Quyền này bao gồm ba khía cạnh liên kết với nhau đó là:
(i) không bị phân biệt đối xử,
(ii) được thừa nhận tư cách con người trước pháp luật, và
(iii) có vị thế bình đẳng trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ một cách bình đẳng.
Điều này đặt ra một nghĩa vụ với các quốc gia thành viên phải nghiêm cấm và trừng phạt mọi sự phân biệt đối xử, đảm bảo cho mọi người có mặt trên lãnh thổ nước mình, bất kể người đó là công dân nước mình, người không quốc tịch hay người nước ngoài, sự bảo hộ bình đẳng và có hiệu quả chống lại những phân biệt đối xử về chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, quan điểm chính trị hoặc quan điểm khác, nguồn gốc dân tộc hoặc xã hội, tài sản, thành phần xuất thân hoặc bất cứ địa vị nào khác. Theo Ủy ban giám sát ICCPR, quyền này phải được áp dụng trong mọi tình huống, kể cả trong tình trạng khẩn cấp của quốc gia.
Theo Luật nhân quyền quốc tế, bình đẳng không có nghĩa là áp dụng một kiểu đối xử cho mọi đối tượng trong cùng một tình huống (tức cào bằng), và không phải mọi sự khác biệt về đối xử đều bị coi là sự phân biệt đối xử theo nghĩa tiêu cực. Nếu sự đối xử khác biệt được xác định dựa trên các điều kiện hợp lý, khách quan và nhằm mục đích để đạt được sự bình đẳng thì không bị coi là trái với ICCPR45.