Nội dung cơ bản của nguyên tắc quyền miễn trừ của quốc gia là, trong quan hệ tư pháp quốc tế, nếu không có sự đồng ý của quốc gia thì không một cơ quan nhà nước nào được phép xét xử, áp dụng các biện pháp nhằm đảm bảo cho vụ kiện, thi hành án đối với quốc gia cũng như áp dụng các biện pháp như tịch thu, sai áp, bắt giữ … các tài sản thuộc sở hữu của quốc gia.
Như vậy, nguyên tắc quyền miễn trừ của quốc gia đảm bảo cho quốc gia khi tham gia vào quan hệ tư pháp quốc tế được hưởng quyền miễn trừ về tư pháp và miễn trừ đối với tất cả tài sản thuộc sở hữu của quốc gia. Nguyên tắc này cũng giống như nguyên tắc bình đẳng về mặt pháp lý giữa các chế độ sở hữu của các quốc gia khác nhau xuất phát từ nguyên tắc cơ bản của Luật quốc tế hiện đại, đó là bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia.
Quyền miễn trừ của quốc gia trong lĩnh vực tư pháp quốc tế được ghi nhận trong nhiều điều ước quốc tế và pháp luật quốc gia, chẳng hạn như: Công ước Brussels 1926 về thống nhất các quy định về miễn trừ tàu thuyền nhà nước, Công ước Vienna 1961 về quan hệ ngoại giao, Công ước Vienna 1963 về quan hệ lãnh sự, Công ước của Liên hợp quốc năm 2004 về quyền miễn trừ tài phán và miễn trừ tài sản của quốc gia, Luật về quyền miễn trừ nhà nước dành cho quốc gia nước ngoài của Hoa Kỳ năm 1976, Luật về quyền xét xử dân sự của nước Nhật với nước ngoài năm 2009 ….