1. Khái niệm phòng ngừa tội phạm
Phòng ngừa tội phạm, xét về mặt ngôn ngữ được hiểu là hoạt động nhằm không cho tội phạm xảy ra. Như vậy, phòng ngừa tội phạm không phải là hoạt động hướng tới tội phạm đã xảy ra – tội phạm hiện thực mà là nhằm không cho tội phạm xảy ra. Để thực hiện được mục đích này đòi hỏi hoạt động phòng ngừa tội phạm phải loại trừ dần nguyên nhân của tội phạm qua việc chủ động tác động đến các thành tố hợp thành nguyên nhân đó theo hướng giảm thiểu, triệt tiêu các thành tố này hoặc hạn chế tác dụng của nó. Hoạt động này không thể là hoạt động đơn lẻ mà đòi hỏi phải là hoạt động có tính tổng hợp của Nhà nước, của cả xã hội và của mọi công dân. Như vậy, có thể định nghĩa:
Phòng ngừa tội phạm là hoạt động có tính chủ động và tổng hợp của Nhà nước, của xã hội và của mọi công dân hướng tới việc hạn chế, ngăn ngừa sự hình thành các thành tố tạo thành nguyên nhân của tội phạm hoặc làm cho các thành tố này không phát huy được tác dụng để loại trừ dần nguyên nhân của tội phạm, ngăn ngừa tội phạm xảy ra.
Với cách hiểu này, phòng ngừa tội phạm khác với chống tội phạm và cũng khác với kiểm soát tội phạm. Nhưng chống tội phạm cũng như kiểm soát tội phạm không phải độc lập hoàn toàn với phòng ngừa tội phạm vì chống tội phạm và kiểm soát tội phạm cũng có mục đích phòng ngừa tội phạm và trong phạm vi nhất định, hoạt động cụ thể của chống tội phạm hay kiểm soát tội phạm cũng là hoạt động phòng ngừa tội phạm, vấn đề này được trình bày cụ thể hơn ở phần tiếp theo.
2. Mục đích và nội dung của phòng ngừa tội phạm
Phòng ngừa tội phạm nhằm mục đích kìm chế sự gia tăng, hạn chế dần mức độ và tính chất nghiêm trọng của tội phạm và ngăn ngừa tội phạm xảy ra. Theo đó, mục đích của phòng ngừa tội phạm có các mức độ khác nhau từ kìm chế sự gia tăng của tội phạm, hạn chế dần mức độ và tính chất nghiêm trọng của tội phạm đến ngăn ngừa tội phạm xảy ra.
Để có thể đạt được mục đích này đòi hỏi phải đưa ra được hệ thống các biện pháp phòng ngừa phù hợp với thực trạng và diễn biến của tội phạm và có tính khả thi cũng như phải tể chức triển khai thực hiện được các biện pháp phòng ngừa này một cách đồng bộ và hợp lý.
Các biện pháp phòng ngừa tội phạm phải được xây dựng trên cơ sở khảo sát, đánh giá đầy đủ, toàn diện tình hình tội phạm đã xảy ra, dự báo tình hình tội phạm sẽ xảy ra và xuất phát từ các giải thích về nguyên nhân của tội phạm. Các biện pháp phòng ngừa tội phạm được xây dựng trên cơ sở xác định đúng nguyên nhân của tội phạm mới có khả năng ngăn ngừa sự hình thành cũng như loại trừ dần nguyên nhân của tội phạm.
Các biện pháp phòng ngừa tội phạm được đưa ra cũng đòi hỏi phải phù hợp với điều kiện thực tế cho phép để đảm bảo tính khả thi. Khi đề ra các biện pháp phòng ngừa tội phạm không những phải tính đến tính hiệu quả mà còn phải tính cả đến tính khả thi của biện pháp.
