Phân biệt dẫn độ với dẫn giải trong tương trợ tư pháp về hình sự

[VPLUDVN] Trong một số trường hợp, người phạm tội đã tiến hành hành vi phạm tội ở một quốc gia hay đó có thể là người có liên quan đến hành vi phạm tội đó với tư cách là người làm chứng, sau đó họ đã lẩn trốn sang một quốc gia nước ngoài nào đó với mong muốn lẩn tránh, trốn chạy trách nhiệm hình sự, hay lẩn tránh những ràng buộc pháp lý mà mình phải chịu. Bởi vậy, trong hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự quốc tế sẽ tồn tại các hoạt động giúp đảm bảo cho quá trình điều tra, truy tố, xét xử được những người phạm tội lẩn trốn như trên, trước hết nhằm đảo bảo nguyên tắc người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự; bên cạnh đó còn thể hiện sự hợp tác, tinh thần ngọaị giao quốc tế trong lĩnh vực tư pháp về hình sự.
Trước hết, cần phân biệt hoạt động áp giải và dẫn giải do Cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện trong tố tụng hình sự với dẫn giải người đang chấp hành hình phạt tù tại Việt Nam cho cơ quan có thẩm quyền của nước yêu cầu để cung cấp chứng cứ trong vụ án hình sự tại nước yêu cầu.
Theo qui định của pháp luật Tố tụng hình sự, áp giải và dẫn giải đều nhằm mục đích bảo đảm sự có mặt của bị can, bị cáo và người làm chứng để các Cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện các hoạt động điều tra, xét xử theo đúng qui định của pháp luật. Trong đó, áp giải được áp dụng đối với những bị can đã được trao giấy triệu tập hợp lệ mà vắng mặt tại Cơ quan điều tra không có lý do chính đáng hoặc có biểu hiện trốn tránh. Dẫn giải được áp dụng đối với người làm chứng và là biện pháp cưỡng chế do Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát áp dụng để buộc người này phải đến làm chứng trong trường hợp đã được triệu tập mà cố ý không đến khi không có lý do chính đáng, gây trở ngại cho việc điều tra, truy tố tội phạm .
Khác với dẫn giải người làm chứng trong tố tụng hình sự, dẫn giải theo qui định của luật Tương trợ tư pháp năm 2007 là dẫn giải người đang thi hành hình phạt tù tại Việt Nam cho nước ngoài nhằm mục đích cung cấp chứng cứ trong vụ án hình sự tại nước yêu cầu. Theo đó, “ Người đang chấp hành hình phạt tù tại Việt Nam có thể được dẫn giải cho cơ quan có thẩm quyền của nước yêu cầu để cung cấp chứng cứ trong vụ án hình sự tại nước yêu cầu”. Tuy nhiên, Cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam chỉ dẫn giải người đang chấp hành hình phạt tù với các điều kiện“ Người đó đồng ý với việc dẫn giải và cung cấp chứng cứ tại nước yêu cầu” và “Cơ quan có thẩm quyền của nước yêu cầu phải cam kết bằng văn bản về việc bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, điều kiện ăn ở, đi lại, thời hạn, phương thức tiếp nhận, trao trả và các điều kiện cụ thể khác liên quan đến việc dẫn giải do cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền của Việt Nam đề nghị”.

Như vậy, nếu dẫn giải và áp giải là hành vi của Cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện theo thủ tục tố tụng hình sự, nhằm giải quyết vụ án hình sự ở trong nước thì dẫn giải người đang thi hành hình phạt tù cho cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài là hành vi tương trợ tư pháp về hình sự giữa các quốc gia với nhau để người bị dẫn giải cung cấp chứng cứ trong vụ án hình sự đang được tiến hành tố tụng ở nước ngoài.

