Nguyên tắc này được xây dựng trên cơ sở: môi trường sẽ được bảo vệ một cách tốt nhất thông qua các biện pháp phòng ngừa thiệt hại hơn là thông qua các nỗ lực sửa chữa hoặc đền bù, sau khi tổn hại xảy ra cho môi trường. Các biện pháp ngăn ngừa sẽ trở nên hữu hiệu hơn khi chúng nhằm giảm thiểu các nguồn gây hại môi trường nhiều hơn là nhằm giải quyết hậu quả của các tác động gây hại.
Sự thay đổi quy trình sản xuất nhằm giảm thiểu các chất gây hại ngay từ ban đầu sẽ hiệu quả và đỡ tốn hơn là việc đầu tư cho hệ thống kiểm tra, xử lý, thu gom các chất gây tổn hại môi ưường ở cuối quy trình sản xuất. Áp dụng nguyên tắc này cũng nhằm ngăn ngừa sự lan truyền tổn hại môi trường từ vùng này sang vùng khác hoặc chuyển từ trạng thái tổn hại môi ttường này sang trạng thái tổn hại môi trường khác.
Ở cấp quốc gia, nguyên tắc này yêu cầu các quốc gia cần ban hành luật pháp hữu hiệu về môi trường, các tiêu chuẩn môi trường, những mục tiêu quản lý và những ưu tiên, phản ánh nội dung môi trường và phát triển, các biện pháp phòng ngừa áp dụng cho các hoạt động công cộng và tư nhân có thể gây ra các tổn hại tiềm năng cho môi trường. Các quốc gia cần khuyến khích sự tham gia của các công dân vào giải quyết các vấn đề môi trường và đánh giá tác động môi trường đối với các biện pháp được áp dụng.
Các quốc gia có khả năng bị ảnh hưởng bởi các thiệt hại môi trường xuyên biên giới có thể áp dụng các biện pháp tự vệ bảo vệ môi trường của mình trên cơ sở tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia nơi các mối đe doạ và thiệt hại tiềm ẩn về môi trường xuất phát.