Các biện pháp phòng ngừa tội phạm là các biện pháp hướng tới các thành tố có thể tạo thành nguyên nhân của tội phạm. Các thành tố này bao gồm: “tình huống tiêu cực” của môi trường và “phẩm chất tâm lý tiêu cực” của con người. Trong đó, “tình huống tiêu cực” cũng bao gồm cả xử sự “tạo điều kiện” của chính nạn nhân với tư cách là cá nhân công dân hoặc với tư cách là tổ chức, pháp nhân. Như vậy, các biện pháp phòng ngừa tội phạm cân hướng tới những người có nguy cơ phạm tội như người đã phạm tội, người đã có hành vi vi phạm …, hướng tới những người hoặc tổ chức có khả năng trở thành nạn nhân của tội phạm cũng như phải hướng tới khả năng phát sinh “tình huống tiêu cực” của môi trường. Đó là ba hướng tác động của các biện pháp phòng ngừa tội phạm. Cụ thể:
– Các biện pháp phòng ngừa tội phạm hướng tới những người có nguy cơ phạm tội là nhằm kiểm soát, hạn chế, loại trừ điều kiện phạm tội cũng như nhằm giáo dục, răn đe để kiềm chế ý định phạm tội của họ.
– Các biện pháp phòng ngừa tội phạm hướng tới những người hoặc tổ chức có khả năng trở thành nạn nhân của tội phạm bao gồm các biện pháp ngăn ngừa được thực hiện bởi Nhà nước và xã hội nhằm bảo vệ các đối tượng này cũng như các biện pháp cảnh báo để chính họ có các biện pháp ngăn ngừa, tự bảo vệ mình.
– Các biện pháp phòng ngừa tội phạm hướng tới khả năng phát sinh “tình huống tiêu cực” của môi trường bao gồm các biện pháp phòng ngừa bao trùm tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội nhằm giảm thiểu các “tình huống tiêu cực” mà các tình huống này có thể góp phần tạo ra các “phẩm chất tâm lý tiêu cực” của con người cũng như góp phần thúc đẩy việc phạm tội ở người có “phẩm chất tâm lý tiêu cực”.
Các biện pháp phòng ngừa tội phạm hướng tới ba hướng tác động này tạo thành hệ thống các biện pháp khác nhau, trong đó có sự đan xen lẫn nhau, nhiều biện pháp phòng ngừa cùng hướng tới một hướng tác động và một biện pháp phòng ngừa có thể có ảnh hưởng đến nhiều hướng tác động khác nhau.
Các biện pháp phòng ngừa tội phạm hướng tới các thành tố tạo thành nguyên nhân của tội phạm là nhằm hạn chế, triệt tiêu hoặc “trung hoà” các thành tố này. Các thành tố tạo thành nguyên nhân của tội phạm rất đa dạng, gắn với tất cả các mặt của đời sống xã hội, luôn biến đổi theo sự phát triển kinh tế, xã hội; cơ chế hình thành và tác động của các thành tố này cũng rất phức tạp. Do vậy, các biện pháp phòng ngừa tội phạm cũng không thể chỉ là các biện pháp đơn lẻ mà phải là hệ thống đồng bộ, được tiến hành thường xuyên, liên tục và có tính lâu dài. Các biện pháp này là hoạt động chủ động không chỉ của Nhà nước mà còn là của toàn xã hội và của tất cả mọi công dân. Ở khía cạnh này, có thể nói hoạt động phòng ngừa tội phạm là hoạt động công và hoạt động tư, là hoạt động liên tục, gan liền và có sự thay đổi linh hoạt cùng với quá trình phát triển của xã hội nói chung. Do tính hệ thống, tính liên tục và tính thay đổi linh hoạt như vậy mà khó có thể liệt kê được một cách đầy đủ các biện pháp phòng ngừa tội phạm cụ thể mà chỉ có thể khái quát các nhóm biện pháp phòng ngừa tội phạm và các định hướng phòng ngừa tội phạm.
3. Phân loại các biện pháp phòng ngừa tội phạm
Các biện pháp phòng ngừa tội phạm cỏ thể được phân loại theo các tiêu chí khác nhau. Trong đó có tiêu chí theo tính chất tác động của biện pháp phòng ngừa tội phạm, tiêu chí theo nội dung tác động của biện pháp phòng ngừa tội phạm và tiêu chí theo phạm vi tác động của biện pháp phòng ngừa tội phạm:
– Xét về tính chất tác động của biện pháp phòng ngừa tội phạm có thể phân loại các biện pháp phòng ngừa tội phạm thành 2 nhóm sau:
+ Các biện pháp phòng ngừa tội phạm cơ bản – gián tiếp và
+ Các biện pháp phòng ngừa tội phạm thứ cấp – trực tiếp)
Các biện pháp phòng ngừa tội phạm cơ bản – gián tiếp là các biện pháp tuy hướng tới các nguyên nhân “gốc rễ” của tội phạm nói chung nhưng đó không phải là mục đích trực tiếp. Đây là các biện pháp nhằm tới mục đích trực tiếp là các vấn đề kinh tế-xã hội nhưng gián tiếp lại là các biện pháp bao trùm, có ý nghĩa đối với tất cả các tội phạm, đối với tất cả mọi người và có tính triệt để, giải quyết tận gốc vấn đề nguyên nhân của tội phạm. Các biện pháp này là các biện pháp có tính lâu dài, có tác dụng dần dần từng bước. Thuộc về các biện pháp này phải kể đến trước hết là các biện pháp phát triển kinh tế, ổn định xã hội, khắc phục những hạn chế, cải thiện tình hình kinh tế-xã hội như vấn đề thất nghiệp hay thất học, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của các tầng lóp dân cư; các biện pháp lành mạnh hoá các môi trường giáo dục, nâng cao trình độ vãn hoá, ý thức tôn trọng pháp luật và trách nhiệm của công dân; các biện pháp nâng cao “tính giáo dục” của pháp luật, trong đó có pháp luật hình sự …
Các biện pháp phòng ngừa tội phạm cơ bản – gián tiếp tuy không tác động trực tiếp, tức thời đến nguyên nhân của tội phạm nhưng được coi là các biện pháp có tính chủ động, tích cực theo đúng nghĩa nhất và cũng là các biện pháp giải quyết vấn đề nguyên nhân của tội phạm một cách bền vững.
Các biện pháp phòng ngừa tội phạm thứ cấp – trực tiếp là các biện pháp hướng tới các “nguy cơ phạm tội” cụ thể, tác động đến các thành tố tạo thành nguyên nhân của tội phạm với nội dung cụ thế và trực tiếp là hạn chế, triệt tiêu hoặc “trung hoà” các thành tố này. Thuộc về các biện pháp phòng ngừa này trước hết là các biện pháp tăng hiệu quả của quản lý hành chính nhà nước trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội như lĩnh vực kinh tế- xã hội, lĩnh vực an ninh, quôc phòng, lĩnh vực văn hoá, trật tự, an toàn xã hội … Ngoài ra, các biện pháp phòng ngừa này còn có thể là các biện pháp tăng cường giám sát, quản lý các đối tượng có nguy cơ phạm tội hay phạm tội lại; là các biện pháp cảnh báo, hướng dẫn tránh trở thành nạn nhân của tội phạm như tội phạm về tình dục hay tội mua bán người …
Căn cử vào mục đích cụ thể, đối tượng hướng tới và phạm vi ảnh hưởng có thể chia các biện pháp phòng ngừa tội phạm thứ cấp – trực tiếp thành: Nhóm biện pháp phòng ngừa tội phạm đối với người phạm tội đã bị phát hiện; nhóm biện pháp phòng ngừa tội phạm đối với nhóm người có nguy cơ phạm tội; nhóm biện pháp phòng ngừa có tính cảnh báo đối với nhóm chủ thể (cá nhân hoặc đơn vị) có nguy cơ trở thành nạn nhân của tội phạm và nhỏm biện pháp phòng ngừa cụ thể do chính những chủ thể này thực hiện tự giác hoặc tự phát.
Thuộc về nhóm biện pháp phòng ngừa tội phạm đối với người phạm tội bao gồm không chỉ các biện pháp trách nhiệm hình sự được áp dụng cho người bị kết án mà theo nghĩa rộng còn bao gồm cả các biện pháp nhằm phát hiện, xử lý kịp thời tội phạm (Theo hướng phòng ngừa tội phạm này thì giữa biện pháp chống tội phạm và biện pháp phòng ngừa tội phạm có sự đồng nhất nhưng chưa thật đây đủ và cũng chưa được chú trọng đúng mực trong việc theo dõi, giám sát việc chấp hành các hình phạt này.). Các biện pháp này không chỉ nhằm ngăn chặn kịp thời không cho người phạm tội tiếp tục phạm tội mà còn nhằm răn đe, giáo dục họ cũng như nhằm hạn chế khả năng, điều kiện mà người phạm tội có thể sử dụng để phạm tội lại. Để đáp ứng được điều này đòi hỏi các biện pháp hình sự .cần được mở rộng, không được phép chỉ bó hẹp là hệ thống các hình phạt truyền thống với mục đích thiên về trừng trị. Trừng trị cũng như qua trừng trị để răn đe, giáo dục là cần thiết và là một hướng phòng ngừa tội phạm nhưng bên cạnh đó cũng cần có những biện pháp hình sự khác, có thể là hình phạt hoặc chỉ là biện pháp hỗ trợ mà những biện pháp này có tác dụng trực tiếp là góp phần phòng ngừa việc phạm tội lại của người bị kết án như quản chế; cấm cư trú; cấm hành nghề; cấm điều khiển phương tiện giao thông cơ giới … Trong Bộ luật hình sự Việt Nam đã có một số hình phạt có mục đích trực tiếp là phòng ngừa.
Các biện pháp hình sự được áp dụng đổi với người phạm tội không chỉ có tác dụng đối với chính họ mà cũng còn có tác dụng răn đe đối với nhóm người có nguy cơ phạm tội. Tác dụng răn đe này chỉ có thể có khi các thông tin về việc áp dụng các biện pháp hình sự đến được nhóm người này qua các kênh khác nhau, bằng các biện pháp tuyên truyền khác nhau. Tuy nhiên, tác động răn đe này là chưa đủ. Để phòng ngừa có hiệu quả đối với nhóm người có nguy cơ phạm tội này đòi hỏi phải có những biện pháp để có thể kiểm soát và can thiệp kịp thời, ngăn chặn “nguy cơ phạm tội” trở thành hiện thực.
Đối với mọi người nói chung, đặc biệt là đối với những người có nguy cơ trở thành nạn nhân của tội phạm nói riêng thi biện pháp phòng ngừa tội phạm chủ yếu là có tính cảnh báo nhằm giáo dục ý thức cảnh giác với tội phạm, tham gia phát hiện tội phạm và nhất là tự mình có các biện pháp phòng ngừa thích hợp. Tuyên truyền về vấn đề này và việc triển khai các biện pháp phòng ngừa theo tuyên truyền này là nội dung của nhóm biện pháp phòng ngừa tội phạm thứ ba thuộc các biện pháp phòng ngừa tội phạm thứ cấp – trực tiếp.
Các biện pháp phòng ngừa tội phạm thứ cấp – trực tiếp tuy có hiệu quả phòng ngừa tội phạm nhưng chi trong phạm vi giới hạn. không có tính triệt để mà có tính “tình thế”. Do vậy, các biện pháp này có thể bị coi là các biện pháp bị động để phân biệt với tính chủ động của các biện pháp phòng ngừa tội phạm cơ bản – gián tiếp.
Cách phân loại các biện pháp phòng ngừa tội phạm trên đây là cách phân loại chính và chủ yếu.
– Xét về nội dung tác động của các biện pháp phòng ngừa tội phạm có thể phân loại các biện pháp phòng ngừa tội phạm thành:
+ Các biện pháp phòng ngừa tội phạm thuộc về kinh tế-xã hội;
+ Các biện pháp phòng ngừa tội phạm thuộc về văn hoá, giáo dục;
+ Các biện pháp phòng ngừa tội phạm thuộc về tổ chức và quản lý và
+ Các biện pháp phòng ngừa tội phạm thuộc về pháp luật.
Các biện pháp phòng ngừa tội phạm thuộc về kinh tế-xã hội là các biện pháp nhằm phát triển kinh tế, đồng thời khắc phục các vấn đề xã hội mà các vấn đề này có thể góp phần hình thành nguyên nhân của tội phạm. Qua đó tạo tiền đề cho việc nâng cao đời sống vật chất cũng như tinh thần của các tầng lớp nhân dân, xoá dần sự khác nhau về mức sống và mặt bằng dân trí giữa các tầng lớp dân cư cũng như giữa các vùng, miền. Phát triển kinh tế phải đồng thời hạn chế các biểu hiện mặt trái của chính sự phát triển này. Ví dụ: Phát triển các khu công nghiệp hay đô thị phải đi đôi với việc lường trước và khắc phục tình trạng thất nghiệp do “mất” đất sản xuất nông nghiệp cũng như lường trước và khắc phục tình trạng quản lý hành chính nhà nước không đáp ứng kịp sự phát triển …
Các biện pháp phòng ngừa tội phạm thuộc về văn hoá, giáo dục là các biện pháp nhằm cải thiện, nâng cao đời sống văn hoá; mở rộng và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo; phát huy tính tích cực của công tác tuyên truyền. Qua đó tạo ra môi trường xã hội lành mạnh, có tính văn hoá, giáo dục cao góp phần tích cực trong việc hạn chế sự hình thành các “phẩm chất tâm lý tiêu cực”, nâng cao ý thức trách nhiệm cũng như sự hiểu biết đặc biệt là ý thức tuân thủ pháp luật và tinh thần cảnh giác phòng ngừa tội phạm của mọi người …
Các biện pháp phòng ngừa tội phạm thuộc về tổ chức, quản lý là các biện pháp nhằm tăng hiệu quả của công tác quản lý, khắc phục “kẽ hở” là “tình huống tiêu cực” của môi trường – một thành tố tạo nên nguyên nhân của tội phạm … Đó là các biện pháp về quản lý hành chính nhà nước trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và các biện pháp quản lý hành chính trong nội bộ các cơ quan, đơn vị, tổ chức. Trong đó có các biện pháp về mặt tổ chức nhằm hoàn thiện công tác quản lý hành chính nhà nước cũng như công tác quản lý hành chính.
Các biện pháp phòng ngừa tội phạm thuộc về pháp luật là các biện pháp nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo điều kiện cho pháp luật góp phần tích cực vào công tác quản lý xã hội, phát hiện và xử lý vi phạm cũng như tội phạm. Theo đó thì các biện pháp phòng ngừa tội phạm thuộc về pháp luật còn bao gồm cà các biện pháp nâng cao hiệu quả đấu tranh chống vi phạm và tội phạm …
Sự phân loại trên chỉ có tính chất tương đối vì trên thực té, các loại biện pháp phòng ngừa tội phạm luôn đan xen với nhau.
Ví dụ: Việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tội phạm thuộc về văn hoá, giáo dục không thể không phụ thuộc vào các biện pháp phòng ngừa tội phạm thuộc về kinh tế-xã hội cũng như các biện pháp phòng ngừa tội phạm thuộc về tổ chức, quản lý …
– Xét về phạm vi tác động của các biện pháp phòng ngừa tội phạm có thể phân loại các biện pháp phòng ngừa tội phạm thành:
+ Các biện pháp phòng ngừa tội phạm nói chung;
+ Các biện pháp phòng ngừa từng nhóm tội phạm cụ thể như nhỏm các tội phạm về tham những, nhóm các tội phạm về cờ bạc, …;
Các biện pháp phòng ngừa tội phạm do từng nhóm chủ thể thực hiện như nhóm chủ thể là người chưa thành niên, nhóm chủ thể là phụ nữ, … và
+ Các biện pháp phòng ngừa loại tội cụ thể như tội mua bán người, tội cướp tài sản …
Ghi chú: Bài viết được gửi tặng hoặc được sưu tầm, biên tập với mục đích tuyên truyền pháp luật. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền vui lòng gửi thông báo cho chúng tôi, kèm theo tài liệu chứng minh vi phạm qua Email: banquyen.vpludvn@gmail.com; Đồng thời, chúng tôi cũng rất mong nhận được tài liệu tặng từ quý bạn đọc qua Email: nhantailieu.vpludvn@gmail.com. Xin cảm ơn quý bạn đọc đã quan tâm tới Viện Pháp luật Ứng dụng Việt Nam.