Phân biệt dẫn độ với dẫn giải trong tương trợ tư pháp về hình sự

Về bản chất, dẫn giải và dẫn độ cho nước nước ngoài đều là các hoạt động tương trợ tư pháp giữa Việt Nam với nước ngoài. Tuy nhiên, hai hoạt động này khác nhau về mục đích. Cụ thể, nếu dẫn độ là họat động do nước được yêu cầu tiến hành nhằm chuyển giao người phạm tội đang có mặt trên lãnh thổ của mình cho nước yêu cầu để nước này truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc buộc người bị yêu cầu dẫn độ phải thi hành hình phạt của bản án đã có hiệu lực pháp luật thì dẫn giải người đang thi hành hình phạt tù cho cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài lại nhằm mục đích để người này cung cấp chứng cứ trong vụ án hình sự được giải quyết ở nước ngoài.
Mặt khác, nếu đối tượng bị dẫn độ có thể là người đã thực hiện hành vi phạm tội nhưng chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã bị xét xử bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật thì đối tượng bị dẫn giải cho nước ngoài để cung cấp chứng cứ trong vụ án hình sự là người đang thi hành hình phạt tù tại Việt Nam.
Cuối cùng, nếu dẫn độ hay không dẫn độ hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí, sự hợp tác của quốc gia được yêu cầu thì dẫn giải người đang chấp hành hình phạt tù cho nước ngoài để cung cấp chứng cứ chỉ được thực hiện nếu người bị dẫn giải đồng ý với việc dẫn giải và cung cấp chứng cứ tại nước yêu cầu cũng như cam kết của nước này bằng văn bản về việc bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, điều kiện ăn ở, đi lại, thời hạn, phương thức tiếp nhận, trao trả và các điều kiện cụ thể khác liên quan đến việc dẫn giải.

Phân biệt dẫn độ với tương trợ tư pháp về hình sự
Về bản chất, dẫn độ và tương trợ tư pháp về hình sự đều là các hình thức biểu hiện và cụ thể hóa của hoạt động hợp tác tương trợ tư pháp trong lĩnh vực đấu tranh phòng, chống tội phạm giữa các quốc gia. Tuy nhiên, tương trợ tư pháp về hình sự và dẫn độ có một số điểm khác biệt cơ bản sau đây:
Thứ nhất, nếu phạm vi của tương trợ tư pháp về hình sự giữa các quốc gia được giới hạn bởi các hoạt động hợp tác để tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu liên quan; triệu tập người làm chứng, người giám định; thu thập, cung cấp chứng cứ; truy cứu trách nhiệm hình sự; trao đổi thông tin và các yêu cầu tương trợ tư pháp khác về hình sự thì dẫn độ chỉ giới hạn trong việc chuyển giao người phạm tội của quốc gia này cho quốc gia khác.
Thứ hai, nếu tương trợ tư pháp về hình sự nhằm mục đích giúp cơ quan có thẩm quyền của nước yêu cầu thực hiện hoạt động điều tra, truy tố, xét xử người đã thực hiện hành vi phạm tội hoặc giải quyết các vấn đề khác liên quan đến vụ án hình sự (chủ yếu là các vấn đề về xử lý tài sản do phạm tội mà có hoặc tài sản liên quan đến hành vi phạm tội) thì dẫn độ lại nhằm mục đích giúp nước yêu cầu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc buộc người bị yêu cầu dẫn độ phải thi hành hình phạt của bản án đã có hiệu lực pháp luật mà người này đã trốn tránh thi hành.
Thứ ba, mặc dù trong tương trợ tư pháp về hình sự và dẫn độ đều có chung mục đích “truy cứu trách nhiệm hình sự” đối với người phạm tội. Tuy nhiên, trong tương trợ tư pháp về hình sự, “yêu cầu truy cứu trách nhiệm hình sự” là hành vi của nước yêu cầu, yêu cầu nước mà người phạm tội đang lẩn trốn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người đó trong trường hợp nước được yêu cầu từ chối dẫn độ cho nước yêu cầu. Ngược lại, trong dẫn độ thì “truy cứu trách nhiệm hình sự” là một trong hai mục đích của dẫn độ (dẫn độ để truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành án) và việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người bị dẫn độ sẽ do cơ quan có thẩm quyền của nước yêu cầu thực hiện.
Xuất phát từ những điểm giống và nhau giữa tương trợ tư pháp về hình sự và dẫn độ như đã nêu ở trên, các nhà làm luật Việt Nam đã gộp tương trợ tư pháp về hình sự và dẫn độ vào một luật chung – Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 nhưng được qui định ở hai chương khác nhau, Chương III- Tương trợ tư pháp về hình sự và Chương IV-Dẫn độ.


Ghi chú: Bài viết được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng VIệt Nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Đánh giá *