, nội dung của nguyên tắc dân chủ thể hiện ở các điểm sau:
– Luật hình sự bảo vệ và tôn trọng các quyền dân chủ của công dân trong tất cả các mặt của đời sống xã hội, kiên quyết xử lý các hành vi xâm phạm những quyền dân chủ của công dân. Quyền lợi của công dân đều được bảo vệ như nhau, không phân biệt nòi giống, dân tộc, tôn giáo, địa vị xã hội, tình hình kinh tế, tài sản; không quy định những đặc quyền, đặc lợi cho riêng một đối tượng, một tầng lớp, giai cấp nào.
– Luật hình sự bảo đảm cho nhân dân lao động tự mình hay thông qua các tổ chức xã hội tham gia vào việc xây dựng và áp dụng Luật hình sự, đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm.
– Luật hình sự coi việc đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm là sự nghiệp của toàn dân. Bộ Luật hình sự quy định nội dung này tại Điều 4. Ngoài ra, Bộ Luật hình sự còn có nhiều quy định khác tạo cơ sở pháp lý hình sự cho sự tham gia của mọi người dân trong đấu tranh phòng chống tội phạm. Chẳng hạn như quy định về phòng vệ chính đáng (Điều 22), tình thế cấp thiết (Điều 23), việc thực hiện hình phạt cải tạo không giam giữ (Điều 36), án treo (Điều 65)…v.v…
Trong Luật hình sự Việt Nam, nguyên tắc dân chủ xã hội chủ nghĩa có một ý nghĩa lý luận và thực tiễn hết sức quan trọng. Cùng với nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa, nguyên tắc này góp phần phát huy hiệu quả của Luật hình sự trong đấu tranh phòng chống tội phạm, duy trì kỷ cương và công lý xã hội. Nguyên tắc dân chủ xã hội chủ nghĩa góp phần định hướng phát triển của Luật hình sự nói chung và hoạch định các chính sách hình sự nói riêng.
c) Nguyên tắc nhân đạo
Nhân đạo là đạo làm người. Đạo làm người thể hiện ở lòng thương yêu, với ý thức tôn trọng các giá trị danh dự, nhân phẩm của con người, không làm đau đớn con người. pháp Luật hình sự Việt Nam phản ánh ý thức pháp luật các quan niệm đạo đức của dân tộc ta, có mục đích, nội dung nhân đạo sâu sắc và được đảm bảo thực hiện bằng các biện pháp rất nhân đạo. Trước hết, trong Luật hình sự Việt Nam, nguyên tắc nhân đạo luôn được thể hiện rõ nét trong các chính sách hình sự của Nhà nước, trong các quy định của Bộ Luật hình sự. Nội dung này thể hiện cụ thể tại Điều 3 của Bộ Luật hình sự. Đối với kẻ phạm tội, việc áp dụng hình phạt trong Luật hình sự Việt Nam chủ yếu là nhằm mục đích cải tạo, giáo dục kẻ phạm tội trở thành người có ích cho xã hội. Hình phạt trong Luật hình sự Việt Nam không nhằm gây đau đớn về thể xác và không nhằm hạ thấp phẩm giá của con người.
Cụ thể, nguyên tắc nhân đạo có các nội dung sau:
– Luật hình sự Việt Nam khoan hồng với những người tự thú, thật thà khai báo, tố giác đồng bọn, lập công chuộc tội, ăn năn, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại.
– Luật hình sự không có mục đích trả thù, hạ thấp nhân phẩm người phạm tội mà nhằm tạo điều kiện để họ được cải tạo trở thành người có ích cho xã hội, sống lương thiện.
– Luật hình sự Việt Nam có nhiều quy định nhằm tạo điều kiện cho người phạm tội tự cải tạo như quy định về miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, quy định về miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện (án treo)…v.v…
– Trong hệ thống hình phạt của Luật hình sự Việt Nam có nhiều loại hình phạt không tước tự do như cảnh cáo, cải tạo không giam giữ…
Mặt thứ hai của nguyên tắc nhân đạo là phải nghiêm trị đối với những người phạm tội là những người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố…Vì vậy, Bộ Luật hình sự đã quy định các hình phạt nghiêm khắc như tù chung thân, tử hình. Tuy nhiên, các hình phạt này cũng chỉ được phép áp dụng trong những trường hợp đặc biệt nghiêm trọng và phạm vi áp dụng cũng có giới hạn nhất định: hình phạt tù chung thân và tử hình không được phép áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội, hình phạt tử hình không được phép áp dụng đối với phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi…